Viết Về Cái Không

VIẾT VỀ CÁI KHÔNG

Vũ trụ của chúng ta tồn tại dựa trên nguyên lý nhị nguyên, một mặt là "Không có gì", mặt còn lại là "hiện hữu". Mặt "Không có gì" bởi vì chẳng có gì nên không tồn tại bất kỳ định nghĩa nào về nó. Mặt còn lại là vũ trụ vật chất được hình thành dựa trên tính hai mặt của âm/dương, sáng/tối, nóng/lạnh, ngày/đêm, thiện/ác, đúng/sai...

Có thể đọc bài trước để hiểu rõ hơn về bản chất của vũ trụ nhị nguyên ở đây:

https://khoahoctamlinh.vn/ban-chat-cua-su-song-6292.html

Đáng lý ra thì chẳng có gì để mà nói về cái "KHÔNG có gì" vì nói kiểu gì cũng không đúng, tuy nhiên trong giới hạn của bài viết ngắn ngủi này mình cũng xin đưa ra quan điểm cá nhân và quan điểm của các tôn giáo về cái không nên được mô tả này.

THEO PHẬT GIÁO

Xem Tây Du Ký hẳn chúng ta cũng nhớ về lần đầu tiên khi thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh về thì toàn là "kinh không chữ". Phật giáo gọi là Vô tự chân kinh (Chân kinh vô tự). Chân là chân chính, kinh là kinh sách vốn không có chữ. Hàm ý rằng nó tuy là cuốn kinh không chữ nhưng không gì là không có.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Điều đó lại ứng với câu: "Tâm sinh vạn pháp", Tâm ở đây là cái Tâm KHÔNG. Và vạn Pháp sinh ra cũng chỉ để hướng con người về cái Tâm KHÔNG ấy (Vạn Pháp quy Tâm)

Phật giáo có nói về "Tâm bất nhị", bất nhị tức là "không hai", không hai không có nghĩa là "một" mà là: "không phải một cũng chẳng phải hai". Ở đó không có sự phân biệt.

Trong phẩm thứ nhất Niệm Phật của Đại Tạng Kinh có nói: “Phật bảo Xá Lợi Phất: Người không thông đạt các pháp đều là vì lời nói che phủ. Do vậy Như Lai biết ngôn ngữ là tà vạy. Dù ngay cả có chút ít ngôn ngữ, người nầy cũng không đạt được sự chân thật.” Đức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất: “Phàm kẻ không thể hiểu rõ tất cả pháp là đều bị ngôn ngữ che đậy.”

Vì sao? Bởi vì họ chưa có “không” về pháp chấp. Bởi nguyên nhân nầy, cho nên Phật biết tất cả ngôn ngữ đều không đúng, đều sai lầm. Hễ có ngôn ngữ là có chỗ che đậy, có che đậy là có chướng ngại cho trí huệ vốn có của chúng sanh. Cho đến ngay cả một câu nói hoặc một chữ, cũng đều là không chân thật. Vì sao? Bởi vì phàm nói ra dù một chữ là chúng ta vẫn còn có chỗ chấp. Cho nên nói “Nhất pháp bất lập,” đó tức là một chữ cũng không có vậy.

Ngày xưa Đức Phật chẳng biết niết bàn ở đâu nên mới chứng ngộ được niết bàn do không có tâm chấp vào niết bàn. Đức Phật dạy nơi kinh Hoa Nghiêm: Trong 49 năm ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào. Ý rằng nếu còn chấp vào câu chữ, vào Pháp thì chẳng bao giờ có thể chứng ngộ được.

Duyên khởi pháp đầy đủ, không - giả - trung còn gọi là Tam đế. Duyên khởi vô tự tính cho nên gọi là KHÔNG, KHÔNG tức là tự tính KHÔNG, cũng tức là vô ngã, cho nên nói do duyên khởi pháp sinh diệt vô thường, không phải thực hữu, không chấp không, cũng không chấp có, tức là thực tướng.

THEO KINH THÁNH

Trong dòng đầu tiên, Kinh Thánh nói rằng vũ trụ tạo ra từ hư không. Từ được sử dụng trong tiếng Do Thái là bara, có nghĩa là tạo thành từ hư không. Trong Kinh thánh, hư không có nghĩa là không có gì, không có thời gian, không có không gian, không có các lực tự nhiên, không có các hạt cơ bản. Theo Sách Sáng Thế, thời điểm ban đầu, Thiên Chúa tạo ra vũ trụ từ hư không.

Theo một lối diễn giải khác mình thấy sát nghĩa hơn: Gốc của từ bara (tạo ra) gần với gốc của các từ “chạy mất”, “đi mất”, “thoát ra ngoài”. Thuần túy về ngôn ngữ học, bara có nghĩa là thoát từ trong ra ngoài. bara Elohim là đưa ra Thế giới từ Bản thân mình. Trong cụm từ ấy ẩn chứa một quá trình biến đổi từ trạng thái trước khai thiên lập địa sang một trạng thái hoàn toàn khác - trạng thái sáng thế. Trạng thái đầu tiên, hay là bước đầu tiên của Hành động của Thượng Đế được thể hiện trong khái niệm atselut, nghĩa là “xuất phát ra”, “chảy ra” từ Bản thân. Trạng thái thứ hai hay bước hai được thể hiện trong khái niệm bria - sáng tạo.

Chân không thường được đề cập trong khoa học được ám chỉ trong Sách Sáng Thế 1: 2: “Đất không có hình dạng và trống không, bóng tối bao trùm mặt vực”. Không có hình dạng và trống không được định nghĩa rất giống với chân không lượng tử, đó là trạng thái của vật chất ban đầu của vũ trụ mà không có được dạng tiềm năng hoặc hữu hình (như các hạt ảo trong khoa học) và ở trong trạng thái hỗn loạn.

GÓC NHÌN KHOA HỌC

Cơ học lượng tử cho rằng một trạng thái chân không chứa các sóng điện từ và các hạt sinh hủy liên tục. Nhưng chân không lượng tử tại thời điểm khởi đầu vũ trụ, thời gian, không gian, các định luật vật lý và các hạt đều tồn tại. Tuy nhiên, các hạt không tồn tại như các thực thể vật lý bởi vì ở nhiệt độ cao như vậy, ngay khi chúng xuất hiện, chúng sẽ biến thành năng lượng, tức là chúng là các hạt ảo.

Do các hạt vật lý hay hạt thực không có mặt, nên tại đó dường như không có gì. Nhưng trong thực tế, mọi thứ cần thiết để tạo dựng vũ trụ đã tồn tại. Khi vũ trụ giãn nở và nguội đi, các hạt vật lý đó xuất hiện và tồn tại; cuối cùng, các ngôi sao và thiên hà ra đời

Theo nghĩa này, vật chất của vũ trụ đã tồn tại từ trước đó. Trước khi vũ trụ được sinh ra, những năng lượng này đã được lưu trữ trong chân không, và chính năng lượng điểm 0 chân không khổng lồ đã biến đổi các chất khác nhau, điều này phù hợp với quy luật chuyển đổi khối lượng-năng lượng được tiết lộ bởi phương trình khối lượng-năng lượng của Einstein.

https://khoahoctamlinh.vn/vat-chat-trong-vu-tru-ton-tai-tu-hu-khong-hay-no-ton-tai-ngay-tu-dau-6291.html

ĐẠO ĐỨC KINH - LÃO TỬ

Không cũng có nghĩa là hư vô (hư không), có mà như không, thực mà như hư, đạo Lão dùng để chỉ bản thể của cái gọi là đạo, cơ sở vật chất đầu tiên của vũ trụ, đồng thời cũng là quy luật của giới tự nhiên, có ở khắp nơi, nhưng không có hình tượng để thấy được. Trong Lão Tử Đạo Đức Kinh có mô tả về Đạo như sau:

"Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất.

Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vận hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ.

Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là Đạo.

Đạo mà diễn tả được thì đó không còn là đạo bất biến nữa, tên mà gọi ra được thì đó không còn là tên bất biến nữa."

Có câu: "Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật"

Trước Nhất chính là Đạo, mà Đạo lại là Không (phân biệt).

KINH DỊCH

"Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng vô tận".

Vô cực là một loại cổ đại triết học tư tưởng được xem là trạng thái cư bản nhất của tự nhiên, vạn vật đều bắt nguồn từ "hư vô". Trong khoa học phương tây vô cực có thể hiểu là thời điểm nguyên sơ, hư vô, chưa có gì cả. Còn trong ngành phong thủy, “Vô” có nghĩa là không, ý chỉ trạng thái trống rỗng, không có gì cả. Biểu tượng Vô Cực trong phong thủy là một vòng tròn rỗng.

Thái Cực được sinh ra từ Vô Cực, từ hư vô tạo ra hữu hình. Có thể hiểu đơn giản, Thái Cực là trạng thái có vật chất, tương ứng với thời điểm vũ trụ mới hình thành

Tiếp theo Thái Cực là Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi bao gồm 2 thể Âm và Dương. Âm tượng trưng cho những bóng tối, màu đen, lạnh, trũng thấp, màn đêm, mặt trăng, mùa đông… Còn Dương tượng trưng cho ánh sáng, màu trắng, đỏ, nóng, vùng nổi cao, ban ngày, mặt trời, mùa hạ….Chúng luôn bảo trì cân đối và không thể tách rời nhau. Một khi hai thể này không thể đạt được trạng thái cân bằng hoặc bị tách rời đều là sẽ mang đến trạng thái không tốt cho môi trường và con người.

Tứ Tượng là thành phần cuối cùng được sinh ra từ Lưỡng Nghi. Tứ Tượng bao gồm 2 phần là thái dương và thiếu dương, thái âm và thiếu âm. Trong đó, Âm là đen, Dương là trắng. Phần đen lớn là Thái Âm, phần đen nhỏ là Thiếu Âm, tương tự với phần màu trắng lớn và nhỏ là Thái Dương và Thiếu Dương.

Trong phần màu đen lớn có phần trắng nhỏ, trong phần màu trắng lớn có phần màu đen nhỏ, tượng trưng cho quan niệm phong thủy “Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm”. Hay nói, Âm Dương không chỉ cân bằng mà còn có sự tương hòa lại không đồng nhất. Giống như con người, không ai hoàn toàn xấu cũng chẳng ai hoàn toàn tốt.

Tổng kết lại một cách dễ hiểu thì, Vô cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi Sinh Tứ Tượng. Và dưới Tứ Tượng chính là Bát Quái. Bát quái chính là phạm trù nghiên cứu phổ biến của phong thủy hiện đại.

6294-viet-ve-cai-khong-1.jpg

CÁC GÓC NHÌN KHÁC

Có câu: "Vô có nghĩa là không, không cũng chính là Đạo. Đạo thì không phân biệt. Đạo chính là các quy luật vận hành của trời đất. Luật trời xưa nay không có mắt, bởi chẳng thiên vị bất kỳ ai". Đạo tối cao chính là "không phân biệt", "không thiên vị". Nếu thực sự ông trời có thiên vị hay nói cách khác là nhân quả có sai lầm một chút thôi thì càn khôn vũ trụ này cũng sụp đổ rồi.

Cái KHÔNG tuy chẳng thể tìm được vì nó không có hình tướng, nhưng nó lại ẩn chứa bên trong vạn vật. KHÔNG là gốc của vạn vật. Trong không khí, hạt cát, hòn sỏi, kim thạch, thảo mộc, kể cả trong môi trường Chân không ngoài vũ trụ thì KHÔNG cũng vẫn luôn tồn tại.

Ở KHÔNG không có sự phân biệt nên ở đó thời gian, không gian, mọi ý niệm, định nghĩa đều không tồn tại, mọi thứ có vẻ như được hoà quyện, trộn lẫn vào với nhau, nó là bản nguyên của mọi thứ, nó sinh ra mọi thứ, nó cung cấp năng lượng cho mọi thứ vận hành.

KHÔNG cũng có nghĩa là vô cực, tức là không có trên, không có dưới, không có trái, không có phải, không có bắt đầu, không có kết thúc, không sinh cũng không diệt. Nó trải rộng, cùng khắp, không biên giới, không giới hạn, là khởi nguồn của vạn vật, trường tồn, bất biến.

KHÔNG vì không có phân biệt nên không có ngã, nhưng nó cũng chính là Đại ngã. Không là Đấng sáng tạo (tạo hoá) vì vạn vật đều từ đó mà sinh ra.

Vì KHÔNG phân biệt nên KHÔNG cũng chính là công bằng, cân bằng, quân bình. Vậy nên KHÔNG cũng chính là tình yêu. Vì phân biệt tạo ra chia rẽ và khổ đau nên phân biệt không thể là tình yêu được. Nhân quả là tình yêu thương lớn lao của Tạo hoá vì nhân quả mang đặc tính công bằng.

Người ta hay nói Thượng đế là Đấng tối cao, Đấng tự hữu. Tối cao vì chẳng có gì cao hơn nữa, tự hữu là bởi vì không sinh cũng không diệt. Điều này hoàn toàn phù hợp với KHÔNG, vì KHÔNG là tuyệt đối rồi, thực chẳng có gì hơn nữa. KHÔNG không bị biến thiên vì không phân biệt nên hằng hữu đời đời.

Chân lý đại diện cho Thượng đế, Đấng tối cao là cái gì đó mang tính hoàn hảo, tuyệt đối. Điều này cũng phù hợp với KHÔNG.

TỨ ĐẠI PHÁP KINH (Chương bất tư duy Pháp) có ghi:

(Đọc đoạn này đứng trên góc nhìn tất cả là MỘT thì sẽ dễ hiểu)

- Phút giây hiện tại nó nằm ở giữa quá khứ và tương lai. Sống trọn vẹn với phút giây hiện tại thì không bao gồm quá khứ và tương lai. KHÔNG và CÓ vốn chẳng ở nơi thực tại, thực tại là cái "ngay bây giờ". Ngay bây giờ là duy nhất, mà duy nhất thì không có phân biệt.

- Trong thiện đã có ác, trong ác lại có thiện. Thiện không thể là thiện nếu không có ác, ác không thể là ác nếu không có thiện. Còn phân biệt đúng sai thì chẳng hiểu "thực tại" là gì. Còn phân biệt thiện ác thì chẳng hiểu "tình thương" là gì. Tư tưởng phân biệt không thể là cái hiện giờ, cái thực thể của nội tâm, cái bản tính thường hằng bất biến, vô thủy vô chung được.

- Xưa nay chúng ta vẫn luôn được tự do, có ai ràng buộc chúng ta đâu mà đi tìm giải thoát? Người nào đang đi tìm giải thoát tức tự ràng buộc chính mình. Theo bất cứ ai kể cả Phật tức đang xa rời chính tâm mình và như thế khó mà giải thoát. Cần lấy tâm làm gốc và tâm không chấp vào bất cứ điều gì mới có thể thực sự giải thoát được.

- "Thể tính Chơn Như Bất Biến Thường Hằng Vĩnh Cữu" xưa Thích Ca gọi là Phật Tánh, Ki Tô gọi là Tự Thể, chẳng phải cấu tạo bằng vật chất, cũng chẳng phải cấu tạo bằng Chơn Không. Nếu bằng vật chất, sẽ bị biến đổi bởi định luật của tự nhiên. Nếu bằng Chơn Không tức chẳng biết tư duy, chẳng tiếp nhận đau khổ hay sung sướng. Ðến nỗi cái gọi là "Phật Tính" cũng chẳng phải Phật Tính nốt. Nếu Phật là Phật, thời Phật chẳng hiện hữu.

- Chẳng thấy được Tánh, gọi là thấy Phật. Chẳng thấy được Phật mới là thấy "Tánh", ấy mới thật là thấy Tánh thành Phật, vì chính ngay bản thân của "Thấy" là Phật Tính rồi.

- Ai tự xưng mình chứng ngộ chơn lý, tức chẳng hiểu chơn lý là gì! Ai tự khoe mình là Phật, tức chẳng hiểu Phật là gì! Chứng được chơn lý, tức tự biết: không tu, không chứng, không ngộ, không thành, không Phật, không Pháp, không sanh, không tử.

- Ðộng loạn là hiện thể của Ðại định, Ðại định là tự thể của loạn động. Rời loạn động, tìm đại định là đã xa lìa Định rồi, vì chính ngay bản thân của LOẠN đã là ÐỊNH.

- TÀ là hiện thể của CHÁNH, Chánh là tự thể của Tà. Chánh ghét, Tà ưa, thích Chánh tức là càng rơi vào Tà, vì chính ngay cái là "Chánh" cũng là "Tà".

- PHÁP (vật) là hiện thể của TÂM, Tâm là tự thể của Pháp. Bỏ Pháp tìm Tâm cũng chính là bỏ Tâm tìm Pháp, vì chính ngay bản thân của Pháp (vật) đã là Tâm rồi.

- Chúng sanh là hiện thể của chư Phật, chư Phật là tự thể của chúng sanh. Càng lìa xa chúng sanh để tìm chư Phật, tức là lìa xa chư Phật vậy.

- Luân Hồi là hiện thể của Niết Bàn, Niết Bàn là tự thể của Luân Hồi, càng chạy trốn Luân Hồi để đi tìm Niết Bàn tức là càng trôi lặn trong vòng sinh tử vậy.

- Giác Ngộ là tự thể của Vô Minh, Vô Minh là hiện thể của giác ngộ. Lánh xa Vô Minh để tìm Giác Ngộ là đã bị Vô Minh che lấp rồi.

- Dục tính là hiện thể của Phật tính, Phật tính là tự thể của Dục tính. Chống lại Dục tính tức chống lại Phật tính vậy, vì chính ngay bản thân của Dục tính đã là Phật tính rồi.

- Chúng sanh vốn KHÔNG, làm sao chư Phật CÓ được? Luân Hồi vốn KHÔNG, làm sao Niết Bàn CÓ được? Dục tính vốn KHÔNG, làm sao Phật tính CÓ được? Vô minh vốn KHÔNG, làm sao Giác ngộ CÓ được? Sai vốn KHÔNG, làm sao đúng CÓ được? Thiện vốn KHÔNG, làm sao ác CÓ được? Tà vốn KHÔNG, làm sao Chánh CÓ được? Vật vốn KHÔNG, làm sao Tâm CÓ được? Trược vốn KHÔNG, làm sao Thanh CÓ được? Hữu vi vốn KHÔNG, làm sao Vô vi CÓ được? Trói buộc vốn KHÔNG, làm sao Giải thoát CÓ được? Chơn lý vốn KHÔNG, làm sao Thượng Ðế CÓ được?

Hoàng Nhật Minh

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh