Trung Dung Tân Khảo: Chương 15. Di Tích Trung Điểm Và Vòng Dịch Trong Hoàn Vũ

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 15. DI TÍCH TRUNG ĐIỂM VÀ VÒNG DỊCH TRONG HOÀN VŨ

Một học thuyết chẳng qua là để xiển minh các vấn đề về Thượng đế, nhân loại, vũ trụ và những liên quan tương ứng.

Học thuyết cao cho nhìn thấy bao quát vấn đề, học thuyết thấp chỉ bàn giải về một vài khía cạnh. Một học thuyết cao còn có tính cách phổ quát, nghĩa là ta có thể dùng nó mà giải thích hết các học thuyết cổ kim; được vậy chính vì nó phát xuất từ căn nguyên và cũng là vì nó là tuyệt điểm tuyệt đích.

Khi đã hiểu vi ý Trung Dung, khi đã hiểu lẽ «đồng qui nhi thù đồ», khi đã xác định rằng Trung Dung là tâm điểm bất biến, mà Dịch là vòng tròn chu luân vạn hữu biến thiên, ta có thể dùng tâm điểm và vòng tròn làm chìa khóa để mở chốt then các học thuyết, làm kim chỉ nam để nghiên cứu các tượng hình, hoạ bản, đền đài miếu mạo Đông Tây mà tìm cho ra ẩn ý cổ nhân.

Mục đích là để:

«Rẽ sóng thời gian tìm nghĩa lý.

Khơi lòng trời đất lấy tinh hoa

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Và cũng là để chứng minh rằng muôn vạn ngả đường đều gặp gỡ ở Trung tâm, và chủ trương, đường lối xưa nay của các thánh hiền trên hoàn vũ chẳng phải là sai ngoa vu khoát.

  1. Ý nghĩa tâm điểm và vòng tròn trong các học thuyết Âu Á

Như trên đã chứng minh, đối với Nho giáo, thì tâm điểm, trung điểm là Trời là Thái cực, mà vòng tròn bên ngoài là các hào quái tượng trưng cho vạn hũu biến thiên.

Lạ thay, khi khảo sát lại các học thuyết cổ từ á sang Âu, ta đều thấy quan niệm này được lưu truyền với những tượng hình y thức như vậy.[1]

Đi ngược dòng thời gian, trở về với những văn minh tối cổ như Ai Cập, Chaldée, trở về với những học thuyết tối cổ như Vệ Đà, Pythagore,[2] Zoroastre,[3] đâu đâu ta cũng thấy tâm điểm tượng trưng Hóa công bất biến, và vòng bên ngoài chỉ sự luân lưu biến ảo của hiện tượng và vạn hữu.

Trong các di tích cổ Ai cập, ta thấy một hình vòng tròn trong tâm có chữ AUM, bên ngoài có hai con rắn song song tượng trưng quyền năng và trí tuệ Tạo hóa.

Chữ w.ee hay AUM hay Thủy Chung ở giữa vòng tròn là Thượng đế tuyệt đối toàn năng.[4]

Hình 26: Tâm điểm và vòng tròn trong huyền học Ai cập.

(Egyptian point within a circle)

... «Theo kinh Veda, thì trước khi muôn loài được tạo dựng, chỉ có Brahman, Bản thể thuần túy, không hình thức sắc tướng; đó là Mahâ Bindu, là Tuyệt điểm, là Thần, Khí... Tuyệt điểm ấy siêu hình, vô trụ, vô lượng, nhưng chính là căn nguyên phát huy muôn vật.

Tuyệt điểm ấy ví như trung tâm vòng Hoàng đạo phát sinh mười hai cung.

Tuyệt điểm ấy có thể sánh với Hư không của Veda (Shunya) vì chưa bị ảo ảnh bên ngoài khoác lên trên mình các lớp hình thức sắc tướng, hay có thể sánh với Hư vô của J. Boehme.[5]

... «Còn vòng tròn bên ngoài tượng trưng sự phát triển muôn mặt của Tâm Điểm, hay của Căn nguyên tuyệt đối... Thế tức là vòng tròn[6] tượng trưng cho Vô hạn hiển dương trong hữu hạn bằng biến chuyển tuần hoàn, vãng lai, tiêu trưởng...» [7]

Đứng về một phương diện khác, thì tâm điểm là tự do khinh khoát; còn vòng tròn bên ngoài là vòng định mệnh gồm đủ các ảnh hưởng chi phối con người.[8]

Bao lâu con người còn ở các vòng, lớp bên ngoài thì dĩ nhiên sẽ bị ngoại cảnh chi phối, bao lâu còn hòa mình với phù du ảo ảnh thì cũng sẽ bị tàn phai, hủy hoại như phù du ảo ảnh. Còn trái lại nếu biết thu hồi thần trí cho qui tụ về Tâm, thì sẽ trở nên một «lữ khách» trên con đường về Trung điểm, sẽ hòa mình với Trung điểm, Tuyệt điểm, và lúc ấy các duyên nghiệp bên ngoài không còn ảnh hưởng tới mình được nữa...

René Guénon, nhà huyền học Pháp cũng viết: «Sở cư của Brahma» chính là ở tâm điểm vũ trụ và nhân loại, còn hình thức sắc tướng có thể nói được là đều ở quanh bên ngoài, trên vòng «bánh xe vạn hữu».[9]

Thay vì dùng tâm điểm và vòng tròn, nhiều học thuyết dùng những hình tương đương thay thế: Trong các hình vẽ Trung Hoa thời cổ, thường có hình Phục Hi cầm «Qui» (compas) Nữ Oa cầm «Củ» (thước vuông).[10]

«Qui» để vẽ vòng tròn, «Củ» để vẽ 2 đường thẳng góc trong vòng, xác định tâm điểm. Vì thế, người xưa còn gọi Trung điểm là Thập tự nhai 十 字 街 .[11]

Hình 27: Hình Phục Hi cầm Qui, Nữ Oa cầm Củ

Hình 28: Biểu tượng Qui Củ của hội Tam Điểm

Dấu hiệu của hội Tam Điểm (Franc Maconnerie) là hình một chiếc «Qui» xếp trên một hình thước thợ (Củ), ôm lấy chữ G vào trong, mà G, tức là GodIod, là Thượng Đế.[12]

Hình 29: Hình Thái Cực (hay Lưỡng Nghi) cầm Qui Củ.

Khoa Huyền Học cũng thường vẽ hình Lưỡng Nghi (Rebis), một bên cầm Qui, một bên cầm Củ hợp nhất thành Thái Cực (Mercure).[13]

Biểu hiện của phái Rose-Croix, là một bông hồng (hình tròn đặt trên hình chữ thập.

René Guénon và C.G. Jung đều cho rằng những kiểu kính hoa hồng, hoa thị (rosace) ở Âu Châu cũng vẫn chỉ có một ngụ ý như tâm điểm và vòng tròn[14] hay hình hoa sen ở Á Châu.

Tóm lại, dẫu nói xa hay nói gần, nói thật thà chất phác, hay nói bóng gió, tất cả các hiền nhân, thánh triết đều truyền thụ cho nhau Trung Đạo cao siêu...

Nghiên cứu thuật luyện đan Âu Châu thời cổ, ta cũng thấy cổ nhân đã dùng tâm điểm và vòng tròn[15] để toát lược chủ trương, và kỹ thuật luyện kim, hay nói cho đúng hơn, phương pháp giải thoát con người, thần thánh hóa con người.

Tâm điểm chính là bản thể, là nguồn gốc con người, là tiên đan, là nguồn mạch trường sinh, là thiên địa chi tâm, là «ngọc châu viên giác» (lapis philosophorum) mà con người cần tìm cho ra.[16]

Ngoài những từ ngữ, cổ nhân còn dùng nhiều hình vẽ để xiển minh chân lý đó.[17]

C.G. Jung, sau khi đã nghiên cứu, trong vòng ba mươi năm, các «mandala» từ Đông sang Tây đã quả quyết chắc chắn là tâm điểm những họa bản ấy cốt để ám chỉ «trung tâm», «chân tâm», «đạo tâm» chứ không phải «vọng tâm», «nhân tâm», con người riêng tư, phù phiếm bên ngoài,[18] còn vòng tròn bên ngoài tượng trưng công trình tu luyện để tiến về tâm điểm đó.[19]

Như thế, mục đích các đan gia (alchimiste) chân chính chẳng qua đều cốt chỉ vẽ cho con người tìm ra bản thể mình;[20] dùng thời gian, vạn hữu, thân xác, tâm thần làm công cụ để tìm ra và tiến tới bản thể.[21]

Thế tức là tìm ra được kim đan,[22] thế tức là tìm được thuốc trường sinh bất tử...

  1. Tâm Điểm và Vòng Hoàng Đạo

Muốn hiểu rõ thêm ý nghĩa của tâm điểm bên trong và vòng tròn bên ngoài, chúng ta hãy nghiên cứu các vòng Hoàng đạo, hay vòng Dịch.

Các nước Babylone, Ai Cập, Do Thái, Ba Tư, ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, các nước Hồi giáo v.v... đều có dùng vòng Hoàng Đạo với 12 cung gọi là vòng Zodiaque.

Chữ Zodiaque (Zoe = Sự sống, diakos = bánh xe) có nghĩa là Bánh xe sự sống,[23] hay vòng chu luân gồm các kiếp sống khác nhau, hay vòng tuần hoàn của các quần sinh vũ trụ.

Đại khái, vòng Hoàng Đạo gợi ra sự biến thiên, thăng (évolution), trầm (involution) không ngừng của quần sinh vũ trụ. Nó gợi ra muôn vàn nếp sống khác nhau thường xuyên diễn tiến trên hoàn vũ.[24]

Nhưng thực ra, tâm điểm mới là đầu giây mối nhợ. Tâm điểm hay Trung điểm của các vòng Hoàng đạo tượng trưng cho Tuyệt đối thể, vô hình tích, cho nguyên tinh, nguyên khí nguyên thần sẽ phát huy ra quần sinh vũ trụ. Đó là Đạo thể, là Hư vô, hư vô vì huyền diệu không thể suy cho thấu, nghĩ cho cùng được.

Tâm điểm ấy các nhà huyền học Cổ kim gọi bằng nhiều danh hiệu: Ether, Akasha, Brahma, Hư vô (Shunya), Chakravarti, kim đan, huyền cơ bất động (le moteur immobile d'Aristote) hay Chân Như, Bản lai diện mục, v.v.[25]

Tâm điểm ấy chính là Cực (Pôle), là điểm bất biến làm khu nữu cho vũ trụ xoay quanh; còn sự tuần hoàn của vũ trụ thường được tượng trưng bằng bánh xe.Đó là một quan niệm phổ quát thấy ở khắp các dân nước.[26]

Người Ai Cập gọi tâm điểm là Thượng đế duy nhất, đấng tạo thành vũ trụ quần sinh, hay là Tem nghĩa là chủ chốt khu nữu của sự vận chuyển các tinh cầu.[27]

Tâm điểm cũng còn được mệnh danh là thần Mercure, là Tạo hóa phát sinh muôn ngàn biến ảo.[28]

Trong hình vẽ le Tarot,[29] ta thấy ở tâm điểm của hoàn vũ có viết bốn chữ Yod he Vau He, nghĩa là Yahwe, là Thượng đế...

Vòng Hoàng đạo Phật giáo, hay nói đúng hơn, vòng luân hồi của Phật giáo thường gồm bốn vòng tròn đồng tâm.[30]

Vòng trong bỏ trống tượng trưng cho Hư vô (Sunya hay Sunyata)[31] hay có vẽ hình Phật Vairocana. Các vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho tham, sân, si, lục đạo và thập nhị nhân duyên. Cho nên, vòng bên ngoài tức là vòng luân hồi, hay vòng thập nhị nhân duyên cốt mô tả những cuộc sống phù du, những ảo ảnh của cuộc đời:

Sự luân lạc của con người bắt đầu do dốt nát u muội, [32] để rồi hành động mù quáng chuốc mua oán nghiệt vào người, [33] chuyên lo tìm hiểu ngoại cảnh [34] để cho các hình ảnh phù du hư ảo bên ngoài [35] xâm nhập vào ngũ quan và ý chí, [36] đâm ra vấn vương [37] bịn rịn [38] khao khát say mê, [39] cố gắng tìm cầu cho được, [40] để làm của sở hữu riêng tư. [41] Mỗi lần say mê theo vật chất phù sinh như vậy là như bắt đầu sinh ra ở một kiếp người [42] để rồi tàn tạ già nua chết chóc [43] cùng với sự điêu tàn của ảo ảnh ...

Suy nghiệm ra thì Vairocana 毗 盧 舍 耶 Tì lô xá gia) tức là Trung điểm, là Tuyệt đối, là Pháp thân, là Bản lai diện mục, là Tịnh mãn 淨 滿 , là «Biến nhất thiết xứ», là Đại Nhật Như lai, là nguồn sống muôn vật.

Khi đã đối chiếu các học thuyết, ta có thể kết luận như sau:

Cổ nhân dùng tâm điểm và vòng tròn để tượng trưng cho hai phương diện biến hằng của vũ trụ. Tâm điểm bất biến hằng cửu là căn bản, là Đạo, là Thể. Vòng tròn bên ngoài biểu hiện sự di động biến thiên, phần công dụng.[44]

Vòng tròn bên ngoài tức là:

- Vòng Dịch Nho giáo

- Vòng Sinh mệnh (Rota fati et generationis của phái Orphisme)

- Vòng số mệnh (Khoa học Tarot)

- Vòng Luân hồi (Phật giáo)

- Chu kỳ Abred (học thuyết Bardisme)

- Vòng Hoàng đạo (chiêm tinh học)

- Ouroboros (con chu xà của Thông thiên học)

- Brahma luân (Brahma Wheel) trong Bà La Môn giáo[45]

Người ta còn dùng vòng tròn tượng trưng cho các tuần trăng, ngụ ý biến thiên phiêu lãng v.v...

Trong con người, thì vòng Dịch, hay vòng Hoàng Đạo gồm hai mạch: Nhâm (Âm, chạy phía trước), Đốc (Dương chạy phía sau lưng). Còn Trung điểm là Nê Hoàn Cung (xem hình 30). Nê hoàn cung hay Não thất ba (3è ventricule) cũng như nội tẩm trong các đền đài, là nơi Hóa Công ngự trị (Garbhagrita, chambre de l'Embryon), vì đó chính là trung tâm điểm vũ trụ, nơi mà căn nguyên tuyệt đối của mọi hiện tượng ngự trị.[46]

Hình 30: Tâm điểm và vòng Hoàng Đạo trong con người

Hình 30: Hai mạch Nhâm Đốc và Nê Hoàn Cung

Nhìn sang Ấn Độ giáo ta thấy: Sách áo Nghĩa Thư chỉ đường về tâm điểm, trung điểm tâm thần như sau:

«Tâm người trăm linh mốt kinh,

Mà duy có một thượng đình đi lên.

Cứ theo đường ấy mà men,

Rồi ra ắt được tới miền trường sinh.» [47]

Nơi khác lại viết:

«Nơi nào mà mọi thần kinh,

Như đũa gặp trục trong vòng bánh xe.

Nơi thần kinh hội tụ về,

Là nơi Tuyệt đối chưa hề hóa thân.

Cố tìm Tuyệt đối, Chân Tâm,

Rồi ra sẽ thoát biển trần hôn mê...» [48]

Tóm lại, vòng chu luân, vòng dịch, vòng luân hồi, vòng Hoàng đạo, v.v. chẳng qua là cốt tượng trưng vạn hữu, tượng trưng hiện tượng và mọi sự biến thiên chất chưởng bên ngoài. Vòng chu luân hay xa luân ngoài ra còn chỉ: thăng (ascension), giáng (descente); trầm hiện (précipitation), siêu thăng (sublimation); Thượng đế xuống với con người, và con người lên cùng Thượng đế.[49] Còn tâm điểm thời học thuyết nào cũng dùng để chỉ Bản thể, hay Tuyệt đối.[50] Suy ra thì con người cần phải biết dùng vạn hữu làm phương tiện để tiến về Tuyệt đối, nhìn hiện tượng để suy ra bản thể, thấy biến thiên chất chưởng bên ngoài để lập chí đi tìm trường tồn vĩnh cửu bên trong, bỏ tiểu tiết chi mạt, mà tìm cầu cho được đại thể, căn nguyên. Đó cũng chính là con đường muôn dặm con người phải đi để trở về cùng Thượng đế, đó cũng chính là một chương trình hoạt động vĩ đại mà Trời đã uỷ thác cho con người thực hiện, trước khi vào an nghỉ tại Trung cung...

Theo đà thời gian, con người sẽ phát huy dần dần hết mọi nguồn năng lực, và cuối cùng sẽ biết sử dụng thần lực của mình. Theo đà thời gian con người sẽ trừ khử được mọi sự ngộ nhận về thân thế mình, và đến chung cuộc sẽ nhận biết mình là ai, nghĩa là sẽ nhìn nhận ra bản thể tối hậu của mình, sự trường tồn vĩnh cửu mình trong Thượng đế... [51]

  1. Tâm điểm và vòng tròn trong khoa Kiến trúc và Mỹ thuật

Mới đầu, người xưa thường coi những danh sơn, cao sơn là trung tâm điểm vũ trụ là nơi mà trục hoàn vũ xuyên qua trái đất, nơi đất trời gặp gỡ, nơi mà những người hiền lương nhờ ảnh hưởng trời đất giao hội có thể trở thành hiền thánh. Đó là những danh sơn, cao sơn như Côn Lôn, Phú Sĩ, Elbrouz, Thabor, hay Olympe.

Nhưng dần dà các đền đài miếu mạo lớn, những công trình kiến trúc lớn cũng được coi là trung tâm điểm vũ trụ như đền thờ Jerusalem, Kim Tự Tháp, v.v.[52]

Các nhà khảo cổ, quan sát các đền thờ, các thành thánh xưa (ví dụ như Angko-Thom) đã nhận thấy rằng khi xây cất các công trình vĩ đại ấy, cổ nhân muốn lấy gỗ, đá để xây lại một vũ trụ nhỏ, cho nên trung cung bao giờ cũng dành để thờ các đấng Tối cao, còn bên ngoài hoặc là trạm trổ tiên thánh, quần sinh, hoặc là có thành quách bao bọc, tượng trưng cho núi non; có hào lạch, tượng trưng cho sông biển. Con người muốn đi vào Trung cung muốn lên tới thần minh sẽ phải, trèo non, sẽ phải lướt thắng các trở ngại, sẽ phải đi quanh quất, tiến tới mãi mới đến được chứ không phải là chuyện dễ...[53]

Tâm điểm và vòng tròn với những ẩn ý sâu xa của nó (Hóa công và hoàn vũ)[54] còn là đề tài cho nhiều công trình kiến trúc, hay đền đài miếu mạo.

Chính điện trong khu đền Bayon ở Angkor-Thom là hình một Pháp luân lớn có tám tai hoa tỏa ra tám hướng như bông sen tám cánh, như bát chính đạo, ở giữa có chuyển luân Thánh Vương.[55] Ở Ấn Độ, các di tích bằng đá xếp vòng tròn, còn được thấy ở nhiều nơi. Di tích cổ nhất có lẽ là ở Dipaldiana.[56]

Trong những cổ tích của đạo Druidisme, ta cũng thấy nhiều tảng đá khổng lồ xếp thành vòng tròn như ở Stonehenge, và ở Avebury.[57]

Các đền thờ Druide cũng xếp theo hình tròn; ở trung tâm lại có đặt một tảng đá lớn, chắc chắn là tượng trưng cho đấng Tối cao (di tích «Y Cromlech» ở Pembroshire hay di tích ở gần Keswich trong vùng Cumberland nước Anh).

Đối với các dân miền Na Uy, Thụy điển thì đền thờ thần Odin gồm có 12 tòa xếp vòng tròn dành cho mười hai vị thần chính, có một chính tòa ở Trung cung dành cho chúa thần Odin. Những cổ tích này còn thấy ở Scania, Zeland, Jutland...[58]

Thật là:

«Một trời bát ngát trăng sao,

Vần xoay âu cũng nương vào Trung Cung,

Sen kia nghìn cánh nở tung,

Nhưng mà gốc gác vẫn cùng một tâm.» [59]

Khảo sát các truyền thuyết Do Thái,[60] Công Giáo,[61] Ba Tư,[62] Atlante,[63] hay Hi Lạp,[64] Ấn Độ,[65] v.v. ta đều thấy cây trường sinh, hay núi hạnh phúc đều ở trung tâm một khu vườn huyền diệu có bốn con sông chảy vào.

Áp dụng những truyền thuyết này vào công cuộc khảo sát con người, ta cũng thấy ở trung tâm não bộ, phía mặt dưới, có vòng Willis với bốn động mạch phát ra tứ phía não bộ.

Nếu đúng vậy, thì cây trường sinh, hay nguồn hạnh phúc cũng chẳng phải ở Doành Châu, Phương Trượng, mà đã ở sẵn ngay trong đầu não con người.[66]

Khảo sát khoa trang trí và hội họa từ Á sang Âu, ta thấy một loại hình ảnh rất đặc biệt mà C.G. Jung gọi là «Mandala». Những Mandala này hoặc vuông, hoặc tròn; tâm điểm thường có những hình Chúa, Phật, hay Shiva, ám chỉ căn nguyên vũ trụ; vòng ngoài là những thần nhân hay, thần vật tượng trưng tứ tượng.[67]

Bên ngoài chỉ ly tan, chia rẽ, hay là sân khấu để đóng tấn kịch đời, còn tâm điểm là nơi hòa hợp,[68] là «kim hoa», «kim thân», hay là «cố hương, cố quốc».

Các mandala ngụ ý dạy người tìm về gốc, trở về nguồn,[69] cốt giúp con người tìm ra chân tâm bất biến của mình. Mà chân tâm ấy chẳng ở đâu xa, nó ở ngay trong ta.[70]

  1. Tầm quan trọng của Trung điểm trong thiên văn và địa lý

Copernic đã đặt mặt trời vào tâm điểm thái dương hệ, cho địa cầu và các hành tinh khác xoay trên các vòng tròn bên ngoài, khác hẳn với quan niêm của Ptolémée lấy trái đất làm tâm điểm vũ trụ.

Có thể nói rằng quan niệm của Copernic về thiên văn tương-ứng vói những quan niệm triết-học Đông Tây lấy «Đạo» (Logos) làm tâm điểm con người. Quan niệm Ptolémée tương ứng với những quan niệm triết học lấy «tâm hồn» (âme) làm tâm điểm con người.

Các dân tộc xưa thường coi tâm điểm, trung diểm là quê hương của họ. Theo Do thái thì trung điểm hoàn cầu là Jerusalem, là núi Sion.

Pindare, Sophocle, Tite Live, Ovide, v.v. chủ trương Athènes hay Delphes là trung tâm trái đất (omphales).[71] Người Trung Hoa thì lấy núi Côn Lôn làm trung điểm. Ấn Độ giáo và Phật giáo lấy núi Tu Di làm tâm điểm. Dân Babylone lấy thành Babylone làm tâm điểm hoàn cầu.

Nếu chỉ xem các hình vẽ không, ta sẽ tưởng người xưa thiển cận, chỉ biết nước mình mà không biết nước người, nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng, thì tất cả đều ngụ một ý: Tu-Di, Côn Lôn, tâm điểm địa cầu, tâm diểm vũ trụ chẳng có ở đâu xa, nó ở ngay trong lòng ta...[72]

  1. Bí quyết tìm Đạo tìm trời

Chúng ta đã cùng nhau dùng thần trí đi chu du khắp hoàn vũ, chúng ta đã cùng nhau rong ruổi trên triền không gian thời gian của ngót sáu ngàn năm lịch sử nhân quần, đã bao quát các học thuyết Đông Tây, đã dùng chữ Trung làm chìa khóa mở kho tàng tư tưởng các hiền nhân quân tử mọi nơi mợi đời, chúng ta cần phải thâu lượm được một kết quả gì cụ thể và hữu ích.

Kết quả ấy là bí quyết tìm đạo, tìm Trời của người xưa.[73]

Cổ nhân đã lao tâm khổ tứ vẽ các tượng hình, xây các miếu mạo có dụng tậm dụng ý như trên, cốt là đã chỉ vẽ cho ta con đường trở về căn nguyên, con đường «hoàn nguyên phản bản».

Học thuyết nào cũng dạy ta tìm cho ra tâm điểm, trung điểm tức là tìm cho ra tuyệt đối thể, tìm cho ra chân thiện mỹ, tìm cho ra Trời ẩn áo trong đáy lòng vũ trụ và lòng người.

Trở về trung điểm là giải thoát vì tâm điểm tượng trưng cho tự do khinh khoát, còn vòng chu luân tượng trưng cho nghiệp chướng cho sự thằng thúc, sự chi phối.[74]

Trở về trung điểm tức là tìm được nguồn mạch trường sinh. Thông thiên học vẽ dấu hiệu chữ thập Ankh ở trung điểm, có ấn tín vua Salomon (âm dương thác tống) và con chu xà Ouroboros bao quanh (thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy) cũng không ngoài ý đó, vì chữ thập Ankh tượng trưng cho sự sống.[75]

Theo «le Livre des morts» của Ai Cập thì trở về Trung cung, Trung điểm là kết hợp với thần Osiris, là phục sinh, đó là lên núi thánh Ament nơi thần Osiris ngự trị ở Trung cung, Trung điểm của hoàn vũ.[76]

Trở về Trung điểm là đạt đạo Trung Dung, là đắc đạo, là phối thiên. Pho Kinh Dịch viết ra cũng không ngoài mục đích cao cả ấy. Vì Kinh Dịch cốt chỉ vẽ cho nhân loại đường trở về cùng Thượng đế.[77]

Cho nên, nếu không tìm ra được Trung cung, trung điểm để kết hợp với Trời tức là phụ lòng các tiên hiền, tiên thánh:

«Đường về chẳng rõ tiêu hao

làm sao biết được lối vào Trung cung

Thế là bát quái thành không,

Thế là vòng Dịch uổng công vẽ vời .

Bên trong mù mịt tăm hơi,

Làm sao biết được bên ngoài mà mong,

Thế là bố trí như không,

Ngũ hành thác loạn rối tung, rối bời.» [78]

Tìm được Trung cung, Trung điểm, tức là tìm ra tâm ấn, tâm pháp, tìm ra bí quyết tương truyền giữa các thánh hiền muôn thủa:

«Ta nay truyền dạy đạo trời,

Nương theo Dịch lý dạy người điểm trung.

Huyền quan ở chính giữa lòng,

Giữ chừng tý ngọ, khơi giòng thần tiên.

Hồi quang soi tỏ căn nguyên,

Căn nguyên rạng rỡ ước nguyện thỏa thuê.» [79]

Tóm lại, nếu thực tình chúng ta có thiện tâm, thiện chí, muốn tìm Đạo, tìm Trời chúng ta phải đi vào nội tâm để mà tìm kiếm. Đạo, Trời không phải là chuyện bán mua, quảng cáo nơi ngã ba, đầu chợ;[80] nước Trời chẳng có đến rộn rã trong rước sách, trống chiêng, mà đến âm thầm, mà đã ẩn tàng ngay trong tâm hồn ta.[81] Vậy muốn tìm ra chân sư[82] bày tỏ cho mình các lẽ huyền vi, chỉ giáo cho mình phương pháp tu luyện trường sinh bất tử, ta phải như Tề Thiên đại thánh tìm về Phương Thốn Sơn, tìm tới ‘Tà nguyệt tam tinh động’, mà Phương Thốn Sơn[83] chính là ‘tấc lòng’ ta, mà tà nguyệt tam tinh động chính là tâm ta viết bằng ‘nửa vành trăng khuyết và ba sao giữa trời’.[84]

Đi vào nội tâm, gạt cho hết mây mù dục vọng tăm tối, không sờn lòng, không lui gót, theo gương các hiền thánh muôn đời tiến bước, chắc chắn có ngày chúng ta sẽ thấy Trời, thấy Đạo hiện ra rực rỡ giữa tâm hồn ta.[85] Khi ta đạt được mục phiêu cao diệu ấy, ta cũng tự nhiên sẽ hấy thánh hiền sau trước chẳng hề có nói sai ngoa. Dịch và Trung Dung thực ra cũng không có bí quyết nào cao diệu hơn ...

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh