Trung Dung Tân Khảo: Chương 21. Thiên Đạo & Nhân Đạo

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 21. THIÊN ĐẠO & NHÂN ĐẠO

第 二 十 一 章

自 誠 明, 謂 之 性. 自 明 誠, 謂 之 教. 誠 則 明 矣. 明 則 誠 矣. 右 第 二 十 一 章. 子 思 承 上 章 夫 子 天 道, 人 道 之 意 而 立 言 也. 自 此 以 下 十 二章 皆 子 思 之 言 以 反 覆 推 明 此 章 之 意.

PHIÊN ÂM

Tự thành minh, vị chi tính. Tự minh thành, vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ. Minh tắc thành hĩ. Hữu đệ nhị thập nhất chương. Tử Tư thừa thượng chương Phu Tử Thiên đạo, nhân đạo chi ý nhi lập ngôn dã. Tự thử dĩ hạ thập nhị chương giai Tử Tư chi ngôn dĩ phản phúc suy minh thử chương chi ý.

CHÚ THÍCH

- Tính 性: nguyên động lực hướng dẫn muôn loài tới trật tự vật chất hoặc tinh thần.[1] Căn bản nhân đức là tính.[2]

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

- Thành 誠: Hoàn thiện.[3]

DỊCH CHƯƠNG 21

Thiên đạo và nhân đạo

Vốn hoàn thiện quang minh mọi lẽ,

Ấy tính trời muôn vẻ tinh anh.[4]

Quang minh rồi mới tinh thành,

Ấy nhờ giáo hóa tập tành mà nên.

Đã hoàn thiện, tất nhiên thông tuệ,

Thông tuệ rồi ắt sẽ tinh thành.

Chú = Đây là chương 21, Tử Tư dựa theo ý Đức Khổng nói về đạo Trời, đạo người ở chương trên mà viết ra. Từ đây trở xuống 12 chương đều là lời ông Tử Tư nói đi nói lại để bàn cho rõ ý chương này.

BÌNH LUẬN

Từ đoạn này, Trung Dung bắt đầu về thiên đạo và nhân đạo. Muốn hiểu rõ thiên đạo và nhân đạo ta phải hiểu rõ chữ thành.

Thành là một chữ rất quan hệ trong Nho giáo.

Tiên Nho cho rằng thành là:

- Thuần nhất bất tạp.[5]

- Chân thật vô vọng.[6] Tức là tinh toàn hoàn thiện, không vương vấn mảy may tà ngụy.

Tiên Nho cũng cho rằng:

- Chỉ có Trời là thành.[7]

- Thiên tính, thiên lý là thành.[8]

- Thánh nhân là thành.[9]

Tóm lại, thành là hoàn thiện. Đã là Trời, là thiên tính, thiên lý, thì tự nhiên thông tuệ, minh giác, đó là lẽ tự nhiên.

Còn như đối với con người, muốn trở nên hoàn thiện, trước hết phải minh giác, thông tuệ, mới có thể trở nên hoàn thiện được. Nhưng muốn trở nên minh giác, thông tuệ, lại cần nhờ đến sự giáo dục.

Thế là đường lối thánh phàm khác nhau, tuy là một nhưng tráo trở đầu đuôi.

THÁNH NHÂN: THÀNH —> MINH

THÀNH <— MINH <— GIÁC: THƯỜNG NHÂN

Cụ Phan Sào Nam bàn rằng: «Chữ tính với chữ giáo sở dĩ khác nhau, chỉ là cái giới hạn thiên với nhân: hoàn toàn do thiên phận mà nên, thuộc về phần thiên gọi bằng ‘tính’; cần nhờ công giáo tập mà nên thời thuộc về phần nhân gọi bằng ‘giáo’

Trình Tử cho rằng: «Người thường phải học hỏi để tiến dần từ bên ngoài vào nội tâm... Học cốt để biết tâm mình, biết đường lối tâm hồn phải noi theo, rồi ra sẽ hết sức noi theo đường ấy cho đến kỳ cùng, thế gọi là từ biết đi đến hoàn thiện. Cho nên học cần phải ‘tận kỳ tâm, tri kỳ tính’, rồi ra mới cố gắng thực hiện sự hoàn thiện, và nên thánh nhân vậy…» [10]

Còn thánh nhân thì ngược lại, các ngài trực giác ngay được bản tâm, bản tính, và do đó phóng phát ra bên ngoài.[11] Nói ra thì thành lời giáo huấn, mà xuất xứ, hành tàng, khởi cư, cử chỉ thì thành gương mẫu cho đời soi.

Dương Qui Sơn cũng bàn rằng: «Từ hoàn thiện đi đến minh giác là đường lối của Trời, cho nên gọi là tính. Tự minh giác đi đến hoàn thiện là đường lối của người nên gọi là giáo.

Đường lối Trời người có một nhưng tùy theo sự nhận thức của tâm mà thành ra sai biệt. Nhưng khi đã đi tới cùng thì chỉ có một đường. Vì thế lại nói: «Thành thời minh, minh thời thành.» [12]

Trình Tử cũng nói: «Thành với minh là một.» [13]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh