Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 8: Điều Thế Kỷ 21 Cần - Sáng Tạo

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 8: ĐIỀU THẾ KỶ 21 CẦN - SÁNG TẠO

I. ĐỌC SÁCH

Theo bạn, để trẻ hình thành thói quen đọc sách, ngoài việc đam mê trẻ có cần rèn luyện không? Con đường để hình thành nên niềm yêu thích đọc sách là gì? Mách nhỏ cho bạn vài ý tưởng để khơi nguồn hứng thú cho trẻ với sách. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ hãy thắp nến và kể chuyện cho trẻ nghe. Thời gian đọc không cần quá nhiều, chỉ cần mỗi lần từ năm đến mười phút là được, nhưng phải được lặp đi lặp lại thường xuyên, theo một nhịp điệu nhất định. Cứ như thế dần dần trẻ sẽ xem sách như một món ăn tinh thần không thể thiếu, sự ham thích và tò mò về sách sẽ được khơi nguồn. Ngoài ra còn rất nhiều cách khác nhau để trẻ hình thành nên thói quen đọc sách, trong đó phải kể đến cách của người Do Thái. Lúc trẻ còn nhỏ, họ bỏ một ít mật lên sách cho trẻ liếm, trải nghiệm thường xuyên này đã giúp trẻ có ấn tượng ngọt ngào với sách, tạo nên vết khắc ban đầu tốt đẹp cho trẻ, làm trẻ thích thú, một loại ám thị thông minh và thú vị.

Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ thì tốt, tuy nhiên có những vấn đề cần lưu ý. Trẻ đọc sách gì? Nội dung sách đó như thế nào? Vì từng thể loại, nội dung có trong sách, sẽ phù hợp với từng độ tuổi, sự phát triển tâm sinh lý khác nhau. Nếu giúp trẻ đọc mà không kiểm soát chất lượng và nội dung, cứ để trẻ đọc tự do có thể dẫn đến nhiều hậu quả không tốt. Bạn có thể hình dung, khi một đứa trẻ bảy tuổi dùng điện thoại vào YouTube và chúng được thoải mái sử dụng. Nếu trẻ xem chương trình có nội dung lành mạnh và lượng thời gian vừa đủ thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng nếu chúng vô tình hay cố ý xem những nội dung không phù hợp thì tâm hồn, tính cách, trí tuệ đứa trẻ sẽ bị “bóp méo” ra sao, khi xem những hình ảnh bạo lực, gợi dục hay phim người lớn. Nội dung trong sách mà trẻ đọc cũng như vậy, rộng hơn nữa là tất cả những kiến thức, câu chuyện, hiểu biết mà trẻ tiếp nhận không phải tất cả đều phù hợp. Thời đại thông tin tràn lan như hiện nay, bạn cần có trách nhiệm rà soát, chọn lọc đầu vào phù hợp với sự hồn nhiên, thuần khiết trong tâm hồn trẻ thơ.

Mahatma Gandhi nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi.

II. TRUYỆN CỔ TÍCH

Việc bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ là kỹ năng quan trọng và khi nói về sách thì không thể không nhắc đến truyện cổ tích. Việc kể chuyện gắn liền với tuổi thơ của trẻ em, tạo nên kết nối giữa bố mẹ và con, giúp phát triển ngôn từ, gieo cho các em những hạt mầm lương thiện, cách xử lý vấn đề, tư duy phản biện, làm phong phú ngôn ngữ và phát triển năng lực sáng tạo. Albert Einstein khuyên rằng: “Nếu muốn con bạn thông minh, hãy đọc cho chúng nghe truyện cổ tích. Nếu muốn con bạn thông minh hơn nữa, cứ đọc cho chúng nghe thêm thật nhiều”. Để có thể giúp trẻ tiếp cận các câu truyện và cách sử dụng tối đa lợi ích mang lại từ truyện cổ tích, dưới đây là một trong rất nhiều câu chuyện như thế.

Cô bé Lọ Lem.

Ngày xửa ngày xưa ở một đất nước xa xôi có một người đàn ông giàu có nhưng góa vợ, sống trong một ngôi nhà rộng lớn cùng với cô con gái duy nhất tên là Ella. Người cha dành cho cô công chúa xinh đẹp tất cả tình yêu thương mà ông có và rất nhiều thứ mà cô bé nào cũng đều mong muốn có được: váy áo đẹp đẽ, một con ngựa và một con chó con. Tuy thế, ông luôn tâm niệm rằng điều Ella cần nhất chính là sự chăm sóc của một người mẹ hiền. Vậy là người cha quyết định tái hôn với một người phụ nữ có hai cô con gái trạc tuổi của con ông, hy vọng ba đứa trẻ sẽ vui vẻ lớn lên cùng nhau.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Thật đáng buồn, người cha tốt bụng không may qua đời sớm, kể từ đó bà mẹ kế bắt đầu để lộ bản tính thật sự của mình. Bà ta là một người lạnh lùng khô khan, đặc biệt bà ta luôn ghét bỏ, chì chiết và ganh tị với sự xinh đẹp nết na của Ella. Hai cô con gái của bà ta Anatisia và Drizella cũng xấu nết và xấu người hệt như mẹ của mình. Hai cô ngày ngày ăn mặc đẹp đẽ, chải chuốt chỉn chu, còn Ella đáng thương thì mặc những bộ quần áo cũ kĩ, nhàu nát, thô ráp và đeo khăn yếm của đầy tớ. Cô bé phải làm đủ mọi công việc nặng nhọc nhất trong nhà. Cô thức dậy từ trước lúc mặt trời mới chớm ló dạng ở đằng xa, gánh nước, đốt lò, nấu ăn và lau dọn nhà cửa sân vườn. Khi xong việc, cô lủi thủi đến ngồi bên cạnh lò sưởi giữa những tro tàn và gỗ cháy, người ngợm lấm lem, vì thế người đời gọi ELLA là Cô bé Lọ Lem.

Trong khi mẹ kế và hai em ở trong những phòng ngủ rộng lớn và sang trọng, Lọ Lem bị nhét lên trên căn gác lửng gần dưới mái nhà, nơi làm tổ của lũ chuột nhắt. Mặc dù luôn bị bắt nạt và sống một mình buồn tủi như vậy, Lọ Lem vẫn luôn dễ thương, hiền hậu, cô bé tin rằng một ngày nào đó hạnh phúc sẽ đến với mình. Lọ Lem kết bạn với những chú chim ríu rít hót ngoài cánh cửa sổ đánh thức cô dậy mỗi sớm mai. Cô làm bạn với những chú chuột nhắt ở chung phòng. Cô còn đặt tên và thêu thùa tặng cho chúng những bộ quần áo bé tí tẹo với mũ trùm đầu đáng yêu. Đám chuột nhắt vô cùng yêu mến cô vì cô thường cứu chúng ra khỏi những bẫy chuột hay nanh vuốt của Quỷ Sứ, tên con mèo hung dữ của bà mẹ kế.

Công việc mỗi sáng của Lọ Lem là chuẩn bị đồ ăn tươm tất cho cả nhà, đổ đầy sữa cho con mèo, xương cho chú chó, lúa mạch cho con ngựa, bắp và ngũ cốc cho những con gà, ngỗng và vịt trong sân nông trại. Cô còn phải mang đĩa thức ăn sáng lên tận phòng cho bà mẹ kế, Anatasia và Drizella. “Mang áo váy của tao đi ủi và đem về đây trong một giờ”, Drizella ra lệnh, “Đừng có quên khâu quần áo của tao, làm cho xong và đừng có hòng kéo lê cả một ngày trời”, Anatasia đòi hỏi. Mẹ kế cũng gầm gừ trong miệng, “Đem đồ bẩn đi giặt ngay. Sau đó thì làm sạch tấm thảm đỏ lớn ở phòng khách, chùi rửa các cửa sổ cho bóng loáng và cả những tấm thảm lớn nhỏ khác.”

“Thưa mẹ, vâng Drizella, vâng Anatasia”. Lọ Lem vui vẻ trả lời và nhanh chóng đi làm công việc của mình không một chút than vãn hay buồn rầu.

Cùng thời điểm đó, ở tại vương quốc của Lọ Lem, trong lâu đài Hoàng gia, Đức Vua đang nói chuyện với ngài Đại công tước. Vị vua già nói, “Đã đến lúc Hoàng tử của chúng ta phải kết hôn và có mái ấm gia đình.” “Vâng thưa Đức Vua, nhưng trước tiên Hoàng tử phải gặp được cô gái mà chàng đem lòng yêu mến đã”. “Nhà ngươi nói đúng. Chúng ta sẽ mở dạ vũ và cho mời tất thảy những cô gái trẻ trong vương quốc đến. Chắc chắn Hoàng tử sẽ phải lòng một cô gái.”

Nhận được tin về buổi tiệc khiêu vũ, Anatasia và Drizella ôm nhau nhảy cẫng lên vì sung sướng. “Dạ vũ, dạ vũ, tụi mình sẽ đi dạ vũ.” Lọ Lem nói không giấu được niềm vui trong mắt, “Tôi cũng được mời nữa, theo lệnh của Hoàng gia, mọi thiếu nữ chưa chồng đều được mời”. Hai cô em phá lên cười khanh khách vì tưởng tượng đến cảnh Lọ Lem đi dạ hội mang theo cái chổi và đeo yếm của đầy tớ. Còn bà mẹ thì nở nụ cười nham hiểm nói là Lọ Lem vẫn có thể đi nếu cô làm xong hết mọi việc mà bà ta giao.

Thế là hai cô em xấu xí cả ngày chỉ mải mê chọn váy áo, sửa soạn sắc đẹp, trong khi Lọ Lem thì còn bận bịu hơn cả ngày thường. Cô còn phải ủi quần áo cho hai cô con riêng, thắt nơ áo, chải bụi váy đầm… Khi xe ngựa đến đón thì Lọ Lem vẫn đang váy áo luộm thuộm, không có được một phút để sửa soạn. Bà mẹ kế đắc chí nói: “Vậy là mày sẽ không đi dạ vũ được… Nhưng đừng lo, sẽ có những dạ vũ khác sau này… ”, thế rồi ba mẹ con ríu rít lên xe đi mất, bỏ Lọ Lem ở nhà.

Lọ Lem rầu rĩ leo lên những bậc thang tối dẫn vào phòng mình và ngồi thụp xuống, đôi mắt cô buồn rầu nhìn qua ánh trăng đến tòa lâu đài ở xa xa với những ánh đèn rực sáng. Bỗng chốc, một luồng sáng huyền ảo hiện ra sau lưng cô. Quay lại, cô ngạc nhiên thấy cây đèn cầy được thắp sáng và xuyên qua ánh sáng đó là một chiếc đầm dạ tiệc vô cùng lộng lẫy. Những người bạn nhỏ của cô là chim và chuột nhắt đã dành cho cô một sự ngạc nhiên, bằng cách điểm trang cho bộ váy bằng những hạt cườm và ren mà chúng tìm thấy trong nhà.

Cô nhanh chóng mặc vào và chạy xuống cầu thang gọi với theo “Khoan đi đã, chờ tôi với.” Nhưng khi Anatasia và Drizella thấy cô, chúng la lên giận dữ, “Mày ăn cắp ren và cườm của tao”. Thế là chúng lao vào xé áo quần Lọ Lem đang mặc ra từng mảnh. Lọ Lem òa khóc chạy băng qua sân nhà tới khu vườn. Cô ngồi bệt xuống băng đá lạnh lẽo và thổn thức. “Vậy là hết rồi, mình hết cách rồi, mình sẽ bỏ cuộc”. Ngay chính lúc đó, một đám bụi sáng kỳ ảo xuất hiện và bước ra từ trong đó là một người phụ nữ có vẻ mặt hiền lành, phúc hậu, đội mũ trùm đầu bước ra “Đừng nói thế, cô bé”. Giọng bà ngọt ngào: “Lau nước mắt đi con, con sẽ không đi dạ vũ trong khi khóc lóc như thế”. Lọ Lem ngừng khóc và hỏi: “Bà là ai?”

“Ta là tiên mẹ đỡ đầu của con” bà nhẹ nhàng nói, “Thời gian rất gấp rồi, bây giờ con hãy nhanh kiếm cho ta một trái bí đỏ mang lại đây”. Lọ Lem không hiểu gì, nhưng cô cũng chạy đi kiếm một trái bí thật to. Bà tiên vẫy chiếc đũa thần và lầm rầm nói những lời làm phép: “Salagadoola, Manchacobula, bibidibobbed-boo”. Trong phút chốc trái bí đã biến thành cỗ xe ngựa kéo sang trọng lộng lẫy.

“Bây giờ”. Bà nói, “Ta cần một vài chú chuột nhắt”. Ngay lập tức bốn con chuột nhắt bạn nhỏ của Lọ Lem chạy ra phía trước. Bà tiên vẫy đũa thần hô biến bốn chú chuột nhắt trở thành bốn chú tuấn mã và được gắn vào trước xe. Thêm vài cái vẫy đũa, bà biến con ngựa già thành người điều khiển xe ngựa, và chú chó Bruno thành người mở cửa xe ngựa. Sau cùng bà nói, “Đến lượt con, cô bé đáng yêu của ta”. Trong phút chốc, bà biến Lọ Lem thành một thiếu nữ mặc váy dạ hội xinh đẹp, dưới đôi chân nàng lấp lánh một đôi giày bằng pha lê đẹp nhất trần gian.

Khi Lọ Lem leo lên xe ngựa, bà tiên dặn dò nàng cẩn thận, nhất định phải trở về nhà trước 12 giờ đêm. Bởi vì nếu nàng ở lại quá chỉ một phút, mọi thứ sẽ trở lại như cũ, bí đỏ, bốn con chuột, con ngựa già, chó Bruno, và nàng Lọ Lem sẽ trở lại thành cô bé ăn mặc nghèo khổ. Lọ Lem hứa với bà sẽ rời bữa tiệc trước lúc nửa đêm, và nàng vui vẻ lên đường tới lâu đài Hoàng Gia. Khi Lọ Lem vừa tới nơi, Hoàng tử khôi ngô đang cúi đầu chào hai cô gái thứ hai trăm mười và mười một - hai nàng Anatasia và Drizella xấu xí. Bỗng chàng đưa mắt ra lối vào và sửng sốt đến đê mê khi thấy nàng Lọ Lem - thiếu nữ xinh đẹp mà không ai có thể đẹp hơn nàng đêm nay. Hoàng tử nhanh bước tới để nắm tay nàng và dìu nàng vào sảnh để dự buổi dạ vũ. Suốt đêm hôm đó, Hoàng tử không khiêu vũ với ai ngoài cô gái đến sau cùng. Hoàng tử không rời tay Lọ Lem và nhìn nàng đắm đuối. Hai cô con gái bà dì ghẻ và cả bà ta nhìn Lọ Lem với ánh mắt ganh ghét và tự hỏi cô gái này từ đâu đến. Còn nhà Vua thì mừng thầm vì kế hoạch của ngài đã thành công, Hoàng tử đã gặp được người trong mộng của chàng. Chuông đồng hồ của cung điện bắt đầu điểm chuông báo hiệu nửa đêm, lúc này Lọ Lem sực nhớ ra lời dặn của bà tiên - mẹ đỡ đầu của nàng. “Tôi phải về”. Nàng la lên, vụt ra khỏi bàn tay của Hoàng tử và chạy vội ra khỏi lâu đài. Hoàng tử và đại công tước chạy theo sau nàng mà chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Một chiếc giày pha lê của nàng tụt ra khỏi chân và rơi trên cầu thang, không còn thời gian để quay lại, Lọ Lem đành bỏ mặc rồi nhanh chân chạy đến cỗ xe và leo lên. Xe ngựa ra khỏi cổng lâu đài cũng là lúc chuông đồng hồ điểm tiếng thứ mười hai. Chỉ trong tích tắc, nàng Lọ Lem trở về nguyên hình là một cô gái nghèo khổ, đứng giữa trái bí rợ, con chó, con ngựa già và bốn con chuột nhắt. Tất cả chỉ còn sót lại một chiếc giày pha lê lấp lánh trên một bàn chân của nàng.

Ngay sáng hôm sau, nhà Vua ra thông báo ngài sẽ hỏi cưới cho Hoàng tử, cô gái đã đánh rơi chiếc giày pha lê tại buổi khiêu vũ đêm qua. Đại công tước mang lệnh truyền và đi khắp vương quốc để thử giày. Từ các công chúa, công nương con nhà quyền quý tới các cô gái dân dã nhất, thử mãi mà vẫn chưa có chân cô nào vừa chiếc giày bé nhỏ. Sau cùng phái đoàn hoàng gia đến nhà của Lọ Lem.

Bà mẹ ghẻ vui mừng đánh thức hai cô gái lười biếng và nuôi hy vọng rằng một trong hai đứa sẽ đi vừa chiếc giày và trở thành vợ của Hoàng tử khôi ngô. Bà ta còn lặng lẽ leo lên phòng Lọ Lem khóa trái cửa từ bên ngoài, nhốt Lọ Lem trong phòng mặc cho nàng khóc lóc thảm thiết. Bà ta cười gian ác, thản nhiên bỏ chìa khóa vào trong túi và xuống lầu, nhưng không biết rằng hai chú chuột nhắt đã nhanh chân ăn cắp chìa khóa khi bà đang bận rộn nhìn hai con bà thử giày. Đại công tước tỏ ra thất vọng khi chứng kiến hai lần thử giày vô vọng bởi một bàn chân thì quá to, bàn chân kia thì lại quá nhỏ của hai cô gái. Ông lấy lại chiếc giày và chuẩn bị đi đến nhà kế tiếp thì nghe tiếng nói từ sau, “Đại công tước cho tôi thử giày với!”. Bà mẹ kế hoảng hốt bước tới chặn đường Lọ Lem, nhoẻn miệng cười ngọt nhạt với công tước “Đại công tước, đây chỉ là con bé đầy tớ nhà tôi”. Nhưng ông đẩy bà ra, nói, “Lệnh nhà Vua, thiếu nữ nào cũng được thử giày cả” và lấy chiếc giày pha lê đưa ra.

Bà mẹ kế nhất định không từ bỏ ý định xấu xa, bà ta giả vờ trượt chân té ngã vào người tùy tùng đang mang chiếc giày trên tay làm chiếc giày văng xuống đất vỡ tan thành những mảnh vụn. Đại công tước la lên, “ta phải thưa bẩm với nhà Vua như thế nào đây?”

Lọ Lem đưa tay vào túi mình rồi nhẹ nhàng lôi ra chiếc giày pha lê xinh xắn, “Thưa đại công tước, tôi còn giữ chiếc giày pha lê kia ở đây”. Vị đại công tước xỏ chiếc giày vào bàn chân nhỏ nhắn của nàng, chiếc giày vừa vặn sít sao. Ngay thời khắc đó, bà tiên đỡ đầu của Lọ Lem hiện ra, chấm nhẹ đũa thần vào người nàng, biến nàng trở lại là cô thiếu nữ đẹp tuyệt trần đã chiếm lấy trái tim Hoàng tử vào đêm dạ vũ.

Nàng Lọ Lem xinh đẹp được kiệu hoàng gia chở về hoàng cung. Ở nơi rực rỡ ánh đèn đó, giữa những lời chúc phúc nồng nhiệt và những tiếng chuông vang lên khắp cung điện, nàng Lọ Lem làm đám cưới với Hoàng tử… và họ sống bên nhau hạnh phúc đến trọn đời.

Những hiểu biết, quy tắc cần tuân thủ khi đọc truyện cổ tích cho trẻ.

Với trẻ dưới 10 tuổi, khi bạn mong muốn cho trẻ thấy rằng, con đã đến thế giới với những điều tốt đẹp, tình yêu, sự khoan dung, lòng biết ơn, công bằng, sự thiện lương, thì truyện cổ tích sẽ nuôi dưỡng nhu cầu này của trẻ. Bởi vì, trong một câu chuyện cổ tích, điều thiện luôn thắng điều ác, đây là điều khiến trẻ thấy thỏa mãn. Truyện cổ tích nói riêng, có thể dạy trẻ hấp thụ tốt hơn, dễ dàng hơn những nội dung khô khan nhàm chán trong sách giáo khoa.

Lặp lại: Bạn sẽ kể cùng một câu chuyện trong một đến hai tuần, trẻ càng nhỏ thì thời gian lặp lại càng kéo dài. Trẻ nhỏ thường đòi nghe đi nghe lại một câu chuyện dù người lớn thì chán lắm rồi, nhưng hãy kiên nhẫn và cần thấu hiểu các em. Những trải nghiệm này thực sự làm trẻ thích thú và thấy thỏa mãn. Vì việc lặp đi lặp lại như thế khiến các em tiếp nhận được câu chuyện ở mức độ rất sâu, và làm cho trẻ có cảm giác mình đang nắm bắt được một sự vật sự việc nào đó.

Không nên kể phần kết thúc cho trẻ, hãy để các em tự tưởng tượng, đưa ra kết cấu theo ý đồ của mình trước rồi sau đó mới kể về kết thúc câu chuyện và lời răn dạy cho trẻ. Điều này sẽ giúp các em phát triển tự do tư duy, tưởng tượng, từ đó không bị ràng buộc bởi các chương trình cụ thể, giáo điều được định hình, quy ước sẵn có.

Khi kể chuyện cổ tích cho trẻ 10 tuổi trở xuống, mục tiêu của chúng ta không có gì hơn là kích thích niềm vui, sự sinh động và cảm giác hào hứng với câu chuyện, không nên phân tích diễn giải gì thêm cho trẻ.

Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ sẽ phù hợp với những mẩu truyện khác nhau. Trẻ từ 0 đến 10 tuổi nhìn chung chúng nghĩ mình với thế giới vẫn là Một, chưa chia năm xẻ bảy, nên các truyện cổ tích đọc cho trẻ sẽ là các câu chuyện mang tính chân lý tổng quát, không mang nét đặc trưng riêng rẽ của nền văn hóa nào. Do đó truyện cổ Grimm là phù hợp trong giai đoạn này, vì nó không có vẻ đặc trưng của bất kỳ nền văn hóa nào nên trí tuệ trong đó mang tính vô thời gian và không gian, đặc biệt có ích trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Trẻ từ 10 tuổi trở lên, lúc này các em biết mình và thế giới tách biệt nhau, mới bắt đầu cho các em tiếp cận với truyện cổ tích, thần thoại của các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việc kể chuyện cổ tích cho trẻ nghe sẽ là nguồn dưỡng chất tuyệt vời nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em, như sữa mẹ cho con nhỏ. Tuy nhiên vẫn có quan điểm cho rằng truyện cổ tích có chỗ chưa thỏa đáng và không tốt như làm cho người ta trở nên thụ động, hay phụ thuộc vào người khác, thiếu tính độc lập... Lẽ nào truyện cổ tích chứa đựng những trí tuệ ngàn thu, mang thông điệp tâm linh được thu nhận và được kể lại dưới hình thức như những giấc mơ, thông điệp được truyền tải lại chỉ đến thế như người ta ngộ nhận. Thông thường trong truyện cổ tích bao giờ cũng có hai phần, phần xác gần như là phần nghĩa đen còn phần hồn nó trừu tượng, khó hiểu và dành cho những sự phát triển cao hơn về mặt tinh thần.

Nhiều người phản biện truyện cổ tích làm cho trẻ em ngộ nhận và ảo tưởng rằng cứ có chuyện gì khó khăn, thử thách ập đến là sẽ ngồi đó khóc và có một cô tiên, ông Bụt hay một hoàng tử xuất hiện và giúp đỡ, nhưng đây chỉ là phần xác gần với nghĩa đen nhất mà ai cũng có thể hiểu được.

Tuy nhiên, phần hồn của nó lại hoàn toàn khác, con người ngoài việc nỗ lực chủ động làm chủ cuộc sống của mình, còn nên nhận thấy mình nhỏ bé và bất lực khi cần thiết thay vì cứ duy lý trí. Sự bất lực trong các truyện cổ tích nếu biết nhìn rõ sẽ thấy đó là những bất lực khách quan, chứ không phải sự làm biếng hay ỷ lại. Những lúc đó sức của mình không thể tự làm được nữa, bất chấp cố gắng thế nào. Khả năng thấy được sự bất lực của mình thay vì cứ tiếp tục nỗ lực trong luẩn quẩn là rất cần thiết. Chẳng hạn trong truyện Lọ Lem, giờ dạ hội sắp bắt đầu, mà trước núi công việc bị bắt làm như thế thì sức người nào mà làm cho kịp? Nếu cô bé không cảm thấy việc tham dự dạ hội là rất quan trọng với mình, đã không gục khóc. Cứ từ từ làm khi nào xong thì xong, được đến đâu thì đến, trước đã khổ giờ khổ thêm lần nữa cũng có sao đâu. Vả lại, chính vì mẹ ghẻ thấy cô bé muốn đi dạ hội như thế nên mới giao việc không khả thi cho cô làm. Đây là thách thức, thử khả năng nhận biết trước bất lực của con người. Nếu cứ cắm đầu làm, thiếu sự sáng suốt thấy bức tường không thể vượt qua ngay trước mắt thì đã không được giúp đỡ. Trong truyện Lọ Lem, cả một đoạn đầu mô tả sự cố gắng của cô bé với cuộc sống khó khăn như thế, đây là nỗ lực làm chủ cuộc sống thì không còn sợ hãi khi sự bất lực thật sự đến.

Hãy trở thành người kể chuyện xuất sắc.

III. KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO

Lợi ích từ truyện cổ tích mở ra cho chúng ta một lời giải khác về một vấn đề rất quan trọng. Truyện cổ tích thể hiện tính sáng tạo, vì những sự việc trong đó xảy ra không theo tuân thủ theo một trật tự, logic, khuôn khổ, quy tắc nào cả, dường như phá vỡ mọi quan niệm thông thường. Chính vì thế rất phù hợp với tâm hồn trẻ nhỏ, giúp chúng tha hồ tưởng tượng, mơ mộng trong đầu mà không hề sợ hãi hợp lý hay bất khả thi. Với truyện cổ tích mọi thứ đều có thể, trẻ được tự do, tự do chính là nền tảng của sáng tạo.

Để ươm mầm cho năng lực sáng tạo của trẻ, bạn cần hiểu được bản chất của sáng tạo. Trẻ nhỏ và người lớn nằm ở hai thái cực khác xa nhưng lại là tiền đề bổ sung cho nhau. Đối với người lớn sáng tạo là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi. Trong khi đó sáng tạo của trẻ bắt đầu tự sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng và không có tính chủ đích. Việc sáng tạo của trẻ thường phụ thuộc vào cảm xúc, vào tình huống và kém bền vững. Nên cách người lớn tác động đến trẻ bằng những lời khen, động viên đúng lúc, sẽ giúp các em tự tin từ đó tạo ra chất xúc tác kỳ diệu nuôi dưỡng hành vi sáng tạo.

Nhưng phần lớn những trẻ em không được lớn lên trong môi trường kích thích sự sáng tạo, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Người lớn thích áp đặt ý tưởng, mong muốn, coi trọng cách làm của mình hơn là để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, được làm theo cái trẻ thích. Người lớn thường thích trẻ vâng lời hơn thích trẻ sáng tạo. Người lớn thích trẻ làm theo sự chỉ dẫn của mình hơn thích trẻ có ý tưởng mới. Người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin rằng trẻ có ý tưởng riêng. Người lớn không yêu cầu cao, không giao cho trẻ những nhiệm vụ đòi hỏi sự mạo hiểm, sáng tạo.

Điều này dẫn đến hệ quả làm trẻ có nguy cơ thiếu hụt sự trải nghiệm, ngăn trẻ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo. Nhiều người lớn vì sợ trẻ gặp nguy hiểm mà vô tình ngăn cản những hành vi mạo hiểm cần thiết để khơi dậy năng lực sáng tạo cho trẻ, làm chúng mất cơ hội trải nghiệm, trở nên thụ động và kém tự tin. Như vậy, có thể chính người lớn với những cách suy nghĩ, ứng xử không hợp lý, có gốc rễ từ yếu tố tâm lý, văn hoá, là nguyên nhân chính ngăn cản sự phát triển tính sáng tạo của trẻ.

Ngoài ra những nhân tố khách quan khác cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ sáng tạo như là “sự phát triển của xã hội”, lối tư duy thiên lệch về chủ nghĩa duy vật, tư tưởng sống quá đề cao vật chất trong những thập niên vừa qua. Hoạt động của con người thời nay, con đường mà người phương Tây dấn thân và người phương Đông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, làm gia tăng vật chất nhanh chóng. Sự tích lũy của cải và chiếm hữu vật chất dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học. Vì khoa học tiến bộ sẽ giúp nhân loại thỏa mãn các ham muốn và gia tăng vật chất mau chóng.

Chính vì thế mà giáo dục cũng trở thành công cụ bị lạm dụng bởi những mục đích trá hình, được ngụy trang dưới những danh từ hoa mỹ. Từ giáo dục mầm non đến đại học thay vì một nền giáo dục chân chính nhằm phát triển con người toàn vẹn, tìm tòi hiểu biết bản thân, tự chủ được chính mình, hòa hợp với thiên nhiên và vạn vật, hướng đến con người nhân văn, tự do, giàu tình yêu thương.

Hiện nay người ta xây dựng nên một nền giáo dục chẳng ăn nhập với mục tiêu ban đầu, bản chất nguyên thủy của giáo dục đã bị biến chất thành một mô hình, ép trẻ vào những đường lối đã được định sẵn, thành những công cụ phục vụ cho mục đích cụ thể. Cái mà ta gọi là giáo dục những đứa trẻ ở đây là họ dùng những lời ngon tiếng ngọt để thuyết phục các em rằng hãy suy nghĩ trong phạm vi khoa học, trong khuôn khổ những khám phá của khoa học mà được ứng dụng vào kỹ thuật, công nghiệp,… họ chỉ cho phép và dạy dỗ kiến thức, hiểu biết (tính toán, ghi nhớ, suy luận, lập luận, tư duy logic, khuôn mẫu làm việc,… ) có liên quan đến những thứ ấy mà thôi, làm đầu vào cho chuẩn nền tư duy của các em, rồi lại ứng dụng chúng không ngoài mục đích nào khác là trải nghiệm và thỏa mãn các nhu cầu vật chất.

Người ta lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại với trẻ rằng chúng phải cố gắng, phải tạo ra nhiều vật chất, phải thành công về mặt tài chính. Thay vì tìm thấy giá trị bên trong bản thân chính mình, người ta lại bắt trẻ tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài. Sự áp đặt của người lớn, của xã hội đã làm đứa trẻ không được tự do về ý chí, làm các em phát triển lệch lạc, thậm chí đánh mất hoàn toàn bản chất thực sự của mình. Hệ thống giáo dục như vậy chỉ khiến cho não trái phát triển vượt trội, nhưng lại khiến bán cầu não phải suy yếu, làm kìm hãm và giới hạn đáng kể sự sáng tạo.

Trong khi đó bán cầu não phải của trẻ nếu được kích thích hoạt động, trước tiên là một thế giới của sự hỗn loạn, bừa bãi, thế giới của nghệ thuật, thơ ca, tình cảm, cảm xúc, mơ mộng, thuần khiết, của sự “nổi loạn”. Chính cảm xúc bên trong này mới là điều quan trọng, giúp trẻ trở thành con người hoàn toàn tự do, con người của sáng tạo và hạnh phúc. Sự thật là hầu hết hệ thống vận hành trong nhà trường hiện nay được thiết kế để làm khô cằn tâm hồn, cạn kiệt sự sáng tạo và rút ngắn tuổi thơ của trẻ.

Trên đây là một số nguyên nhân cơ bản làm kìm hãm sáng tạo của trẻ em. Do vậy, những phương pháp sau sẽ giúp bạn biết cách gìn giữ, hóa giải và phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo cho trẻ.

1. Tự do trong suy nghĩ là sáng tạo

Trước hết không nên giới hạn suy nghĩ, trí sáng tạo của trẻ bằng kinh nghiệm của bản thân. Có nghĩa là, thông thường bạn đưa ra câu trả lời dựa trên những kinh nghiệm thu thập được trong quá khứ khi đứng trước vấn đề, liên hệ với những gì đã từng xảy ra. Bạn tự nhủ: “Tôi đã học được điều gì trong cuộc sống, trong nhà trường hay trong công việc giúp tôi giải quyết vấn đề?”. Rồi bạn lựa chọn phương án dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, không tính đến những giải pháp của người khác, để đưa ra quyết định một chiều của mình. Vì thực hiện theo các bước rõ ràng dựa trên kinh nghiệm, bạn ngạo mạn tin chắc giải pháp của mình, luôn đi theo lối mòn, sử dụng những thứ đã có sẵn mà không phát triển thêm.

Đây là nguyên nhân kìm hãm sáng tạo của trẻ em, cũng là nguyên nhân gây ra thoái hóa não đối với những người có tuổi. Trong khi lối tư duy giúp não phát triển sáng tạo và nhạy bén như một thiên tài là luôn đổi mới. Khi đứng trước một vấn đề nên xét đến nhiều phản ứng khác nhau, họ không thích sự lặp lại. Họ luôn tự hỏi làm sao để đưa ra nhiều phương án nhất có thể nhằm giải quyết vấn đề, thay vì hỏi xem kinh nghiệm quá khứ hay họ đã được dạy điều gì.

Vậy làm sao để cho các em bé có được tư duy sáng tạo như một thiên tài. Thực ra bản chất thực sự trong tư duy của một thiên tài là suy nghĩ, sáng tạo như một đứa trẻ. Thiên tài không sợ sai, trẻ em lại càng không sợ. Đặc điểm tâm lý chung ở trẻ em thường có xu hướng làm những điều chúng nghĩ, nếu chúng không biết, chúng vẫn thử, cho dù sai chúng cũng muốn làm, làm mà không do dự, thiên tài cũng vậy.

Đó là yếu tố căn bản để sáng tạo, thông thường muốn có ý tưởng thành công, có thể sẽ có rất nhiều ý tưởng. Không thể có ý tưởng tốt mà không trải qua các ý tưởng ngu ngốc, tệ hại và điên rồ. Sự sáng tạo đòi hỏi cần có can đảm buông tay ra khỏi những điều không chắc chắn, quy tắc, quy định, khuôn khổ giới hạn. Đôi khi ý tưởng điên rồ nhất có thể đưa ra giải pháp sáng tạo. Nếu bạn kìm hãm những ý tưởng, tưởng chừng như vô nghĩa này hay phê bình chúng quá sớm, có thể bạn đã vô tình ngăn cản quá trình dẫn đến cách tân thực tiễn. Sau đây là một trường hợp điển hình cho điều này:

Một nhà sản xuất muốn có ý tưởng để phát triển một dòng sản phẩm giày khác đi, họ tập hợp mọi người và nhiều ý tưởng mới được đưa ra. Cuối cùng mọi người thống nhất với ý tưởng được cho là ngớ ngẩn và điên rồ nhất của một nhân viên bán hàng sống gần lò mổ. Anh ấy cho rằng: “Tại sao chúng ta không thể khâu những đôi mắt bò có sẵn trong lò mổ gần đây vào mũi giày, để chúng có thể nhìn được mọi vật khi đang di chuyển nhỉ?”

Mới nghe có vẻ ngu ngốc và đáng cho một tràng cười. Tuy nhiên, sau đó họ tập trung phát triển ý tưởng này, họ cố gắng đưa ra nhiều giả định phát triển ý tưởng này như: Việc lắp ống kính quang học thay vì mắt bò, hoặc lắp một thiết bị hấp thụ chấn thương, hay khâu một đôi mắt bò giả để trông có một đôi giày thật đặc biệt. Sau đó có người đưa ra một gợi ý rằng thay vì để đôi mắt quan sát mọi nơi con người đi tới, tốt hơn là để người ta quan sát những nơi đôi giày đi qua. Và họ liên hệ được đôi giày với chiếc gương phản chiếu xe máy và đề nghị gắn thêm sọc phản quang vào gót giày, sau cùng gợi ý này đã được đưa vào phát triển sản phẩm. Ngày nay, chúng ta thấy những đôi giày có sọc phát sáng trong bóng tối để mọi người có thể xác định người đi bộ dễ dàng hơn. Phát minh này làm nảy sinh một ngành công nghiệp tập trung vào những sọc phản quang trên quần áo, mũ bảo hiểm và pedal xe đạp.

Bài học ở đây là gì, khi trẻ cố gắng suy nghĩ, đưa ra ý tưởng, giải pháp nào đó, bạn cần động viên, khuyến khích trẻ hiện thực ý tưởng của mình. Khi trẻ hoàn thành được việc, không những khẳng định nỗ lực, mà còn chia sẻ cho người khác biết. Điều này sẽ tạo nên vết khắc trong tâm hồn các em, trẻ được khuyến khích, tự do chơi với những ý tưởng của mình thì chúng càng tự tin và tin tưởng bản thân là một chủ thể độc lập sáng tạo. Thật ra sự sáng tạo luôn hiện hữu trong hành vi của trẻ, vấn đề là người lớn có nhìn ra, khích lệ, có biết phương pháp nuôi dưỡng và kích hoạt kịp thời hay không.

Sự giống nhau tiếp theo giữa tư duy của thiên tài và trẻ em là trong một vấn đề nhưng lại có những cách làm khác nhau, đưa ra được rất nhiều ý tưởng. Người Nhật Bản từng làm thí nghiệm như sau:

Họ tập hợp nhiều người lớn và trẻ em, chia ra thành hai nhóm tách biệt, sau đó “dùng bút chấm một chấm lên trên bảng”, rồi hỏi các đối tượng tham gia rằng “Đây là cái gì?”

Hầu hết câu trả lời của người lớn đều giống nhau “dấu chấm”. Đối với trẻ em hoàn toàn ngược lại, mỗi trẻ có một cách trả lời khác nhau, không ai giống ai cả. Nào là con đom đóm, tàu vũ trụ, cái đĩa, vòng tròn, ngôi sao, bông hoa, giọt nước, nước mắt,... Thiên tài khi nhìn vào “dấu chấm” cũng suy nghĩ như đứa trẻ vậy.

Trẻ em sinh ra đều là một cá thể độc đáo, không giống bất kỳ một ai khác, giá trị của chúng cũng chính là nằm ở sự khác nhau này. Chúng suy nghĩ, cảm nhận không hề giống ai cả, theo cách riêng của mình, không theo một kiểu mẫu nào có sẵn, độc lập, độc đáo, linh hoạt và sáng tạo. Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành thiên tài.

Nhưng tại sao khi lớn lên hầu hết kiểu tư duy này bị mất đi, thay thế bằng một tư duy đóng khung, cứng nhắc và thiếu sáng tạo. Đó là do trong quá trình đào tạo, tương tác với trẻ, người ta đã làm mất đi các đặc tính ấy.

Lâu nay nhà trường, gia đình và xã hội luôn dạy các em hướng đến một câu trả lời nhất định, họ đưa một hệ quy chiếu và hướng tất cả các em vào hệ quy chiếu đó. Người ta dạy trẻ em thế này: “Nào các em - Đây là dấu chấm (.)”, tất cả trẻ em đều đã được dạy chung một cách như vậy. Dấu chấm ở đây hiểu theo nghĩa rộng nhất tượng trưng cho những vấn đề, bài toán, giải pháp nào đó trẻ em gặp phải trong đời sống mà người lớn đã dùng kinh nghiệm và những quy ước có sẵn áp đặt lên trẻ phải nghe theo. Để mong muốn trẻ có thể nhớ, lĩnh hội, đạt được kỹ năng nào đó hay đơn giản là để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Như vậy, 12 năm ngồi trên ghế nhà trường và 4 năm đại học, những em bé thuở nào nhìn nhận “dấu chấm” là con đom đóm, tàu vũ trụ, cái đĩa, vòng tròn, ngôi sao, bông hoa, giọt nước, nước mắt,... giờ đây đã bị đồng nhất, tư duy đóng khung và không còn linh hoạt nữa. Ngược lại, không làm như cách cũ thay vào đó trước hết bạn khuyến khích, động viên để trẻ thể hiện quan điểm, ý tưởng, suy nghĩ theo cách riêng của mỗi em. Bạn đón nhận tất cả các câu trả lời, dù đúng hay sai, hợp lý hay phi lý, bằng lòng tôn trọng dành cho tất cả.

Sau khi nhận được câu trả lời hãy hỏi tại sao chúng nghĩ theo cách đó và chỉ cho chúng thấy một cách nghĩ khác. Không những thế bạn còn nên giải thích rõ cho trẻ hiểu rằng, cách suy nghĩ của các em không hẳn sai, chỉ là chưa đúng trong trường hợp này mà thôi. Nếu xét cụ thể trong bài văn này, với môn toán, ký hiệu này có thể là dấu chấm. Nhưng trong một hoàn cảnh, thời gian, không gian khác nó có thể là những sự vật hiện tượng hay ý nghĩa như các em suy nghĩ.

Làm được như thế trẻ mới thực sự hưởng lợi từ giáo dục, nhờ có giáo dục trẻ sẽ học hỏi thêm nhiều cái mới, kế thừa được những bài học, kinh nghiệm, trí tuệ của thế hệ đi trước. Nhưng đồng thời cũng độc lập phát triển được những giá trị bên trong, nhờ đó năng lực sáng tạo của các em sẽ được thăng hoa lên một tầm cao mới.

Trên thế giới mỗi đứa trẻ là độc nhất vô nhị, giá trị của các em nằm ở chỗ không giống số đông còn lại, vì vậy lựa chọn đầu tiên của các em nên trở thành là chính mình. Khi được là chính mình, các em sẽ tạo ra sản phẩm, sự cống hiến của mình là duy nhất. Nếu không tạo ra sự khác nhau và sự duy nhất mà chỉ chúng mới có được, trong một tương lai gần chúng sẽ trở nên vô dụng và bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc và robot. Vì chúng được lập trình và tạo ra để thực hiện những loại công việc có tính lặp đi lặp lại, thiếu sáng tạo, cảm xúc, sự linh hoạt trong tư duy. Tất cả những công việc đó sẽ sớm bị thay thế hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo.

Nuôi dạy con, đào tạo học sinh nên để chúng được tự do bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình. Nội dung bài học, câu hỏi, giải pháp, phương án vì thế không được phép đóng khung vào một diễn giải cụ thể nào, dù đó là của người thầy đáng kính, là bố mẹ của mình. Nếu không, đứa trẻ sẽ mắc kẹt vào một diễn giải, làm mai một sáng tạo, cá tính và đầu óc trở nên máy móc. Việc học, đào tạo trẻ không phải chỉ là ghi nhớ giải pháp bạn đưa ra cho trẻ, mà là tìm được bao nhiêu phương án cho vấn đề mình đang đối mặt.

Tóm lại, để trẻ đưa ra suy nghĩ, ý tưởng, giải pháp cho riêng mình. Khi tư tưởng được tự do thể hiện, cảm xúc trở nên tích cực bởi được động viên, khích lệ khả năng sáng tạo của trẻ em là vô hạn.

2. Sáng tạo trong đặt câu hỏi

Đặt những câu hỏi nhằm khơi dậy tư duy sáng tạo cho trẻ.

Sáng tạo từ những câu hỏi tại sao: “Tại sao lại có mưa? Tại sao buổi tối con mới nhìn thấy trăng sao, còn ban ngày thì lại không?”

Sáng tạo qua những câu hỏi phản đề lập dị: “Con nghĩ nếu mình có thêm một đôi cánh thì chuyện gì sẽ xảy ra, có những tiện ích hay rắc rối nào?”

Sáng tạo trong việc đặt câu hỏi giải quyết tình huống: “Con sẽ làm gì nếu con đang chơi trên một cái cây và chúng nói: “Ôi! Bạn làm mình đau quá”; “Nếu con và bạn cùng nhau muốn chơi cùng một đồ chơi, con sẽ xử lý thế nào?”

3. Sáng tạo thông qua sự liên tưởng

Con thấy bông cải này giống cái gì?

Con nghĩ cái chổi kết hợp với cái mũ, có thể cho ra thứ gì đó mới mẻ có ích không?

Con nghĩ đám mây kia giống hình dạng con gì?

Con thấy đĩa thức ăn này giống cái gì?

Sáng tạo qua sự liên tưởng nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp bất kỳ ai rèn luyện trí nhớ trở nên siêu việt. Trong quá trình hình thành ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt vào giai đoạn từ khi trẻ bập bẹ những tiếng vỡ lòng cho đến năm bảy tuổi. Mỗi khi bạn muốn dạy trẻ một từ ngữ mới nào đó hãy giúp trẻ liên tưởng đến một hình ảnh cụ thể nhất định. Chẳng hạn dạy từ, con bò, chiếc lá, thác nước, bông hoa, trái cam, mặt trăng,… thay vì lối dạy chay như bình thường hãy cho trẻ tận mắt chứng kiến những hình ảnh đó, sờ và cảm nhận nó, rồi cho trẻ liên tưởng những hình ảnh trong đầu, mỗi cụm từ mới mà bạn muốn dạy trẻ sẽ tương ứng với một hình ảnh cụ thể. Để mỗi khi chúng nói hoặc nghĩ đến một từ ngữ nào, trong đầu chúng lại liên tưởng ra những hình ảnh, âm thanh, màu sắc trong đó.

Đây là cách ghi nhớ của trẻ nhỏ trong những năm đầu đời, bằng cách đưa thông tin vào não thông qua hình ảnh, liên tưởng, sẽ giúp trẻ ghi nhớ dễ dàng, không một chút áp lực và đặc biệt không gây ra ức chế, cũng như mệt mỏi do não hấp thụ quá nhiều thông tin.

4. Sáng tạo thông qua đồ chơi

Đồ chơi gắn liền với tuổi thơ, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tư duy sáng tạo của trẻ. Như các cơ bắp trên cơ thể, muốn phát triển khỏe mạnh cần làm những công việc phù hợp như tập Gym.

Bạn có thể làm búp bê cho một đứa trẻ bằng cách bỏ một vật thể hình tròn vào trong chiếc khăn thắt nút tạo thành đầu, tạo hai góc thành hai chân, hai góc kia thành tay và vẽ mắt cùng mũi miệng. Hay bạn có thể tạo ra một cái xe bằng cách vót hai thanh tre nhỏ đâm xuyên quả dưa leo, cắt quả cà rốt tạo thành bốn bánh xe gắn vào.

Trái lại bạn có thể chọn mua cho đứa trẻ một con búp bê có tóc thật, má tô hồng và bộ váy tuyệt đẹp, xe đồ chơi hoàn chỉnh có cabin, gương chiếu hậu cùng với cửa.

Chúng ta không cần phải dông dài thêm về việc con búp bê, chiếc xe tải được làm thủ công kia rất xấu xí và có thể phá hỏng cảm nhận thẩm mỹ. Ở khía cạnh giáo dục vấn đề hoàn toàn khác.

Nếu có trước mặt chiếc khăn được gấp, chiếc xe được tạo thành hình, đứa trẻ phải bổ sung từ trí tưởng tượng của chính mình những gì cần thiết để biến nó trở nên thật và giống người, giống chiếc xe thật nhất. Công việc này của trí tưởng tượng làm cho não dần phát triển, cũng như các cơ bắp trên cơ thể khỏe hơn và to ra khi được tập Gym.

Khi bạn cho đứa trẻ búp bê được gọi là xinh đẹp và chiếc xe đã hoàn thiện thì não trẻ không còn việc gì để làm, thay vì mở mang, nó bị chậm phát triển và cằn cỗi hóa. Các đồ chơi chỉ chứa những hình toán học logic, đã hoàn thiện chức năng, sẽ làm nghèo nàn và mai một đi những nguồn lực sáng tạo ở đứa trẻ.

Trái lại, bất cứ thứ gì thổi bùng trí tưởng tượng về những sự vật sống động sẽ hoạt động theo cách đúng đắn. Nhưng trong thời đại mà con người quá chú trọng đến tư duy duy vật, lại không mấy sản sinh ra đồ chơi thực sự tốt cho trẻ em dùng. Chẳng hạn, tượng giấy có thể chuyển động trở thành một người hít xà đơn lên, xuống như một vận động viên, là một đồ chơi lành mạnh biết bao. Cũng rất tốt khi sách tranh ảnh có hình mà ta khiến nó cử động bằng cách kéo dây phía dưới, để đứa trẻ chuyển đổi một bức tranh cố định thành hoạt động mang sức sống. Tất cả điều này đem tới sự linh hoạt cho các cơ quan của cơ thể vật lý, từ đó mà những hình dạng đúng của chúng được xây dựng nên.

Tóm lại, đồ chơi và các hoạt động giải trí là hai việc đi song song trong quá trình phát triển tuổi thơ của mọi đứa trẻ. Thông qua các hoạt động giải trí và chơi với đồ chơi, trẻ em học được rất nhiều điều trong đó, hơn nữa trẻ chỉ thực sự chịu học khi đã được chơi đủ. Nên chúng ta cần đảm bảo thời gian đủ nhiều để cho trẻ thỏa thích vui chơi cũng như đa dạng các hoạt động và trải nghiệm.

5. Sáng tạo cùng vũ trụ

Với những gì được học, chứng kiến, trải nghiệm và đã thực hành trong suốt thời gian vừa qua, thì tôi cho rằng phương pháp để đạt được năng lực sáng tạo cao nhất là có niềm tin vào Vũ Trụ, có nghĩa là: “Khi bạn mong muốn, khát khao một điều gì, hãy gửi thông điệp lên Vũ Trụ. Vũ Trụ sẽ hồi đáp các ý tưởng, giải pháp, sáng tạo sẽ chui vào đầu bạn dưới nhiều hình thức khác nhau” và sự phản hồi diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

Niềm tin - niềm tin của bạn càng lớn, hiệu quả sẽ càng rõ ràng, ngược lại nếu bạn không tin vào điều mình đang làm, Vũ Trụ sẽ không cộng hưởng được với niềm mong muốn của bạn. “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”, theo cuốn sách Nhà giả kim của Paulo Coelho.

Nếu mong muốn mang yếu tố tinh thần thường đến ngay, còn cái gì càng vật chất hóa nó càng đến chậm. Chẳng hạn, mong muốn của bạn sở hữu cho mình một căn biệt thự, căn biệt thự là vật chất mà vật chất thường đến thông qua hành động. Nên nếu mong cầu vật chất hãy lập kế hoạch hành động, rất có thể ba mươi năm sau với rất nhiều cố gắng, bạn sẽ vỡ òa khi điều ước của mình trở thành sự thật. Ngược lại, nói về tinh thần cũng khá rộng, cảm xúc cũng là tinh thần, tri thức cũng là tinh thần, kết nối, tâm linh, các mối quan hệ cũng là tinh thần. Chẳng hạn, mong muốn của bạn có một ý tưởng hay để giải quyết được công việc hiện tại, rất có thể sáng gửi thông điệp vào Vũ Trụ trưa sẽ nhận được câu trả lời. Hoặc khi mong cầu niềm vui thì năng lượng chữa lành sẽ được gửi đến rất nhanh, bạn thực sự vui khi mình đã khỏi bệnh. Mỗi người đều có những tổn thương về tinh thần, thể xác, các nỗi đau trong quá khứ, nếu trong đầu bạn thỉnh thoảng thấy trỗi dậy một ký ức xưa cũ hiện về, nghĩa là nó đang được chữa lành.

Tần số - tần số càng cao rung động càng nhanh, thời gian sẽ càng rút ngắn lại. Khi tần số của bạn thấp thông điệp gửi đi sẽ rất lâu sau mới nhận về, nhưng tần số cao thì thông điệp gửi đi ngay lập tức có thể nhận được sự phản hồi.

Phúc của bạn, yếu tố cực kì quan trọng bạn có đủ phúc để nhận những điều mình đang mong cầu hay không, vốn dĩ Vũ Trụ rất công bằng, cho đi thì mới nhận lại, không cho đi thì không nhận. Phúc lại được tạo ra từ Đức. Nên người xưa thường nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Tại sao không phải: “Có phúc mặc sức mà ăn?”. Bởi vì, Đức tạo ra Phúc, Phúc xài mãi rồi cũng hết. Còn nếu có chữ Đức thì không thiếu Phúc. Thế nên xưa nay những người đức độ, người ta hay gọi thêm chữ Đức trước danh xưng như Đức Phật, Đức Chúa, Đức Giáo Hoàng, Đức Di Lặc. Vì vậy, nếu giữ được nền tảng đạo đức thì đối với cá nhân, gia tộc và quốc gia đó mới có thể hưng thịnh dài lâu.

Tĩnh lặng - không có tĩnh lặng Vũ Trụ không có phản hồi hoặc phản hồi rất chậm. Do đó khi bạn đã có hết các yếu tố cần và đủ, bạn đã tha thiết gửi thông điệp rồi thì đừng nghĩ đến điều đó nữa hoặc thiền, đó là cách tốt nhất để đón nhận quà tặng.

Sự vĩ đại của Tạo hóa là trao cho mỗi chúng ta - quyền tự sáng tạo ra cuộc đời của chính mình.

Hoàng Yến

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh