Ta Là Cái Đó: Chương 78. Con Người, Nhân Chứng Và Cái Tuyệt Đối

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 78. CON NGƯỜI, NHÂN CHỨNG VÀ CÁI TUYỆT ĐỐI

Hỏi: Chúng tôi đã dùng ma túy trong một thời gian khá lâu, hầu hết những loại ma túy chúng tôi dùng đều làm cho ý thức giãn nở. Ma túy cho chúng tôi kinh nghiệm về những trạng thái khác thường của ý thức, cao cũng như thấp. Chúng tôi biết rằng những cảm giác do ma túy đem lại đều không đáng tin cậy, nếu tốt nhất thì chỉ thoáng qua, còn tệ hại nhất thì hủy hoại cơ thể và nhân cách. Chúng tôi đang tìm những phương cách tốt hơn để phát triển ý thức và trạng thái siêu nghiệm. Chúng tôi muốn kết quả của sự tìm kiếm sẽ ở lại với chúng tôi và làm cho cuộc sống của chúng tôi phong phú, thay vì chỉ hướng về những ký ức nhạt phai và nuối tiếc vô vọng. Khi nói về tâm linh, chúng tôi muốn nói sự tìm hiểu chính mình và phát triển chính mình; mục đích của chúng tôi đến Ấn Độ là hoàn toàn tâm linh. Chúng tôi đã để lại thời kỳ Hippy vui vẻ phía sau; bây giờ chúng tôi rất nghiêm túc và sẵn sàng dấn thân. Chúng tôi biết có một thực tại để tìm kiếm, nhưng không biết làm thế nào để tìm ra thực tại và nắm giữ thực tại. Chúng tôi chỉ cần hướng dẫn mà không cần sự thuyết phục. Liệu ông có thể giúp chúng tôi?

Maharaj: Các ông không cần giúp mà chỉ cần hướng dẫn. Cái

mà các ông tìm kiếm lại ở ngay trong các ông. Điển hình là trường hợp của Ta. Ta chẳng làm gì cho sự giác ngộ của Ta. Tôn sư bảo thực tại ở ngay trong Ta. Ta nhìn vào trong và tìm thấy thực tại trong đó, đúng như Tôn sư đã bảo Ta. Thấy thực tại cũng đơn giản như thấy chính mặt mình trong gương. Chỉ có điều là tấm gương phải trong và trung thực. Một cái tâm tĩnh lặng, không bị biến dạng bởi tham ái và lo sợ, hoàn toàn không còn ý nghĩ và ý tưởng, trong sáng trên mọi bình diện - là cần thiết để phản chiếu thực tại. Hãy trong sáng và tĩnh lặng, tỉnh thức và vô tư - tất cả những cái còn lại sẽ tự xảy ra.

H: Trước khi giác ngộ chân lý, ông đã phải làm cho tâm trong sáng và tĩnh lặng. Ông đã làm như thế nào?

M: Ta chẳng làm gì cả. Giác ngộ tự xảy ra. Ta sống cuộc sống của Ta, chăm lo những nhu cầu của gia đình. Tôn sư cũng không làm gì cả. Nó chỉ tự xảy ra như lời ngài đã nói là nó sẽ xảy ra.

H: Mọi thứ không thể chỉ xảy ra. Phải có một nguyên nhân cho từng sự vật.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Tất cả những gì xảy ra là nguyên nhân của tất cả những gì xảy ra. Nguyên nhân thì vô số; ý tưởng về một nguyên nhân duy nhất là ảo tưởng.

H: Chắc chắn ông đã phải làm một cái gì đó đặc biệt - một hình thức thiền quán hay Yoga. Làm sao ông có thể nói rằng giác ngộ tự xảy ra?

M: Chẳng có gì đặc biệt. Ta chỉ sống cuộc sống của Ta.

H: Tôi hết sức ngạc nhiên.

M: Ta cũng thế. Nhưng có gì đáng ngạc nhiên? Lời dạy của Tôn sư trở thành sự thật. Có sao đâu? Tôn sư biết Ta còn rõ hơn Ta biết chính Ta, chỉ thế thôi. Tại sao lại tìm kiếm nguyên nhân? Lúc đầu Ta dành đôi chút chú tâm và thời gian cho ý thức “Ta hiện hữu”, nhưng chỉ lúc đầu thôi. Chẳng bao lâu Tôn sư qua đời, Ta tiếp tục sống. Lời của Tôn sư chứng tỏ là chơn thật. Chỉ thế thôi. Tất cả chỉ là một tiến trình. Ông có khuynh hướng tách rời sự kiện theo thời gian và tìm kiếm nguyên nhân.

H: Công việc của ông hiện nay là gì? Ông hiện đang làm gì?

M: Ông tưởng tượng hiện hữu và làm giống nhau. Không phải thế. Tâm và thân chuyển động, thay đổi và làm cho nhiều tâm khác chuyển động và thay đổi, và đó gọi là làm, là hành động. Ta thấy ngay trong bản chất của hành động là tạo thêm hành động khác, giống như lửa tiếp tục bằng cách đốt cháy. Ta không hành động mà cũng chẳng làm cho người khác hành động. Ta luôn luôn biết rõ những gì đang xảy ra.

H: Trong tâm ông, hay còn cả trong tâm người khác?

M: Chỉ có một tâm, cái tâm đó đầy những ý nghĩ: “Ta là cái này, Ta là cái kia, cái này của Ta, cái kia của Ta.” Ta không phải tâm, chưa bao giờ là tâm và sẽ không bao giờ là tâm.

H: Vậy tâm xuất hiện như thế nào?

M: Thế giới gồm có vật chất, năng lượng và trí tuệ. Chúng thể hiện tự thân theo nhiều cách. Tham ái và tưởng tượng tạo nên thế giới, trí tuệ dung hòa hai cái và tạo ra ý thức về sự hài hòa và an lạc. Đối với Ta, tất cả chỉ xảy ra; Ta biết rõ tất cả nhưng không hề bị tác động.

H: Ông không thể biết mà không bị tác động. Có một sự mâu thuẫn trong ngôn từ. Nhận thức thì biến dịch. Một khi đã kinh nghiệm một cảm giác, ký ức không cho phép ông trở lại với trạng thái trước đó.

M: Đúng thế. Cái gì được thêm vào ký ức thì không thể tẩy xóa dễ dàng. Nhưng chắc chắn là có thể làm được, và trong thực tế Ta luôn luôn làm như thế. Cũng như một con chim đang bay, Ta không hề để lại dấu vết.

H: Nhân chứng có danh xưng và hình tướng, hay ở ngoài danh xưng và hình tướng?

M: Nhân chứng chỉ là một điểm trong tánh biết. Nó không có danh xưng hay hình tướng. Nó cũng như ảnh phản chiếu của mặt trời trong một giọt sương. Giọt sương có danh xưng và hình tướng nhưng điểm sáng li ti được tạo ra bởi mặt trời. Sự trong suốt và tĩnh lặng của giọt sương là điều kiện cần thiết nhưng tự thân nó thì chưa đủ. Tương tự như thế, sự trong sáng và im lặng của tâm là cần thiết để ảnh phản chiếu của thực tại xuất hiện trong tâm, nhưng tự thân sự trong sáng và im lặng thì chưa đủ. Phải có thực tại ở ngoài tâm. Vì thực tại luôn luôn sẵn có, do đó cần chú trọng đến các điều kiện cần thiết.

H: Liệu có thể nào tâm trong sáng và tĩnh lặng nhưng ảnh phản chiếu không xuất hiện?

M: Còn phải kể đến định mệnh. Cái không biết thì ở trong vòng cương tỏa của định mệnh; đúng là định mệnh, thật thế. Một người có thể phải chờ đợi. Nhưng dù bàn tay của định mệnh có nặng nề đến đâu thì vẫn có thể nhấc nó ra được bằng sự kiên nhẫn và tự chủ. Trực tâm và sự trong sáng sẽ xóa bỏ các chướng ngại và hình ảnh của thực tại sẽ xuất hiện trong tâm.

H: Làm sao một người có được tự chủ? Tôi không có quyết tâm?

M: Trước tiên phải hiểu rằng ông không phải con người mà ông tin ông là. Những gì ông nghĩ ông là chỉ là những ám thị hay tưởng tượng. Ông không hề có cha mẹ, ông không hề được sinh ra và ông sẽ không bao giờ chết đi. Hoặc là ông tin Ta khi Ta bảo ông thế, hoặc là ông đạt đến điều đó bằng nghiên cứu và tìm hiểu. Con đường của tín tâm thì nhanh chóng, còn con đường kia thì chậm nhưng chắc chắn. Nhưng cả hai cần phải được xác nghiệm trong hành động. Hãy hành động dựa trên điều ông cho là đúng - đây là con đường đưa đến chân lý.

H: Được hưởng chân lý và định mệnh là một và như nhau?

M: Phải, cả hai đều ở trong cái không biết. Giá trị của cái biết chỉ là hư giả. Cái biết luôn luôn thuộc về các chướng ngại; khi không còn chướng ngại một người có thể vượt ra ngoài.

H: Liệu sự hiểu biết rằng tôi không phải là thân xác có cho tôi sức mạnh của cá tính - cần thiết cho sự tự chủ?

M: Khi ông biết mình không phải là thân mà cũng chẳng phải là tâm thì thân và tâm không thể khống chế được ông. Ông sẽ đi theo chân lý dù có phải đến bất cứ đâu, và làm bất cứ gì cần làm dù phải trả bằng mọi giá.

H: Liệu hành động có thiết yếu cho sự giác ngộ chính mình?

M: Để giác ngộ, hiểu là chính yếu. Hành động chỉ là thứ yếu. Một người đã hiểu vững vàng sẽ không ngại hành động. Hành động là xét nghiệm chân lý.

H: Xét nghiệm có cần thiết không?

M: Nếu không thường xuyên xét nghiệm chính ông thì ông không thể phân biệt giữa thực tại và hoang đường. Quan sát và lý luận chặt chẽ thì hữu ích trong một chừng mực nào đó, nhưng thực tại thì nghịch lý. Làm sao ông biết được ông đã giác ngộ trừ khi ông quan sát các ý nghĩ và cảm thọ, ngôn từ và hành động của ông, và ngạc nhiên về những thay đổi xảy ra trong ông mà ông không biết tại sao và làm sao? Chính xác là như thế vì chúng bất ngờ đến nỗi ông biết chúng là thật. Cái có thể thấy trước và được mong đợi thì khó có thể là thật.

H: Con người xuất hiện như thế nào?

M: Một cách chính xác như cái bóng xuất hiện khi ánh sáng bị ngăn che bởi thân xác, thì con người xuất hiện khi sự thấy biết chính mình thuần túy bị ngăn che bởi ý tưởng “Ta là thân xác.” Và cũng như cái bóng thay đổi hình dạng và vị trí tùy theo đường nét của mặt đất, thì con người có vẻ vui mừng và đau khổ, nhàn hạ và trần lao, tìm và mất, tùy theo mô thức của định mệnh. Khi thân xác không còn, con người hoàn toàn biến mất, không bao giờ trở lại - chỉ nhân chứng và cái Không biết Vĩ đại còn lại.

Nhân chứng là cái nói: “Ta biết.” Con người nói: “Ta làm.” Nếu nói “Ta biết” thì không sai nhưng chỉ hạn chế, còn nói “Ta làm” thì hoàn toàn sai lầm, vì không có kẻ làm; tất cả đều tự xảy ra, kể cả cái ý nghĩ là một người làm.

H: Thế hành động là gì?

M: Vũ trụ đầy những hành động nhưng không có người hành động. Có vô số con người, nhỏ bé, to lớn và rất to lớn - qua sự nhận dạng - tưởng tượng chính họ hành động, nhưng điều này không thay đổi được thực tế rằng thế giới của hành động - Mahadakash - là một tổng thể duy nhất, trong đó tất cả đều tương thuộc và tương tác lẫn nhau. Các tinh tú tác động đến chúng ta một cách sâu sắc, và chúng ta cũng tác động đến các tinh tú. Lùi ra khỏi hành động để trở lại với ý thức, cứ phó mặc hành động cho thân và tâm vì nó thuộc phạm trù của thân tâm. Duy trì trạng thái nhân chứng thuần túy cho đến khi ngay cả hành vi nhân chứng hòa tan trong cái Tối thượng.

Thử tưởng tượng một khu rừng rậm đầy những cây đại thụ. Từ một thân cây xẻ ra một miếng ván và dùng cây bút chì viết lên miếng ván. Nhân chứng đọc các chữ viết và biết cây bút chì và miếng ván liên hệ rất xa xôi đến khu rừng, còn giòng chữ thì hoàn toàn không liên quan. Giòng chữ được thêm vào và nếu nó có biến mất thì cũng chẳng có gì quan trọng. Theo sau sự biến mất của tính cách con người luôn luôn là một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm như thể vừa trút được một gánh nặng.

H: Khi ông nói “Ta ở trong trạng thái bên ngoài nhân chứng”, dựa trên kinh nghiệm nào mà ông nói như thế? Trạng thái đó khác biệt với giai đoạn chỉ là nhân chứng như thế nào?

M: Nó cũng giống như giặt vải in. Trước tiên là các mẫu vẻ phai dần, rồi đến nền mầu và cuối cùng là miếng vải chỉ còn trắng trơn. Tính cách con người nhường chỗ cho nhân chứng, rồi nhân chứng ra đi và tánh biết thuần túy còn lại. Miếng vải trắng từ lúc đầu và vẫn trắng vào lúc cuối, các mẫu vẽ và mầu nhuộm chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nào đó.

H: Liệu có thể có biết mà không có đối tượng của biết?

M: Biết với một đối tượng được gọi là hành vi nhân chứng. Khi có sự đồng hóa cái Ta với đối tượng - do tham ái và lo sợ tạo nên - trạng thái như thế được gọi là con người. Trong thực tế chỉ có một trạng thái, khi bị làm cho biến dạng bởi sự đồng hóa của cái Ta thì nó được gọi là con người, khi được tô mầu với ý thức hiện hữu thì nó là nhân chứng, khi vô sắc và vô biên thì nó được gọi là cái Tối thượng.

H: Tôi nhận thấy tôi luôn luôn bồn chồn, mong đợi, hy vọng, tìm kiếm, tìm thấy, vui mừng, từ bỏ, lại tìm kiếm. Cái gì đã khiến tôi luôn luôn sôi nổi như thế?

M: Ông thực sự đi tìm chính ông mà ông không biết. Ông mong chờ một tình yêu xứng đáng để yêu, và hoàn toàn đáng yêu. Vì vô minh ông đi tìm nó trong thế giới của những cái đối nghịch và mâu thuẫn. Khi tìm thấy nó bên trong thì sự tìm kiếm của ông kết thúc.

H: Như thế thì sẽ luôn luôn chỉ có cái thế giới đầy đau khổ này để tôi bằng lòng với.

M: Đừng phỏng đoán. Ông không biết được. Đúng là tất cả những sự thị hiện đều ở trong những cái đối nghịch. Lạc thú và đau khổ, tốt và xấu, cao và thấp, tiến bộ và thoái bộ, nghỉ ngơi và tranh đấu - chúng cùng đến và ra đi với nhau - và bao giờ còn một thế giới thì các mâu thuẫn luôn luôn có đó. Có những thời kỳ hoàn toàn hòa hợp, cực lạc và đẹp đẽ - những chỉ trong một giai đoạn. Cái gì toàn hảo sẽ trở về với nguồn gốc của sự toàn hảo - những cái đối nghịch tiếp tục cuộc chơi.

H: Làm sao tôi đạt đến sự toàn hảo?

M: Giữ im lặng. Cứ làm việc thế gian của ông, nhưng bên trong giữ im lặng. Rồi tất cả sẽ đến với ông. Đừng mong đợi việc làm của ông đưa ông đến với sự giác ngộ. Nó có thể lợi lạc cho người khác nhưng không lợi lạc cho ông. Hy vọng của ông ở trong sự giữ im lặng trong tâm và an tịnh trong tim. Những người giác ngộ đều rất an tịnh.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh