Ta Là Cái Đó: Chương 75. Biết Mình Không Biết, Chính Là Cái Biết Thật

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 75. BIẾT MÌNH KHÔNG BIẾT, CHÍNH LÀ CÁI BIẾT THẬT

Maharaj: Có thân xác. Bên trong thân xác có vẻ có một người quan sát, và bên ngoài thân xác là một thế giới bị quan sát. Người quan sát, sự quan sát và thế giới bị quan sát - cùng xuất hiện và cùng biến mất. Bên ngoài tất cả là không. Cái không này là một cho tất cả.

Hỏi: Những gì ông nói thì có vẻ đơng giản, nhưng không phải ai cũng nói như thế. Chỉ có ông, và một mình ông là người nói đến bộ ba và cái không - ở bên ngoài. Tôi chỉ thấy có thế giới, và thế giới đó bao gồm tất cả.

M: Ngay cả cái “Ta hiện hữu”?

H: Phải, ngay cả cái “Ta hiện hữu.” “Ta hiện hữu” vì có thế giới.

M: Và có thế giới vì có “Ta hiện hữu.”

H: Đúng, đó là một diễn tiến hai chiều. Tôi không thể tách rời hai cái, mà cũng không thể vượt ra ngoài. Tôi không thể nói một cái gì đó là nếu tôi không kinh nghiệm nó, cũng như tôi không thể nói một cái gì đó không là bởi vì tôi không kinh nghiệm nó. Cái ông kinh nghiệm là gì khiến ông có thể nói một cách cả quyết như thế?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Ta biết chính Ta như Ta là - phi thời, phi xứ, phi nhân duyên. Ông không thể biết vì ông mải mê với những thứ khác.

H: Vì sao tôi lại mải mê như thế?

M: Vì ông quan tâm.

H: Điều gì khiến tôi quan tâm?

M: Sợ hãi đau khổ, tham ái lạc thú. Lạc thú là sự chấm dứt của đau khổ và đau khổ là sự chấm dứt của hạnh phúc. Chúng thay phiên nhau trong một chuỗi diễn tiến bất tận. Hãy tìm hiểu cái vòng lẩn quẩn ấy cho đến khi nào ông thấy mình ở ngoài nó.

H: Thế không phải tôi cần đến ân đức của ông để đem tôi ra ngoài?

M: Ân đức của Thực tại bên trong của chính ông lúc nào cũng ở với ông. Chính sự cầu khẩn ân đức là một dấu hiệu của nó. Đừng lo lắng về ân đức của Ta, mà cứ làm những gì Ta bảo. Việc làm của ông là bằng chứng của lòng thành khẩn, chứ không phải là sự mong cầu ân đức.

H: Tôi phải thành khẩn về cái gì?

M: Chuyên chú tìm hiểu bất cứ gì ngang qua phạm vi chú ý của ông. Cùng với sự thực hành, phạm vi sẽ rộng dần, sự tìm hiểu sẽ sâu sắc hơn cho đến khi cả hai tự sinh khởi và không còn giới hạn.

H: Ông không cho rằng giác ngộ là kết quả của sự thực hành đấy chứ? Sự thực hành chỉ có tác dụng trong nội vi giới hạn của sự tồn tại vật lý. Làm sao nó có thể tạo ra cái vô hạn?

M: Dĩ nhiên, chẳng có liên hệ nhân quả nào giữa thực hành và trí tuệ. Nhưng sự thực hành có tác động sâu sắc đến các chướng ngại ngăn che trí tuệ.

H: Những chướng ngại đó là gì?

M: Tà kiến và tham ái đưa đến những hành động sai lầm làm cho thân tâm hư hao suy yếu. Sự phát hiện và từ bỏ cái hư giả sẽ tháo gỡ các chướng ngại ngăn trở cái thật đi vào tâm.

H: Tôi có thể phân biệt hai trạng thái của tâm: “Ta hiện hữu” và “Thế giới hiện hữu,” chúng cùng nổi lên và chìm xuống. Ai cũng nói: “Ta hiện hữu” vì “Thế giới hiện hữu.” Còn ông có vẻ như nói rằng: “Thế giới hiện hữu vì Ta hiện hữu.” Vậy lập luận nào đúng?

M: Chẳng có cái nào đúng. Hai cái là một và là cùng một trạng thái trong không gian và thời gian. Bên ngoài cả hai là cái vô thời.

H: Cái gì nối kết thời gian và cái vô thời?

M: Cái vô thời biết thời gian, thời gian không biết cái vô thời. Tất cả ý thức đều ở trong thời gian và đối với nó cái vô thời có vẻ như vô thức. Nhưng chính nó là cái làm cho ý thức khả hữu. Ánh sáng sáng trong bóng tối. Trong ánh sáng thì bóng tối không thấy được. Hay, nói theo cách khác: Trong đại dương bao la của ánh sáng những đám mây ý thức xuất hiện - đen tối và hữu hạn, được nhận thức qua sự tương phản. Đó chỉ là những cố gắng nhằm diễn tả bằng ngôn từ một cái gì đó rất đơn giản, nhưng hoàn toàn không thể diễn tả.

H: Ngôn từ có thể là cây cầu để vượt qua.

M: Ngôn từ có thể nói về một trạng thái của tâm, nhưng không thể dùng cho thực tại. Giòng sông, hai bờ sông, cây cầu bắc ngang - tất cả đều ở trong tâm. Chỉ riêng ngôn từ không thể đưa ông ra ngoài tâm. Cần phải có một lòng khao khát chân lý vô biên, hay sự tin tưởng tuyệt đối vào Đạo sư. Cứ tin Ta đi, chẳng hề có mục đích và chẳng có con đường nào đưa đến mục đích. Ông chính là con đường và cũng là mục đích; chẳng có gì để đạt đến, ngoại trừ chính ông. Tất cả những gì ông cần là hiểu, và hiểu là sự nở hoa của tâm. Cây tồn tại quanh năm, nhưng hoa nở và kết trái chỉ có mùa. Mùa thay đổi nhưng cây thì không. Ông là cây. Ông đã mọc ra vô số cành và lá trong quá khứ và ông sẽ còn mọc ra cành, lá trong tương lai - nhưng ông vẫn thế. Cái mà ông phải biết không phải cái đã là, hay sẽ là, mà là cái đang . Chính sự ham muốn của ông tạo ra vũ trụ. Biết thế giới là chính tạo vật của ông thì ông tự do.

H: Ông nói thế giới là một đứa trẻ của tình yêu. Khi nhìn thấy thế giới đầy những kinh hoàng, chiến tranh, trại tập trung, và những sự bóc lột vô nhân đạo, làm sao tôi có thể nhận nó là sự sáng tạo của chính tôi? Dù hữu hạn đến đâu, tôi đã không thể nào tạo ra một thế giới tàn nhẫn như thế.

M: Hãy tìm ra ai là người mà thế giới tàn nhẫn này xuất hiện với, thì ông sẽ biết tại sao nó có vẻ tàn nhẫn như thế. Các câu hỏi của ông là hoàn toàn chính đáng, nhưng không thể trả lời được trừ khi ông biết thế giới là của ai. Muốn tìm ra ý nghĩa của một cái gì đó, ông phải hỏi người tạo ra nó. Ta cho ông biết: Ông chính là người tạo ra cái thế giới mà trong đó ông sống - chỉ có ông mới có thể thay đổi nó, hay xóa bỏ nó.

H: Làm sao ông có thể nói được rằng tôi đã tạo ra thế giới? Tôi không biết điều đó.

M: Khi ông biết rõ chính ông thì không có gì trong thế giới mà ông không biết. Cho rằng ông là thân xác nên ông thấy thế giới là một tập hợp của nhiều vật chất. Khi biết được ông là trung tâm của ý thức thì thế giới xuất hiện như biển tâm. Khi ông biết chính ông là ông trong thực tại, thì ông biết thế giới là chính ông.

H: Những gì ông nói nghe rất hoa mỹ nhưng không trả lời câu hỏi của tôi. Tại sao thế giới lại có quá nhiều đau khổ?

M: Nếu đứng riêng ra như một người quan sát thì ông không hề đau khổ. Ông sẽ thấy thế giới như một vở tuồng, một vở tuồng thú vị nhất.

H: Ồ, không! Tôi không thể nào chấp nhận cái lý thuyết Lila - vở tuồng - này. Sự đau khổ thì quá nhức nhối và ở khắp nơi. Thật là tàn nhẫn khi tiêu khiển bằng cách ngắm nhìn một cảnh tượng đau khổ! Ông mời chào tôi một Thượng đế quá tàn nhẫn!

M: Nguyên nhân của đau khổ ở trong sự đồng hóa người nhận thức với cái được nhận thức. Từ đó tham ái khởi sinh, và cùng đi với tham ái là hành động mù quáng, không cần biết hậu quả. Hãy nhìn xung quanh và ông sẽ thấy. Đau khổ là do con người tạo ra.

H: Nếu một người chỉ gây ra đau khổ cho riêng mình thì tôi đồng ý với ông. Nhưng hắn lại làm cho người khác đau khổ bằng sự dại dột của chính hắn. Một người nằm mơ thấy cơn ác mộng của riêng mình thì chẳng có ai đau khổ, ngoại trừ chính hắn. Nhưng giấc mơ tàn phá cuộc sống của người khác là giấc mơ gì?

M: Sự mô tả thì vô số và mâu thuẫn với nhau. Thực tại thì đơn giản - tất cả là một, hài hòa là quy luật vĩnh cửu; chẳng có ai bị bắt buộc phải đau khổ. Chính vì ông cố tìm cách mô tả và giải thích nên mới không đủ ngôn từ.

H: Tôi nhớ có lần Gandhi nói với tôi rằng cái Ta không bị ràng buộc bởi luật bất bạo hành - Ahimsa. Cái Ta hoàn toàn tự do áp đặt đau khổ lên những thể hiện của nó để chỉnh đốn chúng.

M: Trên bình diện nhị nguyên có thể là như thế, nhưng trong thực tại thì chỉ có một nguồn gốc, trong chính nó thì tối, nhưng làm cho tất cả chiếu sáng. Nó không thể được nhận thức nhưng tạo ra nhận thức. Nó không thể được cảm thọ nhưng tạo ra cảm thọ. Nó không thể nghĩ ra được nhưng nó tạo ra ý nghĩ. Nó phi hiện hữu nhưng khai sinh ra hiện hữu. Nó là hậu cảnh bất biến của mọi chuyển động. Một khi đến được chỗ đó thì ở đâu đối với ông cũng là ở nhà.

H: Nếu tôi là cái đó, thế cái gì làm cho tôi được sinh ra?

M: Ký ức của những ước muốn không được thỏa mãn trong quá khứ lưu giữ lại năng lượng, và thị hiện tự thân thành con người. Khi năng lượng tích tụ tiêu hao thì con người chết. Những ước muốn không được thỏa mãn được đem sang kiếp sau. Sự đồng hóa chính mình với thân xác luôn luôn tạo ra những tham ái mới và không có cách nào chấm dứt, trừ khi cái cơ cấu của sự ràng buộc này được thấy một cách rõ ràng. Ta không nói rằng cùng một con người tái sinh. Con người đó chết đi và chết đi vĩnh viễn. Nhưng ký ức của nó - vẫn còn cùng với tham ái và lo sợ - cung cấp năng lượng cho một con người mới. Cái thật không tham dự vào tiến trình này, nhưng làm cho nó khả hữu bằng cách cho nó ánh sáng.

H: Điều khó khăn đối với tôi như sau: Tôi có thể thấy mỗi kinh nghiệm là thực tại của riêng nó. Kinh nghiệm có đó - và được kinh nghiệm. Ngay khi tôi chất vấn nó và đặt câu hỏi nó xảy ra với ai, ai là người quan sát, vân vân, thì kinh nghiệm trôi qua, và tất cả những gì tôi có thể tìm hiểu chỉ là ký ức về nó. Tôi không thể tìm hiểu cái khoảnh khắc sống động - cái bây giờ. Sự thấy biết của tôi là của quá khứ, chứ không thuộc về hiện tại. Khi tôi biết, tôi không thực sự sống trong cái bây giờ mà chỉ trong quá khứ. Liệu có thể có cái biết thực sự của hiện tại?

M: Điều mà ông mô tả hoàn toàn không phải là biết, mà chỉ là tư duy về kinh nghiệm. Cái biết chơn thật - Samvid - là trạng thái nhân chứng thuần túy, mà không hề có cố gắng nào để làm bất cứ gì về sự kiện được chứng kiến. Ý nghĩ và cảm thọ, ngôn từ và hành động của ông có thể là một phần của sự kiện xảy ra; ông quan sát tất cả mà không động tâm, với đầy đủ ánh sáng của sự minh mẫn và hiểu. Ông hiểu chính xác chuyện gì đang xảy ra, vì nó không tác động đến ông. Điều này có vẻ như là một trạng thái thờ ơ lạnh nhạt, nhưng thật ra không phải thế. Một khi đã ở trong trạng thái này thì ông yêu thích những gì ông thấy, dù bản chất của sự kiện xảy ra là gì. Tình yêu không lựa chọn này là tiêu chuẩn của tánh biết. Nếu không có nó thì ông đơn thuần chỉ quan tâm - vì những lý do cá nhân nào đó.

H: Bao giờ còn có đau khổ và lạc thú thì một người không thể nào không quan tâm.

M: Bao giờ một người còn ý thức thì còn đau khổ và lạc thú. Ông không thể chống lại đau khổ và lạc thú trên bình diện của ý thức. Muốn thoát ra khỏi đau khổ và lạc thú ông phải vượt ra khỏi ý thức, và điều này chỉ có thể xảy ra khi ông nhìn ý thức như một cái gì đó xảy đến đối với ông chứ không phải trong ông, như một cái gì đó bên ngoài, xa lạ, khoác lên ông. Rồi hốt nhiên ông tự do không còn ý thức, hoàn toàn một mình, không có gì xâm nhập. Đó chính là trạng thái đích thực của ông. Ý thức là một loại ban ngứa khiến ông phải gãi. Dĩ nhiên, ông không thể bước ra ngoài ý thức vì ngay chính ý nghĩ bước ra khỏi ý thức lại ở trong ý thức. Nhưng nếu ông biết cách nhìn ý thức của chính ông như một sự bực bội - cá nhân và riêng tư - và ông bị vây hãm trong đó như một con gà con trong vỏ. Từ thái độ này sẽ phát sinh một cơn khủng hoảng và chính cơn khủng hoảng sẽ phá vỡ vỏ trứng.

H: Đức Phật nói đời là bể khổ.

M: Chắc chắn ngài đã có ý muốn nói rằng mọi ý thức đều đau khổ, và đó là điều hiển nhiên.

H: Thế chết hứa hẹn sự giải thoát?

M: Người nào tin mình đã được sinh ra thì rất sợ chết. Trái lại, người nào thực sự biết mình thì chết là một điều vui mừng.

H: Truyền thống Ấn giáo cho rằng đau khổ là do định mệnh đưa đến và định mệnh thì có tính cách thưởng phạt. Cứ nhìn không biết bao nhiêu tai họa, do thiên nhiên hay con người tạo ra, lụt lội và động đất, chiến tranh và cách mạng - liệu có thể nghĩ rằng mỗi người chịu đau khổ vì tội lỗi của riêng mình, mà chính mình có khi không biết là tội lỗi? Liệu hàng triệu người đau khổ, có phải vì họ là những tên tội phạm bị trừng phạt đích đáng?

M: Có phải một người chỉ đau khổ vì những tội lỗi của chính mình? Chúng ta có thực sự khác biệt? Trong đại dương bao la của đời sống chúng ta đau khổ vì tội lỗi của người khác, và làm cho người khác đau khổ vì tội lỗi của chính mình. Dĩ nhiên luật công bằng có hiệu lực tối hậu, và sau cùng thì mọi nợ nần đều được thanh toán song phẳng. Nhưng trong khi còn sống, chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau rất sâu sắc.

H: Đúng thế, một nhà thơ đã nói: “Không có ai là một hòn đảo.”

M: Ở phía sau mỗi một kinh nghiệm là cái Ta và sự mong muốn kinh nghiệm của nó. Có thể gọi đó là ước muốn, gọi đó là tình yêu - ngôn từ thì chẳng quan trọng.

H: Có thể nào tôi mong muốn đau khổ? Có thể nào tôi đòi hỏi

đau đớn một cách có tính toán? Không phải tôi như một kẻ dọn một chiếc giường thật êm ái với hy vọng được một giấc ngủ ngon, nhưng bị một cơn ác mộng ghé thăm, thế là hắn lăn lộn và la hét trong mơ? Chắc chắn không phải tình yêu đã đẻ ra ác mộng.

M: Tất cả đau khổ được gây ra bởi sự cô lập và ích kỷ, bởi thái độ hẹp hòi và tham lam. Khi nguyên nhân được nhận ra và tháo gỡ thì đau khổ không còn.

H: Tôi có thể tháo gỡ những nguyên nhân gây ra đau khổ của tôi, nhưng người khác vẫn bị phó mặc với đau khổ.

M: Để hiểu được đau khổ, ông phải vượt ra ngoài đau khổ và lạc thú. Chính những tham ái và lo sợ của ông ngăn che cái hiểu của ông, và do đó ông không thể giúp người khác. Trong thực tế, không hề có người khác, giúp chính ông chính là giúp mọi người. Nếu thực sự nghiêm túc về những đau khổ của nhân loại, ông phải hoàn chỉnh phương tiện giúp ích duy nhất mà ông có - chính ông.

H: Ông vẫn tiếp tục nói rằng tôi là người sáng tạo, người giữ gìn và người hủy diệt thế giới, có mặt khắp nơi, thông suốt mọi sự, và quyền năng tuyệt đối. Khi suy nghĩ về những gì ông nói, tôi tự hỏi: “Tại sao trong thế giới của tôi lại có nhiều xấu xa đến thế?”

M: Không hề có xấu xa, không hề có đau khổ; niềm vui của sự sống là tối cao. Cứ nhìn xem, tất cả đều đeo bám lấy sự sống như thế nào, sự tồn tại thật quý giá làm sao.

H: Trên màn ảnh của tâm, các hình ảnh tiếp nối nhau trong một chuỗi diễn tiến bất tận. Chẳng có gì thường hằng về tôi cả.

M: Hãy nhìn kỹ ông một lần nữa xem. Màn ảnh có đó - nó không hề thay đổi. Ánh sáng vẫn chiếu đều đặn. Chỉ có cuốn phim ở giữa tiếp tục chuyển động và làm cho hình ảnh xuất hiện. Ông có thể gọi cuốn phim là định mệnh - Prarabdha.

H: Cái gì tạo ra định mệnh?

M: Vô minh là nguyên nhân của cái bất khả tránh.

H: Vô minh về cái gì?

M: Vô minh về trước ông là trước tiên. Ngoài ra, ông còn vô

minh về bản chất chơn thật của mọi vật, cùng những nguyên nhân và hậu quả của chúng. Ông nhìn xung quanh mà không hề hiểu biết, ông nhận hiện tướng làm thực tại. Ông tin rằng ông biết thế giới và chính ông - nhưng chính sự vô minh của ông khiến ông nói: Ta biết. Hãy bắt đầu với sự nhìn nhận rằng ông không biết, và khởi sự từ đó.

Không gì có thể giúp ích cho thế giới hơn là điều ông chấm dứt vô minh. Lúc đó, ông sẽ chẳng cần làm bất cứ gì đặc biệt để cứu giúp thế giới. Chính sự hiện hữu của ông là cứu giúp, dù ông có hành động hay không.

H: Làm sao có thể biết được vô minh? Để biết được vô minh thì trước tiên phải biết.

M: Đúng thế. Chính sự nhìn nhận “Ta vô minh” là sự khởi đầu của biết. Một người vô minh thì vô minh về sự vô minh của mình. Ông có thể nói rằng vô minh không tồn tại, vì ngay khi được nhận diện vô minh liền biến mất. Do đó, ông có thể gọi nó là vô thức hoặc sự mù quáng. Tất cả những gì ông thấy quanh ông và trong ông là những gì ông không biết và không hiểu, nhưng ông không biết rằng ông không biết và không hiểu. Biết được ông không biết và không hiểu là cái biết đúng thật, cái biết của một tấm lòng khiêm tốn.

H: Đúng, Đấng Christ đã nói: Phước thay cho những kẻ nghèo nàn trong ý nghĩ…

M: Ông muốn nói thế nào cũng được; thực tế thì cái biết là thuộc về vô minh. Ông biết rằng ông không biết.

H: Có bao giờ vô minh chấm dứt?

M: Có gì sai với không biết? Ông không cần biết tất cả. Biết cái ông cần biết là đủ. Những gì còn lại sẽ tự lo liệu lấy mà chẳng cần ông biết vì sao. Điều quan trọng là vô thức của ông không làm gì ngược lại với ý thức, và có sự hợp nhất ở tất cả các bình diện. Biết thì không quá quan trọng đến như thế.

H: Những gì ông nói rất đúng về tâm lý, nhưng khi cần biết người khác, cần biết thế giới, thì biết được rằng tôi không biết - chẳng giúp ích gì nhiều.

M: Một khi ông hợp nhất được bên trong, cái biết bên ngoài đến với ông một cách tự sinh khởi. Vào mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống, ông biết cái ông cần biết. Đại dương bao la của tâm vũ trụ chứa đựng tất cả cái biết; tất cả là của ông khi ông cần. Có thể là hầu hết những cái biết đó ông chẳng bao giờ cần biết - nhưng nó vẫn là của ông thì cũng thế.

Giống như cái biết, quyền năng cũng vậy.

Bất cứ gì ông cảm thấy cần làm đều chắc chắn xảy ra. Chẳng có gì nghi hoặc là Thượng đế chăm lo cho sự điều hành vũ trụ, nhưng ngài vẫn vui mừng khi có sự trợ giúp. Khi ngài giúp vô vị kỷ và có trí tuệ, toàn thể quyền năng của vũ trụ thuộc về sự điều khiển của người đó.

H: Ngay cả quyền năng mù quáng của thiên nhiên?

M: Không hề có quyền năng mù quáng. Ý thức là quyền năng. Biết cái gì cần làm thì cái đó sẽ được làm. Chỉ cần tỉnh thức và im lặng. Một khi đã đến nơi và biết được bản chất chơn thật của ông, sự tồn tại của ông trở thành phước báu cho tất cả. Có thể ông không biết và thế giới cũng không biết, nhưng sự cứu giúp tỏa sáng. Có những người trên thế giới này làm nhiều điều tốt lành hơn những gì mà tất cả các chính khách và những người nhân đức gộp lại. Họ tỏa ra ánh sáng và sự an lạc mà không hề dụng tâm hoặc hay biết. Khi người khác nói với họ về những phép lạ họ đã làm thì chính họ cũng ngạc nhiên. Họ chẳng nhận gì là của riêng họ, họ không cảm thấy hãnh diện mà cũng không thèm khát tiếng tăm. Họ chỉ không thể mong cầu bất cứ gì cho chính họ, thậm chí họ cũng không hề vui mừng khi giúp người khác; biết được Thượng đế tốt lành thì họ an vui.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh