Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 1: Hiểu Biết Về Con Người, Biết Cách Giáo Dục Hiệu Quả

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 1: HIỂU BIẾT VỀ CON NGƯỜI, BIẾT CÁCH GIÁO DỤC HIỆU QUẢ

Thiên tài Albert Einstein

Bảy tiếng sau khi chết, bộ não thiên tài Albert Einstein đã được lấy ra khỏi hộp sọ. Ngày nay, tại Trường Đại học California Hoa Kỳ, đứng đầu là Giáo sư, Tiến sĩ Marian Diamond, phụ trách nghiên cứu để tìm ra sự khác nhau cơ bản trong cấu tạo não một người bình thường và một thiên tài. Bí mật cũng dần được hé mở. Họ phát hiện ra rằng một thiên tài có nhiều nơ-ron liên kết với nhau bên trong não hơn so với người bình thường. Điều đó có nghĩa, người có các nơ-ron liên kết với nhau trong não càng nhiều càng thông minh và ngược lại.

1027-tinh-hoa-giao-duc-chuong-1-hieu-biet-ve-con-nguoi-biet-cach-giao-duc-hieu-qua-1.jpg

Vậy các nơ-ron được liên kết với nhau như thế nào? Giữa các tế bào nơ-ron được liên kết với nhau bởi sợi trục, khi nhận được thông tin, sẽ có dòng điện rất nhẹ phát sinh và truyền đến các nơ-ron khác thông qua sợi trục (đây chính là tư duy của chúng ta). Nếu không có các sợi trục, tín hiệu điện thông tin sẽ không được truyền đi. Đồng thời, nó cũng làm phần đầu của sợi trục to ra, phần đầu liên kết hay còn gọi là xi-náp và nếu thường xuyên có các thông tin truyền qua, các xi-náp sẽ phát triển to ra. Các xi-náp sẽ liên kết với các xi-náp khác tạo thành liên kết của các nơ-ron với nhau. Ngược lại, những xi-náp không thường xuyên có thông tin truyền qua sẽ dần teo lại và biến mất, đồng nghĩa với việc các nơ-ron trong não không liên kết được với nhau.

Nguyên nhân và nguồn gốc của sự khác nhau này từ đâu? Thực ra, trừ một số trường hợp đặc biệt, não trẻ em sinh ra hầu hết đều không có sự chênh lệch quá lớn về các tế bào nơron, sự khác nhau giữa các tế bào nơ-ron sẽ thể hiện rõ nhất khi chúng trưởng thành: “Hệ thống dày đặc tế bào nơ-ron được liên kết bởi các sợi trục trong não, bắt đầu phát triển trong giai đoạn cuối của thai nhi và lớn lên mạnh mẽ sau khi trẻ được sinh ra”. Lúc này, não của trẻ em có cấu tạo nơ-ron rất phức tạp, tương đương não của một thiên tài. Nhưng sự phát triển tế bào nơ-ron chỉ tiếp diễn cho đến sau khi sinh mười tháng tuổi, từ đó sẽ giảm dần và trở lại bình thường cho đến năm sáu tuổi. Đây cũng là giai đoạn phản ứng gây ra sự khác nhau đặc trưng giữa chúng ta và thiên tài.

Có thể hiểu rằng, có càng nhiều các tế bào liên kết nơ-ron càng tốt, muốn có nhiều liên kết giữa các nơ-ron, cần cho trẻ càng nhiều tác nhân kích thích đến năm giác quan, trẻ sẽ dung nạp được đa dạng nguồn thông tin. Điều này định ước rằng, từ lúc lọt lòng cho đến sáu tuổi là một quãng thời gian đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển chung và bên trong mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn khả năng vô hạn. Việc của chúng ta là làm sao, để đánh thức được những thiên tánh đã sẵn có trong người mỗi trẻ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Như nhà khoa học người Nga Ivan Petrovich Pavlov từng nói: “95% tiềm năng phát triển của con người tập trung trong giai đoạn từ 0 đến 5 tuổi, chỉ có 5% sẽ được phát triển trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, và trẻ sơ sinh ra đời đến ngày thứ ba mới bắt đầu dạy dỗ thì đã trễ hai ngày.”

1027-tinh-hoa-giao-duc-chuong-1-hieu-biet-ve-con-nguoi-biet-cach-giao-duc-hieu-qua-2.jpg

Nắm bắt được quá trình phát triển não bộ của con người khi còn nhỏ, trong những thập niên gần đây, người ta bắt đầu phát triển và xây dựng một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới với tên gọi “Giáo dục sớm”. Giáo dục sớm hay nói cách khác, trẻ em càng nhỏ càng cần chú ý quan tâm giáo dục, là bước ngoặt trong cải cách và phát triển giáo dục nhân loại. Tuy nhiên, còn có những nhầm tưởng sai lầm trong định hướng, phương pháp thực hiện nhiều chỗ chưa hợp lý. Do đó, cũng chính trong thời gian này rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà tâm lý học, nhiều phụ huynh phản đối. Vì cho rằng giáo dục sớm làm già hóa đứa trẻ, đánh mất tuổi thơ, ảnh hưởng khó lường đến với tâm sinh lý trẻ em.

Trước hai luồng thông tin trái chiều đó, tôi cho rằng tiến hành giáo dục sớm cho trẻ rất quan trọng, nhưng làm sao để tránh được những sai lầm khi giáo dục sớm cũng là vấn đề quan trọng không kém.

Đầu tiên chúng ta cần có cái nhìn tổng quan của một nền giáo dục toàn vẹn rồi mới có thể đi vào từng chi tiết. Mà ở đây giáo dục sớm là một phần chi tiết của một bức tranh hoàn thiện. Khi có cái nhìn tổng quan, chúng ta hiểu được ý nghĩa của giáo dục sớm là gì, từ đó mới đi vào cái chi tiết bên trong, phát triển nó trong tổng quan bao trùm. Nếu không hiểu được như vậy, coi giáo dục sớm là một quá trình hoàn toàn đơn lẻ, độc lập mà không xem xét các khía cạnh còn lại, thì chúng ta mãi mãi sẽ đi vào ngõ cụt trong giáo dục sớm và lại tạo ra những “sản phẩm lỗi”. Hơn nữa, chúng ta cần xác định rõ ngay từ đầu giáo dục con người là giáo dục cái gì? Đích đến cuối cùng của sự giáo dục là hướng cho con người như thế nào? Có rất nhiều vấn đề, câu hỏi được đặt ra tại đây và hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời.

I. HỢP NHẤT VỀ MỘT

Đầu tiên cần hiểu được não bộ con người, từ đó mới biết cách can thiệp phù hợp. Theo các nhà khoa học thì đại não của chúng ta có hai bán cầu não, bán cầu não trái và bán cầu não phải, chúng đảm nhận một số chức năng khác nhau như sau:

Não trái (có chức năng điều khiển, kiểm soát, ấn định hoạt động của các cơ quan bên phải của cơ thể, trong đó có tay phải) suy nghĩ bằng ngôn ngữ, thiên về lý trí, logic, phân tích, lý luận, toán học, ký hiệu, từ ngữ phương tiện ghi nhớ sự vật, dễ nhớ tên hơn khuôn mặt, hình dáng. Các đặc tính của người thiên về não trái có tính tổ chức tốt, suy nghĩ chính xác và khoa học, thường sắp xếp công việc chu đáo, có khả năng lập trình tốt, tuân thủ chấp hành tốt các nội quy, luật lệ mà không thắc mắc. Họ giỏi trong việc phân bố, làm chủ thời gian, thường phân tích các vấn đề kỹ càng nên hành động thường an toàn, thích sự ngăn nắp và trật tự.

Người phát triển não trái sử dụng các lập luận thực tế, chính xác, tính lý trí cao trong việc nhận thức điều hành các sự việc và không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc.

Não phải (có chức năng điều khiển, kiểm soát, ấn định hoạt động của các cơ quan bên trái của cơ thể trong đó có tay trái) suy nghĩ bằng hình ảnh, trực giác, cảm hứng ngẫu nhiên, tư duy chủ quan hay cảm xúc riêng tư, thiên về tình cảm, có khả năng quan sát, sáng tạo, tưởng tượng, thích mộng mơ, thiên về màu sắc, nhịp điệu, nghệ thuật. Thiết lập cơ chế chụp ảnh sự vật khi phải nhớ một vật nào đó (có khả năng nhớ nguyên mảng), cần phải viết, vẽ hoặc dùng minh họa để ghi nhớ. Các đặc tính của người thiên về não phải là người không thích gò ép, làm việc theo ý thích, có tính nghệ sĩ nên tâm hồn hay bay bổng, muốn tự do, thích được trải nghiệm hơn là lý thuyết, không có khái niệm về thời gian. Có xu hướng không tuân thủ các quy tắc nội quy và hay đặt ra câu hỏi tại sao. Có tính bồng bột mang chút cảm hứng nên hành động khá liều lĩnh. Khả năng quan sát tốt, tuy nhiên có thể gặp khó khăn trong việc dùng từ ngữ và cách dùng ngôn ngữ khi thể hiện bản thân.

Người phát triển não phải thường dễ bị cảm xúc chế ngự, giải quyết vấn đề theo tình cảm và không thiên về vật chất.

Nếu não trái có xu hướng thiên về logic thì não phải lại thiên về sáng tạo. Khi chỉ mạnh về logic mà yếu đi sự sáng tạo thì bạn chỉ có thể di chuyển trong giới hạn, rất chậm và chỉ có thể từ điểm A đến điểm B, từ B qua C. Ngược lại, nếu chỉ có não phải mạnh mà não trái yếu, bạn như người lái xe mất phanh, chạy rất nhanh nhưng không bao giờ dừng lại đúng mục đích cần đến. Hai bán cầu não cân bằng thì bạn vừa có phương tiện để vượt qua những giới hạn vật lý thông thường, vừa có thể dừng lại ở đích đến mà bạn mong muốn. Người thông minh là người sử dụng và cân bằng được hai bán cầu não.

Nhưng phần đông con người ngày nay chưa thực sự cân bằng được sự phát triển của cả hai bán cầu, mà sử dụng mạnh mẽ và bị chi phối bởi bán cầu não trái nhiều hơn. Bằng chứng dễ thấy nhất là hầu hết mọi người dùng tay phải (chứng tỏ sự phát triển của bán cầu não trái) và có thể lý giải bởi một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn được các nhà khoa học khẳng định là thời kỳ phát triển vượt bậc và chiếm ưu thế của bán cầu não phải.

Qua thời gian này, sự phát triển của não phải sẽ dần giảm xuống.

Thứ hai, do những định kiến vô hình xã hội hiện nay đặt ra, buộc người ta không dám thoát ra khỏi đó. Chẳng hạn, nếu tuổi thơ được thỏa thích trần truồng tắm mưa, lớn lên, dẫu mặc vest mà đôi khi vẫn muốn tắm mưa, nhưng bạn lại không dám. Đàn ông thì không nên trở thành người nội trợ. Giáo viên không nên yêu học sinh. Người phụ nữ đã có chồng không nên đi ra ngoài chơi, nắm tay, ôm người đàn ông khác, cho dù đó là an ủi nhau... Những việc như vậy tuy rằng chẳng gây hại cho ai, thể hiện một điều rất tự nhiên ở mỗi người. Nhưng những định kiến lại giới hạn, ngăn cấm, đưa con người vào một lề lối nào đó, nỗi sợ hãi bị kỳ thị làm người ta không dám bộc lộ cảm xúc thật, thể hiện bản thân theo đúng con người thật, con người tự nhiên của mình. Thỉnh thoảng ai đó cũng muốn khác đi, nhưng rốt cuộc không ai dám bước ra khỏi ranh giới. Có khi, những người khao khát tự do đều tự buộc mình trong định kiến xã hội và cười nhạo những kẻ dám trở nên tự do khỏi nó. Điều này tạo nên ràng buộc vô hình, đóng khung tâm hồn và kìm kẹp sự phát triển của bán cầu não phải.

Thứ ba, não người được chia làm hai phần: bán cầu não trái và não phải. Muốn não hoạt động tốt, khai phá được tối đa tiềm năng con người thì cần sử dụng hài hòa cả hai bán cầu não. Nhưng hiện nay, hệ thống giáo dục dạy cách nắm bắt sự việc một cách chính xác, thiên về lý thuyết, thu thập kiến thức, đánh giá cao các bộ môn như Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, lý luận, tư duy logic,… cách giảng dạy máy móc dập khuôn, nhà trường chú trọng đến hệ thống, kỷ luật, các quy tắc. Định hướng giáo dục như vậy chỉ làm gia tăng sự phát triển bán cầu não trái và coi nhẹ bán cầu não phải, đánh mất đi sáng tạo, tư duy mang tính đột phá, tạo ra mất cân bằng giữa hai bán cầu não.

Hiểu được điều này, chúng ta cần tạo điều kiện cho sự phát triển bán cầu não phải của trẻ trước 14 tuổi, đặc biệt là từ 0 - 7 tuổi, để trong tương lai hai bán cầu có thể cân bằng và hòa hợp lại thành một. Vì vậy, với trẻ dưới 14 tuổi, những chức năng chuyên biệt của bán cầu não phải cần được quan tâm, chú trọng như các hoạt động thể thao, phát triển nghệ thuật, thông qua các hoạt động như thơ ca, múa hát, mỹ thuật, các hoạt động mang tính sáng tạo, suy nghĩ, ghi nhớ bằng hình ảnh trực quan, phát triển ngôn ngữ cơ thể, trí tuệ cảm xúc, dành nhiều thời gian cho vui chơi giải trí, tương tác yêu thương. Và những hoạt động tương tác này phải thỏa mãn, khuyến khích sự tự do, thể hiện suy nghĩ của mỗi cá nhân.

Tóm lại, việc giáo dục sớm nên đặt trọng tâm giúp trẻ phát triển những phẩm chất, chức năng của bán cầu não phải ở những năm đầu đời, để có sự cân bằng trong tương lai. Bên cạnh đó phương pháp giáo dục, cũng như cách thức tiến hành phải phù hợp với sự tiếp nhận của bán cầu não phải.

II. HIỂU BIẾT VỀ NÃO - HIỂU VỀ CON NGƯỜI - PHƯƠNG HƯỚNG GIÁO DỤC ĐÚNG CÁCH

1. Những hiểu biết cơ bản về não

Theo lý thuyết 3 não bộ của nhà thần kinh học người Hoa Kỳ tên là Paul MacLean, con người có tới ba bộ não. Đây có thể chưa phải là lời lý giải đúng nhất, chính xác nhất về sự bí ẩn của não bộ. Tuy vậy, là kiến thức quan trọng, mang đến cho chúng ta những giá trị nhất định để hiểu hơn về não bộ, từ đó biết cách tương tác, giáo dục trẻ em hiệu quả.

Não ngoài (não người) được tiến hóa mới đây vài chục ngàn năm, phần não mang lại cho ta những chiều kích lý luận. Nó cố gắng hoạt động để hiểu và đưa ra các lựa chọn lý tính, giải quyết những vấn đề phức tạp, cân nhắc các quyết định, kiểm soát, kiềm chế, điều khiển. Phần não này cho phép gạt đi những thỏa mãn tức thời để theo đuổi lợi ích lâu dài, những chuyện không tự nhiên mà có.

Vấn đề là ở chỗ não ngoài đi quá xa trong việc điều khiển và kiểm soát não bò sát, chính vì thế bạn mất đi tính tự phát và bản năng. Chẳng hạn, khi có ai đó nói rằng: “Hãy cho tôi biết một lý do xác đáng tại sao mẹ lại yêu con?”. Vậy liệu các người mẹ có một lý do xác đáng để yêu con họ không? Không, họ chỉ đơn thuần yêu chúng như vậy. Điều này theo một cách rất bản năng của não bò sát mà không cần một lý do nào cả.

Phần này của não bộ thường chưa có ảnh hưởng nhiều đến con người cho đến sau 7 tuổi. Do đó trước 7 tuổi, trẻ con không có khả năng cảm thụ và ghi nhớ so sánh về đại lượng. Ví dụ, bạn đem hai chiếc cốc, đổ đầy nước bằng nhau và hỏi đứa trẻ: “Hai cốc nước có bằng nhau không?”. Nó sẽ trả lời “có”, nhưng lấy một trong hai chiếc cốc đổ ra đĩa và hỏi: “Bên nào thể tích nước nhiều hơn?”. Nếu trẻ dưới 7 tuổi, trí não của chúng chỉ nhận biết được rằng hình dạng của nước biến đổi chứ khối lượng có thay đổi hay không thì chúng chưa nhận ra được, chúng sẽ dễ dàng nhận ra điều này khi lớn hơn một chút nữa.

Đối với não người còn có một sự phát triển cao nhất của trí tuệ trực giác, đồng thời cũng là dạng tư duy sáng tạo đáng kể hơn hết. Trực giác - khả năng tiếp nhận và lĩnh hội thông tin không có sẵn từ năm cơ quan cảm giác, khả năng này đặc biệt nhạy bén ở trẻ em, chúng phản xạ thông qua các hành vi phi lý trí (hành vi vô thức - khi trí não được thả lỏng tuyệt đối).

Não giữa (não thú hay não cảm xúc) đặc trưng cho những động vật có vú. Não trung gian thúc đẩy các loài động vật chăm sóc con cái bằng cách truyền tải những cảm xúc của sự âu yếm, ấm áp, như khi cha mẹ ở gần con của mình. Nếu xa rời mạng lưới này quá lâu, sự cô đơn sẽ xuất hiện và thúc đẩy bạn tìm kiếm các mối quan hệ, điều đó lý giải được phần nào con người là sinh vật sống bầy đàn. Trong quá trình nuôi dưỡng bào thai, mối quan hệ sự cảm nhận đã được kết nối ngay từ trong đó và cả sau khi ra đời. Vậy nên, cảm nhận đầu tiên của bạn về “bên trong” chính là bên trong mẹ của mình, chiều kích mang nặng tính nữ. Còn người bố được coi như bên ngoài, tìm kiếm thức ăn chu cấp cho gia đình. Sau đó bạn vẫn sẽ bám riết vào người mẹ, người mẹ ôm ấp bế nựng, bạn ở bên trong vòng tròn của mình. Bạn có đi ra khỏi cái vòng đó nhưng sẽ cố quay lại tiếp xúc với nó, qua đó bạn có được hơi ấm tình yêu, sự đùm bọc che chở, đó là cái nhất thiết phải có của mỗi con người. Thật hiếm khi ai đó có trải nghiệm tương tự như vậy với người bố.

Phần não này quyết định thứ con người thích và không thích (miền limbic). Việc nhớ các khoảnh khắc sẽ tạo một “vết khắc” thuộc về cảm xúc và sẽ được gợi lại sau đó cho các tình huống tương tự. Não cảm xúc mang nặng tính nữ, do đó những sự kiện càng tạo được ấn tượng đến các giác quan và có sự rung cảm, tình cảm càng được ghi nhớ rõ ràng hơn (đó cũng là cách để ảnh hưởng tới tiềm thức bằng tự kỷ ám thị một cách chủ động hơn). Đồng thời, còn chịu trách nhiệm cho hệ thống chuyển hóa, hệ thống miễn dịch của cơ thể, tình cảm, sinh lực, tấn công, chống trả.

Não trong (não bò sát) trước khi có chiều kích thích trí tuệ, những trải nghiệm sơ khai nhất khi bạn còn là đứa trẻ được ghi dấu trong não bò sát và những dấu ấn này rất có sức mạnh. Nhân tố cốt yếu trong quá trình hình thành trí não, nền tảng để bạn dùng đi dùng lại trong đời. Vì đó là phần não duy nhất hoạt động vào lúc này. Một cách bản năng, chương trình của bạn đã được lập sẵn ở đó với hai việc chính “tồn tại và sinh sản”. Có “trí khôn của loài bò sát” một chương trình được lập sẵn để bạn tồn tại khi vừa mới chào đời, tự biết phải làm gì. Một cách bản năng bạn biết mình đói và đi kiếm ăn, có thể “đánh hơi” được thức ăn, tự biết cách hít thở, tìm kiếm hơi ấm, cảm nhận được kẻ thù, biết ưu tiên cho điều gì. Và nếu hệ thống này ngừng hoạt động, bạn sẽ chết.

Vì không có khả năng học hỏi, phần não này điều khiển mọi thứ dựa trên phản xạ không điều kiện. Chúng phản ứng rất nhanh, linh hoạt và gần như không kiểm soát nổi. Nên đặc tính của phần não này là lười biếng, thiếu kiên nhẫn, ghét sự phức tạp. Trong khi theo chức năng sinh học của cơ thể, nó lại phản ứng ngay lập tức với những yếu tố nguy hiểm hay nhận biết các mối nguy hiểm.

2. Cách não bộ vận hành

Những thông tin mà bạn thu thập hàng ngày qua các giác quan như thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác sẽ có xu hướng di chuyển hơi khác dòng năng lượng. Có nghĩa khi thông tin đi qua các giác quan, nó sẽ đi vào não thú đầu tiên, mà không phải não người hay não bò sát. Minh chứng cho điều này là khi tiếp xúc với một số người, không hiểu sao ngay từ giây phút đầu tiên bạn đã có cảm tình với họ và ngược lại không hiểu sao lại có ác cảm với một số người. Rõ ràng mọi quyết định ở đây được đưa ra đầu tiên là do não thú, với chức năng cảm xúc quyết định chứ không phải khả năng tư duy, suy luận của não người. Hay trong chuyện tình cảm, chuyện “tiếng sét ái tình” minh chứng rõ ràng cho việc nhận định thông tin đầu tiên đi vào não thú.

Trên phương diện nghiên cứu tâm lý học, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, miền limbic của não thú là bảng điều khiển trung ương, cơ quan nhập thông tin chính từ thị giác và thính giác. Hai giác quan này thu thập chiếm đến 87% thông tin của não và một số trường hợp từ vị giác, xúc giác và khứu giác. Sau đó hệ thống này sẽ phân tích thông tin và đưa lên não người xử lý hoặc đẩy xuống não bò sát để phản ứng. Khi đó, phần não thú sẽ có thêm một chức năng khác là “chiếc van điều chỉnh năng lượng”, quyết định năng lượng sẽ được đi xuống não bò sát hay lên não người.

Những thông tin mà bạn thu thập và học hỏi hằng ngày, có thể chia làm hai loại là thông tin tích cực và thông tin tiêu cực. Chính tính chất thông tin kết hợp và chức năng điều khiển của miền limbic sẽ quyết định đến cách thức giải quyết vấn đề của não bộ. Khi thông tin đầu vào tiêu cực, chẳng hạn vào buổi sáng bạn thích ăn bún nhưng hôm nay dậy trễ, hết bún, đành phải ăn bánh mỳ, khi ăn bánh mỳ bà chủ quán lại không bỏ ớt, làm bạn ăn hơi nhạt miệng. Trên đường đi làm, xe chết máy bạn trễ giờ, khiến sếp khiển trách thì cả ngày hôm đó bạn dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và não bò sát sẽ làm chủ. Lúc này não bò sát thừa năng lượng và các chức năng bảo vệ, phản ứng của nó sẽ được khởi động tối đa. Bởi vậy, mỗi khi bạn bực tức hay phản ứng thấy gáy mình nóng ran, chân tay co cứng, các cơ giật liên hồi, máu sôi sùng sục. Khi đó bạn sẽ rất dễ phản ứng như một con thú, thấy đối tượng nhỏ hơn, dễ ăn thì “chiến đấu”, ngược lại thấy to hơn thì “bỏ chạy.”

Khi thông tin đầu vào tích cực, chẳng hạn vẫn trường hợp ở trên buổi sáng bạn dậy sớm, ra đường được người khác chào hỏi, ăn được bát bún yêu thích. Đi làm giải quyết vấn đề khó khăn, nên cấp trên khen ngợi, thì bạn sẽ có tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Khi đầu vào là những thông tin tích cực, hệ thống limbic sẽ khởi động, van năng lượng não thú sẽ mở ra đưa năng lượng lên não người. Não người được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng sẽ kích hoạt các dây thần kinh hoạt động, phân tích, xử lý thông tin và đưa ra giải pháp cho vấn đề một cách tốt nhất có thể. Cơ chế này hoạt động giống như luật hấp dẫn vậy.

Có rất nhiều ví dụ tâm lý học hành vi, chứng minh cho kết quả nghiên cứu trên của các nhà tâm lý học. Điển hình nhiều người trong chúng ta đã đôi lần đi thi, bạn cũng thường gặp phải tình huống: “Ở nhà ôn bài rất kỹ, nhưng vào phòng thi lại quên hết, ra khỏi phòng thi lại nhớ bài”. Lý do của hiện tượng này rất đơn giản, ở nhà môi trường thoải mái, bạn học ở trạng thái não người và không gian hưng phấn nên chức năng limbic được phát huy tối đa giúp bạn học tập và nhớ bài tốt. Nhưng khi vào phòng thi, không khí căng thẳng, van năng lượng não thú bị đóng lại, bạn rơi vào trạng thái não bò sát phản ứng nên quên hết kiến thức. Khi ra khỏi phòng thi, môi trường trở lại thoải mái, não người được kích hoạt và bạn nhớ lại hết những kiến thức đã quên.

3. Ứng dụng và cơ chế phát huy ba não

Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy rằng, thông tin đầu tiên sẽ đi vào não thú. Nếu thông tin tích cực thì não thú sẽ mở van năng lượng để não người hoạt động, nếu thông tin là tiêu cực thì van năng lượng đóng và bạn hoạt động ở trạng thái não bò sát, nghĩa là chỉ còn “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Vậy ứng dụng như thế nào để phát huy tối đa sự hoạt động của não?

Để tối ưu hóa hoạt động của não, khi bắt đầu làm việc hay giải quyết vấn đề, bạn cần chuẩn bị các yếu tố bên ngoài phù hợp, từ nhiệt độ, ánh sáng đến không gian, khu vực tư duy giải quyết vấn đề thỏa mãn não bò sát. Tiếp đến, nên đi vào giải quyết vấn đề với một tâm trạng thoải mái để trung khu cảm xúc của bộ não được thỏa mãn, khi hai phần não đó đã được thoải mái thì não tư duy sẽ hoạt động tốt.

Cách bạn tiếp cận tư duy hay phương pháp giải quyết vấn đề cũng tạo nên sự thay đổi. Chẳng hạn, như khi có ai đó hỏi bạn có thể làm được việc này không? Bạn trả lời: “Tôi không thể”. Đó là suy nghĩ tiêu cực và thực tế khi phản ứng như vậy não bộ sẽ dừng lại và không suy nghĩ thêm bất kỳ điều gì nữa, có chăng cũng chỉ là những lý do để biện bạch cho điều “Tôi không thể”. Ngược lại, bạn trả lời: “Tôi có thể”, hoặc “Làm thế nào để tôi thực hiện được?”, khi đó bạn sẽ tiếp tục mạch suy nghĩ, não sẽ đưa ra những giải pháp sáng tạo để xử lý. Sự thật là bất kỳ điều gì bạn muốn đều hoàn toàn có thể. Vấn đề ở đây là làm thế nào để có thể lạc quan, suy nghĩ tích cực hơn?

Cụm từ khóa: “Đừng chú ý đến những điều bạn không có, thay vào đó hãy phát huy tối đa những gì bạn đang có. Thay đổi cách nhìn, hướng vào điểm tích cực nhất của vấn đề.”

Hình ảnh hai lối tư duy này thường được ngụ ý rõ, và hiểu đơn giản là thông qua câu chuyện “Ly nước đã uống cạn một nửa”. Với người suy nghĩ theo kiểu tiêu cực, họ nghĩ: “Ly nước đã vơi đi một nửa”, nhưng đối với người tư duy tích cực, họ sẽ nghĩ: “Ly nước vẫn còn một nửa.”

Để giải thích cho lối suy nghĩ tích cực này phải kể đến một trường hợp kinh điển như bố của Lư Tô Vỹ người Đài Loan. Ông là một tác giả, diễn giả, nhà phát minh, chuyên gia trong lĩnh vực khai thác và phát triển tiềm năng con người, được độc giả Việt biết đến nhiều thông qua cuốn tự truyện Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác. Lư Tô Vỹ có thể hiểu theo đúng nghĩa đen, đứa trẻ chậm phát triển trí não thành một thiên tài. Lúc còn nhỏ bị bệnh Viêm não Nhật Bản, ông trở nên đần độn thực sự. Nhưng người cha của ông nghĩ gì? Là một tấm gương về lối suy nghĩ tích cực ra sao?

Khi còn nhỏ, có lần chị của ông mang bài thi về cho bố ký tên. Bố khen chị học hành tiến bộ. Ông cũng hí hửng lấy vở lật ra cho bố xem điểm 0 của mình, vậy mà bố ông cũng nói rất vui vẻ: “Vỹ nhà mình cũng có điểm này! Giỏi lắm, giỏi lắm! Điểm của Vỹ khác với điểm của Mỹ (Mỹ là chị hai của Vỹ), nhưng đều là điểm tốt.”

Một lần khác Vỹ mang xấp năm bài kiểm tra ra cho bố xem, dù đã quen với toàn những con điểm không của Vỹ, nhưng bố vẫn giả vờ lật rất nghiêm túc, lật xem từng trang, mỗi lần xem đều tấm tắc khen: “Bài này cũng có điểm, bài này cũng có điểm nữa”. Khi xem đến bài cuối cùng, bố đột nhiên trợn mắt, nhìn lại một lần nữa, sau đó ngạc nhiên kêu lên: “Vỹ ơi, bài này con có điểm thật này và ông hét lên một cách thích thú”. Rồi bố của Vỹ thưởng cho ông một món xa xỉ, lúc đó là đùi gà. Tương phản hoàn toàn với cha của Vỹ là bố của Nghĩa - bạn của Vỹ. Vì Nghĩa học lúc nào cũng được toàn điểm 10, nhưng hôm đó bài làm được điểm 9 và bị một trận đòn thảm khốc.

Lúc chị hai của Vỹ kể lại chuyện thầy của Vỹ xúc phạm và ví em trai mình như con heo, ông lại không hề tức giận mà cười an ủi rằng: “Nếu em của con là heo, nó cũng sẽ là con heo thông minh nhất”. Chị của Vỹ lại kể tiếp việc thầy giáo mắng Vỹ là con heo bị chấn thương sọ não, ông vẫn cười ha hả, vỗ vỗ đầu chị của Vỹ nói: “Đừng lo lắng quá. Người khác bị chấn thương sọ não thì càng ngày càng ngốc, em con thì càng chấn thương, nó lại càng thông minh.”

Khi Vỹ bắt đầu nhập học Trường Tiểu học Đại Khê, lúc kết quả thi học kỳ được gửi về nhà, tất nhiên chẳng có gì ngạc nhiên. Năm mươi bốn học sinh thì Vỹ đứng thứ 53. Khi nhìn vào thành tích của em mình, Mỹ la lên: “Em xếp thứ hai từ dưới lên này.

Bố sợ chị hai lỡ nói điều gì làm tổn thương Vỹ, lập tức đưa mắt nhìn ra hiệu chị hai đừng nói thêm nữa.

Vỹ à, xếp thứ 53 thì đúng là kém thật, nhưng ít ra con vẫn thắng được một bạn, đúng không nào?

Nhờ người bố như vậy mà khi Lư Tô Vỹ lớn lên, di sản đã kế thừa được từ người bố của mình là tinh thần lạc quan, tư duy tích cực, luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Bố của Vỹ là một người điển hình thực hiện triệt để được cụm từ khóa ở đây là: “Đừng chú ý đến những điều bạn không có, thay vào đó hãy phát huy tối đa những gì bạn đang có. Thay đổi cách nhìn, hướng vào điểm tích cực của vấn đề.

Ngoài ra để phát huy cơ chế ba bộ não tốt hơn trong cuộc sống và công việc, cần thay đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhất. Trước hết cần nhìn nhận những điểm tốt của mình, sau đó ứng xử tích cực với người khác. Bởi theo quy luật thì bạn tìm gì sẽ thấy được điều đó. Bạn tìm điểm xấu sẽ rơi vào não bò sát, bạn nhìn nhận và ứng xử tích cực, bạn sẽ khai thác tốt nhất chức năng não người.

Tóm lại: “Cười thì lên não người - Quát hoặc tát thì xuống não bò sát!”

4. Tạo lập và thay đổi tư duy

“Bạn nghĩ bạn có thể hay không thể bạn đều đúng” đó là câu nói của Henry Ford. Bạn nghĩ bạn là ai, số phận sẽ tạo nên con người bạn như vậy, nếu bạn biết hành động. Suy nghĩ là vật chất. Suy nghĩ quyết định tất cả những gì bạn có hoặc đã mất. Nhưng cái gì điều khiển tất cả điều đó? Câu trả lời là chuẩn mực tư duy hay còn gọi là khái niệm “chuẩn nền.”

Vậy làm sao để thay đổi và tạo dựng chuẩn nền tư duy tốt. Giải đáp được câu hỏi này sẽ tạo ra bước ngoặt cuộc đời cho mỗi cá nhân nói chung và lợi ích cho giáo dục trẻ em nói riêng.

Ngoài cách phân chia não bộ ra làm ba phần theo cách của Paul D. MacLean, các nhà tâm lý học cũng phân chia não bộ thành bốn miền tư duy: Miền ý thức, miền tiềm thức, miền chuẩn nền và miền vô thức. Căn cứ vào chức năng hoạt động của mỗi miền chúng ta thấy sự tương ứng: Miền ý thức tương ứng với não người, miền tiềm thức và miền chuẩn nền tương ứng với não thú, và miền vô thức tương ứng với não bò sát.

Như đã biết, thông tin đầu vào sẽ qua não thú và ở não thú, hệ thống miền limbic sẽ tiến hành đánh giá thông tin, xét theo sự tương ứng thì chức năng đánh giá thông tin chính là nhiệm vụ của miền chuẩn nền, nơi lưu giữ những giá trị, niềm tin và chuẩn mực của mỗi cá nhân. Khi thông tin đưa vào phù hợp với giá trị và niềm tin của chuẩn nền, thì sẽ được chuẩn nền đưa lên não người, ở đây não người có nhiệm vụ đánh giá lại thông tin, phân tích xử lý và đưa ra phương án giải quyết. Ngược lại, khi thông tin đầu vào không phù hợp với hệ thống giá trị, niềm tin của miền chuẩn nền, sẽ được miền chuẩn nền đưa xuống não bò sát và ở đây sẽ diễn ra quá trình phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy.”

Hệ thống giá trị, niềm tin của miền chuẩn nền là một phản ứng có điều kiện do quá trình tập luyện. Có thể liên tưởng điều này qua cách con người thuần hóa voi. Khi người ta bắt voi con, thời gian đầu phải dùng một sợi xích lớn để giữ, vì chúng sẽ cố gắng vùng vẫy hết sức lực nhằm thoát khỏi sợi dây đó. Nhưng con voi vẫn không bao giờ thoát được. Như vậy khi lớn lên, dẫu người ta buộc bằng một sợi dây nhỏ mà voi có thể dễ dàng vùng đứt, nó cũng không chạy đi đâu cả. Bởi vì, tâm trí chúng tin rằng chúng không thể thoát khỏi sợi dây, quá khứ nó đã làm như vậy rất nhiều lần. Niềm tin mà chuẩn nền tư duy hình thành trong con voi, đó là loại phản ứng đã được tạo lập rõ ràng trong tiềm thức và quyết định hành động của con voi về sau. Hay như ngạn ngữ Nga có câu nói: “Nếu bạn gọi một người là con heo, lần thứ nhất anh ta không tin nhưng đến lần thứ 100 anh ta ăn cám thật”. Hiểu theo nghĩa đen nếu cứ lặp đi lặp lại một điều gì đó, ở đây là nói cho một người biết rằng anh ta không phải là người mà là heo, anh ta sẽ nghĩ mình là heo thật và anh ấy sẽ ăn cám.

Để có một chuẩn nền tốt, một cuộc sống hạnh phúc, thành đạt, bạn cần bắt đầu xây dựng và hình thành những suy nghĩ tích cực, thói quen tốt. Quá trình hình thành chuẩn nền tư duy của mọi người là giống nhau. Chuẩn nền được hình thành không phải ở miền ý thức mà được tạo ra bởi miền tiềm thức.

Miền tiềm thức giống như một cái kho chứa đựng những dữ kiện của mỗi cá nhân. Theo nghiên cứu thì 95% những hành động của bạn thực hiện hằng ngày do tiềm thức chi phối. Những hành động suy nghĩ được lặp đi lặp lại hằng ngày, sẽ tạo vết khắc trong tư duy và được nổi lên trên miền tiềm thức và được chuyển lên miền chuẩn nền tư duy. Những suy nghĩ, hành vi không được lặp lại thường xuyên sẽ được chuyển lại và lặn sâu dưới miền tiềm thức.

Nhưng tạo lập và thay đổi chuẩn nền tư duy lại phải bắt đầu từ ý thức. Miền ý thức sẽ điều khiển, tác động đến sự chuyển dịch những giá trị, niềm tin từ miền tiềm thức lên miền chuẩn nền.

Chẳng hạn bạn cảm thấy bản thân mình một người sống không có mục đích, không biết mình muốn gì, niềm đam mê của mình là gì. Đây rất có thể là do quá trình dài ít nhất 20 đến 25 năm, bạn đã bị bố mẹ hoặc người xung quanh thiết lập tư duy, áp đặt tư tưởng những mong muốn của họ lên người bạn. Niềm tin này được bạn vô thức chấp nhận và chi phối tất cả những suy nghĩ hành động của mình, do đó nó cũng trực tiếp quyết định số phận của bạn. Nhưng vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn thức tỉnh, bạn không muốn sống cuộc đời thế này nữa, bạn muốn thay đổi, tìm lại chính mình, sống với đam mê thực sự, với khao khát của mình. Vậy làm sao để thay đổi được chuẩn nền tư duy, những niềm tin lệch lạc đã vô thức chấp nhận khi còn nhỏ? Muốn thay đổi được bạn cần trải qua một số bước mà tôi tóm gọn sau đây.

Bước thứ nhất, bạn cần biết rõ mình thực sự khát khao, mong muốn điều gì? Đó chính là từ khóa đầu tiên, có thể điều bạn muốn là trở thành người thay đổi nền giáo dục nước nhà chứ không phải thành một bác sĩ như bố mẹ đã định hướng, áp đặt cho bạn. Tư duy mới này cần được ý thức tạo lập trước hết.

Bước thứ hai, bạn cần tu thân, hành động từng bước nhỏ, bắt đầu vực dậy giá trị bên trong, nói và suy nghĩ như thể là bạn đã nhận được những gì mình mong muốn. Trước tiên bạn cần nhìn nhận lại bản thân, xem bản thể có hư hại, tổn thương chỗ nào hay không, để được chữa lành và trở nên lành lặn. Sau đó, bạn cần lặp đi lặp lại suy nghĩ này trong đầu, thực hiện những hành động thiết thực để tái thiết lập niềm tin bản thân như đọc sách về giáo dục, con người, quan sát và chơi với trẻ nhỏ, bắt đầu viết những bài viết có liên quan đến giáo dục.

Song song với những hành động, đồng thời dùng bán cầu não phải tự thôi miên chính mình, đó là sự chuyển hóa phần ý thức, niềm tin mới thành hình ảnh, cảm xúc, hình mẫu khác đi về bản thân mà bạn mong muốn trở thành. Chẳng hạn, bạn tưởng tượng mình đang đứng lớp và trò chuyện với rất nhiều trẻ nhỏ, bạn đang thuyết trình trước những giáo viên khác về phương pháp giáo dục mới. Ban đầu có thể bạn còn sợ, còn hoài nghi, điều này cũng dễ hiểu, tuy nhiên có lời khuyên ở đây là: “Dù sợ hãi vẫn cứ làm đi, dù hoài nghi nhưng vẫn cứ tin tưởng, tiếp tục hành động.”

Bước thứ ba, đón nhận bằng những hình ảnh trong tâm trí, lặp lại những suy nghĩ bằng hình ảnh mới trong đầu. Duy trì nó tối thiểu sáu tháng, thì những cảm xúc về giá trị trong niềm tin mới của miền ý thức sẽ thay thế cho những giá trị cũ miền tiềm thức, cuối cùng sẽ tạo lập lại một chuẩn nền tư duy, thói quen mới. Khi đó bạn sẽ sống với niềm tin mới về bản thân, từ suy nghĩ đến hành động đều được thay đổi. Do đó vận mệnh cũng khác đi.

Nghĩ về mục tiêu và kiên trì hành động

Nếu một người cảm thấy họ không thể làm được một việc gì đó, họ sẽ không bao giờ làm được việc đó. Phương pháp thay đổi là thay đổi tư tưởng, tư duy bằng tất cả sức mạnh trong người làm sao để toàn thân, từ đầu óc lan tỏa ra tất cả các tế bào trong cơ thể một ý nghĩ duy nhất: “Tôi có thể làm được”, nhất định họ sẽ làm được. Mỗi ngày nên lặp đi lặp lại hàng trăm lần câu “Tôi có thể, và tôi sẽ làm được chuyện đó”, cho đến khi nào bạn thực sự tin vào điều đó, hình ảnh đó xuất hiện rõ nét trong tâm trí thì bạn sẽ thay đổi được.

Một trường hợp cụ thể khác, khi tôi lần đầu tiếp xúc với Bella hai tuổi rưỡi, cũng như bao đứa trẻ khác mỗi lần bị ngã, tiếng khóc vang lên là ông bà chạy lại bế. Vậy nên với cô ấy chuẩn nền tư duy đó chính là té ngã - khóc - được bế. Nên dẫn đến hành động là khi ngã, đều nằm đó chờ người khác lại giúp mà không tự đứng dậy. Tôi muốn thay đổi chuẩn nền tư duy đó cho Bella, nên nói với Bella từ nay mỗi khi bị ngã con hãy tự đứng lên. Thời gian đầu lúc Bella vui đùa thỉnh thoảng bé chạy nhảy bị ngã, vẫn theo thói quen không chịu đứng lên nằm đó khóc đến gần ba mươi phút. Nhưng tôi nhất quyết không nhượng bộ và cũng ngăn cấm mọi hành động của những người xung quanh như bạn bè, ông bà, người thân nhằm giúp đỡ bé. Tôi cũng không mắng, hay hăm dọa bé mà hết sức nhẫn nại chờ đợi bé, cuối cùng Bella cũng tự mình làm được.

Những buổi sau vẫn còn khóc, nằm đó ăn vạ, đợi chờ sự giúp đỡ, nhưng giảm dần theo thời gian và sau những lần như vậy tôi lại nhắc em rằng: “Ngã hãy tự đứng lên nhé!” (trừ những trường hợp ngã quá nặng). Cứ như vậy khoảng năm tháng sau, có lần bé dắt xe đạp bị ngã, vừa ngã xuống một cách vô thức bé liền rưng rưng nước mắt định khóc, nhưng sau bấy nhiêu lâu tập luyện, nghe đi nghe lại lời tôi nói “Ngã - tự đứng lên”. Dường như trong khoảnh khắc đó, niềm tin về ý thức mới đã hoạt động, bé tự chủ cảm xúc của mình và đứng lên, rồi tiếp tục đạp xe. Từ đó về sau, Bella ngã tự đứng trên đôi chân của mình. Có nghĩa rằng tôi đã thành công trong việc tác động vào ý thức của em, thay thế ý thức mới vào trong tiềm thức cũ và hình thành nên một chuẩn nền tư duy mới.

Quá trình hình thành chuẩn nền tư duy cũng giống như hình thành thói quen, đầu tiên là đặt chuẩn mực và duy trì chuẩn mực đó trong thời gian tối thiểu sáu tháng. Chuẩn mực tạo suy nghĩ, suy nghĩ tạo hành vi, hành vi tạo thói quen và thói quen tạo nên số phận của mỗi người. Hệ thống limbic phát triển cao, tiếp tục kiểm soát tâm lý lành mạnh, khi đứa trẻ có tâm lý, tình cảm ổn định, nó sẽ tự do hoạt động ở mức độ cao hơn của cấu trúc vỏ não. Bạn nhìn nhận và ứng xử một cách tích cực, bạn sẽ khai thác tối đa chức năng của não người. Bạn thấy điểm xấu, bạn sẽ rơi vào não bò sát và nếu để phần não bò sát này chi phối, thì bạn không thể phát triển cao hơn.

5. Phương pháp giáo dục hiệu quả

Dựa trên khoa học não bộ và tâm lý học hành vi con người, chúng ta rút ra được những điểm quan trọng cốt lõi. Muốn giáo dục sớm nói riêng và giáo dục con người nói chung đạt được hiệu quả cao nhất, cần có những điều kiện sau.

Thứ nhất, cha mẹ, thầy cô, người huấn luyện viên, trong quá trình tiếp xúc với trẻ cần tạo được cho trẻ cảm giác an toàn, tin tưởng, vui vẻ và lan tỏa yêu thương. Thay vì quát mắng, đe dọa, tạo ra bầu không khí căng thẳng, hãy khen ngợi, khích lệ để không khởi động tính năng não bò sát. Nếu không làm được như thế, nói không quá nhưng bạn đang cố gắng “dạy một con bò đọc chữ”, và khi trẻ học không được bạn càng đánh càng mắng, gây thêm áp lực để mong nó làm tốt hơn. Sai lại càng sai, như thế chỉ làm trẻ thêm khó học, tiếp thu một cách thụ động, chậm chạp, khó nhớ, gây ức chế tâm lý, khởi động phản ứng não bò sát khiến trở nên lì lợm, cứng đầu, khó bảo. Muốn dạy được trẻ, muốn đưa thông tin vào đầu trẻ tốt nhất, cần diễn ra tự nhiên, sinh động, thông qua diễn kịch, đóng vai.

Tóm lại việc học tập trá hình dưới các hoạt động vui chơi, cần tổ chức sao cho tự nhiên, sinh động, như thế mới làm cho cảm xúc, tâm trạng của trẻ trở nên tích cực, vui vẻ. Khi đó sẽ khởi động được van năng lượng não người, có thể tiếp thu một cách hiệu quả. Là người hướng dẫn, chỉ đường cho trẻ dù bạn là ai, tài giỏi thế nào, nếu không làm cho trẻ có cảm tình thì sẽ không làm gì giúp trẻ được, ngược lại chỉ tổn hại đến các em. Vì khi bạn vô tình hay cố ý làm khởi động phản ứng não bò sát, trẻ sẽ phản ứng theo cơ chế “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, lúc đó trẻ không thể học hành tiếp thu được.

Trẻ không học từ những người mà chúng không thích.

Thứ hai, trong mỗi con người đều có hai phần, “phần người” biểu hiện cho sự thánh linh, linh thiêng, tâm linh bên trong và “phần con” thể hiện cho bản năng, dục vọng. Chúng luôn song song tồn tại, điều này hoàn toàn tự nhiên. Phần “con” đã giúp các loài vật, bao gồm cả con người, có thể kiếm ăn, lẩn tránh kẻ thù, thích nghi trong bầy đàn, sinh sản và duy trì nòi giống trong hàng triệu năm qua. Tuy vậy, xã hội loài người bắt đầu phát triển đột biến vài chục ngàn năm gần đây mà sự tiến hóa sinh học chậm chạp có lẽ đã không thể theo kịp. Kết quả là, một số yếu tố phần con ở vùng giáp ranh với phần người đã không còn phù hợp với xã hội con người hiện nay. Những “người bậc cao” là những người đã mạnh dạn, từng bước khai phá và làm chủ những vùng đất hoang đó. Chẳng hạn, sự ích kỷ có lẽ xuất phát từ nguồn gốc xa xưa khi chúng ta là những động vật săn mồi, khi mà ưu tiên hàng đầu là giữ cho chính mình không bị chết đói. Nhưng cho đến ngày nay những đặc tính đó vẫn chi phối mạnh mẽ hành vi mỗi người trong chúng ta. Một số trường hợp lý trí nhận thức việc chia sẻ thức ăn là tốt, thì sự ích kỷ cổ xưa vẫn dùng cảm xúc đố kị để điều khiển ta theo ý nó. Việc của não người lúc đó chỉ là ngụy tạo ra đủ mọi lý do để vẫn tự cảm thấy mình đẹp đẽ, che đậy bản chất nguyên thủy vẫn còn tồn đọng trong vỏ bọc và sự hào nhoáng của con người hiện đại.

Giáo dục sớm, có rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện, tuy nhiên điều quan trọng hơn hết thảy là khơi dậy được nhân phẩm, phẩm chất làm người bên trong mỗi đứa trẻ. Vì điều này sẽ được đánh thức dễ dàng trong những năm đầu đời, nhưng là yếu tố cốt lõi định hình nên con người và một khi đi qua giai đoạn đó sẽ rất khó để thay đổi. Nhờ vào trí năng phát triển, năng lực lĩnh hội, suy nghĩ nhanh nhẹn như thiên tài, nhiều người muốn đào tạo đứa trẻ trở thành thần đồng. Nên nhồi nhét cho trẻ thật nhiều kiến thức, sự hiểu biết về thế giới, học cái này biết cái kia, mà không khơi dậy được nhân phẩm, phẩm chất làm người cho các em thì mọi hướng đi, sự phát triển sẽ rất dễ dẫn đến bi kịch. Chưa kể đến cách tập trung phát triển giáo dục sớm như vậy, có đúng hay không, tạm thời chưa bàn đến. Dẫu có nuôi dạy và thực sự đánh thức được trí thông minh, tài năng, sở trường bên trong đứa trẻ đi nữa mà không giúp trẻ chuyển hóa được những trạng thái của bản năng lên cao hơn, tốt hơn, hoàn thiện hơn để cho những yếu tố này lấn át, kiểm soát lý trí. Tất cả những điều đó cũng không mang đến lợi ích gì cho đứa trẻ, thậm chí gây nguy hại cho xã hội.

Trước đây có một nạn nhân sống sót tại trại tập trung của Đức Quốc Xã sau này trở thành hiệu trưởng một trường trung học ở Hoa Kỳ. Mỗi khi có một giáo viên mới đến trường, ông đều gửi cho người kia một bức thư trong đó viết. Thầy cô giáo thân mến! Tôi đã từng tận mắt chứng kiến những tình cảnh mà nhân loại không nên thấy, những phòng khí độc do các chuyên gia kiến trúc sư kiến tạo ra, trẻ em bị các bác sĩ uyên bác hạ độc, trẻ sơ sinh bị các y tá sát hại. Chứng kiến hết, tôi tự hỏi: “Giáo dục cuối cùng là vì điều gì?”. Tôi thỉnh cầu các bạn, hãy giúp học trò của mình trở thành những con người có nhân tính. Chỉ khi học trò của bạn trở thành người có nhân tính, các năng lực đọc viết, tính toán của trẻ mới có giá trị. Giáo dục là giáo dục linh hồn con người chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét kiến thức và logic, nếu không tri thức càng nhiều thì càng nguy hại đối với nhân loại.

  • Có đức, có tài là bậc thánh nhân
  • Có đức, bất tài là bậc quân tử
  • Vô đức, có tài là người nguy hiểm Vô đức, bất tài là kẻ vô dụng

Tôn Ngộ Không là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tây du ký, khi vừa sinh ra vốn là một con khỉ có bản tính lương thiện, thuần khiết, chất phác tự nhiên nào có tham sân si, thất tình lục dục. Sau khi lên Linh Sơn bái Bồ Đề Tổ Sư học được thần thông, tâm tính cũng từ đó mà biến đổi, mang đến cám dỗ lớn khiến nó trở nên cao ngạo không xem ai ra gì, những ý niệm bất hảo dần dần nảy sinh chọc trời khuấy nước, gây bao phiền nhiễu. Nên mới cần rèn luyện dưới núi Ngũ Hành, rồi cùng Đường Tăng đi thỉnh Kinh, cũng lúc này Ngộ Không cần phát triển những mặt khác của cái tâm con người. Con người ngày nay phần lớn vẫn chưa tỉnh ngộ, chưa học được những bài học của người xưa. Những chương trình đào tạo, giáo dục hiện nay hầu hết chỉ tập trung phát triển tài năng, năng khiếu, trí não cho đứa trẻ mà bỏ mặc đi sự giáo dục về cái Tâm cái Đức, thì khác gì Ngộ Không lên Linh Sơn học thần thông. Nhưng nếu chỉ tập trung phát triển một chiều, cho dù có được cái tài ấy như của Ngộ Không cũng chẳng khác gì bạn đã gieo thêm một cái “Tai” cho con mình và cho cả nhân loại, nên cụ Nguyễn Du nói:

  • “Có tài mà cậy chi tài,
  • Chữ Tài liền với chữ Tai một vần
  • Đã mang lấy Nghiệp vào thân
  • Cũng đừng trách Trời gần, Trời xa
  • Thiện căn ở tại lòng ta,
  • Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”

Giáo dục có rất nhiều việc cụ thể, nhưng mục đích cốt lõi của giáo dục đứa trẻ là gì?

Giáo dục trong những năm đầu đời là giáo dục tâm hồn một con người, bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức - thành người thánh thiện, hiền đức, giàu lòng nhân ái, tình yêu thương phải lấy đó làm gốc. Cần làm tốt cho bằng được nhiệm vụ cốt lõi, thì việc cung cấp thông tin, kiến thức, phát triển các kỹ năng, năng tài cho trẻ em mới mang đến ý nghĩa và lợi ích thực sự. Nền giáo dục toàn diện, hiệu quả cần kết hợp được hai yếu tố làm khởi lên thiện căn bên trong đồng thời phát huy được trí thông minh, hiểu biết thành một con người cân bằng và trọn vẹn.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh