Ta Là Cái Đó: Chương 82. Chân Sư

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 82. CHÂN SƯ

Hỏi: Hôm nọ ông nói rằng nguồn gốc sự giác ngộ của ông là tín tâm đối với Tôn sư. Ngài cam đoan với ông rằng ông đã là Thực tại Tối thượng và chẳng cần làm gì nữa. Ông tin tưởng Tôn sư và cứ giữ nguyên như thế, không cần phải căng thẳng hay phấn đấu.

Câu hỏi của tôi là: Nếu không đặt tín tâm vào Tôn sư, liệu ông đã có thể giác ngộ? Xét cho cùng, ông là cái ông là dù tâm ông có tin Tôn sư hay không; liệu sự nghi hoặc có ngăn trở sự thực hành lời dạy của Tôn sư, và làm cho lời dạy của Tôn sư không còn ứng nghiệm?

Maharaj: Đúng thế - có thể lời dạy của Tôn sư đã không ứng nghiệm - trong một thời gian.

H: Thế chuyện gì xảy ra cho năng lượng, hay sức mạnh trong lời dạy của Tôn sư?

M: Nó vẫn ở tình trạng tiềm ẩn, không thị hiện. Nhưng toàn thể câu hỏi dựa trên một sự hiểu biết sai lầm. Vị Đạo sư, người môn đồ, tình yêu và sự tin tưởng giữa hai người - tất cả là một sự kiện duy nhất, chứ không phải là một sự kiện độc lập. Mỗi một cái là thành phần của cái kia. Nếu không có tình yêu và sự tin tưởng thì không thể có Đạo sư hay môn đồ, và cũng không có liên hệ nào giữa hai người. Điều này cũng giống như bấm vào một cái nút để bật sáng một bóng đèn điện. Nhờ có bóng đèn, dây điện, công tắc, bộ biến thế, dây truyền điện và nhà máy phát điện - tất cả tạo thành một thực thể duy nhất - mà ông có được ánh sáng. Nếu vắng thiếu bất cứ một trong những yếu tố nào đó thì không thể có ánh sáng. Ông không được phân chia cái bất khả phân chia. Ngôn từ không thể tạo thành sự kiện; ngôn từ chỉ có thể mô tả hay xuyên tạc sự kiện. Sự kiện thì luôn luôn vô ngôn.

H: Tôi vẫn không hiểu; liệu lời dạy của Tôn sư có thể vẫn không được thực hiện, hay chắc chắn sẽ chứng minh là đúng thật?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

M: Lời dạy của một người giác ngộ không bao giờ sai lạc mục đích. Lời dạy ấy đợi đúng điều kiện sẽ thành hình, có thể là phải chờ một thời gian mà điều này thì rất tự nhiên, vì phải có mùa gieo mạ và mùa gặt hái. Nhưng lời dạy của một Đạo sư là một hạt giống bất khả hư hoại. Dĩ nhiên vị Đạo sư phải là một chân sư, tức là người đã vượt ra khỏi thân, tâm, ở ngoài chính ý thức, siêu vượt thời gian và không gian, siêu vượt cả nhị nguyên và hợp nhất, ở ngoài sự hiểu biết và mô tả. Những bậc thiện tri thức là những người đọc nhiều và có nhiều điều để nói, họ có thể dạy ông rất nhiều điều hữu ích, nhưng không phải là chân sư mà lời dạy chắc chắn trở thành sự thật. Những bậc thiện tri thức cũng có thể bảo ông là chính thực tại tối hậu, nhưng điều đó có thể làm được gì?

H: Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó tôi tình cờ tin tưởng họ và làm theo, liệu tôi có phải là người thua thiệt?

M: Nếu ông có thể tin tưởng và quy thuận thì thế nào ông cũng gặp chân sư, hay, đúng hơn là chân sư sẽ tìm ông.

H: Liệu người nào biết cái Ta đều có thể trở thành Đạo sư, hay một người có thể là Người Biết Thực Tại nhưng không thể đưa người khác đến với Thực tại?

Mua đá năng lượng:

M: Nếu ông biết cái ông dạy, ông có thể dạy cái ông biết. Ở đây thấy và dạy là một. Nhưng Thực tại Tuyệt đối thì ở ngoài cả thấy và dạy. Những người tự xưng là Đạo sư nói về sự chín mùi và tinh tấn, về công phu và chứng đắc, về định mệnh và ân đức - tất cả những thứ đó chỉ là những dựng lập của tâm, những phóng ảnh của một cái tâm si mê. Thay vì giúp ích, chúng chỉ gây chướng ngại.

H: Làm sao tôi có thể phân biệt người nào để đi theo và người nào để nghi ngờ?

M: Nghi ngờ tất cả cho đến khi ông tin. Chân sư không bao giờ sỉ nhục ông, và cũng không bao giờ ly gián ông với chính ông. Chân sư luôn luôn đem ông trở lại với thực tế về sự toàn hảo hằng hữu của ông, và khuyến khích ông tìm kiếm bên trong. Chân sư biết ông chẳng cần gì cả, ngay cả chính ông ta, và không bao giờ mệt mỏi trong sự nhắc nhở ông. Còn người tự xưng là Đạo sư thì quan tâm đến chính mình hơn là quan tâm đến môn đồ.

H: Ông bảo rằng Thực tại ở ngoài hiểu biết và sự chỉ giáo về cái thật. Thế không phải hiểu biết về Thực tại chính nó là tối thượng và sự chỉ giáo là bằng chứng về sự hiểu biết đó?

M: Hiểu biết về cái thật, hay cái Ta, là một trạng thái của tâm.

Chỉ dạy một người khác là một động thái trong nhị nguyên. Chúng chỉ liên quan đến tâm mà thôi; Sattva thì cũng là một Guna.

H: Thế cái gì là thật?

M: Người biết tâm là không nhận biết được và nhận biết được, người biết vô minh và cái biết là các trạng thái của tâm - thì người đó là thật. Khi được cho một nắm kim cương trộn lẫn với sỏi, thì hoặc là ông không tìm thấy kim cương, hoặc là ông tìm thấy kim cương. Chính khả năng thấy mới quan trọng. Mầu xám của sỏi và vẻ đẹp của kim cương ở đâu nếu không có khả năng thấy? Cái bị biết chỉ là một hình tướng, cái biết chỉ là một danh xưng, và người biết chỉ là một tướng trạng của tâm. Cái thật ở ngoài tất cả.

H: Chắc chắn cái biết khách quan, ý tưởng về sự vật, và biết chính mình không phải là một và như nhau. Một cái cần đến não bộ, và cái kia thì không.

M: Để hý luận ông có thể sắp xếp ngôn từ và gán cho chúng ý nghĩa, nhưng sự thật vẫn là: Tất cả mọi cái biết chỉ là một hình thức của vô minh. Một tấm bản đồ chính xác chỉ là một tờ giấy. Tất cả cái biết đều ở trong ký ức; đó chỉ là sự nhận biết qua hồi tưởng, còn thực tại ở ngoài tính nhị nguyên - người biết và cái bị biết.

H: Thế thực tại được biết bằng cái gì?

M: Ngôn ngữ của ông mới thật sai lầm làm sao! Ông giả định một cách vô thức rằng thực tại cũng có thể tiếp cận được qua cái biết. Và ông đem vào một người biết thực tại ở ngoài thực tại! Nên hiểu rằng thực tại không cần được biết để . Vô minh và cái biết ở trong tâm, chứ không phải ở trong cái thật.

H: Nếu không có cái như là biết cái thật, thì làm sao tôi đạt đến cái thật?

M: Ông không phải vươn ra để tìm kiếm cái đã sẵn có với ông. Chính sự vươn ra ngoài tìm kiếm khiến ông không thấy được nó. Hãy từ bỏ cái ý tưởng ông chưa tìm thấy nó, mà cứ để nó xuất hiện trong tiêu điểm của nhận thức trực tiếp, ở đây và bây giờ, bằng cách loại bỏ những gì thuộc về tâm.

H: Khi tất cả những gì có thể ra đi - ra đi. Cái gì còn lại?

M: Cái trống không còn lại, tánh biết còn lại, ánh sáng thanh tịnh của sự hiện hữu hữu thức còn lại. Câu ông hỏi cũng giống như cái gì còn lại trong phòng khi tất cả đồ đạc được dọn đi. Một căn phòng sẵn sàng để sử dụng còn lại. Và thậm chí khi tất cả các vách tường bị phá sập thì không gian còn lại. Bên ngoài không gian và thời gian là cái ở đây và cái bây giờ của thực tại.

H: Thế nhân chứng có còn không?

M: Khi nào còn ý thức thì nhân chứng của nó còn đó. Hai cái cùng xuất hiện và cùng biến mất.

H: Nếu nhân chứng cũng vô thường thì tại sao nói lại quan trọng đến thế?

M: Chỉ để phá vỡ sự mê hoặc của cái bị biết, tức là ảo tưởng cho rằng chỉ những gì nhận thức được là thật.

H: Nhận thức là chính yếu, nhân chứng là thứ yếu.

M: Đây chính là trọng tâm của vấn đề. Bao giờ ông còn tin rằng thế giới ngoại quan là thật thì ông còn là nô lệ của nó. Để tự do, ông phải dồn hết chú ý cho cái “Ta hiện hữu”, cho nhân chứng. Dĩ nhiên, người biết và cái bị biết là một chứ không phải hai, nhưng để phá vỡ tính mê hoặc của cái bị biết, người biết phải trở nên nổi bật. Không có cái nào là chính yếu trong hai cái, cả hai đều là ảnh phản chiếu trong ký ức của một kinh nghiệm bất khả diễn tả, luôn luôn mới và luôn luôn hiện tại, không thể diễn dịch được, và nhanh hơn cả tâm.

H: Thưa ông, tôi chỉ là một kẻ đi tìm chân lý hèn mọn, gặp hết Đạo sư này đến Đạo sư khác với hy vọng được giải thoát. Tâm tôi đang đau ốm, hừng hực với tham ái, tê cóng vì sợ hãi. Ngày tháng trôi qua, rực đỏ với đau khổ, xám ngắt với nhàm chán. Tuổi già đang đến, sức khỏe sa sút, tương lai thì đen tối và hãi hùng. Cứ theo cái đà này chắc tôi chỉ sống trong đau khổ và chết trong tuyệt vọng. Liệu còn hy vọng nào cho tôi? Hay là tôi đến gặp ông đã quá trễ?

M: Chẳng có gì sai lầm với ông cả, nhưng những ý nghĩ mà ông có về chính ông thì hoàn toàn sai lầm. Không phải ông là kẻ tham ái, sợ hãi, đau khổ mà là con người được dựng lập trên nền tảng thân xác ông, bởi hoàn cảnh và những ảnh hưởng khác nhau. Ông không phải con người đó. Điều này phải được xác lập một cách rõ ràng trong tâm ông và không bao giờ có thể bị mất dấu. Thông thường, nó cần một sự tu tập lâu dài, nhiều năm khổ hạnh và thiền quán.

H: Tâm tôi nhu nhược và giao động. Tôi không có nghị lực và kiên nhẫn để tu tập. Trường hợp của tôi thật vô vọng.

M: Về một phương diện trường hợp của ông là triển vọng nhất. Có phương cách thay thế cho tu tập, đó là tín tâm. Nếu ông không thể tin vào một sự tìm kiếm có kết quả, thì hãy vận dụng sự khám phá của Ta và Ta sẵn sàng chia sẻ với ông. Ta có thể thấy rất rõ ràng là ông chưa hề bao giờ, cũng như không bao giờ và sẽ không bao giờ bị thực tại hắt hủi; ông là tính viên mãn của sự toàn hảo ở đây và bây giờ; không gì có thể tước đoạt di sản của ông, của cái mà ông là. Không thể nào ông khác biệt với Ta, chỉ có điều là ông không biết như thế. Ông không biết cái ông là nên tưởng tượng ông là cái mà ông không phải. Vì thế ông bị tham ái, lo sợ và tuyệt vọng đè bẹp, rồi ông tìm cách trốn chạy bằng những hành động vô nghĩa.

Hãy tin Ta và sống bằng cách tin Ta. Không đời nào Ta lừa dối ông. Ông là Thực tại Tối thượng bên ngoài thế giới và người sáng tạo ra thế giới, ông ở bên ngoài ý thức và nhân chứng của ý thức, bên ngoài tất cả những xác định và phủ định. Hãy nhớ điều đó, suy nghĩ về điều đó và hành động dựa trên điều đó. Từ bỏ tất cả những ý thức phân chia, thấy chính ông trong tất cả và hành động một cách tương ứng. Cùng với hành động an lạc sẽ đến, và cùng với an lạc là sự tin tưởng. Xét cho cùng, ông hoài nghi chính ông vì ông đau khổ. Hạnh phúc tự nhiên, tự sinh khởi và lâu dài thì không thể tưởng tượng mà có. Hoặc là nó có đó, hoặc là nó không có. Một khi ông bắt đầu trải qua sự an lạc, tình yêu và hạnh phúc - mà không cần những nguyên nhân bên ngoài thì mọi nghi hoặc của ông sẽ biến mất. Hãy nắm chắc những gì Ta vừa nói với ông và sống với nó.

H: Ông bảo tôi sống bằng ký ức?

M: Dù sao thì ông vẫn sống bằng ký ức. Ta chỉ yêu cầu ông thay thế những ký ức cũ bằng ký ức về những gì Ta đã nói với ông. Trước kia ông hành động dựa theo ký ức cũ như thế nào thì ông sẽ hành động như thế dựa theo ký ức mới. Đừng sợ. Chắc chắn là sẽ có xung đột giữa cái cũ và cái mới trong một thời gian nào đó, nhưng nếu quyết tâm đặt mình về phía cái mới thì sự xung đột sẽ sớm kết thúc, và ông sẽ nhận ra trạng thái là chính mình mà không cần cố gắng, không bị lừa dối bởi tham ái và lo sợ phát sinh từ ảo tưởng.

H: Rất nhiều Đạo sư có thói quen cho những biểu tượng ân đức của mình - chẳng hạn như khăn trùm đầu, gậy, hay y bát để trao truyền hay xác nhận sự giác ngộ của môn đồ. Tôi chẳng thấy giá trị nào trong những tập quán như thế vì cái được trao truyền không phải là sự giác ngộ, mà chỉ là sự quan trọng hóa cái Ta. Được nghe một sự tâng bốc mà không thật thì có ích lợi gì? Một mặt ông cảnh giác tôi về vô số những kẻ tự phong là Đạo sư, nhưng một mặt ông lại muốn tôi tin ông. Tại sao ông lại cho mình là một ngoại lệ?

M: Ta không bảo ông tin Ta. Hãy tin và nhớ lời Ta nói, Ta muốn hạnh phúc cho ông, chứ không phải cho Ta. Đừng tin bất cứ kẻ nào tạo ra một khoảng cách giữa ông và sự hiện hữu chơn thật của ông, và ngỏ ý làm người trung gian. Ta không làm những chuyện như thế. Thậm chí Ta cũng không đưa ra bất cứ hứa hẹn nào. Ta chỉ nói: Nếu ông tin lời Ta nói, và thử nghiệm chúng thì chính ông sẽ nhận ra những lời Ta nói là tuyệt đối chơn thật như thế nào. Nếu ông đòi hỏi một bằng chứng trước khi dấn thân thì Ta chỉ có thể bảo ông: Ta là bằng chứng. Ta là Tôn sư và giữ chúng trong tâm. Ta đã nhận ra Tôn sư hoàn toàn đúng và Ta đã là, đang là và sẽ là Thực tại Vô biên, bao trùm tất cả và siêu vượt tất cả.

Như ông nói ông không có thời gian mà cũng chẳng có công sức cho những sự tu tập lâu dài. Ta đề nghị với ông một giải pháp thay thế. Hãy chấp nhận lời Ta nói dựa vào tín tâm và sống một lối sống mới, hay là ông sống và chết trong đau khổ.

H: Những gì ông nói thì quá tốt đẹp để có thể thành sự thật.

M: Đừng ngộ nhận tính đơn giản của sự chỉ dẫn. Rất ít người có can đảm để tin vào sự hồn nhiên và đơn giản. Biết được ông bị tâm giam hãm, ông sống trong một thế giới tưởng tượng do chính ông tạo ra - là sự hé mở của trí tuệ. Không mong cầu ở trí tuệ bất cứ gì, sẵn sàng từ bỏ nó hoàn toàn - là thành khẩn. Chỉ có sự thành khẩn như thế - phát sinh từ nỗi tuyệt vọng thật sự - mới làm cho ông tin Ta.

H: Tôi chưa nếm đủ mùi đau khổ hay sao?

M: Đau khổ đã làm cho ông u mê, không thấy được sự tàn ác của nó. Công việc trước tiên của ông là thấy sự đau khổ trong ông, và xung quanh ông; tiếp đến là ông mong muốn giải thoát một cách mãnh liệt. Chính tính mãnh liệt của lòng mong muốn sẽ hướng dẫn ông; ông chẳng cần ai khác hướng dẫn.

H: Đau khổ đã làm cho tôi u mê, thờ ơ ngay cả với chính đau khổ.

M: Có lẽ không phải đau khổ mà lạc thú đã làm cho ông u mê. Hãy tìm hiểu.

H: Dù nguyên nhân là gì, tôi vẫn u mê. Tôi không có ý chí mà cũng chẳng có năng lực.

M: Ồ, không. Ông có đủ tất cả cho bước đầu tiên. Và mỗi bước lại phát sinh năng lực cho bước kế tiếp. Năng lực đến với sự tin tưởng, và tin tưởng đến với kinh nghiệm.

H: Thay đổi Đạo sư có phải là điều nên làm?

M: Tại sao lại không thay đổi? Đạo sư cũng như những dấu mốc. Di chuyển từ dấu mốc này đến dấu mốc khác là tự nhiên. Mỗi dấu mốc cho ông biết hướng đi và khoảng cách, còn Sadguru - Đạo sư vĩnh cửu - chính là con đường. Một khi nhận ra con đường là mục đích, và ông luôn luôn trên con đường, không phải để đến đích, mà để thưởng thức cái đẹp và trí tuệ của nó thì sống không còn là một nhiệm vụ mà trở nên tự nhiên và giản dị, và trong chính nó là cực lạc.

H: Như thế chẳng cần đến thờ cúng, cầu nguyện và thực hành Yoga?

M: Mỗi ngày một chút quét dọn, tắm, giặt thì chẳng hại gì. Sự biết rõ chính mình cho ông biết từng bước cần phải làm gì. Khi tất cả được làm xong thì tâm tĩnh lặng.

Bây giờ ông đang ở trong trạng thái thức, một con người với danh xưng và hình tướng, vui sướng và đau khổ. Con người không có trước khi ông sinh ra, và cũng không có sau khi ông chết đi. Thay vì đấu tranh với con người để biến nó thành cái mà nó không phải thì tại sao không thoát ra ngoài trạng thái thức và hoàn toàn mặc kệ cuộc sống có tính cách con người? Điều này không có nghĩa là tiêu diệt con người, mà chỉ có nghĩa là thấy con người trong một bối cảnh đúng.

H: Còn một câu hỏi nữa. Ông bảo rằng trước khi được sinh ra tôi đã là một với hiện hữu thuần túy của thực tại; nếu vậy, ai quyết định tôi đã phải sinh ra?

M: Trong thực tại ông chưa bao giờ được sinh ra và sẽ không bao giờ chết đi. Nhưng hiện nay ông tưởng tượng ông là một thân xác, hay có một thân xác, và ông hỏi cái gì đã đem lại trạng thái này. Trong phạm vi của ảo tưởng, câu trả lời là: tham ái sinh khởi từ ký ức thu hút sự chú ý của ông về một thân xác và khiến ông nghĩ ông là một với thân xác. Nhưng điều này chỉ đúng từ cái nhìn tương đối. Thật ra, không hề có thân xác mà cũng chẳng có thế giới dung chứa nó; chỉ có một điều kiện của tâm, một trạng thái như chiêm bao, rất dễ dàng biến mất khi bị chất vấn về thực thể của nó.

H: Sau khi ông chết đi, liệu ông sẽ trở lại? Nếu tôi sống lâu thì

liệu tôi sẽ gặp ông?

M: Đối với ông thân xác là thật, còn đối với Ta thân xác không có. Ta - như ông thấy Ta - chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của ông. Chắc chắn ông sẽ gặp lại Ta, nếu ông cần đến Ta và khi ông cần đến Ta. Điều đó không hề tác động đến Ta, cũng như mặt trời không hề bị tác động bởi bình minh và hoàng hôn. Vì nó không hề bị tác động nên chắc chắn nó luôn luôn có đó khi cần đến.

Ông cứ khăng khăng với cái biết, còn Ta thì không. Ta không có cảm giác bất an mà cảm giác đó khiến ông khao khát muốn biết. Ta tò mò, như một đứa trẻ tò mò, nhưng không có sự lo sợ nào khiến Ta phải tìm sự an trú trong cái biết. Do đó, Ta không bận tâm liệu Ta sẽ tái sinh nữa hay không, hoặc thế giới sẽ tồn tại bao lâu.

Những câu hỏi như thế sinh khởi từ sợ hãi.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh