Trung Dung Tân Khảo: Chương 20. Sự Hoàn Thiện Là Lý Tưởng Của Nhân Quần, Quốc Gia, Xã Hội

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 20. SỰ HOÀN THIỆN LÀ LÝ TƯỞNG CỦA NHÂN QUẦN, QUỐC GIA, XÃ HỘI

第 二 十 章

哀 公 問 政. 子 曰: 文 ,武 之 政, 布 在 方 策. 其 人 存, 則 其 政 舉. 其 人 亡, 則 其 政 息. 人 道 敏 政; 地 道 敏 樹. 夫, 政 也 者 蒲 盧 也 .故 為 政 在 人; 取 人 以 身; 修 身, 以 道, 修 道 以 仁. 仁 者, 人 也, 親 親 為 大.義 者,宜 也;尊 賢 為 大.親 親 之 殺, 尊 賢 之 等, 禮 所 生 也 .

在 下 位 不 獲 乎 上, 民 不 可 得 而 治 矣. 故 君 子 不 可 以 不 修 身. 思 修 身, 不 可 以 不 事 親. 思 事 親, 不 可以 不 知 人. 思 知 人, 不 可 以 不 知 天.

天 下 之 達 道 五; 所 以 行 之 者 三. 曰: 君 臣 也, 父 子 也, 夫 婦 也, 昆 弟 也, 朋 友 之 交 也; 五 者, 天 下 之 達 道 也 .知 ,仁 ,勇 三 者; 天 下 之 達 德 也. 所 以 行 之 者 一 也.

或 生 而 知 之; 或 學 而 知 之; 或 困 而 知 之. 及 其 知 之 一 也 .或 安 而 行 之; 或 利 而 行 之; 或 勉 強 而 行 之; 及 其 成 功 一 也.

子 曰: 好 學 近 乎 知. 力 行 近 乎 仁. 知 恥 近 乎 勇. 知 斯 三 者, 則 知 所 以 修 身. 知 所 以 修 身, 則 知 所 以 治 人. 知 所 以 治 人, 則 知 所 以 治 天 下 國 家 矣.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

凡 為 天 下 國 家 有 九 經; 曰: 修 身 也, 尊 賢 也, 親 親 也, 敬 大 臣 也, 體 群 臣 也, 子 庶 民 也, 來 百 工 也, 柔 遠 人 也, 懷 諸 侯 也 .

修 身, 則 道 立. 尊 賢, 則 不 感. 親 親 則 諸 父 昆 弟 不 怨. 敬 大 臣, 則 不 眩. 體 群 臣, 則 士 之 報 體 重. 子 庶 民, 則 百 姓 勸. 來 百 工, 則 財 用 足. 柔 遠 人, 則 四 方 歸 之. 懷 諸 侯, 則 天 下 畏 之.

齊 明 ,盛 服 ,非 體 不 動; 所 以 修 身 也. 去 讒, 遠 色, 賤 貨 而 貴 德; 所 以 勸 賢 也. 尊 其 位, 重 其 祿, 同 其 好 惡; 所 以 勸 親 親 也. 官 盛 任 使: 所 以 勸 大 臣 也. 忠 信, 重 祿, 所 以 勸 士 也. 時 使, 薄 斂, 所 以 勸 百 姓 也. 日 省, 月 試, 既 稟 稱 事, 所 以 勸 百 工 也. 送 往, 迎 來, 嘉 善, 而 矜 不 能 ;所 以 柔 遠 人 也. 繼 絕 世, 舉 廢 國, 治 亂, 持 危, 朝 聘 以 時, 厚 往 而 薄 來; 所 以 懷 諸 侯 也. 凡 為 天 下 國 家 有 九 經; 所 以 行 之 者 一 也 .

凡 事 豫, 則 立; 不 豫, 則 廢. 言 前 定, 則 不 跲. 事 前 定, 則 不 困. 行 前 定, 則 不 疚. 道 前 定, 則 不 窮. 在 下 位 不 獲 乎 上, 民 不 可 得 而 治 矣. 獲 乎 上 有 道; 不 信 乎 朋 友, 不 獲 乎 上 矣. 信 乎 朋友 有 道; 不 順 乎 親, 不 信 乎 朋 友 矣. 順 乎 親 有道: 反 者 身 不 誠 ,不 順 乎 親 矣. 誠 身 有 道; 不 明 乎 善, 不 誠 乎 身 矣.

誠 者, 天 之 道 也. 誠 之 者, 人 之 道 也. 誠 者, 不 勉 而 中, 不 思 而 得, 從 容 中 道: 聖 人 也. 誠 之 者, 擇 善 而 固 執 之 者 也.

博 學 之, 審 問 之, 慎 思 之, 明 辨 之, 篤 行 之. 有 弗 學, 學 之 弗 能, 弗 措 也. 有 弗 問, 問 之 弗 知, 弗 措 也.有 弗 思, 思 之 弗 得, 弗 措 也. 有 弗 辨, 辨 之 弗 明, 弗 措 也.有 弗 行,行 之 弗 篤, 弗 措 也. 人 一 能 之, 己 百 之,人 十 能 之, 己 千 之. 果 能 此 道 矣, 雖愚 必 明, 雖 柔 必 強.

PHIÊN ÂM

Ai Công vấn chính. Tử viết: «Văn, Võ chi chính, bố tại phương sách. Kỳ nhân tồn, tắc kỳ chính cử. Kỳ nhân vong, tắc kỳ chính tức. Nhân đạo mẫn chính; địa đạo mẫn thọ. Phù, chính dã giả, bồ lư dã. Cố vi chính tại nhân; thủ nhân dĩ thân; tu thân, dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân. Nhân giả, nhân dã, thân thân vi đại. Nghĩa giả nghi dã; tôn hiền vi đại. Thân thân chi sái, tôn hiền chi đẳng, lễ sở sinh dã.

Tại hạ vị bất hoạch hồ thượng, dân bất khả đắc nhi trị hĩ. Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân. Tư tu thân, bất khả dĩ bất sự thân. Tư sự thân, bất khả dĩ bất tri nhân. Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên.

Thiên hạ chi đạt đạo ngũ; sở dĩ hành chi giả tam. Viết: quân thần dã, phụ tử dã, phu phụ dã, côn đệ dã, bằng hữu chi giao dã; ngũ giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí, nhân, dũng tam giả; thiên hạ chi đạt đức dã. Sở dĩ hành chi giả nhất dã.[1]

Hoặc sinh nhi tri chi; hoặc học nhi tri chi; hoặc khốn nhi tri chi. Cập kỳ tri chi nhất dã. Hoặc an nhi hành chi; hoặc lợi nhi hành chi; hoặc miễn cưỡng nhi hành chi. Cập kỳ thành công nhất dã.

Tử viết: Hiếu học cận hồ trí. Lực hành cận hồ nhân. Tri sỉ cận hồ dũng. Tri tư tam giả, tắc tri sở dĩ tu thân. Tri sở dĩ tu thân, tắc tri sở dĩ trị nhân. Tri sở dĩ trị nhân, tắc tri sở dĩ trị thiên hạ quốc gia hĩ.

Phàm vi thiên hạ quốc gia hữu cửu kinh; viết: thân dã, tôn hiền dã, thân thân dã, kính đại thần dã, thể quân thần dã, tử thứ dân dã, lai bá công dã, nhu viễn nhân dã, hoài chư hầu dã.

Tu thân, tắc đạo lập. Tôn hiền, tắc bất hoặc. Thân thân tắc chư phụ côn đệ bất oán. Kính đại thần, tắc bất huyễn. Thể quần thần, tắc sĩ chi báo lễ trọng. Tử thứ dân, tắc bá tính khuyến. Lai bá công, tắc tài dụng túc. Nhu viễn nhân, tắc tứ phương quy chi. Hoài chi hầu, tắc thiên hạ uý chi.

Trai minh, thịnh phục, phi lễ bất động; sở dĩ tu thân dã. Khử sàm, viễn sắc, tiện hóa nhi quý đức; sở dĩ khuyến hiền dã. Tôn kỳ vị, trọng kỳ lộc, đồng kỳ hiếu ố; sở dĩ khuyến thân thân dã. Quan thịnh nhậm sử: sở dĩ khuyến đại thần dã. Trung tín, trọng lộc, sở dĩ khuyến sĩ dã. Thời sử, bạc liễm, sở dĩ khuyến bá tính dã. Nhật tỉnh, nguyệt thí, khái lẫm xứng sự, sở dĩ khuyến bá công dã. Tống vãng, nghinh lai, gia thiện, nhi căng bất năng; sở dĩ nhu viễn nhân dã. Kế tuyệt thế, cử phế quốc, trị loạn, trì nguy, triều sính dĩ thời, hậu vãng nhi bạc lai; sở dĩ hoài chư hầu dã. Phàm vi thiên hạ quốc gia hữu cửu kinh; sở dĩ hành chi giả nhất dã.

Phàm sự dự, tắc lập; bất dự, tắc phế. Ngôn tiền định, tắc bất cáp. Sự tiền định, tắc bất khốn. Hạnh tiền định, tắc bất cửu. Đạo tiền định, tắc bất cùng. Tại hạ vị bất hoạch hồ thượng, dân bất khả đắc nhi trị hĩ. Hoạch hồ thượng hữu đạo; bất tín hồ bằng hữu, bất hoạch hồ thượng hĩ. Tín hồ bằng hữu hữu đạo: bất thuận hồ thân, bất tín hồ bằng hữu hĩ. Thuận hồ thân hữu đạo: phản chư thân bất thành, bất thuận hồ thân hĩ. Thành thân hữu đạo: bất minh hồ thiện, bất thành hồ thân hĩ.[2]

Thành giả, Thiên chi đạo dã, Thành chi giả, nhân chi đạo dã. Thành giả, bất miễn nhi trúng, bất tư nhi đắc, thung dung trung đạo: Thánh nhân dã. Thành chi giả, trạch thiện nhi cố chấp chi giả dã.

Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi. Hữu phất học, học chi phất năng, phất thố dã. Hữu phất vấn, vấn chi phất tri, phất thố dã. Hữu phất tư, tư chi phất đắc, phất thố dã. Hữu phất biện, biện chi phất minh, phất thố dã. Hữu phất hành, hành chi phất đốc, phất thố dã. Nhân nhứt năng chi, kỷ bá chi, nhân thập năng chi, kỷ thiên chi. Quả năng thử đạo hĩ, tuy ngu tất minh, tuy nhu tất cường.

CHÚ THÍCH

- Ai Công 哀 公 = Vua nước Lỗ, thời Xuân Thu. - Phương 方 = bản gỗ vuông. - Sách 策 = thẻ tre (sách vở xưa viết vào bản gỗ hay thẻ tre). - Tức 息 = tiêu diệt. - Bồ lư 蒲 盧 = Lau sậy chóng tốt. - Sái 殺= bớt dần. - Đẳng 等 = thứ bậc. - Nhân 仁= Nhân đức; hoàn thiên; phần thiên lý.[3] - Hoạch 獲= được lòng.[4] - Chi 之 = cái đó, điều ấy, định luật thiên nhiên ấy, lẽ ấy (những điều vừa nói trên; ce, cet, cela, la sagesse la vertu, la loi naturelle). - An nhi hành chi 安 而 行 之 = ung dung mà làm. - Lợi nhi hành chi 利 而 行 之= vì lợi mà làm. - Miễn cưỡng nhi hành chi 勉 強 而 行 之= vì sợ hãi tội lỗi mà làm.[5] - Kinh 經= phương pháp. - Thể = coi như chân tay, coi như chính mình. - Hoặc 惑= nhầm. - Huyễn 眩= nhầm. - Nhu 柔= đối đãi tử tế. - Hoài 懷= thương yêu.[6] - Minh 明 = thanh khiết. - Thịnh phục 盛 服= ăn mặc đàng hoàng. - Sàm 讒= nói dèm pha.- Sắc 色= nữ sắc. - Thời sử 時 使= sai cho hợp thời. - Bạc liễm 薄 斂= thu ít. - Xứng sự 稱 事= thích hợp với. - Nguy 危= nguy cơ. - Trai 齋= (1) Trai giới (cổ nhân trước khi tế tự, không uống rượu, không ăn hành tỏi, tắm rửa); (2) Tu thân. - Khuyến 勸= khuyến khích. - Thí 試= thi. - Khái lẫm 既 稟= cho lúa gạo. - Trì 持= giữ, giúp.[7] - Dự 豫= tính trước. - Phế 廢= hỏng. - Cáp 跲= vấp váp. - Cứu 疚= lỗi, buồn, bệnh kinh niên. - Thành 誠= hoàn thành, hoàn thiện.[8] - Trung đạo 中 道= Sự chí thành chí thiện.[9] - Bác 博= rộng. - Thẩm 審= xét. - Phất 弗= chẳng. - Thố 措= bỏ.

DỊCH CHƯƠNG 20

Sự hoàn thiện là lý tưởng cho nhân quần, quốc gia, xã hội

Ai Công hỏi chính trị,

Đức Khổng mới thưa rằng:

Phép chính trị, Vua Văn, Vua Võ,

Nay hãy còn ghi ở sử sanh.

Người ngoan chính trị thịnh hành

Con người gian ác, tan tành quốc gia.

Người tài đức phun hoa chính trị,

Đất tốt màu trổ rễ cỏ cây.

Chính quyền lau lách dắt dây,

Cầm quyền hành chánh dở hay tại người.[10]

Nếu mong muốn nhân tài cộng tác,

Mình làm sao nhân đức hơn người.

Tu thân lấy đạo tài bồi,

Đạo tu, trước phải rạng ngời đức nhân.

Người chân chính là nhân là ái,

Yêu từ nhà yêu mãi ra xa.

Nghĩa là mọi vẻ tinh hoa,

Muốn dân trọng nghĩa trước ta tôn hiền.

Phân thân sơ, biết hay hèn,

Trọng nhân, trọng nghĩa xây nền lễ nghi.

Nếu trên dưới phân chia bè bối,

Chẳng tin nhau, dân hỏi sao yên.[11]

Thân mình quân tử lo rèn,

Tu thân nhưng chớ lãng quên tình nhà.

Muốn phụng dưỡng mẹ cha phải đạo,

Phải hiểu sao thấu đáo lòng người.

Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao.[12]

Đạo thiên hạ có năm hình thức,

Nương ba chồi thịnh đức sum xuê.

Quân thần, phụ tử, phu thê,

Anh em cốt nhục, bạn bè tất giao.

Ấy năm đạo tối cao thiên hạ,

Trí, dũng, nhân đức cả ba chồi.

Năm cành ba cỗi tốt tươi,

«Tinh thành» do một gốc trời trổ sinh.[13]

Biết lẽ đó hoặc sinh đã biết,

Hoặc là do mài miệt học hành,

Hoặc do khốn khổ điêu linh,

Nhưng khi đã biết sự tình chẳng hai.

Cũng có kẻ thảnh thơi hành đạo,

Có kẻ theo vì gạo, vì tiền.

Có người thằng thúc mới nên,

Nhưng khi kết quả, vẫn in một bài.[14]

Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu nhân phải gắng công lao.

Muốn lên hùng dũng anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.[15]

Trí-nhân-dũng tu thân là lý,

Biết tu thân ắt trị nổi người.

Trị người, hiểu biết khúc nhôi,

Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa.[16]

Phép trị nước từ xưa có chín,

Phải tu thân, phải kiếm hiền tài.

Thương yêu thân tộc trong ngoài,

Đại thần thời nể, quan thời xót thương.

Lê dân chăm dẫm như con,

Nhân tài khuyến khích, mở mang trăm nghề.

Người viễn xứ quay về ta rước,

Những chư hầu bạc nhược ta nâng.[17]

i Tu thân đạo sẽ thịnh dần,

ii Tôn hiền, hiền giúp, đỡ lầm đỡ sai.

iii Yêu thân thuộc, trong ngoài hết oán,

iv Kính đại thần, hết nạn dèm pha.

Bao nhiêu công bộc quốc gia,

Một lòng ưu ái như là chân tay.

Tình ưu ái sẽ gây cảm xúc,

Hàng sĩ phu nỗ lực đền ơn.

vi Thương dân một dạ như con,

Toàn dân thiên hạ ai còn kêu ca ?

vii Chiêu bách nghệ tăng gia sản xuất,

Thời quốc gia sung túc hóa tài.

viii Trọng người xứ lạ nước ngoài,

Bốn phương hâm mộ, nơi nơi hướng về.

ix Các chư hầu chở che một dạ,

Sẽ khiến cho thiên hạ sợ uy.[18]

I Tu thân dạ chẳng suy vi,

Gương lòng vằng vặc quang huy rỡ ràng.

Trang nghiêng mũ áo đường hoàng,

Những điều dang dở chẳng làm chẳng nghe.

II Muốn khuyến hiền hãy chê nịnh hót,

Hãy tránh xa sắc tốt lả lơi.

Khinh tài trọng nghĩa không ngơi,

Treo gương hiền đức cho đời soi chung.

III Khiến dân chúng thêm lòng hiếu thảo,

Ta tỏ tình thảo lảo kính nhường,

Lợi danh chẳng tiếc họ hàng,

Những bề yêu ghét, ta thường chiều theo.

IV Để đại thần dễ điều hành sự,

Ta bổ sung tá sứ dưới trên.

V Trước sau trung tín một niềm,

Tăng lương để khiến nhân viên tận tình.

VI Muốn bách tính kính tin một dạ,

Xâu phải thời, thuế má phải chăng.

VII Muốn cho công nghệ mở mang,

Luôn luôn theo dõi, thời thường thi đua.

Đem lúa gạo thưởng cho xứng đáng.

Là mọi nghề cố gắng ra công.

VIII Tiễn đưa người muốn ruổi rong,

Sẵn sàng đón rước kẻ mong về mình.

Người có đức, tâm thành khen ngợi,

Người vô năng cảm nỗi xót thương.

Dĩ nhiên hiền đức tứ phương,

Mến ta họ sẽ tìm đường về ta.

IX Những nước nhỏ, vận nhà nghiêng ngửa,

Ta tìm người tu sửa mối giường.

Chấn hưng những nước tan hoang,

Dẹp yên loạn lạc, dấp đường hiểm nguy.

Lễ triều sính có kỳ có hạn,

Ít của dâng, đầy đặn của cho.

Bao dung không bến không bờ,

Một lòng lân mẫn giúp cho chư hầu.

Trị thiên hạ trước sau chín mối,

Nhưng tóm thâu vào mỗi chữ thành.

Việc gì tính trước cũng linh,

Không toan tính trước âu đành dở dang.

Lời xếp trước, hoang mang khôn lẽ,

Việc tính rồi hồ dễ rối ren.

Hành vi đã sẵn chốt then,

Sẽ không vấp vướng, sẽ nên tinh thành.

Đạo làm người có rành duyên cớ,

Sẽ mênh mang muôn thuở chẳng cùng.[19]

Khi cấp dưới không tròn nhiệm vụ,

Thì cấp trên chẳng đủ tin dùng.

Dưới trên đã chẳng tin lòng,

Làm sao dân nước dám mong trị bình.

Muốn biết rõ trên tin hay ngán,

Thử xét xem bè bạn nghĩ sao.

Bạn bè đã chẳng tin nào,

Người trên khi ấy làm sao tin mình.

Muốn thấu đáo ý tình bè bạn,

Thử xét ta hiếu thuận ra sao.

Mẹ cha còn đối tầm phào,

Bạn bè khi ấy lẽ nào tin ta.

Muốn thấu đáo tình nhà tỏ rõ,

Thử xét xem ta dở hay hay.

Tâm hồn chếch mác chẳng ngay,

Làm sao thảo thuận cho đầy phận con.

Muốn thấu đáo tâm hồn tốt xấu,

Thử xét xem hiểu thấu mấy tầm.

Điều lành chưa biết biện phân,

Làm sao có thể thành thân, thành người ?[20]

Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy cũng đúng chẳng sai.

Thung dung trung đạo tháng ngày,

Ấy là vị Thánh từ ngày lọt lòng.

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co...[21]

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, quyết mang thi hành.

Đã định học chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi.

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.

Biện luận mãi, tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh;

Người làm mười lượt đã thành,

Ta làm nghìn thứ, ta ganh với người.[22]

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.

BÌNH LUẬN

Chính giả chính dã 政 者 正 也 (Làm chính trị cốt là sửa người, dạy người).[23] Cho nên muốn làm chính trị mình phải là người tài đức, rồi lại phải có những người tài đức khác cộng tác. Nhưng muốn cho mình hay, phải tu thân; muốn tu thân, phải theo đạo; mà theo đạo là cốt để trở nên hoàn thiện.

  1. Có nhân đức mới biết yêu thương mọi người, từ thân thuộc bắt dần mãi ra xa, mới biết nhận xét tài đức của người, biết trọng kính hiền tài cho hợp lý. Thương cho đúng, kính cho phải. Thế là xây nền tảng cho lễ nghi.
  2. Tu thân rất là cần yếu. Nhưng muốn tu thân, cần phải biết mình biết người, và nhất là biết Trời, vì Trời là gốc. Quên gốc thì biết ngọn vô ích.
  3. Sự hoàn thiện là nền tảng và cũng là cùng đích của cuộc đời. Có hoàn thiện mới có ngũ luân tam đức. Học để biết thế nào là hoàn thiện. Hành là để tiến dần hoàn thiện. Nhưng học với hành khó hay dễ là tùy từng hạng người. Nhưng tuy chóng chậm khó dễ có khác nhau, nhưng kết quả trước sau cũng chỉ có một.
  4. Nguyên tắc căn bản để tiến tới Trí-Nhân-Dũng là:

- Học hành. Có học trí mới mở mang.

- Gắng gỏi làm điều lành. Không làm lành sao có thể trở nên tốt được?

- Biết liêm sỉ. Có liêm sỉ mới thấy xấu hổ vì biết mình còn hèn kém, mới nỗ lực gắng công, mới có thể cải quá tự tân, cố gắng tiến bước, và như vậy nghị lực tinh thần mới dần dần tăng trưởng thêm mãi được.

  1. Nghệ thuật trị dân.

Nghệ thuật trị dân thường được Tứ Thư Ngũ Kinh đề cập. Kinh Thư có Hồng Phạm Cửu Trù. Trung Dung có Cửu Kinh.

Hồng Phạm Cửu Trù có 9 chương: (1) Ngũ hành, (2) Ngũ sự, (3) Bát chánh, (4) Ngũ kỷ, (5) Hoàng cực, (6) Tam đức, (7) Kê nghi, (8) Thứ trưng, (9) Ngũ phúc lục cực.

(1) Ngũ hành 五 行 : Đấng quân vương phải am tường vật lý, phải biết khai thác hết tài nguyên của đất nước để lo cho dân no ấm.

(2) Ngũ sự 五 事: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân:

- Dáng điệu phải nghiêm trang.

- Nói năng phải hợp lý.

- Trông nhìn phải cho sáng suốt.

- Nghe ngóng phải cho tinh tế.

- Nghĩ ngợi phải cho thấu triệt.

(3) Bát chánh 八 政 : Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân. Cương lĩnh trị dân gồm 8 mối. Trị dân tức là lo cho dân:

- No ấm.

- Sung túc, đủ tiện nghi.

- Có lễ nghi tế tự.

- Có nhà cửa đất đai.

- Có một nền giáo hóa hẳn hoi.

- Khỏi bị bọn gian ác, đạo tặc quấy nhiễu.

- Biết đường tiếp nhân xử thế.

- Được bảo vệ tính mệnh và tài sản trước nạn ngoại xâm, nhờ có binh hùng tướng mạnh.

(4) Ngũ kỷ 五 紀 : Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của:

- Năm

- Tháng

- Ngày

- Sự vận chuyển của nhật nguyệt, tinh tú.

- Lịch số.

Như vậy mới có thể dạy dân biết cách điều hòa công tác cho hợp thời hợp tiết, để được ấm no, thịnh vượng, cho trời đất người cùng hòa tấu một bản nhã ca, thanh bình thái thịnh.

(5) Hoàng Cực 皇 極: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực thay Trời trị dân. Muốn được vậy phải có đức hạnh siêu phàm thoát tục, xứng đáng làm môi giới giữa Trời và muôn dân.

(6) Tam đức 三 德 : Thuật trị dân phải dựa vào 3 đức:

- Chính trực

- Cương

- Nhu

Nói thế, tức là muốn trị dân, chính trực chưa đủ, mà còn phải biết cương, nhu, quyền biến, tùy thời.

(7) Kê nghi 稽 疑 : Đấng quân vương phải biết suy nghĩ, bàn bạc, hỏi han khi gặp trường hợp nan giải. Trước một công việc trọng đại, sẽ hội ý kiến của:

- Vua

- Khanh, sĩ, thứ dân

- Trời (bằng cách bói cỏ thi và bói rùa)

Phối kiểm lại sẽ biết thế nào là tốt, thế nào là xấu, và tìm ra đường lối đẹp đẽ nhất để xử sự.

(8) Thứ trưng 庶 徵 : Đấng quân vương phải nhân các điềm Trời mà soát xét lại đường lối cai trị của mình rằng dở hay hay. Lý do là vì đấng quân vương đúng danh hiệu, sẽ cảm ứng với đất trời và hiểu được tiếng nói thầm lặng của đất trời, qua các biến thiên của thời tiết.

(9) Ngũ phúc lục cực 五 福 六 極 : Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh nhân dân để nhận định giá trị nền cai trị của mình. Nếu sự cai trị hay, dân sẽ được ngũ phúc:

- Thọ

- Giàu

- Yên vui

- Ham chuộng nhân đức

- Chết già yên ổn

Nếu sự cai trị dở, dân sẽ lao lung, tật bệnh, tảo vong, yểu tử, khổ sở, bất lương, tật bệnh. Thế là lâm vòng lục cực:

- Chết non

- Bệnh tật

- Lo buồn

- Nghèo khổ

- Tội ác

- Yếu ớt

Kinh Thư viết: «Người xưa có lời rằng: Con người chẳng những soi bóng nước, còn phải ngắm mình trước gương dân.» [24]

NGŨ

KỶ

4

NGŨ PHÚC

9

NGŨ SỰ

2

BÁT CHÍNH

3

HOÀNG CỰC

5 - 10

KÊ NGHI

7

THỨ TRƯNG

8

NGŨ HÀNH

1

TAM ĐỨC

6

Hồng Phạm

Mục đích của nền thiên trị trong Hồng Phạm chính là để tạo cho mọi người dân một đời sống vật chất đầy đủ, một bảo đảm an ninh tối đa, một nền học vấn khả quan, một đời sống xã hội công bình trật tự, một nền giáo hóa hẳn hoi. Như vậy mọi người đều có cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện để tu luyện bản thân trở nên thánh thiện chẳng khác gì thiên tử.

Nghệ thuật trị dân của Trung Dung qui vào 9 điểm gọi là Cửu Kinh, tóm tắt qua đồ bản sau:

PHƯƠNG PHÁP THI HÀNH

CỬU KINH

KẾT QUẢ

(1) Giữ tâm hồn trong sạch, nghiêm trang, không làm bậy

Tu thân

Đạo sẽ thịnh dần

(2) Không nghe nịnh hót, tránh nữ sắc, trọng nghĩa khinh tài

Kính hiền tài

Hiền tài giúp mình đỡ sai lầm

(3) Giúp đỡ và nghe lời họ hàng

Thương yêu họ hàng

Gia tộc không ai oán

(4) Giúp họ có đủ phương tiện làm việc và đủ người phụ tá

Kính đại thần

Đại thần hết dèm pha gàng quải mình

(5) Tăng lương

Thương yêu công bộc quốc gia

Sĩ phu sẽ nỗ lực đền ơn

(6) Xâu phải thời, thuế má phải chăng

Thương lê dân như con cái

Dân chúng sẽ hài lòng

(7) Lưu ý khuyến khích thi đua, tưởng thưởng

Khuyến khích nhân tài, mở mang bá nghệ

Quốc gia sẽ sung túc hóa tài

(8) Đón rước hẳn hoi, dùng người hay, thương kẻ dở

Đón tiếp người viễn xứ

Nhân tài sẽ qui tụ về mình

(9) Giúp họ có người cai trị -giúp dẹp loạn -tiếp đãi hẳn hoi-không đòi công tiền nhiều-thưởng công

Che chở chư hầu

Thiên hạ sẽ sợ uy mình

  1. Tóm lại, cái gì biết trước, tính trước được mới hay. Đạo làm người có biết mới thực hiện được những gì cao cả, vĩ đại, mới tiến triển không cùng.
  2. Sở dĩ có sự mất lòng tin tưởng giữa các cấp, giữa bè bạn, giữa cha mẹ con cái, đều là do tâm hồn con người chếch mác dở dang. Mà tâm hồn con người chếch mác dở dang là vì họ không biết thế nào là điều thiện.
  3. Muốn trở nên hoàn thiện cần phải tốn công lao:

- Học hỏi triền miên

- Suy tư mài miệt

- Biện luận tinh tế

- Nỗ lực thực hành

- Cố gắng không ngừng

- Thất bại không nản

Nếu thực hiện được đúng như vậy thì lo gì mà không đạt được lý tưởng ước ao.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh