Trung Dung Tân Khảo: Chương 16. Tổng Luận

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 16. TỔNG LUẬN

Sau khi đã phân tích, đã khai triển Trung Dung để nhìn cho rõ các khía cạnh, chúng ta hãy cùng nhau ước thúc, giản lược Trung Dung để làm nổi bật lên ít nhiều điểm chính. Trước hết, chúng ta sẽ khảo sát, giải thích lại hai chữ Trung Dung; sau đó, chúng ta sẽ đặc biệt chú trọng đến mấy vấn đề triết lý, đạo giáo và mấy định luật thiên nhiên đã được Trung Dung đề cập.

HAI CHỮ TRUNG DUNG

Muốn hiểu hai chữ Trung Dung cho minh xác, thiết tưởng phải đặt chữ Trung vào đúng ngôi vị của nó, tức là phải đặt chữ Trung vào trung tâm điểm các hoạ bản kinh Thư, kinh Dịch.

Hình 31: Trung là tâm điểm vòng Dịch.

Thực vậy, trong Hà đồ, Lạc thư, Bát quái, Cửu trù (Hồng phạm Cửu trù), trung điểm bao giờ cũng tượng trưng cho ngôi vị tối thượng sinh thành vạn vật.

Đó là:

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

- Ngũ, thập (sinh số, thành số) trong Hà Đồ

- Ngũ ( sinh số) trong Lạc Thư [1]

- Thái cực trong Bát quái

- Hoàng cực trong Cửu trù (Hồng phạm Cửu trù)

Mua đá năng lượng:

Thiệu Khang Tiết đã minh định rằng các đồ Dịch tiên thiên và hậu thiên đều do Trung tâm điểm phát sinh.[2] Đặt Trung vào tâm điểm các đồ Dịch, ta sẽ thấy Trung tượng trưng cho ngôi Thái cực bất biến trường tồn. Ta sẽ thấy Trung bất thiên, bất ỷ, không thái quá, không bất cập, muôn đời không biến dịch,[3] mặc dầu thiên biến, vạn hóa, luôn luôn tiến diễn bên ngoài.

Trung là nguồn gốc phát sinh vạn sự, vạn vật và cũng hàm tàng mọi hiện tượng. Trung là nguồn mạch, sống động bất diệt tung tỏa ra muôn muôn, vạn vạn chi nhánh quần sinh sau này.

Vì thế tiên hiền mới nói: Trung là gốc lớn thiên hạ,[4] vì thế Trung mới chí thành, chí thiện, bất biến trường tồn (Dung).

«Khi tung tràn ngập muôn phương,

Khi thu ẩn áo khó lường tăm hơi.» [5]

Nếu hiểu Trung là Thái cực, là Trời, ta sẽ vén được bức màn bí mật của Trung Dung và Kinh Dịch.

Các đồ bản Dịch cho ta thấy Trung điểm hay Thái cực vừa tạo thành muôn vật vừa ẩn áo trong đáy thẳm, lòng sâu muôn vật.

Trung hay Thái cực vừa chủ sinh vừa chủ thành: vừa sinh hóa tạo dựng, muôn loài, muôn vật, vừa là khuôn phép, đường lối cho muôn vật thành tựu hòan thiện mình. Và Trời chẳng ở đâu xa: Trời vốn ở ngay đáy lòng con người; nên nếu con người muốn hiểu nguyên do, muốn hiểu cùng đích đời mình, trước hết cần phải hiểu biết Trời.

Trung Dung viết:

«Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi hiểu người làm sao?» [6]

Hình 32

Hơn nữa, vì Trời ẩn áo huyền vi nơi đáy lòng người, nên con người cần biết phản tỉnh, biết tĩnh trí, hồi tâm mới có thể tìm ra mọi điều vi diệu của Hóa công được.[7]

Thiệu Khang Tiết viết:

«Thiên hướng nhất trung phân tạo hóa,

Nhân do tâm thượng khởi kinh luân.» [8]

(Trời do Thái cực [9] phân tạo hóa,

Người từ Thái cực phát kinh luân.) [10]

Quan niệm này làm ta liên tưởng đến Duy nhất (l'Un), đến Thần ngôn (Le Logos) của Plotin, của Philon,[11] đến Ngôi Hai Thiên Chúa trong bài phi lộ sách phúc âm thánh Jean.[12]

Nếu hiểu Trung là Thái cực, là Trời tiềm ẩn đáy lòng thì Trung Dung hiển nhiên là tâm pháp đạo Khổng như các tiên hiền đã chủ trương.

Hiểu Trung Dung theo nghĩa siêu hình như vậy, ta thấy Trung Dung là mục đích tối hậu cho mọi tâm hồn hướng về.

Hình 33: Vòng tuần hoàn của con người.

Lĩnh hội được vi ý Trung Dung và Dịch Kinh ta sẽ tìm ra đường lối tu thân của cổ nhân. Đường lối đó đại khái như sau:

Cổ nhân phân đời người làm hai giai đoạn chính: Nửa đời đầu, phải đem tinh thần khai thác hoàn cảnh vật chất để thích ứng với hoàn cảnh, để mưu sinh. Nửa đời sau, khi đời sống vật chất đã được bảo đảm, phải dùng những tiện nghi vật chất sẵn có, để hoàn hảo tâm thần mình, phục hồi phong thái cũ, suy nghiệm học hỏi để tìm ra Trời tiềm ẩn trong đáy lòng, để sống đời đạo đức ngõ hầu tiến tới mức chí thành, chí thiện, nên như vẻ sáng của Trời, sống kết hợp với Trời.

Sách Trung Dung, vì chủ trương cao siêu như vậy, nên đã giữ địa vị tối thượng trong tứ Thư ngũ Kinh.

TRIẾT LÝ

Đề cập tính tình, phân tâm hồn thành hai phần tách biệt vẻn vẹn bằng mấy chữ ở trang đầu, Trung Dung đã phác ra cả một chương trình siêu hình học cho các triết gia hậu thế.

Về sau, ngoài hai chữ tính tình, các triết gia đời Tống còn dùng thêm chữ Lý, Khí, hay Tính, Khí, nhưng đại khái các thánh hiền trước sau vẫn công nhận tâm hồn có hai phần: thể và dụng; thanh, trọc; động, tĩnh; tinh, thô rất đỗi khác nhau.

Lúc hồn nhiên tĩnh lãng, thì là tính, thuần túy chí thiện phổ quát mọi nơi mọi đời. Lúc đã vương mùi tục lụy trần hoàn, bị ngọai vật công kích dụ dỗ, thì là tình, vấn vương giăng mắc vẩn đục, lôi thôi. Lúc dục tình đã đua nhau nổi sóng, thì ngon triều trong dạ sẽ rạt rào, chao động, mất hết tĩnh lãng hồn nhiên, tâm hồn sẽ mất tự do tự lập, mắc mối trăm nghìn duyên nợ. Vì thế con đường thiên đạo phổ quát là con đường ‘qui nguyên, phục mệnh’, trở lại sự tĩnh lãng, quang minh, hiệp hòa nguyên thủy, bỏ hết mọi tư tà, để tiến tới công chính ngàn thu.

Siêu hình học Trung Dung là thứ siêu hình giản ước như của thánh Jean de la Croix.[13]

Mục đích Trung Dung là gây cho chúng nhân một niềm tin tưởng vào sự giáng lâm, sự hiện diện của Thượng Đế, dạy người phát huy mầm mống hoàn thiện sẵn có nơi đáy lòng mình, để đi đến chỗ tuyệt diệu, tinh vi, chí thành, chí thánh, chí cao, chí mỹ.

Trung Dung đề cập công trình suất tính : theo tiếng lương tâm để tiến tới Trung Dung, tới thăng bằng hòa hợp, tới thế ‘nhất quán’ giữa Trời, người. Chủ trương này cũng là chủ trương ‘bão nguyên thủ nhất’ của Đạo Lão,[14] ‘Đả thành nhất phiến’ của Thiền tông.[15]

Nhân sinh quan của Trung Dung là cố gắng tiến tới hoàn thiện. Như vậy người ta sinh ra ở đời, không phải là để nhẫn nhục, khắc khổ vô ích, hay để tiêu dao hành lạc, mà chính là để thực hiện một sứ mạng cao siêu: thần thánh hóa bản thân bằng sự cố gắng thường xuyên, bằng sự tu luyện toàn diện.

Người quân tử của Trung Dung lúc nào cũng tận tâm, tận tình, tận trung, tận hiếu, tận nghĩa, lúc nào cũng khắc khoải thao thức, mong tiến tới chỗ chí thành, chí thiện. đời người như vậy thực đã có định hướng chứ không phải sinh ra để:

«Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Thử xem con tạo xoay vần ra sao!» (Kiều)

Đời người như vậy thực đầy ý nghĩa, rất đáng sống. Nhân loại đáng lý không thể phàn nàn:

«Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.»

(Nguyễn Công Trứ)

Trung Dung cũng như Kinh Dịch đề cập tới ba thế giới: Địa đạo, Nhân đạo, Thiên Đạo.[16]

Hình 34: Thiên đạo, Nhân đạo, Địa đạo.

Thế tức là đề cập tới ba đoạn đường trong đời sống nhân loại.

Trước tiên phải lưu tâm đến hoàn cảnh sinh hoạt, cải thiện đời sống vật chất, dùng trí óc tổ chức cho đời thêm đẹp tươi, cho giang sơn thêm cường thịnh. Đó là vật Đạo, địa đạo. Tiếp đến, phải quay về bản tâm mà lo tu đức lập thân, phát huy ánh sáng nhân nghĩa trong nhân loại. Đó là nhân đạo.

Cuối cùng, nếu biết hồi quang phản chiếu, thu hồi ánh sáng tâm thần mà nhìn cho ra căn để, nguyên do của đời mình sẽ tiến tới giai đoạn giác ngộ, nhờ đó có thể đi vào nhãn giới thiên đạo.

Cơ tâm hay óc máy móc, tổ chức vẫy vùng trong thế giới vật chất, làm sáng choang thế giới hữu hình. Cái vẻ đẹp ấy là văn minh. Nhân tâm rong ruổi trong thế giới tinh thần, đem hương hoa nhân ái điểm tô cho nhân loại, đem bút thần lễ nghĩa vẽ nên những bức tranh nhân sự tuyệt vời, làm cho vẻ sáng nhân loại chói lói lên như muôn ánh trăng sao. Vẻ sáng tâm hồn đó là nhân văn hay văn hóa.

Thế giới tinh thần ấy thực man mác. Khi nó phát triển tới cực độ, tới chỗ siêu việt tinh hoa, sẽ bắt được tầm thiên đạo, hòa mình với vinh quang trời, nên thiên văn, và cung đàn của tâm hồn sẽ hòa điệu với cung đàn muôn thuở tuyệt vời của đất trời. Đó là Thiên Văn, Thiên đạo. Như vậy, nếu hiểu Trung Dung một cách chân chính, con người sẽ không lúc nào vừa lòng với chính mình, vừa lòng với hiện tại, mà luôn luôn cố gắng, cải thiện không ngừng để tiến tới cao minh cùng cực, tới Trung Dung.[17] Khi đã đạt tới chỗ tuyệt đỉnh công phu thì bao nhân dục, tư dục sẽ không còn nữa mà chỉ còn lại phần tinh hoa cao quí, là phần thiên lý chí công, chí chính.

ĐẠO GIÁO

Đạo Trung Dung khởi điểm từ một lòng tín ngưỡng thành khẩn.

Không phải là tin có Trời suông, mà còn tin Trời giáng lâm mọi nơi mọi chỗ, soi xét mọi uẩn khúc của lòng người. Niềm tín ngưỡng ấy, các kinh văn thường nhắc tới bằng nhiều thể cách.

Kinh Thư viết: duy Thiên thông minh.[18]

Sách Nhật giảng quảng luận như sau: Trời trên tầng cao thăm thẳm, thật chí hư, chí công, chí thần, chí linh. Không cần nghe mà thông biết mọi sự, không cần nhìn mà thấy mọi điều. Chẳng những công cuộc hưng vong của các chính thể, vận hội thịnh suy của các dân tộc không thoát được sự chứng giám của Ngài, mà ngay muôn điều xảy ra trong những căn phòng tối tăm hẻo lánh, mắt thế nhân không dòm hành tới được, thì Trời vẫn thông suốt không sót một mảy may. Ấy Trời thông minh là vậy.[19]

Vì thế người quân tử trong Trung Dung e dè kính cẩn luôn:

«E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi, cho nên hãi hùng.»[20]

Địch Nhân Kiệt, một văn nho đời Đường chỉ vì sực nhớ câu «Hoàng Thiên bất khả khi» mà không dám làm những điều thương luân, bại lý trong một quán trọ xa xăm, giữa một đêm thanh vắng. Ông lý luận: giấu người được, chứ giấu Trời sao được.[21]

Từ chữ kính, người quân tử sẽ cố vươn tới chỗ chí thành, chí thiện.

Với một lương tâm bình thản, với một dạ nhất quyết tu đạo lập thân, người quân tử luôn sống thung dung, tùy thời xử thế. Cũng có khi sống ẩn dật như chiếc quạt thời đông giá lạnh lùng,[22] như rồng còn ẩn kín dưới vực sâu,[23] cũng có khi ra tài Y Doãn,[24] đem khả năng, tài đức mưu toan điều ích quốc lợi dân,[25] cũng có khi âm thầm trau dồi kiến văn, đức độ, như rồng tập uốn mình nơi vực thẳm,[26] cũng có khi treo gương xán lạn cho muôn người soi chung, đó là khi đạt tới mức ‘nội thánh, ngoại vương’ của sách Đại Học, Trung Dung, hay hào cửu ngũ kinh Dịch.[27]

Trung Dung đã khéo trà trộn Trời vào trong đời sống nhân loại. Sách bắt đầu bằng chữ Thiên, và tận cùng bằng ‘Đức độ Trời’, một mục phiêu hoàn hảo tuyệt vời cho mọi người tiến tới.[28]

Bàn về chính trị, Trung Dung viết:

«Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao.» [29]

Có lẽ ngày nay, nhân loại cũng cần phải sống gần Trời hơn, cần tin tưởng Trời hơn.

  1. Virgil Gheorghiu, một nhà văn chuyên mô tả những cái phi lý, bất nhân của chiến tranh, và sự độc tài tàn nhẫn của các cường quốc hiện tại đã viết trong quyển«La seconde chance»: «Hiện nay nhân loại đang cần một đồng minh trung kiên không bao giờ có thể bị ám sát, bị công an cảnh sát bắt được, không thể bị giam giữ được, tra tấn được, một đồng minh kín đáo, âm thầm, lặng lẽ, một đồng minh có một ngọn lưả thiêng đốt cháy được muôn tim, có thể biến mọi người thành anh hùng vô địch; đồng minh đó thường quá, hay được nhắc nhở tới nhiều quá, mà nhân loại vẫn không biết tên: Đồng minh đó là Thượng đế. (La Seconde chance, tr.432)

Mấy định luật thiên nhiên

  1. Định luật tự cường (cố gắng)

Trung Dung cũng như kinh Dịch cho rằng bí quyết thành công là luôn gắng gỏi công trình.[30]

«Đã làm, làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.»[31]

Con người sinh ra ai cũng tay không, cũng hèn yếu như nhau, nhưng dần dà mỗi người có một giá trị khác nhau, tùy ở sự cố gắng, tùy ở sự học hỏi, sự tu luyện của mình.

Do đó, con người sinh ra để bất mãn, bất mãn với mọi sự tầm thường, chếch mác, bất mãn với hiện tại, bất mãn với chính mình. Con người bao giờ cũng muốn vươn lên mãi, vươn lên tới chỗ cao sang, mênh mang, vĩ đại, bằng công trình gắng gỏi, bằng học vấn, bằng sự bền bỉ, bằng sự đào luyện tâm thần trí não, trí não và thể chất.

Phàm những anh hùng hào kiệt xưa nay, ai cũng đều chê bai những kẻ ăn không ngồi rỗi, ‘an thân dật lạc’.

Triệu Khuông Dẫn (Tống Thế Tổ) trong tương lai khi còn hàn vi đã biết khuyên người em kết nghĩa của mình là Trịnh Ân bỏ sự dật lạc ở miếu Hưng Long Trang để bước vào con đương lập thân đầy phong sương gian khổ như sau: «Phàm con người sinh ra phải ráng cho tận nhân lực, chẳng làm việc kia thì cũng việc nọ, cho có ích với đời, phòng để danh thơm tiếng tốt về sau. Như vậy trước là rực rỡ đức tổ tông, sau là hiển công sinh thành cha mẹ, mới gọi là chí khí trượng phu. Nếu ham việc vui sướng vô ích thì có khác chi phàm phu tục tử.» [32]

Người quân tử lúc nào cũng phải nói như Tăng tử: «Hai vai gánh nặng, mà đường thì xa.» [33]

Lịch sử cũng chứng minh rằng, một dân tộc nào cố gắng sẽ tiến tới cường thịnh, một dân tộc nào ăn chơi nhong nhóng sẽ sa đọa vào vực thẳm diệt vong; một cá nhân nào cố công lao tác sẽ tiến tới, một cá nhân nào lêu lổng ăn chơi sẽ lụn bại, sẽ hại cơm, hại áo của đất trời.

  1. Định luật mô phỏng (Bắt chước)

Đường lối nhân loại, nền luân lý nhân loại đã được ghi vào thiên thư của trời đất, Con người chỉ việc trông lên trời, nhìn xuống đất là tìm được khuôn phép, mẫu mực, đường đi nước bước của mình. Nhân loại sinh ra để bắt chước, nhưng không phải là bắt chước loài vật, xâu xé lẫn nhau để tranh cướp mồi, mặc cho các thú tính ti tiện phát sinh mà không chút mảy may kìm hãm. Con người phải biết soi gương đất trời mà xử sự. Đất rộng và dày, con người cũng cố lo cho sự hiểu biết mình ngày thêm rộng, đạo đức phúc trạch mình ngày thêm dày.[34]

Đạo trời là hoàn thiện, là nguyên, là tuyền vẹn, thì mục tiêu của người quân tử cũng là sự toàn thiện.[35]

Trời vận hành không hề nghỉ ngơi: người quân tử cũng phải cố gắng không ngừng.[36]

Cuối thế kỷ 19, Nietzsche (1844-1900) đưa ra chủ nghĩa siêu nhân, và cho rằng ý chí quật cường (Volonté de puissance) là đặc tính của con người siêu nhân, nhân loại tiến bộ hay sa đọa là tùy sự tồn vong của ý chí quật cường đó.

Điểm này ăn khớp với Trung Dung nói riêng, và đạo Nho nói chung, vì Trung Dung cũng chủ trương phải cố gắng mới có thể đi đến chỗ chân, thiện, mỹ.

Nhưng từ khởi điểm ấy, Nietzsche cho ‘người hùng’ của mình được quyền gian ác, tàn bạo, để ‘bành trướng’, để tiến bộ: «Người siêu nhân của Nietzsche hiên ngang, xa quần chúng, gánh vác trách nhiệm lớn lao, tâm hồn bộc lộ hùng tráng như một dã thú; bản năng hiếu chiến, xâm lược, đầy nhiệt tình thù oán, mưu kế, giận dữ, khoái lạc, mạo hiểm, kiến thức rất mực uyên thâm...Tao nhã khôn ngoan, quật cường , uy nghi, sâu hiểm.» [37]

«Người anh hùng của Nietzsche là người anh hùng dữ tợn,... một loài dã thú hùng tráng, khát máu, đi tìm mồi, một giống nòi quí tộc đã để trên đường đi của họ những dấu tích man rợ, những cảnh khoái lạc dữ tợn, những hành động độc ác tàn nhẫn.[38]

Người anh hùng của Nietsche đã đề cao những thú tính tiềm ẩn trong con người, trong võ lực. có thể nói được Nietzsche đã đem luật cạnh tranh sinh tồn, đem cảnh xâu xé nhau để tranh cướp mồi của loài vật áp dụng vào xã hội loài người. Kết quả dĩ nhiên là chiến tranh, chém giết, và con người bị vật chất hóa, khí cụ hóa, mất hết mọi giá tri tinh thần.

Trái lại người quân tử trong đạo Trung Dung có một vẻ hùng tráng khác. Lòng họ thiết thạch, kiên cương, sống chết vì chính nghĩa và chân lý. Họ không kiêu sa, ích kỷ, độc ác, chỉ biết cúc cung tận tụy làm phận sự, phục vụ nhân loại.

Trời cao sang vô biên vô tận, thì người quân tử cũng cố vươn lên tới chỗ cao sang, vô biên vô tận, vĩnh cửu, trường tồn.[39]

Trong trời đất, chỉ có con người đầu đội trời, chân đạp đất, nên con người cần noi gương trời mà vươn lên, mà tiến tới mãi mãi. Tất cả lịch sử nhân loại, tất cả những công trình cổ kim, từ những Kim tự tháp cho tới Vạn lý trường thành, từ những cung vàng, điện ngọc cho tới những lăng tẩm âm u, bao la, bát ngát, từ những võ công hiển hách cho tới những văn nghệ phẩm tinh vi, những công trinh khoa hocvĩ đại, nhất nhất đều cho ta thấy con người muôn thủa lúc nào cũng muốn vươn lên tới chỗ cao đại, tinh vi, huy hoàng hùng vĩ.

Đà vươn lên tới chỗ chí thành, chí thiện bất kỳ về một phương diện gì cũng xác định phẩm giá con người, phân định tôn ti, quý tiện.

  1. Định luật tiến hóa

Như đã nói trên, Trung Dung từ ngót hai nghìn nam nay đã đề cập định luật tiến hóa trong vũ trụ, và đã biết áp dụng rất là khéo léo định luật này vào công cuộc tu thân.

Nhưng khác với chủ nghĩa duy vật cực đoan hiện đại, chối bỏ Thượng Đế và cho rằng vạn vật ngẫu nhiên sinh, và biến hóa do sự đấu tranh sinh tồn (Darwin) hay sự thích ứng với hoàn cảnh (Lamarck), Trung Dung chủ trương trời đất sinh muôn loài, nhưng mỗi loài vẫn có thể biến thiên thành nhiều thứ hạng.

Đọc Mạnh Tử ta thấy chủ trương này đã được các môn đệ đức Khổng đề cập và đem áp dụng vào công cuộc tu luyện tính tình:

«Hữu Nhược nói: Người năm bảy đấng,

Kìa kỳ lân vẫn giống thú rừng,

Phượng hoàng vẫn loại chim muông,

Thái sơn vẫn đúc theo khuôn đống gò.

Sông với biển vẫn nhà ngòi lạch,

Thánh với phàm một phách thế nhân.

Nhưng thánh phàm muôn phân, ngàn biệt,

Vì thánh nhân bạt thiệp, siêu quần.» [40]

Thánh với phàm khác nhau ở chỗ hiểu và không hiểu, hoàn thiện và không hoàn thiện mà thôi. Tóm lại khuôn người chỉ có một, nhưng tiến hóa thì vô hạn định, cho nên về phương diện tâm tính đức độ, thì con người chỉ khác nhau một dày một mỏng, một thô, một tinh, một tụ một tán mà thôi.

Như vậy Trung Dung vừa nhận công trình tạo dựng của trời đất, vừa dành công trình thành tựu về người, vì con người có thể tiến hóa mãi mãi.

Ai cũng tiến hóa được, nếu có thiện chí, nếu cố gắng bền bỉ. Nhan Hồi nói: Vua Thuấn là ai, mà ta là ai? Nếu ta cố gắng làm điều thiện thì ta cũng như ngài.[41] Đó chính là đề tài cho các văn gia ngâm vịnh về sau:

«Người là người mà tớ cũng là người,

Nhắm cho kỹ vẫn chênh vênh đầu dốc.»

(Phan Văn Ái)

Các nhà bác học hiện nay, như Lecomte du Nouy cũng nhận rằng định luật tiến hóa khi tới nhân loại đã chuyển hướng vào nội tâm. Ông viết trong quyển «Định mệnh nhân loại»: «Trong thời kỳ nhân loại này, sự tiến hóa vẫn tiếp tục, nhưng đã đổi chiều. Thay vì tiến hóa về phương diện sinh lý, hình thể, nhân loại tiến hóa về phương diện tinh thần và siêu nhiên.» [42]

Jean Rostand cũng chủ trương: «Suy nghiệm về con người, tôi nhận thấy sự hăng hái quyết tâm của nó luôn vượt cao hơn, muốn tiến triển hơn, vì lẽ đó tôi sẽ không cho rằng con người trong tình trạng hiện hữu đã tạm hoàn hảo, như bao người thường nghĩ. Tiền đề của tôi là con người phải có gắng vượt cao lên, phải rút ra ở bản thân mình một cái gì có giá trị hơn bản thân ấy.» [43]

Vậy con người sinh ra, có nhiệm vụ đạt tới chỗ tinh hoa tận dụng mọi khả năng mình, để tiến tới cao minh chính đại.

Hình 35: Con đường Trung Dung

Âu Dương Tử cho rằng tất cả cái học siêu vi là tìm ra những phương pháp để mài giũa, uốn nắn, thay đổi tính tình cho tới chỗ chí thành chí thiện.[44]

Tới chỗ chí thành chí thiện tức là tới chỗ thiên ý nhân tâm hòa hợp, tới chỗ tinh hoa thuần túy, tới chỗ hòa hiệp tuyệt đối của tính tình. Thế là ‘qui nguyên phục mệnh’ thế là bước vào thiên giới vĩnh cửu vô biên, phối hợp với Trời trong một tình siêu phàm tuyệt diệu. Chỗ tuyệt điểm của đạo Trung Dung chính là chỗ tuyệt điểm của các đạo giáo. Giai đoạn huyền đồng tức là đại đạo, là chỗ gặp gỡ của các thánh hiền muôn thủa.

Tóm lại, tinh túy Trung Dung có thể cô đọng lại trong mấy điểm sau:

  1. Trong thâm tâm ta có ảnh tượng Trời. Người quân tử lĩnh hội được điều ẩn áo nên lúc nào cũng e sợ giữ gìn.
  2. Ảnh tượng ấy hoàn thiện, đó là tính, là thiên mệnh, thiên lý thiên đạo.
  3. Nhân loại phải noi gương hoàn thiện ấy, cố gắng tu thân để tiến tới chỗ chí thành chí thiện.
  4. Tới mức chí thành chí thiện, tức là kết hợp với Trời, tức là phối Thiên, đạt mức Trung hòa, thực hiện sự hòa hợp quân bình giữa thiên lý, nhân tâm.[45]

Đó cũng có thể gọi được là tinh túy của các đạo giáo, và là chân lý thiên mệnh.

Vì thế cổ nhân cho rằng Trung Dung gồn tóm hết mọi vi diệu của thánh hiền, thâu tóm hết mọi tinh hoa của Kinh Dịch, của đạo Nho.

Chu Hi cho rằng: Phải học Đại Học trước, để biết qui mô, đường lối, rồi học Luận Ngữ để lập căn bản tu thân, kế đó học Mạnh tử để biết các giai đoạn tiến triển, sau cùng mới đọc Trung Dung để biết lẽ vi diệu của cổ nhân.[46]

Hội ý Trung Dung ta thấy con người có ba đời sống:

- Một đời sống vật chất: cần biết thích ứng và chế ngự hoàn cảnh để lo cuộc mưu sinh. Đời sống này bao trùm cả đời sống tư nhân, gia đình, xã hội con người.

- Một đời sống tâm hồn: Cần khuếch sung các đức tính để tâm hồn ngày một thêm đẹp tươi.

- Một đời sống tinh thần hay siêu nhiên: Mục đích là phối hợp vời Trời, trường tồn vĩnh cửu.

Dương Tử lý luận cách khác, và cho rằng: Thiên hạ có 3 cửa:

Theo dục tình, là bước vào cửa cầm thú.

Theo lễ nghĩa là bước vào cửa người.

Theo sự minh giác, là vào cửa thánh.[47]

Chúng ta liền hiểu rằng trong trời đất có định, có biến, có động, tĩnh; có doanh, hư; có phù du, mộng ảo, và có vĩnh cửu trường tồn.

Phàm cái gì thuộc hình hài vật chất đều thăng trầm, chất chưởng, đều có sinh, có tử có tươi thắm, có tàn phai; cho nên ta đừng ai oán thế sự biến ảo như cuộc cờ, đừng than trách cảnh đòi đổi thay như tuồng ảo hóa. Sự thăng trầm tròn khuyết, chẳng qua là định luật chung cho thế giới hữu hình.

Ta cũng đừng mải mê chạy theo những thú vui vật chất

«Rượu nồng đừng quá chén say,

Hoa thơm đừng hưởng tới ngày xác xơ.» [48]

Cảnh tang thương biến đổi ấy, lịch sử đã chứng minh rõ ràng. đầu sách Tam Quốc, có thơ sau:

«Trường giang về Đông cuồn cuộn chảy,

Làn sóng hoa đào thải hết anh hùng,

Dở hay, thành bại, cát hung,

Ngoảnh đi, ngoảnh lại, đều không còn gì.

Núi xanh biếc vẫn y nhiên đó,

Bóng tịch dương mấy độ tô son.

Bên sông phơ phất mái sương,

Ngư tiều quen thói vui phường gió trăng.

Một hồ rượu tương phùng vui chén,

Vui cười rồi nói chuyện cổ kim,

Cổ kim to nhỏ muôn nghìn,

Dốc vào mấy chén hàn huyên chuyện trò.» [49]

Nhưng dưới cái hình hài vật chất, dưới sự biến thiên phiến diện ấy, chúng ta còn có một phần vĩnh cửu trường tồn. Đó là phần tính lý, phần thiên mệnh, thiên lý, phần tinh hoa của tâm hồn.

Vậy chúng ta phải lĩnh hội chỗ vi diệu đó, để có thể tiến tới chỗ chí thành, chí thiện, trường tồn vĩnh cửu với đất trời.

Hiểu Trung Dung như vậy, biết cố gắng cải thiện mình như vậy, tức là học được cái học của Nhan Hồi, nối được cái chí Y Doãn,[50] tức là thông đạt được bí quyết của đạo thánh hiền xưa; đó tức là ‘tham tán tài thành’, trợ giúp đất trời, làm công cuộc tài bồi đức độ để thành tựu mình.

Thế tức là ‘ức âm tiến dương’: phá hết mây mù tăm tối cho vừng dương muôn thuở hiện ra; ‘trưởng thiện tiêu ác’: tài bồi mầm thánh thiện và làm tiêu ma hết mọi điều gian ác.[51]

Suy rộng ra, con đường Trung Dung tức là ‘Con đường hoàn thiện’ lên tới mức cao siêu sẽ tiến tới trung tâm huyền diệu vũ trụ, trở về Thái cực của bát quái, tiến vào bản nguyên ‘ngũ thập cư trung’ của Thái cực hà đồ,[52] phối hợp với Thượng Đế.[53]

Muốn được vậy, ta cần phải cố gắng, cố gắng không ngừng, cố gắng mãi mãi, cần phải ‘cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ’,[54] hết lòng, hết sức đến chết mới thôi.

Và để kết thúc tưởng nên nhắc lại một lần nữa châm ngôn của hai vua Nghiêu, Thuấn:

«Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng trời.» [55]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh