Trung Dung Tân Khảo: Chương 14. Những Định Luật Chính Chi Phối Con Người Và Hoàn Vũ Theo Trung Dung Và Dịch Lý

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 14. NHỮNG ĐỊNH LUẬT CHÍNH CHI PHỐI CON NGƯỜI VÀ HOÀN VŨ THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ

Nghiên cứu Trung Dung, Hà đồ, Lạc thư và Dịch, ta có thể tìm ra được nhiều định luật chi phối hoàn vũ và con người.

Nhưng trước khi đề cập ít nhiều định luật, chúng ta hãy dùng ngọn bút Thái cực, và hai màu sắc Âm Dương, cố phác họa lại đáng dấp của tâm hồn con người, một tâm hồn mung lung huyền ảo, đến nỗi nhiều người hiện nay vẫn còn đang tự hỏi nó có hay không:

«Thái cực sinh lưỡng nghi»…

«Có Thái cực, có Âm Dương,

Biến hằng vạch sẵn, đôi đường tử sinh.»

Thái cực là Hóa công là chân tâm, Đạo tâm hằng cửu. Âm Dương là hai động lực biến hóa trong Trời đất và trong lòng con người.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Cho nên dùng nguyên lý Âm Dương mà khảo sát tâm hồn, ta nhận thấy ngay trên bình diện biến thiên, tâm hồn cũng là hai mặt sáng tối.

Thực là:

«Hai vẻ mặt, một con người,

Trung tâm lại có Trời soi vào lòng.» [1]

Chân tâm bất biến và hai vẻ sáng tối của môt tâm hồn ấy đã được diễn tả bằng từ ngữ sau:

THÁI CỰC

THẦN

Dương

Âm

Qui hồn

Du hồn

THẦN

TÍNH

Khí

Tinh

Khí

Tinh

THẦN

NHẤT LINH CHÂN KHÍ

Hồn

Phách

Hồn

Phách

Olov R.T. Jansé, trong quyển Nguồn gốc văn minh Việt Nam, dựa vào các bằng chứng khảo cổ, cho rằng: «Người Trung Hoa và người Việt Nam thời cổ, quan niệm con người có hai bản tính vô hình[2]: một khí thiêng và một hồn đeo huyết tính. Sau khi chết thì khí thiêng biến thành một vị thần linh hay một vị cao siêu giúp đỡ nòi giống, giúp đỡ con cháu làm ăn an lành. Sự thờ cúng tổ tiên theo quan niệm đặc biệt ấy mà ra.

«Còn cái hồn mang huyết tính thì sống một đời sống vô định, nhạt mờ và mong manh rồi cuối cùng tiêu mất.[3]

«Ngôn ngữ Âu Á có hai danh từ để gọi sự trạng đó. Trong tiếng Pháp có hai chữ Esprit và Âme. Trong tiếng Latin có: Spiritus, Anima. Trong tiếng Hy Lạp có: Pneuma, Psyché. Phải chăng là chữ Esprit tương xứng với chữ Esprit Souffle[4] (khí thiêng) còn chữ Âme tương xứng với chữ Âme de sang (hồn theo huyết tính) như chúng tôi vừa nói! Có thể vậy.» [5]

Âm dương là một ngẫu lực (couple de forces), cho nên hồn phách bao giờ cũng cộng tác với nhau trên đường đời. Hai bên theo nhau như bóng với hình, cùng chung nhau dự tấn kịch đời: bên này tiến thì bên kia lui; bên kia thắng bên kia bại; bên này thịnh bên kia suy; giao tranh mà vẫn cộng tác; ngoài như thù địch mà trong vẫn là tình cốt nhục; gần gũi nhau mà vẫn tưởng chia phôi; như Sâm Thương, như Psyché và Amour, như Orphée và Eurydice, một ẩn một hiện, không bao giờ lộ diện cùng một lúc.

«Có biết đôi cành sinh cùng gốc,

Mới hay con cháu có ngàn muôn.» [6]

Quan niệm này có lẽ soi sáng được mâu thuẫn giữa con người, và hai khả năng tương phản của con người, vừa có thể tiến được về phía tinh thần, vừa có thể tiến được về vật chất[7] và giải quyết được mối tranh chấp cố hữu giữa tinh thần và vật chất bằng cách thu xếp cho mỗi bên nhượng bộ nhau một thời: con người, nửa đời trước sẽ tiến ra vật chất, nửa đời sau sẽ hướng về tinh thần, theo đúng cơ Trời, để có thể luân phiên làm hai công việc mưu sinh và tu đạo:

«Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sau Trời cho hợp cơ mầu thời gian.» [8]

Nếu cố chấp một bề, là người thiển cận, không biết quyền biến.[9]

Sách Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ viết: «Nhất linh chân tính một khi đã sa xuống cung Càn, liền phân thành hồn phách. Hồn là dương (Animus) sống tại «Thiên tâm», là khí khinh thanh phơi phới, từ Thái hư giáng hạ, nên cùng một hình ảnh như nguyên thủy. Còn phách (Anima) là âm, là khí trầm trọc nặng nề, bám víu vào phàm thể. Hồn thích sống, phách chực chết. Phách say mê những hình sắc chuyển động bên ngoài. Đó chính là thức thần.» [10]

Quan niệm như trên về tâm hồn con người phù hợp với định luật đối xứng của Trời đất: nghĩa là có hai vế đối đãi nhau ở hai bên một tâm đối xứng (Centre de symétrie).[11]

Phải chăng những hình «lưỡng long triều nguyệt», «lưỡng long tranh châu» đã vô tình hay hữu ý [12] phản ảnh lại quan niệm trên?

  1. Định luật biến, hằng

Nhìn vòng Dịch tiên thiên, ta thấy mọi sự đều biến thiên, luân lưu, ngoại trừ tâm điểm. Nói cách khác chỉ có Trời, có Đạo là bất biến, còn muôn loài thì đều bị đẩy đưa trên vòng biến dịch, ảo hóa.

Đạo thể từ trung điểm tung tỏa nguồn sống khắp nơi, phát huy ra quần sinh vũ trụ, như vầng dương phát huy muôn ánh quang hoa. Mọi vật, mọi sự trên vũ trụ là văn vẻ, hay trạng thái của Bản thể duy nhất.[13]

Hiểu định luật này là hiểu huyền cơ Tạo hóa, và ý nghĩa cuộc đời. Bao lâu con người còn chạy theo những ảo ảnh bên ngoài, chạy theo hiện tượng, còn sống cuộc đời xốc nổi phù phiếm bên ngoài, thì bấy lâu con người còn sống trong cảnh phù du, tang thương biến đổi (devenir). Muốn thực hiện bản thân (Etre), phải biết thoát ly hiện tượng, sống đời sống tinh thần, kết hợp với Thượng đế.[14]

Lẽ biến hằng này cũng được diễn tả trong Phật giáo bằng những danh từ nghiệp chướng và Hư vô, luân hồi và Niết bàn,[15] vô thủy sinh tử căn bản và vô thủy Bồ Đề Niết bàn, Nguyên thanh tịnh thể.[16]

  1. Định luật thuận nghịch

Đường đời như một vòng tròn có hai chiều thuận nghịch. Nếu đi theo chiều thuận, từ vô hình tiến ra hữu hình, là đi theo chiều «sinh hóa, lao tác» của vũ trụ, sẽ tìm ra được nhiều ứng dụng mới mẻ cho cuộc đời, nhưng dần dà sẽ tiến tới chỗ phàm phu, tục lụy. Nếu đi theo chiều nghịch, từ hữu hình trở ngược về vô hình, là đi theo chiều «thành», của vũ trụ, sẽ tìm ra được chân lý và tinh hoa của nhân loại, và dần dà sẽ tiến tới bậc siêu phàm thánh thiện.

Kinh Dịch dạy bí quyết đi ngược dòng đời.[17]

Muốn hiểu rõ vi ý của Trung Dung và Dịch lý cần hiểu rõ định luật tuần hoàn có hai chiều vãng lai, tiêu tức hợp lại thành một vòng càn khôn, gồm hai phần thuận nghịch.

Chiều thuận là chiều sinh của đất trời, từ nhất tỏa lan tới vạn, từ trên đi xuống dưới, sinh sinh không cùng.

Chiều nghịch là chiều thành của trời đất, từ vạn qui về nhất, từ dưới vươn lên cao, từ một dương biến dần thành sáu dương, biến hóa tính mệnh, bảo hợp Thái hòa, trở về cùng Nguyên thủy.[18]

Theo lẽ thường của trời đất, thì có đầu rồi mới có đuôi, có thủy rồi mới có chung, có Dương rồi mới có Âm, có sống rồi mới có chết...

Nhưng Dịch lại dụng ý nói ngược lại hết. Dịch nói: «Âm Dương», «tử sinh», «chung thủy». Đó là dựa theo sự biến hóa vô biên của trời đất để xiển minh lẽ «cùng, thông», bày ra hai chiều ngược xuôi, qua lại cho chu toàn thiên ý, nhân tâm, cho vạn lẽ sinh thành.[19]

Thực đúng như thi hào Tagore đã viết trong Duy nhất sáng tạo: «Vô hạn vì muốn biểu hiện mình, đã hạ xuống trong thiên hình, vạn trạng của hữu hạn; và hữu hạn vì sự thực hiện mình phải vượt lên cái duy nhất của vô hạn,có như thế vòng chân lý mới hoàn thiện.» [20]

  1. Định luật Âm Dương điên đảo

Cũng như muốn cho đất đai sinh sôi nảy nở, cần phải đào bới xới lộn, để không khí dễ dàng thâm nhập vào trong, con người muốn thần thánh hóa mình, cũng phải đem Trời, đem tinh hoa nhân loại lồng vào trong lòng mình.

Trời ở trên đất, thì đất sẽ bị đè nén (Thiên địa Bĩ ) Lửa cháy trên nước, thì nước nóng làm sao (Hỏa thủy Vị tế ). Nhưng nếu đất chứa trời trong tâm, nếu nước mà được lửa hun nấu phía dưới thì sẽ phát sinh lợi ích vô biên (Địa thiên Thái ; Thủy hỏa Ký tế ).

«Được thủy hỏa hai đường tương tế,

Ấy Âm Dương, hai vế hiệp hòa

Nuôi muôn vật, giúp dân ta,

Tham Thiên tán địa, thực là công ta.» [21]

Cũng một lẽ, bao lâu nhân loại chưa hay trong lòng mình có Trời, có Đạo, bao lâu nhân tâm không có Đạo tâm làm chủ chốt bên trong, thì bấy lâu con người sẽ còn lao lung, luân lạc.[22]

Bao lâu còn ấu trĩ, con người sẽ tưởng rằng Trời, hay sự toàn thiện phải tìm kiếm ngoài mình, nhưng khi đã trưởng thành thì sẽ nghĩ ngược lại, và sẽ tìm Trời, tìm tinh hoa và toàn thiện trong lòng mình. Định luật Âm Dương điên đảo này chẳng những áp dụng cho cá nhân mà sẽ áp dụng cho lịch sử nhân loại. Đó cũng chính là một tiêu chuẩn chính xác để quyết đoán xem ta còn ấu trĩ hay đã trưởng thành về phương diện tâm thần....

  1. Định luật Âm Dương thác tống

Định luật này phân tôn ti quí tiện của Âm Dương, của tinh thần và vật chất, và còn dạy người phải biết tùy thời, lúc trọng Âm, lúc trọng Dương cho hợp cơ trời.

«Tống» bày lẽ dưới trên, áp dụng cho không gian, cho trường hợp tĩnh.

«Thác» bày lẽ trước sau, áp dụng cho thời gian, cho trường hợp động.

Không gian cốt để phô bày, phân phối các giá trị, để cho tâm thần trông thấy hết các giá trị thấp cao, la liệt bày ra trước mắt, mà định hay dở.

Thời gian cốt là để cho tâm hồn có cơ hội lần lượt thu thập và hưởng dụng các giá trị đó. Biết dùng thời gian chinh phục không gian, thu thập các giá trị, biết lúc nào phải trọng dụng loại giá trị nào ấy là biết «thời trung», uyển chuyển theo thời cho hợp thiên cơ, làm rung lên hết cả các phím tơ của cây đàn muôn điệu.[23] Có như vậy cuộc đời mới đầy đủ ý nghĩa và lúc nào cũng thơ mộng uyển chuyển. Nói thế có nghĩa là con người phải biết nhập thế, xuất thế, biết nhập thể, biết nhập thần (Descente de l'âme dans la chair et son retour vers l'esprit).

Mới hay:

«Thiên nhiên tự tính uy linh

Trong ngoài hai mặt một mình quán thâu.» [24]

  1. Định luật tụ tán

Nếu ta chấp nhận trung điểm tâm thần ta là tâm điểm phát quang, ta sẽ nhận thức được định luật tụ tán của trời đất.

Càng tiến ra xa, càng tiến ra bên ngoài, thì ánh sáng càng yếu, càng mờ, càng bị tản mạn. Nhưng nếu tâm thần không bị chia năm sẻ bảy, thì ánh sáng tinh thần ấy sẽ có thể tập trung lại và trở nên xán lạn.

Tỏa lan, chiếu diệu ra bên ngoài, là để ứng phó với hoàn cảnh, nhưng nếu suốt đời cứ để tản mác ánh sáng tâm thần ấy mãi, nó sẽ như đàn bướm tung bay, chẳng đem lại được kết quả gì vĩ đại.

Người xưa còn cho rằng:

«Anh hoa phát tiết ra ngoài

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.» (Kiều)

Còn nếu biết tập trung ánh sáng tinh thần ấy lại, con người sẽ có thể trở thành thần minh.

Cho nên xưa nay, công phu tu luyện của thánh hiền đều là «Hồi quang phản chiếu», tập trung ánh sáng tinh thần lại. Trước thời còn tập trung trên một đề tài gì, gọi là chuyên tâm, chú ý (attention, méditation, concentration) nhưng sau khi đã tu luyện tinh thần rồi, sẽ tập trung tinh thần mà không cần đối tượng, đó chính là xuất thần (extase). Lúc ấy sẽ nhìn thấy thấu đáo những lẽ huyền vi của trời đất.

Đó là phương pháp «Thoái tàng ư mật» của đạo Nho, «nhiếp tâm pháp» của đạo Lão.[25]

Tập trung tinh thần rốt ráo sẽ đạt tới điểm hội tụ, sẽ tới Trung điểm, Tuyệt điểm. Thế là đạt tới «Thiên địa chi tâm» là Đắc Trung là Phối Thiên, là đạt tới điểm «đồng qui nhất chí» của Nho giáo, tới chỗ «Vô cảnh», ôm giữ được thuần nhất theo Trang tử,[26] tới «Bát nhã bình đẳng», hay tới Niết bàn của Phật giáo.

Sự tập trung tinh thần còn có những ích lợi thực tế khác. Khi một con người biết trầm tĩnh, ít lời, sẽ hàm súc nghĩ lý, xử sự sẽ hữu hiệu hơn và sẽ được nhười khác kính nể hơn.

Vả lại biết tập trung tinh thần, thì thần xác đỡ bị kích thích, thác loạn, dày vò, sẽ được thảnh thơi thoải mái, như vậy sẽ đỡ tật bệnh và sống lâu hơn...

Định luật tụ tán này có một giá trị rất là phổ quát, có thể áp dụng vào mọi lãnh vực. Ví dụ, trong đời sống thường ngày ai cũng ghét những người phá tán dù là sinh lực, hay là tài nguyên. Tập trung là tăng cường, phá tán là suy nhược, cho nên trong binh pháp khi cần công phá thì tập trung, khi cần ẩn lủi thì phá tán.

Ngay vũ trụ cũng bị định luật tụ tán chi phối. Nhà toán học A. Friedmann khi giải lại những phương trình của Einstein cũng kết luận vũ trụ có thể tụ tán, co giãn được...[27]

Suy rộng ra, thì ngay sự sinh thành, tuần hoàn, phản phúc, thủy chung của vũ trụ cũng đã được bao hàm trong định luật tụ tán; chung qui, muôn vật đều cùng khuôn theo một định luật tụ tán: Nhất tán vạn, vạn qui nhất.[28]

  1. Định luật tiến hóa

Từ sự biến thiên vô hạn định, Trung dung suy ra sự tiến hóa vô hạn định của hoàn võ và con người:

«Đạo trời đất một câu tóm hết.

Làm muôn loài chẳng biết hai khuôn,

Nhưng mà sinh hóa khôn lường.

Đất trời đường lối mênh mang rộng dày,

Cao minh, trong sáng xưa nay

Xa gần, vĩnh cửu đó đây khôn lường.» [29]

Cho nên, nhờ sự tu luyện, con người cũng có thể trở nên hoàn thiện, «dữ Thiên đồng đức», vĩnh cửu vô chung.

«Việc Trời ngẫm xiết bao huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn áo khôn cùng,

Thực là đáng mặt Hóa công.

Đức vua Văn tinh thuần chói lọi.

Thế cho nên đáng gọi là Văn,

Tinh ròng vĩnh cửu, vô chung.» [30]

  1. Định luật tự cường bất tức

Trung dung và Dịch kinh đều chủ trương con người có thể tiến hóa vô hạn, và như vậy cần bắt chước trời đất cố gắng không ngừng, hoạt động không ngừng để tiến tới hoàn thiện...

Nhờ sự cố gắng không ngừng, mà thánh nhân sẽ có ảnh hưởng bao trùm vũ trụ. Đó là theo được đường lối của đất trời:

«Bậc chí thánh không hề ngơi nghỉ

Không nghỉ ngơi nên sẽ vững bền,

Vững bền muôn vẻ trưng lên,

Trưng lên vang dội khắp miền gần xa

Khắp gần xa ắt là dày rộng,

Đã rộng dày thời cũng cao minh.

Rộng dày để chờ chúng sinh,

Cao minh che khắp sinh linh xa gần,

Trường cửu để tác thành muôn vật,

Rộng dày nên cùng đất sánh duyên

Cao minh kết ngãi thanh thiên,

Vô biên, vô tận triền miên không cùng.» [31]

Các thánh hiền Nho giáo chủ trương trong nhân tâm còn có Đạo tâm.[32]

Gia Cát Võ Hầu giải chữ tâm như sau:

«Hai người đứng ở bên mình,

Thái dương chói lọi một vành trên cao.

Lòng người thẳng rọi chiếu vào,

Tiên cơ đã biết thế nào hay chưa.» [33]

Nghiên cứu mối tương quan giữa Nhân tâm, Đạo tâm chúng ta sẽ hiểu những lẽ:

- Chính, tùy

- Tinh, thô

- Hằng, biến

- Ẩn, hiện

- Thể, dụng

- Bản, mạt

- Đại, tiểu

- Lý, khí, v.v...

Nhìn vào đồ bản Dịch tiên thiên tròn, ta thấy các hào, từ vòng trong nhìn ra vòng ngoài, biến thiên nhanh chậm khác nhau tùy theo tỉ số 1, 2, 3, 4, 8, 16, 32.

Suy ra thì những tín ngưỡng và tư tưởng nhân loại cũng biến đổi nhưng rất chậm, còn phong tục, hình thức, lễ nghi bên ngoài biến đổi mau hơn.

Dịch Kinh còn đưa ra 1 đồ bản có 2 tầng lớp:

- Tầng ngoài, 64 quẻ xếp vòng tròn.

- Tầng trong, 64 quẻ xếp hình vuông.

Tròn chỉ động dụng, chỉ biến thiên của vạn hữu dynamisme et changement).

Vuông trong tròn chỉ sự tĩnh lãng, sự bất biến của bản thể (stabilité et immutabilité), mà vẫn hàm tàng mọi biến thiên của vạn hữu.[34]

Nhưng nếu hai hình vuông tròn được tách rời khỏi nhau thì ý nghĩa lại khác. Lúc ấy vuông lại tượng trưng cho vật chất, sự bất động, sự bảo thủ;[35] tròn lại tượng trưng cho tinh thần, sự biến thiên, và tiến hóa.

  1. Quan niệm bất động (Fixisme)

Nếu có quan niệm bất động, bất biến về cuộc đời, ta sẽ ít đếm xỉa đến thời gian và sức biến hóa vô biên của vũ trụ và con người. Theo quan niệm này, cái gì quý sẽ quý mãi; cái gì hèn sẽ hèn mãi. Càn nhất định phải ở trên, Khôn nhất định phải ở dưới. Dương phải hơn, Âm phải kém, v.v.

«Nguyên lý đồng nhất» (Principe d'identité) sẽ là nền tảng cho mọi suy luận. Nghĩa là: A là A

«Con vua thì lại làm vua,

Con thằng sãi chùa thì quét lá đa.»

Con người cũng có sự «tự ti mặc cảm», cho mình là hèn kém, nên hết sức tôn trọng những phát minh sẵn có, cho đó là tuyệt đối, tuyệt hảo, ôm ấp lấy dĩ vãng, gò bó mình vào trong những khuôn khổ tinh thần vật chất chật hẹp, ghét mọi sự đổi thay, cho đó là nguy hại.

  1. Quan niệm biến hóa (Dynamisme et changement)

Theo quan niệm này con người sẽ chủ trương, vũ trụ thăng trầm, không có gì hay mãi, không có gì dở mãi. Tùy nơi, tùy thời, tùy quan niệm hay có thể biến thành dở; dở có thể hóa thành hay. Tinh thần cũng có lúc bị vật chất chi phối, cái chính cũng có khi phải thua cái tà, nhưng rồi ra vật chất sẽ hàng phục tinh thần, tà khuất sẽ rút lui nhường chỗ cho công chính. Đó là chủ trương của Dịch Phục Hi.

Khi con người đã biết lồng thời gian vào cuộc đời, đã biết cưỡi lên mình rồng biến hóa, thì nguyên lý đồng nhất không còn áp dụng được nữa:

A sau một thời gian cũng có thể là B,

B sau một thời gian có thể là C, v.v.

Chủ trương bảo thủ, bất biến là chủ trương của đại chúng, của những tổ chức chánh trị, tôn giáo bên ngoài; nó hữu ích vì kìm hãm được sự ngông cuồng của đại chúng, giữ gìn được trật tự xã hội.

Quan niệm biến hóa là con đường của hiền thánh, của Trời đất; nó biến ảo, cao siêu bao la vô tận, khó lường, khó đoán được.

Trung Dung và Dịch có một quan niệm rất biến hóa, uyển chuyển, không đặt giới hạn nào ngăn cách Âm Dương, chia rẽ tinh thần vật chất, mà chủ trương Âm biến Dương, Dương biến Âm, tinh thần biến thành vật chất (dégradation, régression), vật chất hóa thành tinh thần (évolution, sublimation).[36]

Phương pháp để tìm ra các định luật

Nếu coi Trung Dung như tâm điểm, và Dịch như một hay nhiều vòng tròn đồng tâm ta sẽ tìm ra những lẽ: - Ẩn, hiện

- Quân, thần

- Hằng, biến

- Nhất, vạn, v.v.

Đi từ trung tâm ra biên thùy, ra các vòng ngoài, là đi ra ngọn,[37] là lìa bỏ chân tâm,[38] là ra đi,[39] là quay lưng lại Trời,[40] chối bỏ Trời.

Đi từ «biên thùy» hoàn cảnh xác thân trở về «trung tâm» tinh thần bản thể, là trở về nguồn[41] là trở về chân tâm.[42] là trở về,[43] là quay mặt lại Trời,[44] tuân phục Trời.

Đó là hai giai đoạn diễn dịch (déduction), và qui nạp (induction), bao quát cả trời đất.

Nếu cho vòng Dịch quay tròn, ta còn thấy nhiều định luật khác như:

- Định luật tuần hoàn (loi du movement cyclique) [45]

- Định luật tiệm tốc (loi de l'accelération progressive)[46]

- Định luật ly tâm, hướng tâm (mouvement centrifuge et mouvement centripète)

- Định luật vãng lai (mouvement de va-et-vient) [47]

- Định luật phản phúc (loi d'inversion), v.v.

Nếu nghiên cứu ngẫu lực Âm Dương, coi chúng như hai vâng nhật nguyệt, hay như đôi trai thanh, gái lịch, lúc ghét nhau, lúc ưa nhau, lúc ly tán lúc đoàn tụ, lúc làm hại lẫn nhau, lúc lại hy sinh cho nhau, lúc chống đối nhau, lúc lại giúp đỡ nhau, ta sẽ hiểu và sẽ suy ra nhiều định luật về «Âm Dương» «sinh, khắc, chế, hóa, thành», «Âm Dương tiêu trưởng doanh hư», Âm Dương tương thôi, tương đối, tương đãng, tương thừa v.v... Vì những định luật âm dương đã lồng vào vũ trụ và trong con người.[48]

Tóm lại muốn suy ra các định luật đất trời, định luật tâm lý, ta có thể dùng những yếu tố sau đây:

  1. Nghiên cứu tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm, để đứng yên, hoặc cho di động.
  2. Nghiên cứu hai đối tượng Âm Dương và cho vần xoay, đảo lộn, hợp tan, để tìm ra các biến hóa.[49]
  3. Nghiên cứu sự tăng giảm của Âm Dương trên vòng Dịch.[50]
  4. Nhìn xem vũ trụ thiên văn, địa lý, lịch sử, nhân quần, xã hội, các hiện tượng tâm lý, theo các khía cạnh thẻ và dụng, bản thể và hiện tượng, và các khía cạnh tương tranh, tương thừa của hai sức mạnhtinh thần, và vật chất, của «chính», «tà», v.v.

Hình A: Âm Dương tương hợp

Hình B: Âm Dương tương thôi

Hình 24

Ngoài ra, Trung dung và Dịch lý còn đưa ra những tiêu chuẩn để nhận xét thế nào là chân đạo, thế nào là thánh nhân.

Trung Dung viết:

«Đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm,

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân.

Khảo chứng tiên vương không có chi lầm lỗi,

Sánh với định luật đất trời không phản bội.

So quỉ thần, thấy đường lối đúng không sai,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng hề có chê bai.

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thế là đã biết lòng Trời đó;

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai,

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.» [51]

Thế là: để nhận xét chân lý và chân đạo, có những tiêu chuẩn được đưa ra:

- Tâm lý (critère psychologique)

- Xã hội (critère sociologique)

- Vũ trụ (critère cosmologique)

- Lịch sử (critère historique)

- Đại đồng phổ quát (critère d'universalité)

Tóm lại chân lý, chân đạo không phải là của riêng ai, mà là của chung hoàn võ, không lệ thuộc không gian, thời gian mà tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, tản mạn khắp mọi nơi, ẩn hiện trong lịch sử. Nhưng chân lý, chân đạo như viên ngọc qúi phải có nhiều thiện tâm, thiện chí, ra công tìm cầu mới mong chấp hữu được.

Còn thánh nhân, không phải là những người hy sinh vì chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, hay có đức tính này, đức tính kia hơn người, mà là những người thông minh, duệ trí đem tư tưởng mình sáng soi muôn ngàn thế hệ; hoàn thiện, hồn nhiên, biết tiến thoái, biết lẽ tồn vong, uyển chuyển như bốn mùa, sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, là những người đã đạt tới «thiên vị», «thiên đức», là những người có tâm hồn bao quát vũ trụ...[52]

Suy cho cùng, muốn tu thân, cần phải suy tư, tìm hiểu, phải quán triệt các định luật chi phối vũ trụ, thấu triệt bản thể tâm hồn mình.

Mục phiêu các thánh hiền xưa nay chỉ có một, lối đường thánh hiền xưa nay đi cũng chẳng có hai; tư tưởng của các ngài là những dấu, những mốc đã cắm trên con đường đó, cho hậu sinh khỏi lạc bước. Mục phiêu các ngài sau trước đều là tìm tuyệt đối thể đáy lòng. Con đường các ngài đi sau trước đều là con đường nội tâm, những nêu mốc đã cắm trên đường đó tức là tư tưởng các ngài; những phương pháp các ngài dùng chung qui chỉ là cố gắng học hỏi, suy tư, thoát sự kiềm tỏa của xác thân vật chất, sống trầm lặng, biết tập trung tinh thần, ôm ấp lấy Trời, lấy Đạo, lấy Tuyệt đối thể, đứng vững trên nền tảng bất biến ở trung tâm hoàn võ, trung tâm lòng người, nắm giữ tinh hoa, vứt bỏ phù phiếm bác tạp...

Muốn biết ta đã đi đến đâu trên con đường trời muôn dặm, ta hãy xem chí hướng của ta ra sao, tư tưởng ta thế nào, mong muốn của ta là gì, tầm mắt của ta đến đâu, độ lượng tâm hồn ta bao nhiêu, lòng ta rung động lên theo những loại giá trị gì... «Triết nhân tri kỷ».

Trung Dung viết:

«Biết xa gần, biết nguyên lai, bản mạt,

Biết lẽ vi hiển, vừa rỡ ràng vừa e ấp,

Là có thể bước vào nẻo đức, đường nhân.» [53]

Thiệu Khang Tiết viết: «Biết Dịch số là biết Trời, biết Dịch lý là biết Trời.» [54]

Hình 25: Vừng Thái dương tượng trưng Thượng Đế hay Thái Cực ngự giữa hoàn võ.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh