Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 26: Phương Pháp Giáo Dục Cho Trẻ Trong Kỷ Nguyên Mới, Lối Thoát Cho Nền Giáo Dục Hiện Hành

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 26: PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CHO TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI, LỐI THOÁT CHO NỀN GIÁO DỤC HIỆN HÀNH

Mỗi người đều mang trong mình một hoặc vài năng tài, năng khiếu đặc biệt nào đó, nhưng có lẽ không phải ai cũng tin đó là sự thật. Bởi lẽ, họ chưa khám phá ra được tài năng thật sự của mình, mà chỉ mãi luẩn quẩn trong vỏ kén, luôn mặc định mình là một người bình thường không thể bình thường hơn. Mỗi người khi còn là một đứa trẻ, có ai biết rõ được năng tài, năng khiếu của mình là gì chưa? Chính lúc này, giáo dục là chìa khóa quan trọng giúp mở cửa tiềm năng của họ. Nhiệm vụ của giáo dục là hướng dẫn, chỉ đường để giúp các em nhận ra được năng lực bên trong của mình, sau đó tạo ra môi trường tốt nhất để các em phát triển nhằm thăng hoa thành tài năng thực sự, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội.

Tuy nhiên nền giáo dục thịnh hành trong quá khứ và còn đang phổ biến đến ngày nay vẫn chưa khai phá được năng tài và hỗ trợ phát triển cho con người một cách hiệu quả nhất. Cho nên dưới đây là những ý tưởng bổ sung, để chúng ta có thể áp dụng bù lấp lỗ hổng của giáo dục hiện hành.

I. ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH

Bạn hãy thử nghĩ, những đứa trẻ hiện nay có tâm lý muốn học thật sự hay bị ép học, hoặc học chỉ vì những cám dỗ khác? Bạn muốn con mình sẽ có thái độ như thế nào với việc học? Với tâm sinh lý của trẻ, đối với một số việc bạn không thể đòi hỏi trẻ tự giác mà thích học ngay được, cần phải có tác nhân kích thích ban đầu, đại khái gọi là “Quyến rũ”. Ở giai đoạn này trẻ thường rất tò mò, nên càng ngăn cấm thực hiện một điều gì đó trẻ càng muốn thực hiện và trẻ cũng rất thích làm theo người khác đặc biệt bạn cùng lứa tuổi.

Có lẽ nắm bắt được đặc điểm tâm lý này mà chuyên gia giáo dục sớm người Nhật Bản ông Shichida đã đưa ra một phương pháp giáo dục mang tính đột phá như sau: “Khi những phụ huynh gửi trẻ đến chỗ ông để học Piano thay vì như những giáo viên bình thường khác, ông không cho các em ngay lập tức vào việc luyện tập, ông cũng không chỉ trích, đánh mắng các em không nghe lời. Được biết, những đứa trẻ này trong khoảng một tuần đầu chỉ được ngồi nhìn các bạn học trước luyện tập, ngày nào cũng vậy, đến cuối buổi ông cho về mà không được đả động gì đến Piano, mặt dù có một số em bắt đầu muốn được luyện tập. Nhưng ông vẫn cứ cho các em chờ đợi đến một lúc nào đó mà ông thấy rằng sự ham muốn và kìm nén đã lên cao thì ông mới cho tiếp xúc với những nốt nhạc đầu tiên. Kết quả là những đứa trẻ theo học Piano chỗ ông đều yêu thích, hăng say tập luyện.”

Con người thường có khuynh hướng muốn đạt được những điều bị kìm chế, bị cấm đoán, hoặc khó đạt được. Nên để nuôi dưỡng tư tưởng trong tâm trí một người, bạn nên làm cho người đó thích thú sẵn sàng chào đón điều đó. Nhà văn, nhà tiểu thuyết, diễn thuyết người Hoa Kỳ Mark Twain cũng từng nói đến đặc điểm của tâm lý học hành vi này như sau: “Điều cấm đoán có sức mê hoặc đến nỗi khiến nó hấp dẫn không tả nổi”, ông Shichida đã vận dụng rất tốt yếu tố tâm lý này vào việc đào tạo năng tài, năng khiếu cho trẻ em.

Từ khi biết được phương pháp này, tôi cũng đã linh hoạt áp dụng rất thành công đối với việc tạo niềm yêu thích cho trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời tôi đã phát triển thêm một bước mới, nền tảng phát triển của phương pháp này dựa trên nghĩa ám thị của chữ “chơi”. Mỗi người có thể lựa chọn những phương pháp khác nhau, hoặc áp dụng cùng một lúc nhiều phương pháp để hỗ trợ trẻ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Cùng với phương pháp của ông Shichida cứ mỗi lúc tôi mong muốn trẻ làm một việc, hay hình thành thói quen tốt nào đó, tôi không nói theo cách mọi người hay dùng như: “Con phải đi tập thể dục; con phải quét nhà; phải đi học; phải học tiếng anh; ăn xong phải đi vứt rác”. Mà tôi nói theo cách mà trẻ muốn nghe, như là: “Con muốn đi chơi tập thể dục không? Con muốn chơi quét nhà cùng bố không? Con muốn chơi viết chữ không? Con muốn chơi hát tiếng Anh không? Con muốn chơi vứt rác vào thùng không?”

Tại sao lại nói như vậy? Khi nghe đến từ “chơi”, nó có nghĩa là sự vui vẻ và có sức lôi cuốn đối với các em. Vì vậy phản ứng đầu tiên của trẻ chắc chắn sẽ muốn tham gia, mặc dù có thể các em chưa biết gì, nhưng nghe chơi là thích rồi vì tạo ra ám thị tích cực cho trẻ.

Giáo dục bằng yêu thương, chứ không phải bằng sự ép buộc.

II. CẢM XÚC, CHÌA KHÓA VẠN NĂNG ĐỂ DẠY TRẺ

Tôi mong muốn trẻ thích đọc sách và có tinh thần khám phá tri thức theo bạn tôi sẽ làm như thế nào? Thường tôi sẽ mang sách vở ra đọc, viết trước mặt các bé và tỏ ra thích thú với việc học của mình, lúc đó các bé tò mò lại hỏi: “Bố đang làm gì đó?”

Mua đá năng lượng:

Tôi trả lời: “Đang chơi học bài, tập viết, nhưng không cho các con chơi đâu”. Thế là các bé muốn bắt chước, mè nheo, đòi cho chơi học cùng.

Không dễ dàng để cho các bé đạt được mong muốn, tôi nói: “Phải ngồi đó chờ một lúc rồi mới chơi được hoặc phải đi lấy giùm bố ly nước.”

Tóm lại là làm khó bé một chút, sau đó mới cho bé chơi, bé vẽ rồng, rắn gì cũng được, thích tô gì thì tô, tôi không đặt nặng vấn đề phải tròn vành rõ chữ, không tìm kiếm kết quả trong hành động của bé, mà để bé thấy được niềm vui, hạnh phúc trong hành động mình làm. Nhưng thường sau không quá 1/3 nhu cầu của trẻ rồi tôi sẽ không cho chơi nữa. Đặt giới hạn cho bé để bé không được thỏa mãn quá mức và duy trì sự ham muốn cho lần sau. Cứ vậy hết lần này đến lần khác, một năm sau những đường nét nguệch ngoạc vô chủ đích nay đã trở thành những con chữ, con số, hình ảnh rõ ràng tự nhiên. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi hướng đến đã đạt được là giúp các em hình thành nên một tiềm thức tích cực đối với việc học.

Hay như khi đi học võ, tập múa, hát,… tôi thường thấy khi vào đăng ký học, ban đầu có rất rất nhiều em tham gia. Nhưng càng về sau các em càng bỏ dần và cuối cùng gần như chẳng còn em nào đủ kiên trì theo đuổi niềm yêu thích của mình. Đó là vì khi đăng ký vào học dù là trẻ 5, 10 hay 14 tuổi đều ngay lập tức đưa vào kỷ luật, bị bắt phải làm cái này, phải tập cái kia, phải nghe người này, tuân thủ quá nhiều quy định, quy tắc. Làm cho việc học trở nên máy móc, cứng nhắc, khô khan và bỏ qua cảm xúc của trẻ em, điều này là bất tự nhiên đối với các em, trong khi cảm xúc lại quyết định đến hành động, nên đứa trẻ dần mất đi động lực và hứng thú. Chính vì thế sau một thời gian ngắn khiến rất nhiều trẻ em trở nên buồn chán, ngán ngẩm với chương trình đào tạo, rèn luyện, dẫn tới từ bỏ.

Ngược lại, đó không phải là cách tiếp cận mà tôi khuyến khích mọi người làm. Một vài lần hay thậm chí một vài tháng đầu, bạn nên cho trẻ tiếp cận một cách thoải mái, vui vẻ. Để trẻ tự do vui chơi với bạn bè, học ít thôi chơi nhiều hơn, giảm nhẹ tính kỷ luật, quy tắc, quy định. Làm sao để biến mọi thứ có vẻ như thành một trò chơi, một cú đấm, đá, hay lộn nhào đều như trò chơi, đều tràn đầy cảm xúc, tạo tiềm thức tích cực cho trẻ. Như vậy, dần dần đứa trẻ sẽ biến niềm yêu thích của mình thành đam mê thực sự và khi có tình yêu vào bất kỳ việc gì, chúng mới có năng lượng, nhiệt huyết, động lực nội tại cố gắng, chủ động hành động và đưa mình vào kỷ luật được.

Anh Bảo cùng vợ rất quan tâm đến giáo dục con và cũng rất mong muốn giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Bảo có một cô cháu nhỏ 5 tuổi, con của chị, vì bé được mẹ chăm quá mức, yêu chiều không đúng cách, muốn gì được đó, ăn uống thỏa sức… (sự tổn thương của người mẹ trong quá khứ và tìm cách lấp đầy cho đứa con theo cách của mình muốn chứ không phải điều đứa trẻ cần) nên mỗi lần bé xuống ở lại nhà anh ấy là hai vợ chồng tranh thủ “đào tạo” lại bé. Khoảng 2, 3 lần như vậy khiến bé cảm thấy sốc và không được thoải mái, chuyển từ trạng thái lúc nào cũng muốn xuống nhà anh ấy chơi sang tâm lý không muốn đến nữa.

Nên tôi đã nói với anh ấy rằng: “Trước hết, hãy đón nhận bé trong tình yêu vô điều kiện, khi bé cảm nhận được tình yêu rồi mới dạy dỗ bé được”. Thế là anh ấy thay đổi cách tiếp cận, từ đó mỗi lúc bé xuống nhà anh chơi, bé được yêu thương, chăm sóc, cho đi chơi thoải mái, mà anh chị gần như không tác động gì, đôi khi còn đáp ứng một vài đòi hỏi “có vẻ” quá đáng của bé nữa. Sau nhiều lần như thế, bé đã cảm nhận được sự an toàn, gần gũi, rồi mới dần dần hướng dẫn anh chị ấy lồng ghép những bài học vào cho bé một cách tự nhiên.

Ấn tượng ban đầu xấu, tiêu cực, buồn chán, trẻ sẽ tránh xa, không muốn lặp lại thêm nữa. Những trải nghiệm đầu tiên mang đến cho trẻ cảm xúc vui vẻ, tích cực, thú vị đứa trẻ sẽ muốn lặp lại. Bạn tiếp tục duy trì những trải nghiệm này vài tuần hoặc vài tháng để khắc sâu vào tâm trí trẻ, biến chúng thành một “thói quen tốt”, trở thành niềm yêu thích thực sự. Bài học ở đây là trong quá trình tương tác, đào tạo và rèn luyện trẻ em bạn cần ghi nhớ đặc điểm tâm lý này. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng và bạn là người có khả năng tạo ra ấn tượng đó tích cực hay tiêu cực theo chủ ý của mình. Tóm lại, hãy làm mọi thứ thật vui vẻ, giàu cảm xúc, rồi trẻ sẽ bắt chước những hình mẫu tích cực đó.

Trẻ em chúng học bằng trái tim và bộ não còn trống rỗng, nhẹ tênh, hồn nhiên, trong sáng và sáng tạo. Cho nên, hãy giáo dục đứa trẻ bằng trái tim của chúng ta, chỉ có trái tim mới kết nối được với trái tim.

III. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HIỆU QUẢ

Khi đã giúp trẻ hình thành được thói quen yêu thích trong một việc hoặc lĩnh vực nào đó thì làm sao để duy trì và phát triển nó nhằm thăng hoa trở thành một tài năng thực sự, đây là điều cần quan tâm tiếp theo.

Cho nên, có hai vấn đề chính chúng ta cần phải nhìn nhận và xem xét lại.

1. Do sự phân chia một số chức năng của não bộ, khi trẻ học chúng phải tiếp thu những cái mới nên cần dùng đến tư duy, lý luận, phân tích

Đa số các môn học thiên về bán cầu não trái hoặc do cách thức người dạy mang tính chất ràng buộc dập khuôn làm cho bán cầu não trái hoạt động tích cực, nhưng lại không đả động gì đến bán cầu não phải. Cách dạy thiên lệch về một bên, trong khi điều kiện để xử lý một thông tin cần có sự phối hợp gần như đồng thời của hai bán cầu não. Vậy nên khi được thảnh thơi, não phải đã tự tìm kiếm hoạt động cho riêng mình bằng cách tưởng tượng, kiếm chuyện nói, quay bên này lắc bên kia, khả năng tập trung ngắn hạn. Chuyện này chắc chắn không xa lạ với bất kỳ ai, nhưng chưa nhiều người thực sự hiểu được nguyên nhân xuất phát từ đây, chưa hiểu được cách hoạt động này trong tâm trí, nên đã dùng nhiều cách để cưỡng ép, thậm chí đánh đập trẻ để nghe theo sự sắp đặt của họ. Nhiều em trong đó lại bị gắn cho cái mác tiêu cực: “Đồ phá hoại, đứa lì lợm, không tập trung, bướng bỉnh”, những điều đó đang ngầm thể hiện sự bất lực của người lớn trong giáo dục con trẻ. Việc hiểu trẻ em và lựa chọn cách giáo dục phù hợp là một việc cấp thiết.

Mọi người có biết tại sao các trò chơi trong game lại khiến trẻ em ham thích, có khả năng tập trung nhiều giờ liền trong khi trong các tiết học truyền thống nhiều em lại không thể tập trung, dù chỉ trong vài phút? Ngoài sự quyến rũ cảm xúc trẻ như đã đề cập ở trên ra, khi chơi game hai bán cầu não của trẻ được phối hợp nhuần nhuyễn. Hoạt động bán cầu trái dùng để tính toán, lập luận, tư duy, giả định tình huống phản ứng, đồng thời trong lúc này bán cầu não phải lại tập trung quan sát không ngừng vào hình ảnh, âm thanh, các chuyển động trong game. Nắm bắt được đặc điểm này, một số thầy cô tiên phong đang dần thay đổi phương pháp giáo dục trong giờ học để đạt được hiệu quả hơn: “Thay vì chỉ đơn thuần dùng lý thuyết người ta đã biết kết hợp các hình ảnh trực quan, dùng ngôn ngữ cơ thể, sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt nhiều hơn, kết hợp với âm nhạc không lời, chỗ ngồi tự do, không gian hướng đến tự nhiên, chia nhỏ thời gian học, thiết kế bài giảng sao cho như một hoạt động vui chơi, kể chuyện, đóng vai, giúp các em tiếp thu một cách tự nhiên, vui vẻ, tăng thời gian ra chơi”. Tất cả những thay đổi này đã mang lại hiệu ứng tích cực, nhận được sự hợp tác chủ động từ các em, có như thế trẻ mới ham thích, tập trung và học tập tốt hơn.

Vì vậy điều kiện để hình thành nên một lớp học hiệu quả, buổi học đó cần giúp trẻ phối hợp được hai bán cầu não cùng một lúc.

2. Nên nghiêm túc xem xét lại mục tiêu cuối cùng của giáo dục và phương pháp đào tạo con người hiện nay.

Tôi quan sát thấy rằng cách mà người ta đào tạo con người, phát triển tiềm năng cho trẻ em từ trước đến nay chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, khi trẻ tham gia lớp học với nhiều điều kiện thuận lợi như cơ sở vật chất tốt, ấn tượng ban đầu tốt, có niềm yêu thích, giáo viên yêu nghề. Nhưng còn một nhân tố khác, chúng ta vẫn chưa đề cập đến đó là “phương pháp giáo dục”, đào tạo truyền thống, khép kín khiến đứa trẻ trở nên cứng nhắc, kiềm hãm sự sáng tạo, cá tính, sự phát triển cá nhân cũng như năng lực tiềm tàng trong mỗi trẻ. Phương pháp này không chỉ được dùng trong dạy văn hóa mà với những môn năng khiếu như múa, vẽ, cầu lông, bóng chuyền, võ thuật, điện tử,… cũng đã bị thâm nhập khá sâu.

Thử lấy một trường hợp cụ thể như trong việc dạy trẻ học múa, mọi động tác, nhịp điệu đã được giáo viên chuẩn bị sẵn, đã được lập trình, lên kế hoạch cụ thể. Việc của trẻ khi đến học chỉ còn duy nhất một nhiệm vụ là bắt chước, cố gắng ghi nhớ và lặp lại những gì người giáo viên đã chỉ dạy thì em đó được khen giỏi, xuất sắc. Với cách đào tạo này rất rõ ràng người ta đang chú trọng đến thành tích, kết quả, rèn luyện cho trẻ để chúng đạt được một kỹ năng nào đó, biến trẻ em thành một “công cụ” trong tương lai. Đây là cách đào tạo thịnh hành trên khắp thế giới mãi cho đến tận ngày nay chứ không riêng gì ở Việt Nam, ai cũng biết rõ không có gì lạ cả.

Bản thân tôi khi đưa ra những bất cập đó không hề có thái độ phán xét, phủ bỏ giá trị của giáo dục truyền thống. Mà hơn hết, nhìn nhận để chúng ta bù đắp lỗ hổng kịp thời, giúp đỡ trẻ em sớm ngày nào hay ngày đó. Trong một thời gian dài, tôi đã may mắn được quan sát, trải nghiệm cùng trẻ rất nhiều và phát hiện được cách đào tạo trẻ theo “phương pháp thuận tự nhiên” hiệu quả hơn nhiều.

Như hơi thở! Bản năng tự học có được trong trẻ từ khi chúng mới sinh ra, không ai dạy cả nhưng trẻ lại có thể tự học cách sử dụng năm giác quan chỉ trong vài tuần đầu tiên. Rồi chúng lại học cách kiểm soát cơ thể theo ý chí cá nhân trong vòng vài tháng như cầm, nắm, lật, trườn. Tự học một ngôn ngữ mà không thông qua một giáo trình có sẵn nào trong khoảng hai năm. Tự học, hiểu và có được nhiều cơ chế cảm xúc phức tạp không thể dạy bằng bất cứ cách nào. Tự hình thành tư duy phân tích, so sánh, tổng hợp khoa học. Bản năng tự học có được của trẻ nhờ tính tò mò. Động lực cơ bản nhất giúp nhận biết, học hỏi và khám phá thế giới, nhờ vào khả năng quan sát và bắt chước trẻ làm điều đó hoàn toàn một cách tự nhiên, không gò ép, không áp lực, không phải cố gắng, không sợ hãi, không biết chán nản và cũng không cần bất kỳ ai phải đốc thúc, dạy dỗ. Từ lúc trẻ chào đời, bản năng tự học có sẵn trong đứa trẻ như hơi thở.

Rõ ràng nhất cho bằng chứng về bản năng tự học là nếu bạn để ý trẻ có bố là võ sư thường chúng cũng rất giỏi võ. Bố mẹ chúng là kỹ sư điện tử, thợ sửa chữa máy móc thì rất có khả năng con họ cũng biết tháo ráp, có sở trường trong lĩnh vực này. Trẻ có bố mẹ chơi bóng đá thường chúng cũng khá giỏi hoặc ham thích thể thao. Chúng học được kỹ năng, hiểu điều đó thông qua môi trường chuyên môn đối với điều mà chúng thích thú.

Còn một kiểu phản ứng nữa có nhiều em ở trong môi trường chuyên môn đúng với nhu cầu, sở thích của mình nhưng lại không được bố mẹ ủng hộ, thậm chí phản đối ngăn cấm, bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, cũng như những tình huống ở trên nhưng nhiều ông bố bà mẹ vì lý do nào đó mà lại không muốn con mình theo đuổi con đường chúng yêu thích. Để tôi kể cho bạn nghe chuyện những đứa trẻ thích đá bóng. Nhiều người sợ trẻ chơi bóng té ngã gãy tay chân; chơi bóng ngoài nắng sẽ đen da; học quan trọng hơn chơi bóng; sợ lấm bẩn áo quần, vì lẽ đó nhiều người họ cấm đoán con mình chơi bóng. Nhưng những đứa trẻ đó tìm mọi cách để chơi bóng đá, chúng nói dối bố mẹ, vẽ ra đủ mọi lý do, thậm chí trốn nhà đi đá bóng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có bóng để đá, nên khi không có bóng chúng dùng bóng chuyền, bóng rổ, bóng đã thủng hoặc trái bưởi thay thế. Chúng có thể đá bóng dưới mọi thời tiết, dưới cái nắng, những trận mưa. Ở quê, chỗ chơi thì nhiều, nhưng sân đá bóng thì ít, nên những đứa trẻ thường đá bóng dưới những đám ruộng hoặc chúng sẽ tìm mảnh đất nào đó để chơi. Nhưng nhiều lần bị chủ đất đuổi đi vì như thế chúng sẽ dẫm chết hết cỏ, như vậy trâu, bò không có cỏ mà ăn. Chúng lại chạy, tìm nơi khác để đá, hay hôm sau chúng lại đến đó đá tiếp. Cảm giác như không gì ngăn cản được chúng dừng lại.

Tuy nhiên cũng có nhiều đứa trẻ sống trong môi trường chuyên môn như thế nhưng chúng lại không hề giỏi võ, thậm chí không có chút hứng thú nào cả, chúng cũng chưa bao giờ biết tháo một cái máy, hoàn toàn mù tịt về điện tử, sửa chữa máy móc, chúng cũng chưa bao giờ thích chạm đến trái bóng. Trong tình huống này có nhiều bố mẹ đã cảm thấy không hài lòng, vì sự kỳ vọng muốn con tiếp nối con đường của mình nên họ đã cố ý cưỡng ép, áp đặt trẻ theo ý mình.

Lúc này đứa trẻ sẽ phản ứng lại và kịch bản thường xảy ra hai trường hợp sau đây. Kịch bản thứ nhất, có một số trẻ kiên định (thường là những bé trai), trẻ độc lập trong đám đông, tự do thoát khỏi những khuôn mẫu tư duy, có khả năng đưa ra cái nhìn cá nhân của mình, những ý muốn áp chế bản thân và đi theo con đường mình chọn. Kịch bản thứ hai dễ thấy hơn (thường là đối với các bé gái), trước sự áp đặt, quyền lực, đứa trẻ co người lại, theo thời gian dần mất đi sự kháng cự, chúng ngoan ngoãn đi theo con đường đã được vạch sẵn.

Vì sao lại có sự khác biệt như vậy, khi mà trẻ ở trong cùng một môi trường chuyên môn (nghề nghiệp của bố mẹ) có trẻ lại phát triển tốt có trẻ lại không?

Có hai nguyên nhân dẫn đến kiểu phản ứng trên và cũng là hai quan điểm chủ đạo cần nhìn nhận lại trong cách giáo dục trẻ em. Thứ nhất, trẻ sinh ra đã muốn học, đã có đầy đủ công cụ để có thể tự học, chỉ cần có được môi trường thuận lợi là chúng có thể phát huy được. Thứ hai, bản năng tự học hay động lực muốn khám phá thế giới của trẻ chỉ phát huy tác dụng khi nó phù hợp với nhu cầu sở thích, đam mê của đứa trẻ chứ không phải của một người nào khác. Đó không phải quá trình mà bạn muốn giáo dục đứa trẻ như thế nào cũng được, hiểu theo một tầng nghĩa rộng nhất thì không có một chương trình, giáo án nào phù hợp cho tất cả các học sinh. Nói cách khác mỗi một học sinh cần có một chương trình, giáo án riêng.

Bạn không thể đi theo trẻ mãi được, bạn cũng không thể kèm cặp chúng suốt cuộc đời, hơn nữa cho dù bạn giỏi đến đâu, lời bạn nói có chứa chan tình yêu thương hay chân lý đi nữa, mà bản thân đứa trẻ không có niềm hăng say, mong muốn học thì mọi sự tác động đến từ bên ngoài đều vô nghĩa. Người thầy (nghĩa hẹp thầy cô trên bục giảng) có thể không có nhưng không thể đánh mất đi bản năng tự học của trẻ được. Vì khi các em muốn học thì tự nhiên sẽ tìm thấy nhiều ông thầy khác có thể hướng dẫn các em, đó là bạn của trẻ, thầy từ thất bại, thầy từ kinh nghiệm của bản thân các em, thầy từ sách vở, thầy từ internet,... Nếu muốn học thì đứa trẻ sẽ có động lực để tìm kiếm những điều đó.

Thời đại công nghệ 4.0 khi mà mọi thứ đều có thể chạm tay và tiếp cận đến, việc học đâu còn khó khăn như trước, sự lựa chọn duy nhất đâu phải là trường học. Vấn đề nằm ở việc đứa trẻ có muốn hay không. Khi các em muốn học cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp các em theo luật hấp dẫn, nhưng khi chúng nói không thì tất cả đều vô ích.

Vì vậy không phải như cách nhiều người hay làm với trẻ em hiện nay là dạy các em học, nói đúng hơn họ không dạy trẻ được gì đâu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục tại nhà, cũng như người giáo viên ở trường là tạo môi trường tốt nhất để bản năng tự học của trẻ làm việc.

Hãy lắng nghe những người thực sự đã phát triển bản thân nói gì về việc tự học. Cha đẻ của phương pháp bản đồ Tư duy Tony Buzan nói: “Kỹ năng tự học là kỹ năng quan trọng nhất mà một người có thể sở hữu”. Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, mà còn là nhà tư tưởng, cũng nhấn mạnh rằng: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt lõi.”

IV. ÁP DỤNG

Dựa trên những đặc điểm tâm lý như vậy tôi đã tiến hành áp dụng vào đào tạo trẻ em và được tóm tắt như sau: Cụ thể đối với trẻ em đến trước năm 14 tuổi, sau khi đã hướng các em đến những điều chúng mong muốn và yêu thích. Không như cách mà nhiều người vẫn làm, với tư cách là người thầy, người đào tạo, huấn luyện viên dạy múa cho những đứa trẻ, ban đầu khi tôi muốn hướng dẫn các em một phong cách múa nào đó như múa hiện đại, múa cổ trang, múa tự do,… tôi sẽ biểu diễn điệu múa đó trước, nhằm tạo hình mẫu cho các em tham khảo và học hỏi. Nhảy múa, hướng dẫn là việc của tôi, nhưng các em có bắt chước làm theo tôi hay không thì tôi không ép. Tôi cũng không “dạy” các em múa giống như những gì mình đã làm, mà việc tôi múa cho các em xem như một ngòi nổ để đánh thức bản năng bên trong của chúng. Thời gian đầu, tôi không hướng dẫn các em đến một loại hình múa cụ thể nào cả nên tôi cho trẻ học hỏi, tìm hiểu thêm nhiều điệu nhảy, múa và các thể loại khác nhau trên khắp thế giới. Mục đích là để không đóng khung trí não của các em lại ở một loại hình nhất định nào cả. Rồi khi nhảy, múa tôi khuyến khích mỗi em cảm nhận, thể hiện theo cách riêng của mỗi em. Cũng như việc sắp xếp đội hình, cách tổ chức múa, tôi đều để tự các em dàn dựng, tổ chức tôi ở ngoài chỉ hỗ trợ và giúp đỡ khi các em cần.

Tôi cho rằng giáo dục là khơi dậy những giá trị đã sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ và lồng ghép chúng thông qua các hoạt động để trẻ có thể tiếp nhận một cách tự nhiên, thỏa mái. Thông qua sự hiểu biết và linh hoạt của người hướng dẫn chứ không phải là sự cứng nhắc, khắt khe, khó chịu hay là đưa từ bên ngoài vào và quá trình giáo dục thuận tự nhiên này có được kết quả như sau.

Bài học thứ nhất, sau một thời gian đào tạo theo cách này tôi thấy rằng mặc dù không ép buộc hay bắt trẻ học theo điệu nhảy vũ đạo của mình, nhưng khi có nhạc lên, trong điệu múa của các em, lại có những điệu nhảy điệu múa mà các em đã từng thấy. Đồng thời trong lúc tập múa với nhau, các em lại quan sát những bạn xung quanh và lại học hỏi thêm được nhiều động tác mới.

Ý nghĩa cao nhất đối với giáo dục đào tạo, khi có hứng thú với một việc nào đó chỉ cần có môi trường phù hợp trẻ sẽ tự có nhu cầu học hỏi mà không cần ép buộc hay gò bó trẻ, với bản năng tự học sẵn có trong người, đứa trẻ sẽ lo những việc còn lại. Vậy nên bạn hãy tinh tế khi muốn dạy trẻ bất cứ điều gì. Với cách tiếp cận này việc của bạn là tạo ra môi trường phù hợp và xứng đáng cho trẻ phát triển.

Bài học thứ hai, vì tôi không biên đạo ra một hệ thống múa để các em làm theo, mà luôn hướng suy nghĩ cho các em rằng hãy múa theo cách riêng, theo ý chí cá nhân, theo tiếng nói bên trong của mình. Nên chỉ một bản nhạc, một âm hưởng nhưng 100 em bé là 100 điệu múa và 100 cách cảm nhận khác nhau, thể hiện riêng cá tính, bản sắc của mỗi em. Hơn nữa tôi luôn động viên, các em hãy tạo thêm thật nhiều động tác mới và khen ngợi quá trình các em phát minh ra động tác mới, nên có cả một bầu trời sáng tạo.

Khác với cách truyền thống làm triệt tiêu sự sáng tạo, khi 100 em có cá tính, cảm nhận, tâm hồn khác nhau lại hành động giống y như nhau. Đồng thời vì được cho xem rất nhiều các kiểu múa khác nhau từ nhiều người, nhiều quốc gia, sau đó các em được tự do chọn lựa, được mình múa theo phong cách hay thể loại múa nào phù hợp nhất với bản thân. Rồi tự cảm nhận, lắng đọng, tích hợp thành phong cách riêng của mình nên các em đều có cách thể hiện theo cách không ai giống ai.

Phải chăng đó là những gì đã diễn ra với Lý Tiểu Long, người sáng lập võ phái chiến đấu thực dụng Triệt Quyền Đạo, cũng là ngôi sao điện ảnh và là thần tượng của hàng triệu con người của những năm 70 của thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XXI lại xuất hiện DK Yoo, một chuyên gia võ thuật người Hàn Quốc, cũng có những đặc điểm tương tự. Điều đáng nói ở đây không phải là võ thuật họ giỏi đến mức nào, mà là phong cách võ thuật của họ mang đậm chất cá nhân. Để hình thành nên phong cách võ thuật mang thương hiệu rất riêng, hai con người tiêu biểu đó có một thứ rất giống nhau, mà từ đấy ta có thể rút ra bài học cho việc đào tạo, rèn luyện trẻ em. Đó chính là họ được học nhiều môn võ khác nhau, đồng thời tư duy của họ không bị giam cầm bởi những gì mình đã học. Họ tích hợp được nhiều thứ vào trong võ thuật, tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau, rồi lắng đọng tất cả những thứ mình học được và cho ra thứ mới mẻ theo cảm nhận riêng của mình. Một đứa trẻ cũng nên được giáo dục và đào tạo theo chiều hướng như thế.

Trong môi trường khi mọi đứa trẻ được tự do, trẻ sẽ tìm cách sống và học hỏi sao cho phù hợp nhất với bản thân, thông qua đó sẽ có những đóng góp khác nhau cho cộng đồng. Đứa trẻ cần được phát triển toàn diện trước khi bị nhào nặn trong khuôn khổ chật hẹp và cứng nhắc của tiến trình chuyên môn hóa. Đứa trẻ sau này có thể trở thành một quan chức, thương nhân, nhà khoa học, nhà binh, tu sĩ… nhưng không hình ảnh nào trong số đó được phép trở thành mục tiêu chính đáng của giáo dục cả.

Bài học thứ ba, Tiến sĩ Marian Diamond tại Trường Đại học California, ông đã từng làm một thí nghiệm nổi tiếng. Ông đặt những con chuột vào hai môi trường khác nhau với nhiều tác nhân kích thích và thiếu tác nhân kích thích. Những con chuột trong môi trường thiếu tác nhân kích thích ở trong một cái lồng rỗng tuếch cả ngày, còn những chú chuột trong môi trường giàu tác nhân kích thích rượt theo guồng cối xay, trèo lên thang, chạy điên cuồng trong mê cung cả ngày. Kết quả chỉ ra rằng: “Những chú chuột trong môi trường thiếu kích thích có bộ não phát triển hạn chế, ít giao thiệp xã hội và chết sớm. Nhóm ở trong môi trường giàu tác nhân kích thích sống lâu hơn, xây dựng thành công mạng lưới quan hệ xã hội và bộ não phát triển hơn với khả năng kết nối các tế bào thần kinh đặc biệt phát triển”. Nghiên cứu của Diamond khẳng định khả năng liên kết dưới môi trường có nhiều tác nhân kích thích là chìa khóa làm tăng năng lực trí tuệ, tạo sự kết nối và là tiền đề cho sự phát triển và sản sinh ra thiên tài.

Bài học áp dụng vào thực tiễn trong giáo dục đào tạo. Trong quá trình đào tạo trẻ em tôi chỉ hỗ trợ, tạo môi trường để cho trẻ tự thể hiện bản thân, biến những ý nghĩ trong đầu các em thành hiện thực. Tôi để cho trẻ chủ động học, thể hiện, lên kế hoạch nên mỗi buổi học lại có “một giáo viên mới đứng lớp khác nhau”, tôi dạy như không dạy gì cả. Khi trẻ được giúp đỡ để nhận thức bản thân là chủ thể hoặc người sáng tạo và khi trẻ được giúp đỡ để khám phá những điều thú vị của tìm tòi, trẻ sẽ trở nên năng động, thích thú. Nhà trường là nơi cung cấp cho trẻ em những công cụ để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Vì vậy không như phương pháp dạy truyền thống khi nhập học, trẻ muốn theo học một bộ môn nào đó, ban đầu thì rất phấn khởi, vui vẻ tham gia. Nhưng theo thời gian lại bỏ dần, không còn hứng thú, cũng như động lực duy trì tập luyện. Đó là vì cách đào tạo này làm triệt tiêu đi khát khao độc lập của đứa trẻ, đưa các em vào khuôn khổ, quy tắc, quy định, bắt phải làm cái này, không được làm cái kia, các em bị điều khiển và không được thể hiện cái bên trong mình mong muốn. Với phương pháp mới sẽ duy trì ngọn lửa yêu thích cho trẻ và là một quá trình năng động có kiến tạo.

Thực sự hiểu về giáo dục có nghĩa là: “Dạy mà không dạy.

Bài học thứ tư, các em được là chính mình, được sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, vì các em học là bởi thôi thúc nội tại. Các em học không phải vì quá khứ, cũng không phải là sự chuẩn bị cho tương lai, cũng không vì phần thưởng hay sợ bị trừng phạt, mà đó là quá trình tự nhiên, phát sinh từ bên trong. Hơn nữa, đó là tôn trọng sự khác nhau của mỗi em, phù hợp với sức lực, thể trạng của mỗi trẻ, không ai giống ai cả. Về bản chất trẻ em không thể phát triển cùng năng lực, mức độ lĩnh hội như nhau, càng không thể bắt tất cả mọi đứa trẻ trong cùng một thời điểm phải đạt được một mức năng lực nào đó.

Giáo dục là quá trình phát triển thuận tự nhiên, rằng giáo dục thực sự không phải là sự áp đặt lên đứa trẻ từ bên ngoài, mà là quá trình tăng trưởng và phát triển tự nhiên các đặc tính, năng lực từ bên trong. Giáo dục thuận tự nhiên tạo động lực cho trẻ vì tùy vào tần số rung động của mỗi em sẽ cộng hưởng với loại “âm nhạc” phù hợp. Cho nên trong cùng một bài hát nhưng mỗi em lại có một cảm nhận, khả năng hấp thụ khác nhau, do đó cũng có cách múa đặc trưng tùy vào mỗi em. Không giống như cách truyền thống, làm cho nhiều em không bung tỏa được cảm nhận bên trong của mình ra bên ngoài, lại còn lấy thành tích, kỹ năng, kết quả của các em thành một hình mẫu chung rồi mang ra so sánh, đánh giá.

Bài học thứ năm, dạy theo phương pháp mới có làm những đứa trẻ trở nên vô kỷ luật, ồn ào, hỗn loạn hay không? Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm phát triển tự nhiên của trẻ. Trẻ em rì rầm, ngọ nguậy, tươi cười, thể hiện cảm xúc rất rõ rệt - đây là những điều kiện cần thiết để chúng học tập thoải mái, vui vẻ. Chứ không phải là ngồi một chỗ, trẻ con sinh ra không phải để “ngoan” như vậy. Nhưng chính cách làm này đã biến nhà trường thành một nơi bất bình thường xa rời với cuộc sống.

Thứ hai, khi trẻ vừa mới đến với thế giới này hành động của trẻ chưa theo một trật tự, quy tắc nhất định nào, vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn, bừa bãi. Nhưng nếu để trẻ tự do, trẻ sẽ phát triển một kiểu xu hướng tự lựa chọn bản thân. Khi xu hướng này hình thành, hoạt động trí lực của trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện theo một quỹ đạo. Chỉ thông qua tự do đứa trẻ mới có thể bộc lộ khuynh hướng tự nhiên của mình ở trường, có như vậy trẻ mới biết mình làm vì cái gì và đâu là hạnh phúc.

Vì thế theo cách dạy học ở trên, không gò bó các em, thích thì các em học không thích có thể nghỉ, có thể đổi chỗ liên tục, tự do ra vào trong buổi học. Giai đoạn này trẻ được tự do quyết định mình muốn làm cái gì đó hay không, vì khi trẻ vào lớp không thể có kỷ luật ngay được, cần qua một quá trình tự nhiên không phải bị cưỡng chế, ép buộc. Khi bị áp đặt thì dù hay ho bao nhiêu cũng thành không tự nguyện. Lúc đó bạn mới biết được con trẻ thích gì và quan tâm đến vấn đề nào, ở trạng thái ban đầu này không có chỗ cho các tiết học tập thể, khi cô giáo giảng bài có thể trẻ sẽ không nghe, nói chuyện, chạy ra ngoài. Đầu tiên đứa trẻ sẽ hoạt động dựa trên những nguyện vọng của chính mình là dành cho các hoạt động vui chơi. Nhưng sau một thời gian, trẻ sẽ tìm thấy được những việc mình thích, chơi đi chơi lại một việc nào đó, chỉ tập trung gắn bó với điều ấy. Trong quá trình này trẻ học được cách quan sát, nhận ra được quy luật của nó cũng là bước đầu tiên khám phá ra được điều gì đó mới mẻ cho bản thân. Tiếp theo trẻ sẽ bước vào trạng thái “làm việc”, và cuối cùng là có được kỷ luật.

Cái gốc của trồng người chính là giáo dục. Vạn nghề trong thiên hạ cũng từ giáo dục mà ra, từ quan đến ăn mày đều là kết quả của hệ thống giáo dục.

V. TÂM THỨC NGƯỜI GIÁO VIÊN CẦN HƯỚNG ĐẾN

Nhiệm vụ của người thầy ở đây nuôi dưỡng tính độc lập thông qua sự hiểu biết các giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, xa dần sự ảnh hưởng của người thầy, thăng hoa bản năng tự học của trẻ. Người thầy cung cấp môi trường thuận lợi học tập cho học trò, nhưng không can thiệp vào quá trình nhận thức của trẻ. Người thầy cần từ bỏ khái niệm tin và chịu trách nhiệm cho trẻ học được một điều gì đó nhất định vào một thời điểm cụ thể. Mà việc học của trẻ còn phụ thuộc vào quá trình tự nhận thức của mỗi em, đó cũng là định hướng của giáo dục thuận tự nhiên. Bởi vì, còn giữ lối suy nghĩ như vậy thì họ tiến bộ đến đâu chăng nữa, họ vẫn phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế, ép buộc, gian lận, gây áp lực để khiến trẻ làm được điều họ mong muốn. Thay đổi được cách suy nghĩ và giảng dạy, lối học chay, tình trạng quá tải, thì tâm lý lo sợ sự trừng phạt từ phía người thầy nếu như trẻ không lĩnh hội đủ khối lượng kiến thức nào đó vào một thời điểm nhất định và không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của người thầy sẽ không còn nữa, trả lại được cho trẻ niềm vui, hạnh phúc khi đến trường.

Ở đây không can thiệp không có nghĩa là gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của người thầy, có điều việc ảnh hưởng ấy giống như hỗ trợ, mà ở đó trò được đóng vai trò chủ động và thầy cũng là một người học. Tất nhiên, không có hệ thống giáo dục nào mà không có những hình thức này hay hình thức kia gây áp lực lên cá nhân. Có điều phương pháp sư phạm cần cố gắng giảm thiểu áp lực ấy, tăng cường sự kết hợp lợi ích cá nhân với yêu cầu cần có của đào tạo.

Giáo dục đi theo tâm thức người thầy, nhưng kết quả giáo dục đi theo sự phát triển của trẻ em.

Phương pháp dạy học truyền thống được duy trì qua nhiều thế hệ lấy hoạt động của người thầy làm trung tâm, người thuyết trình, diễn giảng, là “kho tri thức” sống, học sinh là người nghe, nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo. Thầy là chủ thể, tâm điểm, học sinh là khách thể, phương pháp giảng dạy này không còn phù hợp, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay. Bởi vì trong một thế giới như hiện tại, trẻ không cần thầy nhồi nhét cho chúng thêm thông tin, bọn trẻ hiện nay đã được nhận quá nhiều thông tin từ thế giới qua nhiều phương tiện cung cấp như sách, báo, internet,... Thay vào đó, cái chúng cần là khả năng phân loại, sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng, và trên hết là có thể kết nối những mẫu thông tin rời rạc thành một bức tranh rõ ràng hơn phản ánh về thế giới. Để từ đó trẻ có được nguồn thông tin chất lượng, kết hợp với bộ óc sáng tạo tuyệt vời sẽ cho ra đời những kiến thức tiến bộ hơn trong tương lai. Chúng ta muốn con mình dành cả đời để tiếp thu thật thứ đã có, hay muốn nó tìm kiếm và tạo ra những giá trị mang ý nghĩa thật sự? Suy cho cùng, kiến thức cũng chỉ là điều kiện cần của cuộc sống, chỉ thật sự có giá trị nếu giúp ích được cho con người. Đừng làm nô lệ của kiến thức.

Giáo dục hiệu quả nên là quá trình giáo dục đa phương, chứ không phải chỉ tác động đơn phương lên trí tuệ của đứa trẻ. Là quá trình hoạt động tích cực, chứ không phải thụ động tiêu hóa những kiến thức mà người ta thông tin tới nó. Đó là một kiểu nhà trường mới không phải như nơi ban phát chân lý và yêu cầu học thuộc, thấm nhuần, mà là môi trường mở về tri thức, tự do tư tưởng, nơi cả thầy và trò, cũng như trò và trò cùng học hỏi lẫn nhau, cùng trao đổi, phản biện.

Về bản chất, không có sự giáo dục nào cao hơn là tự giáo dục, dù ở cấp độ nào đi nữa.

Ngôi trường như vậy sẽ không xuất hiện những hình ảnh trước đây, hình ảnh người thầy tự cho mình hoặc đứng ở vị trí đầy uy quyền và đòi hỏi sự kính trọng từ phía học trò. Mọi sự kính trọng chân thành xuất phát từ nội tâm chứ không phải sự lặp đi lặp lại của nghi thức hay tuân theo một kỷ luật nhất định, đó chỉ là hình thức, lễ nghi bên ngoài, chỉ là sự dối trá, hình thành nên thói đạo đức giả xuất phát từ sự sợ hãi, ràng buộc. Con người không ai thích điều làm họ sợ hãi, nên giáo dục dựa trên căn bản của quyền uy, đe dọa không bao giờ là sự giáo dục chân chính. Một người thầy theo đúng nghĩa không phải người có nhiều kiến thức hay ăn nói lưu loát, mà nên là người bạn đồng hành cùng trẻ. Dìu dắt các em với sự tôn trọng xuất phát từ hai phía, chứ không phải dựa vào một uy quyền nào đó để áp chế nó.

Một người thầy giỏi cần biết đặt mình vào địa vị của đứa trẻ để cùng phát triển, học hỏi, thấu hiểu, đi sâu vào những vấn đề khó khăn của nó, nhìn ngắm mọi việc xuyên qua lăng kính của trẻ và toàn tâm hiến mình cho giáo dục đứa trẻ ấy. Nếu vị thầy không tiếp xúc mật thiết với trẻ như thế, thì mọi sự dạy bảo chỉ là sự hời hợt bên ngoài. Một sự lặp đi lặp lại những kiến thức chết, rồi để mặc cho những đứa trẻ loay hoay với khó khăn, sợ hãi, bất ổn, từ đó tạo nên những hố sâu ngăn cách chúng ta với nhau.

Trẻ em không cần người thầy, cô phải có học vị nhiều, bằng cấp cao. Điều chúng cần ở người thầy, cô là một trái tim chan chứa tình yêu thương.

Hoàng Yến

VI. LỐI TƯ DUY HOÀN TOÀN MỚI, BÀI TOÁN KHÓ CHO NGƯỜI KIẾN TẠO TƯƠNG LAI TRẺ NHỎ

Trong vài thế kỷ trở lại đây tư duy con người đã thay đổi đáng kể, cột mốc cho sự nở rộ về tư duy bắt đầu rõ ràng từ thời Phục Hưng. Một xu hướng của tư duy này là chẻ nhỏ, phân tích, làm con người ta càng thích đào sâu vào chi tiết. Nhưng điểm hạn chế dễ thấy ở đây là nó không vận ý chí tổng hợp để thấy được ý nghĩa cao hơn bao trùm chi tiết, khiến cho tư duy tự đóng khung chính nó. Chính vì lối tư duy chẻ nhỏ, vụn vặt đó đã khiến đời sống con người bị phân tách ra thành nhiều mảnh, mỗi người chọn một mảnh để sống và chỉ nhìn thấy cái mảnh ghép chật hẹp mà mình đang ở, nó cũng trực tiếp góp phần vào việc tách biệt và phát triển đa dạng các ngành nghề như bây giờ. Tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân trực tiếp cho sự vỡ vụn, chia rẻ xã hội và các vấn đề toàn cầu như hiện nay.

Nhưng còn có một xu hướng khác đối lập của tư duy đó là sự hòa hợp. Khả năng kết nối các thứ rời rạc để nhìn thấy tổng thể các chi tiết, đưa đến cái nhìn rõ hơn về toàn cảnh, qua cái nhìn toàn cảnh đó mới lại thấy được ý nghĩa chân thực của từng chi tiết. Nhưng vì không thấy cái tổng quan bao trùm mọi thứ, nên cách phổ biến hiện nay là người ta có thể nghĩ ra để muốn giỏi nhiều thứ là “nhồi nhét”, nhưng tất nhiên cũng thất bại. Giáo dục con người phải đi từ cái tổng thể trước rồi mới đến cái chi tiết và trong lúc dạy, chia nhỏ những chi tiết (các bộ, môn, chuyên ngành khác nhau), đều cố gắng một cách ngụ ý hay cố tình hướng đến cái tổng thể.

Điều này đòi hỏi ở năng lực người dạy rất nhiều mà trước hết là người giáo viên phải thực sự hiểu tư duy đúng đắn là một sự kết nối và hòa hợp. Vì thế khi người giáo viên dạy các thế giới quan khác nhau, với tâm thế là đặt nền tảng cho tư duy tự do sau này của trẻ, thì bản thân người giáo viên đó phải thấy sâu sắc được kết nối, sự hòa hợp tất cả các thế giới quan với nhau. Khi đã nắm được sợi chỉ liên kết các thế giới quan, các hệ phái tư tưởng, thì họ sẽ tự biết cách dạy cho trẻ về các tư tưởng đó thế nào. Ánh sáng, sự sống của sự hòa hợp tổng thể, cái mà đem lại ý nghĩa tồn tại của mỗi thế giới quan riêng rẽ, sẽ toát lên trong việc dạy các hệ tư tưởng rời rạc. Trẻ sẽ khắc ghi những kiến thức này một cách có ý thức hoặc tiềm thức mà sau này sẽ thực sự thấu hiểu khi trưởng thành.

Còn nếu người giáo viên không hiểu được sự hòa hợp đứng cao hơn và kết nối các tư tưởng rời rạc, thì mặc dù tưởng rằng đang dạy trẻ tự do, nhưng sự tự do đó sau này sẽ thiếu vắng sự hòa hợp. Một tư duy mà không biết hòa hợp là một tư duy sẽ tự đóng khung chính nó hay tự giới hạn chính mình, chỉ biết tự do trong cái khung đó và tưởng là nó có tự do, như một con cá quẫy vùng trong cái hồ, hay vũng nước mà cứ nghĩ đó là cả thế giới.

Sự hòa hợp, khả năng kết nối các thứ rời rạc để nhìn thấy tổng thể, chính là thứ đưa tư duy vượt qua mọi giới hạn hiện tại của chính nó, vì thế khả năng hòa hợp là thứ đem lại tự do cho tư duy. Một tư duy như thế cao hơn mọi thế giới quan, nó sử dụng một cách linh hoạt trong các trường hợp cụ thể. Muốn cho trẻ nền tảng của tư duy tự do thì tư duy người giáo dục phải tự do trước. Khi sự thay đổi diễn ra trong từng cá nhân, thì đó cũng là chìa khóa thay đổi cả một hệ thống.

Tóm lại, nhiệm vụ của giáo dục từ nay sẽ hướng đến việc đào tạo ra những con người đa tài, phát triển đa dạng trí thông minh thay vì một vài trí thông minh như hiện nay, phát triển toàn diện hơn và trở thành một chuyên gia chuyên ngành hẹp thuần túy, làm cái gì cũng sẵn sàng, có thể chưa cần giỏi nhưng có khả năng học nhanh khi cần. Để được như vậy thì việc học phải xuất phát từ cái tổng quan, một nền giáo dục như thế, quan trọng nhất, phải giúp đào tạo một tư duy linh hoạt tự do, độc lập đầy ý chí, biết phân tích cũng như tổng hợp, biết đi vào cái chi tiết, bộ môn, chuyên ngành cụ thể, cũng như nhìn thấu vào tổng quan, các chuyên ngành, bộ môn có liên quan bên ngoài. Với tư duy như thế mới thích ứng được trước những thay đổi trong thời đại ngày nay, thời đại mà không có dự đoán nào về tương lai là chắc chắn cả. Con người ra đời sẵn sàng làm bất cứ thứ gì mà thời thế cần trong hành trình đi tìm ý nghĩa của sự tồn tại của chính mình và thế giới.

Giáo dục là cái cuối cùng mà nhân loại nên quan tâm, cũng là cái đầu tiên.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh