Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 24: Tự Do Tư Duy - Nhiệm Vụ Tối Thượng Của Người Làm Giáo Dục

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 24: TỰ DO TƯ DUY - NHIỆM VỤ TỐI THƯỢNG CỦA NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC

Sau đây là mẩu đối thoại thường thấy trong đời sống hàng ngày giữa bố mẹ với trẻ em, mà có thể bạn cũng đã từng bắt gặp không ít lần.

Bố: “Đây là đường nhựa hay đường bê tông?”.

Con: “Đường nhựa bố ạ”.

Bố: “Không đúng, là đường bê tông.”

Mẹ: “Đố con đây là màu gì?”.

Con: “Dạ, màu đỏ”.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Mẹ: “Sai rồi, là màu da cam.”

Bố: “Hỏi 7 cộng 15 bằng mấy?”.

Con: “Bằng 25”.

Bố: “Không phải, bằng 22 mới đúng.”

Mua đá năng lượng:

Mẹ: “Trời lạnh quá, mặc áo ấm vào đi con”.

Con: “Con không lạnh, không muốn mặc”.

Mẹ: “Lạnh như thế này mà nói không lạnh à, mặc vào.”

Con: “Mẹ ơi con thích mặc cái này”.

Mẹ: “Không, cái đó xấu lắm, cái này đẹp hơn, mặc cái này vào đi.”

Khi đi mua đồ cho con.

Mẹ: “Con thích cái nào? Thôi con còn nhỏ quá, để mẹ chọn luôn.”

Bố: “Có chuyện gì vậy con?”. Khi con kể lại sự việc đã gây nên rắc rối, bố trả lời: “Vậy à, con nghe bố, làm như thế này là được.”

Khi đứa trẻ làm một điều gì đó chưa đúng với điều thường tình hoặc không giống với số đông, hẳn nhiều người sẽ phản ứng: “Đừng có làm như vậy nữa, không có ai làm như con hết.”

Nếu bạn là đứa trẻ và bị mắng với những từ này, bạn sẽ như thế nào? Tôi đặt một tình huống thế này, nếu bạn vừa mới đầu quân cho một công ty, giả sử bạn là sinh viên mới ra trường, khi mà kinh nghiệm làm việc chưa có và thế giới quan còn khá đơn giản. Với một công việc, bản kế hoạch, hay một dự án bạn đã dày công chuẩn bị, thế nhưng kết quả đổi lại: “Không đúng, sai rồi, cô/cậu chưa hiểu vấn đề; Đừng; Không ai làm việc như bạn cả, cứ làm theo tôi…”. Nói thật lòng mình xem, bạn có bị tổn thương không? Kể cả khi bạn thật sự làm chưa tốt nhưng khi nghe những lời ấy, có thực sự giúp bạn tốt hơn? Đó có thể là động lực để bạn tiếp tục cố gắng, nhưng tôi tin chắc ai cũng sẽ trải qua khủng hoảng không nhiều thì ít. Bạn là người lớn, có đủ hiểu biết và có khả năng miễn nhiễm để vượt qua chuyện đó. Nhưng đối với những đứa trẻ, bạn có bao giờ nghĩ chúng sẽ ra sao? Tổn thương, bực tức? Đó chỉ là những cái bạn nhìn thấy được ngay lúc đó. Còn tư duy trẻ bị hạn chế, lỗi của ai?

Xuyên suốt tuổi thơ, chắc hẳn chúng ta cũng chẳng thể nhớ hết đã bao nhiêu lần quan điểm, trí phán đoán và cảm nhận của bản thân bị trực tiếp gạt đi bởi bố mẹ, nếu không đúng ý của họ, chúng ta phần lớn phải nghe theo, thừa nhận những suy nghĩ áp đặt. Họ xóa bỏ những giá trị bên trong của chúng ta, lấp vào đó bằng những giá trị của họ. Rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong một nền giáo dục bị mặc định, áp đặt và chúng đã tiếp nhận hết thảy những điều đó một cách vô thức. Lớn lên chúng cũng sẽ trưởng thành, kết hôn, sinh con và chúng cũng sẽ nuôi dưỡng đứa con như cách mà chúng được nuôi dưỡng, mà chưa bao giờ đặt câu hỏi cho những hành vi của mình xuất phát từ đâu và có ý nghĩa như thế nào.

Hậu quả

Bạn biết không, đặc điểm tâm lý và tính cách của những đứa trẻ như vậy, sau khi quan sát tôi rút ra được vài điểm nổi bật như sau. Trước hết đứa trẻ sẽ rất nhanh học được cách giao tiếp của bố mẹ, khi nhận được thông tin trái chiều, trẻ cũng sẽ phủ nhận bằng những cụm từ khuôn mẫu từ trước như của bố mẹ từng dùng “không phải, không đúng, sai rồi”, mà không bao giờ biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận, nhìn nhận vấn đề dựa trên suy nghĩ, quan điểm của đối phương. Nhưng phủ nhận như thế dù đúng hay sai, cũng đánh một cú đau vào lòng tự trọng của người khác. Nhiều người dù biết mình sai, họ vẫn cố phản biện, bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, nên thường gây ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi lớn. Ngược lại, cũng đứa trẻ đó khi đưa ra một kết luận, nhận định hay một giải pháp bất kỳ mà bị ai đó phủ nhận quan điểm, thường chúng sẽ không có khả năng bảo vệ, giữ vững quyết định của mình.

Khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, chắc chắn sẽ tiếp xúc với nhiều môi trường và cám dỗ khác nhau. Như khi đi chơi, chúng có thể sẽ được mời thử thuốc, uống một ly bia, một ngụm rượu, làm một việc tốt,… nếu đứa trẻ có suy nghĩ độc lập, một khi chúng đã từ chối sẽ rất khó có thể lay chuyển chúng thay đổi lại quyết định. Tuy nhiên, với những đứa trẻ thiếu đi sự độc lập trong suy nghĩ, gần như chưa bao giờ dám nói “không”. Khi được bạn bè mời gọi, thuyết phục đứa trẻ đó sẽ có xu hướng chấp nhận nhiều hơn như một thói quen vô thức bị áp đặt từ lúc nhỏ.

Lớn lên bước chân vào cuộc sống, những đứa trẻ ngày nào dù đã lớn vẫn gặp khó khăn khi tin tưởng bản thân, không phân định được đúng sai, hành động, quyết định bị chi phối bởi số đông. Số đông làm thì có nghĩa là đúng, số đông không làm có nghĩa sai. Chúng dễ dàng hùa theo đám đông mà không có định hướng, lập trường riêng của cá nhân, tư duy của chúng bị ràng buộc bởi các yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn, một học sinh quyết định thi vào ngành xây dựng chỉ vì ngành này đang được ưa chuộng và nhiều người đăng ký, chứ không dựa trên năng tài, năng khiếu của bản thân. Một người nông dân dễ dàng chuyển đổi canh tác, thay đổi cây trồng, chỉ vì rất nhiều người khác đang trồng loại cây mới, giá thành cao, mà không hề phân tích tới thị trường, cung cầu như thế nào. Một người có thể từ bỏ ước mơ của mình, chỉ vì người khác cho rằng điều đó không phải là ý hay, hay đơn giản họ bảo anh ta rằng chẳng ai làm điều ấy cả.

I. PHÁT TRIỂN NỘI LỰC TỪ BÊN TRONG, GIAI ĐOẠN TỪ 0 ĐẾN 7 TUỔI, BẢO VỆ CÁ TÍNH, LẬP TRƯỜNG VÀ QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN LÀ NỀN MÓNG NỞ RỘ TƯ DUY VỀ SAU

Sách “Sáng thế ký” trong Kinh Thánh có viết về một nhân vật tên Nô-ê, người mà vào thời xưa ơi là xưa nhờ vào một Đấng không ai biết rõ mặt mũi tay chân, không có chứng chỉ, bằng cấp, quốc tịch, chưa được truyền thông công nhận gọi là Đức Chúa Trời, đã chỉ dẫn cho ông làm một con thuyền và điều kỳ lạ hơn nữa là nó ở trên núi. Nhân vật Nô-ê nổi tiếng khắp thế giới đến thời đại của chúng ta, gắn với hình ảnh “siêu thuyền Nô-ê” và trận Đại Hồng Thủy.

Chúng ta hãy đặt vị trí của bản thân mình vào hoàn cảnh của Nôê, xem ông ta đã phải đối mặt với điều gì trước đám đông. Đó là sự cười nhạo, khinh thường, chỉ trích, bị cho là điên, khùng, tâm thần, bệnh hoạn, thậm chí là bị bài xích vì tự dưng khi trời đang yên biển đang lặng, mưa thuận gió hòa mà ở trên núi lại đóng một con thuyền siêu to khổng lồ để “cứu rỗi nhân loại”… ai mà tin được chứ.

Hình ảnh về Nô-ê mang đến một thông điệp vượt thời gian, từ xưa đến nay những người mở đường, có tư duy đột phá, suy nghĩ sáng tạo, người có trí tuệ đi trước thời đại đều tư duy vượt lên trên suy nghĩ nhất quán của đám đông. Họ dám “bước ra khỏi vòng tròn” mà số đông thường giới hạn bản thân trong đó, và chính họ thiết lập để bảo vệ mình trước sự an toàn giả tạm. Nô-ê hay những người đi tiên phong đều có suy nghĩ cấp tiến, họ vượt ra ngoài nhận thức của đám đông, giá trị thông thường, nên ông dễ dàng bị đánh giá, phán xét, bị áp lực nặng nề. Nhưng đặc điểm chung của những con người vĩ đại đó là họ rất có cá tính, lập trường và có quan điểm cá nhân rõ ràng. Họ không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, không bị tác động bởi đám đông mà thay đổi ý định của mình, điều mà người bình thường không đủ ý chí, lòng can đảm để đối mặt và vượt qua.

Bài học được rút ra, việc nuôi dưỡng trẻ trở thành người có cá tính, lập trường và có quan điểm cá nhân là điều hết sức quan trọng. Để đứa trẻ ở trong đám đông, hòa mình với xã hội, nhưng sẽ không hùa theo bất kỳ ai cả, sẽ là một cá thể hoàn toàn độc lập trong quần thể. Đứa trẻ cần có năng lực phân định đúng sai, biết bảo vệ hay phủ nhận và một khi niềm tin đã được xác lập từ bên trong, giúp chúng dám dấn thân trên con đường mà mình đã chọn. Hoàn toàn không bị chi phối bởi đám đông, chúng có khả năng miễn nhiễm với mọi đánh giá, phán xét, chúng hành động theo thôi thúc từ bên trong, theo kịch bản cuộc đời mà chúng đã chọn lựa là tốt đẹp nhất, chứ không phải kịch bản mà bị người khác áp đặt.

1. Được quyền tự quyết và tự chọn

Để nuôi dưỡng được một đứa trẻ cá tính, có lập trường và hình thành được quan điểm cá nhân rõ ràng, những việc tưởng chừng như rất đơn giản và nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày. Bạn nên chú ý, đừng tự ý quyết định mà cần tôn trọng, hỏi ý kiến và để cho trẻ từ từ từng bước có thể tự đưa ra lựa chọn cho chính mình.

Con thích mặc áo ngắn tay hay áo dài tay.

Con muốn cắt kiểu tóc thế nào.

Bố đi đến nhà ông nội, con muốn ở nhà với mẹ hay đi với bố.

Con có muốn chụp hình cùng bố mẹ không? Hãy tạo dáng theo ý muốn của chính con.

Con hãy tự chọn bàn học của mình.

Con muốn ăn bao nhiêu, tùy vào nhu cầu của con.

Hôm nay con thích tắm với bố hay với mẹ, hay như thế nào.

Tóm lại hãy để cho đứa trẻ được tập sự, được quyền có những quyết định từ việc đơn giản cho đến phức tạp, từ nhỏ cho đến lớn, phù hợp theo độ tuổi nhận thức của mỗi trẻ. Chúng được tự do đưa ra câu trả lời “có” hoặc “không” cho riêng mình, thể hiện cho tiếng nói và mong muốn thực sự bên trong của các em, đối với những sự việc, sự vật có liên quan đến bản thân.

Kinh nghiệm: Khi bạn cho trẻ một số quyền tự quyết tự chọn sẽ nảy sinh một số vấn đề cần chú ý như sau.

Một: Nhiều người khi cho con lựa chọn, nhưng họ lại hay dùng lăng kính chủ quan của mình phán xét cái này được cái kia không được, cái này đẹp cái kia chưa đẹp, cái này đúng cái kia chưa đúng. Như vậy sẽ làm đứa trẻ sau này không muốn đưa ra quyết định nữa. Cho nên, khi bạn đã để con được tự do ý chí thì đừng nên phán xét, nếu không sau này con sẽ vô thức không thiết tha lựa chọn nữa.

Hai: Trong một số trường hợp, nếu để trẻ tự ý quyết định có khả năng chúng sẽ chọn lựa sai lầm và dẫn đến hậu quả nhất định, hoặc gây ra rắc rối. Tuy vậy, vẫn nên để trẻ chọn lựa, thậm chí càng nhiều càng tốt, vì như thế các em sẽ học được nhiều bài học qua sai lầm của mình, tạo nên nền tảng vững chắc, giúp trẻ phát triển tính cách độc lập, tự chủ hơn.

Từ đó bạn có thể yên tâm và dần dần buông tay cho trẻ hướng đến tự do.

Trong lúc chuẩn bị đi ra ngoài chơi, trời lúc đó rất nắng (một số trẻ đang đi chân đất) bạn nên giải thích cho trẻ hiểu: “Ngoài kia trời đang nắng, nếu con không đi dép chân sẽ bị nóng rát rất khó chịu. Ngược lại, con mang dép chân sẽ không sao cả, mà con có thể đi chơi thoải mái”. Nếu trường hợp trẻ không làm theo lời khuyên và thường chúng cũng sẽ không nghe đâu - trẻ con học thông qua thực hành, ứng dụng thực tế chứ không phải thông qua khuyên bảo, giáo huấn, lý thuyết. Như vậy cứ để thuận theo ý trẻ, khi đi ngoài trời nắng, nóng chân, chúng sẽ nhận ra được bài học của mình. Hay khi trẻ muốn ăn ớt thì bạn chỉ cần nói: “Ăn ớt sẽ rất cay đó”. Thường thì trẻ không nghe đâu, trẻ vẫn sẽ cố thử, bạn không nên cản hay ngăn cấm trẻ. Cứ để các em cắn trái ớt, rồi nhận ra bài học.

Đặc điểm chung của những sai lầm này là người chọn lấy quyết định ngay lập tức sẽ nhận hậu quả từ sai lầm của mình và nhanh chóng rút ra bài học, không mang rủi ro và cũng không quá nguy hiểm. Tóm lại, với những tình huống tương tự như trên bạn nên để cho trẻ tự chọn lựa và điều quan trọng phải để cho trẻ tự chịu trách nhiệm.

2. Không phải chuyện gì cũng được quyền tự quyết và tự chọn

Chẳng hạn, một số việc như con thích uống nước suối hay nước ngọt? Con thích chơi điện tử nhiều hay ít? Con muốn đi ngủ vào lúc mấy giờ? Con thích tự xúc cơm hay để mẹ đút? Con bị ốm, con có muốn đi bệnh viện hay không? Con thích học trường A hay trường B? Con có muốn bố mẹ khơi dậy ý chí, tự chủ cho con không? Tóm lại: Những vấn đề có liên quan đến sức khỏe, sự sinh tồn, tính ổn định, nhịp điệu, hoặc cái gì làm nền tảng cho một đứa trẻ thì không phải vấn đề nào cũng để con tự chọn, tự quyết được.

Trẻ nhỏ chưa tự chủ được đòi hỏi, cám dỗ của thân tâm trí, chưa phân biệt được tốt xấu đúng sai, nên không phải chuyện gì cũng cho trẻ tự chọn, tự quyết. Hơn nữa, nhiều sự việc diễn biến chậm, nếu như không có đủ sự hiểu biết và tầm nhìn sẽ không thể nào biết cách để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất. Nên có một số trường hợp, dẫu sự việc có liên quan trực tiếp đến trẻ, bạn vẫn quyết định thay cho các em. Nhưng hãy linh hoạt và cởi mở để các em hiểu rõ lý do bạn hành động như vậy, điều này cần thiết cho sự trưởng thành và khả năng sống sót của trẻ.

Chuyện gì cũng quyết định thay cho con, đó là áp đặt. Ngược lại, cho con sự tự do hoàn toàn, trong khi những đứa trẻ chưa đủ điều kiện tinh thần sống tự do, cũng là một việc rất nguy hiểm khi được thụ hưởng sự tự do quá sớm. Bạn nên linh hoạt trong tư duy để xử lý tình huống, biết trường hợp nào để con chọn lựa, trường hợp nào bạn cần dẫn dắt thay con quyết định.

Những gì tôi nói ở trên, cho trẻ quyền tự do, tự quyết, tự chọn là một cách tiêu biểu để rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập ngay từ nhỏ. Rất giống cách làm ở phương Tây đó là tạo điều kiện để trẻ có tự do ý chí - nghĩa là muốn gì làm nấy. Tuy nhiên, đứa trẻ nào cũng mang tiềm tàng sẵn trong bản thân nó khuynh hướng làm cái mình muốn. Nên đằng nào trong quá trình lớn lên của một đứa trẻ, nếu không được hướng dẫn đúng đắn thì tư duy của nó trước hết cũng sẽ được nó mang ra phục vụ cho những nhu cầu ham muốn của nó. Đây là những nhu cầu của tâm hồn cảm giác, cảm xúc của nhục dục. Như vậy, khi người lớn vì thiếu vắng tri thức trên mà luôn tạo điều kiện để trẻ con được tự lập, tự quyết, làm theo ý mình quá sớm sẽ như thế nào? Trước hết, họ đã trong vô thức mà hướng trẻ con đến việc luôn luôn thỏa mãn những nhu cầu của cảm xúc, cảm giác, từ đó vô tình đặt những chướng ngại lớn trên con đường sau này đứa trẻ đến với chân thiện mỹ.

Cho nên, việc để cho đứa trẻ tự do là điều cần thiết, tuy nhiên cũng cần có những nguyên tắc nhất định. Trẻ được tự do ý chí nhưng khi dùng tự do của mình mà gây tổn hại cho người khác, đi sai đường lạc lối, thậm chí cho chính bản thân, bạn cần điều chỉnh lại cho trẻ trở về con đường ngay chính.

Giống như vòng Kim Cô được đeo trên đầu của Ngộ Không vậy. Ngộ Không tượng trưng cho con của bạn. Đường Tam Tạng tượng trưng cho người lớn chúng ta. Vòng Kim Cô tượng trưng cho những nguyên tắc không nên phá vỡ, để điều chỉnh tâm con người khỏi đi lầm đường lạc lối.

Ngộ Không được tự do, nhưng làm gì sai quấy sẽ bị sư phụ niệm chú “dạy dỗ”. Tương tự như vậy, khi đứa trẻ dùng tự do ý chí để làm việc sai quấy, vượt qua những nguyên tắc đã được đề ra, bạn nên “niệm chú” dạy dỗ nhằm điều chỉnh hành vi của con về với lẽ phải, sự thiện lành, con đường chân chính. Mà “niệm chú” ở đây là bằng hình thức thưởng phạt đúng mực trong hành vi.

Khi Ngộ Không thành Phật tức là lúc đó hàng phục được ma tính, đã hướng đến điều chân thiện mỹ vĩnh hằng thì vòng Kim Cô cũng biến mất. Do đó, bạn nên là người hướng dẫn, chỉ đường, vun đắp giá trị lương tâm cho con ngay từ nhỏ, gieo cho con những hạt mầm lương thiện, hướng về lẽ phải và cái đẹp. Lớn lên chúng sẽ có thể tự đi bằng đôi chân của mình, tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời chúng, khi đã có ý thức hoàn toàn và đủ sức chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.

Yêu thương con vô điều kiện nhưng cần có nguyên tắc.

II. GIAI ĐOẠN TỪ 8 ĐẾN 14 TUỔI, TRANH LUẬN VÀ PHẢN BIỆN SẼ LÀ BƯỚC ĐỆM QUAN TRỌNG THỨ HAI DẪN ĐẾN TƯ DUY TỰ DO

Trẻ từ 6, 7 tuổi, sau khi bạn thực hiện những điều trên một cách đều đặn, linh hoạt và hợp lý dần dần sẽ giúp các em ở tuổi này hình thành cá tính, có lập trường và quan điểm cá nhân rõ ràng. Trên nền tảng cơ bản đó, từ 8 tuổi trở đi bạn có thể tạo ra môi trường thuận lợi nhằm giúp trẻ em tranh luận và phản biện về những vấn đề trong cuộc sống. Nhờ vào khả năng tranh luận và phản biện, sẽ là tiền đề để sau này đứa trẻ có được năng lực cao hơn tự do tư duy.

Đây là những câu chuyện về Osho, một thiên tài về tranh luận và phản biện bẩm sinh.

1. Mái tóc

Lúc nhỏ Osho hay để tóc dài như một đứa con gái, nhưng điều đó là không được phép ở Ấn Độ, ít nhất là ở thời điểm đó, và cũng gây ra không ít rắc rối cho cha ông. Nên ông đã bị cha mình cắt tóc. Sau đó Osho đã cạo sạch tóc của mình, chuyện này còn gây ra rắc rối nghiêm trọng hơn cho cha ông.

Sau lần đó cha ông nói: “Ta không định làm gì với con nữa bởi vì nó nhất định sẽ kéo theo nhiều rắc rối.”

Osho nói: “Con không đề nghị điều đó. Con sẽ vẫn cứ tiếp tục làm mọi việc theo cách của riêng con. Việc can thiệp của cha dù bằng bất cứ hình thức nào cũng chỉ là điều không cần thiết. Cha tạo ra cả đống lộn xộn này. Tại sao cha phải xấu hổ? Cha có thể đã nói với họ rằng: ‘Nó là con gái đấy’. Con chẳng phản đối gì về điều đó cả. Nhưng cha không nên can thiệp vào con theo cách mà cha đã làm. Điều đó là bạo hành. Thay vì nói với con điều gì đó, cha lại cứ thế cắt tóc của con. Thật là một hành động man rợ”. Và cha ông đã xin lỗi vì hành động như vậy với Osho.

Thông điệp của Osho: “Không có bất kỳ ai được phép ngăn cấm người khác được là chính mình. Ai cũng cố áp đặt ý tưởng của họ lên bạn. Đến nỗi bạn chấp nhận tất cả những ý tưởng của người khác sâu sắc tới mức dường như bạn tin chúng là các ý tưởng của bạn. Thảnh thơi đi. Quên tất cả những ước định, những ý tưởng đó đi, vứt chúng như lá khô rụng khỏi cây. Tốt hơn cả là cây trụi lụi không có lá nào còn hơn có lá nhựa, hoa nhựa và quả nhựa. Điều đó là xấu, mọi thứ không thực đều xấu.” (Trích “Đứa trẻ nổi loạn” của tác giả Osho).

2. Bài hát chào cờ

Khi Osho ở trường trung học có một nội quy là hát một bài hát vào đầu giờ mỗi ngày. Bài hát có những lời: “Đất nước của chúng ta, dân tộc của chúng ta, là tốt đẹp nhất trong mọi dân tộc. Đất nước của chúng ta là một khu vườn xinh đẹp và chúng ta là những chú chim họa mi trong khu vườn đó… ”

Osho đã nói với thầy hiệu trưởng, người đang đứng trước 2000 học sinh và 50 giáo viên rằng: “Em sẽ không tham gia vào buổi cầu nguyện này, bởi vì đối với em nó hoàn toàn là rác rưởi. Mọi đất nước đều nghĩ về chính nó theo cùng cách như vậy và mọi đất nước đều có bản ngã ở trong đó.

Và em thậm chí còn không nhìn thấy được lý do của việc hát bài này. Nó không chỉ về việc em chống lại chủ nghĩa quốc gia, bài hát này còn không đúng sự thật nữa, bởi vì chúng ta đang có gì? - Nghèo nàn, đói kém, chế độ nô lệ, bệnh tật, môi trường ngày càng ô nhiễm và những vấn đề tồi tệ khác nữa đang không ngừng gia tăng.

Rồi hãy nhìn những học sinh tội nghiệp này! Họ thường đến từ những ngôi làng ở xa rất xa, đi hàng dặm mỗi ngày, trong bán kính ít nhất 20 dặm xung quanh thành phố. Bởi vì không còn trường trung học nào khác ngoại trừ trường này cả. Họ đi bộ, họ đến đây với cảm giác hoàn toàn mệt mỏi, họ cũng rất đói nữa. Và em đã thấy những gì họ mang theo: “Chỉ có bánh mì khô, thậm chí không có bơ nữa và một ít muối. Đó là tất cả những gì họ có và họ phải ăn mỗi ngày.”

Đây là cây của mọi người sao, đây là khu vườn của mọi người sao? Nên xin hãy xác định rằng điều đó không đúng. Em không quan tâm liệu Iqbal có là nhà thơ đã đoạt giải Nobel văn chương hay không. Em không quan tâm chút nào. Điều đó không làm cho em cảm thấy bài hát này đúng đắn hơn, trong mọi cách nhìn em chỉ thấy nó hoàn toàn là một lời nói dối.

Khỏi phải nói, ông hiệu trưởng tức giận đến cỡ nào, ông ta vào phòng mang ra một cây thước và bảo Osho đặt cả hai tay trước mặt ông ấy và nói: “Đây là câu trả lời của ta, và hãy nhớ đó.”

Nhưng câu chuyện lại chưa dừng ở đây, Osho đáp lại: “Đây là tay của em. Thầy hãy quyết định đi. Đây là thước của thầy; thầy đang ở đây nữa. Và nhớ, đang có 2000 học sinh ở đây làm nhân chứng, 50 giáo viên cũng là những nhân chứng cho việc này, và thầy cũng sẽ để lại dấu tích trên tay em nữa. Hãy đánh đi! Nếu thầy có bất cứ chút can đảm nào, đánh em đi. Nhưng trước khi thầy bắt đầu từ nơi này, em sẽ đi thẳng đến đồn cảnh sát, bởi vì đánh đòn học sinh là một điều luật cấm. Cả thầy và cây thước của thầy sẽ phải đứng trước tòa.”

Ông hiệu trưởng như đứng hình trong một vài giây, thước thì rớt khỏi tay, rồi ông ta đi vào phòng. Trong ba năm, khi Osho còn trong trường trung học, bài hát đó không được cất lên nữa, học sinh chỉ việc giữ im lặng 10 phút trong giờ cầu nguyện. (Trích “Đứa trẻ nổi loạn” của tác giả Osho).

3. Học kì quân sự

Thời điểm Osho chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp, chính phủ ra một luật rằng: “Mọi sinh viên phải tham gia một kì huấn luyện quân sự và trừ khi bạn có giấy chứng nhận của bên quân sự, bạn sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp”. Thế là Osho đã đi thẳng đến chỗ hiệu trưởng và nói: “Thầy có thể giữ tấm bằng tốt nghiệp của em nếu muốn, đằng nào em cũng không cần nó. Nhưng em sẽ tuyệt đối không tham gia bất cứ kì huấn luyện quân sự ngu ngốc nào.”

Ông nói tiếp: “Em sẽ không tham gia kì huấn luyện quân sự này. Em không quan tâm về tấm bằng tốt nghiệp một tí nào. Nhưng em không thể tưởng tượng được cảnh khi ai đó bảo em phải ‘quay trái’ và rồi em sẽ phải quay trái, không vì bất cứ lý do nào. Rồi ‘quay phải’ và em sẽ phải quay phải. ‘Bước lên trước’, ‘bước lùi’ những điều ngớ ngẩn này em không thể làm được. Nếu thầy muốn em làm những điều này. Nếu thầy muốn em tham gia kì huấn luyện này, vậy thì thầy hãy viết một bức thư cho văn phòng bên quân đội và yêu cầu họ viết cho em một bức thư giải thích cho tất cả những thứ này. Rằng tại sao em phải nên quay trái, quay phải. Điều đó để làm gì? Có lợi ích gì? Ý nghĩa gì?”

Vị hiệu trưởng đáp: “Xin đừng tạo thêm rắc rối nhưng mong em hãy cứ giữ im lặng về chuyện này. Tôi sẽ thu xếp. Tôi sẽ viết thư đề nghị họ cho em số buổi điểm danh cần thiết, nhưng em nhớ đừng có đi mà tạo thêm rắc rối đấy. Bởi vì nếu em mà tạo rắc rối thì nhất định sẽ rất nhiều vấn đề kéo tới. Ngay lúc này em là người duy nhất đến hỏi tôi những câu này, những người khác không ai nói gì cả, họ chỉ đến điền đơn đăng ký đi huấn luyện thôi.”

Osho nói: “Điều đó tùy thuộc vào thầy. Nếu em mà đến với khóa huấn luyện ngu ngốc đó, nhất định em sẽ tạo ra rắc rối. Vì em là kiểu người sẽ không bao giờ chấp nhận nghe mệnh lệnh từ ai đó. Đặc biệt là những mệnh lệnh ngu ngốc không có bất cứ lý do nào để giải thích như vậy.”

Những học kì quân đội được tạo ra để phá hủy trí thông minh của bạn. Bởi vì bạn không thể nói “không”. Bạn phải tuyệt đối vâng lời, vâng lệnh, mọi loại mệnh lệnh. Nhưng nếu bạn không thể nói “không”, trí thông minh của bạn sẽ dần bị chết. Những kì huấn luyện quân sự là thứ làm cho bạn bị quen với việc nói “có”, nói “vâng”. Dần dần bạn sẽ quen thuộc với việc đó đến nỗi bạn không còn bận tâm mình đang nói “có” với điều gì nữa. Kể cả việc cầm súng giết người hay thả một vài quả bom nguyên tử. (Trích “Sinh viên nổi loạn” của tác giả Osho).

Nền giáo dục có chất lượng là nền giáo dục đề cao khả năng tranh luận và phản biện. Ngược lại, một nền giáo dục kém chất lượng, thiếu tự do và thích áp đặt, sẽ hạn chế hoặc không muốn người ta phát triển khả năng tranh luận và phản biện. Không có lối giáo dục nào hủy hoại con người nhanh hơn, khi cho rằng mọi lời nói của bố mẹ với con, những điều thầy cô trích dẫn từ trong sách vở, lời giảng dạy của Cha về chúa Giê-su, những lời dạy đạo đức của Khổng Tử, những gì khoa học kết luận là đúng, là chân lý. Bạn nghĩ sao khi rót mọi thứ vào đầu óc non nớt của đứa trẻ và bảo rằng đó là đúng, là chân lý và không cần phải suy nghĩ, tranh luận thêm gì nữa?

Tranh luận và phản biện ở mức cơ bản sẽ giúp đứa trẻ thể hiện được cá tính, nói lên được lập trường và quan điểm cá nhân rõ ràng của mình. Mức độ cao hơn, phức tạp hơn nữa tranh luận và phản biện sẽ giúp trẻ tự bảo vệ mình trước những hệ tư tưởng khác, giúp các em vững tin tự bước đi trên con đường của mình. Chúng ta thường chấp nhận nhiều điều mà không xem xét chiều sâu của những điều đó và vì thế cuối cùng ta sống với rất nhiều quan điểm sai lầm. Cho phép tranh luận và phản biện không chỉ triệt tiêu được khuyết điểm này mà còn giúp trẻ có được tự do tư duy, thanh lọc được ý tưởng hay và những vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Giúp trẻ củng cố niềm tin về bản thân, để nhìn nhận sự vật, sự việc, quan điểm của mình một cách đa chiều. Như vậy sẽ tận dụng được tối đa trí tuệ của mỗi người, phân biệt đâu là đúng sai, những ý tưởng đột phá cũng chỉ có thể tìm thấy được trong những môi trường như thế này.

Tranh luận và phản biện được hình thành trong môi trường như thế nào?

Đạo Do Thái có nguyên tắc không bao giờ được coi bất cứ điều gì là chuyện đương nhiên, thậm chí cả những mệnh lệnh nghiêm khắc và cơ bản nhất. Cho dù mệnh lệnh có đến từ đâu, thì người Do Thái cũng luôn khao khát được hiểu tại sao họ phải hành động như thế và logic đằng sau mỗi mệnh lệnh là gì. Sinh viên trường Đạo không phải mù quáng chấp nhận tất cả những điều thầy Đạo nói như những lời Thánh truyền, mà không có gì chứng minh cho những lời đó. Họ được quyền tranh luận với người dạy mình và được khuyến khích đưa ra câu hỏi, nếu họ nghĩ rằng hành động của thầy Đạo đi ngược lại điều họ được học. Một giáo viên may mắn là người được dạy những sinh viên có khả năng giúp mình hiểu biết hơn nhờ những câu hỏi của sinh viên, và qua việc tư duy để trả lời những câu hỏi đó. Đó cũng là lý do vì sao sách Talmud lại đóng một vai trò quan trọng đến vậy trong cuộc sống của người Do Thái. Đó là một tác phẩm không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Không có cái gọi là câu trả lời cuối cùng và ai cũng có thể bắt đầu một cuộc thảo luận tại bất cứ điểm nào trong đó, thậm chí cả những điểm đã được tất cả mọi người “chấp nhận”. Tranh luận và phản biện được phát triển ở nơi có dân chủ và tự do, do đó hãy tạo ra môi trường như vậy để giúp con phát triển (Trích “Trí Tuệ Do Thái” tác giả Eran Katz).

Osho sinh ra đã là thiên tài về tranh luận và phản biện, việc còn lại là một môi trường “sai thật sai”, để ông có thể phát triển khả năng của mình và Ấn Độ lúc bấy giờ hoàn toàn không làm ông thất vọng. Nhưng đâu phải ai cũng vậy, nhiều em nhút nhát, tính thụ động thì ít dám thể hiện ra bên ngoài hơn. Hoặc đối với bé trai thường khó bị chi phối hơn bé gái, cũng như Osho trong môi trường sai thật sai các bé trai rất hay nghịch ngợm, khó nghe lời, không dễ dàng chịu theo mệnh lệnh, áp đặt từ người khác. Các bé trai thường trái với kỳ vọng của bố mẹ chúng rất “không ngoan”, đặc điểm như vậy đôi khi là những điều kiện cơ bản để hình thành lập trường, khả năng tranh luận và phản biện.

Không như các bé trai trong môi trường sai thật sai các bé gái vẫn thường dễ nghe lời, ít biểu hiện sự phản kháng, dễ bị áp đặt sai bảo hơn, các em rất ngoan và dễ ngoan. Chính những nhân tố này khiến các bé gái lớn lên có khả năng chịu đựng cao hơn kể cả những điều vô lý nhất. Tất cả chỉ bởi vì lúc còn nhỏ các em đã vô thức tiếp nhận những điều đó như một “sự thật hiển nhiên.”

Cho nên để mọi đứa trẻ có thể phát triển được khả năng tranh luận và phản biện, bạn cần tạo môi trường dân chủ, tự do và khuyến khích các em thể hiện bản thân để phát triển những kỹ năng cần thiết làm hành trang vào đời.

4. Ứng dụng

Tạo ra môi trường “sai có chủ đích”, nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội tranh luận và phản biện. Có nghĩa là đôi khi bạn cố ý đưa ra những lời nói sai, những mệnh lệnh không hợp lý hoặc vô lý nhất và cho phép trẻ phản biện. Nếu trẻ tranh luận, phản biện hợp lý trẻ có quyền không nghe lời, nghe mệnh lệnh của bạn, làm như vậy sẽ giúp các em về cơ bản sẽ có được năng lực tranh luận và phản biện.

Cao hơn một chút nữa có thể đặt trẻ vào các tình huống khác nhau, để các em chủ động suy nghĩ, giải quyết vấn đề độc lập như: “Con nghĩ gì về việc trong truyện cổ tích nói dì ghẻ luôn ác, điều đó có đúng không? Dành quá nhiều thời gian học tập mà ít được vui chơi liệu có tốt không?

Tại sao đọc sách lại tốt, tại sao có người lại cho rằng đọc sách không tốt?”

Phức tạp hơn nữa thì hằng tuần, bạn có thể cùng con chọn chủ đề nào đó rồi một bên bảo vệ, bên phản đối việc này sẽ rất tốt cho con. Bạn cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện, những tấm gương về khả năng tranh luận và phản biện.

Làm được đến đây thì tùy vào quá trình phát triển tự nhiên của những đứa trẻ sẽ có mức lĩnh hội khác nhau. Tuy nhiên tiềm thức của các em đã có được vết khắc về việc “tranh luận và phản biện”, để ít nhất không phải ai muốn nói, nhồi nhét gì vào đầu đứa trẻ chúng cũng nghe theo.

III. BƯỚC ĐỆM THỨ BA, GIAI ĐOẠN TỪ 15 ĐẾN 21 TUỔI PHÁT TRIỂN NỘI LỰC TỪ BÊN NGOÀI - MUỐN PHÁT TRIỂN TƯ DUY TỰ DO, TRƯỚC HẾT BỐ MẸ, THẦY CÔ PHẢI HƯỚNG ĐẾN TỰ DO

TƯ DUY

Đứa trẻ có được khả năng tranh luận và phản biện là kỹ năng quan trọng cần trang bị cho mỗi em, đặc biệt sau năm 15 tuổi. Người phương Đông trong đó có Việt Nam từ trước đến nay có xu hướng ôn hòa, chịu đựng, điều này đã ảnh hưởng đến phần nào đó trong quá trình đào tạo và giáo dục. Những đứa trẻ lớn lên ít có được môi trường để phát triển khả năng này, nhất là đối với các em bé gái. Nên nhiều em thường ngại, không thích hoặc tỏ ra kém cỏi trong việc tranh luận và phản biện. Đây là thiếu sót mà nhiều ông bố bà mẹ mắc phải, hy vọng mọi người sẽ ý thức để khắc phục vấn đề.

Một vài khái niệm trước hết bạn cần nắm bắt, nhằm thực sự hiểu rõ hơn ý nghĩa việc tranh luận và phản biện. Bạn cần học hỏi, vì bất kỳ giá trị nào mà bạn muốn trao truyền đều phải là những điều đã thấm nhuần trong bản thân. Từ đó đứa trẻ cũng sẽ học được sự hiểu biết thông qua việc bạn thường xuyên đặt những câu hỏi, gợi mở, tương tác với trẻ trong đời sống hằng ngày, để làm quen dần với việc tranh luận và phản biện. Từ tư duy phản biện nói một cách đơn giản, cơ bản nhất đó là trưởng thành trong suy nghĩ và có cái nhìn đa chiều.

Thế nào là trưởng thành trong suy nghĩ?

Sách “Lu-Ca” (8: 5-8) trong Kinh Thánh có thuật lại những lời sau của đức Giê-su như sau: “Một người đi gieo hạt. Trong lúc anh ta đang gieo, có những hạt rơi bên vệ đường để rồi bị dẫm bẹp và chim chóc nuốt trọn. Có những hạt rơi vào chỗ đất đá, và vừa mới nảy mầm thì đã héo úa bởi thiếu hơi ẩm. Một số hạt rơi xuống vào những bụi gai, và gai um tùm mọc lên chèn chết chúng. Một số hạt rơi vào chỗ đất tốt, thì nảy lộc đâm chồi và kết thành quả sum suê, một thành trăm.”

Theo quan điểm của tôi, tôi cho rằng trưởng thành trong suy nghĩ là cách bạn hiểu cuộc sống dưới góc nhìn đúng nhất, như câu chuyện ở trên. Hạt giống có ở đây tượng trưng cho chân lý mà Giê-su muốn giảng giải. Mỗi một hạt rơi xuống tượng trưng cho nhiều kiểu người khác nhau cùng tiếp nhận một chân lý. Có người thì khinh thường, cho đó là điên rồ tượng trưng, cho hạt giống rơi bên vệ đường. Có người thì làm lơ, không thèm đếm xỉa đến, tượng trưng cho hạt rơi chỗ đất đá. Có người thì chứa đựng biết bao nhiêu lực xua đẩy, tác động khác, rồi cũng quên đi, tượng trưng cho hạt rơi vào bụi gai. Có người say sưa với những lời rao giảng ấy, nhờ đó mà thức tỉnh, tượng trưng cho hạt giống rơi xuống đất tốt. Dẫu là lời đức Giê-su dạy đi nữa mà cũng có người tiếp nhận có người không, có người coi thường, người miệt thị.

Bài học ứng xử, tương tác trong đời sống hằng ngày. Ai cũng có quan điểm riêng và người nào cũng cho rằng mình có lý trong việc làm của họ, dù người khác cho rằng quan điểm đó sai nhưng với họ điều họ làm chính là lẽ phải. Do đó các quan niệm như phải trái đúng sai, tốt xấu chỉ có giá trị tương đối, chịu ảnh hưởng bởi không gian và thời gian, điều hôm nay đúng ngày mai có thể sai, quan niệm này ở đây có lý ở một nơi khác lại vô lý. Một người có hiểu biết thực cần vượt lên trên sự phân biệt đó và không bao giờ bắt ai phải tuân theo quan điểm của mình, nên có sự bao dung hòa hợp với mọi người và vạn vật.

Nhưng còn một lối suy nghĩ khác gây nên sự bất hòa, chia rẽ. Nhiều người luôn cho quan điểm, ý kiến của mình là đúng, người khác nghĩ đó là sai liền cãi lại và bắt người kia phải đồng ý với mình cho bằng được. Họ không hiểu rằng cái đúng của họ không còn là cái đúng của người kia, cái mang lợi cho họ không còn là cái lợi cho người kia. Suy nghĩ của mỗi người một khác, ai cũng có quyền suy nghĩ.

Họ tự cho mình suy nghĩ đúng, rồi cho nó là chân lý, ai tin theo mình thì coi như họ thuộc “phe” của mình, là bạn, còn ai không tin thì quay ra chống đối nhau, bác bỏ nhau, đời chống đời, Đạo chống Đạo. Cũng vì sự cố chấp, tự cho suy nghĩ mình là đúng và muốn người ấy cũng nghĩ như mình. Họ còn ép người khác, tìm mọi cách để người khác theo mình, người ta không theo thì họ giận, họ buồn. Tự xiềng xích bản thân với những phiền não, còn người kia thì bị trói chặt trong sự ràng buộc. Chẳng phải đó là nguyên nhân của khổ hay sao. Trong gia đình bố với con tư tưởng bất đồng ở chung được không. Vợ chồng bất đồng sống với nhau được không. Bất đồng trong quan điểm giáo dục có dạy con được không. Bạn bè, đồng nghiệp bất đồng còn có chơi, làm cùng nhau được không.

Đừng cố cưỡng ép đồng nhất người khác với mình và cũng không sao cưỡng ép cho đồng nhất được. Chỗ bạn không đồng nhất với người khác mà bạn biết nhận lãnh, chấp nhận và để cho họ tự do theo cách sống của họ, đó là nhân chỗ bất đồng mà làm cho vạn vật đồng nhất, sẽ dễ dàng chung sống với nhau. Tôi nghĩ cái này còn bạn nghĩ cái kia, tôi cư xử thế này còn bạn cư xử thế kia, bạn và tôi đều tự do sống với bản tính của chính mình, làm được như vậy đó là lúc bạn đã học xong chữ Hòa. Còn nếu bạn cho mình đúng rồi bắt tôi cũng phải theo bạn, như thế sẽ không thuận lẽ tự nhiên, đó là áp đặt sẽ gây ra hiềm khích, tan vỡ, bỏ đạo đức giả, chiến tranh và khổ đau - sau cùng là chia rẽ.

Ba đức tính lớn cần có trong hành trang vào đời nói chung và cần mang nó khi tranh luận và phản biện nói riêng.

Khiêm nhường - Bài học ở trên giúp chúng ta hiểu ra rằng, trong đời sống mặc dù có đôi lúc bạn nói đúng hay sai đi nữa cũng sẽ có người ủng hộ, cho là đúng cũng có người nói sai, có người ra sức phủ nhận quan điểm của bạn và ngược lại. Đó là chuyện hết sức bình thường nên thay vì tỏ ra tức giận, hơn thua với họ, hãy khiêm nhường.

Thuận tự nhiên - Chẳng hạn, bạn hiểu đúng về một vấn đề nào đó, mà hầu hết mọi người nghĩ sai. Bạn đừng nghĩ rằng lấy cái đúng mà mình hiểu, rồi có thể thay đổi được tất cả bọn họ. Chỉ được vài người, mỗi người có một lộ trình phát triển, có những cảnh giới khác nhau, không có sự đồng nhất, có nông có sâu, có xa có gần, do đó sự tham ngộ sẽ phân chia cao thấp tùy vào tâm trí từng người, nên hãy thuận tự nhiên bạn à.

Yêu thương - Hiểu được những điều kể trên, khi bạn mang một tâm tốt đi giúp đỡ ai hay muốn thức tỉnh người nào đó, dẫu được một người, mười người hay không được ai cả. Bạn cũng bằng lòng với thực tại và chấp nhận những người đó bằng tất cả tình yêu thương trong trái tim mình, cũng như tự hài lòng với bản thân. Như vậy, bạn mới thoát ra được khỏi dục vọng, mong cầu, dính mắc của cái phàm trí của mình muốn tác ý đến người khác, từ đó được an nhiên, tự tại và thảnh thơi.

Vì vậy, trong đời sống hằng ngày khi bạn không thống nhất về quan điểm, lý tưởng sống, một nhận định nào đó mà người khác đưa ra, lúc này sẽ nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến tranh luận và phản biện với nhau. Trong tình huống như thế phải làm sao cho đúng, tôi cho rằng đầu tiên khi nghe một thông tin nào đó cần xác định lại, xem điều bạn nghe có đúng như ý của bên kia đưa ra hay không? Kiểu như: “À, vấn đề bạn nêu ra không biết có phải như tôi hiểu là thế này hay không?”

Thứ hai, nếu đã nói ra như vậy mà vẫn còn sự khác biệt thì bạn chỉ cần nhẹ nhàng và từ tốn nêu ra quan điểm cá nhân là được: “Theo tôi nghĩ vấn đề sẽ như thế này… Nhưng tôi không chắc nó đúng hay sai, cho nên chúng ta hãy cùng nhau trao đổi thêm nhé, bạn thấy sao?”. Tranh luận và phản biện dựa trên sự khác biệt giữa những quan điểm cá nhân, bạn vẫn tôn trọng người mà bạn đang tranh luận và luôn luôn tâm niệm về ba đức tính “khiêm nhường - thuận tự nhiên - yêu thương.”

Thế nào là suy nghĩ đa chiều - sự cởi mở trong nhận thức.

Bạn còn nhớ câu chuyện Thầy bói xem voi? Bạn chớ vội cười thầy bói trong câu chuyện đó, vì mỗi một thầy bói ngụ ý phần nào đó hình ảnh bản thân bạn và lối tư duy của số đông ngày nay. Phần lớn chúng ta đều nhìn thế giới một cách bất toàn, khập khiễng, thiếu thông tin, nhưng cái gì tôi đã biết từ trước; tôi đã được giáo dục, sẽ nhất nhất cho mình là đúng, cái nhìn của mình chính xác, còn những người kia sai, mỗi người nghĩ theo một cách khác. Nhưng người kia họ cũng nghĩ tương tự như bạn thôi, họ vùng vẫy trong vũng nước của chính mình, gây sự chia rẽ trong tư duy. Có phải giống như những ông thầy bói kia không. Vậy làm sao để có cái nhìn đa chiều và cởi mở trong nhận thức?

Để làm được điều đó khi bạn bắt gặp một quan điểm khác với mình, bạn cũng đừng vội bác bỏ và phủ nhận nó, mà hãy đặt mình vào vị trí của người kia để suy nghĩ ở góc độ và khía cạnh của họ, nhằm bổ sung thêm góc nhìn khác cho một vấn đề. Chẳng hạn, nếu bạn là một nhà khoa học khi bạn nghe một người học Đạo Phật nói chuyện về cuộc sống, trước hết bạn sẽ tiếp nhận được rất nhiều thông tin mới mẻ, nếu có đúng với niềm tin, nhận thức của bạn cũng đừng vội tin. Nhưng nếu trái với niềm tin, lẽ sống, quan điểm của bạn cũng đừng vội chối bỏ. Hãy nghe trọn vẹn, nghe tất cả những điều người kia nói, để bổ sung hiểu biết và như thế góc nhìn về thế giới, cuộc sống của bạn sẽ được mở rộng thêm. Rồi bạn lại đi nói chuyện với một người có kết nối tâm linh, mọi thứ lại mới mẻ, mọi thông tin mới toanh, bạn cần đặt mình vào vị trí, quan điểm của người kia, lắng nghe thực sự tất cả tinh hoa của họ. Vậy là từ một nhà khoa học, chỉ có một góc nhìn duy nhất bạn thành người có Đạo, biết về tâm linh, có thêm những góc nhìn mới.

Lúc này thể trí, trí não hay lý trí của bạn sau quá trình dài học hỏi, trao đổi và va đập, nó sẽ dần được phát triển. Nó sẽ bắt đầu so sánh, phân tích, lý luận: nó cảm thấy mình cũng giỏi, cũng có điểm hơn người, không ai bằng mình nên dần sinh ra tính tự kiêu, chấp ta ngã mạn. Cái trí đó nó hoành hành trong đầu bạn, nó cho rằng những gì nó nói ra là đúng, là chân lý và không còn muốn nghe ai nữa.

Đó là cám dỗ tự đóng khung nhận thức của mình và như thế sẽ không phát triển thêm được nữa. Bởi vì, tư duy, suy nghĩ bằng trí não thì sẽ không bao giờ có giới hạn, không có điểm dừng để rộng trí hiểu biết. Bạn còn gặp được nhiều người trong cuộc sống với những góc nhìn và kiến thức đa dạng như gặp anh công nhân, người quét rác, giám đốc ngân hàng, nhà địa lý hay một nhà khoa học khác. Bạn cũng gặp nhiều người theo Đạo Phật nhưng ở các cấp độ khác nhau hoặc Đạo Lão, Đạo Khổng, Thiên Chúa Giáo, Đạo Mẫu, Đạo Cao Đài. Người có tâm linh cũng có nhiều nhóm, góc nhìn tâm linh A, B, C, D, khác nhau. Lúc này mà bạn vẫn giữ cho mình được tâm hồn sáng trong như một đứa trẻ, không chấp vào những gì mình biết, đầu óc trống không để khiêm nhường và có thể lắng nghe, suy nghĩ dựa trên quan điểm và cách nhìn của mọi người, rồi lắng đọng tất cả lại cho mình thì tư duy sẽ mở rộng vô cùng.

Như vậy từ một cái nhìn ban đầu bạn phát triển và học hỏi vô vàn góc độ khác nhau, bạn chủ động xem xét cả hai phía của một vấn đề, thấu hiểu quan điểm của bên đối lập. Nhưng điều mạnh mẽ nhất mà bạn có thể làm là có khả năng hấp thụ tinh hoa từ rất nhiều quan niệm khác nhau, cuối cùng lắng đọng thành quan niệm riêng của chính mình, đưa tư duy của mình lên mức cao nhất, tư duy tổng quát, trở lại một.

Thế gian rộng lớn, mỗi người đều có điểm độc đáo riêng. Khi xem ai ai cũng có thể là thầy của mình, vạn vật xung quanh đều có chỗ để học hỏi, trí tuệ của bạn sẽ mở ra vô tận.

IV. NỀN TẢNG CHO TƯ DUY PHÁT TRIỂN

Phương Tây khởi nguồn của lối tư duy duy vật, nên đã tác động trực tiếp cách giáo dục đào tạo con người, một trong những ảnh hưởng đó là họ cho rằng trẻ nên học để sớm tự đưa ra quyết định, năng lực đánh giá, tư duy độc lập. Đó cũng là một xu hướng được nhiều bố mẹ Việt Nam đang chạy theo phát triển tư duy sớm cho trẻ.

Tuy nhiên, xét tổng quan và toàn diện cả một quá trình phát triển con người điều này chưa hẳn tốt. Bởi vì, như chúng ta đã biết 0 đến 7 tuổi giai đoạn trẻ cần hoàn thiện cơ thể vật lý. Lúc này thể sức sống và thể cảm xúc cũng đã có mặt nhưng tồn tại dưới dạng “vỏ bọc”, như cơ thể vật lý của người con được bao bọc trong bào thai của người mẹ. Từ 8 đến 14 tuổi là giai đoạn nên phát triển cảm xúc lành mạnh, sức sống bên trong cho trẻ. Còn 15 đến 21 tuổi là giai đoạn bùng nổ về cảm xúc và phát triển tư duy. Nhưng nếu trong giai đoạn nên phát triển cơ thể vật lý, thể sức sống và thể cảm xúc bạn lại dành thời gian, năng lượng để phát triển những năng lực về tư duy thì những yếu tố kia không thể nào phát triển toàn vẹn được - làm việc đúng vào thời điểm đúng. Một người có cơ thể vật lý ốm yếu, sức sống què quặt, cảm khô trơ cứng liệu có phải là nơi lý tưởng để tư duy, trí thông minh phát triển?

Mọi người liệu có thực sự hiểu chất xúc tác cần thiết cho tư duy phát triển. Người ta bây giờ xem tư duy chỉ cần có não và thông tin, nên ra sức nhồi nhét thông tin vào đầu trẻ và chỉ biết bồi bổ (ăn uống) để thể xác và não phát triển cho tốt nhất. Nhưng trong một người trưởng thành, tư duy của anh ta thật ra xuất phát từ: thói quen, tính cách… Một người có tính lười bên trong, tư duy cũng thiếu ý chí. Một người tính nhút nhát, tư duy cũng thiếu sự dũng cảm để thoát ra khỏi những lối mòn. Những thói quen và tính cách này nằm trong thể sức sống và thể cảm xúc. Vì vậy cần tập trung nuôi dưỡng những yếu tố này trước khi chúng được sinh ra (là lúc chúng còn ở trong “vỏ bọc” như là khi cơ thể vật lý được bao bọc trong bào thai của người mẹ, người ta bồi bổ người mẹ và thai nhi cho em bé sinh ra có thể xác ổn định), để chúng cũng được khỏe mạnh và đủ sức sống để phục vụ cho tư duy của bản ngã sau này.

Muốn phát triển tư duy thì giai đoạn trước khi thay răng (trước bảy tuổi), hãy nuôi dưỡng thể sức sống cho con bằng các hoạt động chân tay, nhịp điệu lành mạnh và khơi dậy được ý chí. Những cái này sau đó sẽ chuyển hóa thành những thói quen, tính cách và sự linh hoạt của tư duy.

Tiếp theo, giai đoạn trước tuổi dậy thì, nuôi dưỡng cảm xúc bằng kiểu hoạt động truyền được cho trẻ những cảm xúc có tần số rung động cao được phát triển bên trong bố mẹ, người giáo viên đưa vào đứa trẻ. Những cảm xúc này sau đó cũng sẽ chuyển hóa đi vào tư duy, vì thế để tư duy thật sự được tự do nó phải biết đồng bộ với ý chí và cảm xúc.

Ngày nay người ta không thấy tư duy cần ý chí và cảm xúc như thế nào, nên thay vì ưu tiên nuôi dưỡng chúng từ nhỏ chúng ta lại lo nhồi nhét cách thức tư duy khô khan, làm tư duy bị lười và “đóng băng” sớm, do thiếu ý chí và cảm xúc. Đó là lý do tại sao nhiều trẻ lúc nhỏ rất thông minh, tư duy nhanh nhẹn, được xem như thần đồng, tuy nhiên lớn lên lại trở thành những người “rất bình thường”, và đó cũng là ngộ nhận mà nhiều người mắc phải khi tiến hành giáo dục sớm.

Một yếu tố khác nữa cũng làm nền tảng cho tư duy và cần song song với tư duy để hỗ trợ lẫn nhau là quan sát. Đối với trẻ nhỏ không nên dạy chúng kiến thức trực tiếp, mà nên tạo môi trường cho các em quan sát những mặt khác nhau trong cuộc sống và khuyến khích sự kết nối, đúc kết tất cả các mảnh với nhau. Qua đó tư duy dần dần được đánh thức một cách lành mạnh kèm với cảm xúc và ý chí (việc kết nối các mảnh quan sát cuộc sống cần ý chí và khi kết nối được sẽ sinh ra cảm xúc tinh tế lành mạnh). Kiến thức tự có được chính là kết quả của kết nối. Bằng cách này trẻ dần được nuôi dưỡng thể cảm xúc thúc giục đi tìm kiến thức qua việc hàn gắn các mảnh ghép, hàn gắn sự tách biệt, còn kiến thức mà nhồi nhét thì chỉ có khích lệ sự chia rẽ.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh