Trung Dung Tân Khảo: Chương 4. Chữ Tính, Chữ Mệnh Trong Đạo Trung Dung

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 4. CHỮ TÍNH, CHỮ MỆNH TRONG ĐẠO TRUNG DUNG

Ðã biết đạo Thống Trung Dung, ta phải nghiên cứu lại hai chữ Tính, Mệnh. Đó là điều kiện thiết yếu để hiểu Trung Dung và Nho giáo.

Đầu Trung Dung, Tử Tư viết:

«Bản tính cũng chính là thiên mệnh

Đạo là noi theo tính bản thiên.»

Như vậy hai chữ Tính, Mệnh là đề tài then chốt của Trung Dung.

Đọc tựa Kinh Thư Đại Toàn ta thấy viết: «Xưa nay tâm pháp đều bắt nguồn ở hai chữ Tính Mệnh. Thánh hiền muôn đời không thay đổi được.» [1]

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mấy lời ấy tưởng đã đủ thôi thúc ta suy cứu cho ra mối manh hai chữ Tính Mệnh.

  1. CHỮ TÍNH MỆNH TRONG DÂN GIAN

Trước tiên, chúng ta đừng lẫn lộn chữ Tính, chữ Mệnh trong Nho giáo với chữ Tính, chữ Mệnh trong dân gian, vì thực ra cũng một hình hài văn tự, mà ý nghĩa thì khác biệt nhau Trời vực.

Tính theo nghĩa dân gian là phản ứng thường gặp của cá nhân.

Mỗi người phản ứng một cách, nên tính cũng biến đổi theo người, vì thế, có câu «Bá nhân, bá tính».

Tính đó là tính nết, là thói quen. Tính đó là thường tình, là tâm tính.

Mệnh theo nghĩa dân gian là số mệnh, số phận. Số mệnh mỗi người mỗi khác, vì lệ thuộc vào thân thế và hoàn cảnh. Số mệnh có dở, có hay, có truân chuyên, có hạnh phúc. Nhiều người cho rằng số mệnh dở, hay đều do Trời tiền định:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao. (Kiều)

Quan niệm có thể làm cho con người đi đến chỗ ù lì, hết phấn đấu:

«Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu.» (Kiều)

  1. CHỮ TÍNH MỆNH THEO MỘT SỐ NHO GIA

Ta cũng sẽ không hiểu chữ Tính, chữ Mệnh, theo chủ trương của ít nhiều Nho gia.

Theo chủ trương này, thì mệnh là công trình nhập thế (Quan nguyệt quật 觀 月 窟), cải tạo hoàn cảnh, tượng trưng bằng nửa vòng Dịch đầu, từ quẻ Cấu đến quẻ Khôn, còn Tính là công trình xuất thế (Kiến thiên căn 見 天 根), cải tạo tâm hồn, tượng trưng bằng nửa vòng Dịch sau, từ Phục đến Càn.[2]

TÍNH

MỆNH

Ý muốn nói, con người cần phải dùng đời mình để cải tạo hoàn cảnh và để tu thân, có thế mới hoàn tất được Tính Mệnh mình.

Lời bàn giải trên thực cũng đã tinh vi tế nhị.

III. CHỮ TÍNH MỆNH THEO KHỔNG GIÁO

Nhưng chữ tính, chữ mệnh trong Khổng giáo còn cao siêu huyền diệu gấp bội.

Ngay các cao đệ đức Khổng cũng không dễ được nghe ngài bàn tới.

Tử Cống nói:

«Văn chương bình luận phán phê,

Văn chương Phu Tử ta nghe thường rồi.

Còn như Tính với đạo Trời,

Mấy đời thầy giảng, mấy đời ta nghe.» [3]

Câu này tả nỗi sốt ruột của Tử Cống muốn được nghe thầy truyền tâm pháp mà chưa được. Chưa được nghe, vì chưa xứng đáng nghe: đường lối cổ nhân là vậy.

Về chữ mệnh, Đức Khổng khiêm tốn nói: «Ta bàn chữ Mệnh không nổi.» Tuy ngài có tài thuyết minh, biện bác trổi xa hơn Tể Ngã, Tử Cống.[4]

Lời nói đó làm ta liên tưởng tới một câu của Lão Tử:

«Đạo Trời ôm ấp một mình,

Còn hơn vất vả thuyết minh suốt đời.»[5]

Mấy lời Đức Khổng nói trên cốt để ta lưu tâm suy cứu về chữ Mệnh, đừng nông nổi hiểu lầm, vì hiểu được chữ Mệnh, ta sẽ đổi được lề lối sống.

Đức Khổng năm mươi tuổi mới biết mệnh Trời.[6]

Tăng Tử kết thúc quyển Luận Ngữ bằng một lời giáo hóa của Đức Khổng: «Chẳng hiểu mệnh Trời, không đáng gọi là người quân tử.» [7]

Hai chữ Tính Mệnh của đạo Khổng nó khúc mắc vô biên, tuy khác nghĩa nhau mà vẫn dính liền nhau như Càn Khôn quyện. Nó rất quý báu, nó chính là Tính Mệnh ta, vì vậy ta cần phải tìm hiểu cho tường tận.

  1. Chữ Tính

Thời Khổng Tử, chữ Tính đã thông dụng, nhưng ít được bàn giải minh bạch. Mạnh Tử là người đầu tiên đề xướng thuyết tính thiện. Đến đời Tống, các danh nho mới bàn giải kỹ lưỡng về chữ Tính.

Cho nên muốn hiểu chữ Tính, phải tham khảo Tống nho.

Minh Đạo tiên sinh thường nói: «Tính cùng đạo Trời nếu không tự đắc thì không biết được.» [8]

Theo Hoành Cừ, Tính là lẽ chí thiện, chí mỹ của Trời đất.[9]

Trình Y Xuyên cho tính là chân nguyên, là Lý, là «Vật năng sinh».[10]

Ngũ Phong nói: «Tính là lẽ mà Trời đất sở dĩ thành lập, nên Tính là điều kín nhiệm của quỉ thần.» [11]

Lại nói: «Tính bản nhiên ấy chí thiện; đã bảo rằng chí thiện, tức là tuyệt đối.» [12]

Tính hay thiên tính, thiên lý là nguồn mạch sự sống, là chân, thiện, mỹ. Vì thế, Trung Dung định nghĩa «Tính» là hoàn thiện, quang minh.[13]

Theo Mạnh Tử và Chu Hi, tính hàm súc vạn lý, nhưng phân cương lĩnh lớn lao gồm bốn điều, mệnh danh là nhân, nghĩa, lễ, trí.[14]

Sự khảo sát này đưa đến một sự kiện rất quan trọng. Đó là sự phân biệt giữa tính và tâm. Theo quan điểm các đại hiền triết Nho giáo, thì tính và tâm khác nhau muôn trùng. Vì tính là thiên tính, thiên lý, không phải là tâm tính, tâm tình như ta thường hiểu.

Tuy nhiên, đôi đàng vẫn có liên hệ mật thiết với nhau. Chu Hi nói: «Tính như Thái cực, tâm như âm dương, tuy khác nhau Trời vực, như vẫn lồng vào nhau như bóng với hình, tuy một mà hai, tuy hai mà một.» [15]

Ta hãy dùng một thí dụ, để phân biệt tính với tâm, đồng thời xác định liên hệ giữa tính với tâm:

Thiên tính hay đạo tâm như mặt Trời muôn thuở, huy hoàng, viên mãn, tâm tình hay nhân tâm như vầng trăng, tròn khuyết, sáng tối với thời gian.

Đạo tâm muôn thuở, chiếu diệu ánh sáng nhân, nghĩa, lễ, trí xuống nhân tâm như mặt Trời soi sáng cho vầng trăng.

Nhưng những tia sáng muôn trùng đó lúc tỏa xuống tối nhân tâm đã dấu bớt rực rỡ, thu bớt quang huy để hòa mình cùng trần cấu nhân loại.

Lòng nhân từ (nhân 仁), bát ngát, mênh mông, ứng xuống lòng người, làm cho con người cảm thấy nỗi niềm, trắc ẩn, bất nhẫn trước mọi nỗi đau thương. Có lúc ta thương vay, xót mướn, thương vẩn, thương vơ:

«Thương con quốc rũ kêu mùa hạ,

Thương cánh bèo trôi dạt bể đông,

Thương vợ chồng Ngâu duyên chểnh mảng,

Thương cha mẹ nhện số long đong.»

Ta thương tự nhiên ta thương:

Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng thương thay.

Chính nghĩa muôn thuở (Nghĩa 義), vẻ đẹp ngàn đời chiếu xuống lòng ta cô đọng lại thành lòng tu ố, lòng biết liêm sỉ: tự nhiên ta xấu hổ, ta ngượng nghịu vì những điều xằng bậy mình làm ghét những điều chếch mác, dở dang, chê những chuyện bạo tàn, bóc lột, thích những nghĩa cử:

«Anh hùng đã gọi tiếng rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.» (Kiều)

Trật tự uy nghi muôn thuở (Lễ 禮) soi xuống tâm hồn ta, biến thành lòng từ nhượng, làm cho ta biết khiêm tốn,biết phục thiện, biết gò bó mình vào vòng lễ giáo, trong khi dục tình, như ngựa ô truy, luôn luôn muốn rong ruổi trên đường đời để gây can qua, máu lửa.

Trí quang minh, rực rỡ (Trí 智) chiếu xuống lòng ta sinh ra sự biết thị phi biết hay, biết dở, hay để làm, dở để tránh.

Tóm lại, tính là hoàn thiện tuyệt đối. Tính đó, tính quang Trời đó, vẫn lẩn trong tâm ta nhưng ta đâu có hay, có biết, cho nên tâm hồn ta vẫn điên đảo, ngả nghiêng.

«Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng người điên đảo, ngả nghiêng.»

Tính đó, nguồn chân, thiện, mỹ đó, là khuôn vàng, thước ngọc cho ta theo. Tính đó là đường đưa ta về với Trời, vì thế gọi là đạo, Tính đó là mệnh lệnh của Trời truyền. Ta phải theo chân «tính» đó, soi gương «tính» đó để hoàn thiện mình, y như đất noi theo gương Trời.[16]

HÌNH 2

HÌNH 3

Mạnh Tử viết:

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết tính,

Hay biết tính, nhất định biết Trời,

Tồn tâm, dưỡng tính chẳng rời,

Đó là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.

Yểu hay thọ không thay lòng dạ,

Cứ tu thân một thuở đợi Ngài.

Đó là theo đúng mệnh Trời.

Mệnh Trời đó chớ rời gang tấc,

Theo ý Trời ta chắc không sai.

Cho nên kẻ biết mệnh Trời,

Tường long vách lở là nơi chẳng gần.

Sống trọn đạo đến cùng rồi chết,

Thế là theo đúng hết mệnh Trời,

Gông cùm chết uổng một đời,

Ấy đâu phải chính ý Trời muốn đâu.

Muốn có Ngài, tìm cầu sẽ có,

Muốn mất Ngài, cứ bỏ Ngài đi,

Những điều ích lợi tinh vi,

Lòng ta ta kiếm ta đi ta tìm,

Tìm cầu Ngài, ta liền có đạo.

Có được Ngài, trọn hảo mệnh Trời.

Tìm điều vật chất bên ngoài.

Ngoài mình tìm kiếm sẽ hoài mất công.[17]

Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành,

Kiện toàn, hoàn thiện, tinh anh,

Vui nào hơn được khi mình đang vui...

Cố đối với mọi người tử tế,

Muốn tìm Nhân ấy thế là Nhân.

Vẫn mang Ngài, mà thân chẳng hiển,

Vì quá quen nên khiến chẳng suy.

Suốt đời Ngài độ ta đi,

Nhưng mà dung tục biết chi đạo Ngài.[18]

Quan niệm về tính, sự phân biệt giữa tính và tâm của Khổng giáo đem đối chiếu với các chủ trương của các đại hiền triết Đông Tây sẽ không thấy sai biệt.

Các đại hiền triết Đông Tây cũng như danh nho lịch đại, đều cố tiến sâu vào đáy thẳm tâm hồn để tìm cho ra căn để tâm hồn mà các ngài cho là tuyệt đối thể, bất biến, trường tồn, vừa tế vi huyền diệu, vừa mênh mông bao quát vũ trụ.

Ý thức (conscience psychologique), hay nói cách khác, những hiện tượng tâm lý (phénomènes psychiques), góp lại dưới danh từ tâm hồn mới chỉ là những hiện tượng phù phiếm, chưa phải là toàn thể tâm hồn.

Dưới lớp ý thức phù phiếm còn có lớp tiềm thức mênh mông, làm căn bản cho tâm hồn.

Mỗi học thuyết triết học lại dùng những danh từ riêng để diễn tả căn bản tâm hồn ấy. Đó là:

- Atman (Đại ngã) trong triết học Bà la môn.

- A-lai-da thức, Đệ bát thức, Hàm tàng thức, chân như, Phật tính, bản lai diện mục, v.v... trong Phật giáo.

- Đạo, cốc thần, huyền tẫn, v.v. trong đạo Lão.

- Thần (Le «Nus») của Anaxagore

- Đạo (Le «Logos») của Philon và Plotin, của thánh Jean.

- Toàn nhất (L’Un-Tout) của Hartmann.

- Tuyệt đối thể (L’Absolu) của Shelling.

- Tự thể (Noumène) của Kant.

- Vô thức đại đồng (inconscient collectif) của Jung

- Thực thể (L’Être)

- Tâm đại đồng (conscience universelle)

- Thiên địa chi tâm (conscience cosmique) v.v...

trong siêu hình học Âu Châu.

Các thánh hiền trong Khổng giáo chủ trương trong tâm có Tính, dưới lớp «nhân tâm nghiêng ngửa», còn có nền tảng «đạo tâm siêu vi» ẩn áo, thì các hiền thánh Đông Tây cũng chủ trương tương tự, nghĩa là tâm hồn ta có hai phần: một phần thẳm sâu, ẩn áo huyền vi, cao minh linh diệu, hoàn thiện tuyệt đói, hằng cửu bất biến, đó là bản thể, bản tính nhân loại; một phần là ta, là tâm hồn ta theo nghĩa thông tục, biến thiên, nhỏ nhoi, hèn mọn cần được uốn nắn, giũa mài.

Hai phần đó là:

Đại ngã, Tiểu ngã trong Bà la môn; Chân tâm, vọng tâm trong đạo Phật; Đạo và tâm trong đạo Lão, thần và hồn (Le Nus - La pine raison - et la Psukhê - l’âme) trong các học thuyết Âu Châu.

Sự phân biệt này giúp ta hiểu được những điều khúc mắc, ẩn áo, dung hòa được những mâu thuẫn giữa các môn phái triết học Đông Tây.[19]

Muốn hiểu chữ tính cho tường tận, tưởng nên trưng thêm một đoạn văn của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh:

Người chí thánh hòa mình với Đạo,

Dáng dấp người ẩn áo với Trời.

Trời sinh ra khắp muôn loài,

Phất phơ, phất phưởng ảnh Trời ở trong.

Ngỡ muôn loài tối tăm, u uẩn,

Tinh quang Trời vẫn lẩn trong tâm,

Tinh quang ấy thực thiên chân,

Khơi nguồn tín ngưỡng xa gần xưa nay.

Xưa và nay tên Ngài vẫn đó,

Tên Ngài còn mới có chúng sinh.

Ta hay dáng dấp «nguồn sinh»,

Là nhờ phương pháp thuyết trình trên đây.[20]

  1. Chữ Mệnh

Chữ mệnh vừa là mệnh Trời, vừa là định mệnh con người. Vậy Trời muốn gì, và định mệnh con người sẽ ra sao?

Đạo Nho cho rằng: Trời muốn con người tận thiện mình, hiển dương tính Trời để kết hợp với Trời, thông phần vinh hiển của Trời.

Kinh Thi viết:

«Mệnh Trời ấy há đâu có dễ:

Muốn cho ta đừng kể tư thân,

Biểu dương phóng phát thiện chân...» [21]

Tất cả kho Kinh Dịch cốt dạy ta thấu hiểu căn bản con người, để hoàn tất sứ mạng con người.[22]

Thiệu Khang Tiết chủ trương sự tiến hóa của vạn vật rồi ra cũng sẽ kết thúc bằng sự hoàn thiện. Ông viết: «Nhất biến thành vạn, rồi ra vạn lại trở về nhất; mà nhất chính là thiên địa chi tâmtạo hóa chi nguyên.» [23]

Nhưng muốn hiểu mệnh Trời không phải dễ. Dịch nói: «Phải thông suốt lý lẽ, am tường bản tính, mới có thể thấu đáo được thiên mệnh.» [24]

Vì hiểu mệnh Trời, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn đã nên như những vị sao sáng, chiếu diệu tinh quang cho tới những thế hệ này. Vì hiểu mệnh Trời, nên Nghiêu, Thuấn đã:

«Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.» [25]

Hiểu mệnh Trời, Thành Thang đã cố đạt tới tinh hoa nhân loại, tới Trung Dung, Hạ Vũ đã cố đạt tới hoàn thiện; sự hoàn thiện đó hoặc gọi là đức, là nhân, là kính, là thành, lời tuy khác nhưng ý là một, nghĩa là không ngoài sự làm sáng tỏa nguồn mạch kỳ diệu của tâm hồn.[26]

Vậy mệnh Trời là muốn cho ta tìm cho ra bản thể mình, theo tiếng lương tâm, phục tòng thiên lý, tận thiện mình để kết hợp với Trời.

Đó cũng chính là chủ trương «qui nguyên phục mệnh» của đạo Lão.

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cùng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.[27]

Nhà bác học Lecomte du Noüy gần đây cũng viết trong quyển Định mệnh con người: «Mọi người hãy ghi nhớ rằng định mệnh con người rất cao quý. Con người xin đừng bao giờ quên tàn lửa Trời trong thâm tâm mình. Con người có toàn quyền khinh miệt hay làm tiêu ma ngọn lửa thiêng đó, nhưng cũng có toàn quyền tiến tới gần Thượng đế bằng cách ra công ra sức hoạt động với Ngài và vì Ngài.» [28]

HÌNH 4: Tính mệnh song tu, âm dương hợp nhất: Phổ chiếu đồ.[29]

Như vậy theo tiên hiền, Tính thật là hoàn hảo, Mệnh thật là cao sang.

Tính mệnh là điểm Trời người gặp gỡ.

Trương Tử viết: «Tinh hoa Trời ban cho người, gọi là Mệnh; tinh hoa người thụ hưởng do Trời, gọi là Tính.» [30]

Ngô Thảo Lư viết: «Tính hay Mệnh đều là Thái cực.» [31]

Nhưng hai chữ Tính - Mệnh theo thời gian, đã trải mấy tang thương.

Đối với dân gian, như ta đã thấy, chữ Tính chữ Mệnh có ý nghĩa rất nghèo nàn, chật hẹp.

Thay vì có ý nghĩa phổ biến, phổ quát như xưa, hai chữ tính mệnh được đem áp dụng trong những trường hợp cụ thể, đặc thù, cho nên Tính trở nên chất chưởng, biến thiên, Mệnh trở nên đa đoan, bất định.

Nói đến theo «tính tự nhiên» ai cũng rùng mình, cho là vô lý, là trụy lạc. Nói tới Mệnh, mọi người liên tưởng đến gian lao, khổ sở hơn là sung sướng, thảnh thơi. Theo thời gian, chữ Tính toàn thiện, bao hàm thiên lý, thiên đạo đã bị pha phôi.

Ánh hào quang nguyên nghĩa đã mất; chữ Tính chỉ còn gợi ra những hình ảnh phù du, biến ảo của tâm trạng con người. Chữ Mệnh cao sang, toàn bích cũng đã bị tả tơi, bị chia sẻ vô hạn định như một tấm bản đồ gia phả quí báu đã rách nát. Chữ Mệnh nay đã phong trần chịu sánh vai cùng chữ số mệnh, số mệnh. Số phận, số mệnh chỉ còn là phân số nhỏ nhoi của định mệnh toàn bích, một trận đường trần gian trên con đường thiên lý.

Dở lại những trang sách cũ, ta mới thấy đối với các thánh hiền ngàn xưa, Tính Mệnh là ngọc châu vô giá. Tính là thiên tính, thiên lý, thiên lý, cho nên theo «tính tự nhiên» (suất tính) là lý tưởng của các ngài, là đạt tới định mệnh cao cả của con người, là thuận mệnh Trời.

Tóm lại hai chữ định mệnh chẳng qua là khởi điểm và cùng điểm của lịch sử nhân loại. Vì thông phần tính Trời, nhân loại sẽ thực hiện được mệnh Trời, nghĩa là đạt được sự hoàn thiện, lúc lịch sử nhân loại cáo chung.

Suy ra, thì lịch sử của nhân loại chính là sự diễn tiến của Tính Mệnh qua hoàn cảnh, và tâm tính. Muốn thực hiện được Tính Trời, qui phục Mệnh Trời, con người sẽ phải qua những giai đoạn phàm phu, sĩ, quân tử, hiền, và thánh.

Nói cách khác, những trạng thái nhân loại phô diễn trong không gian phàm phu, sĩ, quân tử, hiền, thánh cũng sẽ là những trạng thái nhân loại tuần tự diễn tiến trong thời gian, và động cơ lịch sử sẽ là hoàn cảnh, tâm, tính, và mệnh.[32]

Phàm phu là những người chỉ biết có tâm biến thiên, nên không tự chủ, tự cường được là luôn bị lôi cuốn theo hoàn cảnh, đồng hóa với hoàn cảnh.

Sĩ là những người chịu suy tư học hỏi để tìm cách chế ngự hoàn cảnh.

Quân tử là những người gắng gỏi học hành, cố công truy cứu để tìm cho ra Tính ẩn khuất sau tâm, mong sống thoát vòng cương tỏa của hoàn cảnh, tâm tình.

Hiền là những người đã tiến xa hơn, phân biệt rõ tính và tâm, phân định rõ ngôi chủ tớ, tâm hồn tự nhiên theo thiên tính, thiên lý, Đó là «suất Tính» để thuận mệnh Trời.

Thánh là những người mà đời sống hoàn toàn phù hợp thiên tính, thiên lý, đến nỗi lòng riêng chẳng còn, niềm tây đã sạch, trở nên một tấm gương phổ quát cho nhân thế soi chung. Đó là «phục mệnh» để «phối thiên» và hưởng trường sinh bất tử.

Nếu như vậy, lịch sử nhân loại cũng phải có những giai đoạn tương tự, nghĩa là có thời kỳ con người bị hoàn cảnh chi phối, có thời kỳ sẽ chế ngự được hoàn cảnh, có thời kỳ sẽ thám hiểm tầng sâu tâm hồn để tìm cho ra Tính ẩn khuất sau tâm, có thời kỳ sẽ tự động sống thuận Mệnh Trời, phục tòng thiên lý, và tới chung cuộc lịch sử, con người sẽ tiến tới hoàn thiện cả về tinh thần lẫn vật chất.[33]

Trên con đường thực hiện Thiên Tính để phục tòng Thiên Mệnh, con người có hai bảo vật, đó là chí thông minh và lòng dũng cảm. Tính Mệnh con người được bảo tòan chính là nhờ ở sự triền miên suy tư, và công trình gắng gỏi liên tục của con người.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh