Ta Là Cái Đó: Nisarga Yoga - Yoga Tự Nhiên

TA LÀ CÁI ĐÓ: NISARGA YOGA - YOGA TỰ NHIÊN

Nếu không có những ngọn đèn điện và tiếng ồn của xe cộ lưu thông trên đường phố thì một người không thể biết mình đang ở vào thời kỳ nào của lịch sử nhân loại khi ngồi trong căn hộ nhỏ hẹp của Đạo sư Nisargadatta Maharaj. Căn phòng phảng phất một phong cách phi thời - các đề tài đàm luận siêu vượt thời gian vì chúng luôn luôn có giá trị đối với mọi thời đại, và cả các phương cách mà mỗi đề tài được dẫn giải và quán xét cũng thế. Nhiều thế kỷ, nhiều ngàn năm, và nhiều thời đại đã trôi qua nhưng con người còn đối diện với những vấn đề vô cùng cổ đại nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ.

Những cuộc đàm đạo và những lời chỉ giáo có lẽ vẫn y như mười ngàn năm trước, và cũng sẽ không thay đổi vào mười ngàn năm sau. Vẫn có những chúng sinh hữu thức thắc mắc về thực tế hành vi ý thức của chính mình, rồi lần mò đi tìm cội nguồn và mục đích của ý thức. Ta từ đâu đến? Ta là ai? và Ta sẽ đi về đâu? Những câu hỏi như thế không có sự khởi đầu và cũng không có sự kết thúc. Biết được câu trả lời là một sứ mệnh bức thiết, vì nếu không hoàn toàn hiểu rõ chính mình - cả trong thời gian lẫn trong cái vô thời - thì cuộc đời chẳng khác giấc chiêm bao, áp đặt lên chúng ta bởi những quyền năng mà chúng ta không biết, và cho những mục đích mà chúng ta không hiểu.

Maharaj không phải là một người có sở học cao rộng. Đằng sau ngôn ngữ Marathi - một thổ ngữ chính của vùng Tây Ấn và Trung Ấn - người ta không hề nhận ra một kiến thức uyên bác nào.

Maharaj hầu như không đề cập đến quyền năng và rất ít khi viện dẫn kinh điển; tuy nhiên, sự phong phú đến độ kinh ngạc về di sản tâm linh của Ấn Độ có vẻ như tàng ẩn trong ông hơn là hiển lộ bên ngoài. Không hề có một tịnh xá sang trọng nào đã từng được xây dựng quanh Maharaj, và hầu hết môn đồ của ông là giới lao động bình dân, họ quý trọng từng cơ hội được thỉnh thoảng thân cận ông một vài giờ trong ngày.

Bình dị và khiêm tốn là những nguyên tắc chính trong cuộc sống và giáo pháp của Maharaj; ông chưa hề phong cho mình một địa vị cao cả - bề ngoài lẫn bên trong. Cái thể tánh của hiện hữu mà ông thuyết giảng - ông thấy nó trong mọi người cũng rõ ràng như ông thấy nó trong chính ông. Maharaj xác nhận ông đã thấy được nó còn người khác thì chưa, nhưng theo ông sự khác biệt này chỉ là nhất thời và không mấy quan trọng, ngoại trừ đối với tâm và nội dung luôn luôn thay đổi của nó. Khi được hỏi về trường phái Yoga của ông, Maharaj cho biết ông không có pháp môn nào để dạy, không có một hệ thống nào - dù là thần học, vũ trụ học, tâm lý học hay triết học - để trình bày. Maharaj chỉ biết bản tánh chơn thật của ông cũng như của những người đến nghe ông thuyết giảng, và ông chỉ cho họ thấy. Tuy nhiên, người nghe không thể thấy được nó vì họ không thể thấy cái hiển nhiên bằng cách nhìn đơn giản và trực tiếp. Tất cả những gì họ biết đều được biết bằng tâm, qua sự kích động của các giác quan. Thực tế cho thấy chính tâm cũng chỉ là một công cụ giác quan, nhưng chẳng mấy ai biết được điều này.

Nisarga Yoga, pháp môn Yoga tự nhiên của Maharaj, đơn giản đến độ làm cho người nghe bối rối: Tâm - tức là cái trở thành tất cả - phải nhận ra và thâm nhập vào chính hiện hữu của nó - không phải hiện hữu thế này hay thế kia, hiện hữu ở đây hay ở đó, hiện hữu lúc đó hay bây giờ - mà chỉ là sự hiện hữu phi thời.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Sự hiện hữu phi thời này chính là cội nguồn của cả sự sống lẫn ý thức. Đối với thời gian và không gian, cũng như tương quan nhân quả, nó là cái toàn năng, là nguyên nhân phi nhân duyên, bao trùm tất cả, vĩnh cửu - hiểu theo nghĩa không có sự khởi đầu, không có sự kết thúc, và luôn luôn hiện tại. Vì phi nhân duyên nên nó tự do, vì bao trùm tất cả nên nó biết, vì không bị phân chia nên nó hạnh phúc. Nó sống, nó yêu, và an lạc bất tận; nó hình thành và tái hình thành vũ trụ. Mọi người đều có nó, mọi người đều nó, nhưng không phải ai cũng biết chính mình như mình là, nên đồng hóa chính mình với danh xưng, hình tướng của thân xác, và nội dung của ý thức.

Để sửa sai sự ngộ nhận thực tại của chính mình, cách duy nhất là nhận thức hoàn toàn mọi hành hoạt và tướng trạng của tâm, biến tâm thành công cụ để khám phá chính mình. Khởi thủy tâm chỉ là một công cụ trong sự tranh đấu để sinh tồn mang tính sinh hóa (biological survival). Tâm đã phải học các quy luật về lề thói của Thiên nhiên để chinh phục Thiên nhiên. Những gì tâm đã làm, đang làm cùng với Thiên nhiên là nâng cuộc sống lên một bình diện cao hơn. Trong tiến trình này, tâm thụ đắc nghệ thuật tư duy và truyền đạt bằng biểu tượng - tức nghệ thuật và diệu dụng của ngôn ngữ. Ngôn từ trở nên quan trọng. Ý tưởng và những khái niệm trừu tượng trở thành biểu hiện của thực tại, như thế khái niệm được thay thế cho cái thật, và hậu quả là con người sống trong thế giới của ngôn từ, đầy những ngôn từ và bị thống trị bởi ngôn từ.

Hiển nhiên, ngôn từ vô cùng hữu ích trong hành sử với sự việc và con người. Nhưng cũng chính ngôn từ làm cho chúng ta sống trong một thế giới hoàn toàn là biểu tượng, và do đó, hư giả. Để thoát ra khỏi nhà tù chữ nghĩa và trở về với thực tại, một người phải chuyển được sự chú ý vào ngôn từ sang những gì ngôn từ muốn đề cập đến - tức là chính sự việc.

Từ ngữ thường được sử dụng thông thường nhất và cũng đầy cảm xúc, và ý tưởng là từ ngữ “Ta với bất cứ gì và với tất cả, từ thân xác cho đến cái Tuyệt đối. Trong thực tế, “Ta” đóng vai trò như một vật chỉ điểm (pointer) nhắm vào một kinh nghiệm trực tiếp, tức thời và vô cùng quan trọng. Hiện hữu, và biết mình hiện hữu là vô cùng thiết yếu. Và để được chú ý đến, một vật phải có liên quan đến sự tồn tại hữu thức của một người, tức là tiêu điểm của mọi tham ái và lo sợ. Vì, mục đích tối hậu của mọi tham ái là gia tăng và củng cố ý thức tồn tại này; còn tất cả sợ hãi - trong bản chất của nó - là sợ sự diệt vong của chính mình.

Lặn sâu vào ý thức về cái “Ta” - vô cùng thật và vô cùng sinh động - để đến tận cội nguồn của nó chính là cốt tủy của Nisarga Yoga. Vì không liên tục, ý thức về cái “Ta” phải có một cội nguồn mà từ đó nó chảy ra, và cũng là nơi chốn nó trở về. Nguồn gốc vô thời của sự hiện hữu hữu thức này là cái Maharaj gọi là Swarupa - bản chất của chính mình, sự hiện hữu của chính mình.

Về phương pháp để nhận ra sự đồng nhất tối thượng của chính mình với sự hiện hữu của chính mình, Maharaj không đưa ra một sự bắt buộc nào. Theo ông, mỗi người có con đường riêng để đến với thực tại, không thể có một quy luật nào để áp dụng chung cho mọi người. Nhưng dù bằng bất cứ con đường nào, cửa ngõ mở vào thực tại vẫn là ý thức “Ta hiện hữu”. Chính bằng sự quán triệt tính cách quan trọng của cái “Ta hiện hữu”, và vượt ra khỏi nó để đến tận cội nguồn của nó mà một người có thể giác ngộ trạng thái tối thượng, cũng là trạng thái tiên nguyên và tối hậu. Khác biệt giữa bắt đầu và kết thúc chỉ có ở trong tâm. Khi u mê hay động loạn thì tâm không thể nhận ra cội nguồn. Khi trong sáng tâm trở nên ảnh phản chiếu trung thực của cội nguồn. Cội nguồn thì lúc nào cũng thế - ở ngoài tối và sáng, ngoài sinh và tử, ngoài hữu thức lẫn vô thức.

Sự an trú trong ý thức “Ta hiện hữu” này là Nisarga Yoga - một pháp môn Yoga đơn giản, dễ dàng và tự nhiên. Nisarga Yoga không hề có bí quyết, không có sự lệ thuộc, không đòi hỏi phải chuẩn bị và cũng chẳng cần nhập môn. Bất cứ ai - là một hiện hữu hữu thức - bối rối về chính sự tồn tại của mình, và thành khẩn muốn tìm ra cội nguồn của chính mình, đều có thể nắm bắt ý thức

“Ta hiện hữu” luôn luôn hiện tại, và kiên trì an trú trong ý thức đó cho đến khi mây mù ngăn che tâm tan biến thì trái tim của hiện hữu hiển lộ với tất cả vẻ huy hoàng của nó.

Kết quả của sự kiên trì thực hành Nisarga Yoga là một người trở nên có ý thức và năng động trong những gì mà mình trước kia vẫn không có ý thức và thụ động. Sự khác biệt không thuộc về bản chất mà chỉ trong sự thể hiện - cũng như một thỏi vàng và một món trang sức bằng vàng được tạo ra từ thỏi vàng đó. Cuộc sống vẫn tiếp tục, nhưng là một cuộc sống tự sinh khởi và tự do, đầy ý nghĩa và hạnh phúc.

Trạng thái tự nhiên và tự sinh khởi này được Maharaj mô tả rất linh hoạt, nhưng cũng như một người mù bẩm sinh không thể hình dung được ánh sáng và mầu sắc, thì một cái tâm chưa giác ngộ không thể hiểu được những mô tả như thế. Những mô tả như hạnh phúc an nhiên, vô tư trìu mến, tính phi thời và phi nhân duyên của sự vật và hiện hữu - nghe thật lạ tai và không tạo được cảm ứng. Nhưng qua trực giác chúng ta vẫn cảm nhận được chúng mang một ý nghĩa sâu xa, và thậm chí còn tạo trong chúng ta một sự mong ước kỳ lạ về cái bất khả diễn tả đó như Maharaj vẫn nói: Ngôn từ chỉ là phương tiện chỉ điểm, chúng cho biết phương hướng nhưng không đi cùng với chúng ta. Chân lý là thành quả của hành động thành khẩn, ngôn từ đơn thuần chỉ là phương tiện dẫn lối đi đường.

Maurice Frydman

Người dịch “I AM THAT”

Từ tiếng Ấn sang tiếng Anh

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh