Ta Là Cái Đó: Chương 85. Cái Không Biết Là Ngôi Nhà Của Cái Thật

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 85. CÁI KHÔNG BIẾT LÀ NGÔI NHÀ CỦA CÁI THẬT

Hỏi: Ai là Đạo sư, và ai là Đạo sư tối thượng?

Maharaj: Tất cả những gì xảy ra trong ý thức của ông là Đạo sư của ông. Tánh biết thuần túy ở ngoài ý thức là Đạo sư tối thượng.

H: Đạo sư của tôi là Sri Babaji. Ông nghĩ gì về ông ấy?

M: Thật là một câu hỏi lạ lùng! Khoảng không ở Bombay được hỏi có ý kiến gì về khoảng không ở Poona. Danh xưng thì khác, nhưng khoảng không thì không khác. Từ ngữ “Babaji” chỉ là một địa chỉ. Ai sống ở địa chỉ đó? Ông chỉ hỏi khi ông gặp vấn đề. Hãy hỏi ai gây ra vấn đề và cho ai?

H: Tôi hiểu rằng mỗi người có bổn phận phải giác ngộ. Liệu đó là nhiệm vụ hay định mệnh?

M: Giác ngộ là nhận ra thực tế ông không phải là một con người. Vì thế, giác ngộ không thể là nhiệm vụ của một con người mà định mệnh của con người đó là: Biến mất. Định mệnh của con người là nhiệm vụ của người tưởng tượng chính mình là con người. Tìm ra con người là ai thì con người được tưởng tượng sẽ biến mất. Tự do là thoát ra khỏi một cái gì đó. Ông sẽ thoát khỏi cái gì? Rõ ràng là ông phải thoát khỏi con người mà ông cho chính ông là, vì ý tưởng ông có về chính ông câu thúc ông trong ràng buộc.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Con người được loại trừ như thế nào?

M: Bằng sự quyết tâm. Hãy hiểu rằng con người phải ra đi và cầu mong nó ra đi - con người sẽ ra đi nếu ông thành khẩn về điều đó. Một ai đó, bất cứ ai sẽ cho ông biết: ông là ý thức thuần túy, ông không phải là một thân-tâm. Hãy chấp nhận điều đó như một khả năng có thể xảy ra, và tìm hiểu một cách thành khẩn. Có thể những gì ông khám phá không giống như ông nghĩ - ông không phải là một con người bị ràng buộc trong không gian và thời gian.

Thử nghĩ về sự khác biệt mà điều này đem lại!

H: Nếu không phải là một con người, thế tôi là ai?

M: Vải khi ướt thì trông có vẻ, sờ có cảm tưởng và ngửi có mùi khác. Lúc khô nó lại là vải bình thường. Khi nước đã thoát ra khỏi vải, ai có thể phân biệt được là vải đã ướt? Bản tánh chơn thật của ông không giống với cái mà ông có vẻ như là. Hãy từ bỏ ý tưởng là một con người, chỉ thế thôi. Ông chẳng cần phải bằng mọi cách để trở thành chính ông. Có ý thức tự biết về chính ông, và có một con người chồng lên trên ý thức đó. Tất cả những gì ông biết là con người, còn ý thức tự biết - không phải là một con người - thì ông không biết vì ông không bao giờ nghi vấn, không bao giờ ông tự hỏi câu hỏi cốt lõi “Ta là ai”. Ý thức tự biết về chính mình là nhân chứng chứng kiến con người, và Sadhana là tìm cách chuyển sự chú ý từ con người nông cạn và thay đổi sang nhân chứng bất biến và thường tại.

H: Vì sao câu hỏi “Ta là ai” không mấy hấp dẫn đối với tôi? Tôi thích dành thời gian thân cận với các bậc thánh nhân hơn.

M: An trú trong sự hiện hữu của chính ông cũng là thân cận với thánh nhân. Nếu không gặp đau khổ và thoát khỏi đau khổ, ông sẽ không thể tìm ra cái năng lượng và sự kiên trì cần thiết cho sự tìm hiểu chính mình. Ông không thể tạo ra một cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng phải có thật.

H: Một cuộc khủng hoảng thật xảy ra như thế nào?

M: Nó xảy ra trong từng khoảnh khắc nhưng ông không đủ tỉnh thức để nhận ra. Một vết quầng trên mặt của người hàng xóm, nỗi đau khổ vô biên vào bao trùm cuộc sống là một yếu tố bất biến trong đời ông nhưng ông có để ý đâu. Ông đau khổ và ông thấy người khác đau khổ, nhưng ông không phản ứng.

H: Những gì ông nói là đúng thật, nhưng liệu tôi có thể làm được gì? Tình cảnh quả thật là như thế, nhưng tính cách vô tư lực và sự u mê của tôi lại là một phần trong đó.

M: Tốt. Hãy thường xuyên quan sát ông - thế là đủ. Cánh cửa khóa ông lại cũng là cánh cửa mở ông ra. Cái “Ta hiện hữu” là cánh cửa. Hãy ở ngay cánh cửa đó cho đến khi nó bật mở. Mà thật ra thì nó mở, còn ông không ở đó. Ông đang chờ ở những cánh cửa được vẽ ra nhưng không có - những cánh cửa không bao giờ mở.

H: Rất nhiều người trong số chúng tôi có một thời gian dùng ma túy trong một chừng mực nào đó. Người ta bảo chúng tôi dùng ma túy để đột phá vào những giai tầng cao hơn của ý thức. Cũng có người khuyên chúng tôi làm chuyện tình dục thật nhiều cũng vì mục đích như thế. Ý kiến ông thế nào?

M: Chắc chắn là ma túy có thể tác động lên bộ óc của ông, mà cũng có thể tác động vào tâm ông, và cho ông tất cả những kinh nghiệm kỳ lạ như được hứa hẹn. Nhưng tất cả những loại ma túy đó chẳng là gì khi so với loại ma túy đã tạo cho ông cái kinh nghiệm khác thường nhất: được sinh ra, sống trong đau khổ và sợ hãi, tìm kiếm hạnh phúc nhưng hạnh phúc không bao giờ đến hay không bao giờ lâu dài. Ông nên tìm hiểu bản chất của loại ma túy này và tìm ra thuốc giải cho nó.

Sinh ra, sống và chết - chỉ là một. Tìm ra cái gì là nguyên nhân của chúng. Trước khi được sinh ra, ông đã bị đánh thuốc. Đó là loại thuốc gì? Ông có thể tự trị liệu các căn bệnh của ông, nhưng nếu ông vẫn chịu ảnh hưởng của loại thuốc nguyên thủy thì những phương thức trị liệu hời hợt kia liệu có ích gì?

H: Thế không phải nghiệp tạo ra sự tái sinh?

M: Ông có thể thay đổi tên gọi nhưng thực tế thì vẫn thế. Loại thuốc mà ông gọi là nghiệp hay định mệnh là gì? Nó làm cho ông tin ông là cái mà ông không phải. Nó là cái gì vậy, và liệu ông có thể thoát khỏi nó? Trước khi có thể đi xa hơn, ông phải chấp nhận - ít ra như một lý thuyết khả tín rằng: Ông không phải cái mà ông có vẻ là, ông đang chịu ảnh hưởng của một loại thuốc. Lúc đó ông mới có sự thôi thúc và kiên nhẫn để xem xét triệu chứng và tìm kiếm nguyên nhân chung nhất. Tất cả những gì một Đạo sư chỉ có thể nói với ông là: “Này ông, ông hoàn toàn lầm lẫn về chính ông. Ông không phải con người mà ông nghĩ ông là.” Đừng tin bất cứ ai, và ngay cả ông. Tìm kiếm, phát hiện, loại trừ và bác bỏ mọi giả thuyết cho đến khi ông đến được với giòng nước của sự sống và tảng đá của chân lý. Chừng nào còn chịu ảnh hưởng của loại thuốc đó thì tất cả tôn giáo và khoa học của ông, sự cầu nguyện và thực hành các pháp môn Yoga đều vô ích đối với ông, vì được dựng lập trên sự sai lầm nên chúng chỉ làm cho sai lầm thêm kiên cố. Nhưng nếu ông thường xuyên với ý tưởng: Ông không phải thân mà cũng chẳng phải tâm, thậm chí cũng không phải là nhân chứng của thân tâm, mà hoàn toàn ở bên ngoài - thì tâm ông sẽ trở nên trong sáng, tham ái của ông trở nên thanh tịnh, và hành động của ông trở nên khoan dung. Sự thanh tẩy nội tâm đó sẽ đưa ông vào một thế giới khác, một thế giới của chân lý và tình yêu vô úy. Hãy cưỡng lại những thói quen cũ của cảm thọ và suy nghĩ, hãy thường xuyên tự nhủ: “Không, không phải thế; điều đó không phải như thế; Ta không phải thế này, Ta không cần nó, Ta không muốn nó”, rồi chắc chắn một ngày sẽ đến khi toàn thể cái cơ nghiệp của sai lầm và tuyệt vọng sẽ sụp đổ, và nền tảng sẽ trở nên trống trải cho một cuộc sống mới. Xét cho cùng, nên nhớ rằng tất cả những ưu tư với chính ông chỉ xảy ra vào những lúc thức và một phần trong các giấc mơ của ông; trong giấc ngủ sâu tất cả đều chìm vào quên lãng. Điều này cho thấy cuộc sống vào những lúc thức của ông chẳng quan trọng bao nhiêu, mà thậm chí cả với chính ông, vì chỉ cần nằm xuống và nhắm mắt là có thể chấm dứt nó. Mỗi lần đi ngủ ông đều làm như thế mà không có gì chắc chắn rằng ông sẽ thức dậy, nhưng ông vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

H: Trong khi ngủ, ông có ý thức hay vô thức?

M: Ta vẫn ý thức, nhưng không phải ý thức là một con người riêng biệt nào đó.

H: Ông có thể cho chúng tôi mùi vị của kinh nghiệm giác ngộ chính mình?

M: Cứ việc lấy hết đi! Nó có sẵn đây để ông xin. Nhưng ông không xin. Thậm chí khi ông xin, ông vẫn không lấy. Thử tìm ra cái gì ngăn không cho ông lấy?

H: Tôi biết cái gì ngăn trở - cái Ta của tôi.

M: Thế thì hãy bận rộn cái Ta của ông, và mặc kệ Ta. Bao giờ ông còn bị giam hãm trong nội vi tâm thức thì ông không thể hiểu được trạng thái của Ta.

H: Tôi thấy không còn câu hỏi nào nữa.

M: Nếu ông thực sự chống lại cái Ta của ông thì lẽ ra ông phải đặt nhiều câu hỏi nữa. Ông thiếu câu hỏi vì ông không thật sự quan tâm. Ông hiện đang bị điều khiển bởi nguyên lý lạc thú và đau khổ, tức là cái Ta. Ông thuận theo cái Ta mà không chống lại nó. Thậm chí ông cũng không biết rằng ông hoàn toàn bị thống trị bởi những ưu tư thuộc về con người. Một người phải thường xuyên nổi loạn với chính mình, vì cái Ta - giống như một tấm gương lồi lõm - làm cho hình ảnh hẹp lại và méo mó. Cái Ta là tên bạo chúa hung ác nhất và thống trị ông tuyệt đối.

H: Nếu không còn cái “ta” thì ai được giải thoát?

M: Thế giới được giải thoát khỏi nỗi phiền vĩ đại. Thế là đủ tốt rồi.

H: Tốt cho ai?

M: Tốt cho mọi người. Cái Ta cũng giống như một sợi dây thừng giăng ngang đường, gây cản trở lưu thông. Cuộn nó lại thì nó vẫn có đó - như một ý thức tự biết mình thuần túy - hữu ích khi cần đến. Thoát khỏi cái Ta của chính mình là kết quả của sự tìm hiểu chính mình.

H: Có một dạo tôi rất bất mãn với chính tôi, nhưn sau khi gặp được Đạo sư và hoàn toàn giao phó tôi cho ngài thì hiện nay tôi rất an lạc.

M: Nếu quan sát cuộc sống thường nhật của ông thì ông sẽ thấy ông đã chẳng bao giờ giao phó bất cứ gì cho Đạo sư của ông. Ông chỉ đơn thuần thêm từ ngữ “giao phó” vào kho chữ nghĩa của ông, và biến Đạo sư của ông thành cái chốt để treo những phiền trược của ông. Thực sự giao phó thân mạng có nghĩa là không làm gì cả, chỉ khi nào được Đạo sư gợi ý. Có thể nói là ông bước sang một bên để Đạo sư sống cuộc sống của ông. Ông chỉ đơn thuần quan sát và tự hỏi làm sao Đạo sư đã giải quyết các phiền trược dễ dàng như thế, còn đối với ông chúng có vẻ như không thể nào giải quyết được.

H: Khi ngồi đây tôi thấy căn phòng, tôi thấy người khác và tôi thấy cả ông. Quang cảnh này thế nào đối với ông? Ông thấy gì?

M: Chẳng có gì. Ta nhìn nhưng không thấy - theo nghĩa tạo ra hình ảnh và khoác lên chúng những phán xét. Ta không miêu tả hay đánh giá. Ta nhìn và thấy ông, nhưng không có thái độ hay ý kiến nào ngăn che cái thấy của Ta. Khi Ta hướng mắt đi nơi khác, tâm Ta không để cho ký ức lởn vởn; nó tự do ngay lập tức và hoàn toàn tươi mới cho ấn tượng kế tiếp.

H: Khi ngồi đây nhìn ông, tôi không thể xác định sự kiện trong không gian và thời gian. Có cái gì vĩnh cửu và mang tính vũ trụ về một sự trao truyền trí tuệ đang xảy ra. Mười ngàn năm về trước, hay về sau, cũng chẳng có gì khác biệt vì sự kiện chính nó là phi thời.

M: Con người chẳng thay đổi bao nhiêu qua các thời đại. Những vấn đề nhân sinh vẫn thế và chờ mong cùng những câu trả lời. Việc ông ý thức về cái mà ông cho là trao truyền trí tuệ chứng tỏ rằng trí tuệ chưa hề được trao truyền. Khi có trí tuệ ông không còn ý thức về nó nữa. Cái gì thực sự là của ông thì ông không ý thức về nó. Bất cứ gì ông có thể ý thức được đều không phải là ông hay của ông. Của ông là khả năng nhận thức, chứ không phải những gì được ông nhận thức. Xem ý thức là toàn thể con người là một lầm lẫn. Con người là vô thức, hữu thức và siêu thức, nhưng ông không phải con người. Màn ảnh xinê, ánh sáng cũng như khả năng thấy là của ông, nhưng hình ảnh thì không phải là ông.

H: Tôi phải tìm một Đạo sư khác, hay tiếp tục ở lại với bất cứ ai mà tôi gặp?

M: Câu hỏi của ông chứng tỏ ông chưa gặp được Đạo sư. Bao giờ chưa giác ngộ thì ông còn tìm kiếm Đạo sư này đến Đạo sư khác, nhưng khi ông tìm ra chính ông thì sự tìm kiếm chấm dứt. Đạo sư chỉ là một cột mốc chỉ đường. Trên đường đi, ông qua không biết bao nhiêu cột mốc. Khi đã đến đích thì chỉ cột mốc cuối cùng mới quan trọng. Thật ra, mọi cột mốc đều quan trọng vào thời điểm của nó, còn trong hiện tại thì chẳng cột mốc nào quan trọng.

H: Ông có vẻ cho Đạo sư không là quan trọng. Theo ông Đạo sư chỉ là một trong số các sự kiện.

M: Tất cả các sự kiện đều góp phần, nhưng không sự kiện nào là chủ yếu. Trên đường đi mỗi bước đều đưa ông đến đích, và mỗi bước đều quan trọng như nhau, vì mỗi bước phải được bước, ông không thể bỏ bước nào. Nếu không chịu bước thì ông kẹt lại!

H: Mọi người đều ca tụng Đạo sư còn ông so sánh Đạo sư với cột mốc chỉ đường. Thế chúng ta không cần có Đạo sư?

M: Chúng ta có cần cột mốc chỉ đường. Có và không. Có - nếu chúng ta không biết chắc. Không - nếu chúng ta biết đường đi. Một khi chúng ta chắc chắn với chính mình thì Đạo sư không cần thiết nữa, ngoại trừ theo nghĩa chuyên môn. Xét cho cùng tâm ông là một công cụ, và ông phải biết cách sử dụng nó. Nếu ông học cách sử dụng thân xác thì ông cũng cần phải biết cách sử dụng tâm.

H: Tôi được gì khi học cách sử dụng tâm?

M: Ông được sự tự do thoát khỏi tham ái và lo sợ, hoàn toàn do dụng tâm sai lầm. Chỉ hiểu biết bằng tri thức không thì chưa đủ. Cái biết chỉ là phụ thuộc, cái không biết mới là nhà của cái chơn thật. Sống trong cái biết là ràng buộc, sống trong cái không biết là giải thoát.

H: Theo chỗ tôi hiểu thì tất cả mọi tu tập tâm linh đều nhắm đến sự loại trừ cái Ta có tính cách con người. Một sự tu tập như thế đòi hỏi một quyết tâm sắt đá và sự ứng dụng không lơi lỏng. Tìm đâu ra trực tâm và năng lượng cho một công việc như thế?

M: Ông tìm trong sự thân cận thiện tri thức.

H: Làm sao tôi phân biệt được ai là thiện tri thức và ai chỉ là người khôn ngoan?

M: Nếu động cơ thúc giục ông là trong sạch, và nếu ông chỉ tìm kiếm chân lý, mà không là gì khác - ông sẽ gặp đúng người. Tìm ra thiện tri thức thì rất dễ, nhưng cái khó là tín tâm và sự vận dụng được sự chỉ giáo và hướng dẫn của các vị ấy.

H: Trạng thái thức quan trọng cho sự tu tập tâm linh hơn là trạng thái ngủ?

M: Một cách tổng quát chúng ta quá coi trọng trạng thái thức. Nếu không ngủ thì không thể có trạng thái thức, nếu không ngủ một người sẽ điên hay chết. Tại sao quá quan trọng hóa trạng thái thức - là trạng thái hiển nhiên tùy thuộc vào vô thức? Không chỉ ý thức mà vô thức cũng cần phải được chú trọng trong sự tu tập tâm linh của chúng ta.

H: Một người phải quan tâm đến vô thức như thế nào?

M: Duy trì cái “Ta hiện hữu” trong tiêu điểm của tánh biết, hãy nhớ rằng ông hiện hữu, quan sát ông không ngưng nghỉ rồi cái vô thức sẽ tuôn trào vào ý thức mà không có sự cố gắng đặc biệt nào của ông. Những tham ái và lo sợ sai lầm, ý nghĩ sai lầm, những ức chế của xã hội phong tỏa và ngăn trở vô thức tự do tương tác với ý thức. Một khi được tự do hội nhập, cả hai trở nên một, và một trở thành tất cả. Con người hội nhập vào nhân chứng, nhân chứng hội nhập vào tánh biết, tánh biết hội nhập vào hiện hữu thuần túy, nhưng tính cách cá biệt thì không mất, mà chỉ những hữu hạn của nó mất đi. Nó biến thể và trở thành cái Ta chơn thật, tức là vị Đạo sư bên trong, luôn luôn là người bạn và người chỉ đường. Ông không thể tiếp cận cái Ta chơn thật bằng sự thờ kính. Không một sinh hoạt bên ngoài nào có thể tiếp cận cái Ta bên trong; thờ kính và cầu nguyện vẫn chỉ là bề ngoài. Để thâm nhập sâu xa thì hành thiền là cần thiết - tức là phấn đấu vượt ra ngoài các trạng thái ngủ, chiêm bao, và thức. Thoạt tiên những tinh tấn rất thất thường, nhưng khi được lập lại nhiều lần thì sẽ trở nên đều đặn, rồi liên tiếp và mãnh liệt cho đến khi tất cả mọi chướng ngại được chinh phục.

H: Chướng ngại đối với cái gì?

M: Đối với sự quên đi cái Ta.

H: Nếu thờ kính và cầu nguyện không có ảnh hưởng thì tại sao ông thờ kính bằng sự hát xướng trước hình ảnh Tôn sư của ông hàng ngày?

M: Những ai muốn làm như vậy thì làm như vậy. Ta thấy không cần thiết phải can thiệp.

H: Nhưng ông tham dự trong đó.

M: Đúng, bề ngoài là như thế. Nhưng tại sao lại chú trọng với Ta đến thế? Dành tất cả chú ý của ông cho câu hỏi: “Cái gì là cái làm cho Ta có ý thức?” cho đến khi tâm ông trở thành chính câu hỏi và không thể nghĩ về bất cứ gì khác.

H: Tất cả mọi người đều thúc giục tôi hành thiền. Tôi không cảm thấy hăng hái trong việc hành thiền, nhưng lại rất quan tâm đến nhiều thứ khác; có một số điều tôi rất muốn và tâm tôi dồn hết cho những điều đó. Những cố gắng hành thiền của tôi chỉ nửa vời, tôi phải làm gì?

M: Hãy hỏi chính ông: “Tất cả xảy ra với ai?” Vận dụng mọi thứ như một cơ hội để đi vào bên trong. Thắp sáng con đường ông đi bằng cách đốt cháy tất cả mọi chướng ngại trong cường độ của tánh biết. Khi ông tình cờ tham ái hay lo sợ thì không phải tham ái hay lo sợ là không đúng và phải ra đi, mà chính con người tham ái và lo sợ phải ra đi. Vấn đề không phải là đấu tranh với tham ái và lo sợ - là những gì có thể hoàn toàn tự nhiên và chính đáng - mà chính là con người bị chúng thống trị, đó mới chính là nguyên nhân của sai lầm trong quá khứ và tương lai. Con người này cần phải được tìm hiểu cẩn thận, và tính cách hư giả của nó cần phải được thấy rõ thì lúc đó quyền năng của nó đối với ông mới chấm dứt. Xét cho cùng, con người đó chìm xuống mỗi khi ông đi ngủ. Trong giấc ngủ sâu, ông không phải là một con người có ý thức về chính mình, nhưng ông vẫn sống. Khi ông sống và có ý thức - nhưng không ý thức về chính mình - thì ông không còn là một con người. Trong suốt thời gian thức có vẻ như ông đóng tuồng trên sân khấu, nhưng ông là gì khi vở tuồng kết thúc? Ông là cái ông là - trước khi vở tuồng bắt đầu ông là cái gì thì sau khi vở tuồng kết thúc ông vẫn là cái đó. Hãy nhìn chính ông như ông đang trình diễn trên sân khấu của cuộc đời. Sự diễn xuất có thể là xuất sắc hay vụng về, nhưng ông không ở trong vở tuồng mà chỉ đơn thuần quan sát nó, dĩ nhiên với sự chăm chú và đồng tình, nhưng luôn luôn nhớ rõ trong tâm là ông chỉ quan sát vở tuồng - cuộc đời - đang diễn ra.

H: Ông luôn luôn nhấn mạnh đến khía cạnh nhận thức về thực tại. Hầu như ông không đề cập đến tình cảm, còn ý chí thì không bao giờ?

M: Ý chí, tình cảm, cực lạc, phấn đấu và hưởng thụ đều bị cấu nhiễm sâu đậm bởi tính cách con người đến độ chúng không thể tin cậy được. Sự trong sáng và trong sạch cần thiết vào lúc bắt đầu cuộc hành trình thì chỉ tánh biết mới có thể cho ông. Rồi lần lượt sẽ đến tình yêu và ý chí, nhưng nền tảng phải được chuẩn bị. Mặt trời của tánh biết phải xuất hiện trước - tất cả những cái khác sẽ theo sau.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh