Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 3: Không Có Hiểu Biết - Không Thể Yêu Thương

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 3: KHÔNG CÓ HIỂU BIẾT - KHÔNG THỂ YÊU THƯƠNG

“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, ông bà ta có lẽ đã dùng cách nói ẩn dụ để truyền tải thông điệp này, vì nếu đã thương mà dùng roi vọt thì hà cớ gì ghét lại cho sự ngon ngọt.

Theo Tiến sĩ John Gray trong cuốn sách “Đàn ông đến từ sao hỏa, Đàn bà đến từ sao kim”, đã phân tích rõ thế giới của người đàn ông và đàn bà khác nhau về suy nghĩ, tình cảm, tính cách và cách họ cảm nhận được tình yêu thương. Có lẽ, trẻ em cũng đến từ một vì sao khác. Đặc điểm của những đứa trẻ trên vì sao này khác hẳn so với hành tinh của người lớn, lũ trẻ ở đây rất hồn nhiên ngây thơ, thích khám phá cuộc sống, thích tự do làm những gì chúng muốn. Cũng vì thế mà chúng sẽ vi phạm vào những chuẩn mực người lớn ở trái đất đặt ra, chưa kể những chuẩn mực đó đúng hay sai. Chúng chưa có khả năng hòa nhập, để có thể tồn tại và chung sống nơi đây. Con người trái đất cần hướng dẫn, chỉ đường, giúp đỡ cho trẻ thích ứng, tạo môi trường để đánh thức những đức tính, thói quen nhằm hòa nhập, chung sống với con người. Mà muốn có được thói quen tốt cần phải được luyện tập, tự đứa trẻ không làm được điều này.

Thương cho roi cho vọt ở đây có nghĩa là lúc này bạn dùng kỷ luật, kỷ cương, nghiêm khắc để giúp các em vực dậy những thói quen có lợi, uốn nắn cho các em đi đúng quỹ đạo, từ đó trở thành người tốt, hòa hợp với con người. Tình huống sau đây của một ông bố, sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn rằng thương cho roi cho vọt nên được hiểu như thế nào mới đúng.

Một ngày kia, người con trai hai tuổi của tôi bị u đầu vì đâm vào bàn, nó khóc ầm ĩ một hồi lâu, tôi đã bước tới cạnh bàn, lớn tiếng hỏi. “Này!

Bàn, ai làm bạn bị thương và khóc lớn tiếng vậy?”

Nó ngừng khóc, nhìn tôi với những giọt nước mắt trên mặt.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Tôi hỏi: “Có phải con đâm vào cái bàn không?”

Ôi, là con đó bố! Con trai trả lời.

Thế con xin lỗi cái bàn chưa? Tôi hỏi.

Nó nói: “Mình xin lỗi” và cúi chào cái bàn.

Đó là biết cách yêu thương, lần sau ngã nó sẽ tự giác đứng dậy, biết được trách nhiệm thuộc về ai. Lớn lên hơn một chút nữa nó sẽ có ý thức, trách nhiệm về những hành động của bản thân, chứ không phải đánh mắng là thể hiện tình yêu thương.

Ghét cho ngọt cho bùi, có nghĩa khi các em hồn nhiên đến với thế giới này, tự do khám phá và làm những gì mình muốn, nhưng đôi khi chúng lại phạm phải sai lầm, những chuẩn mực để có thể hòa nhập với con người nơi đây. Nhưng vì ghét bỏ, nên ghét cho ngọt cho bùi ở đây có nghĩa là không thèm để mắt tới, không quan tâm, nói cho qua chuyện, không nhắc nhở khuyên can, không chỉnh sửa hành vi sai trái cho trẻ, để chúng sống theo ý muốn, sự buông thả của bản thân, từ đó làm cho đứa trẻ đi sai đường lạc lối, trở nên hư hỏng lầm lạc.

Tương tự cũng câu chuyện ở trên, nhưng cách xử lý của một số người sẽ làm như sau.

Một ngày kia con trai hai tuổi của tôi u đầu vì đâm vào bàn, nó khóc ầm ĩ hồi lâu. Tôi ra khỏi phòng chạy tới gần con, đỡ con dạy, ôm con vào lòng nói:

Con yêu! Con có sao không?

Cái bàn làm con đau à, để mẹ đánh cho con nhé.

Này cái bàn, mày hư quá. Làm con mẹ bị đau, đánh cho chừa.

Làm như thế có thể xoa dịu nỗi đau tạm thời cho con trong phút giây hiện tại, nhưng lại vô tình cổ xúy cho những hành động, tư tưởng sai lệch của con. Bởi nó mang một thông điệp ngầm rằng con thật vô dụng, yếu đuối, bị ngã cũng không thể tự đứng dậy được. Người mẹ đánh cái bàn, lại khiến trẻ ngộ nhận rằng trách nhiệm không phải của mình, nên hình thành tâm lý đổ lỗi, như thế trẻ sẽ nhanh chóng rút ra được quy luật “Té ngã - khóc - mẹ đỡ - mọi sự không phải lỗi của mình”, thế là làm hư hại con rồi.

Thường người mẹ sẽ chạy lại ôm con, đỡ con, âu yếm con, dỗ dành con. Tuy đó là một hành động nhỏ, thường thấy nhưng nó thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con. Nhưng đó chỉ là hành động yêu thương con thuần túy, phản xạ hoàn toàn mang tính bản năng, nên chưa phải tình yêu thương có chất lượng và mang lại giá trị tương xứng.

Trước khi lột xác thành một con bướm trưởng thành, nó phải trải qua giai đoạn nhộng trong một cái kén. Để thành bướm, nhộng bướm buộc phải thu, ép chặt thân mình lại sao cho có thể chui qua khỏi cái miệng kén bé tí. Một ngày nọ, khi quan sát một con nhộng đáng thương đang cố hết sức để thoát ra khỏi cái kén, một người tốt bụng đã quyết định giúp đỡ nó bằng cách rạch miệng kén cho rộng ra để nó có thể chui ra được dễ dàng hơn. Quả thật, con nhộng đã chui ra khỏi kén dễ dàng mà không phí nhiều công sức, nhưng con nhộng tội nghiệp đã không thể bay lên khi rời khỏi kén như bao con nhộng khác. Nó chỉ biết trườn trên mặt đất. Vài ngày sau, nó chết, thay vì sống hết cuộc đời bay lượn trên không với đôi cánh uy nghi của mình. Đã quá muộn khi phát hiện ra rằng để có thể bay, nó phải trải qua quá trình ép chặt cơ thể mình lại để len ra khỏi miệng kén chật hẹp. Vì trải qua quá trình ép chặt cơ thể như thế, một chất dịch đặc biệt sẽ được tiêm vào các gân cánh của nó, và giúp làm nó bay lên được một khi đã thoát ra khỏi kén.

Tiểu thiện như đại ác.

Tương tự như vậy, một người chỉ biết yêu thương con mình bằng tình yêu tử cung, tình yêu máu mủ, ruột thịt, thì cũng giống như “người tốt” ở trên, cứ nghĩ những việc mình làm là tốt, là vì con, mong muốn bảo vệ con, giúp con phát triển, nhưng thực chất không phải vậy. Người chỉ biết yêu thương con là người chỉ dùng tình yêu bản năng còn hạn chế về mặt nhận thức, nên nhiều khi nhìn nhận chưa đúng mức vấn đề để xử lý sao cho thỏa đáng. Do đó, họ thường là những người chưa biết cách tương tác với con, nuôi con bằng cảm tính, theo các cung bậc cảm xúc, cho trẻ những thứ chúng muốn mà không có khả năng phân biệt đúng sai, không phân biệt được đâu là điều thực sự cần thiết giúp cho con tiến bộ. Bố mẹ chỉ biết yêu thương con hiểu theo cách ông bà ta hay nói, là vô tình họ đã ghét bỏ đứa con mình, ghét cho ngọt cho bùi. Thương mà không hiểu là “thương - hại”, hoặc nói theo một cách khác yêu thương nhưng lại không có minh triết, sự hiểu biết, thì cũng là một hình thức ghét bỏ.

Năm học lớp 7, có lần không giải được một bài toán thầy đánh tôi ba roi, đau thật đau. Tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt với một nụ cười tươi, xen lẫn chút trang nghiêm trước lúc thầy đánh tôi mà tâm đắc nói rằng, ông bà ta có dạy: “Thương cho roi cho vọt”, thầy thương các em nên đánh để các em học. Lúc đó tôi cảm thấy uất ức, xấu hổ trước bạn bè, tôi ghét thầy vì việc làm thiếu hiểu biết, không ích lợi gì mà còn gây hại vô cùng nhưng lại cho rằng đó là tốt, và từ đó tôi cũng ghét cả môn Toán, nói đúng hơn là sợ và chẳng muốn học môn đó nữa. Sau này lớn hơn một chút tôi mới hiểu, người thầy này vô tình hay cố ý đã hiểu không đúng và cắt đi đoạn sau “ghét cho ngọt cho bùi”, dùng nó với danh nghĩa yêu thương như một lời biện bạch hoàn hảo để bạo hành, áp đặt chúng tôi một cách dễ dàng khi không biết tìm cách nào khác tốt hơn, sáng tạo hơn, để tạo động lực cho chúng tôi học tốt lên. Tôi biết thầy có thừa tâm huyết với nghề, thầy cũng có ý tốt. Nhưng rõ ràng vì thiếu năng lực, thiếu đi sự hiểu biết về thế giới, về con người, về trẻ em, nên tình yêu thương của thầy không thực sự mang lại kết quả tốt đẹp cho người khác.

Tí sinh ra trong gia đình mà bố mẹ rất quan tâm đến giáo dục, lên một tuổi đã được cho xem điện thoại, Ipad vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ tốt cho sự phát triển của con. Không phải đợi lâu, Tí thành tài rất sớm, khi mới hơn hai tuổi rưỡi đã có thể nói tiếng Anh, làm bố mẹ nức lòng. Hai là, việc đưa công nghệ vào trong giáo dục cũng mang lại sự thảnh thơi nhất định cho bố mẹ Tí, khi họ muốn có thời gian uống cà phê, làm việc, nghỉ ngơi thì công nghệ sẽ biến thành bảo mẫu hoặc hóa thành đồ chơi lý tưởng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ ở thành phố khi không gian vui chơi tự nhiên ngày một bị mất dần đi. Chỉ cần cho trẻ điện thoại, Ipad là cô cậu có thể ngồi đó cả ngày, không chạy nhảy lung tung, tránh đi mọi nỗi lo về tai nạn, chúng tuyệt nhiên cũng không làm phiền, không mè nheo, nói tóm lại trẻ ngoan như cún, quả là một cung cụ giữ trẻ thần kì trong thế kỷ XXI.

Nhưng mặt trái của việc hiểu về giáo dục sớm chưa thực sự trọn vẹn dẫn đến giáo dục sai phương pháp, sử dụng không đúng cách, lạm dụng công nghệ quá mức. Lẽ ra trong những năm đầu đời cần ưu tiên cho các hoạt động vận động để phát triển cơ thể thể chất, Tí lại hay ngồi bất động. Đây là trạng thái mang “tính ì”, làm quá trình trao đổi chất, phát triển cơ, xương, khớp bị hạn chế, xương cuộc sống và xương cổ có dấu hiệu bị gù, tăng nguy cơ bị cận thị. Vì ít được giao tiếp nên cậu chậm nói và phản ứng kém với ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của người lạ. Về mặt tình cảm, cảm xúc do tiếp xúc nhiều với máy móc, thiết bị điện tử những đồ vật có tần số rung động thấp nên lâu ngày Tí cũng bị cộng hưởng. Biểu hiện ra bên ngoài đối với con người có tần số rung động thấp đó chính là cậu không có kết nối với thế giới xung quanh, tỏ ra vô cảm với mọi sự mọi việc. Thay vì hoạt bát, tràn đầy năng lượng, những biểu hiện thường thấy ở mọi đứa trẻ, cậu lại trầm lắng, thiếu sức sống, biểu cảm trên khuôn mặt cứng nhắc và đơn giản. Cảm xúc thường thấy là cậu dễ cáu gắt, rất thiếu kiên nhẫn, lười suy nghĩ, thiếu khả năng tập trung. Tóm lại, những đứa trẻ ở trong một môi trường nuôi dưỡng như vậy sẽ khiếm khuyết về mặt thể chất, nghèo nàn trong đời sống tinh thần, thoái hóa về tâm linh. Thì chúng ta nghĩ như thế nào khi tương lai của thế giới rơi vào tay những con người như vậy, hay thế giới tràn ngập những con người như vậy? Và họ sẽ làm gì với công nghệ, trí thông minh nhân tạo đang ngày một tối tân như hiện nay?

Năm 2019, đạo diễn Robert Rodriguez cho ra đời bộ phim khoa học viễn tưởng mang tên Alita (Thiên thần chiến binh). Trong phim xuất hiện rất nhiều nhân vật nửa người nửa máy. Nếu chúng ta không cho trẻ cách tiếp cận thỏa đáng với chính công cụ chúng ta đã tạo ra, thì thế giới nửa người nửa máy sẽ không còn là viễn tưởng trong các bộ phim nữa, mà là hiện thực không xa trong tương lai. Vì thế, yêu thương dù sâu đậm nhưng thiếu đi minh triết, thì càng yêu chỉ càng làm hại người được yêu thương.

Để kiến tạo nên một con người rất khó, để tạo ra một con robot rất dễ.

I. ĐỂ KIẾN TẠO RA NHỮNG BÔNG SEN TÂM THỨC, CHÚNG TA CẦN NÂNG CAO TRÍ HIỂU BIẾT

Ngược lại, biết cách yêu thương là sự thăng hoa giữa tình yêu tử cung, cộng với lý trí, sự hiểu biết, lúc này tình yêu thương mới thực sự trọn vẹn. Để làm được điều đó bạn cần hiểu được thế nào là thương cho roi cho vọt, hiểu được thế nào là biết cách yêu thương. Một người biết cách yêu thương, nuôi con bằng tình yêu thương vô điều kiện, nhưng giáo dục con trong minh triết, sự hiểu biết và có tầm nhìn mà hai câu chuyện sau đây là những trường hợp điển hình.

Mạnh Tử thuở nhỏ nhà gần nghĩa địa thấy người ta đào, chôn, lăn khóc về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc.

Người mẹ thấy thế nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”, rồi dọn nhà ra gần chợ. Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn bán điên đảo về nhà cũng bắt chước người ta buôn bán điên đảo.

Người mẹ thấy thế lại nói: “Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được”, bèn dọn đến ở cạnh trường học. Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ dắt nhau học tập, lễ phép, cắp sách vở về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép cắp sách vở. Bấy giờ người mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở đây!”

Thực vậy, đến gần trường học, tai nghe thấy những điều hay, mắt thấy những cử chỉ đẹp, tâm hồn chịu ảnh hưởng bởi những điều cao thượng đã tác động trực tiếp đến cuộc đời của Mạnh Tử.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Đồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ông là bậc kỳ nhân hiếm có, đỗ trạng nguyên, làm quan đến chức Quốc công, là nhà hoạch định chiến lược kỳ tài, nhà thơ có ảnh hưởng sâu sắc và còn được nhân gian gọi là nhà tiên tri số một sử Việt. Nhắc tới ông, nên nói ngay đến thân mẫu Nhữ Thị Thục không chỉ với vai trò là mẹ, mà còn là người có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục, hình thành nhân cách của Trạng Trình từ lúc thơ ấu.

Phẩm chất của người kiến tạo, bà Nhữ Thị Thục là con gái quan Thượng thư bộ Hộ, Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, nổi tiếng một thời về liêm khiết và trung trực dưới triều vua Lê Thánh Tông. Bà được phong là Từ Thục phu nhân, sinh ra trong một gia đình vọng tộc và được giáo dục rất chu đáo. Bà rất thông minh lại ham hiểu biết, nên tinh thông Hán học, giỏi văn chương, đặc biệt ham thích học dịch lý, tướng số. Do học sâu Nho học, thấm nhuần tư tưởng tu thân của Nho gia nên bà có khí chất khác thường, mang trong mình chí lớn của bậc trượng phu.

Chọn chồng để sinh con, biết tướng mạo của mình sẽ sinh quý tử, lại thấy khí số nhà Lê đã đến hồi suy tàn sắp mất, nên bà quyết chí phải lấy cho được người chồng có số làm Vua hoặc có số sinh ra Vua. Chính vì thế, dù sinh trưởng trong gia đình danh giá, được nhiều trang tuấn kiệt để mắt nhưng bà đều từ chối vì qua thuật xem tướng số bà biết rằng vận mệnh của họ không thể làm Vua, cũng không thể sinh quý tử. Phải gần qua đến hết thời nhi nữ, bà mới chọn được người ưng ý để kết duyên vợ chồng. Người được bà chọn kết duyên là ông Nguyễn Văn Định, vốn là thầy đồ ít tiếng tăm, nhưng bà Nhữ Nhi Thục đến với ông bởi thấy ở ông có tướng sinh quý tử.

Tầm nhìn của một người mẹ, trước cả thai giáo. Tương truyền, ngay từ đêm tân hôn, bà đã tính toán cẩn thận ngày giờ hợp cẩn để sinh ra con làm Vua, dặn trước chồng là khi nào trăng lên đến đầu ngọn tre mới được động phòng. Nào ngờ ông Định động phòng sớm, nên bà thụ thai không đúng giờ tốt, vì thế tuy sinh quý tử (Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhưng ông không đạt được tới ngôi thiên tử về sau.

Chú trọng giáo dục, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhỏ, ông đã được mẹ hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác, khi ông lên bốn tuổi, bà đã đem Kinh truyện dạy cho... Đến khi thấy kiến thức của mình không còn đủ để truyền dạy cho con, bà gửi gắm cho nhà Nho nổi danh đương thời dạy dỗ.

Đâu phải tự nhiên lại có những bậc kỳ tài như Mạnh Tử, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Công lao rất lớn đến từ những người mẹ đầy bản lĩnh, minh triết đã dày công chuẩn bị cho tương lai con mình. Người làm mẹ ở đây vượt lên trên yêu thương thông thường xuất phát từ bản năng, có được các phẩm chất cần thiết để giáo dục con thành người, thành tài. Họ đã hết mực chú trọng đến giáo dục cho con, vì con làm nhiều việc mà không phải ai cũng đủ ý chí, dũng cảm, quyết tâm để thực hiện. Hơn hết trong tình yêu của bà có sự minh triết, trí hiểu biết, những yếu tố quyết định dẫn đến thành công. Điều đó thể hiện vai trò, tầm quan trọng của người làm bố mẹ trong việc giáo dục, ảnh hưởng đến cuộc đời con. Cũng là bài học cho lớp thế hệ hiện nay và mãi về sau, bạn nên có trách nhiệm hơn nữa, phóng tầm nhìn ra xa hơn trước khi lập gia đình và đặc biệt khi chuẩn bị sinh ra một hài nhi, bạn thực sự nên đặt ra những câu hỏi: “Mình sinh con ra để làm gì? Mình đã có sự chuẩn bị những gì cho con? Mình là ai, mình đã thực sự được giáo dục tốt chưa, mình đã đạt được gì để dạy con?”

Chính vì công lao to lớn ấy, từ xưa ông cha ta đã khắc sâu ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ được đúc kết thông qua câu ca dao tục ngữ.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩ mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Làm cha mẹ ai cũng yêu thương con mình, nhưng chính cách thể hiện tình yêu là thứ quyết định sẽ phá hủy hay xây dựng cuộc đời con.

Bố mẹ Việt nuôi dạy con trong giai đoạn này với những biến chuyển đặc biệt nhạy cảm, chuyển từ việc chỉ biết yêu thương con bằng tình yêu tử cung, sang cấp độ cao hơn yêu thương con trong minh triết. Chuyển từ hệ thống giáo dục cũ qua bao thế hệ đã ăn sâu vào trong tiềm thức nhiều người, sang phương pháp, tư duy giáo dục mới, là bước tiến vô cùng cam go và khốc liệt. Họ sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều người vẫn còn bị ám ảnh, hoặc cố chấp bám giữ lại hệ thống giáo dục cũ.

Tiêu biểu cho hình mẫu này có lẽ là bà Sara Imas, cũng là tác giả cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”. Bà Sara vốn dĩ giống như bao bố mẹ khác ở Việt Nam. Khi còn ở Thượng Hải, bà cũng chỉ là một người mẹ hết mực yêu thương con cái bằng tình yêu tử cung và điều này chỉ bắt đầu thay đổi khi chuyển về Israel sinh sống. Bà đã vượt qua nhiều khó khăn, gạt bỏ những quan niệm về cách yêu thương kiểu cũ, thay vào đó bà đã dung nạp được cách yêu thương mới, chất lượng hơn. Bà lột xác thành công chỉ vỏn vẹn trong một thời gian rất ngắn, nhưng đối với bố mẹ Việt Nam lại càng khó khăn, thách thức hơn. Nói đúng hơn các ông bố bà mẹ Việt, dù muốn nuôi dạy con tốt cũng vất vả, gian nan hơn bà Sara Imas nuôi dạy con rất nhiều.

Khó khăn, thử thách đầu tiên cũng là trở ngại, khó vượt qua nhất cho những bố mẹ muốn nuôi dạy con ở Việt Nam, bản thân họ phải là người đầu tiên thay đổi.

Bạn cần cố gắng rất nhiều nếu muốn trở thành người bố mẹ biết cách yêu thương con, nuôi dạy con trong minh triết. Vì đâu phải muốn là được, mà cần trải qua một quá trình tu thân, dưỡng tánh, bỏ nhiều thời gian học hỏi thêm những kiến thức, hiểu biết mới. Đó là một công trình đồ sộ chứ nào có đơn giản, lấy đâu thời gian, công sức như vậy khi mà ngay từ đầu nhiều người sinh con ra đã không có sự chuẩn bị từ trước, thậm chí cơm áo gạo tiền hằng ngày nhiều người còn lo chưa xong.

Hai là khi đã học và tìm hiểu thêm hiểu biết mới để học “nghề làm bố mẹ”, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều thứ mới mẻ trái hẳn với những niềm tin, hiểu biết cũ của bạn trước đây. Chẳng hạn, khi đọc cuốn sách này sẽ thấy khá nhiều kiến thức mới có thể nhiều người thấy hay đấy, nhưng bạn có sẵn sàng thay đổi niềm tin cũ bằng một niềm tin mới, thay đổi những thói quen cố hữu tồn tại dai dẳn trong tiềm thức, hành động một cách vô thức hàng ngàn năm thông qua di truyền hay không. Người xưa có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Quả thật để thay đổi tính nết, thói quen, sinh hoạt hằng ngày đã ăn sâu vào trong thâm căn cố đế là điều thực sự khó khăn vô cùng. Tuy nhiên, không có gì là không thể, nếu có đủ quyết tâm và nghị lực, bạn đều có thể làm được. Nhưng liệu bạn có sẵn sàng thay đổi? Bạn có đủ can đảm vượt ra khỏi vòng tròn an toàn, đối mặt với mọi nỗi sợ và vượt qua chính mình hay không?

Và dù bạn thực sự dành thời gian, công sức học hỏi những phương pháp nuôi con hiệu quả, liệu có mấy người áp dụng được kiến thức vào trong thực hành để thực sự nâng cao tư duy, năng lực, trí tuệ của bản thân. Vì có một thực tế rằng giữa việc đọc và hiểu, đến khi áp dụng thì khác xa nhau. Hơn nữa, bạn đã trải qua một nền giáo dục mười hai năm phổ thông và bốn năm đại học, học toàn những kiến thức xa rời thực tiễn, kiến thức khó được áp dụng vào thực hành. Bạn đã quen với việc học kiến thức, lý thuyết suông, tư duy đã trở nên cứng nhắc, do đó sẽ gặp khó khăn khi vận dụng kiến thức áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Nhưng bà Sara thì khác, bà ấy thay đổi nhanh chóng và làm triệt để. Tôi cho rằng không phải vì bà ấy thông minh hay vượt trội hơn bố mẹ Việt, mà vì khi chuyển đến sống tại Israel, bà ấy có được cơ hội tận mắt chứng kiến, so sánh hai lối giáo dục cũ và mới. Thấy được ưu việt của phương pháp mới và những cái tiêu cực của phương pháp cũ, thấy được sức mạnh của giáo dục ảnh hưởng đến con người như thế nào một cách rõ ràng. Có nhiều tấm gương xung quanh cho bà học hỏi và những người hàng xóm tốt bụng như chuyên gia, quân sư thực sự hữu ích luôn bên cạnh tư vấn, hỗ trợ. Hình mẫu đã có sẵn, nên bà ấy dễ dàng vận dụng được lý thuyết vào trong thực hành, để tạo ra những thay đổi tích cực cho chính bản thân và các con. Còn ở chúng ta thì không, khiến tâm lý chưa chắc chắn, lạc lõng, khiến nỗi sợ hãi còn lấn át trái tim. Nên bạn chần chừ chưa chịu thay đổi, hoặc chưa thực sự biết cách áp dụng như thế nào.

Khó khăn thử thách tiếp theo là trong giáo dục gia đình chưa có sự thống nhất, nên gây ra sự mâu thuẫn, xáo trộn.

Bố dạy con theo cách của bố, mẹ nuôi dạy con theo phương pháp, tư duy mới, trong khi ông bà nội ngoại lại muốn dạy cháu theo lề lối cũ, phương pháp giáo dục cũ. Chẳng hạn, khi mẹ Việt muốn hình thành thói quen lao động, nên cho trẻ làm việc nhà lúc này rất có khả năng ông bố thấy vậy nói: “Để đó đi con, lát mẹ làm, lại đây chơi với bố nào”; còn ông bà phản ứng: “Ôi! Cháu yêu để ông bà làm cho, con đi chơi đi”. Khi các mẹ muốn áp dụng phương pháp ba không thỏa mãn trong ăn uống để giúp con tự chủ ham muốn, người chồng lại vô tình hay cố ý lại can thiệp: “Con thích ăn gì nói bố mua cho”, ông bà lại nói: “Cho cháu ăn thật nhiều, được miếng nào hay miếng đó”. Khi mẹ cho bé tắm dưới trời mưa, chơi dưới trời nắng chồng quát: “Con còn nhỏ, cho nó vào đi, bố cấm con đội nắng tắm mưa nghe chưa”, ông bà thốt lên: “Trời ạ, cho nó vào nhà mau, không sẽ bị ốm đó.”

Bà Sara không phải đối mặt với nhiều những tình huống như thế, còn mẹ Việt thì có. Một bên là chồng và bố mẹ chồng, bên kia bố mẹ ruột, chắc chắn nhiều người sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận chuyện này và sẽ có mâu thuẫn trong gia đình. Đây là một thách thức cho người phụ nữ Việt, cũng như với người đàn ông trong việc nuôi dạy trẻ thời buổi hiện nay. Họ thực sự là những người tiên phong, ở đất nước nơi mà họ thường bị gán cho cái mác chân yếu tay mềm, sự chèn ép đối với phụ nữ trong suốt nhiều ngàn năm qua khiến nhiều người đã quen với khổ, với sự bất công nên không dễ gì họ tự thoát ra được. Còn người đàn ông tính gia trưởng, sự chuyên quyền trong gia đình qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp được di truyền thông qua ADN vẫn còn đó, thì để nuôi dạy con trong sự minh triết là không hề đơn giản.

Nhưng bạn à, nếu nghĩ suy một chút, đủ rộng và đủ sâu, thì đây không hẳn là chuyện không hay, hơn nữa còn là một cơ hội. Từ nhất tâm đến vô tâm, như một khoảng trời vậy. Đi cả đời cũng chưa chắc đã tới. Giáo dục một đứa trẻ cũng như vậy. Bạn dành toàn tâm, toàn ý, toàn lực để giáo dục, nuôi dưỡng đứa con thân yêu. Tuy nhiên, vì tâm bạn chấp chặt vào một thứ nên rất khó để buông bỏ (buông nhất tâm để về vô tâm). Hành trình giáo dục đứa trẻ từ việc đặt tâm vào chúng, đến việc vô tâm - đấy là hành trình giác ngộ, trả lại tự do cho chính bạn. Bạn chỉ cần tu thân, làm tốt công việc của mình, nuôi dưỡng nhưng không dính mắc, dạy dỗ nhưng không áp đặt. Bạn hành động là hành động, không mong cầu kết quả được hay mất, tốt hay xấu.

Giáo dục chính quy, xã hội chưa kịp thay đổi phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Ở Việt Nam, đây là giai đoạn chuyển đổi giữa hai nền giáo dục cũ và mới, tạo nên xung đột, mâu thuẫn gay gắt. Cho nên đây là thời kỳ cái mới sẽ phải đấu tranh để thay dần cái cũ, nền giáo dục cũ với nhiều thiếu sót vẫn thịnh hành, nền giáo dục mới hoàn thiện hơn thì nhích từng bước từng bước.

Nếu bạn dạy cho trẻ: “Con nên tò mò và hãy đặt câu hỏi càng nhiều càng tốt”. Vì điều đó cho thấy trẻ có tinh thần ham học hỏi, khám phá, lẫn cơ hội để phát triển kỹ năng quan sát và đặt vấn đề từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, ở một mặt khác liệu trên trường giáo viên có chấp nhận được điều này tốt cho tư duy trẻ chưa, hay họ sẽ cho là rắc rối, phiền phức. Rồi bạn chú trọng nuôi dưỡng trái tim yêu thương cho con, thì chúng sẽ thể hiện ở trường học thế nào. Hay chúng sẽ bị hụt hơi trước chương trình hiện tại phần lớn nghiêng về phát triển trí não, lý trí. Khi bạn để trẻ tự do nghịch bẩn, chơi những trò vận động chân tay, mạo hiểm, những người xung quanh sẽ phản ứng như thế nào, phải chăng họ ủng hộ hay phản đối, chỉ trích bạn. Tất cả những điều này bà Sara không có, nhưng ở Việt Nam, phụ huynh và đứa trẻ sẽ đối mặt với những vấn đề đó.

Tình hình của những bố mẹ Việt nuôi con trong thời gian này không khác gì tình cảnh một cuộc chiến cam go thực sự. Khi mà bên ngoài có quân địch bao vây muốn phá thành, chiếm đất, đặt ách nô dịch lên người dân. Ở đây “quân địch” tượng trưng cho nền giáo dục cũ, “người dân trong thành” tượng trưng những đứa trẻ thời đại mới. Bên trong chủ tướng còn do dự, thiếu quyết đoán, tượng trưng cho những người muốn nuôi dạy con từ trạng thái không có kỹ năng chuyển lên có kỹ năng, chỉ biết yêu thương con thuần túy chuyển sang yêu thương trong minh triết. Nội bộ bất hòa, tượng trưng cho sự giáo dục chưa thống nhất giữa các thế hệ trong gia đình.

Nếu trong chiến đấu thực sự, chủ tướng bên trong thành sẽ nắm chắc thất bại khi bên ngoài có địch, bên trong nội bộ lại bất hòa, chủ tướng thì do dự. Bố mẹ nuôi dạy con trong giai đoạn này ở Việt Nam là những người đi tiên phong để mở ra thời kỳ hoàng kim, đó là hành trình vô cùng khó khăn, đầy chông gai.

Nhưng tôi thấy đây như một thử thách, kiểm chứng tình yêu thực sự của bố mẹ dành cho con của mình. Nếu một người yêu con thuần bản năng thì con đường này không dành cho họ, họ không làm được. Họ cũng rất yêu thương con, họ có thể hy sinh tính mạng vì đứa con thân yêu của mình. Nhưng đấy là một hành động bộc phát bản năng, khi cảm xúc dâng cao, rất đơn giản, rất nhanh và một chút liều lĩnh, mọi bố mẹ đều có thể làm được.

Ở một khía cạnh khác, sự hy sinh này không nghiêm trọng đến mất mạng, tuy nhiên bạn cần cố gắng nâng cao năng lực để tương tác với con. Bạn không cần hy sinh thân mình để cứu con, nhưng lại không có nhiều người làm được. Bởi vì sự hy sinh này không diễn ra nhanh chóng, không cần liều lĩnh nhưng đòi hỏi sự can đảm, cần thời gian, ý chí, nghị lực và sự đấu tranh quyết liệt diễn ra cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì đây là ở mức độ hy sinh cao hơn và mang đến giá trị lớn hơn.

Khi bạn ý thức được vai trò của giáo dục ảnh hưởng thế nào đến tương lai của con, thì bằng lý trí của bố và tình yêu vô hạn của mẹ khi ấy tất cả những khó khăn, thử thách cũng chỉ tô điểm thêm cho tình yêu và công cuộc giải phóng con cái. Bạn có thể vượt qua tất cả, cố gắng không biết mệt mỏi, tìm đủ mọi cách và phương tiện để mang đến nền giáo dục tốt nhất cho con. Còn không cũng lý trí đó, bạn sẽ dùng tất cả những lời lẽ hoa mỹ để bao biện cho sự thiếu trách nhiệm, bất cập trong giáo dục con cái của mình.

Tu thân, tâm an rồi mới đến hướng dẫn, chỉ đường cho con.

Đây cũng là lý do tại sao ở Việt Nam chưa thể vận dụng thành công những phương pháp giáo dục ưu việt từ các nước xung quanh như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Do Thái, Phần Lan. Đừng phát cuồng vì những phương pháp giáo dục đó. Chúng ta chưa thể áp dụng dập khuôn vào giáo dục trẻ em nước nhà, mà chỉ có thể cố gắng dạy linh hoạt tối đa hóa phương pháp để tác động tốt nhất đến con trẻ, chứ không thể trông chờ vào kết quả như ý được. Vì trẻ còn chịu tác động từ nhiều phía khác nhau, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nhưng dù sao thiệt thòi nhất cũng chỉ có trẻ nhỏ, trẻ không biết nghe ai, theo ai, làm sao cho đúng, vô tình đặt sức ép quá lớn lên các em. Việc của bạn là hãy làm tốt phận sự của mình là được, không nên đánh đồng nguyên nhân với kết quả.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh