Con Đường Trung Đạo

CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

Định nghĩa: Trung là giữa, Đạo là đường. Con đường Trung Đạo là con đường đi giữa ranh giới của thiện và ác, không khinh cũng chẳng trọng.

Phàm cái gì ở giữa thì được gọi là Trung, ví dụ như Trung đạo, trung điểm, trung tâm... Ăn không quá no hoặc quá đói, nhiệt độ không quá nóng - không quá lạnh, không quá sáng - không quá tối, không quá mặn - không quá nhạt...

Trung đạo có thể gọi là Tình yêu vì đó là điểm dễ chịu nhất đối với thể chất, tình cảm và tinh thần của con người. Đó là trạng thái của tình yêu, cân bằng và hòa hợp.

Tuy nhiên nếu một đứa trẻ luôn sống trong môi trường có nhiệt độ lý tưởng với cơ thể người (26 độ chẳng hạn) mà chúng ta hỏi nó nóng và lạnh là gì thì nó không biết. Bởi vì nó chưa được trải nghiệm thế nào là nóng, thế nào là lạnh. Khi chưa được trải nghiệm tính hai mặt đó nó cũng chẳng thể biết 26 độ là dễ chịu và nó cũng không cảm thấy hạnh phúc về điều đó.

Một người sinh ra trong môi trường có mọi điều kiện lý tưởng lại chưa chắc đã phải một người hạnh phúc, nói cách khác chưa trải nghiệm khổ thì không biết thế nào là sướng và cũng không biết trân trọng những gì mà nó đang có. Bởi vậy nó cũng chẳng sống với lòng biết ơn và nó sẽ giống như một con gà công nghiệp (sức đề kháng thấp với môi trường)

Một đứa trẻ khi chưa sờ tay vào bát canh nóng mà chúng ta cứ bảo nó rằng nóng đấy thì nó cũng chẳng hiểu nóng là gì. Trẻ con nó học bằng trải nghiệm chứ không phải lý trí. Vậy nên khi nó chưa thực sự trải nghiệm nó cũng không hề biết sờ vào nước sôi là nguy hiểm và cũng không có cơ chế tự bảo vệ bản thân.

Hiểu một cách đơn giản thì muốn trở về với Trung Đạo (tình yêu) cần trải nghiệm tính 2 mặt nhị nguyên trước. Chưa biết trên biết dưới thì không thể xác định được điểm giữa (cân bằng, trung điểm). Nói cách khác khi mới trải nghiệm một thứ gì đó mới lạ chúng ta luôn rất phấn khích (ham thích) hoặc chán ghét, khi trải nghiệm một thời gian đủ lâu ta sẽ thấy các vấn đề bất cập của nó và điều chỉnh lại cho phù hợp hơn.

Xét lại con đường của các bậc giác ngộ xưa và nay ta thấy luôn có một điểm chung là:

1. Khổng Tử có Đạo "Trung dung". Trung là giữa, dung là hòa. Vậy Trung Dung là không thiên lệch về một bên nào, luôn luôn giữ ở mức quân bình, không thái quá mà cũng không bất cập, thích đáng trong tất cả quan hệ đối với người hay xử lý các việc.

2. Phật giáo thì có lý "Trung đạo". Trung đạo (madhyamā-pratipad) là con đường tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh, nó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Ngài, sau khi sống hưởng thụ trong hoàng cung, và trải qua 6 năm tu khổ hạnh, nhờ con đường này mà Ngài thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.

3. Theo giáo lý bên Thiên Chúa Giáo thì Chúa là đấng công bình và ngay thẳng, con đường của Chúa là con đường tình yêu.

"Con đường Trung Đạo là con đường đi giữa ranh giới của thiện và ác, không khinh cũng chẳng trọng". Thế nào khinh, thế nào là trọng? Ở đây hiểu đơn giản là không khinh thường cái xấu mà cũng chẳng quý trọng cái đẹp. Bởi quý cái đẹp đồng nghĩa với việc ghét cái xấu mất rồi. Nâng người này lên đồng nghĩa với hạ người khác xuống. Điều đó gây ra sự phân biệt, chia rẽ và tình yêu biến mất.

Trung đạo chỉ có thể là tình yêu khi yêu được cả đẹp và xấu, yêu được cả thiện và ác. Yêu thiện thì dễ lắm, yêu ác mới khó. Yêu người đồng quan điểm với mình thì đơn giản chứ yêu người bất đồng quan điểm mới khó. Muốn yêu thì cần phải hiểu, muốn hiểu cần đặt mình vào vị trí, góc nhìn của họ. Từ chỗ hiểu rồi mới có thể đồng cảm, sẻ chia và giúp đỡ được họ.

Đôi khi cần có trải nghiệm thực tế mới có thể hiểu được cảm xúc của họ khi ở trong hoàn cảnh đó, hiểu được động cơ vì sao họ hành xử như thế. Phật cũng nói: "Các con đừng vội tin tưởng vào bất cứ điều gì, cho dù những điều ấy đã được chép trong kinh điển. Cũng đừng vội tin tưởng vào bất kỳ điều gì, cho dù điều ấy được nói ra từ những đạo sư danh tiếng (bao gồm luôn cả Phật)". Đơn giản nếu chưa trải nghiệm thực tế vẫn chỉ là đi vay mượn tri thức chứ nó chưa phải là "của mình". Nó mới là Trí chứ chưa phải là Tuệ.

Vũ trụ của chúng ta là vũ trụ nhị nguyên, có âm có dương, có ngày có đêm, có sáng có tối, có nam có nữ, có yêu có ghét, có cứng có mềm... Khi chưa được trải nghiệm tính hai mặt của cuộc sống này chúng ta chưa thể về trung đạo được, vậy thì Trải nghiệm là một nút thắt quan trọng trên hành trình bước vào con đường Trung Đạo. Tuy nhiên mọi trải nghiệm đều dễ khiến chúng ta bị vướng mắc (ham thích), kẹt lại trong "cái chấp" và không thoát ra được. Vì vậy tâm thái của chúng ta khi tham gia trải nghiệm rất quan trọng.

Chúng ta chỉ quan sát và nhìn nhận sự việc, hiện tượng như nó đang là... Không đi kèm với so sánh, đánh giá, kỳ vọng hoặc phán xét. Mệt biết mệt, đau biết đau, vui biết vui, buồn biết buồn. Công nhận các trạng thái của mọi trải nghiệm như nó đang là...

Bỏ qua mọi sự mong cầu hoặc kỳ vọng, điều này hết sức quan trọng. Bởi vì khi mong cầu hoặc kỳ vọng một điều gì đó chúng ta sẽ dễ bị thất vọng. Khi thất vọng chúng ta bị sụt giảm năng lượng về mặt tinh thần, thể chất và ảnh hưởng đến thực tế trải nghiệm. Khi bất như ý chúng ta thường hay đánh giá hoặc phán xét, trong trạng thái đó sự thật sẽ bị che mờ do năng lượng tiêu cực đang chiếm hữu.

Thế giới này suy cho cùng thì mọi "vấn đề" đang tồn tại như phân chia giai cấp, giới tính, màu da, tôn giáo... cũng chỉ bởi thiếu thốn tình yêu. Chưa yêu là bởi vì "chưa hiểu" nên mới có chiến tranh, loạn lạc, phân ly.

Người ta nói rằng quý lắm mới được sinh ra làm người vì cõi người là cõi có đầy đủ các cung bậc cảm xúc, có đầy đủ trải nghiệm về tính 2 mặt nhị nguyên. Có quyền tự do ý chí lựa chọn "đi lên" hoặc là "đi xuống". Cõi này có thể coi là Trung vì nó nằm ở giữa các cõi giới khác. Súc sanh muốn làm thần tiên gì trước đó cũng phải làm người. Tiên muốn lên thành Phật cũng phải lộn về làm người mới có đủ bài học, trải nghiệm để tiến hóa tiếp.

Thiên đường là nơi chốn công bình về ăn ở, là Đại đồng, là không phân biệt nên Thiên đường cũng là Trung Đạo. Trái đất này có đầy đủ cơ duyên để trở thành thiên đường trong tương lai không xa. Tuy nhiên muốn đến được thiên đường chúng ta cần trở thành công dân thiên đường đã. Chỉ có một con đường cho hành trình đó.

ĐÓ LÀ CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

Hoàng Nhật Minh

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh