Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 19: Cách Trả Lời Thông Minh Cho Những Câu Hỏi Vì Sao, Tại Sao Của Trẻ

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 19: CÁCH TRẢ LỜI THÔNG MINH CHO NHỮNG CÂU HỎI VÌ SAO, TẠI SAO CỦA TRẺ

Trong quá trình tiếp xúc với trẻ, dù vô tình hay cố ý sẽ có rất nhiều những câu hỏi vì sao, tại sao của trẻ đã thử thách trí tuệ của người lớn chúng ta. Có lẽ bất kỳ ai không loại trừ thiên tài, con người kiệt xuất, hay một người thông thái nào trong cuộc đời, đứng trước những câu hỏi của trẻ nhỏ chắc cũng đã thốt lên rằng: “Chúa ơi, con chẳng biết gì cả khi đứng trước những đứa trẻ này”. Tuy vậy, dưới đây là những gợi ý của tôi cho cách phản ứng với những câu hỏi của trẻ. Tùy theo hoàn cảnh, ngữ cảnh, sự quan tâm của chính đứa trẻ với mỗi câu hỏi và phụ thuộc vào năng lực phát triển bản thân của mỗi người mà ta có thể linh hoạt ứng biến sao cho phù hợp nhất trong bốn cách dưới đây.

Cách thứ nhất, trẻ nào ở trong gia đình có bố mẹ làm nghề bác sĩ, phiên dịch viên, luật sư, điện tử, giáo viên dạy địa lý, lịch sử… thường chúng cũng có vốn hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực này. Đó là do trong quá trình tương tác hằng ngày, thông qua các câu hỏi vì sao, tại sao, trẻ đã được bố mẹ truyền tải một lượng lớn thông tin từ vốn hiểu biết có sẵn của mình. Như vậy có nghĩa là tùy vào vốn hiểu biết của bố mẹ mà sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến trí não của trẻ bấy nhiêu. Ngược lại, nếu bố mẹ không có kiến thức về một lĩnh vực nào đó trẻ cũng bị giới hạn hiểu biết của mình. Hơn nữa, hiểu biết của chúng ta rất giới hạn còn sự tò mò và những câu hỏi vì sao, tại sao của trẻ thì vô hạn.

Vì vậy thứ nhất nếu đứng trước câu hỏi mà thực sự gây khó dễ, bạn hãy nói với trẻ rằng: “Đây là một câu hỏi khó, bố cần suy nghĩ. Con có thể cho bố một chút thời gian được không?”. Nếu may mắn đứa trẻ sẽ tự trả lời luôn cho câu hỏi của mình. Bạn cũng có thể trả lời: “Bố không biết, điều này nằm ngoài sự hiểu biết của bố”, bằng cách thành thực với chính mình như vậy, ít nhất bạn cũng dạy con mình về lòng trung thực.

Còn nếu biết câu trả lời tất nhiên bạn cần giúp trẻ giải đáp thắc mắc. Tuy nhiên, cần chuẩn bị một cuốn Từ điển bách khoa đặt sẵn ở nhà, hoặc một cái điện thoại thông minh có kết nối với Internet. Trong trường hợp không thể tự giải đáp cho trẻ, thậm chí trong nhiều trường hợp dẫu có thể trả lời những thắc mắc cho trẻ. Bạn vẫn nên hướng trẻ tìm kiếm câu trả lời trong cuốn Từ điển bách khoa, điện thoại, hay chỉ một người khác có thể giúp trẻ giải đáp được câu hỏi của mình. Làm như vậy để sau này đứa trẻ sẽ linh hoạt tìm kiếm câu trả lời mọi nơi mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ ai, đồng thời biết cách sử dụng thiết bị điện tử một cách hữu ích.

Tuy vậy, khi đứng trước những câu hỏi của trẻ mà bạn cứ mãi dẫn dắt trẻ đến câu trả lời cụ thể, những giảng giải logic, khoa học như trong Từ điển Bách khoa, hiển nhiên và sẽ không lạ gì khi chỉ trong một thời gian ngắn, với tiềm năng trong những năm đầu đời, đứa trẻ sẽ mau chóng hấp thụ được một vốn kiến thức khổng lồ, có hiểu biết đa dạng. Cách làm đó đã đào tạo ra được những đứa trẻ mới chỉ bảy, tám tuổi cũng có thể phát biểu rất tự tin về những vấn đề như quyền trẻ em, vấn đề về ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu, trước những tổ chức quốc tế, thành tựu như vậy làm choáng ngợp và hấp dẫn nhiều bố mẹ.

Nhưng theo quan điểm của tôi, tôi cho rằng đó là một trong số những nhầm tưởng hoa mỹ, ngộ nhận mà người giáo dục sớm đã làm với trẻ. Trẻ nhỏ mà chúng ta đào tạo thiên về lý trí, trí óc trước tuổi lên bảy, sẽ mang theo một điều rất tệ hại vào đời: “Chúng ta dạy dỗ nó trở nên người chỉ biết tư duy duy vật. Càng dạy trẻ nhỏ thiên về lý trí, trí óc trước tuổi lên bảy, bạn càng tạo nên con người sau này chỉ biết tư duy duy vật. Bên trong những con người này có trực giác rằng mọi thứ đều chỉ là vật chất, bởi vì não đã bị đặt nặng hoạt động trí óc quá sớm.”

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Hơn nữa, việc tác động của bạn chẳng khác gì phun thuốc tăng trưởng cho một cây con. Thay vì những năm đầu đời cần nuôi dưỡng bộ rễ cho đâm sâu bám chặt vào mặt đất, tạo nên nền móng vững chắc làm tiền đề cho cây phát triển to lớn sau này, bạn lại phun thuốc tăng trưởng. Dĩ nhiên cây sẽ lớn nhanh, lá sẽ đẹp nhưng chuyện gì xảy ra sau đó thì hậu quả chắc bạn cũng có thể hình dung được.

Do đó đứng trước những câu hỏi vì sao, tại sao của trẻ, đặc biệt là các em dưới bảy tuổi. Bạn không nên lúc nào cũng trả lời theo cách đầu tiên vì mang tính logic, lý trí, cung cấp kiến thức thuần túy từ quá sớm cho các em. Do đó, để trả lời những câu hỏi tại sao, vì sao của trẻ còn thêm ba cách sau đây.

Cách thứ hai, hãy trả lời làm sao cho con lớn lên với ý niệm (phát triển thành niềm tin) rằng vạn vật chứa đựng trong chúng nhiều hơn mắt thường có thể nhìn thấy. Cây cỏ, con vật hay mưa nắng, mặt trời hay mặt trăng... đều chứa đựng phần mà con người cảm nhận bằng tâm hồn. Trực giác của chúng sẽ mách bảo còn có gì đằng sau đó nữa, cái mà ngũ quan không thấy được, nhưng “có vẻ” chúng vẫn tồn tại.

Hiểu theo tầng nghĩa cao nhất thì việc đứa trẻ được cho học đủ mọi loại kiến thức, xem mọi chủng loại khoáng chất, thực vật và động vật khả dĩ cùng với đủ mọi thí nghiệm vật lý, cũng không có lợi ích gì nếu như việc dạy những thứ đó không gắn liền với một điều cao hơn.

Đây là giai đoạn cực kì nhiều câu hỏi và nhiều trẻ giờ đây hỏi bố mẹ: “Con từ đâu mà ra?”. Chúng nhìn chung sẽ nhận được câu trả lời rằng: “Từ cơ thể mẹ mà ra” và nhiều người có thể tự vỗ vai khích lệ bản thân đã thật hiện đại và thẳng thắn. Nhưng đó lại là một câu trả lời hoàn toàn trống rỗng về trí tưởng tượng và về ý tứ thật ra là rất hạn hẹp.

Bởi vì, tại sao bạn lại cho rằng khi đứa trẻ gọi (chính mình) “con” là nó chỉ đang nghĩ đến cơ thể vật lý của nó, một mặc định mà có lẽ chỉ có ở thời hiện đại? Trẻ con sáng suốt hơn bố mẹ chúng khi bảo rằng mình “từ trên trời xuống”, trả lời một câu hỏi như vậy quả là cơ hội tốt để khơi dậy óc tưởng tượng. Vì thế ở độ tuổi này những câu trả lời của bạn dành cho đứa trẻ được “thần tiên, cổ tích hay tâm linh hóa”, là một giải pháp tuyệt vời.

Đối với cá nhân tôi, tôi cho rằng đây là một trong những câu trả lời tốt nhất cho trẻ, nhưng cũng không dễ dàng. Chẳng hạn, trẻ hỏi: “Tại sao trời lại nắng?”, có thể bạn sẽ trả lời: “Trời nắng là cô tiên cho ánh sáng”. Ý tôi là thậm chí những câu trả lời giàu trí tưởng tượng vẫn nên có cơ sở từ một niềm tin rõ ràng đến mức nào đó, để chúng không khiến bạn “lấn cấn” với sự trung thực của chính mình. Thứ hai, hướng dẫn trí tưởng tượng một cách đúng đắn để trẻ nhỏ lớn lên, đã biết tư duy lý trí, khi nhớ lại những câu trả lời cũ vẫn không chê bai, dè bỉu bạn.

Mặc dù việc hoàn toàn thức tỉnh trong cuộc sống khi lớn lên là điều cần thiết, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Việc cho phép trẻ con sống càng lâu càng tốt trong những trải nghiệm nhẹ nhàng, mộng mơ, để trẻ ở trong “thế giới thần tiên”, cũng cần thiết y như vậy, để chúng lớn chầm chậm bước vào đời. Chúng cần được ở lâu trong miền tưởng tượng, ở với những năng lực tạo hình ảnh mà không đặt nặng hoạt động trí não càng lâu càng tốt. Trong nền văn minh hiện đại của chúng ta, nếu được nuôi lớn mạnh khỏe và không bị ép hoạt động trí não quá thiên lệch, trẻ nhỏ sau này sẽ lớn lên có đủ năng lực, trí não cần thiết như cách chúng cần có.

Cách thứ ba, khi trẻ đặt câu hỏi vì sao và tại sao, thay vì trả lời trực tiếp bạn có thể trả lời bằng câu trả lời gián tiếp.

Con: “Mẹ ơi, ăn cơm được chưa ạ?”. Cách trả lời trực tiếp từ người mẹ: “Chờ chút nữa mới ăn con nhé”. Thay vào đó gián tiếp trả lời: “Bữa ăn sẽ bắt đầu khi có bố ngồi vào bàn.”

Con: “Bố tắm xong chưa ạ?”. Cách cũ người bố sẽ trả lời như thế này: “Bố tắm vừa xong”. Cách mới: “Con thấy đầu bố còn ướt không”, hoặc là “Người bố còn mùi xà phòng đấy.”

Con: “Mẹ ơi cho con đi chơi được không ạ?”. Cách bạn thường trả lời: “Trễ rồi, không đi được”. Gián tiếp trả lời: “Rất tiếc, sắp đến giờ học bài rồi con ạ.”

Cách thứ tư, khi đối mặt với những câu hỏi vì sao và tại sao, không nhất thiết lúc nào cũng cần trả lời trẻ. Bạn có thể đặt câu hỏi ngược lại để hỏi trẻ, đó cũng là một dạng câu trả lời tuyệt vời.

Con hỏi: “Vì sao mẹ chia hai miếng bánh khác nhau?”

Mẹ trả lời: “Con nghĩ tại sao mẹ lại chia hai miếng bánh khác nhau?” Con: “Vì sao mẹ lại không cho con đi chơi?”

Mẹ: “Con nghĩ tại sao hôm qua mẹ cho con đi chơi, mà bây giờ lại không cho con đi vậy?”

Con: “Tại sao mẹ lại không mua kẹo cho con?”

Mẹ: “Con nghĩ tại sao mẹ mua trái cây cho con mà lại không mua kẹo?”

Kinh nghiệm: Sau khi hỏi ngược lại và trẻ trả lời, nên hỏi tiếp câu mà trẻ vừa trả lời. Hãy nhớ rằng đừng chỉ dừng lại chỉ bởi một câu hỏi đầu tiên, sau cùng mới nói lên câu trả lời của bạn. Bằng cách này thay vì trẻ thụ động tiếp nhận một vấn đề chúng sẽ tiếp nhận chủ động; thay vì xem xét vấn đề từ một khía cạnh, chúng sẽ thấy vấn đề ở nhiều góc nhìn. Đồng thời thông qua việc hỏi ngược lại giúp trẻ tăng cường khả năng tập trung, quan sát và suy nghĩ độc lập.

Trong một hoàn cảnh có nhiều phương án để giải quyết, trong một bài toán có nhiều chìa khóa để mở, đằng sau những câu hỏi của trẻ cũng có nhiều cách khác nhau để trả lời, cần linh hoạt ứng biến.

Cách mà bạn thường trả lời trẻ một cách ngắn gọn, có hoặc không, trả lời cho qua chuyện, hay những phản ứng khó chịu trước những câu hỏi, không đáp ứng được nhu cầu thực sự của trẻ em. Người bố thường là người kiếm tiền chủ lực nuôi sống gia đình, ít dành thời gian tiếp xúc với con. Người mẹ bận rộn với công việc nội trợ, người lại dùng thời gian sửa soạn cho bản thân, dùng điện thoại lướt mạng xã hội, xem phim Hàn Quốc. Nhiều ông bà chỉ thích ngồi xem tivi, theo đuổi các thú vui cá nhân, không dành thời gian quan tâm các em. Thì đôi khi câu hỏi của trẻ không đơn thuần nhằm mục đích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, mà chúng hỏi để được tương tác, được có cảm giác quan tâm. Nhu cầu mong muốn mình được hiện diện, được tồn tại, nhiều lúc nhu cầu này còn lớn hơn nhu cầu đầu tiên nữa.

Đồng thời, trả lời theo cách như vậy không tốt cho sự phát triển trí thông minh của trẻ. Theo như nội dung cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” của tác giả Daniel Kehlmann, hành vi của chúng ta được điều khiển bởi hai hệ thống khác nhau. Một là, phản xạ được đảm nhiệm bởi não bò sát tư duy theo hệ thống cũ (tư duy nhanh). Hai là, phản xạ do não người đảm nhận, tư duy theo hệ thống mới (tư duy chậm).

Hệ thống cũ là bản năng, tự động, cảm tính và hệ thống mới chín chắn, chậm rãi, toan tính, hay suy xét. Khi đối đầu với nhau, sự tương tác của chúng quyết định cách bạn nghĩ, đưa ra giải pháp và hành động.

Hệ thống cũ là phần bộ não hoạt động theo trực giác, thường không có sự kiểm soát của ý thức. Bạn có thể trải nghiệm hệ thống này hoạt động khi nghe thấy một âm thanh rất lớn và đột ngột. Bạn sẽ làm gì, phải chăng sẽ tự động chuyển sự chú ý của mình đến nó, đó là hệ thống một. Hệ thống này có thể là di sản của quá trình tiến hóa hàng triệu năm, những lợi thế sống còn nằm bên trong khả năng ra quyết định và phán đoán nhanh chóng.

Hệ thống mới ám chỉ phần bộ não chịu trách nhiệm cho quá trình ra quyết định, lập luận và tạo dựng niềm tin của mỗi cá nhân. Nó điều khiển các hoạt động có ý thức của tâm trí như tự kiểm soát, khả năng lựa chọn và chủ ý tập trung. Chẳng hạn, bạn đang tìm kiếm một cô gái giữa đám đông, tâm trí của bạn sẽ cố tình tập trung vào nhiệm vụ. Nó nhớ lại đặc điểm của người đó hay bất cứ thứ gì giúp xác định được cô, khả năng này giúp loại trừ sự sao nhãng, giúp bạn bỏ qua những đối tượng không liên quan. Nếu duy trì sự tập trung có chủ ý, bạn có thể phát hiện cô ấy trong vài phút, trái lại bị phân tâm thì khó có thể tìm thấy được.

Thông thường khi đối mặt với tình huống chưa rõ ràng, hệ thống cũ sẽ gọi hệ thống mới để giải quyết vấn đề. Vì xử lý thông tin theo hệ thống mới đòi hỏi sẽ tốn nhiều năng lượng và thời gian, cùng khả năng tập trung suy xét kỹ lưỡng hơn. Nhưng thường hệ thống cũ sẽ bị lừa, nó nhìn nhận vấn đề quá đơn giản mà không hề suy xét, nó đánh giá chưa đúng mức tình huống mà mình đối mặt và chủ quan khi tin rằng nó có thể làm chủ được, dẫn đến rất nhiều sai lầm không đáng có. Tập luyện hệ thống mới, là một phần rất quan trọng trong trí tuệ của con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng làm những công việc có liên quan đến hệ thống mới đòi hỏi sự tập trung và tự kiểm soát sẽ giúp bạn thông minh hơn.

Thế nên khi đứng trước những thắc mắc và câu hỏi vì sao và tại sao của trẻ. Bạn thường trả lời có hoặc không, thái độ tiêu cực hoặc trả lời cho qua chuyện. Đó là do bạn đánh giá chưa đúng mức độ vấn đề, dẫn đến phản ứng quá nhanh với thông tin, nên thường xuyên dùng tư duy theo hệ thống cũ để trả lời trẻ. Ngược lại, khi trả lời theo ít nhất một trong bốn giải pháp ở trên, có nghĩa là lúc đó sức mạnh ý chí đã dâng cao. Bạn đánh giá vấn đề một cách quan trọng hơn, đòi hỏi nhiều thời gian và suy tư hơn. Khi đó tư duy theo hệ thống mới sẽ được kích hoạt.

Cũng như vậy, khi trẻ nhận được câu trả lời của người lớn theo một trong bốn cách như đã gợi ý ở trên, là sự luyện tập tư duy theo hệ thống mới của trẻ có thể phát triển một cách tự nhiên.

Việc luyện tập tư duy một cách chủ đích tùy vào từng loại hoạt động. Tư duy theo hệ thống cũ và hệ thống mới đều có ưu và nhược điểm, mang theo ý nghĩa riêng của nó. Vấn đề ở đây là bạn áp dụng linh hoạt tùy vào từng loại tình huống. Bạn có thể chú ý ảnh hưởng đến mức năng lượng nào, mà tâm trí sử dụng để chọn hệ thống nào làm chủ cho phù hợp với từng công việc đó.

Khi không cần kêu gọi sự tập trung và cần ít năng lượng, bạn ở trong trạng thái đầu óc thoải mái. Tuy nhiên khi cần sự chú ý, tâm trí cần sử dụng nhiều năng lượng hơn và bước vào trạng thái căng thẳng. Những thay đổi này trong mức năng lượng của não có tác động đáng kể lên cách bạn hành động.

Lúc đầu óc thoải mái, hệ thống cũ làm chủ cảm tính sẽ tự chủ tâm trí, hệ thống mới logic và cần nhiều năng lượng sẽ suy yếu. Điều này làm bạn có những quyết định mang tính trực giác, sáng tạo và tích cực hơn. Khi đầu óc bạn tập trung suy nghĩ, nhận thức được nâng cao, hệ thống mới sẽ làm chủ. Hệ thống này có xu hướng kiểm tra lại các phán xét hơn hệ thống cũ, vì vậy mặc dù bạn có thể bớt sáng tạo đi, nhưng sẽ ít mắc lỗi hơn.

Chẳng hạn như khi áp dụng hai lối tư duy này vào việc giáo dục trẻ em, bạn sẽ thấy sự khác nhau rõ ràng giữa ưu và nhược điểm. Nếu chú ý quan sát người phương Tây, họ sẽ thiên về phát triển hệ thống mới nhiều hơn. Do đó đặc điểm dễ nhận thấy khi hệ thống mới chiếm ưu thế trong con người là tư duy rất logic, khả năng suy luận tốt, suy nghĩ chặt chẽ, giỏi lý luận. Vì thế họ cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi lối tư duy này trong cách giáo dục con. Họ nuôi con bằng trách nhiệm, mọi thứ đều được tính toán chi li rõ ràng, phân tích rạch ròi, rất có nguyên tắc.

Nhưng nuôi dạy con thiên về hệ thống hai, phát triển bán cầu não trái hơn não phải, nặng về trí não hơn con tim của người phương Tây sẽ làm cho con người sống “quá lý trí”. Khi lý trí nảy nở mạnh hơn tình cảm, mọi thứ đều quá rạch ròi, làm như vậy tuy chẳng có cái gì sai nhưng lại làm con người ta trở nên khô cứng, thiếu đi tính người, tình người và sự ấm áp trong con người với con người với nhau.

Còn người phương Đông thì ngược lại, họ phát triển mạnh mẽ về sự sùng tín, trực giác, sống cảm xúc, nhưng người tình cảm quá đôi khi cũng không giải quyết được vấn đề gì, vì thế ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi dạy con. Phần đông họ vẫn yêu thương con bằng tình yêu thương tử cung, dạy con cũng lại bằng những cung bậc cảm xúc của bản năng ấy, thiếu đi lý trí, tư duy logic nên phạm phải rất nhiều sai lầm trong giáo dục, mà từ đó vô tình làm hư hại đứa con.

Cả hai đều không có sự cân bằng, nên sự giao thoa giữa các nền văn hóa sẽ là cơ hội tốt để hòa hợp, hoàn thiện nền giáo dục cả hai bên. Nuôi con bằng tình yêu thương thuần khiết, bằng con tim dịu dàng, mềm mỏng, nhưng dạy con nên dùng lý trí, sự hiểu biết để trở nên mạnh mẽ và sáng suốt. Sẽ là khôn ngoan khi trong mọi tính toán của lý trí, bạn đưa vào một chút tình và trong những cảm xúc yêu thương, bạn đặt để vào một chút lý. Chẳng có một quy tắc nào giúp bạn biết là nên cân bằng giữa lý và tình như thế nào cho vừa phải. Điều này bạn phải học một cách từ từ qua những kinh nghiệm trong cuộc sống và có khi là qua cả những lần sai phạm. Nhưng ít ra ý thức về điều này sẽ giúp bạn cẩn trọng hơn trong những chọn lựa của mình.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh