Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 4: Thấu Hiểu Cảm Xúc - Bí Mật Của Hạnh Phúc

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 4: THẤU HIỂU CẢM XÚC - BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC

Chỉ số EQ1 quan trọng như thế nào?

Trong cuốn sách nổi tiếng “Trí tuệ cảm xúc”, tác giả Daniel Goeman đã giải thích đầy thuyết phục về tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc, chỉ rõ năng lực cảm xúc thậm chí còn quan trọng hơn khả năng tư duy thông thường.

Walter Scott (1771 - 1832) là nhà văn, nhà thơ, nhà kể chuyện bẩm sinh người Scotland cho rằng: “Để thành công, thái độ cũng quan trọng như kỹ năng.”

Nhà thơ William Butler Yeats người Ireland từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1923 cũng nói rằng: “Những người chỉ dựa vào giải thích mang tính logic, triết lý và lý trí, cuối cùng cũng sẽ nhận thấy mình thiếu đi phần quan trọng nhất của tâm hồn”. Ý ông ta nói đến ở đây là cảm xúc.

1 Chỉ số EQ là khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của cả bản thân lẫn mọi người, có thể tạm chia ra làm 4 cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1: Nhận biết cảm xúc của bản thân và người xung quanh.
  • Cấp độ 2: Hiểu biết, thấu cảm được nguyên nhân và hậu quả của cảm xúc đó.
  • Cấp độ 3: Tạo ra cảm xúc có khả năng diễn tả và đáp lại cảm xúc của người khác. Thông qua đó biết lắng nghe, thông cảm và chia sẻ, hiểu và đáp lại theo ngôn ngữ của đối phương, hòa hợp cảm xúc với xã hội.
  • Cấp độ 4: Quản lý và làm chủ cảm xúc. Là khả năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân, của người khác và khả năng thích nghi để thay đổi với hoàn cảnh.

Theo công thức thành công của người Do Thái là: IQ + (AQ + EQ) trong đó chỉ số thông minh chỉ chiếm có 20%, 80% còn lại được quyết định bởi chỉ số thông minh cảm xúc (viết tắt EQ) và chỉ số vượt khó. Đây chưa hẳn là công thức đúng nhất cho sự thành công, dù Do Thái là một dân tộc cực kì thông minh, nhưng nó cho thấy vai trò của chỉ số thông minh cảm xúc đối với con người.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Như vậy có thể khẳng định rằng chỉ số EQ là một trong những nhân tố thiết yếu để mang đến sự thành công, hạnh phúc, sự nhạy cảm giữa con người với con người.

Quan trọng như vậy, nhưng chỉ số này còn rất khiêm tốn ở hầu hết mọi người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bằng chứng là ngày nay bạn thấy nhiều người ở nhiều thế hệ khác nhau rất thiếu khả năng tự chủ về cảm xúc bản thân, nội tâm dễ bị xáo trộn bởi các yếu tố bên ngoài. Thiếu khả năng điều hòa cảm xúc, nhiều người không làm chủ được cảm xúc của mình, bị chi phối, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như trong công việc. Họ cũng dễ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn một cô gái có cảm giác cô đơn vì ở một mình hoặc đi học xa nhà dễ dàng tìm kiếm những mối tình, cặp kè với một vài anh chàng. Đơn giản chỉ vì mong muốn có cảm giác an toàn, tìm kiếm chỗ dựa tinh thần. Hoặc cô ấy có thể buông thả bản thân rơi vào những chuỗi ngày ăn uống vô độ, để khỏa lấp cảm xúc trống vắng một mình. Một chàng trai có thể dễ dàng tìm đến thuốc lá, chất gây nghiện, rượu bia, hay tình dục để tự an ủi bản thân khi cảm xúc của anh ta rơi vào trạng thái tiêu cực. Tệ hơn nữa, nhiều người khi tự đối mặt với sự bất ổn trong cảm xúc, họ dễ đi đến những quyết định sai lầm, thậm chí đánh đổi bằng chính mạng sống của mình chỉ vì vài phút không làm chủ được bản thân. Tóm lại, họ là người nô lệ của cảm xúc, cảm xúc chi phối mọi hành động.

Cảm xúc theo chúng ta hàng ngày, hàng giờ và mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống, nên việc điều hòa và làm chủ được cảm xúc là một trong những năng lực cá nhân, cũng là kỹ năng quan trọng cần bồi dưỡng cho trẻ. Người mà ngay cả cảm xúc của bản thân còn không thể khống chế được, làm sao khống chế được cuộc đời mình, làm sao vươn đến sự thành công, còn hạnh phúc thì mãi mãi nằm ngoài tầm tay.

Trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất tự chủ cảm xúc của chúng ta là do từ bé đến lớn nền giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội) ở nước nhà chưa bao giờ đề cập một cách bài bản, chuyên nghiệp đến việc rèn luyện năng lực cảm xúc. Cho nên trước tiên cần nhìn nhận lại yếu tố cấu thành nên năng lực này từ “lớp vỡ lòng” tại chính gia đình mình. Những tình huống thực tế sau đây cho thấy rằng, ngay từ nhỏ, chúng ta đã được nuôi dưỡng trong những môi trường mà cảm xúc không thể bộc lộ một cách lành mạnh. Điều này có thể gây ra những tổn thương nặng nề lên chúng ta, lâu dần dẫn đến sự yếu kém trong phát triển cảm xúc.

Lúc còn nhỏ, cảm xúc của bạn thường xuyên bị phủ nhận, không có cơ hội thể hiện, bộc lộ cảm xúc của mình. Thậm chí những cảm xúc đó bị đè nén, chất chứa trong lòng.

Bạn lúc nhỏ: “Con no rồi, không muốn ăn nữa.

Mẹ: “Con chưa no đâu, ăn thêm chút nữa đi.

Bạn: “Nhưng con không muốn ăn nữa.

Mẹ: “Ráng ăn thêm một chút nữa đi.

Bạn khóc nức nở nói với bố: “Em đánh con.

Bố: “Em đánh nhẹ mà, có gì đâu phải khóc, thôi nín đi.

Bạn thích làm thế này, thế kia nhưng bố bạn lại nói: “Con là con trai phải mạnh mẽ lên, không được khóc, không được vào bếp, không được trang điểm, không được múa. Con là con trai, là trụ cột trong nhà và phải có trách nhiệm với cả gia đình.”

Nếu bạn là con gái, mẹ lại nói: “Là con gái, nên hiền thục đoan trang, không được đụng chút là đánh đấm, chạy nhảy như con trai vậy, không được chơi súng, đá bóng. Con là chị lớn, con cần phải chăm sóc các em, con làm chị có đồ chơi đẹp cũng phải nhường em.”

Những điều đó làm cho bạn đánh mất đi con người tự nhiên, tạo nên thói đạo đức giả, hành động giả, cảm xúc bị dồn nén. Làm con tim đóng lại và tạo ra những “con người giả”, con người sống không thật với cảm xúc của mình. Bạn sống với những tổn thương, sự dồn nén sâu thật sâu bên dưới. Bạn vô tình hay cố ý dần dần sống với những lớp mặt nạ, bên trong nghĩ thế này nhưng bên ngoài lại thể hiện theo một cảm xúc hoàn toàn khác.

Một nguyên nhân khác nữa là cảm xúc của bạn dễ bị phụ thuộc bởi người ngoài, ngay khi bạn có những dấu hiệu không vui, bố mẹ bạn đã chạy đến giúp bạn xử lý cảm xúc, cũng chính vì vậy mà họ đã tước mất đi cơ hội đối mặt và tự điều chỉnh cảm xúc của bạn. Vì sợ họ có thể bị tổn thương tâm lý, hay đơn giản là vì bố mẹ bạn nghĩ rằng, họ có thể dễ dàng loại bỏ nỗi buồn, thì tại sao lại phải để đứa con nhỏ bé của mình chịu đựng chứ.

Con không muốn đi ngủ mà không có mẹ ư. Được rồi mẹ sẽ vào nằm với con một lúc. Sáng thức giấc, một cách bản năng bạn khóc gọi mẹ, hay đơn giản đó là sự mè nheo, mẹ lại ngay lập tức chạy vào ẵm.

Khi bố đi làm mà không dẫn bạn theo, bạn buồn tủi và khóc. Mẹ lại an ủi, hứa này hứa kia để dỗ dành.

Khi bận rộn với công việc, để bạn ở nhà không ai chơi cùng. Vậy là bố mẹ đưa cho điện thoại dùng, để bạn có thể ngoan ngoãn trong khoảng thời gian đó.

Nhà tâm lý học Elisabeth Kübler-Ross có nói: “Những người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời. Cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Không bùn không sen; không khổ đau không hạnh phúc; không lầm đường lạc lối không biết đúng sai. Người đẹp không tự nhiên mà có”. Vẻ đẹp bên trong chỉ có thể đạt được thông qua bởi mọi kinh nghiệm trong cuộc sống, người đó đã đi qua mọi ngả đường, họ biết đến mọi tâm trạng, nội tâm vô cùng mạnh mẽ.

Cái đẹp của người có nhiều trải nghiệm sẽ có chiều sâu, là vẻ đẹp của linh hồn, sự trưởng thành, tiến hóa, được phát sáng từ bên trong. Hoàn toàn khác cái đẹp của sự trẻ trung hay cái đẹp do nhân tạo làm nên, chỉ là vẻ đẹp của thể chất, hình dáng, họ có thể rất đẹp nhưng cái đẹp đó chưa có chiều sâu, chỉ qua làn da, hình thể bên ngoài. Nhiều người nuôi trẻ nhưng không cho trẻ nghịch bùn, không dám cho nếm trải thử thách, đau khổ, không dám cho trẻ lầm đường lạc lối. Đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường quá ít trải nghiệm, tác nhân kích thích trái chiều, được bao bọc quá mức, thì chỉ có thể mang vẻ đẹp bề ngoài. Cơ thể vật lý không nhận được nhiều tác nhân kích thích đúng mức sẽ kém phát triển, mà cảm xúc lại liên quan trực tiếp đến cơ thể vật lý nên những đứa trẻ đó thường có nội tâm yếu đuối, con tim không được đánh thức nên cảm xúc đơn giản, nghèo nàn, không có được chiều sâu trong tâm hồn.

Cùng với việc không mấy ai biết để rèn luyện có chủ đích kỹ năng này, khiến cho cả một thế hệ thiếu đi chỉ số EQ, và mặc nhiên trở thành những con rối của cảm xúc, như con thuyền nhỏ ngoài đại dương dậy sóng, không một chút bình yên, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị đánh chìm bởi con sóng mang tên cảm xúc. Vì lớn lên trong môi trường và hoàn cảnh như thế, bạn không biết cách nhận biết, thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngoài, hay cảm xúc đó là gì? Cảm xúc của người xung quanh ra sao?

Nguyên nhân từ đâu, phải đối mặt thế nào?

Giờ đây bạn đã biết điều mà mình đang đối mặt mang tên cảm xúc, cũng như có nhiều thách thức trong quá trình đánh thức chỉ số EQ cho những đứa con. Vì con bạn đang sống trong một thời kỳ chứa đầy những rối loạn cảm xúc từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, được ghi nhận vào các giác quan của trẻ. Bên cạnh đó phải kể đến, do người lớn chúng ta là những người còn thiếu rất nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng về cảm xúc, chưa điều hòa, làm chủ và biết cách thể hiện được cảm xúc của mình. Bạn vẫn còn hò hét, hành động thô bạo, lời lẽ thô tục. Muốn dạy cho con trẻ những bài học hay về cuộc sống, muốn cho đứa trẻ có những chuyển biến tốt hơn thì trước hết bản thân bạn cần là người thay đổi. Đầu tiên bạn cần học cách đối mặt và làm chủ cảm xúc trước khi dạy cho trẻ phải làm gì. Bạn không thể dạy cho trẻ những kỹ năng mà chính bạn cũng không biết và không hiểu về nó.

Những phương pháp sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân và biết cách rèn luyện chỉ số EQ cho trẻ. Giúp trẻ có được năng lực, kỹ năng ngay từ nhỏ, để có được bản lĩnh cần thiết khi đối mặt với những cảm xúc mà cuộc sống chắc chắn sẽ mang đến.

I. BẠN LÀ NGƯỜI TỰ CHỦ CẢM XÚC TRƯỚC KHI CÓ THỂ DẠY TRẺ BẤT CỨ ĐIỀU GÌ

Nếu bạn được sống, lớn lên trong một môi trường mà ở đó phong vũ biểu cảm, cảm xúc của bố mẹ là la mắng, đánh, trách móc thậm tệ, đến những cơn giận lên đỉnh điểm khi bạn làm một điều gì đó trái ý hoặc không như mong muốn của họ, thì thật khó để bạn có thể dạy con mình theo một cách khác được. Đây là thử thách lớn, vì hầu hết chưa có ai trong chúng ta có một tấm gương tốt cho chính mình.

Tuy nhiên, bạn hiểu rõ bản thân mình bao nhiêu thì bạn càng làm bố mẹ, người hướng dẫn, người giáo dục tốt bấy nhiêu. Đơn giản là cách bạn làm gương cho đứa trẻ. Bạn không thể gào thét vào mặt con để bắt con ngừng gào thét, hay khóc lóc hoặc quát nạt chúng để bảo chúng bình tĩnh lại. Bạn cần quan sát tâm mình, hiểu mình đang như thế nào, ra làm sao trước khi yêu cầu kỷ luật với đứa trẻ.

Hãy làm tấm gương sáng về việc tự chủ cảm xúc, đừng hành xử với con khi tâm trạng bất ổn. Bạn có thể ngay lập tức gào lên khi trẻ phá tung tủ quần áo: “Sao con hư quá vậy”. Trẻ làm vỡ món đồ quý giá mà bạn mới mua: “Con thật hậu đậu”, thậm chí tát cho trẻ một vài cái. Trẻ vô tình làm phá hỏng công việc mà bạn bỏ nhiều thời gian, công sức và sắp sửa hoàn thành, bạn có thể gào lên: “Con đúng là đồ phá hoại”, một cách bản năng ai cũng làm như vậy cả.

Nhưng bạn không làm như vậy, bạn cho con thấy rằng, chính bố mẹ, hay người lớn cũng cần dành một khoảng thời gian riêng, vài phút hay một vài tiếng ở một mình để điều chỉnh cảm xúc. Bạn cần tĩnh lặng và học cách quan sát cảm xúc của mình (trong tĩnh có động), xem nguyên nhân từ đâu mà nổi lên những cung bậc cảm xúc: hỷ, nộ, ái, ố... Rồi bạn nhận ra: “Mình đang điên lên vì con phá tung tủ quần áo; Vì con làm vỡ món đồ quý giá; Vì con phá hỏng công việc của bạn”, bạn hiểu được nguyên nhân làm cảm xúc của mình trở nên khó chịu.

Khi tĩnh lại và quan sát chính mình, bạn không chối bỏ nó, nhìn nhận tất cả các cung bậc cảm xúc: đang buồn hay vui, đang thù ghét hay yêu thương, đang hờn giận hay tha thứ,... bạn hoàn toàn tỉnh thức nhận biết cảm xúc của mình như thế nào và nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó. Bạn đứng ở vai trò là người quan sát và không bị cuốn vào những cảm xúc đấy. Bạn hiểu được nguyên nhân dẫn đến cảm xúc tích cực, hạnh phúc nhưng không mong cầu, thấy cảnh vui cũng không khởi một niệm ham. Ngược lại, bạn cũng không chối bỏ và trốn tránh những nguyên nhân dẫn đến cảm xúc tiêu cực, làm bạn sầu khổ.

Đón nhận, quan sát và trải nghiệm tính hai mặt, làm được như vậy bạn sẽ về điểm cân bằng. Ở điểm cân bằng bạn từ tốn quan sát vạn sự đến với mình, tâm bình an trước mọi tình huống. Lúc đó bạn hoàn toàn tự chủ được cảm xúc của mình, tâm an thì trí tuệ nảy sinh từ đó, bạn có thể biết cách chuyển nghịch cảnh thành hỷ cảnh, chuyển hóa năng lượng tiêu cực thành tích cực.

Khi tâm an, bạn hoàn toàn tự chủ được cảm xúc của mình. Bạn xử lý vấn đề một cách sáng suốt, đúng đắn và đứa trẻ cũng sẽ học được từ bố mẹ hình mẫu lý tưởng về cách tự chủ cảm xúc.

Làm sao chúng ta có thể dạy được con, khi còn chưa tự chủ được cảm xúc của chính mình?

II. HÃY ĐỂ TRẺ ĐƯỢC THỂ HIỆN CẢM XÚC CỦA MÌNH, KHẲNG ĐỊNH CẢM XÚC CỦA TRẺ VÀ GỢI Ý CHO TRẺ CHUYỂN HÓA CẢM XÚC TỪ TIÊU CỰC SANG TÍCH CỰC

1. Để trẻ thể hiện cảm xúc của mình và khẳng định cảm xúc của các em

Thái độ chân thành của bạn là ngôn ngữ tốt nhất không gì thay thế được. Hãy cho trẻ biết bạn thực sự đang lắng nghe và đồng cảm trước những trải nghiệm đó của trẻ.

Những câu nói như: “Có gì đáng sợ đâu, đó chỉ là một con chó nhỏ”, hay “Có gì đâu phải khóc, lát bạn lại trả đồ chơi cho con ngay thôi”, không khiến cảm xúc của trẻ tốt hơn như bạn nghĩ, ngược lại khiến cảm xúc bị chôn sâu vào trong và làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ. Dù gì đi nữa thì bạn và trẻ cũng là những con người tách biệt, với hệ thống cảm xúc khác hẳn nhau và góc độ nhìn cũng khác nhau. Nên không ai đúng ai sai cả, ở đây chỉ đơn thuần là mỗi người cảm thấy những gì mình đang cảm thấy, chỉ thế thôi.

Thay vào đó bạn nói: “Bố thấy sự sợ hãi khi con đối mặt với con chó nhỏ đó và điều này là không hề dễ dàng”; hoặc “Mẹ thấy được rằng bị mất đi đồ chơi là việc chẳng vui gì, có vẻ như rất nghiêm trọng với con nhỉ”. Trước hết, cảm xúc cần được khẳng định và tạo ra tâm lý an toàn, để đứa trẻ cảm thấy được thấu hiểu, lắng nghe và quan tâm.

Tổn thương thể chất dần có thể lành. Tổn thương tâm trí tuy vô hình nhưng lại rất sâu sắc, nên bố mẹ, thầy cô cần suy nghĩ về điều này khi soi “gương thần.”

2. Gợi ý cho trẻ cách chuyển hóa năng lượng, cảm xúc từ tiêu cực sang tích cực, từ đơn giản sang vi tế

Khi một đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh bất như ý, sẽ khiến chúng khởi lên cảm xúc tiêu cực và bắt đầu có những hành vi dạng như cào, cắn, đập phá đồ, đánh người. Đó có thể là những hành vi bản năng của trẻ, hoặc chúng đã sử dụng lâu ngày dẫn đến hình thành thói quen xấu khi cùn cáu, giận dữ.

Lúc đứa trẻ còn nhỏ trí hiểu biết còn đơn giản, phản xạ bản năng chi phối mạnh mẽ. Khi nghịch cảnh đến mà đứa trẻ cùn cáu, tức giận, sau đó chúng thể hiện những cảm xúc này ra bên ngoài bằng cách cắn, vứt đồ, đánh người khác, đó là chuyện hết sức bình thường. Hoàn toàn phù hợp với tâm hồn trí tuệ của đứa trẻ, cũng là sự lựa chọn hợp lý và đúng đắn nhất của trẻ trong thời điểm hiện tại. Người lớn không nên ngăn cấm trẻ thể hiện cảm xúc, hay áp đặt cảm xúc của mình cho trẻ và cho rằng đây là giải pháp an toàn, tốt hơn, rồi bắt các em làm theo. Như thế trẻ sẽ không hiểu, không tiến bộ được, lần sau chúng vẫn lặp lại sai lầm. Chúng ta nên để chúng xả bớt năng lượng ra theo cách mà đứa trẻ muốn thể hiện.

Khi đứa trẻ cùn cáu, giận dữ và gào thét, là cách đứa trẻ đẩy (xả) những năng lượng tiêu cực ra bên ngoài, là phản ứng bản năng để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, đứa trẻ không chỉ gào thét mà còn ném đồ đi, bạn cũng không nên ngăn cấm. Ném hết những món đồ đi, để nhận lấy bài học thưởng phạt trong hành vi, khi chúng bình tĩnh trở lại, những món đồ chơi yêu thích bị ném đi, giờ không còn nữa. Chúng sẽ buồn chứ, tiếc nuối chứ, như vậy chúng mới rút ra được bài học là lần sau có cùn, cáu, tức giận cùng không nên ném đồ đi nữa. Nhưng có đứa lại không ném đồ mà chúng lại cắn, đánh bạn để đẩy những năng lượng tiêu cực ra. Như vậy cũng rất tốt, bạn không nên kiềm chế, la mắng trẻ. Bạn có thể trả quả (cắn lại) đánh lại, để chúng học được bài học rằng gây đau khổ cho người khác cũng chính là gây đau khổ cho bản thân. Sau vài lần như thế, chắc rằng đứa trẻ sẽ chọn cách khác để đẩy năng lượng tiêu cực ra ngoài thay vì cách cắn, đánh người khác. Hoặc khi bị trẻ cắn, trẻ đánh, bạn có thể chọn cách không chơi với trẻ một, hay vài ngày. Đó cũng là hình phạt (thưởng phạt trong hành vi) không nhẹ đối với một đứa trẻ. Khi không được người thân yêu chơi đùa, nói chuyện, quan tâm, đứa trẻ sẽ buồn biết bao. Sau những lần như vậy, chúng sẽ dần nhận ra được bài học của mình, chọn ra được những giải pháp an toàn và hiệu quả hơn để chuyển hóa năng lượng trong người.

Khi trẻ đã đủ lớn, bắt đầu dùng lý lẽ để phân tích mọi tình huống đến với cuộc đời chúng thì người làm cha mẹ như chúng ta cần cung cấp cho con kiến thức về cuộc sống, về những bài học. Mỗi khi gặp nghịch cảnh kéo đến cảm xúc tiêu cực được khuấy lên, có thể chúng sẽ chọn cách ôn hòa hơn là thể hiện ra bằng lời nói và nói hết tất cả các cảm xúc chất chứa trong lòng, để hóa giải năng lượng tiêu cực.

Nhưng khi tâm hồn trí tuệ phát triển lên cao hơn nữa, gặp bất kỳ hoàn cảnh bất như ý nào, những chuyện không may, xui rủi, chúng không nổi cơn tiêu cực lên nữa. Chúng có khả năng chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành năng lượng và cảm xúc tích cực. Vì chúng hiểu ra rằng không có chuyện gì đến với mình mà không có bất kỳ ý nghĩa gì cả. Tạo hóa gửi đến cho chúng ta những bài học không phải để gây khổ đau cho chúng ta mà để chúng ta trở nên hoàn thiện. Tạo hóa xưa nay vốn rất công bằng, muốn hưởng được nhiều, phải chịu được một mức tương đương. Muốn sướng cần vượt qua khổ, thoát khổ rồi thì chỉ còn lại tích cực, yêu thương và hạnh phúc. Khổ là nguyên liệu của sướng, càng khổ là càng sướng, vậy tại sao không vui vẻ đối diện với khổ đau, vượt qua bài học của mình.

III. KHẲNG ĐỊNH CẢM XÚC, ĐỂ TRẺ THỂ HIỆN CẢM XÚC CỦA MÌNH VẪN CHƯA ĐỦ, CẦN CẢM THÔNG CHO CẢM XÚC CỦA CÁC EM

Đồng cảm với cảm xúc của đứa trẻ thôi là chưa đủ, cần có sự cảm thông với sự đấu tranh bên trong của các em.

Thay vì đi thẳng vào vấn đề: “Trả điện thoại lại cho mẹ”, hoặc “Lúc nãy con không ăn cơm, nên giờ chờ đến bữa sau nghe”, thì bạn có thể nói theo một cách khác có tình, hợp lý hơn: “Con có vẻ muốn dùng điện thoại thêm một lúc nhỉ. Mẹ biết là con đang xem cái gì đó rất thú vị, và mẹ cũng muốn cho con xem thêm chút nữa. Nhưng vấn đề là hai mẹ con mình đã thống nhất là con chỉ sử dụng mười phút thôi. Nếu con muốn lần sau mẹ có thể cho mượn tiếp thì con cần giữ lời hứa”. Hay: “Lúc nãy không ăn cơm nên chắc giờ con thấy đói lắm nhỉ. Thật không dễ chịu gì khi mang một cái bụng đói như thế, nhưng mẹ sẽ cho con ăn khi đến đúng bữa, còn bây giờ thì mẹ rất tiếc.”

Henry Ford từng nói: “Nếu như có một bí quyết nào để thành công, thì nó nằm ở khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của người khác, và nhìn sự việc theo góc độ của người ấy độc lập với góc độ của chính mình”. Bằng cách này bạn vừa thể hiện sự cảm thông với trẻ, nhưng bạn vẫn giữ vững quan điểm của chính mình. Khi cảm xúc của trẻ được công nhận, được nhìn nhận đúng mức khi đó chúng cũng sẽ cư xử đúng mực hơn. Nguyên nhân là có sự liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi, cảm xúc tốt hành vi tốt và ngược lại (Cười thì lên não người - Quát/tát thì xuống não bò sát!).

Như thế cảm xúc của trẻ sẽ được công nhận, trẻ sẽ hiểu được cảm xúc của mình hơn, và thông qua sự cảm thông chúng cũng học được cách đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ.

Có câu chuyện như sau, một người mẹ thỉnh thoảng sai cậu con trai sang hàng xóm xin ít muối, nhưng người con ngạc nhiên khi thấy bếp vẫn còn nhiều. Người mẹ nói: “Vì nghèo, họ nhờ nhà mình rất nhiều thứ. Vậy nên mình xin vài thứ lặt vặt để họ nghĩ rằng họ cũng rất quan trọng với nhà mình, lần sau họ có nhờ vả gì cũng thoải mái hơn… ”. Một đứa trẻ được sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ giàu lòng nhân ái, biết đồng cảm với người, biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, từ đó có cách cư xử nhạy cảm và tinh tế. Như vậy thì những hạt mầm lương thiện cũng sẽ từ từ nảy nở trong tâm hồn trẻ thơ.

Sự khác biệt lớn nhất giữa người có EQ cao và người có EQ thấp chính là họ biết nghĩ cho người khác, biết nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau.

IV. ĐỂ TRẺ TỰ ĐỐI MẶT VỚI CẢM XÚC CỦA MÌNH

Khi đứa trẻ đối mặt với cảm xúc tồi tệ nào đó, không nên vỗ về theo cách truyền thống như.

Nín đi con, để mẹ cho mượn điện thoại.

Đừng buồn nữa, bố dẫn đi mua bánh cho con nhé.

Bố mẹ ở đây, đừng sợ nữa, mọi chuyện sẽ ổn.

..

Vì bằng cách này sự khỏa lấp bên ngoài sẽ bù đắp cho sự trống vắng bên trong, bạn có thể giúp con nhanh chóng chặn đứng được những giọt nước mắt, nhưng về lâu dài trẻ lớn lên chúng sẽ bị lệ thuộc cảm xúc vào sự tìm kiếm an ủi từ bên ngoài. Thay vào đó hãy để cho trẻ tự đối mặt với cảm xúc của chính mình và vượt qua nó mà đừng tự ý can thiệp như khi trẻ ngã đau thì khóc; không được đi chơi thì buồn; giận vì bị đoạt lấy đồ chơi; tủi thân khi bị bạn không cho chơi cùng. Ở độ tuổi như thế này chúng tự mình đối mặt với những thử thách và cảm xúc đó là hợp lý, vừa sức với trẻ. Khi sự đối mặt cảm xúc của con trôi qua, lúc đó nếu muốn thể hiện tình yêu, sự quan tâm hãy lại gần con trẻ, nói chuyện về những cảm xúc vừa rồi, những gì đã trải qua và khích lệ con tìm ra phản ứng tốt hơn cho những lần sau cũng chưa muộn.

Nhưng đó mới chỉ là chiều kích thích thụ động, một cách chủ đích và chủ động. Hằng tuần có thể một đến hai lần, tạo ra một nhịp điệu lặp đi lặp lại hàng tháng trong suốt cả năm cho trẻ. Hãy hướng dẫn cho trẻ ngồi thiền (thiền tĩnh) hoặc để cho trẻ chơi một mình trong phòng, trong nhà hay ngoài thiên nhiên (thiền động). Và tuyệt nhiên những lúc như thế này bạn không được cho trẻ thêm đồ ăn, điện thoại, máy tính, mà trẻ chỉ cần một mình. Để trẻ được đắm chìm trong sự vắng lặng nội tâm, gạt bỏ đi mọi sự ồn ào, nhiễu loạn đến từ bên ngoài và để tìm lại, duy trì thói quen nội tâm hóa cũng là con đường đưa tới một đời sống đích thực đã bị lãng quên từ lâu. Không có một mốc thời gian cụ thể hay chính xác tuyệt đối nào cả, mỗi người tự quan sát con mình theo độ tuổi, tính cách, khả năng và cùng với năng lực của bản thân để đưa ra mức tham chiếu phù hợp nhất.

Vì sau này không phải lúc nào cũng có ai đó bên cạnh dù người đó có thân thiết, gắn bó và yêu thương bạn thế nào đi nữa. Có nhiều lúc sẽ rất đơn độc trên chặng đường của mình, đó là điều sẽ xảy ra trong cuộc đời mỗi người. Nếu được đánh thức năng lực tự cân bằng và tự chủ được bản thân ngay từ nhỏ, lớn lên đứa trẻ sẽ có khả năng độc lập, không bị phụ thuộc cảm xúc vào người khác, hạn chế được sự rối loạn khi con người ngày nay có khuynh hướng nghiêng về cái bên ngoài, cái hữu hình. Đồng thời, điều này sẽ tạo tiền đề khám phá những bí ẩn lớn hơn, mà chỉ có thể được tìm thấy khi con người ta quay vào bên trong và kết nối với chính linh hồn của mình.

Tóm lại, lúc buồn tủi, cô đơn, một mình, là khoảng thời gian tuyệt vời để trẻ tự tạo ra bước đột phá cho bản thân, cơ hội cho trẻ trưởng thành, để tự nhìn nhận lại, quay về nương tựa và làm bạn với chính mình. Đến lúc đó trẻ sẽ chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn, từ đó trở nên độc lập, tiến về phía tự do.

Lưu ý là trong một số hoàn cảnh đặc biệt, hoặc tình huống bất ngờ xảy ra có thể làm cho tâm lý trẻ mất kiểm soát như khi chúng chứng kiến tai nạn, nhìn thấy cảnh tượng đáng sợ, mất người thân, hay rơi vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, có một trải nghiệm tồi tệ. Lúc này rất có thể trẻ sẽ mất kiểm soát, tâm lý bị đả kích mạnh và dễ để lại những ám ảnh tiêu cực về sau. Những lúc này, đừng bao giờ để trẻ một mình, mà hãy bên cạnh, cùng trẻ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Ngoài ra những gợi ý dưới đây sẽ trực tiếp đánh thức chỉ số EQ sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ một cách tự nhiên nhất.

Cho trẻ xem tivi mà không có âm thanh, đồng thời bạn cũng ngồi lại xem cùng con, sau khi xem xong bạn lại đặt những câu hỏi liên quan đến cảm xúc như: Tại sao ông ta lại nóng giận? Hậu quả việc làm đó là gì? Cô ấy làm như vậy có nghĩa có hứng thú hay không? Nếu là con, trong trường hợp đó con sẽ phản ứng như thế không? Việc này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng quan sát ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn, phán đoán ý đồ, biểu cảm, thông điệp trên đó là gì. Phụ nữ thường có khả năng nhận biết ngôn ngữ cơ thể, sắc thái biểu cảm tốt hơn đàn ông, việc này không tự nhiên mà có. Vì một phần lúc còn nhỏ bé gái thường thích chơi với búp bê, còn bé trai thích chơi xe cộ, máy móc. Chính cách vui chơi lúc nhỏ đã làm các bé gái có khả năng quan sát biểu cảm, khuôn mặt một cách vô thức ngay từ nhỏ.

Cho trẻ diễn kịch, đặt ra tình huống giả định để các em đóng các vai diễn khác nhau. Hôm nay vào vai người tốt, ngày kia vào vai người xấu, tuần sau diễn một người cô đơn, tháng sau đóng vai người nghèo rồi người giàu,… sẽ giúp chúng trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc và làm chủ được nội tâm tốt hơn.

Bất kỳ đứa trẻ nào khi bước vào tuổi dậy thì, một trong những hành trang không thể thiếu cần trang bị cho trẻ là nền tảng EQ tốt. Chúng là những người không bị lệ thuộc cảm xúc của mình vào bất kỳ ai, hay sự vật sự việc nào cả. Chúng tự do và có khả năng tự chủ được cảm xúc của chính mình.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh