Trung Dung Tân Khảo: Chương 33. Chân Đạo Tại Nhân Tâm

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 33. CHÂN ĐẠO TẠI NHÂN TÂM

第 三 十 三 章

詩 曰 衣 錦 尚 絅 惡 其 文 之 著 也. 故 君 子 之 道 闇 然 而 日 章. 小 人 之 道 的 然 而 日 亡. 君 子 之 道, 淡, 而 不 厭; 簡 而 文 溫, 而 理. 知 遠 之 近, 知 風 之 自, 知 微 之 顯; 可 與 入 德 矣. 詩 云: 潛 雖 伏 矣, 亦 孔 之 昭. 故 君 子 內 省 不 疚, 無 惡 于 志. 君 子 之 所 不 可 及 者 其 唯 人 之 所 不 見 乎. 詩 云: 相 在 爾 室, 尚 不 愧 于 屋 漏. 故 君 子 不 動 而 敬, 不 言 而 信. 詩 曰: 奏 假 無 言, 時 靡 有 爭. 是 故 君 子 不 賞, 而 民 勸; 不 怒 而 民 威 于 鈇 鉞. 詩 曰: 不 顯 惟 德, 百 辟 其 刑 之. 是 故 君 子 篤 恭, 而 天 下 平. 詩 云: 予 懷 明 德, 不 大 聲 以 色. 子 曰: 聲 色 之 于 以 化 民, 末 也. 詩 云: 德 輶 如 毛, 毛 猶 有 倫. 上 天 之 載, 無 聲 無 臭, 至 矣.

右 第 三 十 三 章

子 思, 因 前 章 極 致 之 言, 反 求 其 本, 復 自 下 學 為 己 謹 獨 之 事, 推 而 言 之. 以 馴 致 乎 篤 恭 而 天 下 平 之 盛. 又 贊 其 妙, 至 于 無 聲 無 臭, 而 後 已 焉. 蓋 舉 一 篇 之 要 而 約 言 之. 其 反 復 丁 寧 示 人 之 意, 至 深 切 矣. 學 者 其 可 不 盡 心 乎 ?

PHIÊN ÂM

Thi viết: «Ý cẩm thượng quýnh» ố kỳ văn chi trứ dã. Cố quân tử chi đạo, ám nhiên nhi nhật chương. Tiểu nhân chi đạo, chước nhiên nhi nhật vong. Quân tử chi đạo, đạm, nhi bất yểm; giản, nhi văn ôn, nhi lý. Tri viễn chi cận, tri phong chi tự, tri vi chi hiển; khả dữ nhập đức hĩ. Thi vân: «Tiềm tuy phục hĩ, diệc khổng chi chiêu», Cố quân tử nội tỉnh bất cứu, vô ố ư chí. Quân tử chi sở bất khả cập giả kỳ duy nhân chi sở bất kiến hồ. Thi vân: «Tướng tại nhĩ thất, thượng bất quí vu ốc lậu». Cố quân tử bất động nhi kính, bất ngôn, nhi tín. Thi viết: «Tấu cách vô ngôn, thời mỹ hữu tranh.» Thị cố quân tử bất thưởng, nhi dân khuyến; bất nộ, nhi dân oai ư phủ việt. Thi viết: «Bất hiển duy đức, bá tích kỳ hình chi.» [1] Thị cố quân tử đốc cung, nhi thiên hạ bình. Thi vân: «Dư hoài minh đức, bất đại thanh dĩ sắc.» Tử viết: «Thanh sắc chi ư dĩ hóa dân, mạt dã.» Thi vân: «Đức thù như mao: Mao do hữu luân. Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, chí hĩ.» [2]

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Hữu đệ tam thập tam chương.

Tử tư, nhân tiền chương cực trí chi ngôn, phản cầu kỳ bổn, phục tự hạ phục vị kỷ cẩn độc chi sự, suy nhi ngôn chi, dĩ tuần trí hồ đốc cung nhi thiên hạ bình chi thịnh. Hựu tán kỳ diệu, chí ư vô thanh vô xú, nhi hậu dĩ yên. Cái cử nhất thiên chi yếu nhi ước ngôn chi. Kỳ phản phúc đinh ninh thị nhân chi ý, chí thâm thiết hĩ. Học giả kỳ bất tận tâm hồ ?

CHÚ THÍCH

Thi 詩 = Mao thi tiểu nhã chính nguyệt thiên 毛 詩 小 雅 正 月 篇 .

Mua đá năng lượng:

- Khổng 孔 = rất. - Chiêu 昭 = sáng tỏ (briller). - Cứu 疚 = buồn, lỗi.

- Thi 詩 = Mao thi Thương tụng Liệt tổ thiên 毛 詩 商 頌 烈 祖 篇 .

- Tấu 奏 = tiến lên. - Cách 假 = giáng lâm.[3] - Mỹ 靡 = không. - Khuyến 勸= phấn khởi.

- Phủ việt 鈇 鉞 = rìu búa.[4] - Hiển 顯 = tỏ ra. - Bá tích 百 辟 = chư hầu. - Hình 刑 = bắt chước.

- 予 = ta. - Hoài 懷= nhớ. - Minh đức 明 德 = nhân đức hoàn hảo. - 以= dữ = và.

- Thù 輶= nhẹ. - Luân 倫 = so sánh. - 臭 = khí vị. - Chí hĩ 至 矣 = tuyệt vời.

DỊCH CHƯƠNG 33

Đạo trời ẩn áo đáy lòng

Thơ rằng: «Gấm mặc trong, ngoài phủ áo sa,

Là vì ngại gấm đầy hoa lòe loẹt.

Nên đạo quân tử ám nhiên ẩn ước,[5]

Sau dần dà mới sáng rực mãi lên;

Đạo tiểu nhân mới ngó ngỡ là đèn,

Nhưng càng ngày càng tối đen tối sẩm.

Đạo quân tử đạm thanh không ngán ngẫm,

Đơn sơ nhưng chứa chan vẽ đẹp tươi,

Thuần phác nhưng lý sự chẳng kém ai.

Biết xa gần, biết nguyên lại, bản mạt,

Biết lẽ vi hiển,[6] vừa rỡ ràng vừa e ấp,

Là có thể bước vào nẻo đức đường nhân.[7]

Thơ rằng: Cá tuy lặn sâu thẳm mấy tầm,

Nhưng bóng dáng vẫn rõ ràng hiển hiện.

Nên quân tử lo xét mình cho chín,

Đừng cho tội khiên làm u ám thâm tâm.

Người quân tử vượt trội quá chúng nhân,

Chính ở chỗ mọi người trông chẳng đặng.[8]

Thơ rằng: chái tây bắc một mình thanh vắng,

Cũng đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Nên quân tử không làm, vẫn thu phục lòng người,

Chẳng nói năng nhưng ai nấy đều tin tưởng.[9]

Thần thánh giáng lâm, không một lời động dạng

Nhưng mọi người tuyệt nhiên hết tranh dành.

Nên quân tử không thưởng, mà dân vẫn đua tranh,

Không giận dữ, mà người sợ hơn oai rìu búa.[10]

Khéo cai trị không cần oai vũ,

Chiến trận tài không cứ căm hờn.

Thắng người đâu tại tranh hơn,

Dùng người khéo chỗ biết tôn trọng người.

Thế là chẳng ganh tài vẫn thắng,

Thế là khiêm mà vẫn trị người.

Thế là kết hợp với Trời,

Thế là diệu pháp của người đời xưa.

Thơ rằng: Văn vương chẳng cần phô trương đức độ,

Nhưng chư hầu đâu đấy vẫn khuôn theo.

Người quân tử nếu dốc một dạ kính yêu,

Đạo đức cả, thiên hạ lẽ tất nhiên thịnh trị.[11]

Thơ rằng: Ta muốn đức rạng ngời sáng tỏ ,

Không cần chi lớn tiếng hay làm bộ ra oai.

Đức Khổng nói:

Dùng miệng lưỡi hay kiểu cách bên ngoài,

Cảm hóa dân lối ấy rất nên thô thiển.

Thơ rằng:

Đức nhẹ như lông, lông còn có bề hơn kém,

Đức trời cao siêu việt chẳng tăm hơi,

Thực là hoàn hảo tuyệt vời.[12]

Tử Tư trên kia vừa nói tới điều chí cực,

Nay quay về nói lại chủ chốt căn nguyên:

Nhắc ta tu thân căn cốt ở kính tin,

Dẫu chiếc bóng cũng không làm điều tà khuất.

Suy rộng ra, nếu ai cũng dốc một lòng chính trực,

Thì thiên hạ lo chi chẳng an bình.

Khen nhân đức khi đạt mức huyền linh,

Sẽ bát ngát vô thanh và vô xú.

Một lời lẽ gồm biết bao tự sự,

Lòng thiết tha khẩn khoản muốn dạy người,

Bao ý tình thắm thiết biết mấy mươi,

Học giả ta lẽ nào không hết lòng hết sức.[13]

BÌNH LUẬN

  1. Thi vân: Ý cẩm thượng quýnh... Bất quý vu ốc lậu.

Chương 33 này tổng luận về đạo người quân tử.

Đạo quân tử theo Trung Dung là thứ đạo nội tâm, không có những hình thức thờ phụng, van vái bên ngoài, mà chỉ cốt theo gương toàn thiện của Trời, tu sửa tâm hồn cho nên toàn thiện.

Để phối thiên, người quân tử nên hết sức tránh sự lòe loẹt bên ngoài.[14] Trọng tâm của người quân tử là giữ cho tâm hồn của mình luôn thanh cao trang nhã, lúc nào cũng mường tưởng như có thần minh ở bên cạnh mình.[15]

Lý luận rằng cá ở trong nước sâu mà vẫn còn thấy được bóng dáng thì những điều kín nhiệm trong lòng mình làm sao thoát khỏi mắt thần minh, cho nên người quân tử luôn luôn cẩn trọng dẫu là khi ở một mình. Người quân tử hơn người chính là ở chỗ đó.

Kẻ tiểu nhân thì trái lại, cần có một thứ đạo phô trương lộ liễu để được tiếng khen bên ngoài; tâm hồn có xấu xa mấy cũng không sao, miễn là đậy điệm, giấu giếm được.

Quân tử theo nội đạo (ésotérisme), tiểu nhân theo ngoại đạo (exotérisme), khác nhau ở chỗ đó.[16]

  1. Cố quân tử bất động nhi kính... đốc cung nhi thiên hạ bình.

Người quân tử nếu giữ cho tâm chính ý thành thì chẳng bao lâu nhân đức sẽ hiển lộ ra bên ngoài, ảnh hưởng đến quần chúng xa gần, và cảm hóa được chúng dân. Đó là định luật của trời đất.

Người quân tử cũng không cần phải vất vả bon chen, lao tác mới cảm hóa được chúng dân, mà có thể cảm hóa mọi người bằng ảnh hưởng tâm thần, đức độ lời lẽ và đời sống mình.

Đạo Đức Kinh viết:

«Thánh nhân chẳng đi mà vẫn đến,

Chẳng phô trương mà vẫn tiếng tăm.

Chẳng làm mà vẫn thành công.» [17]

Dịch Kinh cũng viết:

«Dạy rằng quân tử trên đời,

Ngồi nhà nói phải muôn người vẫn theo.

Dặm nghìn còn phải hướng chiều,

Thời trong gang tấc đâu điều lần khân.» [18]

Người xưa cho rằng đức Khổng viết kinh Xuân Thu thì: «Một chữ khen vinh hơn áo cổn hoa, một chữ chê nhục hơn hình rìu búa.» [19] Thế tức là thánh nhân tu kỷ mà đem được an bình cho thiên hạ vậy.[20]

  1. Thi vân: Dư hoài minh đức... vô thanh vô xú chí hĩ.

Trung Dung cho rằng đạo nội tâm chính là đạo của thánh hiền muôn thuở, là đạo của Văn Vương, và viện dẫn lời Kinh Thi (thiên Hoàng hĩ) để chứng minh điều đó. Để thấu triệt vấn đề, xin tạm dịch đoạn Kinh Thi ấy như sau:

«Thượng Đế gọi Văn Vương phán bảo,

Ta ưa người hoài bão đức nhân.

Chẳng cần khoe tiếng khoe tăm,

Chẳng cần thanh sắc lố lăng bên ngoài.

Không hay, không biết, thảnh thơi,

Ung dung theo đúng luật Trời ở ăn.» [21]

Phúc Âm Công giáo cũng đã rao truyền đạo nội tâm đó. Trong Matthieu (đoạn 6, 1-6), Chúa Jésus dạy chớ nên phô trương đức độ, vì làm thế sẽ mất phần thưởng Thiên Chúa. Cho nên làm phúc hay cầu nguyện cũng phải làm cho âm thầm kín đáo, đừng để cho ai hay, ai biết, chỉ cần một mình Chúa Trời biết mà thôi.

Trong Phúc Âm Jean (4, 23-24) ngài lại dạy: «Chúa là Thần và những kẻ thờ người phải thờ bằng tâm thần và chân lý. Vì Thiên Chúa chỉ ưa những người thờ phụng ngài bằng tâm thần và chân lý.» Trái lại những kẻ phụng thờ ngài bằng môi miệng, hình thức bên ngoài, thì bị công kích kịch liệt bằng những lời lẽ sau:

«Dân này môi miệng thờ ta,

Nhưng mà lòng nó cách xa ngàn trùng.

Phụng thờ hình hạc luống công,

Những lời giảng giáo thuần dòng nhân vi.» [22]

Phật cũng dạy trong kinh Kim Cương: «Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.» (Ai lấy sắc tướng mà xem ta, lấy âm thanh mà tìm ta, ấy là kẻ theo tà đạo, không thể thấy Như Lai được.) [23]

Đức Khổng thì nói: «Lấy thanh sắc mà cảm hóa dân ấy là đường lối thấp kém nhất.»

Tư tưởng của ba ngài quả thật giống nhau vậy.

Tổng luận về Trung Dung cụ Phan Bội Châu viết: «Thế thời tuyền bộ sách, mở đầu ra chữ Thiên, thắt đuôi lại cũng chữ Thiên,biết được thâm ý của người làm sách, chỉ cốt nói rõ Thiên chi đạo, tức là đạo của Trời. Nhưng mà đạo của Trời đó há phải để mắt vào chỗ xanh cao ngất, mà bảo là Trời hay sao? Đạo của Trời cũng chỉ ở nơi lòng người ta mà thôi. Lòng người ta tức là nhân chi đạo, mà nhân chi đạo tức là Thiên chi đạo. Nên bản sách này có hai câu rằng: ‘Thành giả thiên chi đạo dã, thành chi giả, nhân chi đạo dã.’ Nói cho đúng, nhân chi đạoThiên chi đạo chỉ khác nhau bằng hai cái danh từ, mà ý nghĩa tinh thần thì tóm vào trong một chữ thành.[24]

James Legge bình rằng: «Chương cuối và chương đầu tương ứng với nhau. Chương nào cũng có thể coi là toát lược cả toàn bộ Trung Dung.»

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh