Trung Dung Tân Khảo: Chương 26. Thánh Nhân Phối Thiên

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 26. THÁNH NHÂN PHỐI THIÊN

第 二 十 六 章

故 至 誠 無 息. 不 息 則 久; 久 則 征; 征 則 悠遠; 悠 遠 則 博 厚; 博 厚 則 高 明. 博 厚, 所 以 載 物 也; 高 明, 所 以 覆 物 也; 悠 久, 所 以 成 物 也; 博 厚 配 地; 高 明 配 天; 悠 久 無 疆. 如 此 者, 不 見 而 章; 不 動 而 變; 無 為 而 成. 天 地 之 道, 可 一 言 而 盡 也: 其 為 物 不 貳, 則 其 生 物 不 測. 天 地 之 道 博 也, 厚 也, 高 也, 明 也, 悠 也, 久 也. 今 夫 天, 斯 昭 昭 之 多; 及 其 無 窮 也, 日 月 星 辰 系 焉, 萬 物 覆 焉. 今 夫 地, 一 撮 土 之 多; 及 其 廣 厚, 載 華 岳 而 不 重, 振 河 海 而 不 洩, 萬 物 載 焉. 今 夫 山, 一 卷 石 之 多; 及 其 廣 大, 草 木 生 之; 禽 獸 居 之; 寶 藏 興 焉. 今 夫 水, 一 勺 之 多; 及 其 不 測, 黿, 鼉, 蛟, 龍, 魚, 鱉 生 焉; 貨 財 殖 焉. 詩 云: 維 天 之 命 于 穆 不 已. 蓋 曰: 天 之 所 以 為 天 也: 于 乎. 不 顯. 文 王 之 德 之 純. 蓋 曰: 文 王 之 所 以 為 文 也 , 純 亦 不 已.

PHIÊN ÂM

Cố chí thành vô tức. Bất tức tắc cửu; cửu tắc trưng; trưng tắc du viễn; du viễn tắc bác hậu; bác hậu tắc cao minh. Bác hậu, sở dĩ tải vật dã; cao minh, sở dĩ phú vật dã; du cửu, sở dĩ thành vật dã. Bác hậu phối địa; cao minh phối thiên; du cửu vô cương. Như thử giả, bất hiện nhi chương; bất động nhi biến; vô vi nhi thành.[1] Thiên địa chi đạo, khả nhất ngôn nhi tận dã: kỳ vi vật bất nhị, tắc kỳ sinh vật bất trắc. Thiên địa chi đạo bác dã, hậu dã, cao dã, minh dã, du dã, cửu dã. Kim phù thiên, tư chiêu chiêu chi đa; cập kỳ vô cùng dã, nhật nguyệt tinh thần hệ yên, vạn vật phú yên. Kim phù địa, nhất toát thổ chi đa; cập kỳ, quảng hậu, tải Hoa Nhạc nhi bất trọng, chấn hà hải nhi bất tiết, vạn vật tải yên. Kim phù sơn, nhất quyển thạch chi đa; cập kỳ quảng đại, thảo mộc sinh chi; cầm thú cư chi; bảo tàng hưng yên. Kim phù thủy, nhất thược chi đa; cập kỳ bất trắc, nguyên, đà, giao, long, ngư, biết sinh yên; hóa tài thực yên. Thi vân: «Duy thiên chi mệnh ô mục bất dĩ!» [2] Cái viết: Thiên chi sở dĩ vi Thiên dã: «Ô hô! bất hiển! Văn vương chi đức chi thuần.» Cái viết: Văn vương chi sở dĩ vi Văn dã, thuần diệc bất dĩ.

CHÚ THÍCH

- Tức 息 = nghỉ. - Trưng 徵 = hiện ra, trưng lên. - Du 悠 = bao la bát ngát (ví dụ: du du bỉ thương 悠 悠 彼 蒼 = Xanh kia thăm thẳm tầng trên - Chinh phụ ngâm 征 婦 吟 ). - Trắc 測= đoán trước. - Tinh thần 星 辰 = tinh tú. - Hệ 繫 = treo. - Toát 撮 = Nắm, tóm lấy. - Hoa 華 = núi Hoa. - Chấn 振 = thu vào. - Thược 勺 = gáo. - Nguyên 黿 = con giải. - Đà 鼉= rùa lớn. - Giao 蛟 = con thuồng luồng, cá sấu. - Biết 鱉 = ba ba. - Ô 於 = Ôi. - Mục 穆 = sâu xa. - Bất dĩ 不 已 = không cùng, vô cùng. - Bất hiển 不 顯 = phi hiển 丕 顯 (các sách cổ). - Phi hiển 丕 顯 = lớn lao hiển hách. - Thuần 純= tinh thuần, thuần nhất.[3]

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

DỊCH CHƯƠNG 26

Thánh nhân phối thiên

Nên bậc chí thánh không hề ngơi nghỉ,

không nghỉ ngơi nên sẽ vững bền.[4]

Vững bền muôn vẻ trưng lên,

Trưng lên, vang dội khắp miền gần xa.

Khắp gần xa, ắt là dày rộng,

Đã rộng dày, thời cũng cao minh.

Rộng dày để chở chúng sinh,

Cao minh che khắp sinh linh xa gần.[5]

Trường cửu để tác thành muôn vật,

Rộng dày nên cùng đất sánh duyên.

Cao minh kết ngãi thanh thiên,

Vô biên, vô tận triền miên vô cùng.

Được như vậy không trưng vẫn tỏ,

Tuy ở yên biến hóa khôn lường,

Không làm mà vẫn thành công.[6]

Thuyết tiến hóa:

Đạo trời đất một câu tóm hết,

Làm muôn loài chẳng biết hai khuôn.

Nhưng mà sinh hóa khôn lường,

Đất trời đường lối mênh mang rộng dày.

Cao minh trong sáng xưa nay,

Xa gần vĩnh cửu đó đây khôn lường.

*

Kìa như trời vài nguồn sang sáng,

Nhưng một khi tản mạn vô cùng.

Lửng lơ nhật nguyệt hai vừng,

Muôn vàn tinh tú tưng bừng treo trên.

Trời còn che chở mọi miền...

*

Kìa như đất vài thưng bụi cát,

Nhưng một khi bát ngát rộng dày.

Hoa sơn nó chở như bay,

Muôn vàn sông biển hút ngay vào lòng.

Đất còn chở hết non sông.

*

Kìa núi non, đá chồng mấy tảng,

Nhưng một khi khoáng đãng vươn cao.

Cỏ cây muôn khóm chen nhau,

Muôn chim cầm thú nương vào ở ăn.

Núi còn biết mấy kho tàng.

*

Kìa sông nước, mấy ang mấy gáo,

Nhưng một khi biến ảo mênh mông.

Sấu, rùa, cá, giải, giao long,

Sinh sinh, hóa hóa vẫy vùng triền miên.

Nước còn biết mấy nguồn tiền,

Biết bao hóa phẩm còn chìm biển sâu.[7]

*

Thánh nhân dữ thiên đồng đức:

Việc trời ngẫm xiết bao huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn áo, không cùng.

Thực là đáng mặt hóa công,

Đức vua Văn tinh thuần chói lọi.

Thế cho nên đáng gọi là Văn,

Tinh ròng vĩnh cửu vô chung.[8]

BÌNH LUẬN

  1. Cố chí thành vô tức... vô vi nhi thành.

Đạo chí thành là đạo của Thánh-nhân và cũng là đạo trời đất. Thánh nhân là những người đã khuếch sung thiên tính đến cùng cực,[9] cho nên đã bước lên được thiên vị: Dữ thiên đồng đức.

Trời hoạt động không ngừng thì thánh nhân cũng bắt chước Trời hoạt động không ngừng nghỉ. Hoạt động của thánh nhân không cứ phải là lao tác tay chân, mà là hoạt động siêu việt về thần trí.

Nhờ sức hoạt động không ngừng nghỉ ấy mà thánh nhân trở nên cao minh, bác hậu, ảnh hưởng đến muôn dân, muôn đời.

Ảnh hưởng của thánh nhân không biên cương, giới hạn, biến hóa quần sinh, tác thành muôn vật. Cho nên nói: Các ngài bác hậu, cao minh, phối hợp được với đất trời.

Trung Dung coi thánh nhân với Trời là một, nên dùng cùng một thứ hình dung từ để mô tả thánh nhân và trời đất.

Thánh nhân chí thành vô tức thì Trời cũng ô mục bất dĩ. Thánh nhân bác hậu, cao minh, du cửu, vô cương thì trời đất cũng bác hậu, cao minh, du cửu, vô cương.

Đó cũng là quan niệm của các danh nho đời Tống như Chu Hi, Trình Tử.[10] Các vị thánh nhân khi đã đạt tới thiên đức, không cần phô trương mà đức độ vẫn luôn hiển hiện; không cần lao tác mà vẫn cảm hóa chúng dân, chẳng phải lao đao vất vả mà vẫn thành công rực rỡ. Dịch Kinh viết: «Trời đất cảm vạn vật mà vạn vật hóa sinh; thánh nhân cảm nhân tâm mà thiên hạ bình.» [11]

Sách Trung Dung kim thích bình rằng: «Thánh nhân cùng một thể với trời đất, cho nên chẳng phô trương mà vẫn hiển hiện, chẳng lao tác mà vẫn cảm hóa, chẳng làm mà vẫn thành công.» [12]

Thánh hiền Trung Quốc cho rằng chỉ có Trời và thánh nhân mới có thể vô ngôn nhi tín, vô vi nhi thành,[13] cho nên hai chữ vô vi ở đây cần được hiểu là hoạt động siêu việt của thần minh. Liệt Tử viết trong Xung Hư Chân Kinh: «Hoạt động cao siêu nhất gọi là vô vi.» [14]

Nhìn vào lịch sử, ta thấy Chúa Jesus, Phật, Lão Tử, Khổng Tử, tuy sống không đầy trăm năm mà ảnh hưởng đến mấy ngàn năm, đến hằng ngàn muôn triệu người. Như vậy những lời bàn của Trung Dung tưởng không ngoa vậy.

  1. Thiên địa chi đạo ... hóa tài thực yên.

Cái bí quyết làm nên những công chuyện vĩ đại chính là sự hoạt động không ngừng nghỉ. Cho nên chương này khởi đầu bằng chữ chí thành vô tức, rồi lại kết thúc bằng thuần diệc bất dĩ. Đó là định luật chung cho Trời và người.

Dịch Kinh (quẻ Càn) viết: «Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. « (Trời hoạt động mãnh liệt, người quân tử cũng phải cố gắng không ngừng.)

Nhờ sự hoạt động không ngừng nghỉ ấy mà một khuôn thiêng Thái Cực đã sinh hóa ra được muôn loài muôn vật, kỳ ảo khôn lường. Cho nên Trung Dung viết: «Kỳ vi vật bất nhị, kỳ sinh vật bất trắc.» [15]

Tiên nho cho rằng hoạt động không ngừng nghỉ sẽ súc tích mãi mãi, và càng súc tích nhiều thì càng trở nên bao la vĩ đại.[16]

Trình Tử viết: «Thần sở dĩ là thần, chính là nơi súc tích vô cùng mà thôi.» [17]

Trời đất, sông biển, núi non cũng đều là do định luật tích thiểu thành đại mà ra, đều do súc tích mà thành.[18]

Con người cũng vậy, có tích đức tích thiện thì mới trở nên thánh hiền cao cả được. Dương Qui Sơn viết: «Tích mãi cho đến bác hậu, cao minh, sẽ có thể chở che, thành tựu muôn vật, công dụng ảnh hưởng sẽ không thể nào lường, cho nên vô cùng như trời đất.» [19]

Ta cũng có thể bình luận rằng vì hoạt động không ngừng nghỉ của vũ trụ mà trời đất, núi non, sông biển được triển dương biến hóa đến cùng cực.

Cắt nghĩa câu «cập kỳ chí, cập kỳ bất trắc...» [20] là: khi triển dương, biến hóa đến kỳ cùng ta sẽ làm cho muôn vật trở nên hết sức sống động, sẽ làm nổi bật được sức tiến hóa của Tuyệt đối thể, của Nguyên động lực tiềm ẩn trong lòng vạn vật, sẽ bao quát được các lẽ biến dịch tiến hóa, bao quát không gian, thời gian, hiểu được thuyết nhất thể vạn thù của cổ nhân, cũng như phối kiểm được các thuyết khoa học mới mẻ nhất về vũ trụ và về vạn vật, như thuyết vũ trụ triển dương của linh mục Georges Lemaître, Hubble, và Eddington,[21] thuyết vạn vật tiến hóa của Lamarck và Darwin, thuyết vạn sự, vạn vật đều tàng ẩn trong nguyên thể, nguyên noãn của Weissmann, v.v.[22]

Chỗ giống nhau của thuyết Đông Tây kim cổ là tất cả đều đề xướng thuyết Nhất thể vạn thù. Chỗ khác nhau là: Á Đông chủ trương Nhất thể là Thái Cực, là Trời; còn Georges Lemaître chủ trương Nhất thể là nguyên tử ban sơ (atome primitif); Lamarck, Darwin chủ trương nguyên thểnguyên noãn.

Đồng thời đoạn này cũng cho ta thấy rằng con người tuy tầm thường, nhưng nếu dày công tu luyện, sẽ có thể tiến hóa, triển dương đến cùng cực, có thể đạt được thiên đức, thiên vị.[23]

Chính vì vậy mà Mạnh Tử đã viết: «Mình có sẵn 4 mối (thiện đoan) ấy nơi mình, mà mình biết mở rộng ra cho chúng nó sung túc, thì chúng nó như ngọn lửa nhen nhúm sắp cháy bùng, như dòng suối phát tích sắp lưu thông. Nếu mình biết làm cho 4 mối thương xót, hổ thẹn, khiêm nhường, phải quấy ấy được sung túc nơi mình thì mình đủ sức giữ gìn bốn biển; còn như chẳng biết làm cho chúng nó được sung túc, thì mình chẳng đủ sức phụng dưỡng cha mẹ.» [24]

  1. Thi vân ... thuần diệc bất dĩ.

Cuối chương, tác giả viện dẫn Kinh Thi để cho thấy rằng thánh nhân cũng như trời đất sở dĩ làm nên được những việc cao cả chính vì đã hoạt động không hề ngừng nghỉ gián đoạn, chính vì đã đạt tới mức hoàn thiện, tinh thuần. Như vậy Trung Dung đã cho ta bí quyết để trở nên thánh hiền. Muốn thành thánh hiền cần phải học hỏi, tu luyện, cố gắng không ngừng để khuếch sung các mối thiện đoan trong mình, khuếch sung thiên lý thiên chân cho đến chỗ chí thiện, chí mỹ, chí cao, chí đại.[25]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh