Tóm Tắt Sách : Bảy Quy Luật Tinh Thần Để Thành Công

TÓM TẮT SÁCH : BẢY QUY LUẬT TINH THẦN ĐỂ THÀNH CÔNG

Cuốn sách Bảy quy luật tinh thần để thành công phá vỡ những suy nghĩ rằng để thành công, bạn cần phải trả giá, đánh đổi rất nhiều thứ, hay phải có những kế hoạch tỉ mỉ. Nó dựa trên những quy luật chi phối trong tự nhiên, giúp bạn đạt được thành công, thịnh vượng và viên mãn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống bằng cách tìm về bản chất thần thánh của mình với tình yêu thương, sự hòa hợp và tinh thần phục vụ người khác.

Tôi muốn biết những suy nghĩ của Chúa Trời, những gì còn lại chỉ là chi tiết” – Albert Einstein

1) QUY LUẬT TIỀM NĂNG THUẦN KHIẾT

Con người chúng ta, về bản chất, đều là ý thức (tiềm năng) thuần khiết, trường năng lượng của mọi khả năng và sự sáng tạo bất tận. Khi bạn có thể khám phá ra trường năng lượng này, bạn có thể biến mọi ước mơ của mình trở nên hữu hình.

Trường tiềm năng thuần khiết là cái tôi của chính bạn, và càng trải nghiệm bản chất đích thực của mình, bạn sẽ càng tiến gần hơn đến trường tiềm năng thuần khiết. Việc trải nghiệm cái tôi (hay hướng tới cái tôi), có nghĩa là điểm tham chiếu nội tại của chúng ta chính là tinh thần của chúng ta, chứ không phải là đối tượng của những trải nghiệm đó.

Trái ngược với hướng tới cái tôi là hướng tới khách thể (bao gồm hoàn cảnh, tình huống, con người, sự vật). Trong hướng tới khách thể, chúng ta không ngừng tìm kiếm sự ủng hộ từ những người khác, suy nghĩ và hành vi của chúng ta luôn trong trạng thái suy nghĩ và lường trước một phản ứng nào đó, Chúng ta cảm thấy nhu cầu khẩn thiết có được sức mạnh bên ngoài (như tiền bạc, địa vị) và muốn kiểm soát mọi thứ, do vậy mà nó thường dựa trên sự sợ hãi.

Một khi dựa trên sức mạnh của cái tôi, sẽ không còn sự sợ hãi, không còn nỗi thôi thúc muốn kiểm soát, không còn đấu tranh để được sự ủng hộ hay có sức mạnh từ bên ngoài. Cái tôi thần thánh của bạn miễn nhiễm trước mọi sự chỉ trích, nó không sợ bất cứ thử thách nào, và không sợ phải thấp kém trước bất kỳ ai, nó cũng cảm thấy nhún nhường và không cảm thấy ưu việt hơn ai, vì nó biết rằng ai cũng có cái tôi tinh thần như thế.

Sức mạnh dựa trên ngoại lực (như địa vị và tiền bạc) là sức mạnh giả tạo; khi những ngoại lực biến mất, sức mạnh đó cũng sẽ tan biến. Trong khi đó, sức mạnh cái tôi là sức mạnh đích thực và vĩnh cửu, nó có khả năng lôi kéo mọi người về phía bạn, và hút mọi thứ bạn khao khát về phía bạn.

Để trải nghiệm cái tôi thuần khiết, bạn cần phải có sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Cũng giống như chỉ khi mặt hồ nước phẳng lặng, bạn có thể ném một hòn đá nhảy qua xuyên suốt qua mặt hồ. Bạn có thể làm theo những bước sau để tiếp cận trường tiềm năng vô hạn này:

  • Mỗi ngày, dành ra một khoảng thời gian để im lặng.
  • Ngồi thiền mỗi sáng 30 phút và mỗi tối 30 phút.
  • Tập không phán xét. Khi bạn phán xét, nội tâm bạn bị xáo trộn khiến bạn không thể tiếp cận trường tiềm năng thuần khiết. Hãy bắt đầu một ngày mới với tuyên bố “Ngày hôm nay, tôi lựa chọn sẽ không phán xét với bất kỳ điều gì xảy ra”.
  • Hòa mình vào thiên nhiên – lặng lẽ ngắm mặt trời lặn, lắng nghe tiếng chảy của dòng suối, ngửi mùi hương của một bông hoa. Thiên nhiên là người thầy cho bạn cảm nhận rõ nhất trường tiềm năng thuần khiết hoạt động nhu thế nào.

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Tiềm năng và Thần khiết bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

  • Tôi sẽ tiếp cận trường tiềm năng thuần khiết bằng cách mỗi ngày dành ra một khoảng thời gian để im lặng, để chỉ Hiện hữu. Tôi cũng sẽ ngồi thiền một mình trong im lặng ít nhất hai lần một ngày với khoảng ba mươi phút vào buổi sáng và ba mươi phút vào buổi tối.
  • Mỗi ngày tôi sẽ dành thời gian giao hòa với thiên nhiên và lặng lẽ nhận thức khả năng vốn có bên trong mỗi sinh linh. Tôi sẽ lặng lẽ ngồi ngắm mặt trời lặn, hay lắng nghe âm thanh của đại dương hay dòng suối, hoặc đơn giản chỉ là ngửi mùi hoa. Trong trạng thái nhập định tĩnh lặng của riêng mình, và bằng cách giao hòa với thiên nhiên, tôi sẽ tận hưởng được nhịp đập của các thời đại, trường tiềm năng thuần khiết và sáng tạo vô biên.
  • Tôi sẽ thực hiện phương pháp không-phán-xét. Tôi sẽ bắt đầu một ngày mới của mình với câu nói, “Ngày hôm nay, tôi sẽ không phán xét bất kỳ điều gì xảy ra,” và suốt cả ngày, tôi sẽ tự nhắc mình không được phán xét.

2) QUY LUẬT CHO – NHẬN

  • Vũ trụ vận động thông qua cơ chế trao đổi năng lượng. Việc ngừng trao đổi năng lượng chẳng khác nào chặn đứng mạch máu lại. Bất cứ lúc nào máu ngừng lưu thông, nó sẽ tự đông, đóng cục, và làm tắc nghẽn mạch máu. Đó là lý do bạn luôn cần phải cho và nhận để luân chuyển và duy trì sự giàu có và thịnh vượng, hay bất cứ thứ gì bạn muốn trong cuộc sống.
  • Tiền cũng là một thứ năng lượng sống. Trong tiếng anh, một từ để chỉ tiền là “currency”, có nguồn gốc từ từ “current”, có nghĩa là dòng chảy, dòng lưu thông. Do vậy, nếu chúng ta ngừng lưu thông tiền tệ, nếu chúng ta chỉ muốn nắm giữ, tích trữ tiền cho riêng mình, chúng ta cũng đang chặn vòng chu chuyển, khiến nó không quay lại được với cuộc sống chúng ta. Để giữ cho nguồn năng lượng đó đến được với chúng ta, chúng ta phải giữ cho nó luôn lưu thông. Cũng giống như dòng sông, tiền cũng phải chảy, nếu không, nó sẽ bắt đầu tắc nghẽn, đình trệ.
  • Cho và nhận là hai mặt của dòng năng lượng, nếu bạn chặn dòng chảy của một trong hai thứ đó, tức là bạn đang chặn dòng chảy của trí tuệ tự nhiên. Càng cho đi, bạn sẽ càng nhận lại được nhiều.
  • Tuy nhiên, nếu cho đi mà bạn cảm thấy mất một thứ gì đó, hay miễn cưỡng, món quà ấy chưa thực sự được cho và sẽ không được nhân lên. Chính chủ ý đằng sau hành động cho đi và nhận lại là điều quan trọng nhất. Nó phải luôn mang lại hạnh phúc cho cả người cho và người nhận.
  • Cách dễ nhất để đạt được điều bạn muốn là giúp người khác đạt được điều họ muốn. Nếu bạn muốn có niềm vui, hãy mang niềm vui đến cho người khác. Nếu bạn muốn được yêu thương, hãy học cách yêu thương người khác. Nếu bạn muốn quan tâm và thấu hiểu, hãy học cách quan tâm và thấu hiểu người khác. Nếu bạn muốn giàu có về vật chất, hãy giúp người khác trở nên giàu có về vật chất. Nếu bạn muốn ai đó cầu cho bạn điều tốt lành trong cuộc sống, hãy học cách lặng lẽ cầu nguyện điều tốt lành cho mọi người.

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Cho và Nhận bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

  • Bất cứ nơi nào tôi đến và bất cứ người nào tôi gặp, tôi đều sẽ tặng họ một món quà. Món quà đó có thể là một lời khen ngợi, một đóa hoa hay một lời cầu nguyện. Ngày hôm nay, tôi sẽ tặng quà cho những người tôi gặp, và như vậy tôi sẽ bắt đầu quá trình luân chuyển niềm vui, sự giàu có và dư dả trong cuộc sống của mình cũng như trong cuộc sống của những người khác.
  • Hôm nay, tôi sẽ vô cùng biết ơn khi nhận được tất cả những món quà mà cuộc sống mang lại cho tôi. Tôi sẽ nhận những món quà từ thiên nhiên: ánh mặt trời và tiếng chim hót hay mưa xuân hoặc tuyết đầu mùa. Tôi cũng sẽ mở rộng lòng mình để nhận từ những người khác, dù đó là món quà vật chất, tiền bạc, hay một lời khen, một lời cầu nguyện.
  • Tôi sẽ cam kết luôn giữ cho sự giàu có luân chuyển trong cuộc sống của mình bằng cách cho đi và nhận lại những món quà quý giá nhất: sự quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu và yêu thương. Mỗi lần gặp ai đó, tôi sẽ thầm chúc cho họ hạnh phúc, tràn ngập niềm vui và tiếng cười.

3) QUY LUẬT NHÂN QUẢ

Mọi hành động đều sẽ quay lại với chúng ta trong trạng thái giống ban đầu. Trong cuộc sống, chúng ta phải đưa ra vô số các lựa chọn, một vài lựa chọn có ý thức, và hầu hết các lựa chọn đều là vô thức. Cách tốt nhất để hiểu và vận dụng luật Nhân – Quả là trong bất cứ thời điểm nào cũng phải nhận thức rõ ràng về những lựa chọn của chúng ta.

Khi bạn đưa ra một lựa chọn, bất kể lựa chọn nào, hãy dừng lại một chút và hỏi mình hai điều:

  • Hệ quả của lựa chọn mình đang đưa ra là gì?
  • Liệu lựa chọn của mình đang đưa ra có mang lại hạnh phúc cho mình và những người xung quanh hay không?

Vũ trụ sẽ luôn giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn tự nhiên, thông qua những cảm giác của bạn. Tại thời điểm bạn đưa ra lựa chọn, hãy chú ý đến cơ thể mình và tự hỏi “Nếu mình đưa ra lựa chọn này, điều gì sẽ xảy ra?”. Nếu cơ thể bạn cảm thấy dễ chịu, thì đó là lựa chọn đúng; còn nếu không, đó chưa hẳn là một quyết định phù hợp.

Đối với nghiệp quả trong quá khứ, có ba điều bạn có thể làm:

  • Trả những món nợ nghiệp quả. Đôi khi việc trả những món nợ nghiệp quả sẽ đem lại đau khổ; nhưng không có món nợ nghiệp quả nào mà bạn không phải trả.
  • Chuyển hóa nghiệp quả thành một trải nghiệm tích cực hơn. Khi đang trả món nợ nghiệp quả, bạn có thể hỏi mình “Tôi có thể học được điều gì từ trải nghiệm này? Tại sao điều này lại xảy ra và đâu là thông điệp mà Vũ trụ gửi đến tôi? Làm thế nào tôi có thể biến những trải nghiệm này trở nên hữu ích cho những người khác?”. Bằng cách này, bạn trả được một phần nghiệp quả và tạo ra một nghiệp quả mới mang tính tích cực hơn.
  • Vượt lên nghiệp quả. Giống như việc bạn giặt một chiếc áo bẩn dưới dòng sông, mỗi khi dòng nước chảy qua, vết bẩn lại được rửa trôi đi một chút, bạn cũng có thể bước vào những khoảng trống, để nó “rửa sạch” các nghiệp quả mà bạn đã gây nên, dĩ nhiên điều này được thực hiện qua phương pháp thiền.

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Nghiệp quả hay Nguyên nhân và hệ quả bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

  • Hôm nay, tôi sẽ xem xét những lựa chọn mà tôi đưa ra tại mỗi thời điểm. Và trong khi thuần túy xem xét những lựa chọn này, tôi sẽ quan tâm, ý thức đến chúng. Tôi sẽ biết cách tốt nhất để chuẩn bị cho bất cứ thời điểm nào trong tương lai chính là việc ý thức đầy đủ ngay từ hiện tại.
  • Bất cứ lúc nào đưa ra một lựa chọn, tôi sẽ tự đặt cho mình hai câu hỏi: “Những hệ quả của lựa chọn mà tôi đưa ra là gì?” và “Liệu lựa chọn này có mang lại thỏa mãn và hạnh phúc cho tôi cũng như những người chịu tác động của lựa chọn này hay không?”
  • Sau đó, tôi sẽ tìm sự chỉ dẫn từ trái tim mình và sẽ được chỉ dẫn thông qua tín hiệu dễ chịu hay khó chịu từ trái tim. Nếu lựa chọn đó mang lại cảm giác dễ chịu, tôi sẽ tự do lao về phía trước. Nếu lựa chọn đó khiến tôi khó chịu, tôi sẽ dừng lại và xem xét những hậu quả của hành động bằng cái nhìn nội tâm của tôi. Chỉ dẫn này sẽ giúp tôi đưa ra những lựa chọn đúng đắn tự nhiên cho chính tôi và những người xung quanh.

4) QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

  • Trí tuệ tự nhiên thực hiện chức năng với sự thảnh thơi, buông bỏ và không cần nhiều nỗ lực. Đây là quy tắc nỗ lực tối thiểu, không đối kháng, không căng thẳng, hòa hợp và yêu thương.
  • Nếu quan sát thế giới tự nhiên trong trạng thái hoạt động, bạn sẽ thấy quy luật này phổ biến: Cỏ không cố mọc, nó mọc tự nhiên; cá không cố bơi, chúng bơi tự nhiên, hoa không cố nở, chúng nở tự nhiên; chim không cố bay, chúng bay tự nhiên. Đây là bản chất tự nhiên của chúng. Bản chất của Trái đất là quay quanh trục của nó; bản chất của mặt trời là chiếu sáng; bản chất của những ngôi sao là nhấp nháy và lấp lánh; còn bản chất của con người là biến những giấc mơ của mình trở nên hữu hình một cách tự nhiên, đơn giản và dễ dàng.
  • Nỗ lực tối thiểu được bắt đầu khi hành động của bạn xuất phát từ tình yêu. Khi bạn tìm kiếm quyền lực, tích trữ tiền bạc cho riêng mình hoặc muốn kiểm soát người khác, bạn tiêu tốn năng lượng và thời gian rất nhiều. Nhưng khi bạn hành động xuất phát từ tình yêu thương, nguồn năng lượng của bạn được nhân lên và lũy tiến, và có thể được chuyển hóa để tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn.

Ba yếu tố cấu thành nên Quy luật nỗ lực tối thiểu:

  • Sự chấp nhận. Chấp nhận đơn giản là bạn hứa “Ngày hôm nay, tôi sẽ chấp nhận những con người, hoàn cảnh và sự kiện xảy ra, vì tôi biết thời điểm này diễn ra như nó cần phải thế”. Nếu đấu tranh chống lại thời điểm này, thì thật ra bạn đang đấu tranh chống lại toàn thể vũ trụ. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn chấp nhận thời điểm này như nó vốn thế, chứ không phải theo cách mà bạn mong muốn. Bạn có thể mong ước tương lai sẽ khác đi, nhưng bạn phải chấp nhận hoàn toàn và tuyệt đối thời điểm này như nó vốn thế.
  • Trách nhiệm. Không đổ lỗi cho bất cứ ai, hay bất cứ điều gì đối với hoàn cảnh của bạn, kể cả chính bạn. Khi đã chấp nhận tình huống này, sự kiện này, khó khăn này như nó vốn thế thì khi đó, trách nhiệm là khả năng đưa ra một giải pháp sáng tạo trước tình huống. Tất cả mọi khó khăn đều chứa một hạt giống cơ hội. Đằng sau mọi sự việc đều chứa một ý nghĩa tiềm ẩn nào đó, giúp cho sự phát triển của chính bạn và bạn cần khám phá ra nó.
  • Không tự bảo vệ. Bạn từ bỏ nhu cầu thuyết phục người khác, hay làm cho người khác tin quan điểm của bạn. Khi bạn bắt đầu bảo vệ quan điểm của mình, chỉ trích người khác và không chấp nhận thời điểm này, cuộc sống của bạn sẽ gặp phải sự phản kháng. Không nên giống cây sồi to lớn nhưng cứng đơ và sụp đổ trước giông bão, thay vào đó bạn cần mềm dẻo giống cây cỏ rạp xuống dưới mưa bão và sống sót. Khi bạn không có lý do gì để bảo vệ, thì đừng để tranh luận xảy ra.

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Nỗ lực Tối thiểu bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

  • Tôi sẽ thực hiện việc Chấp nhận. Ngày hôm nay tôi sẽ chấp nhận những con người, những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện xảy ra. Tôi sẽ biết được rằng thời điểm này là như nó nên thế, bởi toàn bộ vũ trụ cũng đang trong trạng thái như nó nên thế. Tôi sẽ không đấu tranh chống lại toàn thể vũ trụ bằng cách chống lại thời điểm này. Sự chấp nhận của tôi là hoàn toàn tuyệt đối. Tôi chấp nhận sự việc như chúng vốn thế tại thời điểm này, chứ không phải như tôi mong muốn.
  • Khi chấp nhận mọi thứ như chúng vốn thế, tôi sẽ chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của mình và về tất cả những vấn đề mà mình cho là khó khăn. Tôi biết rằng chịu trách nhiệm có nghĩa không đổ lỗi cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì đối với hoàn cảnh của mình (và cả chính bản thân mình). Tôi cũng biết mỗi khó khăn đều là một cơ hội được ngụy trang, và sự tỉnh táo trước các cơ hội này cho phép tôi chấp nhận thời điểm này và biến nó thành lợi ích to lớn hơn.
  • Ngày hôm nay, nhận thức của tôi sẽ vẫn được đặt trong trạng thái Không được bảo vệ. Tôi sẽ từ bỏ nhu cầu bảo vệ quan điểm của mình. Tôi sẽ cảm thấy không cần thiết phải thuyết phục hay làm cho người khác chấp nhận quan điểm của mình. Tôi vẫn sẽ cởi mở với mọi quan điểm chứ không cứng nhắc thiên về một quan điểm cụ thể nào trong số đó.

5) QUY LUẬT MỤC ĐÍCH VÀ KHÁT VỌNG

  • Chú tâm tạo ra năng lượng, và mục đích chuyển hóa năng lượng đó. Bất cứ điều gì nhận được sự chú ý của bạn sẽ sinh sôi và phát triển, còn thứ gì không được bạn quan tâm đến sẽ khô héo, tan rã và biến mất.
  • Mục đích của bạn dành cho tương lai, nhưng mối quan tâm của bạn ở hiện tại. Chỉ cần mối quan tâm ở hiện tại thì mục đích trong tương lai sẽ được thực hiện, bởi tương lai bắt nguồn từ hiện tại. Bạn phải chấp nhận hiện tại như nó đang diễn ra. Chấp nhận hiện tại và vạch ra dự định cho tương lai.

Áp dụng Quy luật mục đích và khát vọng theo 5 bước:

  • B1: Bước vào khoảng trống. Đưa mình vào khoảng không gian tĩnh lặng giữa những suy nghĩ
  • B2: Giải phóng mục đích. Khi bạn đang ở khoảng trống, sẽ không có suy nghĩ và mục đích. Nhưng khi bước ra khỏi khoảng trống, tại sự giao thoa giữa suy nghĩ và khoảng trống, bạn sẽ giải phóng những mục đích của mình. Khoảng trống là một mảnh đất màu mỡ để những hạt giống mục đích sinh sôi, nảy nở.
  • B3: Duy trì trạng thái hướng tới cái tôi. Đừng để bản thân chịu sự đánh giá và phê phán từ người khác. Một cách hữu ích để duy trì trạng thái hướng tới cái tôi là giữ những khát vọng và mục đích cho riêng mình. Đừng chia sẻ chúng với bất cứ ai, trừ khi họ rất gắn bó với bạn và cũng có những khát vọng và mục đích giống bạn.
  • B4: Thôi chú trọng đến kết quả. Từ bỏ sự cứng nhắc, tham đắng vào kết quả cụ thể. Tận hưởng từng khoảnh khắc trong chuyến hành trình, ngay cả khi bạn không biết kết quả ra sao.
  • B5: Hãy để Vũ trụ xử lý các chi tiết.

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Mục đích và Khát vọng bằng cách cam kết tuân theo những bước sau:

  • Tôi sẽ liệt kê danh sách những khát vọng của mình. Tôi sẽ mang bên mình danh sách này đến bất cứ đâu. Tôi sẽ xem danh sách ấy trước khi bước vào trạng thái tĩnh lặng và tham thiền. Tôi sẽ xem nó trước khi đi ngủ. Tôi sẽ xem nó khi tôi thức dậy vào buổi sáng.
  • Tôi sẽ giải phóng những khát vọng của mình và dâng nó trong trung tâm của sự sáng tạo, tin tưởng rằng khi mọi thứ dường như không tiến triển theo cách của tôi, thì hẳn là có một nguyên do nào đó, và rằng vũ trụ đã sắp đặt cho tôi những cái lớn lao hơn rất nhiều, thậm chí hơn cả những gì tôi đã nghĩ ra.
  • Tôi sẽ tự nhắc nhở mình thực hành giác niệm về thời khắc hiện tại trong mọi hành động của mình. Tôi sẽ không cho phép những trở ngại làm hao mòn và phân tán sự chú tâm cao độ của tôi trong thời điểm hiện tại. Tôi sẽ chấp nhận hiện tại như nó vốn thế, và làm hiển lộ tương lai qua những mục đích và khát vọng sâu xa và tha thiết nhất của mình.

6) QUY LUẬT BUÔNG BỎ

Để đạt được bất cứ thứ gì trong Vũ trụ vật chất này, bạn phải từ bỏ sự quan tâm tới nó. Điều này không có nghĩa là bạn từ bỏ mục đích để tạo ra khát vọng. Bạn không từ bỏ mục đích, không từ bỏ khát vọng, bạn từ bỏ sự tham đắng vào kết quả.

  • Thời điểm bạn ngừng tham đắng vào kết quả, đồng thời có mục đích với sự buông bỏ, bạn sẽ có được điều mình khao khát. Bởi buông bỏ dựa trên niềm tin trọn vẹn vào sức mạnh của cái tôi đích thực của bạn. Mặt khác, tham đắng dựa trên nỗi sợ.
  • Thôi tham đắng vào những điều đã biết và bước vào trường năng lượng của những điều chưa biết. Điều chưa biết là trường của mọi khả năng. Khi bước vào những điều chưa biết, bạn sẽ cảm thấy hào hứng, bất ngờ và bí ẩn, trải nghiệm những niềm vui, hân hoan của chính tinh thần bạn.
  • Bạn không cần có một ý tưởng hoàn chỉnh, cụ thể, rõ ràng về điều bạn sẽ làm trong tuần tới, tháng tới, hay năm tới. Bởi nếu bạn có một ý tưởng rất rõ ràng về điều sẽ xảy ra và bạn gắn chặt với nó, bạn sẽ đóng sập toàn bộ mọi khả năng lại, bạn sẽ mất đi tính linh động, óc sáng tạo, và tính tự nhiên vốn có của trường của những khả năng.
  • Quy luật buông bỏ không trái ngược với Quy luật mục đích và khát vọng. Bạn vẫn có mục đích, tuy nhiên, giữa điểm A và điểm B là những khả năng vô hạn. Khi đã thông hiểu và chấp nhận sự bất định, bạn có thể chuyển hướng tại bất cứ thời điểm nào, điều đó giúp bạn tỉnh táo và nhạy bén trước các cơ hội.

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Buông bỏ bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

  • Hôm nay, tôi cam kết với chính mình sẽ thực hiện buông bỏ. Tôi sẽ cho phép mình và những người xung quanh được tự do là chính họ. Tôi sẽ không cứng nhắc áp đặt ý kiến của mình rằng mọi thứ nên như thế nào. Tôi sẽ không áp đặt giải pháp lên các vấn đề, bởi như thế sẽ tạo ra những vấn đề mới. Tôi sẽ tham gia vào mọi việc với thái độ khách quan.
  • Ngày hôm nay, tôi sẽ coi bất định như một phần tất yếu trong trải nghiệm của mình. Khi sẵn sàng chấp nhận bất định, giải pháp sẽ tự nảy sinh từ các vấn đề, từ tình trạng bối rối, lộn xộn và hỗn loạn. Mọi thứ càng có vẻ bất định thì tôi sẽ càng cảm thấy an toàn, bởi sự bất định là con đường dẫn tôi tới tự do. Thông qua hiểu biết về bất định, tôi sẽ tìm thấy sự an toàn cho mình.
  • Tôi sẽ bước vào trường của mọi khả năng và chờ đợi điều lý thú có thể đến trong khi mở lòng trước vô số sự lựa chọn. Khi bước vào trường của mọi khả năng, tôi sẽ được trải nghiệm tất thảy mọi niềm vui, phiêu lưu, bí ẩn và điều huyền bí của cuộc sống.

7) QUY LUẬT DHARMA HAY QUY LUẬT MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

  • Mỗi người đều có một mục đích cuộc đời, một quà tặng độc đáo, hay một tài năng đặc biệt để trao cho những người khác. Có những điều bạn có thể làm tốt hơn bất kỳ ai trên thế giới này, với cách thể hiện tài năng ấy độc đáo nhất. Và khi dùng tài năng đặc biệt này để phục vụ người khác, chúng ta trải nghiệm niềm hứng khởi và hạnh phúc trong chính tinh thần chúng ta. Đây là mục tiêu tối hậu trong tất cả các mục tiêu.

Có ba yếu tố cấu thành quy luật Dharma:

  • Khám phá ra cái tôi tinh thần đích thực. Chúng ta không phải là những con người, chỉ đôi lúc mới có những trải nghiệm tinh thần. Điều ngược lại mới đúng: Chúng ta là những cá thể tinh thần đôi khi có những trải nghiệm con người. Mỗi người chúng ta có mặt trong thế gian này để khám phá cái tôi cao quý hơn.
  • Mỗi con người đều có một tài năng đặc biệt duy nhất. Bạn có một tài năng đặc biệt duy nhất, đặc biệt trong cách nó bộc lộ ra, đặc biệt đến nỗi không ai trên thế gian có tài năng và cách bộc lộ giống như bạn.
  • Phục vụ loài người. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như “Làm thế nào để tôi có thể giúp được những người mà tôi tiếp xúc bằng tài năng đặc biệt của mình?” và “Nếu tiền bạc không thành vấn đề, và tôi có đủ thời gian và nguồn lực trên đời, tôi sẽ dành thời gian vào việc gì?”

Tôi sẽ thực hiện Quy luật “Dharma” bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

  • Ngày hôm nay, tôi sẽ nuôi dưỡng vị thần thánh đang phôi thai nằm sâu trong tâm hồn tôi. Tôi sẽ chú ý đến tinh thần trong tôi vốn đang tạo ra sức sống trong thân thể và tâm trí tôi. Tôi sẽ tự thức tỉnh mình để nhìn thấu sự tĩnh lặng sâu thẳm bên trong trái tim tôi. Tôi sẽ mang ý thức về Tồn tại vĩnh hằng phi thời gian trong lòng trải nghiệm có giới hạn về thời gian.
  • Tôi sẽ lập ra danh sách những tài năng đặc biệt duy nhất của mình. Sau đó tôi sẽ liệt kê những điều mình muốn làm khi bộc lộ tài năng. Khi tôi thể hiện những tài năng đặc biệt của mình và dùng chúng phục vụ loài người, tôi không còn biết đến thời gian, và tạo ra sự giàu có trong cuộc sống tôi cũng như cuộc sống những người khác.
  • Hàng ngày, tôi sẽ tự hỏi mình, “Tôi có thể phục vụ như thế nào?” và “Tôi có thể giúp đỡ bằng cách nào?” Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ cho phép tôi giúp đỡ và phục vụ con người bằng tình yêu thương.

(Theo Ybook.vn)

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh