Ta Là Cái Đó: Chương 90. Lạc Thú Và Hạnh Phúc

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 90. LẠC THÚ VÀ HẠNH PHÚC

Hỏi: Tôi có một người bạn còn trẻ, năm nay chừng hai mươi lăm, bị một chứng bệnh nan y về tim. Anh ta viết thư cho tôi biết có ý định tự tử, thay vì chết lần chết mòn. Tôi trả lời rằng một căn bệnh không thể chữa bằng thuốc Tây vẫn có thể trị liệu bằng một phương pháp khác. Có những năng lực Yoga tạo ra sự thay đổi tức thời trong cơ thể con người. Nhịn ăn nhiều lần cũng có hiệu nghiệm như phép lạ. Tôi khuyên anh ta chớ vội tìm cái chết, mà nên thử một vài phương cách khác.

Gần Bombay có một tôn giả Yogi đạt được những quyền năng kiểm soát các luồng sinh lực điều khiển cơ thể con người. Tôi đã gặp một số môn đồ của vị tôn giả và nhờ họ chuyển bức thư và tấm ảnh của người bạn tôi đến tôn sư của họ. Chúng tôi hiện đang chờ xem chuyện gì xảy ra.

Maharaj: Đúng, phép lạ thường xảy ra. Nhưng còn phải có ý chí muốn sống. Nếu không có ý chí sinh tồn thì phép lạ không thể xảy ra.

H: Liệu một ước muốn như thế có thể được truyền dẫn?

M: Ước muốn trên bề mặt thì có, nhưng không lâu bền. Một cách căn bản không ai buộc người khác phải sống. Ngoài ra, có những nền văn hóa công nhận và tôn trọng hành vi tự sát.

H: Thế không phải sống hết tuổi thọ tự nhiên là điều bắt buộc hay sao?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Tự nhiên - tự sinh khởi - dễ dàng - thì đúng. Nhưng bệnh tật và đau khổ thì không phải tự nhiên. Lòng kham nhẫn bất khả lay chuyển đối với bất cứ gì xảy ra là một đức tính cao thượng, nhưng từ chối chấp nhận cực hình và sỉ nhục vô nghĩa là tự trọng.

H: Tôi được người ta cho một quyển sách do một bậc giác ngộ viết ra. Trong đó tác giả đã mô tả những kinh nghiệm lạ lùng, và thậm chí có thể nói là kinh ngạc mà vị ấy đã trải qua. Theo tác giả con đường của một hành giả chân chính chấm dứt khi gặp được Đạo sư và trao phó tất cả thân, tâm và trái tim cho ngài. Sau khi tiếp nhận, vị Đạo sư chịu trách nhiệm từng sự kiện về sinh mệnh của người môn đồ - kể cả những sự kiện nhỏ nhặt nhất - cho đến khi hai người trở nên một. Có thể gọi đó là giác ngộ bằng sự đồng nhất hóa. Người môn đồ được tiếp quản bởi một quyền năng mà người đó không thể kiềm chế hoặc cưỡng lại được, và cảm thấy bất lực như một chiếc lá trong trận cuồng phong. Yếu tố duy nhất giữ cho người môn đồ an toàn, không bị điên hay chết là tín tâm đối với tình yêu và quyền năng của Đạo sư.

M: Mỗi Đạo sư chỉ giáo theo kinh nghiệm của riêng mình. Kinh nghiệm được định hình bởi sự tin tưởng, và sự tin tưởng được định hình bởi kinh nghiệm. Ngay cả vị Đạo sư cũng được định hình theo hình ảnh riêng của người môn đồ. Chính người môn đồ làm cho Đạo sư trở thành vĩ đại. Khi vị Đạo sư được xem như tác nhân của khả năng giải thoát - hữu hiệu cả bên trong lẫn bên ngoài - thì sự dốc lòng quy thuận mới trở nên tự nhiên và dễ dàng. Như một người khổ sở vì đau đớn hoàn toàn giao phó sinh mệnh vào tay nhà phẫu thuật, thì người môn đồ cũng hoàn toàn quy mệnh với Đạo sư như thế. Tìm kiếm sự cứu giúp khi hết sức cần thiết là điều tự nhiên. Nhưng dù có quyền năng đến đâu, vị Đạo sư vẫn không được áp đặt ý chí của mình lên người môn đồ. Ngược lại, nếu không tin tưởng Đạo sư và do dự thì người môn đồ không thể toại nguyện, vì lỗi không thuộc về Đạo sư.

H: Lúc đó chuyện gì xảy ra?

M: Khi mọi phương cách đều thất bại thì cuộc đời sẽ dạy. Nhưng những bài học của cuộc đời phải còn lâu mới đến. Tin tưởng và vâng lời sẽ giảm được rất nhiều trễ nải và rắc rối. Nhưng một sự tin tưởng như thế chỉ đến sau khi thái độ thờ ơ và bất an nhường chỗ cho sự trong sáng và an ổn. Một người thiếu tự trọng không thể tin chính mình, hoặc bất cứ ai. Vì thế ngay từ đầu vị Đạo sư bằng mọi cách cam đoan về nguồn gốc cao cả, bản chất cao thượng và vận mệnh huy hoàng của người môn đồ. Vị Đạo sư còn cho người môn đồ biết về kinh nghiệm của các bậc thánh nhân cũng như của chính vị Đạo sư, để người môn đồ tin tưởng chính mình, và những khả năng vô biên của mình. Khi sự tin tưởng sinh khởi cùng với lòng tin tưởng vào Đạo sư thì những thay đổi nhanh chóng và sâu xa trong cá tính và cuộc đời của người môn đồ sẽ xảy ra.

H: Có lẽ tôi không muốn thay đổi. Cuộc đời tôi như hiện nay thật tốt đẹp.

M: Ông nói thế vì ông chưa thấy cuộc đời ông đang sống đau khổ như thế nào. Ông như một đứa trẻ đang ngủ với cái kẹo que trong miệng. Có thể ông cảm thấy hạnh phúc trong nhất thời vì ông hoàn toàn hướng ngã, chỉ cần nhìn kỹ nét mặt của nhân loại ông có thể nhận ra tính cách chung nhất của đau khổ. Ngay cả hạnh phúc của ông cũng mong manh và ngắn ngủi, chỉ một sự khánh tận tài sản hay chứng loét bao tử cũng làm cho nó tan biến. Hạnh phúc chơn thật thì không hề giao động, vì nó không tùy thuộc vào hoàn cảnh.

H: Những gì ông nói phát xuất từ kinh nghiệm của ông? Vậy ông cũng không hạnh phúc hay sao?

M: Ta chẳng có phiền nhiễu riêng tư nào. Nhưng thế gian đầy những chúng sinh mà cuộc đời của họ bị bóp nghẹt giữa lo sợ và tham ái. Họ như bầy thú bị lùa vào lò sát sinh, nhẩy nhót, nhởn nhơ vui vẻ nhưng chỉ một giờ sau dẫy chết và bị lột da.

Ông nói ông hạnh phúc. Ông thật sự hạnh phúc hay chỉ cố tìm cách thuyết phục chính ông như thế. Hãy nhìn ông, nhưng không được sợ hãi, ông sẽ nhận ra ngay hạnh phúc của ông tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh, nên vô thường và không thật. Hạnh phúc chơn thật tuôn chảy từ bên trong.

H: Hạnh phúc của ông có lợi lạc gì cho tôi? Nó chẳng làm cho tôi hạnh phúc.

M: Ông có thể có tất cả hạnh phúc mà Ta có, và còn hơn thế nữa chỉ cần ông hỏi. Nhưng ông không hỏi, ông có vẻ như không muốn.

H: Tại sao lại thế? Tôi rất muốn được hạnh phúc.

M: Ông hoàn toàn thỏa mãn với lạc thú nên chẳng còn chỗ cho hạnh phúc. Hãy đổ cốc nước của ông và rửa sạch nó đi đã, nếu không thì nó không thể chứa được gì. Người khác chỉ có thể cho ông lạc thú, nhưng không bao giờ có thể cho ông hạnh phúc.

H: Một chuỗi dài những điều thích thú là quá đủ.

M: Chẳng bao lâu nó sẽ chấm dứt trong đau khổ, nếu không phải là tai họa. Xét cho cùng, Yoga là gì nếu không phải là đi tìm hạnh phúc vĩnh cửu bên trong?

H: Ông chỉ có thể phát biểu cho Đông phương. Ở Tây phương hoàn cảnh khác hẳn, những gì ông nói không có chỗ áp dụng.

M: Trong tham ái và lo sợ thì chẳng có Đông hay Tây. Vấn đề - đau khổ và đoạn trừ đau khổ - là chung nhất. Nguyên nhân của đau khổ là tùy thuộc, phương cách trị liệu là bất tùy thuộc. Yoga là khoa học và nghệ thuật giải thoát chính mình thông qua sự hiểu biết chính mình.

H: Tôi không nghĩ mình thích hợp với Yoga.

M: Thế ông thích hợp với cái gì? Tất cả những hành động đi, đến, tìm cầu hạnh phúc, yêu, ghét cho thấy rằng ông tìm cách chống lại những hạn chế áp đặt lên chính ông hoặc được ông chấp nhận. Vì vô minh ông phạm sai lầm, gây đau khổ cho chính ông và người khác, nhưng sự thôi thúc vẫn còn đó và không thể bị phủ nhận. Sự thôi thúc tìm kiếm sinh, tử và hạnh phúc cũng là sự thôi thúc tìm kiếm sự hiểu biết và giải thoát. Nó cũng giống như một tia lửa trong toa tầu chở đầy bông gòn. Có thể ông không biết điều đó nhưng không sớm thì muộn cả toa tầu sẽ bốc cháy. Giải thoát là một tiến trình tự nhiên và về lâu về dài là tất yếu. Nhưng với khả năng của ông, ông có thể đem nó vào ngay cái bây giờ.

H: Thế thì tại sao thế gian này chẳng có mấy ai giác ngộ?

M: Trong cả một khu rừng chỉ có một vài cây ra hoa vào một thời điểm nào đó, nhưng mỗi cây sẽ lần lượt ra hoa.

Không sớm thì muộn nguồn lực vật lý và tâm lý của ông sẽ đi đến chỗ cạn kiệt. Lúc đó ông làm gì? Tuyệt vọng ư? Được, tuyệt vọng. Rồi ông sẽ chán với tuyệt vọng và bắt đầu đặt câu hỏi. Lúc đó ông sẽ thích hợp với Yoga ý thức.

H: Tôi nhận thấy tất cả sự tìm kiếm và tư duy này không hợp tự nhiên chút nào.

M: Trường hợp của ông mới là tính cách tự nhiên của một sự què quặt bẩm sinh. Có thể ông không biết, nhưng ông không biết không làm cho ông bình thường. Thế nào là tự nhiên hay bình thường thì ông không biết, mà ông cũng không biết rằng ông không biết.

Ông hiện nay đang lang thang và do đó nguy hiểm, vì đối với một kẻ lang thang thì chuyện gì cũng có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Tốt hơn là hãy tỉnh thức và thấy được tình cảnh của ông. Ông - thì ông biết. Ông là cái gì - thì ông không biết. Hãy tìm ra ông là cái gì?

H: Tại sao có quá nhiều đau khổ trên thế gian này?

M: Lòng vị kỷ là nguyên nhân của đau khổ. Không còn nguyên nhân nào khác.

H: Theo chỗ tôi hiểu đau khổ có sẵn trong sự hữu hạn.

M: Sự khác nhau và tính cách riêng biệt không phải là nguyên nhân của đau khổ. Hợp nhất trong sự đa dạng là tự nhiên và tốt lành. Chỉ vì phân biệt và tự tư tự lợi nên đau khổ thực sự mới xuất hiện trên thế gian này.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh