Ta Là Cái Đó: Chương 91. Vượt Ra Ngoài Ý Tưởng Ta Là Thân Xác

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 91. VƯỢT RA NGOÀI Ý TƯỞNG TA LÀ THÂN XÁC

Hỏi: Chúng tôi như bầy thú đuổi theo những mưu cầu một cách vô vọng, và hình như không có sự chấm dứt. Liệu có lối thoát nào không?

Maharaj: Có rất nhiều cách chỉ cho ông nhưng đều vòng vo và đưa ông về lại điểm khởi đầu. Trước tiên hãy nhận ra rằng mọi phiền não của ông chỉ có trong trạng thái thức, và dù có đau khổ đến đâu thì ông cũng quên tất cả trong khi ngủ. Trong khi thức ông có ý thức, nhưng lúc ngủ ông chỉ sống. Ý thức và sự sống - ông có thể gọi cả hai là Thượng đế; nhưng ông ở ngoài cả hai, ở ngoài Thượng đế, ở ngoài hiện hữu và phi hiện hữu. Cái ngăn che không cho ông biết ông là tất cả và ở ngoài tất cả là tâm - được dựng lập trên ký ức. Khi nào còn tin tưởng vào tâm thì ông còn bị tâm khống chế; ông không cần phải đấu tranh với nó mà chỉ đừng để ý đến nó. Bị mất đi sự chú ý, tâm sẽ chảy chậm lại và để lộ cơ cấu hoạt động của nó. Một khi biết được bản chất và mục đích của tâm, ông không còn để nó tạo ra những vấn đề tưởng tượng.

H: Chắc chắn không phải tất cả vấn đề đều là tưởng tượng. Có những vấn đề là thật.

M: Nếu tâm không tạo ra thì làm gì có vấn đề? Sống và chết không tạo ra vấn đề; đau khổ và lạc thú đến rồi đi, được trải qua và trôi vào quên lãng. Chính vì ký ức và dự tính - được tô mầu bởi ưa thích hay không ưa thích - nên mới khởi sinh ý muốn đạt được hay tránh né, đó mới là vấn đề. Chân lý và tình yêu là bản tánh chơn thật của con người, còn tâm trí và trái tim là những phương tiện mà con người thể hiện.

H: Làm thế nào điều ngự được tâm? Và trái tim, nó không biết cái nó muốn?

M: Tâm và trái tim không thể hoạt động trong sự tăm tối. Chúng cần ánh sáng của tánh biết thuần túy để hoạt động một cách đúng đắn. Tất cả mọi nỗ lực nhằm kiểm soát tâm và trái tim chỉ làm cho cả hai khuất phục trước sự sai sử của ký ức. Ký ức là tô tớ tốt nhưng lại là chủ nhân xấu. Nó ngăn trở một cách hữu hiệu mọi sự khám phá. Trong thực tại không có chỗ cho cố gắng, nỗ lực. Chính sự ích kỷ - do tự đồng hóa mình với thân xác - mới là vấn đề chính, và là nguyên nhân của tất cả mọi vấn đề. Ích kỷ không thể được loại trừ bằng nỗ lực, mà chỉ bằng thấy biết rõ ràng mọi nguyên nhân và hậu quả của nó. Nỗ lực chỉ là một dấu hiệu của xung đột giữa những ham muốn bất tương hợp. Những ham muốn đó phải được thấy biết như thị - lúc đó chúng mới tan biến.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

H: Thế cái gì còn lại?

M: Cái bất biến còn lại. Sự an lạc vô biên, sự im lặng sâu thẳm, cái đẹp tàng ẩn của thực tại còn lại. Nó không thể được bày tỏ bằng ngôn từ, nhưng luôn luôn chờ đợi ông chứng nghiệm.

H: Vậy không phải một người phải thích hợp và đủ tư cách mới có thể giác ngộ hay sao? Bản chất của chúng ta là thú vật. Nếu không khuất phục được nó, làm sao chúng ta có thể hy vọng thực tại ló rạng?

M: Cứ mặc kệ con thú. Đừng động đến nó. Chỉ cần nhớ cái mà ông là. Vận dụng từng sự kiện xảy ra trong ngày để nhắc nhở chính ông rằng nếu không có ông là nhân chứng thì không thể có thú vật hay Thượng đế. Phải hiểu được rằng ông là cả hai - tánh thể và bản chất của tất cả những gì hiện hữu - và kiên định với sự hiểu biết của ông.

Mua đá năng lượng:

H: Chỉ hiểu thôi là đủ? Tôi không cần bằng chứng hiển nhiên nào khác sao?

M: Chính cái hiểu của ông quyết định giá trị của bằng chứng. Nhưng ông còn cần bằng chứng nào hiển nhiên hơn sự hiện hữu của chính ông? Đi đến bất cứ đâu ông đều tìm thấy chính ông. Dù có vươn đến bao xa trong thời gian, ông vẫn luôn có đó.

H: Rõ ràng là tôi không thể bao trùm tất cả và vĩnh cửu. Tôi chỉ ở đây và bây giờ.

M: Thế là đủ tốt rồi. Cái “ở đây” thì ở bất cứ đâu, và cái “bây giờ” thì lúc nào cũng thế. Vượt ra ngoài ý tưởng “Ta là thân xác” ông sẽ nhận ra không gian và thời gian ở trong ông, mà không phải ông ở trong không gian và thời gian. Một khi đã hiểu được điều này thì trở ngại chính đối với sự giác ngộ đã được tháo gỡ.

H: Giác ngộ ở ngoài sự hiểu biết nghĩa là thế nào?

M: Thử tưởng tượng một khu rừng đầy cọp dữ và ông ở trong một cũi sắt rất kiên cố. Biết mình được cái cũi bảo vệ, ông nhìn bầy cọp mà không hề sợ hãi. Tiếp đến ông thấy bầy cọp ở trong cũi còn ông nhởn nhơ đi lại trong rừng. Cuối cùng cái cũi biến mất và ông cưỡi cọp!

H: Mới đây tôi có tham dự một khóa thiền tập thể được tổ chức ở Bombay, và chứng kiến những cảnh cuồng loạn và sự từ bỏ chính mình của những người tham dự. Tại sao người ta có thể theo đuổi những chuyện như thế?

M: Tất cả chỉ là những sáng tác của một cái tâm vọng động chiều theo sở thích của những người đi tìm cảm giác lạ. Có một số xảo thuật kích thích những ký ức và ước muốn bị ức chế tuôn ra từ vô thức, và trong chừng mực nào đó thì chúng giảm bớt căng thẳng. Nhưng tối hậu thì những xảo thuật như thế chẳng đưa người hành giả đi xa hơn, mà còn tệ hại nữa.

H: Mới đây tôi có đọc một cuốn sách của một hành giả Yogi thuật lại những kinh nghiệm của mình trong thiền định. Cảnh giới vị đó trải qua đầy những hình ảnh và âm thanh, mầu sắc và âm điệu du dương như một cuộc trình diễn ngoạn mục và giải trí vô cùng đặc sắc! Cuối cùng tất cả mờ nhạt dần và chỉ còn lại cảm giác hoàn toàn vô úy. Một người đã trải qua những kinh nghiệm như thế mà không sao cả thì hiển nhiên không còn biết sợ là gì! Nhưng tôi tự hỏi một cuốn sách như thế ích lợi gì cho tôi?

M: Có lẽ là chẳng ích lợi gì, vì nó không hấp dẫn đối với ông. Người khác có thể thán phục. Người ta khác nhau là thường.

Nhưng tất cả đều phải đối diện với thực tế tồn tại của chính mình. “Ta hiện hữu” là thực tế tối hậu. “Ta là ai?” là câu hỏi tối hậu mà mỗi người phải tìm ra câu trả lời.

H: Cùng một câu trả lời giống nhau?

M: Giống nhau về tánh thể, nhưng khác biệt trong hình thức thể hiện.

Mỗi hành giả chấp nhận, hoặc sáng chế ra một phương pháp thích hợp với mình, áp dụng cho chính mình với lòng thành khẩn và cố gắng nào đó. Sau khi đạt được một số kết quả tùy theo tính khí và sự mong đợi của mình, người đó đổ chúng vào khuôn sáo của ngôn từ, lập ra một pháp môn, một truyền thống, rồi bắt đầu thu nhận môn đồ và trường phái Yoga của mình. Tất cả đều được xây dựng trên ký ức và tưởng tượng. Chẳng có trường phái nào như thế là giá trị và thiết yếu; trong mỗi trường phái người ta có thể tiến bộ đến một điểm mà tại đó tất cả ước muốn tiến bộ phải được buông bỏ để cho tiến bộ khác xảy ra. Rồi tất cả các trường phái phải được từ bỏ, và mọi cố gắng chấm dứt. Trong sự cô tịch và bóng tối, bước cuối cùng được thực hiện: Vĩnh viễn chấm dứt vô minh và sợ hãi.

Tuy nhiên, một Đạo sư chân chính không bao giờ kềm kẹp môn đồ của mình trong một hệ thống cưỡng chế các ý tưởng, cảm giác và hành động; trái lại, vị Đạo sư kiên nhẫn chỉ cho người môn đồ thấy được sự cần thiết phải thoát ra khỏi tất cả mọi ý tưởng và khuôn sáo về cách hành sử, phải tỉnh thức và thành khẩn, cùng đi với cuộc sống đến bất cứ đâu - không phải để hưởng thụ hay chịu đau khổ, mà để hiểu và biết.

Dưới sự hướng dẫn của một chân sư, người môn đồ học cách biết, chứ không phải cách nhớ và vâng lời. Satsang - sự thân cận thánh nhân - không đúc khuôn, mà giải thoát. Biết rõ tất cả những gì khiến ông trở thành tùy thuộc. Hầu hết những người được gọi là “giao phó thân mệnh cho Đạo sư” cuối cùng đều ôm lấy thất vọng, nếu không phải là thảm kịch. Nếu may mắn, một người có thể tháo gỡ chính mình kịp lúc, và từ kinh nghiệm đó trở nên khôn ngoan hơn.

H: Chắc chắn là sự giao phó chính mình cho Đạo sư phải có giá trị của nó.

M: Giao phó chính mình là giao phó tất cả những lo lắng về chính mình. Đó là điều không thể được; ông sẽ không còn lo lắng về chính mình khi ông giác ngộ bản tánh chơn thật của chính mình. Giao phó chính mình chỉ bằng lời nói - dù có cả cảm xúc - thì chẳng có bao nhiêu giá trị và sẽ gãy đổ dưới những căng thẳng. Nếu tốt nhất nó chỉ chứng tỏ một nguyện vọng, chứ không phải là một thực tế.

H: Trong kinh Rigveda có đề cập đến Adhi Yoga, tức Yoga nguyên thủy, bao gồm sự kết hợp giữa PragnaPrana, mà theo chỗ tôi hiểu là sự liên kết trí tuệ với cuộc sống. Theo ông nó còn có nghĩa là sự hợp nhất của DharmaKarma, tức là lẽ phải và hành động hay không?

M: Đúng, nhưng theo nghĩa: Lẽ phải là sự hòa hợp với bản tánh chơn thật của mình, và hành động là hành động vô vị kỷ và vô tham ái.

Trong Adhi Yoga tự thân cuộc sống là Đạo sư, còn tâm là môn đồ. Tâm chăm lo cho cuộc sống chứ không định đoạt cuộc sống. Cuộc sống trôi chảy một cách tự nhiên và êm ả, còn tâm dời đi những chướng ngại trên dòng chảy êm đềm của cuộc sống.

H: Thế không phải cuộc sống, theo bản chất của nó, là lập lại? Không phải trôi theo cuộc sống là đi đến tình trạng tù hãm?

M: Tự thân cuộc sống thì vô cùng sáng tạo. Một hạt giống, theo giòng thời gian trở thành cả một khu rừng. Tâm như người giữ rừng - bảo vệ và điều hòa nguồn sinh lực mãnh liệt của sự tồn tại.

H: Được xem như sự phục vụ của tâm đối với cuộc sống, Adhi Yoga là một nền dân chủ hoàn hảo. Mỗi người sống một cuộc sống theo khả năng và sự hiểu biết tốt nhất của mình, mọi người đều là môn đồ của cùng một Đạo sư.

M: Ông có thể cho là như thế. Tiềm năng thì có thể là như thế. Nhưng nếu không yêu quý và tin tưởng cuộc sống, cùng với lòng thành khẩn và nhiệt tình, thì nói về Yoga chỉ là hoang tưởng, vì Yoga là một chuyển động trong ý thức, là sự tỉnh thức trong hành động.

H: Có lần tôi quan sát một giòng suối chảy giữa những tảng đá. Tùy theo hình dáng và kích thước của mỗi tảng đá mà sự náo động của nước khác nhau. Thế không phải mỗi con người chỉ là một sự náo động trong một thân xác, còn sự sống chỉ có một và vĩnh cửu?

M: Sự náo động và nước không tách rời nhau. Chính nhờ sự náo động nên ông biết có nước. Ý thức luôn luôn chuyển động, và thay đổi. Không thể nào có cái như là ý thức bất biến. Tính bất biến xóa sạch ý thức ngay lập tức. Nếu mất đi cảm giác ở ngoài thân hay trong thân thì một người trở nên vô ký, hoặc vượt ra ngoài cả ý thức lẫn vô thức và nhập vào trạng thái bất sinh bất diệt. Chỉ khi nào tinh thần và vật chất giao tiếp thì ý thức mới sinh khởi.

H: Tinh thần và vật chất là một, hay hai?

M: Điều đó còn tùy thuộc ngôn từ ông sử dụng: Chúng là một, là hai, hoặc là ba. Khi được hiểu rõ thì ba trở thành hai, và hai trở thành một. Tương tự như: Mặt - gương - và ảnh. Một sự kết hợp nào của bất cứ hai cái đều bao hàm cái thứ ba - là cái hợp nhất của cả hai. Trong Sadhana ông thấy ba là hai, cho đến khi hai chỉ là một.

Bao giờ còn bị thế giới thu hút thì ông không thể biết chính ông. Muốn biết chính ông, ông phải quay đi với thế giới và hướng sự chú ý của ông vào bên trong.

H: Tôi không thể hủy diệt thế giới.

M: Không cần thiết phải hủy diệt thế giới. Chỉ cần hiểu rằng cái ông thấy không phải cái đang là. Hiện tướng sẽ biến mất ngay khi được hiểu rõ và thực tại ở bên dưới sẽ nổi lên trên bề mặt. Ông không cần phải đốt nhà để đi ra. Ông chỉ cần đi ra. Chỉ khi nào ông không thể tự do ra vào ngôi nhà thì nó mới trở thành nhà tù. Ta ra vào ý thức dễ dàng và tự nhiên do đó thế giới là nhà của Ta, chứ không phải nhà tù.

H: Nhưng tối hậu, có thế giới hay không có thế giới?

M: Cái ông thấy không gì khác hơn là cái Ta của ông. Gọi nó là bất cứ gì mà ông thích, điều đó không thay đổi được thực tế. Qua cuốn phim của định mệnh, ánh sáng của chính ông phóng chiếu định mệnh lên màn ảnh. Ông là người xem phim, là ánh sáng, là hình ảnh và màn ảnh. Ngay cả cuốn phim của định mệnh - Prarabdha - cũng là tự chọn và tự áp đặt. Người có nghị lực là kẻ có dũng khí thích vượt qua các chướng ngại. Công việc càng khó khăn thì sự giác ngộ chính mình càng sâu và rộng.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh