Vượt Qua Nhị Nguyên, Bước Vào Tam Nguyên - Con Đường Trung Đạo

VƯỢT QUA NHỊ NGUYÊN, BƯỚC VÀO TAM NGUYÊN - CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

"Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật"

Chúng ta, mỗi một linh hồn khi mới sinh ra đều xuất phát từ nguồn (Nhất nguyên). Từ nhất nguyên chúng ta bắt đầu hành trình đi khám phá vũ trụ (Nhị nguyên), rồi khi đã thấu triệt tính hai mặt đối lập của nhị nguyên thì chúng ta bước vào hành trình phát triển vũ trụ (Tam nguyên). Cho đến khi chán chê không còn gì để phát triển nữa chúng ta lại trở về Nguồn (Nhất nguyên). Về Nguồn rồi tổng hợp toàn bộ kiến thức đã học vẽ ra một bức tranh đẹp hơn, đút bức tranh đó vào bộ máy (thiên cơ) để cho nó diễn sinh ra một vũ trụ mới, chúng ta lại lao mình ra khám phá cái vũ trụ mới toe này.

Vòng lặp cứ như vậy kéo dài mãi không thôi. Đây là hành trình của niềm vui, của hạnh phúc, của sáng tạo bất tận nên chúng ta chỉ cần là người quan sát. Bởi vì chỉ khi là người quan sát giỏi bạn mới có thể học được vô vàn các bài học quý như vàng tại vũ trụ nhị nguyên này. Bạn học được càng nhiều bạn càng sáng. Bài học đến nếu bạn chưa học được nó sẽ quay trở lại với sức mạnh lớn hơn và càng về sau càng lớn để bạn có thể nhận ra bài học của mình. Vậy nên càng quan sát giỏi càng ít khổ đau. Bài nào học xong rồi thì không cần học lại nữa.

Trước khi vào chủ đề này tôi xin làm rõ các khái niệm để các bạn dễ hình dung:

1. NHỊ NGUYÊN LÀ GÌ?

Vũ trụ của chúng ta được hình từ 2 hạt cơ bản là electron và hạt nhân (âm - dương). Từ 2 hạt đó mà sinh ra vạn vật gọi là vũ trụ nhị nguyên. Vậy nhị nguyên là gì? Nhị nguyên là vạn sự trên đời đều có mặt đối lập của nó như 2 mặt của đồng xu vậy.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Bạn nào tìm hiểu về nhị nguyên thì xem lại ở bài này nhé:

https://khoahoctamlinh.vn/thuc-tinh-tam-linh/thoat-khoi-nhi-nguyen-885.html

2. TAM NGUYÊN LÀ GÌ?

Bạn đang sống ở vũ trụ nhị nguyên, bởi vì ở nhị nguyên nên bao giờ cũng có 2 mặt đối lập như thân thể (vật chất) và linh hồn (phi vật chất) vậy. Rồi bỗng nhiên một ngày bạn phát hiện ra rằng có một đồng chí luôn quan sát bạn, tuyệt đối im lặng, chỉ nhắc nhở bạn khi cần thiết. Đồng chí ấy chính là thượng đế ngôi 1 (Nguồn). Và khởi nguồn của tam nguyên chính là sự kiện bạn nhận ra đồng chí đang quan sát mình lại chính là mình.

Vâng đúng là như vậy, chúng ta đơn thuần là giống nhau, đơn thuần là xuất phát từ một nguồn, chỉ vì bị dính mắc vào 2 thái cực của nhị nguyên mà quên mất bản chất chân thật của mình. Bản chất của chúng ta là đồng nhất thể, chúng ta vốn không bao giờ chia tách, chỉ là chúng ta quên mất điều đó thôi. Đến khi bạn nhận ra điều đó cuộc sống sẽ ngập tràn phép màu.

Mọi thứ diễn ra như đúng cái mà nó cần diễn ra, không có chi tiết thừa. Đó là bản kế hoạch vĩ đại của vũ trụ. Nếu cứ để vũ trụ diễn sinh mà không có định hướng nó sẽ thành một mớ hổ lốn, vậy nên thiên cơ ra đời. Thiên cơ là bộ máy vận hành vĩ đại của vũ trụ. Khi các đấng sáng tạo thiết lập quy trình tiến hóa mới cho vũ trụ thì đó là một chương trình sáng nhất, đẹp nhất (tính ở thời điểm sáng tạo ra nó gọi là Chân Lý).

Tuy nhiên chúng sinh ở cõi 3D này lại có quyền tự do ý chí nên kịch bản có thể bị xáo trộn khi chúng ta mang cái lý trí phàm ngã để quyết định các sự kiện trong cuộc đời mình (lệch hướng với thiên cơ). Ngay lúc này anh Trụ (Nguồn) sẽ đưa ra nhắc nhở cảnh báo cho chúng ta vì chúng ta đang đi sai đường (so với bản kế hoạch). Trừ phi chúng ta đi theo 1 hướng mới (vẫn không đúng bản kế hoạch) mà giúp cho vũ trụ sáng hơn, đẹp hơn thì ngay lập tức một bản kế hoạch mới ra đời. Đây chính là yếu tố then chốt để sáng tạo được phép bộc lộ và phát triển. Chúng ta không đóng đinh tương lai, cũng không đóng đinh chân lý. Chân lý luôn biến đổi không ngừng và chỉ theo 1 chiều hướng tốt đẹp hơn mà thôi.

Tam nguyên nói cho dễ hiểu là 3 nguyên tố. Ba nguyên tố đó chính là Thượng đế ngôi 1 (Nguồn - nằm ngoài vũ trụ vật chất) và tính 2 mặt đối lập của vũ trụ vật chất mà chúng ta đang trải nghiệm.

3. CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

Chúng ta đang ở vũ trụ nhị nguyên nên nếu ai vẫn đang trong nhị nguyên thì sẽ có 2 con đường để lựa chọn: 1 là con đường của ánh sáng, của tính thiện, của niềm vui, của tiến hóa và phát triển. 2 là con đường của bóng tối, của cái ác, của sự khổ đau, của thoái hóa và tụt lùi. Đỉnh cao của 2 con đường này đó là trở thành PHẬT hoặc trở thành MA QUỶ.

Ai mà đã thoát khỏi nhị nguyên thì sẽ bước vào tam nguyên hay còn gọi là con đường trung đạo (con đường của chúa - con đường của tình yêu). Đây là con đường đi giữa ranh giới của thiện và ác, không còn phân biệt thiện ác, đúng sai. Bởi vì mọi thứ diễn ra đúng như nó nên là. Tất cả đều là những bài học để linh hồn tiến hóa và trưởng thành. Nếu không thể tiến hóa sao có thể trưởng thành? Muốn tiến hóa thì cần có trải nghiệm và rút ra các bài học từ trải nghiệm đó. Lúc đó chúng ta sẽ có kinh nghiệm, từ kinh nghiệm 2 mặt đối lập của thế giới này bạn mới có thể hiểu nó. Hiểu nó bạn mới có thể thoát ra khỏi nó.

Vậy làm cách nào để thoát khỏi nhị nguyên? Muốn thoát khỏi nhị nguyên bạn phải rất rõ ràng tính 2 mặt của nó (tới cùng cực ở cảnh giới bạn đang tồn tại).

Ví dụ:

- Việc thiện lớn nhất là giúp người giác ngộ, việc ác lớn nhất là giết người giác ngộ.

- Việc mà con người nên làm nhất là tu hành, không nên làm nhất là cản người tu hành.

- Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời người là được sống trong một thế giới toàn người giác ngộ, niềm đau khổ lớn nhất là sống ở một thế giới toàn dã quỷ, sài lang.

Ngoài ra thì sau khi trải nghiệm tính 2 mặt một cách rốt ráo bạn sẽ có thêm một khả năng nữa là hiểu bản chất cốt lõi của mọi vấn đề. Ví dụ như:

- Cốt lõi của tình yêu chính là mong cầu đối tượng kia được hạnh phúc. Biểu hiện cao nhất của tình yêu chính là đức hi sinh, để khiến cho người khác được hạnh phúc thì dẫu chết không từ.

+ Có thể lấy ví dụ như người mẹ sẵn sàng chết để giữ lấy thai nhi.

+ Lính cứu hỏa dũng cảm xông vào bão lửa để cứu người không quan tâm đến sự sống chết của bản thân.

- Cốt lõi của việc giáo dục là để cho đứa trẻ trở thành cái mà chúng mong muốn là, không phải theo cách bạn định hướng cuộc đời cho nó. Nó chỉ có thể ngập tràn hạnh phúc khi nó được là chính nó. Đừng bắt cá leo cây vì như vậy chúng sẽ nghĩ rằng mình ngu dốt khi chúng không có khả năng đó.

- Cốt lõi của thiền là đối cảnh vô tâm, tức là khi đó chúng ta chỉ là người quan sát, tuyệt đối chỉ quan sát, không để nổi lên cảm xúc (động tâm), không đánh giá, phán xét.

- Biểu hiện cao nhất của thức tỉnh chính là phụng sự. Đây cũng chính là nhân quả thôi ạ. Chúng ta được sinh ra từ nguồn, nay đã nhận ra bản chất của cuộc sống thì lại dùng cả thân và tâm này để phụng sự cho diễn sinh sự sống của thiên cơ.

- Cốt lõi của tu hành là để giải thoát, không phải là trở thành đấng này, đấng nọ, không phải là tài năng hay thần thông, tất cả đều là rào cản trên hành trình tiến tới giải thoát. Mọi bám chấp đều không thể giải thoát.

- Cốt lõi của việc tắm là để cho sạch chứ không phải là để cho mát hay là để cho sảng khoái. Bởi vì mát và sảng khoái có nhiều cách để đạt được còn muốn sạch thì chỉ có tắm mà thôi.

Nếu bạn không biết thế nào là cao thì bạn sẽ không định nghĩa được thấp. Nếu cái bạn biết cao nhất mới chỉ là 10 mét thì bạn sẽ chỉ biết được những cái thấp hơn 10 mét. Khi tầm nhìn của bạn là 20 mét thì bạn sẽ thấy được những thứ trong khoảng 20 mét đó.

Điều này có nghĩa là gì? Khi bạn chưa hiểu thế nào là cao nhất thì bạn chưa thể nắm bắt được cái thấp nhất. Khi bạn chưa nắm được cái cao nhất và thấp nhất thì bạn không thể tìm được điểm ở giữa (cân bằng). Vậy nên quy trình của phe ánh sáng là sẽ thành phật trước (tham sáng) sau đó ngộ ra con đường trung đạo thì bước vào thời đại của tình yêu, con đường của chúa (con đường này có đủ mọi thứ, đủ mọi dục vọng - nhưng không vướng mắc).

Con đường này yếu tố mấu chốt của nó chính là thuận theo duyên, không tự tạo thêm duyên mới, chỉ làm theo những gì thôi thúc từ bên trong. Nghĩ mà như không nghĩ, nói mà như không nói, làm mà như không làm. Tức là hoàn toàn không vướng mắc vào thiện ác, đúng sai. Hoàn toàn tin tưởng vào bản kế hoạch của vũ trụ, trải nghiệm nó, tận hưởng nó, học hỏi từ nó (Đây là con đường đẹp nhất, tươi sáng nhất).

Tại sao nên tồn tại cái ác? Vì nếu không có cái này thì không định nghĩa được cái kia. Bạn sinh ra ở một nơi không tồn tại sự ác thì cho đến chết bạn cũng không biết thế nào là ác, bởi vì không biết thế nào là ác nên bạn không trân trọng sự thiện lành, ân phúc mà mình đang được hưởng. Và bạn cũng không hiểu thế nào là thiện bởi vì không có ác để mà so sánh, bạn coi thiện là bản chất của cuộc đời và bạn bị đóng đinh trong thiện.

Tức là bản chất của cái ác vốn không xấu vì có ác chúng ta mới định nghĩa được thiện. Ngoài ra thì đừng đánh giá phán xét người ác vì đơn thuần họ chỉ đang học bài học của chính họ, học ác để hiểu thiện. Người ác họ cũng có niềm vui của họ. Nếu họ không vui thì họ theo đuổi cái ác làm chi?

Ví dụ một tên trộm đi cướp ngân hàng được 10 tỉ, tên trộm đó có vui không ạ? Vui chết luôn ấy, vui đến run rẩy cả người. Khi người ta càng phát triển cái ác người ta càng đạt được nhiều giá trị về vật chất và họ càng thỏa mãn. Tuy nhiên con đường này không bền và chứa nhiều khổ đau. Bạn thỏa mãn lúc này thì bạn phải trả quả lúc khác. Gieo sự ác thì gặt về ác nghiệp, ác nghiệp tới thì khổ ải trầm luân. Nhân quả sinh ra chính là để các linh hồn biết ghê sợ cái ác mà lánh dữ, làm lành. Đây chính là một phần tối quan trọng trong cơ tiến hóa của vũ trụ.

Để mình mô tả một chút về chu kỳ vòng đời của vũ trụ để các bạn hiểu hơn về quá trình sinh diệt của nó:

Bạn đã nắm được nguyên lý không có gì tự nhiên sinh ra, cũng không có gì tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Cái vũ trụ siêu to khổng lồ này lấy đâu ra lắm vật chất thế, ngoài ra nó ngày một mở rộng không ngừng, động lực nào đã thúc đẩy nó vậy? Vũ trụ bản nguyên vốn được sinh ra từ cái "Không" tức là không có gì cả, từ cái không mà có thể tạo ra tất cả. Sau đây là cách thức của nó:

Vũ trụ từ thủa còn chưa hình thành, xung quanh chỉ là khoảng không mênh mông với bóng tối bao trùm tất thảy, lúc đó đấng chí tôn (Nguồn) chỉ là một trí thông minh vĩ đại của tự nhiên bắt đầu hành trình sáng tạo và khám phá vũ trụ của mình. Người ở ngôi vô cực (không là gì cả) tách ra làm đôi gọi là lưỡng cực (hai cực âm dương - cân bằng). Lúc này âm dương xoay tròn quanh nhau, kết hợp lẫn nhau hình thành lưỡng nghi. Lưỡng nghi thì khác lưỡng cực ở chỗ lưỡng nghi bắt đầu hình thành trong âm có dương và trong dương có âm.

Nguồn chính là ánh sáng (đối nghịch với bóng tối). Ánh sáng tỏa ra đến đâu bóng tối sẽ lùi xa đến đó, ví như bạn đứng trong bóng tối và cầm cái đèn pin soi đến đâu bạn sẽ rõ ràng không gian mà mình đang đứng đến đó. Chỉ có ánh sáng mới có thể xua đi bóng đêm u tối. Nguồn chính là nơi sáng nhất, khi mà ánh sáng này tỏa ra thì bóng tối (cõi vật chất) hoặc là phải lùi xa hoặc là bị đồng hóa và biến thành ánh sáng. Đây chính là lý do hình thành vũ trụ khổng lồ của chúng ta.

Vũ trụ càng mở rộng thì bóng tối càng chắc đặc, muốn nở ra càng to, càng lớn thì càng cần nhiều ánh sáng. Vũ trụ này có rất nhiều hệ phân cấp ví dụ như:

- Mặt Trăng quay quanh Trái Đất theo hướng ngược với chiều quay Trái Đất.

- Trái đất lại quay quanh Mặt trời theo hướng ngược chiều với chiều quay Mặt trời.

- Mặt trời thì quay quanh Mặt trời trung tâm của thiên hà theo hướng ngược chiều với chiều quay của Mặt trời trung tâm thiên hà.

- Mặt trời trung tâm thiên hà lại quay ngược chiều quanh mặt trời trung tâm của thiên hệ

- Mặt trời trung tâm của thiên hệ quay ngược chiều quanh mặt trời trung tâm của đại thiên hệ

- Mặt trời trung tâm của đại thiên hệ lại quay quanh và quay ngược chiều với chiều quay của khối đại linh quang (tâm vũ trụ)

- Khối đại linh quang này lại quay tròn và quay ngược chiều với lõi năng lượng (phần vật chất đậm đặc) bên trong nó.

Càng gần nguồn thì phẩm cấp càng cao. Cũng vậy bên phe bóng tối cũng có phân cấp hệ như phe ánh sáng, giữa mỗi cấp luôn có một khoảng không nhất định. Vũ trụ càng mở rộng thì càng gặp được những thành phần cao tầng của phe bóng tối. Phát triển ánh sáng ở khoảng không thì dễ chứ chạm vào một cột mốc nào đó của cái ác rất có thể sẽ thất bại.

Ở giai đoạn cuối của mỗi chu kỳ diễn sinh vũ trụ phe ánh sáng thường sẽ gặp một vật cản lớn của bóng tối (mánh khóe mới) khiến ánh sáng chưa thể đồng hóa hoặc làm gì được nó. Lúc này ánh sáng bị lu mờ và thời kỳ của bóng tối bắt đầu. Bóng tối giống như một căn bệnh, nó lây lan trong vô thức với tốc độ ngày một tăng và đẩy vũ trụ thu nhỏ dần dần. Nếu phe ánh sáng không thể làm gì được nữa thì cứ co lại dần và co nhỏ đến khi bị nén lại thành 1 điểm nhỏ xíu.

Có câu: “Vật cùng tắc biến”, “Vật cực tất phản”, ý nói một vật hoặc một sự việc khi đi đến điểm cực độ trong giới hạn thì sẽ phản đảo lại. Cho nên, càng là ở vào lúc vô vọng, thì càng có thể là hy vọng đang ở ngay trước mắt. Tức là thời điểm mà bóng tối cực thịnh thì đó là sắp bước sang thời kỳ của ánh sáng và ngược lại. Tình hình trên trái đất của chúng ta hiện nay cũng vậy thôi, hiện nay đang là thời của ánh sáng các bạn nhé.

"Nhất bản tán vạn thù, vạn thù quy nhất bản": ý nói từ một sinh ra vạn triệu rồi từ vạn triệu lại quy về cái một. Đây là quy trình sinh diệt của vũ trụ. Không gì nằm ngoài quy luật này, đã có sinh ắt phải có diệt, chỉ có cái nào không sinh thì sẽ không diệt. Vũ trụ này chỉ có linh hồn là bất hoại bất diệt, không gì có thể tiêu diệt linh hồn vì linh hồn đến từ nguồn (cõi vĩnh hằng)

Lúc này vật chất sáng bị nén lại rất chặt cho đến một ngưỡng (gọi là giới hạn Chandrasekhar). Khi đó chính là điểm cân bằng mà lực lượng của ánh sáng và bóng tối tương đồng về mặt sức mạnh, ánh sáng không thể bị nén thêm nữa còn bóng tối không thể tiến thêm nữa. Hiện tượng đảo chiều diễn ra, toàn bộ vật chất sáng mà phe ánh sáng đồng hóa được chính là năng lượng cốt lõi của vũ trụ sẽ khiến cho vũ trụ bùng nổ thêm 1 lần nữa, nhanh hơn, mạnh hơn, đi xa hơn, đồng hóa được thêm nhiều vật chất tối hơn. Nhưng chạm đến ngưỡng (xài hết năng lượng gốc) lại phải dừng lại, co lại để chuẩn bị cho sự tái sinh tiếp theo. Quy trình cứ như thế, càng đồng hóa được nhiều vật chất tối thì năng lượng gốc của vũ trụ càng cao, vũ trụ sinh sau luôn to đẹp, rực rỡ và chói sáng hơn vũ trụ cũ, hành trình càng ngày càng vĩ đại.

Sau khi đã nhận diện được bản chất của nhị nguyên, hiểu rõ tính 2 mặt đối lập cao nhất và thấp nhất của nó rồi, làm thế nào để bước vào tam nguyên? Tam nguyên chính là cân bằng mọi yếu tố, cân bằng cảm xúc, cân bằng nhân quả, nói chung là cái gì cũng cân bằng (Đây chính là thiên đường - Nơi chỉ có hạnh phúc ngự trị). Tại sao càng cân bằng thì chúng ta càng hạnh phúc?

Ví dụ:

- Nóng cũng khổ mà lạnh cũng khổ, nhiệt độ vừa phải với thân thể là sướng nhất

- Khô thì hanh mà ẩm thì khó chịu, vừa vừa là thích nhất

- Ăn nhiều thì no ấm ách, ăn ít thì đói, ăn vừa là thoải mái

- Uống nhiều nước thì tiểu nhiều, uống ít thì cơ thể nhiễm độc, uống vừa phải là hợp lý

- Sáng quá thì chói, tối thì không nhìn thấy gì, vừa vừa là thoải mái (Chỉnh màn hình điện thoại và máy tính lên xuống để chọn ngưỡng ánh sáng phù hợp nhất với mắt các bạn nhé)

- Dục nhiều thì kém phê, dục ít thì thèm, dục vừa đủ thì cân bằng

- Đi dép rộng thì lỏng chân, chật thì lằn, vừa thì thoải mái (Mức độ thoải mái của mỗi người không giống nhau, đừng mang tiêu chí thoải mái của mình áp đặt lên người khác nhé. Người thích đi rộng, người thích đi chật là do họ thích. Họ thoải mái với sự lựa chọn của họ mới là số 1)

- Quần áo có thoải mái thì cơ thể mới sảng khoái. Cơ thể có sảng khoái thì hạnh phúc mới tê tái. Càng hạnh phúc bạn càng thông minh (Biết cách để trở nên hạnh phúc). Chọn quần áo thì nên chọn loại nào nhẹ, thoáng mát, mặc mà có cảm giác như không mặc, không bị cấn (căng, tức) chỗ nào cả.

- Làm nặng thì hại thân, nghỉ ngơi nhiều thì ù lì, chậm chạp, hài hòa là số một.

- Ăn thừa chất thì gout, ăn ít thì thiếu chất, cơ thể thèm cái gì ăn cái đó, ăn vừa đủ thì thôi. Vậy mới sướng!

- Âm thanh to quá thì đau tai, bé quá thì không nghe thấy gì. Khi nghe nhạc hoặc khi nói chuyện nói sao cho vừa đủ, âm phát ra nhẹ nhàng, hài hòa, không cao quá cũng không thấp quá, êm dịu, dễ nghe, lời nói đầy thiện tính, hiền hòa, bác ái (vậy là đã làm chủ khẩu)

- Ánh mắt cũng thể hiện sự cân bằng của cơ thể, mắt sắc quá thì sợ, trừng mắt như đang nổi giận cũng không hay, ánh mắt nên hiền hòa, không nhìn xiên nhìn xẹo, cái nhìn cần chân thành, khiêm tốn, đừng tập trung lâu quá ở một chỗ, đừng nhìn quá sâu vào mắt người đối diện, tránh dừng lại ở vị trí nhạy cảm, cố gắng đừng dùng ánh mắt tấn công người khác, ánh mắt thế nào để họ cảm thấy sự thân thiện, ấm áp. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chỉ nhìn vào mắt nhau mà có thể thấu hiểu được nhau, luyện mắt cũng rất quan trọng vì mắt gây nghiệp cũng không ít đâu bạn nhé! Ánh mắt thậm chí có thể giết được người đó.

- Ngửi một mùi nào đó lâu quá thì sẽ không còn cảm nhận được mùi đó nữa, bạn nào dùng nước hoa thì nên thay đổi mùi nước hoa mỗi ngày để cơ thể không bị chai với mùi đó. Khi bạn càng chai với mùi bạn sẽ càng chọn loại nước hoa nồng đậm. Và như vậy thì đáng sợ lắm ạ! Nhà cửa nên dọn dẹp sạch sẽ để tránh bốc mùi. Càng tiếp xúc với mùi hương nhiều chúng ta sẽ càng kém tinh tế trong việc phân biệt mùi, và vị giác cũng vậy nhé.

- Về mặt cảm xúc, khi bạn mới tiếp cận với một loại cảm xúc nào đó thường thì bạn khó lòng mà che giấu nó, bạn sẽ cười thật to hoặc khóc thật lớn vì đơn giản nó thuộc về phạm trù cảm xúc. Nhưng tất nhiên bị đấm với 1 lực 10 Newton khác hoàn toàn với 1 cú đấm 100 Newton. Chính vậy cảm xúc nó có nhiều tầng bậc, có cao thì sẽ có thấp. Khi bạn đã trải qua cú đấm 100 Newton thì khi trải nghiệm cú đấm 10 Newton nó quá là đơn giản với bạn.

Vậy bí quyết ở đây là gì? Thay vì nhận các cú đấm tăng dần từ 10 Newton đến 20 Newton, 30, 40, 50... 100 thì tôi phi thân luôn vào cú đấm mạnh nhất 100 Newton. Nghiễm nhiên các cú đấm từ 10-90 tôi không cần thiết phải trải nghiệm nữa vì nó quá nhạt với tôi rồi. Đây chính là dấn thân vào những thử thách cam go nhất mà trải nghiệm, con đường ngắn nhất để đến với thành công.

Lúc này thì sao? Bạn sẽ hơi giống một người vô cảm, bạn ít khi bộc lộ cảm xúc, cười cũng không cười to, thường là cười mỉm. Khó có ai đoán nổi ý bạn vì bạn không hề bộc lộ cảm xúc của mình thông qua ngôn ngữ của thân thể. Nói vậy không có nghĩa là bạn chai sạn, chỉ là bạn đã làm chủ được thân, cảm xúc bắt buộc phải theo sự điều tiết của bạn. Bạn cảm thấy lúc này nên cười to thì bạn sẽ cười to, nên im lìm thì chắc chắn sẽ im lìm.

Khi đạt được trạng thái cân bằng là một ân sủng lớn lao, là hạnh phúc vô bờ bến, nhưng nếu mồm bạn lúc nào cũng ngoác ra cười họ sẽ bảo bạn điên. Vậy là bạn phải học làm chủ cảm xúc, mặc dù bên trong vui lắm vui vừa nhưng bạn chỉ thể hiện ở mức vừa đủ, đủ để mọi người xung quanh cảm thấy bạn là một người bình thường. Biết khi nào nên nói, khi nào nên cười. Làm chủ thân tâm, làm chủ cuộc đời.

- Cân bằng nghiệp quả: Ai cũng biết rằng ác nghiệp là khổ, vậy thì thanh tẩy nó đi. Tất cả nghiệp lực của bạn đều nằm trong linh hồn của bạn, linh hồn của bạn lại nằm trong thân thể của bạn. Mỗi thân thể lại có 72 ngàn tỉ tế bào, mỗi tế bào này đều có nghiệp lực riêng của nó. Thanh tẩy nghiệp lực cho 72 ngàn tỉ tế bào chính là thanh tẩy cho chính linh hồn của bạn.

Phải biết rằng linh hồn xuống cõi vật chất này không có gì ngoài mục đích để tiến hóa vật chất. Muốn tiến hóa vật chất thì phải hiếu vật chất, muốn hiểu vật chất thì phải lao vào nó trải nghiệm mới hiểu được. Hiểu rồi thì không còn dính mắc, chưa hiểu thì sẽ dính mắc.

Khi bạn chết đi linh hồn của bạn trong 72 ngàn tỉ tế bào sẽ được rút ra, tuy nhiên vì bạn còn nhiều nỗi đau chưa được chữa lành, nhiều tổn thương sâu sắc trên thân thể (chính là vướng mắc). Linh hồn bạn rút ra nhưng không rút triệt để được vì bị dính mắc, đây chính là lúc bạn bị phân mảnh linh hồn, phần dính mắc sẽ đi trải nghiệm sự dính mắc để tìm cách thoát ra. Linh hồn càng ít bị dính mắc thì càng sáng, càng biết nhiều về tính 2 mặt cũng càng sáng. Vậy nên không dính mắc với bất cứ thứ gì ở cõi vật chất này thì chúng ta mới thoát ra được, thoát ra thì dần dà sẽ được chỉ cách để bước vào tam nguyên.

- Cân bằng trí tuệ: Một trí tuệ lệch lạc sẽ mang đến những hiểu biết lệch lạc, hiểu biết lệch lạc thì không thể diễn sinh ra những điều tốt đẹp được. Thời nay cần phải cân bằng: thân, tâm, trí. Thân thuộc về vật chất, tâm thuộc về linh hồn, trí thuộc về nguồn. Tâm thì như gương hằng sáng nhưng bị nhiễm bụi trần mà trở nên dơ bẩn. Khi bạn lau sạch bụi trần, thân tâm trong sáng thì duyên về cái trí sẽ kéo đến để bạn tự hoàn thiện chính mình. Khi 3 thể thân, tâm, trí cân bằng thì cuộc sống của bạn đương nhiên sẽ dần dần được cân bằng (trong sao ngoài vậy)

- Thực ra các bạn không cần phải cố gắng làm điều gì cả, hãy làm theo những gì thôi thúc từ bên trong (thuận duyên), không có thôi thúc không làm. Vì sao? Vì bản kế hoạch của vũ trụ là hoàn hảo cho mọi linh hồn, bạn càng giãy dụa bạn càng khổ, chi bằng cứ im im chờ anh Trụ anh ấy gõ đầu cái gì thì làm cái đó. Vừa nhàn thân vừa thành người quan sát giỏi (nhận ra thông điệp của anh Trụ), vừa được lòng anh Trụ và bản kế hoạch không bị ảnh hưởng (bạn mà làm ảnh hưởng bản kế hoạch anh Trụ sẽ tìm bạn luôn luôn ấy, thậm chí là cưỡng chế, không nghe anh ấy dễ điên lắm :D).

20/10/2020

Hoàng Nhật Minh

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh