Trung Dung Tân Khảo: Chương 8. Khai Thác Trung Dung

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 8. KHAI THÁC TRUNG DUNG

Bây giờ đọc Trung Dung ta sẽ thấy nó rất hay rất rõ. Nó hay nó rõ, vì ta đã san bằng được mọi khó khăn về từ ngữ, ta đã gỡ được mối tơ vò tính mệnh, và nhất là ta đã nắm được chìa khóa Trung Dung của hai vua Nghiêu, Thuấn:

«Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»

Chu Hi đề tựa Trung Dung như sau:

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

«Trung ấy là không nghiêng, không ngửa,

Dung ấy là muôn thuở y nguyên.

Trung là đạo chính mọi niềm,

Dung kia là lý hiển nhiên mọi đời.

Tâm pháp này truyền nơi cửa Khổng,

Ông Tử Tư sợ chóng sai ngoa,

Bút thần tay thảo thiên hoa,

Muôn vàn truyền lại Mạnh Kha sách này.

Sách mới thoạt trình bày một lẽ,

Sau dần dần mới tỏe thành muôn,

Cuối cùng thu lại một nguồn.

Tung ra tản mạn khắp muôn phương Trời,

Thu cuốn lại dấu nơi ẩn áo,

Hay sao, hay kỳ ảo khôn cùng.

Đó là thực học chính tông,

Ai say tìm hiểu sẽ thông ý màu.

Thông ý màu rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời cũng chẳng hề vơi.»

Chu Hi đã cho ta thấy đại ý Trung Dung: «Thể duy nhất, dụng vẹn thù». Căn nguyên chỉ một mà tác dụng hiệu quả muôn vàn.

Đồng thời Chu Hi cũng đã gợi cho biết Trung Dung là một triết học cao siêu, một phương pháp lý luận rất có mạch lạc. Ta có thể nói:

Thoạt tiên, Trung Dung dùng phương pháp diễn dịch như Descartes: Từ một duyên do căn bản suy ra ngàn vạn sự, ngàn muôn kết quả.[1] Trong phần thứ hai của sách, có thể nói được là Tử Tư dùng phương pháp qui nạp như Bacon, đi từ những kết quả tạp thù vô số kể mà trở lại nguyên nhân cũ. Nguyên nhân và kết quả đều gồm trong hai chữ Trời và Thành.[2]

Trời phát quang huy, chiếu ảnh tượng người vào đáy lòng nhân loại.[3] ảnh tượng ấy vừa là thực thể cho tâm hồn dựa nương, vừa là tính mệnh (vie) vừa là mệnh lệnh (ordre, loi), cũng vừa là đạo (voie). Ảnh tượng Trời đó hoàn thiện và quang minh tuyệt đối. Trung Dung đã khéo mô tả bằng hai chữ «thành, minh».[4]

Trong chương đầu Trung Dung, Tử Tư đã xác định căn bản tâm hồn con người; đồng thời dạy luôn cả đạo làm người:

«Bản tính cũng chính là thiên mệnh

Đạo là noi theo tính bản nhiên.

Giáo là cách giữ đạo nên.

Đạo Trời giây phút vẫn liền với ta.

Rời ta được đâu là đạo nữa.

Thế cho nên quân tử giữ gìn,

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều,

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng...» [5]

Trời xa, nhưng quyền phép ngài siêu việt, vẫn soi sáng tâm khảm của trần gian. Trời tuy xa nhưng vẫn giáng lâm, vẫn tại diện tiền không giây phút nào ngơi. Đó là niềm tin tưởng then chốt cốt cán của Đạo Nho, và của các thánh hiền Trung Hoa qua các thời đại. Tác giả Trung Dung nhắc tới lòng tin tưởng đó ở đầu, giữa, và cuối sách Trung Dung. Cả chương 16 của Trung Dung viện dẫn sự tin tưởng của muôn dân về thần quyền để minh chứng sự giáng lâm của Thượng đế.

Trung Dung viết:

«Quyền phép thần linh oai hùng khôn xiết,

Nhìn chẳng ra, nghe cũng chẳng thấy gì,

Nhưng vẫn lồng vào vạn vật chẳng phân ly,

Khiến chay tịnh tâm hồn, những chành áo xống,

Mời cho làm những việc tâm thành thờ phụng,

Man mác lẽ, như phảng phất ở trên,

Linh lung, như mường tường ở hai bên.

Thần giáng lâm lúc nào ta đâu có biết,

Cớ sao ta dám bơ thờ khinh miệt?

Thật siêu vi nhưng vẫn hiển hình,

Thật hoàn hảo, không giấu nổi oai linh.» [6]

Tác giả Trung Dung khuyên ta nên theo phương pháp loại suy (raisonnement par analogie) mà tìm ra căn bản tâm hồn ta, tìm cho ra đạo làm người, để cho nhân tâm hết ngả nghiêng, cho đạo tâm siêu vi được tận hiển dương, tiến tới thế trung hòa muôn thuở.

«Khi chưa phát vui, thương, mừng, giận,

Gọi là trung vì chẳng ngả nghiêng.

Phát ra đúng tiết, hợp duyên,

Ấy là hòa tấu ấm êm nhạc Trời.

Trung ấy chính muôn đời căn bản,

Hòa kia là đạo quán thiên thu,

Ước gì đạt thế trung hòa,

Ấm êm Trời đất, nhởn nhơ muôn loài.» [7]

Chu Hi bình giảng thêm:

«Nguồn đạo ấy phát từ Thượng đế.

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời,

Hoàn toàn sẵn có nơi người,

Một giây một phút chẳng rời khỏi ta.» [8]

Và khuyên:

«Quay vào ta mà tìm đạo ấy

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.» [9]

Một khi con người được giác ngộ, tin có Trời ngự trị trong tâm khảm mình, chứng giám những điều ẩn áo nơi đáy lòng mình, và lo hoàn thiện mình để tiến tới sự phối hợp giữa tâm và tính, nhân tâm và đạo tâm, khi ấy con người sẽ trở thành quân tử.

Đức Khổng nói:

«Người quân tử Trung Dung một đạo,

Kẻ tiểu nhân trở tráo Trung Dung.

Trung Dung quân tử thời thường

Phản Trung Dung ấy là phường tiểu nhân,

Tiểu nhân chẳng thẹn, chẳng cần,

Chẳng còn sợ hãi, lần khân tháng ngày.» [10]

Mục đích của đạo Trung Dung là phối hợp thiên ý với nhân tâm, tính với tình, nhân tâm và đạo tâm, cho nên là một đạo rất cao diệu. Đức Khổng nói:

«Đạo Trung Dung cao siêu, toàn mỹ,

Theo Trung Dung hồ dễ mấy ai.» [11]

Theo đạo Trung Dung rất khó, khó vì nhiều lý do. Đức Khổng nói:

«Ta biết đạo Trung Dung thi hành khó,

Người sắc sảo, quá trớn đi đã lỡ,

Kẻ ngu đần, chậm chạp khó khuôn theo.

Ta biết đời chẳng hiểu đạo cao siêu:

Người hiền đức ỷ mình không suy xét,

Kẻ bất lương trông vào thì mù mịt.

Uống ăn kia ai cũng lấy làm thường,

Nhưng mấy ai sành mùi vị tinh tươm?» [12]

Mục đích Trung Dung là phát triển cho đến cực độ mầm mống hoàn thiện sẵn có nơi đáy lòng mình, theo thiên tính thiên lý sẵn có nơi mình mà phát huy ra ba đại đức, ba nguồn sáng tinh thần:

Trí - nhân - dũng

Trí là khôn ngoan. Khôn ngoan như vua Thuấn, biết Trời, biết Người, biết thăm dò xét hỏi, biết «ẩn ác dương thiện». Trí để phục vụ đạo lý, chứ không phải trí xảo của người đời.[13]

Đức Khổng nói:

«Ai cũng nói ta đây tài giỏi,

Trên đường đời rong ruổi ngược xuôi;

Sa vào cạm bẫy người đời,

Sa hầm, sụp hố, thoát thôi dễ nào.

Ai cũng ỷ tài cao, biết rộng,

Theo Trung Dung chẳng đặng tháng Trời.» [14]

Nhân là nhân đức nội tâm. Nhân như Nhan Hồi luôn lo lắng làm điều thiện, cho gương lòng vằng vặc sáng lên như đèn Trời, chứ không phải nhân đức lộ liễu bên ngoài của thế nhân. Những người có tài cán gan góc, vị tất đã là những người nhân đức, vị tất đã theo nổi đạo Trung Dung.

«Người có thể trị yên thiên hạ,

Người có gan từ bả vinh hoa,

Gươm trần người dám bước qua,

Trung Dung đạo ấy khó mà người theo.» [15]

Dũng không phải là cái dũng vũ phu, mà chính là cái dũng tinh thần của người quân tử, là cái dũng của bậc đạo hạnh: nếu «Xét thấy lương tâm mình ngay thẳng, thì dầu đối với hàng ngàn muôn người vẫn đi qua một cách an nhiên.» [16]

Luôn êm đềm, khoan dung mà chỉ giáo,

Người vô đạo ta không màng ác báo.

Đó là hùng dũng kiểu Nam phương,

Đó là lối đường người quân tử.

Thích đao binh, mình kè kè giáp trụ,

Chốn sa trường chết bỏ cũng không sao,

Ấy hùng dũng Bắc, của chiến sĩ hùng hào.

Người quân tử ôn hòa, không phụ họa,

Hùng dũng thay, ôi hùng cường cao cả.

Theo Trung Dung một dạ, chẳng ngả nghiêng,

Ôi, hùng dũng kẻ sao xiết ngang nhiên.

Nước có đạo lòng trung kiên chẳng đổi,

Hàn vi hay hiển đạt vẫn không thay đường lối.

Hùng dũng thay, kẻ sao xiết oai hùng.

Lúc nước nhà vô đạo lao lung,

Dẫu muôn thác cũng không rời đạo cả,

Hùng dũng thay, ôi hùng cường khôn tả.» [17]

Ba đức «nhân, trí, dũng» đó đều mầm mống trong đáy lòng mọi người; chân lý muôn trùng hằng ẩn áo trong tâm khảm mọi người. Thánh hiền là những người có công khuếch sung trí nhân dũng cho tới mức cao siêu, tuyệt diệu. Vì thế đạo Trung Dung như hạt sồi của Lamartine,[18] lúc nhỏ chưa sinh sôi nảy nở thì rất tầm thường, nhưng khi đã triển dương tới mức độ lớn lao, thì trở nên thiệt uy nghi, cao đại.

Theo Trung Dung đạo Trời có hai đầu: Một đầu thì ẩn ảo huyền vi, tiềm ẩn ở tít tận đáy lòng, còn một đầu thì mênh mông bát ngát. lúc sơ phát thì ẩn áo siêu vi, nhưng lúc đạt đạo tới chỗ chí cùng, chí cực, thì vĩ đại.

«Đạo người quân tử mênh mông,

Đồng thời ẩn áo, mông lung khó dò.» [19]

HÌNH 17: Thiên đạo, Nhân đạo, Vật đạo

Tác giả Trung Dung viện dẫn Kinh Thi để làm nổi bật những nét mênh mang và ẩn áo đó:

«Diều tung cánh sát từng mây biếc,

Cá dương vây lặn miết đáy sâu.» [20]

Rồi tác giả khuyên ta nên tung tầm mắt mà quan sát vạn vật đất Trời để tìm cho ra đại đạo. Quan sát đất Trời ta thấy gì? Ta sẽ thấy:

«Ngoài nội chim kia còn chấp cánh,

Trên lương yến nọ chẳng lìa đôi

Từng mây kết ngãi lưng Trời...» [21]

Đôi chim ríu rít, đôi người chắt chiu.

Đầu Kinh Thi, ta đọc thấy:

«Quan quan thư cưu, tại Hà chi châu,

Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.» [22]

Trung Dung viết:

«Đạo quân tử từ nguồn phu phụ,

Tung mãi ra trùm cả đất Trời.» [23]

Đạo phu thê là đạo phu xướng phụ tùy, để đi đến chỗ sắc cầm hòa hợp. Còn Trời đất thì lúc nào cũng quấn quít lấy nhau, hưởng ứng nhau. Trời che, đất chở, Trời sinh, đất dưỡng. Đầu đất là chân Trời. Vòng càn khôn lúc nào cũng hiện ra nơi nhãn giới. Suy ra, thì trong đạo làm người, tâm phải thuận theo tính, tâm phải biết phục mệnh. Nếu tâm theo tính, nếu nhân tâm phục tòng thiên mệnh, thì tức là theo đúng đạo xướng tùy, hòa hợp của đất Trời. Thế là Âm theo Dương, bóng tối nhường gót cho ánh sáng, sự chết nhường chỗ cho sự sống. Thế là Dương sinh, Âm dưỡng, Dương sinh, Âm trưởng. Tâm hồn sẽ tài bồi cho mầm tính nở tung muôn hoa đức hạnh, tâm hồn sẽ phả quang huy của vừng dương thiên tính, sẽ biến hóa theo đúng Đạo Trời.[24]

Khi đạt đạo, mảnh trăng lòng sẽ thoát ly hết mọi mây mù dục vọng, sẽ viên mãn, như vầng nguyệt hôm rằm, tung hết mọi làn ánh sáng đã thụ hưởng được của vừng dương thiên lý. Thế là Âm Dương phối hợp trong thế trung hòa của Thái cực. Thế là «nhật nguyệt đồng minh» thành chữ Dịch muôn đời.[25]

Vậy muốn hiểu đạo Trung Dung, phải hiểu chỗ thấp, chỗ cao, chỗ gần, chỗ xa. Chỗ đắc đạo, đạt đạo là Trung Dung, Trung đạo «dữ Thiên đồng đức», chí thành, chí thiện. Chỗ đạt đạo thì bao trùm hết không gian, thời gian, rực rỡ ngàn trùng.

Chỗ khởi điểm chỉ là một tàn lửa thiên lý, thiên chân, thiên mệnh, ẩn áo nơi đáy lòng. Chỗ đạt đạo thì chỉ bậc chí thánh mới vươn lên tới, nhưng con người đạo lý mở rộng chờ đón mọi người, và thực ra khởi điểm của nó cũng dung dị tầm thường, dầu ngu phu, ngu phụ cũng vẫn hay biết và có thể thi hành được như thường.[26]

Quan điểm Trung Dung phù hợp với Đạo Đức Kinh của Lão Tử:

«Muốn làm những việc khó khăn.

Phải từ chuyện dễ đi lần mới xong.

Muốn làm những việc kỳ công,

Phải từ việc nhỏ mới mong hoàn thành.» [27]

Vậy thì đạo Trời tuy rất khó, nhưng chính ra rất giản dị. Chúng ta chỉ việc làm những công việc thông thường hằng ngày, không cần lập dị, «sách ẩn hành quái».[28] Đối với mọi người thì nên khoan dung, độ lượng, mà uốn nắn cho qui hướng về đường thiện mỹ:

«Người quân tử khi lo giáo hóa,

Sửa trị người sẵn có khuôn người.

Thấy người giác ngộ thì thôi,

Đã chiều cải hóa, liệu bài ta ngưng.» [29]

Còn đối với mình, thì lúc nào cũng cúc cung tận tụy thi hành phận sự, coi người như mình; đối với ai cũng cố vẹn tình, vẹn nghĩa, hết lòng, hết dạ:

«Đối với người hết lòng, hết dạ,

Coi mọi người cũng cả như mình.

Thế là sắp tới tinh thành.

Việc mình thoái thác chớ dành cho ai...» [30]

Tìm bí ẩn làm điều quái dị.

Cốt mong cho hậu thế người khen

Xá chi chuyện ấy nhỏ nhen,

Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.»

Muốn thành người quân tử, chúng ta phải:

«Tu đức hạnh, hành vi thường nhật,

Nói năng luôn đúng mực căn cơ.

Hành vi khiếm khuyết nên lo,

Nói năng thái hóa, liệu mà bớt đi.

Lời nói với hành vi phù hợp;

Nói làm sao, làm khớp như in;

Lòng người quân tử triền miên,

Thấp tha, thấp thỏm, mới nên công trình...» [31]

Nếu thời thường, lo hàm dưỡng tính tình, trau dồi óc chất như vậy, thì trí, nhân, dũng sẽ như ngọn lửa, ngày một lan cháy rực Trời, như nguồn lai láng, tràn ngập năm hồ bốn biển.[32]

Ngu phu, ngu phụ nếu ra công tu tâm, dưỡng tính cũng có thể nên người quân tử, nên gương cho nhân loại soi chung; nếu người quân tử biết tu thân, hàm dưỡng khuếch sung tính tình thì có thể nên những trang hiền thánh, chẳng kém gì Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ, Chu công.

«Đạo quân tử như in lữ thứ

Muốn đi xa phải tự chỗ gần.

Đạo người như cuộc đăng san,

Muốn lên tới đỉnh, đầu đàng là chân.» [33]

Chân là ngu phu, ngu phụ, mà đỉnh thì là đại thánh, đại hiền. ở gần là chuyện làm cho gia đình ấm êm, hòa hợp. Ở xa tít tắp là chuyện quốc chính, cai trị muôn phương, lo sao cho mọi người được sống những ngày thanh bình, tươi đẹp. Thấp là những chuyện tình ái thông thường giữa những vợ chồng, mà cao là nền luân lý phổ quát, bao gồm hết cương thường. Cao hơn nữa là đạo thánh hiền, «dữ Thiên đồng đức», vượt tầm không gian, thời gian, trường tồn cùng với càn khôn, vũ trụ.

Khởi điểm ở ngay thâm tâm, khởi điểm là chữ kính, chữ sợ:

«E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.» [34]

Cùng đích, mục phiêu sẽ là chỗ chí thành, chí thiện, treo gương cho khắp thế soi chung...

Nhờ sự tu thân tích đức, tâm hồn người hiền thánh rạng tỏ dần, và khi long vân gặp hội, khi đức cả đã cảm ứng được đất Trời, sẽ đạt tới địa vị cao sang tuyệt phẩm. Vì thế giữa sách, Trung Dung đề cập tới sự cao cả, vinh quang của các đấng đại thánh, đại hiền:

Trung Dung viết:

«Vua Thuấn là người trọn niềm hiếu thảo,

Đức sánh thánh hiền, vị cao sang ngôi báu;

Giàu vô biên, giàu bốn bể gồm thâu,

Tổ tiên nơi tôn miếu được cao dao,

Con con, cháu cháu đều nương vào tiếng cả.

Đức đã lớn, địa vị đâu có khó,

Bổng lộc theo, danh giá cũng chạy theo.

Sống lâu dài, tuổi thọ lại thêm nhiều.

Vì xưa nay Trời sinh ra muôn vật,

Đều chăm nom, vun sới tùy tài, tùy chất;

Đã tốt tươi chăm bẫm tốt tươi thêm,

Đã nghiêng ngả, phạt quang cho hết ngả nghiêng.» [35]

Luật Trời đất là như vậy: Đã tốt tươi, tài bồi cho thêm tươi tốt, đã tàn tạ thì sẽ bị vứt bỏ đi... Xưa nay bất kỳ ai đã vượt được thang tiến hóa lên tới mức đại trí, đại đức đều được kính tôn trọng vọng. Trung Dung cũng hết lời tán tụng Văn vương, Võ vương... Trời đã cho các bậc đại trí, đại hiền, đại đức đó ra đời, để làm vinh danh Thượng đế, để làm ích lợi cho chúng dân, và cũng là để treo gương sáng cho đời soi... Bổn phận hậu sinh là phải noi gương tiền bối như vậy mới thật là hiếu thảo...

Trung Dung cho rằng hiếu thảo sáng suốt là biết noi theo đường lối sự nghiệp của cha ông. Người xưa lập ra những cuộc tế tự nơi tông miếu cốt là để thắt lại mối giây liên lạc họ hàng giữa các người còn sống, xác định lại tôn ti, trật tự, kẻ hèn, người sang trong gia tộc, tỏ tình thân ái với họ hàng, và cũng là để hun đúc lại khí thiêng truyền thống, tâm niệm bước theo lối đường của tổ tông xưa:

«Nghiệp xưa tôn tỏ mọi điều,

con người hiếu thảo y chiếu khuếch trương,

Xuân thu tới, sửa sang miếu mạo,

Bao đồ thờ xiêm áo bày ra,

Mùa nào thức ấy hương hoa,

Nhờ kỳ lễ tổ, nhận ra họ hàng.

Theo chức tước, biết sang, biết khó,

Theo phân công, tổ rõ hiền, ngu.

Rồi ra chén tạc, chén thù,

Dưới trên chuốc chén, nhỏ to đãi đằng,

Khi yến ẩm, mới phân già, trẻ,

Theo tóc răng, định lẽ dưới, trên.

Ngôi xưa, nối gót bước lên,

Lễ xưa tôn tổ, giữ nguyên chẳng rời.

Nhạc cha ông, không thôi hòa tấu,

Ngài yêu gì, ta cũng dấu, tôn.

Trước sau, mất cũng như còn,

Dẫu là sống thác, chẳng mòn tình thâm.

Lòng hiếu thuận, không phân sống chết,

Thế mới là trọn hết đạo con...» [36]

Chí tổ tiên xưa là thờ Trời, kính sợ mệnh Trời, cho nên muốn trọn niềm hiếu thảo, tất nhiên cũng phải tin kính Trời. Trung Dung phân biệt rõ ràng: Thờ Trời và kính nhớ tổ tiên.[37] Muốn hiếu kính tổ tông phải biết thờ Trời:

Kinh Thi viết:

«Muốn nhớ tới tổ tông khi trước,

Hãy gắng công tích đức tu nhân,

Mệnh Trời phối hiệp vào thân,

Muôn ngàn phước lộc xa gần chiêu lai.

Thuở triều Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng cùng Thượng đế tất giao,

Gương triều Ân hãy soi vào,

Mệnh Trời cao cả lẽ nào dễ đâu.» [38]

Hiếu kinh cũng cho rằng hiếu thảo chân chính là lập thân giữ đạo, lưu danh hậu thế...[39] Thế mới đúng là «sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn». kính nhớ tổ tiên thực ra khôn phải là xì xụp van vái. Như vậy Tử Tư muốn dùng lòng hiếu kính tổ tiên để lưu truyền đạo Trời mãi mãi...

Từ thiên «Ai công vấn chính» về sau, Trung Dung bắt đầu dùng phương pháp quy nạp. Trung Dung chủ trương rằng muốn cầm đầu giang sơn, sửa đổi giường mối chính trị vẫn không qua được lòng người, không qua được điều nhân nghĩa, không qua được vấn đề tu thân, không qua được Trời.

«Biết người, trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao.» [40]

Trời là căn để cho một nền chính trị hoàn hảo. Sự hoàn thiện vẫn là căn bản cho mọi động tác nhân loại. Tung tầm mắt ra khắp muôn phương, ta thấy ngũ luân là năm bổn phận cao cả nhất. Nhưng ngũ luân vẫn phải dựa vào ba đức là: Trí, Nhân, Dũng. Trí, Nhân, Dũng truy tới căn nguyên lại chính là biểu dương của chữ Thành, của sự toàn thiện muôn thuở.[41]

Ai Công hỏi về chính trị, Khổng Tử trả lời:

«Phép chính trị vua Văn, vua Võ,

Nay hãy còn ghi ở sử xanh.

Người ngoan, chính trị thịnh hành,

Con người gian ác, tan tành quốc gia.

Người tài đức phun hoa chính trị,

Như đất mầu, trổ rễ cỏ cây.

Chính quyền lau lách, dắt dây,

Cầm quyền hành chính dở hay tại người.

Nếu muốn được nhân tài giúp sức

Mình cố sao tài đức hơn người.

Tu thân lấy đạo tài bồi,

Đạo tu trước phải rạng ngời đức nhân.

Người chân chính là nhân là ái,

Yêu từ nhà yêu mãi ra xa,

Nghĩa là mọi vẻ tinh hoa,

Muốn dân trọng nghĩa, trước ta tôn hiền.

Phân thân sơ, biết hay hèn,

Trọng nhân, trọng nghĩa, xây nền lễ nghi.» [42]

Như vậy, rút lại, ta phải để tâm khuếch sung Nhân, Trí, Dũng, cố gắng tiến tới chỗ chí thành, chí thiện. Ánh sáng Trời cao cả, sự hoàn thiện thiên nhiên nơi đáy lòng ta đó, có khi sinh ra đã biết, có khi nhờ học hỏi mới biết, có khi vì lao lung, cùng khốn mới biết, nhưng đã biết thì cũng chỉ là một như nhau. Có khi tự nhiên ta muốn trở nên hoàn thiện, có khi vì lợi lộc mà ta cố trở nên hoàn thiện, có khi vì bắt buộc mà ta trở nên hoàn thiện, nhưng kết quả trước sau vẫn là một.[43]

Muốn tiến tới hoàn thiện, điều kiện thiết yếu là phải biết gắng gỗi công trình.

«Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu thân phải gắng công lao,

Muốn nên hùng dũng anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.» [44]

Then chốt vạn sự, chung quy vẫn chỉ là một chữ Thành. Dẫu đứng đầu trăm họ, thống lãnh giang sơn, cũng vẫn phải lấy sự tu thân, sự cải thiện mình làm gốc. Bất kỳ quốc sách chân chính nào cũng phải xây trên căn bản toàn thiện.[45]

Tóm lại, con người sinh ra ở đời cốt để trở nên hoàn thiện:

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.» [46]

Những bậc đại thánh trong thiên hạ tự nhiên có một đời sống thánh thiện, hành vi tự nhiên hoàn hảo, ý nghĩ tự nhiên sáng suốt. Còn những người phàm tục như chúng ta phải cố công cố sức đêm ngày mới mong trở nên hoàn thiện được.

Trung Dung viết:

«Còn những kẻ cố công nên thánh

Gặp điều lành phải mạnh tay co,

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, học cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, mới mang thi hành.

Đã định học, chưa thành chưa bỏ;

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nôi,

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy,

Biện luận mãi tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm, làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh.

Người làm mười bận đã thành,

Ta làm nghìn thứ ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.» [47]

Nếu cố gắng, con người sẽ cải thiện hoàn toàn được mình, đó là luật tiến hóa của Trời đất: muôn vật đều tiến từ thô sơ tới tinh vi, từ mầm mống tới trưởng thành, từ hỗn độn tới quy mô tổ chức, từ tối tăm đến sáng láng. Như vậy con người cũng phải khuếch sung, tài bồi mầm mống đức hạnh nơi đáy lòng mình để tiến tới chỗ tinh vi cao diệu.

«Đạo trời đất một câu tóm hết,

Làm muôn loài nhất thiết một khuôn,

Nhưng mà sinh hóa khôn lường

Đất trời đường lối mênh mang rộng dày.

Cao minh trong sáng xưa nay,

Xa gần vĩnh cửu, đó đây khôn lường.

Kìa như trời vài nguồn sáng sáng,

Nhưng tới khi tản mạn vô cùng,

Lửng lơ nhật nguyệt hai vừng,

Muôn vàn tinh tú tưng bừng treo trên.

Trời còn che chở mọi miền.

Kìa như đất vài thưng bụi cát,

Nhưng một khi bát ngát rộng dày,

Hoa sơn nó chở như bay,

Muôn vàn sông biển hút ngay vào lòng.

Đất còn chở hết non sông.

Kìa núi non đá chồng mấy tảng,

Nhưng một khi khoáng đãng vươn cao,

Cỏ cây muôn khóm chen nhau,

Muông chim cầm thú nương vào ở ăn.

Núi còn biết mấy kho tàng.

kìa sông nước mấy ang, mấy gáo,

Nhưng một khi biến ảo mênh mông.

Sấu, rùa, cá, giải, giao long,

Sinh sinh, hóa hóa, vẫy vùng triền miên

Nước còn biết mấy nguồn tiền,

Biết bao hóa phẩm còn chìm bể sâu.

Việc Trời gẫm xiết bao huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn áo không cùng,

Thực là đáng mặt Hóa công.» [48]

Như vậy luật tạo hóa là muốn cho mọi người cải thiện, tiến hóa không ngừng. Như vậy con người phải cố gắng, tiến bước mãi trên con đường hoàn thiện, không lúc nào được dừng chân hay lui gót.

Khi đạt tới mức độ hoàn thiện, sẽ đạt đạo Trung Dung «dữ Thiên đồng đức», sẽ cùng Trời đất vững bền muôn thuở.

«Bậc chí thánh không hề ngơi nghỉ,

Không nghỉ ngơi nên sẽ vững bền.

Vững bền muôn vẻ trưng lên,

Trưng lên vang dội khắp miền gần xa.

Khắp gần xa ắt là dày rộng,

Đã rộng dày thời cũng cao minh.

Rộng dày để chở chúng sinh,

Cao minh che khắp sinh linh xa gần.

Trường cửu để tác thành muôn vật,

Rộng dày nên cùng đất sánh duyên.

Cao minh kết ngãi thanh thiên,

Vô biên, vô tận triền miên khôn cùng.

Được như vậy không trưng vẫn tỏ,

Tuy ở yên, biến hóa khôn lường,

Không làm mà vẫn thành công...» [49]

Khi đạt tới giai đoạn «Thiên nhân nhất quán», giai đoạn huyền đồng, thánh nhân sẽ được phối hợp với Trời, thông phần vinh hiển cao diệu của Trời.

Trung Dung viết:

«Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ,

Y như thể có Trời ẩn áo giáng lâm,

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần,

Y như có dung nhan Trời phất phưởng;

Phấn phát tự cường, kiên cương, hùng dũng,

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng.

Trang trọng khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn,

Nói năng văn vẻ, rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,

Mênh mang như khung Trời bao la, vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm...» [50]

Bậc chí thánh đó sẽ vì đời sang sửa đại kinh:

«Chỉ những đấng chí thánh trong thiên hạ,

Mới có thể vì đời sang sửa đại kinh.

Mới có thể xây căn bản cho xã hội quần sinh,

Mới thấu rõ luật đất Trời sinh hóa...» [51]

Các ngài sẽ tiên tri, tiên đoán, biết trước những công cuộc hưng vong, suy thịnh của quốc gia...[52]

Đạo Trung Dung lúc đạt tới cùng cực, thực là mênh mông, bát ngát:

«Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,

Nó mênh mang, biến hóa chúng nhân.

Nó cao, cao vút tới Trời thẳm muôn tầm;

Nó rộng, rộng bát ngát khôn kể xiết.

Gồm thâu mọi điều lễ nghi, chi tiết.

Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ.

Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho,

Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả.» [53]

Đạo đó, con đường hoàn thiện đó là con đường cho quân tử noi theo:

«Nên quân tử dốc một lòng, một dạ,

Trọng kính Trời, quyết gắn bó học hành.

Tiến sao cho tới mức rộng rãi, tinh anh,

Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả,

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na.

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới, không làm điều trái nghịch,

Nước có đạo, chỉ một nhời làm tiến ích,

Nước đảo điên, lặng lẽ đủ dung thân...» [54]

Đạo thiên nhiên đó, đã được đức Khổng, nương theo các vua Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ, đem truyền dạy và phổ biến cho đời:

«Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn, Võ.» [55]

Tóm lại đạo quân tử mới đầu ngỡ tầm thường, giản dị, nhưng dần dần mới thấy nó thật chứa chan ý vị, đầy vẻ đẹp tươi, và mênh mông, bát ngát. Nó khởi điểm từ chỗ biết kính sợ e dè, dẫu ở một mình nơi thanh vắng cũng chẳng dám làm điều gì đáng để hổ ngươi, để tiến tới chỗ «dữ Thiên đồng đức» chỗ hoàn hảo tuyệt vời. Đó là đại ý đoạn kết sách Trung Dung:

«Thơ rằng:

Gấm mặc trong, ngoài phủ áo sa,

Là vì ngại gấm đầy hoa lòe loẹt,

Nên đạo quân tử ám nhiên ẩn ước,

Sau dần dà mới sáng rực mãi lên;

Đạo tiểu nhân mới ngó ngỡ là đèn,

Nhưng càng ngày càng tối đen, tối xẫm.

Đạo quân tử đạm thanh, không ngán ngẩm,

Đơn sơ nhưng chan chứa vẻ đẹp tươi;

Thuần phác nhưng lý sự chẳng kém ai.

Biết xa gần, biết nguyên lai bản mạt

Biết lẽ vi hiển, vừa rỡ ràng, vừa e ấp,

Là có thể bước vào nẻo đức đường nhân.

Thơ rằng:

Cá tuy lặn sâu thẳm mấy tầm,

Nhưng bóng dáng vẫn rõ ràng, hiển hiện.

Nên quân tử lo xét mình cho chín,

Đừng cho tội khiên làm u ám thâm tâm.

Người quân tử vượt trổi quá chúng nhân,

Chính ở chỗ mọi người trông chẳng đặng.

Thơ rằng:

Chái tây bắc một mình thanh vắng,

Cũng đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Nên quân tử không làm vẫn thu phục lòng người,

Chẳng nói năng, nhưng ai nấy đều tin tưởng.

Thần thánh giáng lâm, không một lời động dạng,

Nhưng mọi người tuyệt nhiên hết tranh giành.

Nên quân tử không thưởng, mà dân vẫn đua tranh,

Không giận dữ, mà người sợ hơn oai rìu búa.

Thơ rằng:

Văn Vương chẳng phô trương đức độ,

Nhưng chư hầu đâu đấy vẫn khuôn theo.

Người quân tử nếu dốc một dạ kính yêu,

Đạt đức cả, thiên hạ lẽ tất nhiên thịnh trị,

Thơ rằng:

Ta muốn đức rạng ngời, sáng tỏ,

Không cần chi lớn tiếng hay làm bộ ra oai.

Đức Khổng nói dùng miệng lưỡi, hay kiểu cách bên ngoài,

Cảm hóa dân, lối ấy rất nên thô thiển.

Thơ rằng:

Đức nhẹ như lông;

Lông còn có bề hơn kém,

Đức Trời cao, siêu việt chẳng tăm hơi,

Thực là hoàn hảo tuyệt vời.» [56]

Chu Hi bàn thêm:

«Tử Tư trên kia vừa nói tới điều chí cực,

Nay quay về nói lại chủ chốt căn nguyên.

Nhắc ta tu thân căn cốt ở kính tin.

Dẫu chiếc bóng cũng không làm điều tà khuất.

Suy rộng ra nếu ai cũng dốc một lòng chính trực,

Thì thiên hạ lo chi chẳng an bình.

Khen nhân đức khi đạt mức huyền linh,

Sẽ bát ngát, vô thanh và vô xú.

Một lời lẽ gồm biết bao tự sự,

Lòng thiết tha khẩn khoản muốn dạy người.

Bao ý tình thắm thiết biết mấy mươi,

Học giả ta lẽ nào không hết lòng hết sức.» [57]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh