Ta Là Cái Đó: Chương 88. Tiến Bộ Trong Đời Sống Tâm Linh

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 88. TIẾN BỘ TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Hỏi: Chúng tôi là hai thiếu nữ Anh sang thăm Ấn Độ. Chúng tôi biết rất ít về Yoga, chúng tôi đến đây vì nghe nói các Đạo sư tâm linh có một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Ấn.

Maharaj: Chào mừng hai cô đến Ấn. Các cô sẽ chẳng tìm được cái gì mới ở đây. Công việc của chúng tôi thì phi thời. Mười ngàn năm trước nó đã như thế và mười ngàn năm sau thì nó cũng vẫn vậy. Nhiều thế kỷ trôi qua, nhưng vấn đề nan giải của con người không hề thay đổi: Đau khổ và chấm dứt đau khổ.

H: Hôm trước có bảy thanh niên ngoại quốc ghé chỗ chúng tôi ở xin tá túc vài đêm. Họ đến Ấn để nghe Đạo sư của họ thuyết giảng ở Bombay. Tôi có gặp Đạo sư đó - một thanh niên trông rất vui vẻ - rõ ràng là một người thực tế và có khả năng, nhưng vẫn toát ra một cái vẻ an lạc và tĩnh lặng. Giáo pháp của ông ta mang tính truyền thống, thiên về Karma Yoga, khuyến khích sự làm việc vô vị kỷ, phục vụ Đạo sư, và vân vân. Cũng giống như trong thánh kinh Gita, vị Đạo sư nói rằng việc làm vô vị kỷ sẽ đưa đến giải thoát. Ông ta có những kế hoạch đầy tham vọng như đào tạo nhiều môn đồ và cử họ đi thành lập các trung tâm tâm linh ở nhiều nước. Vị Đạo sư không những trao quyền cho họ mà còn truyền cả năng lực để thực hiện công việc nhân danh ông ta.

M: Có, có những chuyện như trao truyền năng lực.

H: Khi sinh hoạt với họ tôi có một cảm giác lạ lùng như trở thành vô hình. Những môn đồ sùng tín đó khi quy mệnh với Đạo sư của họ, cũng đã gồm luôn cả tôi vào. Bất cứ gì tôi làm cho họ đều là hành vi của Đạo sư, còn tôi thì không hề được biết đến - ngoại trừ như một công cụ. Tôi chỉ là cái nút để bật qua trái hay phải. Không hề có bất cứ quan hệ nào có tính cách cá nhân. Họ tìm cách thuyết phục tôi theo tín ngưỡng của họ, nhưng thấy tôi có vẻ miễn cưỡng thì sau đó họ không còn để ý đến tôi nữa. Thậm chí giữa họ với nhau cũng chẳng có vẻ gì mật thiết; họ ràng buộc họ với nhau chỉ vì sự quan tâm chung đến Đạo sư của họ. Tôi cảm thấy một cái gì đó thật lạ lùng, hầu như phi nhân tính. Xem mình là một công cụ trong tay của Thượng đế là một chuyện, nhưng tước đoạt mọi sự chú ý và quan tâm đến con người chỉ vì “Tất cả là Thượng đế” thì chỉ đưa đến thái độ lạnh lùng, và tàn nhẫn. Xét cho cùng, mọi cuộc chiến tranh đều “nhân danh Thượng đế”. Toàn thể lịch sử nhân loại là một chuỗi dài những cuộc “thánh chiến”. Không lúc nào con người trở nên phi nhân cách như trong chiến tranh!

M: Khăng khăng, đề kháng đều có trong ý chí hiện hữu. Bỏ đi ý chí hiện hữu thì cái gì còn lại? Tồn tại và phi tồn tại đều liên quan với một cái gì đó trong không gian thời gian; ở đây và bây giờ, ở đó và khi đó, một lần nữa lại ở trong tâm. Tâm luôn luôn chơi trò phỏng đoán; tâm luôn luôn bất định, bị ưu tư dằn vặt và bất an. Cô không muốn bị xem như công cụ của một thần linh hay một Đạo sư nào đó, và khăng khăng đòi hỏi phải được đối xử như một con người, vì cô không biết chắc sự tồn tại của chính cô, và không muốn từ bỏ sự dễ chịu và chắc chắn của tính cách con người. Có thể cô không phải là cái mà cô tin là cô, nhưng nó cho cô sự tiếp tục - tương lai của cô chảy vào hiện tại và trở thành quá khứ một cách êm ái. Bị phủ nhận sự tồn tại có tính cách con người quả thật là kinh hoàng, nhưng cô phải đối diện sự phủ nhận đó, và tìm ra tính cách đồng nhất của cô với tổng thể cuộc sống. Lúc đó vấn đề ai bị lợi dụng bởi ai không còn nữa.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Tất cả những sự chú ý họ dành cho tôi là cố gắng hoán cải tôi theo đức tin của họ. Khi tôi cưỡng lại thì sau đó họ không thèm đếm xỉa đến tôi nữa.

M: Người ta không thể trở thành môn đồ bằng sự cải đạo, hay ngẫu nhiên. Thường thì vẫn có một mối liên hệ từ lâu đời, được duy trì qua nhiều kiếp và nở hoa thành lòng yêu mến và tin tưởng; thiếu hai yếu tố này thì không thể có quan hệ môn đồ.

H: Điều gì khiến ông quyết định trở thành Đạo sư?

M: Ta trở thành Đạo sư vì được người ta gọi như thế. Mà Ta dạy ai và ai là người học? Cái Ta là thì cô là, và cái cô là thì Ta là. Cái “Ta hiện hữu” là sự bao la của ánh sáng và tình yêu. Chúng ta không thấy được vì chúng ta nhìn đi chỗ khác. Ta chỉ có thể chỉ lên bầu trời, còn thấy được các vì sao là việc của cô. Có người mất nhiều thời gian, và có người mất ít thời gian trước khi thấy được sao, vì còn tùy ở tính trong sáng của thị giác và lòng thành khẩn tìm kiếm của mỗi người. Hai yếu tố đó là của chính họ, Ta chỉ có thể khuyến khích.

H: Tôi được mong đợi phải làm gì khi trở thành môn đồ?

M: Mỗi Đạo sư có phương pháp riêng, thường là dựa theo những chỉ giáo của tiên sư, và phương cách mà chính Đạo sư đã giác ngộ, cùng ngôn ngữ riêng của ông ta. Từ khuôn khổ đó, vị Đạo sư điều chỉnh cho phù hợp với cá tính của từng người. Người môn đồ được hoàn toàn tự do tư duy và tìm hiểu, cũng như được khuyến khích thắc mắc về những gì chất chứa trong tim mình. Người môn đồ phải tuyệt đối chắc chắn về thân thế và khả năng của Đạo sư, nếu không thì tín tâm không hoàn toàn và hành động không trọn vẹn. Chính cái tuyệt đối trong cô đưa cô đến với cái tuyệt đối bên ngoài cô - chân lý tuyệt đối, tình yêu, và thái độ vô vị kỷ là những yếu tố quyết định trong sự giác ngộ chính mình. Với lòng thành khẩn thì tất cả những yếu tố đó đều có thể đạt được.

H: Theo như tôi hiểu một người phải thoát ly gia đình và từ bỏ của cải để trở thành môn đồ.

M: Còn tùy mỗi Đạo sư. Có Đạo sư yêu cầu các môn đồ chín mùi của họ sống khổ hạnh và ẩn tu; có Đạo sư khuyến khích tiếp tục đời sống và nhiệm vụ tại gia. Hầu hết môn đồ cho rằng mô hình của đời sống gia đình khó hơn là thoát ly, và chỉ thích hợp cho một cá tính chắc chắn và quân bình. Những người còn trong thời kỳ son trẻ thường được khuyến khích lối sống kỷ luật của tu viện. Vì thế, văn hóa Ấn giáo khuyến khích học sinh cho đến tuổi 25 sống như các tu sĩ trong sự đạm bạc, giản dị và vâng lời để cho họ cơ hội rèn luyện một cá tính có thể đối phó với những khó khăn và cám dỗ của đời sống gia đình.

H: Những người trong phòng này là ai? Họ là môn đồ của ông?

M: Cứ hỏi họ. Người ta trở thành môn đồ không phải trên bình diện ngôn từ, mà trong những độ sâu im lặng của hiện hữu. Cô không thể trở thành môn đồ bằng sự lựa chọn, đây là một vấn đề thuộc định mệnh hơn là ý muốn của chính mình. Ai là Đạo sư thì không quan trọng vì Đạo sư luôn luôn mong muốn cô tốt lành. Chính môn đồ mới quan trọng, chính sự thành thật và lòng thành khẩn của người đó. Một môn đồ xứng đáng luôn luôn tìm được một Đạo sư đích thực.

H: Tôi có thể thấy được cái đẹp và sự sung sướng của một cuộc sống cống hiến cho chân lý dưới sự dìu dắt của một Đạo sư có thẩm quyền và đầy lòng từ bi. Nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi phải trở về Anh.

M: Sự xa cách không quan trọng. Nếu mong muốn của cô mãnh liệt và thành thật, cuộc đời cô sẽ được định hình cho sự hoàn thành những mong muốn đó. Cứ gieo hạt và phó mặc cho thời vụ.

H: Những dấu hiệu của tiến bộ trong tâm linh là gì?

M: Hoàn toàn vô tư lự, thảnh thơi và hân hoan. Bên trong an lạc sâu sắc, bên ngoài năng lực sung mãn.

H: Làm sao ông có được những thứ đó?

M: Ta tìm được tất cả trong sự hiện diện linh thiêng của Tôn sư. Ta chẳng làm gì cả. Tôn sư bảo Ta tĩnh lặng, Ta làm theo với tất cả khả năng của Ta.

H: Sự hiện diện của ông có mãnh liệt bằng sự hiện diện của Tôn sư ông?

M: Làm sao Ta biết được? Đối với Ta - sự hiện diện của Tôn sư là duy nhất. Nếu cô ở cùng với Ta thì cô cũng ở cùng với Tôn sư.

H: Đạo sư nào cũng đề cập đến tiên sư của mình. Vậy đâu là điểm khởi đầu?

M: Có một quyền năng trong vũ trụ hoạt động cho sự giác ngộ và giải thoát. Chúng ta gọi đó là Sadashiva, đấng luôn luôn hiện diện trong trái tim của mỗi người. Đó là yếu tố hợp nhất. Hợp nhất thì giải thoát. Tự do thì hợp nhất. Tối hậu, không có gì của cô hay của Ta, tất cả đều thuộc về chúng ta. Hãy là một với chính cô rồi cô sẽ là một với tất cả, toàn thể vũ trụ là nhà.

H: Ông muốn nói rằng tất cả những phúc lạc này sẽ đến với sự an trú trong nhận thức “Ta hiện hữu”?

M: Cái đơn giản - chứ không phải cái phức tạp - thì chắc chắn. Vì lý do nào đó, con người không tin vào cái đơn giản, cái dễ dàng, cái luôn luôn có sẵn. Tại sao không thực tâm thử nghiệm những gì Ta nói? Nó có vẻ nhỏ bé và tầm thường, nhưng cũng như một hạt giống nó sẽ mọc thành một đại thụ. Hãy cho cô một cơ hội.

H: Tôi thấy nhiều người ngồi trong phòng này một cách tĩnh lặng. Họ đến đây để làm gì?

M: Để gặp chính họ. Ở nhà họ bị nhiều quấy nhiễu. Ở đây chẳng có gì làm phiền họ; họ có cơ hội xa lìa những ưu tư thường nhật và giao tiếp với cái thiết yếu trong chính họ.

H: Trình tự tu tập sự thấy biết chính mình là gì?

M: Chẳng cần phải tu tập. Tánh biết luôn luôn ở với cô. Cũng sự chú ý mà cô dành cho bên ngoài thì xoay nó vào trong. Chẳng cần sự thấy biết nào mới hay đặc biệt.

H: Ông có giúp người đến gặp ông một cách riêng tư?

M: Người ta đến để nói về những vấn đề của họ. Rõ ràng là họ cần giúp, nếu không thì họ đã không đến.

H: Ông nói chuyện với người đến xin gặp ở chỗ đông người, hay còn trong chỗ riêng tư với họ?

M: Tùy theo ý muốn của họ. Ta không phân biệt chỗ đông người hay riêng tư.

H: Ông luôn luôn rảnh rang, hay còn có việc khác để làm?

M: Ta luôn luôn rảnh rang, nhưng thời gian và buổi sáng và chiều thì thuận tiện nhất.

H: Tôi hiểu được rằng không có việc làm nào cao thượng hơn việc làm của một Đạo sư.

M: Chính động cơ mới quan trọng tối thượng.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh