Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 5: Phương Pháp Xử Lý Khóc, Mè Nheo Hiệu Quả

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 5: PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ KHÓC, MÈ NHEO HIỆU QUẢ

Não bộ trẻ con có khả năng học hỏi không ngừng, chúng tự đưa ra giả định, thực hiện nhằm kiểm chứng giả định. Đó là một trong những cách trẻ khám phá thế giới. Cũng như vậy, những đứa trẻ hay mè nheo hoặc thường xuyên dùng ngôn ngữ khóc một cách có chủ đích, lặp đi lặp lại điều nào đó thường làm, rất có thể đó là cách chúng khám phá thế giới xung quanh, chạm đến tận cùng giới hạn của tình huống chỉ để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ, được yêu thương, là những nhu cầu tối thiểu cần được đáp ứng và thỏa mãn đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Tương tự như vậy, có một nhu cầu khác cũng quan trọng và cấp thiết không kém mà trẻ cũng muốn bạn hiểu, xử lý một cách phù hợp đó là khi trẻ khóc, mè nheo.

I. CÁCH XỬ LÝ TRẺ KHÓC, MÈ NHEO VÌ BỊ TỔN THƯƠNG

Có thể phân biệt tiếng khóc, sự mè nheo của trẻ ra làm hai loại, tùy vào mỗi loại, mỗi tình huống, thời gian, không gian, mà bạn có thể linh hoạt biến hóa xử lý sao cho hiệu quả.

Đầu tiên tiếng khóc, sự mè nheo của trẻ có thể xuất phát từ một sự trải nghiệm tồi tệ nào đó, những gì trẻ đang phải đấu tranh, lo lắng, hoang mang, sợ hãi, muốn nói, thể hiện cho bạn hiểu. Nhưng vì một số nguyên nhân nào đó như ngôn ngữ của trẻ chưa có thể biểu đạt được thông điệp mình muốn nói, mất bình tĩnh, cảm xúc bị kích động không thể nói nên lời, những lúc như vậy trẻ sẽ òa lên khóc, mè nheo.

Chẳng hạn, những tình huống sau đây có thể khiến trẻ rơi vào những tâm trạng như trên: Trẻ gặp người lạ, chứng kiến một chuyện tồi tệ, đến một địa điểm hoàn toàn xa lạ, nơi đông người, nhìn thấy hay cảm nhận một điều gì đó bất thường, cơ thể có gì không ổn hoặc do nhu cầu được yêu thương, sự quan tâm từ phía bố mẹ không đáp ứng đủ. Những lúc thế này, bạn đừng bao giờ phớt lờ trẻ. Hãy dùng con tim của người mẹ âu yếm và dùng lý trí của người bố để hiểu được những gì trẻ đang muốn nói, trải qua, muốn biểu đạt. Tìm hiểu nguyên nhân làm sao trẻ lại như thế, hay đơn giản là lắng nghe, ở bên trẻ, thấu hiểu những cảm xúc của các em.

Câu chuyện sau đây là một trường hợp cụ thể. Một hôm, có người mẹ dẫn đứa con nhỏ vào siêu thị mua sắm. Nhưng khi bước chân đến nơi, đứa bé bỗng dưng khóc ngất lên, không chịu đi tiếp, dù dỗ dành, an ủi bao nhiêu đi nữa cũng không làm cho đứa trẻ nín khóc. Đến lúc này người mẹ dần mất kiểm soát và thực sự chịu hết nổi đứa con ương ngạnh khó bảo và chuẩn bị nạt nộ đứa bé bằng những câu nói nặng nề, đanh thép. Nhưng khi ngồi xuống, bằng với tầm nhìn của con, người mẹ trẻ mới hiểu ra trong mắt đứa con ba tuổi của mình thì ra thế giới trong siêu thị. Thứ bé nhìn được chỉ toàn là những “đôi chân biết đi” và đó là nguyên nhân gây ra sự sợ hãi của bé.

Lúc bạn rơi vào những hoàn cảnh như người mẹ ở trên, trước khi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra bạn cần bên cạnh vỗ về. Tìm hiểu nguyên nhân và khi đã hiểu được vấn đề thì cần khẳng định cảm xúc: “Con cảm thấy sợ, bất an lắm phải không vì nhìn thấy đâu đâu cũng là những đôi chân biết đi”. Sau đó tìm cách giúp trẻ thoát ra khỏi vấn đề, có thể là đưa trẻ ra khỏi siêu thị, bế trẻ lên hoặc tìm cho trẻ chiếc xe đẩy.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Làm được như vậy trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm yêu thương của bố mẹ, cảm thấy an toàn, phát triển cảm xúc, tâm sinh lý lành mạnh. Ngược lại, không hiểu trẻ đang xảy ra chuyện gì hoặc phủ định cảm xúc của các em, những lúc này trẻ sẽ bị tổn thương tâm hồn. Lớn lên sẽ cảm thấy mất an toàn với thế giới mà mình sống, mất niềm tin vào gia đình cũng như xã hội, dễ có những hành vi ứng xử bạo lực trong tương lai.

II. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ TRẺ KHÓC, MÈ NHEO CÓ CHỦ ĐÍCH

Thứ hai, trẻ khóc, mè nheo lặp đi lặp lại điều gì đó một cách thường xuyên, đó cũng là một trong những cách khám phá thế giới xung quanh, chạm đến tận cùng giới hạn của tình huống chỉ để xem chuyện gì xảy ra. Như thế trẻ sẽ mau chóng hiểu được một điều gì đó và tìm ra được quy luật cho riêng mình, hoặc đơn giản là do chúng chưa biết cách phản ứng đối với vấn đề sao cho đúng.

Lúc này, tùy vào khả năng, sự hiểu biết, hoàn cảnh, mà bạn có thể quan sát nhận thấy rằng tiếng khóc của trẻ khác nhau. Thay vì tiếng khóc nghẹn ngào, thất thanh, khóc trong hốt hoảng thì trẻ lại cố gắng gào khóc, khóc chủ đích, tiếng khóc lúc trầm lúc bổng rất có nhịp điệu. Thay vì ánh mắt cầu cứu, chúng lại có ánh mắt quan sát để dò xét phản ứng của bạn. Thường những lần như thế rất có thể là do trẻ đòi hỏi, mong muốn, hay đòi hỏi một thứ nào đó mà bạn không đáp ứng, không thỏa mãn được trẻ. Như đòi ăn bánh trước bữa cơm, vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, đòi mẹ bế dù mẹ đang rất mệt, đòi mua đồ chơi dù rằng đồ chơi ở nhà vẫn nhiều, thế là chúng sẽ gào lên khóc, mè nheo.

Để xử lý tình huống khóc, mè nheo có chủ đích, trước hết bạn hiểu được nguồn gốc ngôn ngữ khóc, mè nheo xuất phát từ đâu và ý nghĩa của nó, từ đó mới biết cách khắc phục để xử lý thỏa đáng được.

Mua đá năng lượng:

Thực ra ban đầu tiếng khóc, sự mè nheo để đòi hỏi một điều gì đó là hợp lý. Có lẽ điều này là do khi em bé còn nhỏ, bé rất nhạy cảm. Bé có khả năng biết rằng âm thanh của bước chân là sẽ có sữa, có mền đắp lên và bé nằm trông chờ những âm thanh, những giọt sữa. Rồi bé cũng biết làm thế nào để có một ít quyền lực, bắt người ta phục vụ và làm cách nào để có được thứ mình muốn, khi mình cần ăn, lúc ốm cần người chăm sóc, khi lạnh cần người đắp mền, lúc sợ cần người kề bên. Bé khóc, la, ré, đạp, tất cả đều là chiến thuật của bé, và đó cũng là những ngôn ngữ mà bé có thể nói được lúc đó.

Bé làm như vậy từ hồi nhỏ nên khi lớn lên nó cũng tiếp tục làm như vậy. Bé lẫy, hờn, khóc lóc với người kia để đòi hỏi, mong muốn được đáp ứng nhu cầu của mình. Đó chẳng qua là sự tiếp nối với ngày xưa, khi mà khả năng biểu đạt còn nhiều hạn chế. Nhưng giờ bé đã biết nói, khả năng biểu đạt tốt hơn, bé cần học ngôn ngữ ở cấp độ cao hơn. Những gì ngày xưa là hợp lý, chấp nhận được, nay không còn hợp lý nữa, cần thay đổi theo cách thức tiếp cận mới. Nên lúc trẻ khóc hay mè nheo nhằm thỏa mãn nhu cầu, ham muốn của mình không phải là lúc bạn tức giận, la mắng, chê cười, khiển trách trẻ, mà là cơ hội để cho bạn dạy trẻ về bài học mới chất lượng hơn để chúng trưởng thành.

Cho nên nếu trẻ khóc, mè nheo để đòi hỏi một điều gì đó dù có hợp lý đi nữa bạn cũng không nên đáp ứng ngay, mà cần chuyển qua ba không thỏa mãn để giúp trẻ có được điều mình muốn một cách đúng đắn. Còn nếu chỉ là những đòi hỏi quá mức, ham muốn quá đáng, không phù hợp với tình huống hiện tại thì nhất quyết từ chối. Dưới đây là một vài gợi ý để xử lý trẻ khóc, mè nheo khi chúng đòi hỏi, mong muốn đáp ứng một nhu cầu nào đó mà không được bạn thỏa mãn ngay.

1. Đánh lạc hướng

Dựa vào đặc điểm tâm lý khi còn nhỏ, bé lúc này chưa định hình được khái niệm tồn tại vĩnh viễn của một vật thể, một trạng thái vật thể chỉ tồn tại khi em nhìn thấy vật thể ấy. Trẻ em vào thời điểm này chưa có khả năng nhớ và như thế một vật thể được lấy ra khỏi tầm mắt của bé, giá trị tồn tại của vật ấy sẽ biến mất. Nên đánh lạc hướng là một trong những giải pháp hữu hiệu, đặc biệt hiệu quả đối với trẻ từ 0 đến 4 tuổi.

Cụ thể, trong lúc đi chơi trẻ một mực đòi ăn kem, nhưng bạn không muốn đáp ứng, rồi những dấu hiệu của ngôn ngữ khóc, mè nheo bắt đầu xuất hiện và liên tục bùng phát. Ngay lúc đó hoặc ngay trước đó hãy đánh lạc hướng con bạn vào một sự vật, sự việc nào đó mà có thể gây được quan tâm, chú ý của đứa trẻ - trong tầm mắt nhưng ngoài tầm tay: “Con thấy chiếc xe đó lớn không? Con nhìn xem nó có bao nhiêu cái bánh”; hay là “Âm thanh đó từ đâu vậy? Chúng ta cùng đi tìm nào”. Đồng thời, đưa trẻ ra khỏi nơi bán kem và đừng nhắc đến một câu nào có liên quan đến từ kem nữa.

Giải pháp này nếu bạn biết cách ứng dụng khéo léo, sẽ đặc biệt có tác dụng. Vì lúc này giải thích, phân tích đúng sai, nói lý lẽ với một đứa trẻ dưới 4 tuổi không khả thi và gây ra sự khó hiểu nhất định trong nhận thức các em. Trong khi các em vẫn bị tác động mạnh mẽ bởi những phản ứng bản năng của não bò sát, bị cảm xúc chi phối. Đánh lạc hướng giải pháp hữu hiệu, có thể làm hạn chế được đáng kể nguy cơ khóc, mè nheo không cần thiết của trẻ.

Tuy nhiên, nhằm giải quyết tận gốc của vấn đề bạn cần đi thẳng vào việc xử lý khóc, mè nheo, để bạn thực sự là người làm chủ được tình hình, chứ không phải mãi trốn tránh vấn đề. Cho nên, chúng ta sẽ đi vào phương pháp xử lý thứ hai ở mức độ cao hơn, khó hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.

2. Đối mặt với vấn đề

Mỗi đứa trẻ ở những vùng miền, quốc gia, châu lục sẽ có đặc tính, tính cách, nhận thức khác nhau, nhưng chung quy lại việc khóc, mè nheo đều cũng có nét tương đồng. Bởi vậy, chỉ cần nắm chắc được cái sườn mà tôi gợi ý dưới đây, bạn có thể tự tin xử lý hiệu quả mọi tình huống khóc, mè nheo.

  • Thứ nhất, khi trẻ đòi hỏi, mong cầu một điều gì đó mà không được đáp ứng đứa trẻ sẽ khóc, mè nheo. Đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên và dù trẻ khóc, mè nheo có lý hay vô lý, trước hết hãy khẳng định niềm mong muốn, cảm xúc của trẻ: “Con rất thích con búp bê này và muốn mẹ mua phải không?”
  • Thứ hai, nói lên cảm xúc, quan điểm của bạn: “Mẹ thấy con có vẻ rất thích con búp bê này chỉ có điều là đã có giao ước. Không mua gì thêm ngoài những thứ đã liệt kê trước đó, nên mẹ rất tiếc vì chuyện này.”
  • Thứ ba, thường trong thời gian đầu khi đòi hỏi bị từ chối, trẻ sẽ khóc, mè nheo để gây áp lực buộc bạn phải nhượng bộ. Trong tình huống đó nếu ở chỗ đông người hãy dẫn trẻ đến một nơi vắng vẻ hơn, còn ở nhà có thể tiến hành xử lý tình huống ngay và theo các bước sau đây.

Đầu tiên bạn nên đứng ở đó bên cạnh nghe trẻ khóc, mè nheo. Thường theo bản năng hoặc có chủ đích trẻ sẽ bám chân, níu áo, kéo tay bạn, thậm chí nhiều trẻ còn cố tình tỏ ra rất đau đớn, thở không được, khó chịu trong người. Tất cả cũng chỉ để gây áp lực, nhằm khiến trái tim của bạn, thường là trái tim của người mẹ dao động mà chuyển ý, đó là chiến thuật của đứa trẻ.

Nếu trẻ làm như vậy, bạn nên cương quyết tách trẻ ra khỏi người, giữ khoảng cách tối thiểu một mét để trẻ hiểu rằng bố mẹ vẫn đang quan tâm chú ý đến con, biết con đang khóc, mè nheo. Nhưng con cũng cần tôn trọng không gian của bố mẹ, như cách bố mẹ đón nhận tiếng khóc, mè nheo của con. Thái độ của bạn nên là cảm thông, yêu thương, nhẫn nại, nhưng vẫn giữ vững quan điểm.

Vì trẻ đòi một thứ gì đó mà không đạt được cũng khổ sở lắm rồi, dù đòi hỏi đó vô lý hay có lý, bạn không nên phủ nhận cảm xúc của con bằng những mẫu câu như: “Chuyện có gì đâu phải khóc?”, hoặc “Con thật vô lý, vậy mà còn khóc à”. Bạn cũng không nên ngăn cấm hay bắt con ngừng khóc.

Nếu lúc khóc, mè nheo trẻ có hành vi mút ngón tay, đưa hai tay lên sờ môi dưới hay ngậm mút một món đồ nào đó. Tuyệt đối bạn cũng không được ngăn cấm trẻ, nếu ngăn cấm việc này thì đấy là bạo hành, một dạng tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ. Việc của bạn là hãy để cho trẻ khóc, mè nheo thể hiện cảm xúc tự nhiên của các em, nhưng đừng để những cảm xúc đó làm dao động tâm mình - chuyện này rất khó. Vì lúc này tiếng khóc, sự mè nheo là một chiêu trò, hành động có chủ đích, để tác động đến bạn và thường nạn nhân là những người mẹ. Bởi người mẹ sống bằng trái tim, thiên về cảm xúc, yêu thương con bằng tình yêu tử cung nên dễ bị tác động hơn là bố, do đó các mẹ hãy chú ý nhé.

Yêu thương trẻ, không bỏ rơi, để mặc cho các em khóc đến khi nào nín thì thôi. Điều đó sẽ làm tổn thương đứa trẻ, khiến chúng đóng trái tim lại, mất đi kết nối với bố mẹ. Nhưng cũng cần rất nhẫn nại, vững tâm để đứng bên cạnh, cần giữ khoảng cách với trẻ, đủ để trẻ không chạm vào người và đủ để đứa trẻ nhận biết được sự hiện hữu của bạn. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh chờ đợi con khóc, mè nheo đến khi nào con ngừng thì thôi, đồng thời bạn có thể khẳng định lại quan điểm của mình một cách ngắn gọn: “Dù con có khóc mè nheo bao lâu đi nữa, mẹ không mua là không mua”. Nói như vậy đứa trẻ sẽ hiểu rằng, chiến thuật khóc, mè nheo để gây sức ép lên tinh thần bố mẹ không hiệu quả, chúng sẽ mau chóng dừng lại.

Ngoài ra không nên nói chuyện, giải thích, phân tích thêm bất kỳ vấn đề nào với trẻ khi các em còn đang khóc, mè nheo, tâm lý còn kích động. Nói chuyện vào những thời điểm mà tâm trạng trẻ như vậy, là việc làm không mang lại hiệu quả cho cả người lớn lẫn đứa trẻ.

Những lần đầu trẻ sẽ dùng toàn tâm, toàn lực khóc, mè nheo, nên thời gian kéo dài khoảng từ mười lăm đến ba mươi phút. Lần đầu thì lúc nào cũng vậy, luôn rất khó khăn. Nhưng nếu khóc, mè nheo một hồi lâu vẫn không thấy bố mẹ chuyển lòng, không thấy chiến thuật của mình phát huy hiệu quả, đứa trẻ sẽ nín khóc, dừng gào thét, dẫm chân, lăn lộn, mè nheo.

Sau đó đợi thêm khoảng năm đến mười phút, thậm chí lâu hơn nữa để đứa trẻ bình tĩnh, thật sự bình tĩnh, trở lại trạng thái bình thường bạn mới nói chuyện: “Con muốn đạt được điều gì đó mà cứ khóc, mè nheo thì không còn hợp lý nữa. Con sẽ có được nhưng theo một cách khác thông qua ba không thỏa mãn, cũng chính là ngôn ngữ mới con cần học và phát triển.”

Trong trường hợp trẻ khóc, mè nheo sẽ trở nên rất hỗn loạn. Nhiều người, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã khuyến khích “timeout” đối với trẻ, có nghĩa là cho trẻ đứng ở một góc nào đó, để đến khi nào trẻ bình tĩnh rồi mới nói chuyện. Tôi cũng đã từng áp dụng cách này, nhưng sau một thời gian, hiểu hơn về trẻ em, quan sát chúng nhiều hơn, tôi không còn áp dụng cũng như không ủng hộ cách thức tiếp cận này nữa.

Nếu có time-out thì người đó sẽ là tôi, người lớn chúng ta. Khi trẻ khóc, mè nheo, những lúc trẻ như vậy việc bạn nên ở cạnh trẻ, tương tác với các em, cho các em thấy sự hiện diện, nhẫn nại, khoan dung của bạn, bằng tất cả tình yêu có thể và lý trí để giải quyết vấn đề. Như vậy các em sẽ học được hành vi khuôn mẫu là dù có chuyện gì đi nữa, mọi chuyện cũng có thể giải quyết bằng lời nói, tình yêu và sự nhẫn nại. Nhưng không dễ đâu vì khi trẻ khóc, mè nheo như vậy, dù có lý hay vô lý đi nữa, theo một cách bản năng điều này khiến bạn dễ rơi vào trạng thái mất tự chủ cảm xúc. Nhưng nếu bạn làm chủ được cảm xúc của mình, giữ được sự tĩnh lặng bên trong nội tâm trước sự động loạn của con, tự chủ về cảm xúc để tương tác với trẻ, thực sự bạn phải là người có bản lĩnh mới làm được. Muốn làm chủ được cảm xúc trong lúc dễ dàng bị kích động như vậy, không có cách nào khác là bạn cần học và tu thân.

Khi trẻ khóc, mè nheo bạn cần có một cái đầu thật lạnh để có thể xử lý dứt khoát, triệt để trong sự an nhiên, tự chủ và cần một trái tim thật nóng, để có thể vô cùng yêu thương, kiên nhẫn, khoan dung với đứa trẻ. Cân bằng được hai trạng thái này, thì dù chuyện có được đẩy lên khắc nghiệt đến tột cùng, bạn cũng có thể giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn và như thế chỉ sau vài lần không hiệu quả, trẻ sẽ không còn khóc, mè nheo nữa.

Linh hoạt biến hóa, vô chiêu thắng hữu chiêu.

III. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỐ MẸ ĐỨA TRẺ XỬ LÝ KHÓC, MÈ NHEO SAI CÁCH

Nhưng ở đây có một kiểu phản ứng khác, cũng như trường hợp ở trên khi trẻ đòi mua búp bê, ban đầu người mẹ nói không đáp ứng và đứa trẻ sẽ khóc, mè nheo. Khiến người mẹ thiên về tình yêu tử cung sợ, sợ con bị tổn thương - con đau một mẹ đau mười. Người mẹ nhanh chóng chạnh lòng, xót xa rồi lại đáp ứng yêu cầu của con mặt dù trước đó đã nói “không” mà không biết rằng tất cả những gì mình đang nhìn thấy, cảm nhận chỉ là chiến thuật của đứa trẻ.

Chiến thuật của đứa trẻ thành công, chúng quá đỗi thông minh, nhạy cảm và chúng hiểu mình đã thắng. Trẻ hiểu rằng tiếng khóc và sự mè nheo của mình có sức mạnh. Sức mạnh phụ thuộc vào mức độ cường điệu hóa tiếng khóc, dậm chân, ăn vạ, mè nheo của mình tạo ra, qua một vài lần như vậy trẻ sẽ rút ra được quy luật cho bản thân: “Đòi - bị từ chối - khóc, mè nheo (dữ dội) - được đáp ứng”. Vậy là đáng lẽ ra ngôn ngữ khóc, mè nheo cần được phát triển lên một ngôn ngữ mới cao hơn, hoàn thiện hơn lại di căn thành một phiên bản khác.

Trẻ con học và hiểu tâm lý của người lớn rất nhanh. Nếu như Napoléon nói: “Tương lai của con là công trình của mẹ”, nhưng người mẹ chỉ đơn thuần nuôi con bằng tình yêu thương tử cung, bị cảm xúc chi phối, những đứa con trong vòng tay của họ lớn lên thường dễ trở thành một công trình lỗi. Nên ông bà ta ngày xưa có câu “Con hư tại mẹ”, đó là bởi vì người bố thường đi làm xa nhà, trẻ em lớn lên thường bên cạnh mẹ, chịu sự ảnh hưởng phần nhiều từ mẹ (tùy vào mỗi nhà nhưng thường là người mẹ sẽ nuôi dạy trẻ nhiều hơn). Người mẹ đứt ruột đẻ đau, vì vậy một cách tự nhiên họ có sự gắn kết thiêng liêng với con, cho nên thường có một tình thương yêu thiên kiến, bị bản năng cảm xúc chi phối nhiều. Lúc đó là sự cố chấp, quyến luyến, ràng buộc máu mủ thái quá không làm cho người mẹ tỉnh táo để nuôi dưỡng con đúng đắn nên mới nói con hư tại mẹ.

Chẳng hạn, cảm xúc tự nhiên của bất kỳ người mẹ nào cũng mong muốn con mình được sống an lành, sung sướng và thuận lợi. Nên nhiều người sẵn sàng hy sinh vì con mà làm tất cả, làm hết thảy mọi việc cho con, bao bọc con quá mức. Những đứa trẻ như thế lớn lên không biết vận động chân tay, lười nhác lao động, thiếu bản lĩnh, phụ thuộc vào sự chăm sóc, che chở của người khác. Như vậy không phải làm hư con là gì?

Cũng tình huống ở trên, nếu người mẹ biết cách nuôi dạy con, họ sẽ hiểu rằng thương con thì thương, nhưng cần để cho con lao động. Nên nhiều người đã nuốt nước mắt dạy con, cho trẻ làm cái này cái kia.

Mẹ của Lư Tô Vỹ là một trường hợp điển hình. Từ nhỏ Vỹ đã bị bệnh viêm não nhật bản khiến trí năng không tốt, bác sĩ lại bảo cậu sống không thọ, có thể chết bất cứ lúc nào. Vì vậy mà mọi người có thể hiểu mẹ cậu sẽ quan tâm, chăm sóc và thương yêu bao bọc Vỹ biết chừng nào. Ấy vậy mà khi biết được con chọn nghề làm thêm là trộn xi măng, một công việc hết sức vất vả và nặng nhọc. Trong khi đó Vỹ chỉ có 46 kg, thậm chí Vỹ cũng không tự tin để làm công việc này, nhưng mẹ Vỹ cũng không hề ngăn cản. Đến ngày thứ hai Vỹ đi làm, lúc đó dù nhận thấy Vỹ không tỉnh táo nổi, nhưng cũng được mẹ đánh thức dậy đi làm.

Sau này mẹ Vỹ mới nói rằng: “Khi đó mẹ phải nuốt nước mắt vào bên trong, chỉ muốn thay Vỹ đi làm”. Và nhờ có những ngày tháng cơ cực, được rèn luyện ít nhiều bởi công việc nặng nhọc này, mà ít lâu sau khi vào nhập ngũ trong quân đội, Vỹ đã có khả năng thích ứng tốt hơn, nhanh hơn. Mẹ của Vỹ là một trong số nhiều người phụ nữ tiêu biểu yêu con hết mực bằng tình yêu tử cung, nhưng biết dùng sự hiểu biết để thăng hoa, phát triển lên một mức độ cao hơn tình yêu thương bản năng thông thường. Chỉ có như vậy tình yêu thương của người mẹ dành cho con mới không thành mù quáng.

Hay có câu chuyện như sau, trong một đêm khuya người vợ mới đánh thức chồng, anh thức dậy, mắt nhắm mắt mở cúi xuống tìm đôi dép. Người vợ mới hối thúc chồng, bây giờ mà tìm dép gì nữa, anh chạy nhanh một chút lấy cho em cái kẹp nhiệt độ, ông chồng mới từ tốn bước đi vài bước rồi quay lại nhìn hai mẹ con và cười một cái nữa. Sáng hôm sau khi trở về từ bệnh viện người vợ mới hỏi người chồng rằng: “Em không biết anh có trái tim không nữa?”

Người chồng cười và nói: “Hiển nhiên là anh có trái tim, em hỏi gì mà kì vậy.”

Người vợ tức giận nói như muốn thét lên: “Từ tối hôm qua tới giờ em rất là bức xúc, lúc em gọi anh dậy để lấy cái kẹp nhiệt độ vì con sốt rất cao, anh lại tìm dép. Xong lại lững thững đi, rồi còn quay lại cười. Em không hiểu anh có trái tim không? Anh có thực sự thương em và con không?”

Lúc này người chồng mới nói với một giọng trang nghiêm: “Em biết không! Khi anh vừa thức dậy thì thấy con hoảng sợ, cũng chính là lúc mà em hối anh chạy nhanh đó. Vì em rất nôn nóng, làm con thêm hoảng sợ, lo lắng hơn. Anh mà chạy nhanh một chút để lấy kẹp nhiệt độ cũng chỉ có thể tiết kiệm được một đến hai phút. Nhưng anh lại đi chậm như vậy, nhìn con cười là muốn nói: “Không sao đâu con, mọi chuyện rồi cũng sẽ trôi qua.”

Lại một câu chuyện khác, mong rằng mọi người sẽ rút ra được kinh nghiệm và bài học cho riêng mình, thông qua trải nghiệm của người khác.

Khoai ba tuổi rưỡi, là một trong số đứa trẻ tiêu biểu trong thời đại mới. Cậu bé thông minh, cá tính, sáng tạo và cực kì nhiều năng lượng.

Một hôm tôi dẫn Khoai đi xem bóng đá, nhưng cậu bé lại không chịu ở yên một chỗ, hay chạy nhảy lung tung, gây nguy hiểm cho bản thân và người đá bóng, nên Hoàng Yến - mẹ Khoai nhắc nhở: “Con không được chạy vào sân”. Nhưng cậu bé không nghe, thỉnh thoảng lại chạy đi, người mẹ lại nhắc, diễn giải rất nhiều nhưng đại ý vẫn chỉ là: “Con có nghe lời mẹ không, không được chạy vào đấy. Nếu con còn làm như vậy nữa mẹ sẽ phạt con.”

Cậu bé vẫn không nghe, cứ cách khoảng vài phút lại làm theo ý mình, còn người mẹ cứ nhắc đi nhắc lại câu nói ấy đến cả chục lần vẫn không giải quyết được gì. Đôi lúc mẹ Khoai cáu, quát rồi hành động quyết liệt hơn và ôm con ra khỏi sân. Tuy nhiên cậu bé lại nằm lăn ra đất khóc, gào lên những âm thanh nghe thật chói tai. Mẹ cậu nói, giải thích nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Bởi cách xử lý của mẹ Khoai không dứt khoát, bị cảm xúc chi phối, không thống nhất giữa lời nói và hành động. Khoai nắm bắt được tâm lý đó của mẹ rất nhanh. Nên phản ứng quyết liệt, khóc, mè nheo dữ dội hơn, khiến người mẹ nao núng lại càng thêm bối rối, rồi người mẹ trẻ lại thôi, để Khoai chạy nhảy lung tung.

Thấy như vậy, tôi nói với chị: “Hôm nay chúng ta xem đến đây được rồi, giờ về thôi”. Hôm sau đi tiếp, tôi nói: “Lát nữa đến sân bóng, chị đứng sang một bên, đừng nhìn vào Khoai. Có chuyện gì xảy ra, em sẽ xử lý chị tuyệt đối không được can thiệp, chỉ đứng quan sát và học hỏi để rút ra kinh nghiệm.”

Đến sân bóng, vẫn như thói cũ cậu lao ngay vào sân, tôi cản lại, nhìn thẳng vào mắt và nói rất rõ ràng: “Con chơi ở ngoài này thì được. Không chạy vào trong, nếu con không nghe lời, bố sẽ mang con ra khỏi đây.”

Khoai gật đầu có vẻ hiểu chuyện, 30 giây sau lại lao vào sân như chưa hề có chuyện gì xảy ra (điều đó là hoàn toàn bình thường, tôi cũng biết cậu nhóc sẽ lao vào sân. Bởi vì không thể chỉ vì một lời nói mà đứa trẻ chịu nghe lời). Chỉ chờ có vậy, tôi chạy lại chỗ cậu bé, không nói gì thêm, ôm Khoai ra khỏi sân. Khoai lại khóc (điều đó bình thường và nằm trong dự đoán), lại gào lên, lăn ra đất - giống như một con cá bị bắt lên bờ, con cá vùng, nó vẫy thế nào cậu nhóc này làm y chang như vậy. Vì thế mang cậu ấy ra khỏi sân cũng là một chuyện khá khó khăn. Nhưng Khoai cũng không chịu yên, lại bất chấp lao vào trong, tôi cản lại và nhìn vào mắt cậu bé, bằng một giọng dứt khoát nhưng cũng đầy yêu thương tôi nói: “Nếu con muốn con cứ khóc, khóc đến khi nào nín bố mới nói chuyện với con. Còn giờ ở yên chỗ này”. Vậy là chưa đầy một phút khóc, mè nheo, Khoai bình tĩnh trở lại (Vì thấy tôi rất dứt khoát xử lý tình huống. Khoai biết rằng khóc, mè nheo không còn hiệu quả nữa, nên cậu nhóc nín ngay). Tôi nói tiếp: “Con sẽ được vào đó chơi, khi con hứa với bố là sẽ không chạy vào sân nữa” (tự do trong nguyên tắc).

Khoai gật đầu, tôi tiếp tục: “Con còn chạy vào sân khi chưa có sự đồng ý, bố sẽ không cho con xem nữa và mang con về nhà”. Vậy là Khoai chịu hợp tác.

Sau đó tôi tìm một quả bóng cho Khoai chơi và biết chắc chắn thế nào cậu nhóc này cũng đá vào sân, điều này sẽ gây phiền phức và nguy hiểm cho những người trong sân. Nên tôi nói: “Con không được đá bóng vào sân, nếu không bố sẽ lấy lại quả bóng.”

Khoai gật đầu có vẻ hiểu chuyện, 30 giây sau nhóc này đá bóng vào sân. Tôi chạy ra nhặt quả bóng, giữ lại một lúc để cho Khoai biết rằng tôi nói là sẽ làm, rồi nhìn thẳng đôi mắt cậu bé nói: “Bố nhắc lại một lần nữa. Con có thể giữ quả bóng này chơi, nhưng nếu còn đá vào sân, bố sẽ thu lại quả bóng” (đó là thưởng phạt trong hành vi). Vậy là cậu bé hợp tác, khoảng 30 phút sau trận đấu kết thúc, ngay lập tức tôi gọi Khoai vào và cùng nhau chơi bóng rất vui vẻ.

Sự khác nhau giữa hai cách xử lý ở trên là gì? Mẹ Khoai nói nhiều, đưa ra nhiều câu mệnh lệnh, nhưng lại không làm triệt để, còn tôi nói là làm. Đó là cách trẻ hiểu vấn đề thông qua hành động thực tiễn chứ không phải qua lời nói. Mẹ Khoai diễn giải dài dòng, phức tạp, trong khi trí não, nhận thức trẻ chưa phát triển làm trẻ cảm thấy khó hiểu. Tôi nói ngắn gọn và đơn giản, thái độ dứt khoát. Mẹ Khoai dùng hình thức thưởng phạt chưa hợp lý, mang cảm tính, mất tự chủ trong cảm xúc khi xử lý hành vi của con. Tôi áp dụng hình thức thưởng phạt trong hành vi, làm trẻ dễ dàng hiểu vấn đề. Mẹ Khoai khi xử lý việc khóc, mè nheo chỉ có yêu thương, sự mềm mỏng như vậy chưa đủ. Tôi không những có yêu thương, mềm mỏng mà còn có lý trí, uy nghiêm.

Người mẹ có vai trò thật vĩ đại với con trẻ. Bằng tình yêu thương vô hạn, chỉ cần cố gắng thay đổi tầm nhìn xa hơn một chút, họ có thể kiến tạo nên tương lai cho con. Ngược lại, họ vẫn vậy, vẫn nuôi dạy con như những gì mình đang có, họ có thể bóp chết cuộc đời con cũng bằng tình yêu thương đó.

Những câu chuyện trên cho thấy rằng người mẹ thường thiên về bản năng, bị cảm xúc chi phối, họ thường rất tình cảm, nhiều lúc mềm mỏng, nhu mì quá mức. Họ thiếu đi tầm nhìn nên dễ phạm phải sai lầm khi nuôi dạy con, chính điều này sẽ làm hư hại đứa trẻ. Do đó cần phải có sự hỗ trợ của người bố, mẹ nuôi con bằng tình yêu vô điều kiện nhưng đôi khi thiếu đi sự chính xác, bố dạy con bằng trí tuệ, mạnh mẽ, nguyên tắc, kỷ luật, nhưng lại khô khan thiếu đi sự mềm mỏng, cảm xúc của con tim.

Thiên kiến về một trong hai thái cực trên đều không tốt.

Người mẹ mang nặng đẻ đau, sự kiện con chào đời đối với người mẹ chẳng khác gì đứa trẻ là một phần thân thể tách ra của họ. Đứa con ra đời một khúc xương vô hình được hình thành để gắn kết giữa người mẹ và con, khúc xương này không giống bất kỳ khúc xương nào khác. Sự kết nối này, nếu chúng ta nghĩ về mặt khoa học thì nó giống như là hai hạt quang tử, đi theo nhau một cách vô hình.

Giữa người mẹ và đứa con cũng có sự liên kết như vậy. Tình yêu của người mẹ là sự nhịn nhục. Tình yêu của mẹ là sự dịu dàng và ấm áp. Tình yêu của mẹ cho chúng ta có động lực trong cuộc sống. Tình yêu của mẹ là sự hy sinh vô bờ bến. Tình yêu của mẹ thắp sáng ngay cả những nơi tối tăm nhất. Tình yêu của mẹ không có giới hạn.

Người mẹ nặng về cảm xúc nên thiên về yêu thương. Người bố thiên về trí tuệ, đảm nhận vai trò dạy dỗ con (nên mới có câu con dại tại cha). Khi kết hợp trái tim và trí tuệ, sẽ sinh ra tình yêu thương minh triết, một tình yêu của sự cân bằng và hòa hợp.

Vật cứng thì dễ bị bẻ gãy. Vật mềm dễ bị uốn cong. Chỉ trung dung mới là bất bại - nếu đứa trẻ chỉ được nuôi dạy bởi người mẹ thì sẽ dễ rơi vào tính ủy mị, yếu đuối, mềm mỏng thái quá mà thiếu đi sức mạnh, quyết đoán, trí tuệ, sự kiên cường. Ngược lại, trẻ chỉ được nuôi dưỡng bởi người bố sẽ trở nên khô khan, cứng nhắc, độc đoán, thiếu đi tình yêu, cảm xúc, sự nhạy cảm, khéo léo.

Đứa trẻ hạnh phúc là khi chúng sống ở gia đình được nuôi dưỡng trong tính nữ thiêng liêng của người mẹ và giáo dục bởi nam tính thánh linh của người bố. Người chồng và vợ cần chia sẻ công việc này cho nhau, chứ không nên giao phó riêng cho bên nào cả, vì điều đó làm mất cân bằng. Xã hội văn minh là lúc mà bố mẹ cùng chung sức trong việc nuôi dạy con.

Điều quan trọng cốt lõi để giáo dục thành công trước hết, bố mẹ phải cân bằng, tâm thức bản thân tốt đẹp. Bố mẹ tỉnh thức nuôi con bằng tình yêu thương vô điều kiện và dạy con trong minh triết.

Hoàng Yến

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh