Ta Là Cái Đó: Chương 83. Mục Đích Của Ông Là Đạo Sư Của Ông

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 83. MỤC ĐÍCH CỦA ÔNG LÀ ĐẠO SƯ CỦA ÔNG

Hỏi: Có lần ông nói với chúng tôi rằng Đạo sư tự phong thì rất nhiều, còn một chân sư thì rất hiếm. Có rất nhiều Gnani tưởng tượng chính họ đã giác ngộ, nhưng tất cả những gì họ có là kiến thức kinh điển và tự đánh giá cao về chính mình. Nhiều khi họ tìm cách gây ấn tượng, thậm chí là mê hoặc, thu hút môn đồ và làm cho những người theo họ mất thời gian trong những phép tu tập vô ích. Sau một vài năm, khi kiểm điểm lại chính mình người môn đồ chẳng thấy có sự thay đổi nào. Kho họ than phiền với Đạo sư thì bị quở là đã không tinh tấn đúng mức. Sự chê trách được đổ cho là thiếu tín tâm và tình yêu trong trái tim của người môn đồ. Trong thực tế, người đáng trách lại là Đạo sư, vì Đạo sư như thế không có quyền thu nhận, và làm cho môn đồ nuôi hy vọng. Làm sao tôi có thể bảo vệ mình trước những Đạo sư như thế?

Maharaj: Vì sao lại bận tâm với người khác? Dù Đạo sư là ai, nhưng nếu có một trái tim tinh khiết và hành động theo sự tin tưởng tốt đẹp thì Đạo sư không bao giờ làm hại môn đồ của mình. Nếu không tiến bộ, lỗi thuộc về môn đồ do sự lười biếng và thiếu tự chủ. Trái lại, nếu thành khẩn, ứng dụng bản thân một cách khôn ngoan, và nhiệt tình với phép tu tập thì chắc chắn người môn đồ sẽ gặp một Đạo sư tài giỏi hơn để hướng dẫn mình đi xa hơn. Câu hỏi của ông phát sinh từ ba giả định sai lầm: Một người cần phải bận tâm với người khác, một người có thể đánh giá người khác, và sự tiến bộ của môn đồ là công việc và trách nhiệm của Đạo sư. Trong thực tế, vai trò của Đạo sư là chỉ dạy và khuyến khích; người môn đồ hoàn toàn có trách nhiệm với chính mình.

H: Chúng tôi được bảo rằng hoàn toàn quy thuận Đạo sư là đủ, Đạo sư sẽ lo tất cả những gì còn lại.

M: Dĩ nhiên, khi có sự hoàn toàn quy thuận, hoàn toàn từ bỏ tất cả những lo âu với quá khứ, hiện tại và tương lai, cùng sự an toàn và địa vị vật chất và tâm linh thì một cuộc sống mới bắt đầu ló dạng, đầy tình yêu và cái đẹp; lúc đó Đạo sư không còn quan trọng, vì người môn đồ đã phá vỡ lớp bảo vệ cái Ta. Hoàn toàn quy thuận chính mình là giải thoát.

H: Khi cả môn đồ lẫn Đạo sư không tương hợp với nhau, chuyện gì xảy ra?

M: Về lâu dài thì tất cả sẽ tốt đẹp. Xét cho cùng, cái Ta thật của hai người không hề bị tác động bởi vở hài kịch mà họ đóng trong một giai đoạn nào đó. Cả hai sẽ điều tiết và chín mùi, rồi chuyển sang một mức độ cao hơn trong quan hệ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Hay là họ chia tay.

M: Đúng, họ có thể chia tay. Xét cho cùng không quan hệ nào là mãi mãi. Nhị nguyên là một trạng thái nhất thời.

H: Như vậy có phải là tình cờ tôi gặp ông, và một sự tình cờ khác chúng ta sẽ chia tay và không bao giờ gặp lại? Hay việc tôi gặp ông là một phần của mô thức vũ trụ nào đó, một đoạn trong vở trường kịch của cuộc đời chúng ta?

M: Cái thật thì đầy ý nghĩa và cái đầy ý nghĩa thì liên quan đến thực tại. Nếu sự quan hệ giữa ông và Ta có ý nghĩa cho cả hai thì nó không phải tình cờ. Tương lai ảnh hưởng đến hiện tại cũng nhiều như quá khứ.

H: Làm sao tôi phân biệt ai là bậc thánh nhân đích thực, và ai không?

M: Ông không thể, trừ khi ông có một cái nhìn thấu suốt tim người. Tướng mạo bề ngoài dễ làm cho người ta lầm lẫn. Để nhìn thấu suốt, tâm ông phải thanh tịnh và vô tư. Nếu ông không biết rõ chính ông thì làm sao ông có thể biết rõ người khác? Và khi ông biết chính ông - ông người khác.

Cứ mặc kệ tha nhân trong một thời gian và tìm hiểu chính ông. Có rất nhiều điều ông không biết về chính ông - ông là cái gì, ông là ai, vì sao ông lại được sinh ra, ông đang làm gì và tại sao ông làm như thế, ông đang đi đâu, ý nghĩa và mục đích của sự sống, cái chết và tương lai của ông là gì? Liệu ông có một quá khứ, liệu ông có một tương lai? Cái gì đã khiến ông sống trong rối loạn và đau khổ, trong khi toàn thể hiện hữu của ông phấn đấu để được hạnh phúc và an lạc? Đó là những vấn đề quan trọng và cần phải chú ý trước. Ông không cần, cũng như không có thời gian để tìm ra ái là người giác ngộ và ai không.

H: Nhưng tôi phải chọn đúng chân sư.

M: Hãy là một con người chân chính và chân sư chắc chắn sẽ tìm ra ông.

H: Ông không trả lời câu hỏi của tôi: Làm thế nào để tìm đúng một chân sư?

M: Ta đã trả lời câu hỏi của ông rồi. Đừng tìm kiếm Đạo sư, thậm chí đừng nghĩ đến một Đạo sư. Biến mục đích của ông thành Đạo sư của chính ông. Xét cho cùng, Đạo sư chỉ là một phương tiện để đạt đến cứu cánh, mà không phải là chính cứu cánh. Đạo sư không quan trọng, chính những gì ông mong đợi ở Đạo sư mới quan trọng đối với ông. Sao, ông mong đợi điều gì?

H: Nhờ ân đức của Đạo sư tôi sẽ được làm cho hạnh phúc, đầy quyền năng và an lạc.

M: Thật là những tham vọng kỳ quặc! Làm sao một con người

hữu hạn trong thời gian và không gian, chỉ là một thân-tâm, một tiếng thở dài đau đớn giữa sinh và tử lại có thể hạnh phúc? Chính những điều kiện sinh thành ra nó làm cho hạnh phúc hoàn toàn không thể có được. An lạc, quyền năng, hạnh phúc không bao giờ là những trạng thái thuộc về con người; không ai có thể nói “sự an lạc của ta”, “quyền năng của ta” vì “của ta” hàm ý một sự độc quyền, một cái gì mong manh và bất trắc.

H: Tôi chỉ biết sự tồn tại bị điều kiện hóa của tôi; ngoài ra không còn gì khác.

M: Chắc chắn là ông không thể nói như thế. Trong giấc ngủ say ông không hề bị điều kiện hóa. Càng sẵn sàng và dễ ngủ thì ông càng an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc trong giấc ngủ!

H: Tôi không biết gì về điều đó.

M: Nói ngược lại. Khi ngủ ông không đau khổ, không bị ràng buộc, mà cũng không bất an.

H: Tôi hiểu được điều ông muốn nói. Khi thức tôi biết tôi hiện hữu, nhưng tôi không hạnh phúc. Khi ngủ, tôi hiện hữu, tôi hạnh phúc nhưng tôi không biết tôi hạnh phúc. Tất cả những gì tôi cần là: Biết tôi tự do và hạnh phúc.

M: Đúng thế. Bây giờ, hãy đi vào trong ông, đến một trạng thái mà ông có thể ví như một trạng thái ngủ-thức; trong trạng thái đó ông biết rõ chính ông, nhưng không biết thế giới. Trong trạng thái đó ông sẽ biết - không một chút nghi hoặc - rằng ở tận căn nguyên hiện hữu của ông, ông tự do và hạnh phúc. Vấn đề duy nhất là ông quá say mê kinh nghiệm, và ông yêu quý ký ức của ông. Trong thực tại thì ngược lại: Cái được ghi nhớ không bao giờ là thật; cái thật là bây giờ.

H: Tôi nắm bắt những điều ông nói về mặt ngôn từ, nhưng nó không trở thành một phần của chính tôi. Nó vẫn còn là một bức tranh trong tâm để được nhìn ngắm. Thế không phải nhiệm vụ của Đạo sư là làm cho bức tranh sống động?

M: Một lần nữa, ngược lại thì mới đúng. Bức tranh thì sống

động còn tâm mới khô chết. Vì tâm được tạo ra bằng ngôn từ và hình ảnh, nên mọi hình ảnh phản chiếu trong tâm cũng khô chết. Tâm che lấp thực tại bằng tiến trình ngôn từ hóa rồi chính tâm oán trách. Ông bảo cần phải có Đạo sư để làm phép lạ cho ông. Ông chỉ đùa giỡn với chữ nghĩa. Cũng như cây nến và ngọn lửa của cây nến, Đạo sư và môn đồ chỉ là một duy nhất. Nếu người môn đồ không thành khẩn thì không thể gọi là môn đồ. Nếu Đạo sư không hoàn toàn yêu thương và quên mình thì không thể gọi là Đạo sư.

Chỉ Thực tại mới sinh ra cái thật, chứ không phải cái hư giả.

H: Tôi có thể thấy tôi hư giả. Ai sẽ làm cho tôi thành thật?

M: Chính những lời lẽ mà ông vừa nói sẽ làm chuyện đó. Câu: “Tôi có thể thấy tôi hư giả” chứa đựng tất cả những gì ông cần để giải thoát. Hãy tư duy về câu đó, vào sâu trong đó, đến tận căn nguyên của nó; nó sẽ hiện hành. Sức mạnh ở trong ngôn từ, chứ không ở trong con người.

H: Tôi không hiểu ông trọn vẹn. Lúc thì ông bảo Đạo sư là cần thiết, lúc thì ông bảo Đạo sư chỉ có thể hướng dẫn, còn nỗ lực là của tôi. Xin vui lòng nói rõ: Liệu một người có thể giác ngộ cái Ta mà không cần đến Đạo sư, hay tìm kiếm một chân sư là thiết yếu?

M: Thiết yếu hơn cả vẫn là tìm được một môn đồ đích thực. Cứ tin Ta đi, một môn đồ đích thực thì thật hi hữu, vì người đó - bằng sự tìm kiếm cái Ta của chính mình - không bao giờ vượt quá sự cần thiết phải có một Đạo sư. Đừng phí thời gian tìm cách phân biệt xem sự chỉ dẫn mà ông nhận được xuất phát từ hiểu biết suông, hay từ kinh nghiệm có giá trị? Cứ thành tín tuân hành. Cuộc đời sẽ đem cho ông một Đạo sư khác nếu cần, hoặc lấy đi của ông tất cả những hướng dẫn bên ngoài, để lại ông với ánh sáng của chính ông. Điều quan trọng phải hiểu được rằng chính sự chỉ giáo mới quan trọng, chứ không phải con người của Đạo sư. Ông nhận được một lá thư làm cho ông cười hay khóc. Người làm cho ông khóc hay cười chắc chắn không phải là người đưa thư. Đạo sư chỉ thông báo cho ông tin lành về cái Ta chơn thật của ông và chỉ cho ông con đường trở lại với cái Ta. Về một phương diện, Đạo sư chỉ là một người chuyển giao cho ông một thông điệp. Có rất nhiều người chuyển giao, còn thông điệp chỉ có một: “Hãy là cái ông là”, hay có thể nói theo một cách khác: “Chỉ đến khi giác ngộ ông mới biết được ai là Đạo sư đích thực của ông”. Sự giác ngộ của ông chứng tỏ Đạo sư của ông là chân sư. Vì vậy, Đạo sư như thế nào thì cứ xem Đạo sư như vậy, hãy làm những gì Đạo sư bảo, với tất cả lòng thành khẩn, nhiệt tình, và tin tưởng trái tim của ông sẽ báo cho ông biết nếu có điều gì không đúng. Nếu nghi ngờ sinh khởi, đừng chống lại nó. Cứ bám chặt lấy cái chắc chắn và bỏ qua cái gì không biết chắc.

H: Tôi có một Đạo sư mà tôi rất quý mến, nhưng tôi không biết ông ấy có phải là một chân sư hay không?

M: Quan sát chính ông. Nếu ông thấy chính mình thay đổi, trưởng thành thì có nghĩa ông đã tìm được đúng người. Người đó có thể đẹp hay xấu, vui vẻ hay không vui vẻ, khen ngợi hay la rầy ông - đều không quan trọng, ngoại trừ điều cốt yếu duy nhất: Trưởng thành nội tâm. Nếu ông không trưởng thành về nội tâm thì người đó có thể là bạn ông, nhưng không phải Đạo sư của ông.

H: Khi nói chuyện với một người Âu châu có đôi chút học thức về một Đạo sư và những gì Đạo sư chỉ dạy, phản ứng của người Âu châu đó là: “Chỉ có kẻ điên rồ mới dạy những điều vô lý như thế”. Tôi phải nói gì với người đó?

M: Đưa ông ta trở về với chính mình. Chỉ cho ông ta thấy rằng ông ta biết rất ít về chính mình; ông ta xem những phát biểu ngớ ngẩn nhất về chính mình là chân lý thiêng liêng. Ông ta được nói cho biết mình là một thân xác, đã được sinh ra, sẽ chết đi, có cha mẹ, có bổn phận, ông ta phải học cách thích cái gì người khác thích và sợ những gì người khác sợ. Hoàn toàn là một sinh vật của tính di truyền và được xã hội nặn đúc ra, ông ta sống bằng ký ức và hành động theo thói quen. Vô minh về chính mình và hoàn toàn không biết đến lợi ích đích thực của chính mình, ông ta theo đuổi những mục đích sai lầm và luôn luôn thất vọng. Cuộc sống và cái chết của ông ta vô nghĩa mà hình như không có lối thoát. Rồi cho ông ta biết có một con đường thoát ra, dễ dàng và ngay trong tầm với - không phải chuyển sang một hệ tư tưởng khác, mà là giải thoát khỏi tất cả mọi tư tưởng và mô thức của cuộc sống. Đừng nói với ông ta về Đạo sư và môn đồ - lối tư duy này không dành cho ông ta. Lối tư duy của ông ta là: Con đường bên trong, ông ta được tác động bởi sự thôi thúc bên trong và được hướng dẫn bởi ánh sáng bên trong. Hãy khuyến khích ông ta nổi loạn và ông ta sẽ hưởng ứng. Đừng tìm cách gây ấn tượng với ông ta về một người giác ngộ nào đó và có thể tôn làm Đạo sư. Nếu ông ta không tin chính mình thì không thể nào ông ta tin người khác. Sự tin tưởng sẽ đến cùng kinh nghiệm.

H: Lạ nhỉ! Tôi không thể tưởng tượng ra cuộc đời mà không có một Đạo sư.

M: Đó chỉ là vấn đề tính khí. Mà cả ông cũng đúng. Đối với ông xứng hát những lời ca tụng Thượng đế là đủ. Ông chẳng cần mong cầu giải thoát, mà cũng chẳng cần đến tu tập một pháp môn nào. Danh xưng của Thượng đế là tất cả thức ăn mà ông cần. Hãy sống bằng thức ăn đó.

H: Thường xuyên lải nhải một vài tiếng gì đó, không phải là điên hay sao?

M: Đúng là điên, nhưng là điên có chủ đích. Tất cả những sự lập đi lập lại là Tamas, nhưng lập lại danh xưng của Thượng đế là Sattva-Tamas bởi mục đích cao thượng của nó. Vì có sự hiện diện của Sattva nên Tamas sẽ mờ nhạt dần và chuyển hóa thành an nhiên, vô tư, buông bỏ, xa lìa, và bất biến. Tamas trở thành nền tảng vững chắc mà trên đó một cuộc sống hợp nhất có thể được sống.

H: Thế cái bất biến, liệu nó có chết đi?

M: Chỉ cái thay đổi mới chết. Cái bất biến không sống mà

cũng chẳng chết; nó là nhân chứng phi thời của sống và chết. Ông không thể gọi nó là chết, vì nó biết. Mà ông cũng không thể gọi nó là sống, vì nó không thay đổi. Nó cũng giống như cái máy thu băng. Nó ghi lại và phát ra - tất cả bởi chính nó. Ông chỉ lắng nghe. Tương tự như thế, Ta quan sát tất cả những gì xảy ra, kể cả khi Ta đang nói với ông. Ta không phải là người nói, ngôn từ xuất hiện trong tâm và Ta nghe chúng được nói ra.

H: Không phải ai cũng như ông?

M:Ai bảo thế? Ông cứ khăng khăng cho rằng ông nghĩ, ông nói, trong khi đối với Ta chỉ có hành vi suy nghĩ, và chỉ có hành vi nói.

H: Có hai trường hợp tôi cần phải cân nhắc. Hoặc là tôi đã tìm được một Đạo sư, hoặc là chưa. Trong mỗi trường hợp điều đúng để làm là gì?

M: Không bao giờ ông vắng thiếu Đạo sư vì Đạo sư luôn luôn có mặt trong tim ông. Có khi vị Đạo sư ứng hiện ở bên ngoài và đến với ông như một yếu tố nâng cao và cải thiện cuộc sống của ông, có thể là một bà mẹ, một người vợ, một vị thầy; hoặc vị Đạo sư vẫn chỉ là một động cơ bên trong thôi thúc ông đến với chánh nghiệp và sự toàn hảo. Tất cả những gì ông cần làm là quy thuận và làm theo những gì Đạo sư chỉ bảo. Điều Đạo sư muốn ông làm rất giản dị: học cách biết chính mình, kiềm chế chính mình, và buông bỏ chính mình. Điều này có vẻ như gian khổ và hoàn toàn bất khả nếu không có sự thành khẩn của ông, nhưng rất dễ dàng nếu ông thành khẩn. Thành khẩn vừa là cần thiết vừa là đủ. Tất cả đều khuất phục trước sự thành khẩn.

H: Điều gì làm cho một người thành khẩn?

M: Từ bi là nền tảng của thành khẩn. Từ bi với chính ông và với người khác - phát sinh từ đau khổ của chính ông và của tha nhân.

H: Tôi có cần phải đau khổ để thành khẩn?

M: Không cần, nếu ông bén nhạy và cảm ứng với những đau

khổ của người khác - như Đức Phật đã làm. Nhưng nếu ông chai đá và không có từ tâm, thì chính sự đau khổ của ông sẽ khiến ông nêu lên những câu hỏi tất nhiên.

H: Tôi nhận thấy chính tôi đau khổ, nhưng chưa đủ. Cuộc đời thì khó ưa nhưng vẫn có thể chịu được. Những lạc thú tầm thường bù lại những đau khổ vặt vãnh của tôi, và nhìn chung tôi vẫn còn hơn hầu hết những người tôi biết. Tôi biết thân phận của tôi rất bấp bênh, một tai họa nào nó có thể phủ chụp lên tôi bất cứ lúc nào. Liệu tôi có phải chờ cho đến khi một cuộc khủng hoảng nào đó đưa đẩy tôi đến với con đường của chân lý?

M: Ngay khi nhận ra thân phận của ông rất mong manh thì ông đã tỉnh thức. Vậy, hãy duy trì sự tỉnh thức, chú ý, tìm hiểu, tra vấn, phát hiện những lầm lẫn của ông về tâm và thân, rồi từ bỏ chúng.

H: Năng lực ở đâu ra? Tôi cũng như một kẻ bại liệt trong một ngôi nhà đang cháy.

M: Ngay cả những người bại liệt vẫn tìm ra đôi chân của họ vào những lúc nguy hiểm! Nhưng ông có bại liệt đâu, ông chỉ tưởng tượng thế thôi. Hãy bước bước đầu tiên và ông lên đường.

H: Tôi cảm thấy sự bám víu vào thân xác của tôi quá mãnh liệt khiến tôi không thể nào từ bỏ ý nghĩ tôi là thân xác. Ý nghĩ đó vẫn đeo bám tôi khi nào thân xác còn tồn tại. Có nhiều người cho rằng giác ngộ không thể xảy ra khi còn sống, và tôi có khuynh hướng đồng ý với họ.

M: Trước khi đồng ý hay không đồng ý, tại sao không tra vấn cái ý tưởng về một thân xác? Thế tâm ở trong thân hay thân ở trong tâm? Chắc chắn là phải có một cái tâm để chuyển chở ý tưởng “Ta là thân xác”. Một thân xác không có tâm thì không thể là “thân xác của tôi”. “Thân xác của tôi” hoàn toàn không có khi tâm tôi trống vắng. Nó cũng không có khi tâm mải mê với ý nghĩ và cảm thọ. Một khi nhận ra rằng thân xác tùy thuộc vào tâm, và tâm tùy thuộc vào ý thức, và ý thức tùy thuộc vào tánh biết - thay vì ngược lại, thì câu hỏi của ông về sự giải thoát chính mình phải chờ cho đến khi chết - được trả lời. Không phải ông thoát ra khỏi ý tưởng “Ta là thân xác” trước, rồi mới giác ngộ cái Ta. Ngược lại thì mới đúng - ông bám víu vào cái hư giả vì ông không biết cái chơn thật. Lòng thành khẩn - không phải sự toàn hảo - là điều kiện tiên quyết để giác ngộ chính mình. Công đức và sức mạnh đến cùng với sự giác ngộ, chứ không phải trước đó.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh