Ta Là Cái Đó: Chương 89. Quy Thuận Cái Ta Của Chính Mình

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 89. QUY THUẬN CÁI TA CỦA CHÍNH MÌNH

Hỏi: Tôi sinh trưởng ở Mỹ. Mười bốn tháng nay tôi ở tịnh xá Sri Ramanashram và hiện đang trên đường trở về Mỹ nơi mẹ tôi đang chờ.

Maharaj: Dự tính của cô là gì?

H: Tôi có thể trở thành một y tá, hoặc lấy chồng và có con.

M: Điều gì khiến cô muốn lập gia đình?

H: Tạo dựng một gia đình tâm linh là một hình thức phục vụ xã hội cao nhất mà tôi có thể nghĩ đến. Nhưng, dĩ nhiên là cuộc đời có thể xảy ra theo một cách khác. Tôi sẵn sàng tiếp đón bất cứ gì xảy đến.

M: Trong suốt thời gian mười bốn tháng ở tịnh xá Sri Ramanashram, người ta đã chỉ dẫn cô những gì? So với lúc mới đến tịnh xá thì hiện nay cô thay đổi thế nào?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Tôi không còn lo sợ nữa. Tôi đã tìm được đôi chút an lạc.

M: Đó là sự an lạc gì? Sự an lạc sau khi cô có cái cô muốn, hay sự an lạc do cô không muốn cái không có?

H: Mỗi thứ một ít, tôi tin là như thế. Thật ra thì không dễ chút nào. Mặc dù ẩn xá là một nơi an tĩnh nhưng bên trong tôi vẫn cảm thấy đau khổ.

M: Khi nhận ra sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài chỉ

có trong tâm thì cô không còn sợ nữa.

H: Nhận thức như thế có đến với tôi rồi đi. Tôi chưa đạt được tính bất biến của sự toàn vẹn tuyệt đối.

M: Thế à, bao giờ còn tin như thế thì cô còn cần tiếp tục tu tập - Sadhana - để loại bỏ ý nghĩ sai lầm về sự bất toàn vẹn. Sadhana loại bỏ mọi sự áp đặt ngoại lai. Khi nhận ra cô còn nhỏ hơn một điểm trong không gian và thời gian, một cái gì đó rất nhỏ nên không thể bị chia cắt, và quá ngắn ngủi nên không thể bị sát hại, thì lúc đó, và chỉ lúc đó mọi lo sợ mới ra đi. Khi cô nhỏ hơn mũi kim, mũi kim không thể xuyên thủng cô, mà cô xuyên thủng mũi kim!

H: Đúng thế, một đôi khi tôi cảm thấy mình bất khả khuất phục. Tôi nhận thấy mình còn hơn cả trạng thái vô úy, tôi chính là sự vô úy.

M: Vì sao cô lại tìm đến tịnh xá?

H: Tôi đã trải qua một cuộc tình bất hạnh và vô cùng đau khổ. Rượu và ma túy chẳng giúp gì được tôi. Tôi mò mẫm và tình cờ đọc một vài quyển sách về Yoga. Từ quyển này sang quyển khác, từ gợi ý này đến gợi ý khác, và cuối cùng tôi đã tìm đến tịnh xá Ramanashram.

M: Với trạng thái hiện nay của tâm, nếu thảm kịch cũ tái diễn, liệu cô cũng vẫn đau khổ như thế?

H: Ồ không, tôi sẽ không để cho mình đau khổ nữa. Tôi sẽ tự tử.

M: Như thế là cô không sợ chết!

H: Tôi sợ chết, nhưng không phải chính cái chết. Tôi có thể hình dung được chết là một tiến trình đau đớn và khó chịu.

M: Làm sao cô biết? Không nhất thiết chết phải là như thế. Nó có thể rất đẹp và an lạc. Một khi hiểu được cái chết chỉ xảy ra với thân xác, mà không phải với cô thì cô sẽ nhìn thân xác rũ xuống như một lớp áo bị cởi bỏ.

H: Tôi hoàn toàn biết rõ rằng nỗi sợ chết của tôi là do sợ hãi và vô minh.

M: Giây phút nào cũng có người chết; nỗi sợ chết và sự đau đớn của cái chết treo lơ lửng trên thế gian như một đám mây. Cô có sợ hãi thì cũng chẳng phải là điều ngạc nhiên. Một khi hiểu được rằng chỉ thân xác chết đi - chứ không phải sự tiếp diễn của ký ức và ý thức “Ta hiện hữu” được phản chiếu trong thân xác - thì cô không còn sợ nữa.

H: Hừ, chúng ta phải chết thì mới biết được.

M: Nếu để ý cô sẽ nhận thấy rằng sinh và tử chỉ là một, mạch sống đập nhịp giữa hiện hữu và phi hiện hữu - cái này cần đến cái kia cho sự trọn vẹn. Cô được sinh ra để chết đi và chết đi để được tái sinh.

H: Thế không phải sự xa lìa làm cho tiến trình chấm dứt?

M: Sự xa lìa chấm dứt sự sợ hãi, nhưng không làm cho thực tế chấm dứt.

H: Liệu tôi có bị bắt buộc phải tái sinh? Khủng khiếp quá!

M: Chẳng có gì bắt buộc. Cô có cái cô muốn. Cô lập ra các dự án của chính cô, và cô là người thực hiện các dự án đó.

H: Chúng ta có tự trừng phạt mình phải chịu đau khổ?

M: Chúng ta trưởng thành qua sự tìm hiểu, và để tìm hiểu chúng ta cần kinh nghiệm. Chúng ta có khuynh hướng lập lại những gì chưa hiểu. Nếu bén nhạy và có trí tuệ thì chúng ta không cần phải đau khổ. Đau khổ là tiếng la kêu gọi sự chú ý, và cũng là hình phạt của sự bất cẩn. Hành vi của trí tuệ và từ bi là phương cách trị liệu hay nhất.

H: Tôi không cho phép mình tiếp tục đau khổ vì tôi đã trưởng thành trong trí tuệ. Thế tự tử có gì là không đúng?

M: Chẳng có gì là không đúng, nếu nó giải quyết vấn đề. Nhưng nếu nó không giải quyết được vấn đề thì sao? Đau khổ được tạo ra bởi các yếu tố bên ngoài - một chứng bệnh đau đớn và không thể chữa trị, hoặc một tai họa ngoài sức chịu đựng thì may ra còn biện minh được - nhưng nếu vắng thiếu trí tuệ và từ bi thì tự tử chẳng giải quyết được gì. Một cái chết ngu ngốc có nghĩa là một sự ngu ngốc sẽ được tái sinh. Ngoài ra, còn phải kể đến vấn đề nghiệp. Kham nhẫn thường là con đường khôn ngoan nhất.

H: Một người có bắt buộc kham nhẫn với đau khổ, dù tê tái và tuyệt vọng đến đâu?

M: Kham nhẫn là một chuyện, còn đau đớn tuyệt vọng lại là chuyện khác. Kham nhẫn thì có ý nghĩa và có kết quả, còn đau khổ thì vô ích.

H: Tại sao lại bận tâm về nghiệp? Dù sao thì nghiệp vẫn tự giải quyết chính nó.

M: Hầu hết nghiệp của chúng ta mang tính tập thể. Chúng ta đau khổ vì tội lỗi của người khác gây ra, cũng như người khác đau khổ vì tội lỗi của chúng ta. Nhân loại là một duy nhất. Không biết thực tế này không có nghĩa là thay đổi được chính thực tế. Nếu không thờ ơ với đau khổ của tha nhân, thì lẽ ra chúng ta còn hạnh phúc hơn nhiều.

H: Tôi nhận thấy mình đã trở nên thông cảm hơn nhiều.

M: Tốt. Khi nói như vậy, cô nghĩ gì trong tâm? Chính cô - một người thông cảm trong thân xác của một phụ nữ?

H: Có thân xác, lòng từ bi, ký ức, một vài những thứ khác và thái độ - tập hợp chúng lại thì có thể được gọi là con người.

M: Kể cả ý tưởng “Ta hiện hữu”?

H: Cái “Ta hiện hữu” như một cái rổ, nó chứa đựng nhiều thứ làm thành một con người.

M: Hay đúng ra, nó là cái máy tước sợi mà từ đó cái rổ được đan ra. Khi cô nghĩ cô là một phụ nữ, cô muốn nói cô là một phụ nữ, hay thân xác được mô tả là phụ nữ?

H: Còn tùy tâm trạng. Có khi tôi cảm thấy mình chỉ là một trung tâm của tánh biết.

M: Hay, một đại dương của tánh biết. Nhưng có lúc nào cô không phải nam hay nữ, không phải ngẫu nhiên được sinh ra bởi hoàn cảnh và điều kiện?

H: Vâng, có những lúc như thế, nhưng tôi dè dặt nói về điều

này.

M: Chỉ một gợi ý là những gì một người có thể mong đợi. Cô không cần phải nói nhiều.

H: Tôi có thể hút thuốc trước mặt ông. Tôi biết theo tập quán thì không được phép hút thuốc trước một bậc hiền triết, và lại tối kỵ khi người hút thuốc là một phụ nữ.

M: Cứ tự nhiên, cô cứ hút, chẳng phiền ai cả. Chúng tôi hiểu.

H: Tôi cảm thấy cần trấn tĩnh lại.

M: Điều này thường xảy ra với người Âu, Mỹ. Có được sự thư giãn sau khi thực hành Sadhana, họ cảm thấy tích lũy thêm sức lực và nôn nao tìm một chỗ xả. Họ thành lập các hội đoàn, trở thành người dạy Yoga, lập gia đình, viết sách - họ làm đủ mọi chuyện ngoại trừ giữ im lặng và hướng sức lực của họ vào bên trong, tìm ra nguồn năng lượng vô tận và học cách kiểm soát nó.

H: Thú thật, bây giờ tôi muốn trở về Mỹ sống một cuộc sống thật năng động vì tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng.

M: Cô có thể làm bất cứ gì cô thích, miễn là đừng nghĩ mình là thân và tâm. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là cô từ bỏ thân xác và tất cả những gì liên quan với nó, mà là một sự hiểu biết rõ ràng rằng cô không phải thân xác - đó là ý thức xa lìa, của một thái độ bất can thiệp có tính cảm xúc.

H: Tôi hiểu điều ông muốn nói. Khoảng bốn năm về trước tôi đã trải qua một thời kỳ chối bỏ thân xác. Tôi chẳng thèm mua sắm quần áo, ăn uống đạm bạc và ngủ trên sàn nhà. Chính thái độ chấp nhận sự thiếu thốn mới quan trọng chứ không phải thực tế của sự thiếu tiện nghi. Bây giờ tôi nhận ra rằng tiếp nhận cuộc đời như nó đến, và yêu quý tất cả những gì nó dâng hiến là cách sống tốt nhất. Tôi sẽ bằng lòng với một trái tim vui vẻ bất cứ gì đến với tôi và hưởng dụng nó một cách tốt nhất. Nếu chỉ có thể sinh ra vài đứa con và cho chúng một sự giáo dục đích thực đối với tôi là quá tốt, vì cho dù rất yêu thương trẻ con, nhưng trái tim tôi không thể vươn tới từng đứa trẻ.

M: Cô chỉ có gia đình và là mẹ khi cô có ý thức về nam nữ. Khi cô không cho mình là thân xác thì cuộc sống gia đình của thân xác - dù thắm thiết và thú vị đến đâu - cũng chỉ là một vở kịch diễn ra trên màn ảnh tâm mà trong đó ánh sáng của tánh biết là duy nhất thật.

H: Tại sao ông nhấn mạnh đến tánh biết là cái duy nhất thật? Thế không phải đối tượng của tánh biết - trong lúc tồn tại - là thật?

M: Nhưng nó không lâu dài! Cái thật nhất thời thì thứ yếu, nó tùy thuộc vào cái vô thời.

H: Ông muốn nói là tiếp tục, hay thường hằng?

M: Không thể có sự tiếp tục trong tồn tại. Tiếp tục bao hàm sự đồng nhất của quá khứ, hiện tại và tương lai. Không thể có sự đồng nhất nào như thế, vì ngay chính các phương tiện để nhận diện nó cũng thất thường và thay đổi. Tiếp tục, thường hằng đều là những ảo tưởng được ký ức tạo ra, chúng chỉ là những phóng ảnh của tâm về một mô thức khi một mô thức không thể có. Buông bỏ tất cả ý tưởng về vô thường hay thường hằng, thân hay tâm, nam hay nữ, thì cái gì còn lại? Trạng thái của tâm cô như thế nào khi tất cả mọi phân biệt được xóa bỏ? Ta không nói xóa bỏ những nét đặc thù, vì nếu không có chúng thì không thể có sự thị hiện.

H: Khi không còn phân biệt, tôi an lạc trong hạnh phúc. Nhưng không hiểu vì sao tôi thường xuyên mất phương hướng, và bắt đầu tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới ngoại quan. Tôi không hiểu được vì sao sự an lạc bên trong của tôi không bền chắc.

M: An lạc, xét cho cùng, cũng là một điều kiện của tâm.

H: Bên ngoài tâm là im lặng. Chẳng có gì để nói về nó cả.

M: Đúng, tất cả những gì nói về im lặng chỉ là tiếng ồn.

H: Tại sao chúng tôi tìm kiếm hạnh phúc trần tục, mặc dù sau khi đã trải qua hạnh phúc tự nhiên và tự sinh khởi của chính mình?

M: Khi tâm bận rộn phục vụ thân xác thì hạnh phúc biến mất. Để tìm lại hạnh phúc, tâm tìm kiếm lạc thú. Sự thôi thúc đi tìm hạnh phúc thì đúng, nhưng các phương tiện để đạt hạnh phúc thì thường lầm lẫn, không đáng tin cậy và phá hoại hạnh phúc chơn thật.

H: Có phải lạc thú luôn luôn sai lầm?

M: Trạng thái đúng của thân và tâm cũng như sử dụng đúng thân và tâm thì vô cùng thích thú. Chính sự tìm kiếm lạc thú mới sai lầm. Đừng cố tìm cách làm cho cô hạnh phúc, mà đúng hơn là tìm hiểu sự tìm kiếm hạnh phúc của cô. Cô tìm kiếm hạnh phúc vì cô không cảm thấy hạnh phúc và cô muốn được hạnh phúc. Tìm hiểu tại sao cô không hạnh phúc. Vì không hạnh phúc nên cô tìm kiếm hạnh phúc trong lạc thú, mà lạc thú thì đem lại đau khổ nên cô gọi nó là trần tục; thế là cô mong cầu một thứ lạc thú khác, không có đau khổ, và gọi đó là thiêng liêng. Trong thực tế, lạc thú chỉ là sự tạm ngưng của đau khổ. Hạnh phúc thì vừa trần tục vừa không phải trần tục, nó ở bên trong và bên ngoài tất cả những gì xảy ra. Đừng tạo ra phân biệt, đừng phân chia cái bất khả phân chia, và cũng đừng biến mình thành kẻ xa lạ với cuộc sống.

H: Bây giờ tôi hiểu ông rất rõ! Trước kia khi còn ở tịnh xá Ramanashram tôi vẫn bị lương tâm dằn vặt, luôn luôn ngồi phê phán chính mình. Bây giờ tôi hoàn toàn thanh thản, chấp nhận chính tôi như tôi là. Khi trở về Mỹ, tối sẽ tiếp nhận cuộc đời khi nó đến - như ân đức của Đạo sư Bhagavan - và hưởng dụng cả cái cay đắng lẫn cái ngọt ngào. Đây là một trong những điều tôi đã học được ở ẩn xá: Tin tưởng Bhagavan. Lúc đó tôi không như bây giờ. Tôi đã không có tín tâm.

M: Tin tưởng Bhagavan là tin tưởng chính cô. Nên biết rằng bất cứ gì xảy ra, xảy ra đối với cô, do cô, thông qua cô. Cô là người sáng tạo, người thọ dụng và người hủy diệt của tất cả những gì cô nhận thức, và cô sẽ vô úy. Một khi vô úy, cô không còn bất hạnh, và cô sẽ không đi tìm hạnh phúc.

Trong tấm gương tâm đủ mọi loại hình ảnh xuất hiện và biến mất. Biết được chúng hoàn toàn chỉ là những tạo vật của cô, lặng lẽ quan sát chúng đến và đi; tỉnh thức nhưng đừng xao xuyến. Thái độ quan sát trong tĩnh lặng này chính là nền tảng của Yoga. Cô thấy bức tranh, nhưng cô không phải là bức tranh.

H: Tôi cảm thấy ý nghĩ về cái chết làm cho tôi sợ hãi vì tôi không muốn được tái sinh. Tôi biết rằng chẳng có gì bắt buộc, nhưng áp lực của những tham ái chưa được thỏa mãn quá mãnh liệt mà tôi thì không đủ sức cưỡng lại.

M: Vấn đề cưỡng lại không được đặt ra. Cái được sinh ra và tái sinh không phải là cô. Cứ để nó xảy ra, và quan sát nó xảy ra.

H: Thế thì lo lắng để làm gì?

M: Nhưng cô lo lắng! Và cô sẽ còn lo lắng khi nào bức tranh mâu thuẫn với sự cảm nhận của riêng cô về chân lý, tình yêu và cái đẹp. Lòng ham muốn sự hòa hợp và an lạc thì không thể nào dứt bỏ được, nhưng một khi được thỏa mãn thì sự lo lắng không còn nữa và cuộc sống vật lý trở nên nhẹ nhàng, và ở dưới tầm chú ý. Lúc đó, cho dù có ở trong thân xác, cô vẫn không được sinh ra. Hữu thân hay vô thân đối với cô thì cũng thế. Cô đạt đến một điểm mà không có gì có thể xảy ra cho cô. Vì vô thân - cô không thể bị sát hại, vì vô sản - cô không bị tước đoạt, vì vô tâm - cô không thể bị lừa dối. Không có một điểm nào để tham ái hay lo sợ có thể bám víu. Khi không có sự thay đổi nào xảy ra cho cô, còn cái gì là quan trọng?

H: Nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn không thích ý nghĩ về cái chết.

M: Vì cô còn quá trẻ. Càng biết rõ về chính mình cô càng bớt sợ. Dĩ nhiên, nhìn sự đau đớn của cái chết thì không thích thú chút nào, nhưng người đang chết thì hầu như không ý thức.

H: Người đó có trở lại với ý thức?

M: Trạng thái lúc đó rất giống với lúc ngủ. Con người ra khỏi tiêu điểm của ý thức một thời gian, rồi trở lại.

H: Vẫn cùng là một con người?

M: Con người là tạo vật của hoàn cảnh thì nhất thiết phải thay đổi theo hoàn cảnh, cũng như ngọn lửa thay đổi theo nhiên liệu.

Chỉ có diễn tiến không ngừng xảy ra, tạo nên thời gian và không gian.

H: Tốt, Thượng đế sẽ lo lắng cho tôi. Tôi có thể phó mặc tất cả cho ngài.

M: Ngay cả sự tin tưởng vào Thượng đế cũng chỉ là một giai đoạn trên đường đi. Tối hậu, cô từ bỏ tất cả, vì cô sẽ đến với một cái đơn giản đến nỗi không ngôn từ nào có thể diễn tả được nó.

H: Tôi chỉ mới bắt đầu. Vào lúc khởi sự tôi không có chút tín tâm, hoàn toàn không tin tưởng; tôi rất sợ để mọi chuyện tự xảy ra. Thế giới có vẻ như một nơi nguy hiểm và thù nghịch. Bây giờ, ít ra tôi có thể nói về sự tin tưởng vào Đạo sư hay Thượng đế. Hãy để tôi trưởng thành. Đừng lôi kéo tôi. Cứ để tôi đi tới theo nhịp bước của tôi.

M: Bằng mọi cách hãy tiến bước. Nhưng cô có tiến đâu. Cô đang vướng mắc với những ý nghĩ nam nữ, già trẻ, và sống chết. Tiếp tục đi tới, và vượt ra ngoài. Một điều được nhận ra là một điều đã vượt qua.

H: Này ông, đi đến đâu tôi cũng gặp người ta xem như có bổn phận tìm kiếm lỗi lầm nơi tôi và thúc giục tôi tiến tới. Tôi chán ngấy chuyện xây dựng sự nghiệp tâm linh như thế. Hiện tại của tôi có gì không đúng để tôi phải hy sinh nó cho tương lai, dù huy hoàng đến đâu? Ông nói thực tại ở ngay trong cái bây giờ. Tôi yêu quý cái bây giờ của tôi. Tôi muốn nó. Tôi không muốn lúc nào cũng ưu tư về sự tiến bộ của tôi và tương lai. Tôi không muốn chạy theo cái “thêm nữa” và cái “tốt hơn”. Cứ để cho tôi yêu cái tôi có.

M: Cô nói đúng đấy; làm đi. Chỉ cần thành thật - yêu cái cô yêu - đừng đấu tranh và cũng đừng căng thẳng.

H: Đó là điều mà tôi gọi là quy thuận Đạo sư.

M: Tại sao lại vọng ngoại? Quy thuận cái Ta của chính cô, cái mà tất cả chỉ là sự thể hiện của nó.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh