Ta Là Cái Đó: Chương 93. Ông Ở Ngoài Không Gian Và Thời Gian

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 93. ÔNG Ở NGOÀI KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

Hỏi: Ông luôn luôn nói rằng tôi chưa bao giờ được sinh ra và tôi sẽ không bao giờ chết. Nếu quả thật như thế thì tại sao tôi thấy thế giới như một cái gì đó đã được sinh ra và chắc chắn sẽ chết đi?

Maharaj: Ông tin như thế vì chưa bao giờ ông đặt câu hỏi về sự tin tưởng của ông là một thân xác, thân xác đó được sinh ra và hiển nhiên phải chết đi. Khi còn sống thân xác đó thu hút sự chú ý của ông, và ông hoàn toàn bị nó mê hoặc nên không thể nhận ra bản tánh chơn thật của ông. Cũng giống như ông chỉ thấy bề mặt của đại dương mà hoàn toàn quên mất sự bao la ở bên dưới. Thế giới chỉ là bề mặt của tâm, còn tâm thì vô biên. Những gì mà chúng ta gọi là ý nghĩ chỉ là những gợn sóng trong tâm. Khi tĩnh lặng, tâm phản chiếu thực tại. Khi tâm hoàn toàn tịnh, nó tan biến và chỉ còn thực tại. Thực tại còn cụ thể, hiện thực và hiển nhiên hơn cả tâm và vật gấp bội lần; nếu so sánh với thực tại thì ngay cả kim cương cũng mềm như bơ. Tính cách hiện thực mãnh liệt này làm cho thế giới trở thành mộng huyễn, mơ hồ, và vô can.

H: Thế giới này đầy những đau khổ, làm sao ông có thể cho là vô can. Thật là chai đá!

M: Chính ông mới chai đá, chứ không phải Ta. Nếu thế giới của ông đầy đau khổ như thế thì hãy làm một điều gì đó đi, đừng chất thêm đau khổ lên nó bằng lòng tham và sự lười biếng. Thế giới mộng huyễn của ông không thể ràng buộc Ta. Trong thế giới của Ta những hạt giống đau khổ, tham ái và sợ hãi không được gieo nên đau khổ không mọc. Thế giới của Ta không còn những cái đối nghịch, không còn những khác biệt hủy diệt lẫn nhau, mà chỉ có sự hài hòa bao trùm lên tất cả. Sự an lạc trong thế giới của Ta kiên cố như đá. Sự an lạc và im lặng đó chính là thân của Ta.

H: Những gì ông nói làm tôi liên tưởng đến pháp thân - Dharmakaya - của Đức Phật.

M: Có thể là như thế. Chúng ta không cần sao chép ngôn từ. Hãy quan sát con người mà ông tưởng tượng là ông - như một phần của thế giới ông nhận thức trong tâm và ông quan sát tâm từ bên ngoài, vì ông không phải là tâm. Xét cho cùng, vấn đề duy nhất của ông là ông sẵn sàng đồng hóa chính ông với bất cứ gì ông nhận thức. Hãy từ bỏ thói quen này, và nhớ rằng ông không phải những gì ông nhận thức; hãy sử dụng khả năng xa lìa trong sự tỉnh thức của ông. Thấy chính ông trong tất cả chúng sinh và thái độ của ông sẽ thể hiện cái nhìn của ông. Khi nhận ra rằng không gì trong thế giới này ông có thể cho là của riêng ông thì ông có thể nhìn nó từ bên ngoài như thể đang xem một vở kịch trình diễn trên sân khấu, hay một hình ảnh trên màn ảnh. Ông có thể khen ngợi và thích thú nhưng hoàn toàn thản nhiên. Bao giờ ông còn tưởng tượng mình là một cái gì đó hữu hình và rắn đặc, một vật trong số các sự vật, thực sự tồn tại trong không gian và thời gian, ngắn ngủi và có nhiều nhược điểm thì tự nhiên ông lo lắng để sinh tồn và tăng trưởng. Nhưng khi ông biết chính ông ở ngoài không gian và thời gian, ông chỉ giao tiếp với không gian và thời gian tại điểm ở đây và bây giờ, ngoài ra ông bao trùm tất cả và dung chứa tất cả, bất khả tiếp cận, bất di bất dịch và bất khả hư hoại - thì ông không còn lo sợ. Biết chính ông như ông phương cách đối trị sợ hãi duy nhất, không còn phương cách nào khác.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Ông phải học cách tư duy và cảm thọ như thế, bằng không ông chỉ mãi mãi ở trên bình diện con người với những tham ái và lo sợ, được và mất, tăng trưởng và thoái hóa. Một vấn đề của con người không thể được giải quyết trên cùng bình diện của chính nó. Chính ước muốn sinh tồn là sứ giả của thần chết, cũng như lòng mong cầu hạnh phúc chỉ là bóng dáng của đau khổ. Thế giới là một đại dương bao la của đau khổ và sợ hãi, của lo âu và tuyệt vọng. Lạc thú cũng như cá, chẳng có bao nhiêu nhưng rất nhanh, chúng họa hoằn mới đến nhưng bỏ đi rất nhanh. Chỉ người không có trí tuệ mới tin tưởng - bất kể bằng chứng - rằng mình là một ngoại lệ, và thế giới này mắc mình món nợ hạnh phúc. Thế giới không thể cho cái mà nó không có. Hư giả tận cốt tủy, thế giới không thể nào đem lại hạnh phúc chơn thật. Thế giới không thể là gì khác hơn được. Chúng ta tìm kiếm cái chơn thật vì chúng ta không cảm thấy hạnh phúc với cái hư giả. Hạnh phúc là bản tánh chơn thật của chúng ta, và chúng ta không bao giờ ngưng nghỉ cho đến khi nào tìm được nó. Nhưng hầu như chúng ta không biết tìm nó ở đâu. Một khi nhận ra rằng thế giới chỉ là một hình ảnh sai lầm về thực tại, và hoàn toàn không phải như cái vẻ bề ngoài của nó thì ông không còn bị nó ám ảnh. Chỉ cái gì tương hợp với sự hiện hữu chơn thật của ông mới làm cho ông hạnh phúc, và thế giới - như ông nhận thức - là sự khước từ dứt khoát của hiện hữu chơn thật.

Giữ im lặng và quan sát những gì nổi lên trên bề mặt của tâm. Quăng bỏ cái đã biết, tiếp đón cái gì cho đến nay chưa biết, và rồi quăng bỏ nó khi đến lượt. Như thế ông sẽ đạt đến một trạng thái trong đó không có cái bị biết, mà chỉ hiện hữu, trong đó chính hiện hữu là biết. Biết bằng hiện hữu là biết trực tiếp, căn cứ trên sự đồng nhất giữa người thấy và cái bị thấy. Biết gián tiếp là cái biết dựa trên cảm giác và ký ức, trên sự giao tiếp giữa người nhận thức và đối tượng của tri thức, giới hạn trong sự tương phản giữa người nhận thức và đối tượng tri thức. Hạnh phúc cũng như thế. Thường thì ông phải buồn để biết vui, và vui để biết buồn. Hạnh phúc chơn thật thì phi nhân duyên, và do đó không thể mất đi khi vắng thiếu tác nhân. Chơn hạnh phúc không phải là đối nghịch của phiền não, nó dung nhiếp tất cả phiền não và đau khổ.

H: Làm sao một người có thể hạnh phúc giữa vô số những đau khổ như thế?

M: Không thể nào khác hơn được; hạnh phúc bên trong thì vô cùng thật. Như mặt trời giữa không gian không bao giờ vắng bóng, dù cho những thể hiện có bị mây che lấp.

H: Khi gặp bất an, chúng ta thường cảm thấy khổ sở.

M: Sợ hãi là bất an duy nhất. Biết được rằng ông bất tùy thuộc thì sẽ thoát khỏi sợ hãi và cái bóng của nó.

H: Sự khác biệt giữa hạnh phúc và lạc thú là gì?

M: Lạc thú thì tùy thuộc, hạnh phúc thì không.

H: Nếu hạnh phúc là bất tùy thuộc, tại sao chúng ta không luôn luôn cảm thấy hạnh phúc?

M: Chừng nào ông còn tin rằng cần phải có cái gì đó để làm cho mình hạnh phúc, thì chúng ta còn tin rằng chúng ta sẽ khốn khổ khi vắng nó. Tâm luôn luôn định hình chính nó theo những gì mà nó tin tưởng. Như thế điều quan trọng là chính mình tin rằng không cần phải bị thôi thúc để có hạnh phúc; còn lạc thú, trái lại, chỉ là sự đánh lạc hướng và là một phiền nhiễu, vì nó chỉ làm tăng thêm sự tin tưởng sai lầm rằng một người cần phải có hạnh phúc và làm đủ mọi chuyện để được hạnh phúc, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.

Nhưng tại sao lại bàn về hạnh phúc? Ông chỉ nghĩ đến hạnh phúc khi nào ông bất hạnh. Người nào nói: “Bây giờ Ta cảm thấy hạnh phúc” thì người đó đang ở giữa hai sự đau khổ - quá khứ và tương lai. Thứ hạnh phúc này chỉ là sự hưng phấn, xuất hiện khi đau khổ nguôi ngoai. Hạnh phúc chơn thật thì hoàn toàn không ý thức về chính mình. Cách diễn tả đúng nhất là bằng sự phủ định như: “Không có gì bất thường với tôi. Tôi không có gì để lo âu.” Xét cho cùng, mục đích tối hậu của tất cả các phương pháp tu tập là đạt đến một điểm, khi sự tin tưởng này được căn cứ trên kinh nghiệm hiện thực và thường tại, chứ không phải là ngôn từ suông.

H: Kinh nghiệm đó là gì?

M: Kinh nghiệm không, hoàn toàn không còn ký ức và chờ mong; nó cũng giống như hạnh phúc của những khoảng không gian rộng mở, của sự trẻ trung, của sự sung mãn năng lượng và tràn đầy thời gian để làm đủ mọi chuyện, để khám phá, để phiêu lưu.

H: Còn gì để khám phá?

M: Vũ trụ bên ngoài và sự bao la bên trong như cả hai vẫn như thế trong thực tại, trong tâm thức và trái tim vĩ đại của Thượng đế. Ý nghĩa và mục đích của sự tồn tại, bí mật của đau khổ, và sự cứu độ cuộc sống đau khổ ra khỏi vô minh.

H: Nếu cảm thấy hạnh phúc cũng giống như cảm thấy không còn lo âu và sợ hãi, thì liệu có thể cho rằng sự vắng thiếu của phiền não là nguyên nhân của hạnh phúc?

M: Một trạng thái vắng thiếu, không tồn tại thì không thể là một nguyên nhân; quan niệm này hàm ý về sự tồn tại từ trước (preexistence) của một nguyên nhân. Trạng thái tự nhiên của ông - trong đó không có gì tồn tại - không thể là nguyên nhân của sự trở thành; tất cả nguyên nhân đều tàng ẩn trong quyền năng vĩ đại và bí hiểm của ký ức. Nhưng ngôi nhà đích thực của ông ở trong cái không, trong sự trống rỗng hoàn toàn không có nội dung.

H: Cái không, trống rỗng - khủng khiếp quá!

M: Ông vẫn đối diện nó một cách vui mừng khi đi ngủ! Hãy đích thân xâm nhập trạng thái ngủ tỉnh thức, và ông sẽ nhận ra nó rất tương hợp với bản tánh chơn thật của ông. Ngôn từ chỉ cho ông ý tưởng và ý tưởng thì không phải là kinh nghiệm. Ta chỉ có thể nói là: Hạnh phúc chơn thật thì không có nguyên nhân, và cái không có nguyên nhân thì bất di bất dịch. Điều này không có nghĩa là nó có thể nhận thức được, như lạc thú. Trạng thái không còn đau khổ chỉ có thể được mô tả bằng cách phủ định. Để trực tiếp chứng nghiệm nó, ông phải thoát ra khỏi cái tâm đã bị mê hoặc bởi lý thuyết nhân quả, và sự chuyên chế của thời gian.

H: Nếu hạnh phúc không phải là ý thức và ý thức không phải là hạnh phúc, vậy cái gì nối kết cả hai?

M: Ý thức là sản phẩm của điều kiện và hoàn cảnh thì tùy thuộc và thay đổi cùng với điều kiện và hoàn cảnh. Cái bất tùy thuộc, không được tạo ra, vô thời và bất biến, nhưng luôn luôn tươi mới thì ở ngoài tâm. Khi tâm nghĩ về nó, tâm tan biến và chỉ hạnh phúc còn lại.

H: Khi tất cả ra đi, cái không có gì còn lại.

M: Nếu không có cái có, làm sao có thể có cái không? Cái không chỉ là một ý tưởng, nó tùy thuộc vào ký ức về một cái có. Hiện hữu thuần túy thì bất tùy thuộc vào sự tồn tại - là cái có thể xác định và mô tả được.

H: Xin vui lòng cho chúng tôi biết: ở ngoài tâm liệu ý thức có tiếp tục, hay nó chấm dứt cùng với tâm?

M: Ý thức đến rồi đi, tánh biết thường xuyên chiếu sáng.

H: Ai là người biết trong tánh biết?

M: Khi có con người thì cũng có ý thức. “Ta hiện hữu”, tâm, ý thức - hàm ý cùng một trạng thái. Nếu ông nói “Ta biết” thì điều đó chỉ có nghĩa: “Ta ý thức hành vi tư duy về biết”. Trong tánh biết không có cái “Ta hiện hữu”.

H: Thế còn hành vi nhân chứng?

M: Hành vi nhân chứng thuộc về tâm. Nhân chứng đi cùng với cái được chứng kiến. Trong trạng thái bất nhị (non-duality) mọi phân chia không còn nữa.

H: Thế còn ông? Ông vẫn tiếp tục trong tánh biết?

M: Con người, tức cái “Ta là thân này, tâm này, chuỗi ký ức này, mớ tham ái và lo sợ này” biến mất, nhưng một cái gì đó ông có thể gọi là ý thức về chính mình còn lại. Trạng thái đó làm cho Ta có thể trở thành con người khi cần. Tình yêu tạo ra những gì nó cần thiết, ngay cả sự trở thành một con người.

H: Theo như tôi hiểu Thực tại thể hiện tự thân thành tồn tại - ý thức - và cực lạc. Chúng là tuyệt đối hay tương đối?

M: Chúng tương quan và tương thuộc lẫn nhau. Thực tại bất tùy thuộc vào những thể hiện của nó.

H: Quan hệ giữa thực tại và những thể hiện của nó là gì?

M: Không có quan hệ. Trong thực tại tất cả đều thật và giống như nhau. Như chúng ta biết, SagunaNirguna là một trong Parabrahman. Chỉ có cái Tối thượng duy nhất. Khi động là Saguna. Khi tịnh là Nirguna. Nhưng chỉ có tâm là động hay không động. Cái thật ở bên ngoài, ông ở bên ngoài. Một khi hiểu được rằng không gì nhận thức được, hay hiểu được lại có thể là ông, thì ông hoàn toàn tự do đối với tất cả những tưởng tượng của ông. Thấy được tất cả là tưởng tượng, khởi sinh từ tham ái - là sự cần thiết trong sự giác ngộ chính mình. Chúng ta không thấy cái thật vì thiếu chú ý, và tạo ra cái không thật vì thừa tưởng tượng.

Ông phải dành hết trái tim và tâm trí cho những điều này và thường xuyên tư duy về chúng. Cũng như nấu thức ăn, ông phải để trên lửa một thời gian rồi mới có thể ăn được.

H: Thế không phải tôi bị khống chế bởi định mệnh, bởi nghiệp mà tôi tạo ra? Tôi có thể làm gì để cưỡng lại? Tôi có là gì, và làm gì cũng đều là tiền định. Ngay cả cái được gọi là sự chọn lựa tự do của tôi cũng đã được định trước, chỉ có điều là tôi không biết và tưởng tượng rằng tôi tự do.

M: Một lần nữa, còn tùy vào cách nhìn của ông. Vô minh như một cơn sốt, nó làm cho ông thấy những cái mà thật ra không có. Nghiệp là một phương thức trị liệu vi diệu. Hãy chấp nhận nó và làm theo những gì nó chỉ dẫn một cách thành khẩn thì ông sẽ sớm bình phục. Một bệnh nhân sẽ xuất viện khi bình phục. Còn khăng khăng đòi có ngay tự do lựa chọn, tự do hành động thì chỉ trì hoãn sự bình phục. Hãy chấp nhận định mệnh và hoàn tất nó - đó là phương cách nhanh nhất thoát ra khỏi định mệnh, nhưng không ngoài tình yêu và những mệnh lệnh của nó. Hành động do tham ái lo sợ là ràng buộc, hành động do tình yêu là tự do.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh