Ta Là Cái Đó: Chương 84. “Ta Hiện Hữu” - Nền Tảng Của Mọi Kinh Nghiệm

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 84. “TA HIỆN HỮU” - NỀN TẢNG CỦA MỌI KINH NGHIỆM

Hỏi: Có lần tôi nghe ông phát biểu về chính ông như: “Ta là vô thời, bất biến bên ngoài mọi thuộc tính”, vân vân. Làm sao ông biết được? Điều gì khiến ông nói ra như thế?

Maharaj: Ta chỉ tìm cách mô tả trạng thái trước khi “Ta hiện hữu” sinh khởi, nhưng tự thân trạng thái đó - ở ngoài tâm và không có trong ngôn ngữ của tâm - thì không thể mô tả được.

H: Cái “Ta hiện hữu” là nền tảng của mọi kinh nghiệm. Cái ông đang tìm cách mô tả chắc chắn cũng phải là một kinh nghiệm, hữu hạn và vô thường. Ông bảo ông bất biến. Tôi nghe từ ngữ này, nhớ ý nghĩa của nó trong từ điển, nhưng chưa hề trải qua kinh nghiệm bất biến. Làm sao tôi có thể xuyên phá sự ngăn trở này và chứng nghiệm một cách thân quen bất biến là như thế nào?

M: Tự thân từ ngữ là cây cầu. Hãy ghi nhớ nó, tư duy về nó, khám phá nó, đi vòng quanh nó, nhìn nó từ đủ mọi góc độ, lặn sâu vào nó với tất cả sự kiên nhẫn nhiệt thành: Chịu đựng mọi trì hoãn và thất vọng cho đến khi tâm hốt nhiên quay trở lại - không chú ý đến từ ngữ này nữa - mà hướng về thực tại bên ngoài từ ngữ. Cũng giống như tìm kiếm một người mà chỉ biết tên người đó. Sẽ đến một ngày sự dò hỏi của ông đưa ông đến với người đó, và cái tên trở thành hiện thực. Ngôn từ rất quý giá, vì giữa ngôn từ và ý nghĩa của nó có một sự liên kết, và nếu tra vấn nó một cách kiên trì thì một người có thể vượt ra khỏi khái niệm và đi vào kinh nghiệm ở tại căn nguyên của từ ngữ. Thật thế, những cố gắng lập đi lập lại để vượt ra khỏi ngôn từ là cái được gọi là thiền quán. Sadhana chính là một cố gắng kiên trì để vượt từ hữu ngôn sang vô ngôn. Công việc này có vẻ vô vọng cho đến khi đột nhiên tất cả trở nên sáng tỏ, đơn giản, và thật dễ dàng làm sao. Nhưng nếu còn vui thích lối sống hiện nay thì ông sẽ ngại thực hiện bước phóng cuối cùng vào cái không biết.

H: Tại sao cái không biết lại làm cho tôi quan tâm? Nó có lợi ích gì?

M: Chẳng có bất cứ lợi ích nào? Nhưng rất xứng đáng để biết cái gì giam hãm ông trong nội vi chật hẹp của cái biết. Chính sự hiểu biết đúng và trọn vẹn về cái biết đưa ông đến cái không biết. Ông không thể nghĩ về nó theo sự hữu ích và lợi thế. Tĩnh lặng và xa lìa, ở ngoài mọi sự vươn tới của tất cả những lo toan cá nhân và tư duy vị kỷ - là điều kiện tất yếu của giải thoát. Ông có thể gọi đó là chết; nhưng đối với Ta đó là sống với tất cả ý nghĩa và cường độ mãnh liệt nhất của nó, vì khi là một với sự sống trong tổng thể và viên mãn của nó - mãnh liệt, đầy ý nghĩa và hài hòa - thì Ta còn mong muốn gì hơn?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Dĩ nhiên là chẳng cần gì hơn nữa. Nhưng ông đang nói về cái có thể biết được.

M: Chỉ sự im lặng mới có thể nói về cái không thể biết. Tâm chỉ có thể nói về những gì nó biết. Nếu ông kiên trì tra vấn cái có thể biết thì nó sẽ tan biến và chỉ cái không thể biết còn lại. Nhưng ngay thoáng tưởng tượng và ưa thích đầu tiên thì cái không thể biết bị ngăn che và cái biết trở nên nổi bật. Cái biết, cái biến dịch là những gì ông sống với - cái bất biến thì chẳng ích lợi gì đối với ông. Chỉ khi nào nhàm chán cái biến dịch và mong cầu cái bất biến thì ông mới sẵn sàng quay trở lại và bước vào trong cái - mà khi được thấy từ bình diện của tâm - được mô tả là trống không và tăm tối. Vì tâm khao khát nội dung và sự đa dạng, trong khi thực tại - đối với tâm - thì không có nội dung và không thay đổi.

H: Đối với tôi nó giống như cái chết.

M: Nó là cái chết. Nó còn bao trùm tất cả, chế ngự tất cả, và mãnh liệt ngoài ngôn từ. Không bộ óc bình thường nào có thể chịu được nó mà không nổ tung; vì thế Sadhana là tuyệt đối cần thiết. Sự trong sạch của thân, trong sáng của tâm, bất bạo hành và vô vị kỷ trong cuộc sống là thiết yếu để tồn tại như một thực thể trí tuệ và tâm linh.

H: Có thực thể nào trong Thực tại không?

M: Đồng nhất là Thực tại, Thực tại là đồng nhất. Thực tại không phải là một khối bất nên hình dạng, một tình trạng hỗn mang vô ngôn. Thực tại thì mãnh liệt, biết, vô cùng an lạc; khi so với Thực tại thì cuộc đời ông chỉ là một ngọn nến đối với mặt trời.

H: Nhờ ân đức của Thượng đế và của Tôn sư, ông đã đoạn trừ được tất cả tham ái và lo sợ, và đạt đến trạng thái bất động. Câu hỏi của tôi rất đơn giản: Làm sao ông biết được trạng thái của ông là bất động?

M: Chỉ cái biến dịch mới có thể nghĩ đến được và nói về được. Cái bất biến chỉ có thể được nhận ra trong im lặng. Một khi đã được nhận ra, nó tác động sâu sắc đến cái biến dịch, còn tự thân nó vẫn không bị tác động.

H: Làm sao ông biết được ông là nhân chứng?

M: Ta không biết, Ta là. Ta hiện hữu, vì tất cả phải được chứng kiến để hiện hữu.

H: Tồn tại cũng có thể được chấp nhận qua sự nghe nói.

M: Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn phải cần đến một sự chứng kiến trực tiếp. Hành vi nhân chứng - nếu không phải là có tính cách cá nhân và hiện thực - ít ra cũng khả hữu và khả thi. Kinh nghiệm trực tiếp là bằng chứng cuối cùng.

H: Kinh nghiệm có thể không chính xác và lừa dối.

M: Đúng, nhưng không phải thực tế kinh nghiệm. Dù kinh nghiệm là gì, thực hay hư, thực tế kinh nghiệm đã xảy ra thì không thể phủ nhận. Nó là bằng chứng của chính nó. Hãy quan sát kỹ chính ông, ông sẽ nhận thấy dù nội dung của ý thức là gì, thì hành vi chứng kiến ý thức không phụ thuộc vào nội dung. Tánh biết là chính nó và không thay đổi theo sự kiện. Sự kiện có thể là thích thú hay khó chịu, tầm thường hay quan trọng nhưng tánh biết thì vẫn thế. Hãy ghi nhận nét đặc thù của tánh biết thuần túy - sự nhận biết chính mình một cách tự nhiên của nó, mà không hề có dấu vết nào của ý thức về chính mình - rồi tìm đến tận căn nguyên của nó, ông sẽ sớm nhận ra rằng tánh biết là bản tánh chơn thật của ông, và không gì ông biết lại có thể được gọi là của ông.

H: Thế không phải ý thức và nội dung của nó là một và như nhau?

M: Ý thức cũng như một đám mây trên trời, và các giọt hơi nước là nội dung của nó. Đám mây cần có mặt trời để hiển hiện thì ý thức cần được đặt vào tiêu điểm của tánh biết.

H: Thế không phải tánh biết là một hình thức của ý thức?

M: Khi nội dung được thấy mà không có cái thích hay không thích, thì ý thức về nội dung đó là tánh biết. Nhưng vẫn có một sự khác biệt giữa tánh biết được phản chiếu trong ý thức và tánh biết thuần túy ở bên ngoài ý thức. Tánh biết được phản chiếu - ý thức “Ta biết” - là nhân chứng, còn ý thức thuần túy là bản thể của thực tại. Ảnh phản chiếu của mặt trời trong giọt nước là một ảnh phản chiếu của mặt trời, rõ ràng là như thế, nhưng không phải chính là mặt trời. Giữa tánh biết được phản chiếu trong ý thức như là nhân chứng và tánh biết thuần túy là một khoảng trống mà tâm không thể vượt qua.

H: Thế không phải là còn tùy vào cách nhìn? Tâm nói có sự khác biệt. Trái tim bảo không có sự khác biệt nào.

M: Dĩ nhiên là không có sự khác biệt. Cái thật thấy cái thật trong cái không thật. Chính tâm tạo ra cái không thật, và chính tâm thấy cái hư giả là hư giả.

H: Tôi hiểu được rằng kinh nghiệm về cái thật theo sau hành vi thấy cái hư giả là hư giả.

M: Không hề có cái như là kinh nghiệm về cái thật. Cái thật ở ngoài mọi kinh nghiệm. Tất cả kinh nghiệm đều ở trong tâm. Ông biết cái thật bằng cách cái thật.

H: Nếu cái thật ở ngoài ngôn từ và tâm, tại sao chúng ta nói quá nhiều về nó?

M: Dĩ nhiên là vì sự vui sướng của nó. Cái thật là cực lạc. Thậm chí chỉ nói về nó đã là hạnh phúc.

H: Tôi nghe ông nói về cái bất di bất dịch và cực lạc. Cái gì ở trong tâm ông khi ông dùng những từ ngữ này?

M: Chẳng có gì trong tâm Ta. Ông nghe những từ ngữ đó như thế nào thì Ta nghe cũng như thế. Cái quyền năng làm cho mọi thứ xảy ra - làm cho chúng xảy ra.

H: Nhưng ông nói, không phải tôi.

M: Đó là cách sự kiện xuất hiện đối với ông. Còn Ta thấy thì hai thân-tâm trao đổi những âm tiếng có tính cách biểu tượng. Trong thực tại, không có gì xảy ra.

H: Xin ông hãy lắng nghe. Tôi đến gặp ông vì tôi băn khoăn lo lắng. Tôi là một kẻ đáng thương lạc vào một thế giới mà tôi không hiểu. Tôi rất sợ Bà mẹ Thiên nhiên, người muốn tôi trưởng thành, sinh con đẻ cái, rồi chết đi. Khi tôi hỏi về ý nghĩa và mục đích của tất cả những chuyện như thế thì bà không trả lời. Tôi đến gặp ông vì nghe nói ông rất nhân từ và thông thái. Ông nói cái biến dịch là hư giả và vô thường thì tôi hiểu được. Nhưng khi ông nói về cái bất biến thì tôi không hiểu gì cả. “Không phải cái này, không phải cái kia, bên ngoài cái biết, chẳng có lợi ích gì” - tại sao lại nói về những điều như thế? Liệu cái bất biến có tồn tại, hay chỉ là khái niệm, một sự trái ngược về ngôn từ đối với cái biến dịch?

M: Cái bất biến là, và chỉ một mình nó . Nhưng trong tình trạng hiện nay của ông thì nó chẳng có ích lợi gì cho ông. Cũng giống như một ly nước ở bên giường chẳng có ích lợi gì với ông trong khi ông chiêm bao thấy mình đang chết khát trong sa mạc. Ta đang tìm cách đánh thức ông, dù giấc chiêm bao của ông là gì đi nữa.

H: Xin đừng nói với tôi rằng tôi đang chiêm bao và chẳng bao lâu nữa tôi sẽ tỉnh giấc. Tôi ước ao là như thế. Thật ra tôi đang tỉnh thức trong đau khổ. Ông nói về một trạng thái không còn đau khổ nhưng lại thêm vào là tôi không thể có được trạng thái đó trong điều kiện hiện nay của tôi. Tôi cảm thấy bối rối.

M: Đừng bối rối. Ta chỉ nói rằng muốn tìm cái bất biến và cực lạc ông phải buông bỏ sự bám víu của ông vào cái biến dịch và đau khổ. Ông quan tâm với hạnh phúc của riêng ông, và Ta bảo ông rằng không hề có cái như thế. Hạnh phúc không bao giờ là của riêng ông, hạnh phúc ở nơi không có cái “Ta”. Ta không bảo nó ở ngoài tầm với của ông; chỉ cần vươn ra ngoài chính ông thì ông tìm thấy nó.

H: Tôi phải vượt ra ngoài chính tôi, nhưng tại sao tôi lại có cái ý tưởng “Ta hiện hữu” trước tiên?

M: Tâm cần một tâm điểm để vẽ vòng tròn. Cái vòng sẽ lớn dần, và cùng với sự lớn dần của nó là sự thay đổi trong ý thức “Ta hiện hữu”. Một Yogi, người có thể tự hành sử, thì vẽ một cái vòng xoắn ốc, nhưng tâm điểm vẫn còn đó, dù cái vòng xoắn ốc ấy có lớn đến đâu. Rồi sẽ đến một ngày khi toàn thể sự nghiệp được thấy là hư giả thì nó sẽ được buông bỏ. Cái tâm điểm kia không còn nữa, và vũ trụ trở thành trung tâm.

H: Đúng, có thể là như thế. Nhưng bây giờ tôi phải làm gì?

M: Kiên trì quan sát cuộc đời vô thường của ông, tìm hiểu sâu xa những động cơ bên ngoài các hành động của ông, và chẳng bao lâu ông sẽ chọc thủng cái bong bóng mà ông đang ở bên trong. Con gà con cần lớp vỏ trứng để tăng trưởng, nhưng sẽ đến ngày lớp vỏ phải bị phá vỡ. Bằng không thì chỉ có đau khổ và cái chết.

H: Ông muốn nói rằng nếu không tu tập Yoga thì chắc chắn tôi sẽ diệt vong?

M: Sẽ có Đạo sư đến giải cứu ông. Còn hiện nay cứ thỏa mãn với sự quan sát giòng chảy của đời ông; nếu sự quan sát của ông sâu sắc và kiên định, luôn luôn quay ngược về nguồn, thì sự quan sát đó sẽ dần dần di chuyển ngược giòng cho đến lúc đột nhiên nó trở thành chính cội nguồn. Hãy đặt sự tỉnh thức của ông - thay vì tâm ông - trong tình trạng hoạt động. Tâm không phải công cụ thích hợp cho loại công việc như thế này. Cái vô thời chỉ có thể đạt đến bằng cái vô thời. Cả thân lẫn tâm ông đều bị chi phối bởi thời gian; chỉ tánh biết mới vô thời, ngay cả trong cái bây giờ. Trong tánh biết ông chỉ đối diện các sự kiện, và thực tại thì rất thích các sự kiện.

H: Ông bảo tôi hoàn toàn tùy thuộc vào tánh biết của tôi để đưa tôi đến nơi, chứ không phải tùy thuộc vào Đạo sư hay Thượng đế?

M: Thượng đế cho ông thân và tâm, Đạo sư chỉ cách sử dụng thân tâm. Nhưng trở về với cội nguồn là công việc của chính ông.

H: Thượng đế đã tạo ra tôi, ngài sẽ săn sóc tôi.

M: Có vô số Thượng đế, mỗi Thượng đế ở trong vũ trụ riêng của họ. Họ sáng tạo và tái tạo bất tận. Ông định đợi họ đến cứu ông? Những gì ông cần để cứu ông đều sẵn có trong tầm với của ông. Hãy dùng nó! Hãy tra vấn cái ông biết cho đến chỗ tận cùng của nó, ông sẽ đạt đến những giai tầng không biết thuộc hiện hữu của ông. Hãy đi xa hơn, cái bất ngờ sẽ bùng nổ trong ông và phá tan tất cả.

H: Điều đó có nghĩa là chết?

M: Tối hậu, nó có nghĩa là sống.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh