Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 9: Ba Không Thỏa Mãn, Phương Pháp Đặc Biệt Giúp Con Tự Chủ Trước Những Cám Dỗ Thời Đại

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 9: BA KHÔNG THỎA MÃN, PHƯƠNG PHÁP ĐẶC BIỆT GIÚP CON TỰ CHỦ TRƯỚC NHỮNG CÁM DỖ THỜI ĐẠI

Triết lý về viên kẹo

Tình huống 1: Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ, đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo. Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: “Hết kẹo rồi”, bỗng dưng nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, xấu xa hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn. Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho.

Tình huống 2: Trong một lớp học có nhiều em người Do Thái, trên bàn cô giáo có một gói kẹo to. Cô chỉ vào gói kẹo và nói với học sinh: “Số kẹo trên bàn là của các em”. Nhưng hôm nay chỉ phát cho mỗi em một chiếc và bắt đầu từ ngày hôm sau, khi đến lớp bạn nào có bao nhiêu kẹo thì cô sẽ phát thêm cho bạn đó số kẹo bằng như thế. Nếu bạn không còn chiếc kẹo nào, cô sẽ không cho bạn đó kẹo, các em hiểu chưa. Lũ trẻ gật đầu.

Nói xong cô giáo bắt đầu đi phát kẹo cho từng học sinh. Có bạn vội vã bóc kẹo định ăn ngay nhưng chợt dừng lại vì nghĩ đến lời cô. Ngày đầu, lũ trẻ không ăn hết kẹo. Ngày hôm sau, cô giáo khen ngợi chúng và cô giáo phát cho mỗi em thêm một chiếc kẹo, như đã nói. Ngày thứ ba, khi nhìn vào tay các em, cô giáo đã thấy số lượng kẹo trong tay mỗi em mỗi khác, có bạn còn hai chiếc kẹo có bạn còn một chiếc. Theo quy định, cô phát hai chiếc cho em nào còn hai chiếc và một chiếc cho em nào còn một chiếc. Mấy ngày sau, số kẹo trong tay các em đã có sự khác biệt lớn, mỗi ngày cô vẫn tuân theo quy tắc như ban đầu.

Một tuần trôi qua, khi cô giáo kiểm tra số kẹo trong tay các em. Những em Do Thái đều giữ lại kẹo, chẳng ăn chiếc nào, còn kẹo của các bạn nhỏ khác đều có số lượng khác nhau. Cuối cùng cô giáo khen ngợi các bạn nhỏ vẫn giữ được số kẹo như ban đầu, đó là những bạn có tính kiên nhẫn, có nghị lực và có ý chí rất cao. Tiếp tục theo dõi người ta đã thấy những em này lớn lên thành công hơn rất nhiều so với các em còn lại.

Đây là điểm nhấn của văn hóa giáo dục người Do Thái, đó là trì hoãn thỏa mãn, trì hoãn sự hưởng thụ, có làm có hưởng. Để các em biết được thành quả là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, từ đó luôn trau dồi và làm giàu ý chí, nghị lực. Mình muốn có thì mình phải nỗ lực, cố gắng, biết tự chủ cảm xúc trước những cám dỗ nhất thời để hướng đến đại cuộc, sự thành công trong tương lai.

Trái ngược lại với sự trì hoãn thỏa mãn, có làm có hưởng của người Do Thái thì các bố mẹ, đặc biệt bố mẹ Việt Nam và Trung Quốc luôn thỏa mãn, cho con hưởng thụ ngay, chiều chuộng con quá mức, muốn gì được nấy. Bạn có bao giờ tự nhủ, những đứa trẻ sẽ phát triển ra sao trong một môi trường như thế chưa?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Lúc nào cũng dễ dàng nhận được thứ mà mình muốn trong khi lại chưa bao giờ học cách chia sẻ, nên chúng sẽ nghĩ rằng mọi sự cho đi của bố mẹ như một điều hiển nhiên, là bổn phận của bố mẹ. Chúng sẽ dần trở nên tham lam, ích kỷ, còn sự biết ơn chỉ là một khái niệm xa vời. Chúng cũng không hề biết trân trọng những gì mình được nhận và mau chóng trở nên nhàm chán với những thứ đó. Đứa trẻ như vậy, quan niệm sống của chúng là “đòi và được” mà không cần có chút nỗ lực hay sự cố gắng nào, nên chúng hay rơi vào lối sống buông thả, thích hưởng thụ. Do đó dễ dàng bị phần não bò sát làm chủ, dẫn đến lối tư duy ngắn hạn làm chúng trở nên lười nhác lao động, thiếu nhẫn nại, ý chí, nghị lực. Một hệ quả khác nữa, vì lúc nhỏ chúng đã có quá nhiều sự lựa chọn, mong muốn mà chẳng biết để làm gì. Nên khi lớn lên, chúng thường không có khả năng nhận biết những điều mình thực sự cần trong cuộc sống. Chúng bị rối và không biết đâu là chọn lựa phù hợp cho bản thân. Trong bối cảnh xã hội thay đổi không ngừng, đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng, đầy rẫy các cám dỗ tệ nạn, thất nghiệp luôn hiện hữu thì làm sao những em như vậy có thể trở thành con người tự chủ và thành công trong cuộc sống được.

Hai tình huống ở trên cho thấy cách yêu thương con khác nhau, nhằm cho các bố mẹ nhận biết được con đường hình thành nên hai đứa trẻ cũng không giống nhau. Vậy nên thỏa mãn một đứa trẻ như thế nào là hợp lý?

Làm thế nào để trẻ lớn lên dù đứng trước cám dỗ, những cạm bẫy, vẫn tỉnh táo và đủ bản lĩnh tự chủ bản thân để vượt qua, là một quá trình rèn luyện sẽ được trình bày cụ thể sau đây:

Trước hết bạn cần xem xét những yêu cầu của trẻ có chính đáng không, hay đơn thuần chỉ là những thứ trẻ muốn. Nếu đó là mong muốn, đòi hỏi không chính đáng nên kiên quyết từ chối, còn nếu nhu cầu đó dẫu có hợp lý đi nữa cũng phải đáp ứng dựa trên ba nguyên tắc sau:

  • Không thỏa mãn ngay.
  • Trì hoãn thỏa mãn.
  • Không thỏa mãn quá mức.

Tình huống có thể xảy ra trong đời sống hằng ngày, khi trẻ có bất kỳ ham muốn nào như đòi một cây kem, chiếc xe điều khiển, một cuốn truyện tranh, cuốn bách khoa toàn thư, một chiếc cặp, muốn học tiếng Anh, học đàn, học võ thuật, xe đạp hay điện thoại. Bạn sẽ hướng dẫn cho trẻ cách đạt được những ham muốn của mình bằng cách thông qua “ba không thỏa mãn.”

Trường hợp cụ thể khi con bạn muốn một hộp màu, thì bạn cần hướng dẫn cho con hiểu rằng, con cần hoàn thành một nhiệm vụ nào đó để có được thứ con muốn. Chẳng hạn như con cần đọc thuộc một bài thơ hoặc là lau sạch căn nhà giúp mẹ, đó là không thỏa mãn ngay.

Lợi ích của việc không thỏa mãn ngay hay nói cách khác thỏa mãn có điều kiện là gì? Khi trẻ có ham muốn nào đó là cơ hội tốt nhằm phát triển kỹ năng, biết mình muốn cái gì và hướng ý muốn đó vào trong cuộc sống. Để được như thế, khi trẻ mong muốn về điều A - hãy cho trẻ làm những việc khó B để được điều A. Khi những mong muốn điều A càng ngày càng lớn, càng nhiều thì mức độ của việc khó B cũng từ đó mà gia tăng và thử thách cao hơn để được điều A. Bạn làm cho con hiểu được rằng khi chúng mong muốn có được một thứ gì đó, tự tay chúng sẽ cố gắng bằng chính sức lực của mình để đạt được điều đó mà không cần dựa dẫm vào người khác. Chúng có thể độc lập, tự do, thực sự trở thành những con người dám nghĩ, dám làm. Thỏa mãn có điều kiện là nuôi dưỡng các ham muốn của trẻ, làm tiền đề thôi thúc cho những khát khao lớn hơn sau này.

Tiếp theo đưa ra một lý do để trì hoãn thỏa mãn của trẻ.

Chẳng hạn sau khi thực hiện xong nhiệm vụ là lau dọn xong căn nhà, trẻ có được hộp màu, bạn nói: “Con khoan sử dụng hộp màu, hãy sang mời bạn bên nhà cùng chơi hoặc chờ một tiếng sau bạn Ngân đến rồi hãy mang màu ra dùng.”

Cuối cùng là không thỏa mãn quá mức.

Trường hợp trẻ sử dụng hộp màu, với trò này có thể chúng chơi thỏa mái phải đến một tiếng, thì trước đó hãy thỏa thuận với con là con chơi ba mươi phút, rồi chuyển sang chơi trò khác.

Lợi ích của việc trì hoãn thỏa mãn và không thỏa mãn quá mức là gì? Trong tự nhiên khi một con sư tử đi săn mồi, không biết nó đói như thế nào, nó phải kiềm chế và làm chủ cơn đói trong khả năng có thể và chờ đợi cho đến lúc thích hợp để tấn công con mồi. Nếu nó không khống chế được cơn đói, bị nó chi phối và điều khiển mà điên cuồng săn đuổi con mồi thì khả năng thất bại rất cao, thậm chí kiệt sức mà chết. Trì hoãn thỏa mãn và không thỏa mãn quá mức nhằm mục đích giúp trẻ có thể tự chủ được chính mình, mài dũa lòng kiên nhẫn và vực lên ý chí trong người.

I. VẬN DỤNG BA KHÔNG THỎA MÃN VÀO TRONG ĐỜI SỐNG

Đối với con người, hai trong vô số thứ cám dỗ mạnh mẽ, có thể đánh gục bất kỳ ai, họ đã và đang thật sự mất tự chủ khi đối đầu với cám dỗ này là đồ ăn (kích thích vị giác, khứu giác, thị giác) và tình dục (một lúc kích thích đồng loạt năm giác quan nên đó cũng là thứ có sức cám dỗ mạnh mẽ nhất hơn cả danh tiếng, quyền lực, tiền, đồ ăn hay rượu bia). Ngoài ra đối với xã hội hiện nay, lại xuất hiện thêm loại cám dỗ, một “quyến rũ” khác vô cùng mạnh mẽ mà ở đó nó gần như thỏa mãn được mọi nhu cầu của con người. Đó là nghiện máy móc, thiết bị điện tử, làm người sử dụng không thoát ra khỏi nó, phụ thuộc vào công cụ do chính con người tạo ra. Khiến nhiều người mất đi tự chủ, đánh mất đi chính mình và nhận thức về ý nghĩa sự sống của mình trên trái đất này.

Đặc tính của mỗi trẻ mỗi khác và còn tùy vào từng giai đoạn khác nhau, bạn cần nhận biết, giúp con nhỏ đối mặt với những cám dỗ riêng của mỗi trẻ để hình thành thói quen, bản lĩnh về khả năng tự chủ ngay từ khi còn nhỏ. Ở đây tôi chỉ tập trung nói đến hai cám dỗ mà đại đa số mọi người thường vướng phải nhất là “đồ ăn và máy móc điện tử”, còn tình dục sẽ nói ở chương khác.

1. Tạo môi trường thích hợp, để mài dũa tính tự chủ trong ăn uống cho con

Chẳng hạn, mỗi lúc cậu con trai 5 tuổi của bạn đòi ăn bánh ngọt, đừng đáp ứng ngay mà hãy đưa ra một nhiệm vụ cho cậu thực hiện. Như là con hãy giúp mẹ bóc hết số vỏ đậu phộng có trong nhà, đó là không thỏa mãn ngay. Trong trường hợp nếu trẻ không muốn làm mà đòi hưởng thì nhất định bạn không đáp ứng và khẳng định quan điểm của mình có làm mới có hưởng, yêu thương có nguyên tắc là vậy đấy.

Nếu hoàn thành được nhiệm vụ, thì bạn cần nghĩ ra một lý do nào đó để trì hoãn thỏa mãn của con. Như trước khi ăn bánh con hãy mang số bánh này sang cho những bạn nhà bên cạnh hoặc chờ bố về, rồi chúng ta sẽ cùng nhau ăn. Thường thì thời gian đầu đứa trẻ chưa thể kiềm chế được bản năng thôi thúc, đứa trẻ có thể khóc, mè nheo, đòi thỏa mãn tức khắc. Điều này cũng là chuyện bình thường, bạn nên cảm thông cho con, nhưng cũng hết sức cương quyết giữ vững quan điểm của mình, nhằm tập con có thói quen tốt, đó là trì hoãn thỏa mãn.

Khi con ăn bánh thì bạn chỉ cần thỏa mãn 1/3 nhu cầu của con, đừng thỏa mãn hơn mức đó. Có nghĩa là nếu con muốn ăn 3 cái bánh, bạn chỉ cần đáp ứng cho con một cái là được. Để con học được cách tự chủ ham muốn bản năng bên trong của mình ngay từ nhỏ, như vậy là không thỏa mãn quá mức.

2. Hướng dẫn đứa trẻ tự chủ và cách sử dụng công nghệ, trò chơi điện tử hiệu quả

Trẻ con nào mà không thích chơi điện tử, xem phim hoạt hình..., do đó khi đứa con 7 tuổi lại mượn điện thoại của bạn chơi điện tử hay xem phim hoạt hình gì đó... thì hãy bảo con để đạt được thứ mình muốn, hãy thực hiện xong một nhiệm vụ, thì bố sẽ cho con chơi, như là đọc thuộc một bài thơ ngắn.

Nếu con hoàn thành xong nhiệm vụ, bạn lại nghĩ ra một lý do để trì hoãn thỏa mãn của con như: “Bố đang cần dùng điện thoại có việc, con hãy đi đâu đó chơi, khoảng mười lăm phút sau xong việc sẽ cho”. Hoặc bạn cũng có thể nói rõ rằng: “Bố sẽ cho con mượn điện thoại sau mười lăm phút, để thử thách tính kiên nhẫn và khả năng tự chủ của con.”

Mười lăm phút đã trôi qua, con bạn đến và lẽ ra để chơi cho thỏa mãn cần đến một giờ đồng hồ. Nhưng bạn chỉ cho con chơi game mười phút, thì đấy là không thỏa mãn quá mức.

Chú ý: Riêng đối với các thiết bị điện tử như tivi, Ipad, điện thoại,… phương pháp này tuyệt đối không nên áp dụng với trẻ dưới ba tuổi. Trẻ từ bốn đến sáu tuổi vẫn chưa nên áp dụng ba không thỏa mãn, trường hợp nếu có áp dụng thì cũng nên giới hạn tối đa. Trẻ từ 7 đến 8 tuổi bắt đầu là lý tưởng nhất.

Chúng ta phát triển thế giới vật chất để trải nghiệm nhưng không bị phụ thuộc vào nó.

Trong quá trình tiến hành ba không thỏa mãn, ở cấp độ một có một số kinh nghiệm như sau:

Một là, khi áp dụng ba không thỏa mãn, trong trường hợp bạn đưa ra lý do nào đó để trì hoãn thỏa mãn của trẻ, bạn cần linh hoạt biến hóa, không nên lúc nào cũng đưa ra một câu nói, một lý do trì hoãn trẻ. Có nghĩa là: “Nếu trẻ muốn ăn một cái bánh”, để trì hoãn thỏa mãn bạn sẽ nói: “Chờ một chút nữa nhé” nhưng lần nào cũng lặp lại câu này sẽ rất dễ khiến trẻ phát chán, phát cáu, thậm chí nhiều đứa trẻ sẽ học theo khuôn mẫu để phản ứng lại với bạn. Nên cần dùng nhiều mẫu câu khác nhau nhưng vẫn cùng chung một ý nghĩa: “Chờ một chút nữa nhé; Được rồi, xong việc này mẹ đưa bánh cho; Lát bố về cả nhà sẽ cùng ăn; Con sẽ ăn cái bánh này sau bữa ăn; Con mới ăn cơm xong, nên hãy đợi 30 phút nữa; Con chạy sang qua rủ thêm một vài người bạn qua ăn cùng.”

Hai là, lúc tiến hành ba không thỏa mãn không phải lúc nào bạn cũng nên áp dụng khuôn mẫu theo ba bước. Mà đôi khi cho trẻ được phép chọn lựa không theo trật tự hoặc trẻ bất hợp tác với ba không thỏa mãn thì cũng không cần quá cứng nhắc ép con vào guồng, đừng quá đè nén mong muốn bên trong của trẻ. Cụ thể, trong lúc đi chơi ở ngoài sắp đến giờ ăn cơm, nhưng trẻ lại thấy chỗ bán kem thì muốn ngay lập tức đòi ăn cho bằng được. Lúc này bạn không cần tiến hành không thỏa mãn trước và trì hoãn thỏa mãn, mà hãy giải thích rõ cho trẻ hiểu rằng: “Nếu bây giờ bố mẹ bỏ tiền ra mua kem cho con, thì sẽ không bỏ tiền ra mua cơm trưa cho con nữa. Nếu con ăn kem, thì sẽ không được ăn cơm, như vậy lát nữa dẫu con đói cũng phải ráng chờ đến chiều”. Đó là yêu thương có nguyên tắc, thưởng phạt trong hành vi.

Ba là, trong giai đoạn đầu tiến hành như thế này có thể khá cứng nhắc, đưa vào cái khung nhất định lúc nào cũng cần hoàn thành một nhiệm vụ nào đó để đạt được điều mình muốn, chờ đợi một chút, rồi không được thỏa mãn hết mức là cần thiết. Nhưng khi trẻ cơ bản hình thành được thói quen tốt thì thỉnh thoảng phá cách. Hãy cho trẻ vô điều kiện, để cho trẻ tự nhiên, những phút giây buông trẻ ra cho chúng thỏa mãn theo tính cách, cảm xúc, bản năng bên trong của mỗi đứa cũng hết sức quan trọng.

Cấp độ hai, khi tiến hành ba không thỏa mãn kéo dài từ sáu tháng đến một năm, trẻ đã bắt đầu hình thành thói quen tốt nhờ nhịp điệu được lặp đi lặp lại. Nhưng cần phải hướng đến nội lực, tự chủ bên trong mới là điều quan trọng, vậy nên bạn cần thử thách để kiểm chứng trẻ. Bằng cách để trẻ tự do sử dụng tiền, mua cho trẻ một hộp bánh để trẻ ăn trong mười ngày hoặc cho trẻ tự sử dụng điện thoại, máy tính một thời gian.

Rồi hãy quan sát cách trẻ sử dụng những thứ ở trên, bạn đừng can thiệp. Sau đó nếu trẻ chi tiêu không hợp lý, ăn hết hộp bánh trong một ngày, suốt ngày ôm máy tính, cầm điện thoại, thì cần tập lại ba không thỏa mãn ở cấp độ một. Còn trẻ sử dụng tốt, thì có thể trao dần quyền tự do, tự chủ cho con. Đồng thời trẻ từ khoảng bảy tuổi trở lên bạn có thể giải thích thêm cho trẻ tại sao phải tiến hành ba không thỏa mãn. Tại sao bạn lại cho chúng chơi điện tử mười phút thay vì sáu mươi phút. Tại sao lại nên ăn 1/3 cái bánh thay vì một cái. Tại sao uống nước suối mà không phải nước ngọt. Điều này sẽ giúp trẻ có khả năng tự nhận thức vấn đề, để thống nhất và đồng thuận từ bên trong, tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Cấp độ ba, buông tay cho trẻ tự do đối mặt với những cám dỗ của mình. Khi bước vào tuổi dậy thì, các em đã có những bản lĩnh nhất định vì được tôi luyện lúc nhỏ để đương đầu với thử thách đến từ thế giới bên ngoài. Lúc này bạn không còn và không nên trực tiếp can thiệp đến trẻ, mà hãy đứng ở vị trí như người đồng hành, cố vấn cho trẻ những lúc chúng cần. Bây giờ trẻ gần như được tự do hoàn toàn, tự do chọn lựa và cũng sẽ là người chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân.

Một ngày nào đó trẻ lớn lên chắc chắn sẽ gặp những cám dỗ, cạm bẫy, các lợi ích nhỏ trước mắt kích thích thỏa mãn ham muốn bản năng. Nếu ngay từ nhỏ tạo điều kiện cho trẻ đối mặt, phạm phải sai lầm, để trẻ có thể hiểu và rút ra được bài học trong sự hướng dẫn của bạn. Lớn lên trẻ sẽ có bản lĩnh vượt qua được những cám dỗ, ham muốn thỏa mãn tức thời, biết nghĩ đến cái lợi nhỏ và mối hại lớn trong việc chọn lựa. Đồng thời khả năng thành công cũng cao hơn so với những đứa trẻ muốn hưởng thụ ngay, mà không cần có bất cứ nỗ lực nào.

Tôi sẽ kết thúc chương này với một nghiên cứu như sau: Một nhà tâm lý học hình sự của nước Mỹ vì muốn nghiên cứu sức ảnh hưởng của người mẹ đến cuộc đời của con cái, nên đã thực hiện một cuộc thí nghiệm thú vị.

Ông chọn ra 50 người Mỹ thành đạt, những người này làm những nghề khác nhau, họ đều là người xuất sắc trong lĩnh vực của mình và đã thu được rất nhiều thành tựu nổi bật. Đồng thời, ông cũng lựa chọn ra 50 tội phạm. Nhà tâm lý học gửi cho mỗi người một lá thư và thỉnh cầu họ kể lại sự ảnh hưởng của cách giáo dục của mẹ họ đối với họ.

Sau nửa tháng, nhà tâm lý học thu được một loạt thư hồi âm. Trong một loạt thư hồi âm đó, ông đặc biệt thấy có hai bức thư rất có ý nghĩa. Đều là câu chuyện kể lại cách mà người mẹ đã phân chia quả táo cho các con như thế nào.

Một tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù tiểu bang Pelican Bay ở California, Mỹ đã viết rằng:

Tôi nhớ, khi tôi còn nhỏ, có một lần vào lễ giáng sinh, mẹ tôi lấy ra mấy quả táo to nhỏ khác nhau. Tôi liếc mắt qua đã thấy quả táo ở chính giữa vừa chín mọng lại vừa to. Tôi vô cùng muốn đạt được nó. Lúc ấy, mẹ tôi đem số táo đặt lên bàn rồi hỏi tôi và John - em trai tôi: “Các con muốn lấy quả nào?”. Tôi vừa định nói là muốn lấy quả táo to nhưng khi còn chưa thốt lên lời, John đã nói trước tôi ý muốn của cậu ấy. Mẹ tôi nghe xong, trừng mắt liếc em trai tôi một cái rồi quở trách: “Đứa trẻ tốt là phải học được đem những thứ tốt tặng cho người khác, đừng chỉ nghĩ đến bản thân mình”. Thế là vì để được mẹ khen ngợi, tôi nhanh nhẹn đổi giọng: “Mẹ ơi con muốn lấy quả bé nhất ạ. Mẹ hãy lấy quả táo to nhất cho John đi!”. Mẹ tôi nghe xong, quả nhiên vô cùng mừng rỡ và khen ngợi tôi, hơn nữa bà còn đem quả táo vừa to vừa chín mọng kia thưởng cho tôi, còn John chỉ nhận được quả táo bé nhất. Từ đó về sau, để đạt được những thứ mình mong muốn, tôi sẽ ngụy trang suy nghĩ thật trong lòng mình và không ngừng nói dối lựa theo ý của mẹ. Trong gia đình, tôi đều dùng cách này để đạt được thứ mình mong muốn. Lên cấp 3, để đạt được những thứ mình muốn, thỏa mãn ham muốn của bản thân, tôi sẽ không từ một thủ đoạn nào. Tôi thường xuyên đánh nhau, ăn cắp, hút hít rồi sát nhân và bây giờ tôi đang bị tù chung thân.

Một nhân vật nổi tiếng, đang làm việc cho Nhà Trắng viết rằng:

Tôi nhớ, lúc tôi còn nhỏ, đến ngày sinh nhật của cha tôi, mẹ tôi lấy ra mấy quả táo. Mẹ tôi hỏi: “Các con muốn lấy quả táo nào?”, tôi cùng các anh tôi ai cũng nói rằng muốn lấy được quả to và đỏ nhất. Nhưng mẹ tôi không đưa cho ai ngay mà lại cầm nó trong tay rồi nói với chúng tôi rằng: “Được rồi, các con, các con ai cũng muốn có được quả táo to nhất, chín nhất và ngon nhất này phải không? Nhưng mà quả táo này lại chỉ có một nên bây giờ mẹ muốn các con làm một việc như thế này. Mẹ sẽ chia mảnh vườn trước cửa nhà mình thành ba mảnh. Các con mỗi người sẽ phụ trách nhổ cỏ ở một mảnh. Ai hoàn thành được phần việc của mình một cách nhanh nhất, tốt nhất thì người đó xứng đáng nhận được nó”. Kết quả là thông qua sự cố gắng, nỗ lực của bản thân tôi đã giành được quả táo to nhất kia. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, bà đã cho tôi hiểu rõ một đạo lý đơn giản nhất và cũng là quan trọng nhất là muốn đạt được thứ mình mong muốn nhất định phải có sự cố gắng thực sự của bản thân. Mẹ tôi luôn giáo dục chúng tôi như vậy. Trong nhà, anh em tôi muốn được thứ gì mà mình muốn thì đều phải thông qua làm tốt một việc gì đó bằng chính sức lực của mình. Tôi thấy điều này rất công bằng. Bạn muốn giành được điều gì, nhất định cần vì nó mà cố gắng, nỗ lực bằng chính sức lực của mình mà có được.

Cùng là một việc phân chia táo, một người mẹ để cho con trai của mình dùng lời nói dối, ngụy trang mà đạt được, cũng chính vì thế mà từng bước từng bước đẩy cậu ta trượt xuống vực sâu. Còn người mẹ kia lại để con nói ra mong muốn thật lòng của mình, rồi hướng dẫn con làm một người thực sự cố gắng. Dần dần đứa trẻ sẽ luôn có ý thức không trả công thì không hưởng lộc, và cuối cùng đã có thành tựu như ngày hôm nay.

Một hành động lơ đãng, vô ý của bố mẹ có thể thay đổi cả cuộc đời đứa trẻ. Bàn tay của mẹ là cái nôi thúc đẩy, có thể thúc đẩy con thành tài nhưng cũng có thể vô tình mà ươm hạt giống sa ngã cho con.

Trẻ được sống trong môi trường ba không thỏa mãn, lớn lên sẽ có ý chí, sự tự chủ để bứt phá ra khỏi những cám dỗ thế giới vật chất ngày một phình trướng.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh