Ta Là Cái Đó: Chương 99. Hiểu Đưa Đến Tự Do

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 99. HIỂU ĐƯA ĐẾN TỰ DO

Hỏi: Chuyên viên thẩm vấn ở nhiều nước trên thế giới đều có những thủ thuật buộc nạn nhân của họ thú tội, và nếu cần, họ có thể biến đổi cả nhân cách của người đó. Bằng những hành hạ thể xác cũng như tinh thần có tính toán và chọn lựa, hoặc bằng sự thuyết phục họ có thể tiêu diệt nhân cách cũ của nạn nhân và thay thế bằng một nhân cách mới. Người bị thẩm vấn nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần rằng hắn là kẻ thù của nhà nước, là tên phản bội tổ quốc, rồi đến một ngày nào đó trong hắn có sự thay đổi, rồi hắn bắt đầu cảm thấy - với tất cả sự tin tưởng - rằng mình là tên phản bội, là kẻ nổi loạn hoàn toàn đáng khinh, và đáng bị trừng trị thật khắt khe. Tiến trình này được gọi là tẩy não.

Tôi bàng hoàng khi nhận thấy nhiều phương pháp thực hành của các tôn giáo và Yoga rất giống với tiến trình tẩy não này. Cũng hành hạ thể xác và tinh thần, biệt cư trong cô độc, mặc cảm tội lỗi mãnh liệt, tuyệt vọng, và một ý muốn đào thoát bằng sự chuộc tội và hoán cải, chấp nhận một hình ảnh mới về chính mình và biến mình thành hình ảnh đó. Cũng sự lập lại một số công thức: “Thượng đế là đấng trọn lành; Đạo sư là người biết; Đức tin sẽ cứu rỗi ta”. Trong cái gọi là tu tập Yoga hay tôn giáo, cùng một bộ máy tẩy não đó hoạt động. Tâm được làm cho tập trung vào một ý tưởng nhất định để loại trừ những ý tưởng khác, và sự tập trung được củng cố mãnh liệt bằng những kỷ luật nghiêm khắc và sự hành xác thật đau đớn. Người thực hành một phương pháp tu tập nào đó đã trả một cái giá rất cao bằng chính cuộc sống và hạnh phúc của mình, và để bù lại những gì người đó nhận được phải vô cùng quan trọng. Sự hoán cải được sắp đặt trước này - dù nói ra hay không nói ra, tôn giáo hay chính trị, đạo đức hay xã hội - có vẻ như thật và lâu bền, nhưng vẫn có một cái gì giả tạo trong đó.

Maharaj: Ông nói rất đúng. Trải qua những đối xử tàn nhẫn, tâm trở nên lệch lạc và bị tê liệt. Tình trạng của tâm trở nên rất nguy kịch, và dù tâm có cam kết một cái gì đi nữa thì kết quả cũng chỉ thêm ràng buộc.

H: Vậy các phương pháp tu tập - Sadhana - được đặt ra để làm gì?

M: Nếu không thực hiện những cố gắng phi thường thì không thể cho rằng cố gắng sẽ không đưa ông đến đâu. Cái Ta quá tin vào chính nó; nếu không làm cho nó hoàn toàn thối chí thì nó sẽ không bỏ cuộc. Tin tưởng suông bằng lời lẽ chưa đủ. Chỉ thực tế cụ thể mới cho thấy hình ảnh của chính mình là cái không tuyệt đối (absolute nothingness).

H: Tẩy não làm cho tôi điên loạn, còn Đạo sư làm cho tôi sáng ý. Hành vi thì tương tự nhưng động cơ và mục đích thì hoàn toàn khác. Những điểm tương đồng có lẽ chỉ là ngôn từ.

M: Khuyến khích, hay cưỡng bức phải chịu đau khổ hàm chứa bạo lực, và quả của bạo lực thì không thể nào ngọt.

Trong đời có những hoàn cảnh đau khổ hiển nhiên, nhưng ông vẫn phải chấp nhận một cách bình thản. Cũng có những tình huống do ông tạo ra, vì cố tình hay vô ý. Và ông học từ tình huống đó để sự tái diễn không xảy ra.

H: Hình như con người phải đau khổ, như thế chúng ta phải học cách khắc phục đau khổ.

M: Đau khổ cần phải được chịu đựng. Không hề có cái như là khắc phục đau khổ, và cũng chẳng cần phải luyện tập. Luyện tập là cho tương lai, rèn luyện thái độ là dấu hiệu của sợ hãi.

H: Khi biết cách đối diện đau khổ, tôi không còn đau khổ, không sợ đau khổ, và do đó tôi hạnh phúc. Điều này cũng xảy ra tương tự với một tù nhân. Tên tù chấp nhận hình phạt là công bằng và thích đáng, do đó hắn không chống lại bọn cai tù và Nhà nước. Tất cả các tôn giáo chẳng làm gì khác hơn ngoài việc rao giảng sự chấp nhận và quy thuận. Chúng tôi được khuyến khích nhận tội, chịu trách nhiệm về tất cả những xấu xa trên thế giới, và nhận chính mình là nguyên nhân duy nhất của những xấu xa đó. Vấn đề của tôi là: Tôi không thấy có gì khác biệt giữa tẩy não và tu tập - Sadhana, ngoại trừ một điều là trong Sadhana người ta không bị bức chế về thể xác. Tuy nhiên, yếu tố ám thị cưỡng bức vẫn có mặt trong cả hai.

M: Như ông đã nói, sự tương đồng chỉ là ở bề ngoài, thế thì cần gì phải nói đi nói lại về điều này?

H: Thưa ông, sự tương đồng không phải chỉ là ở bề ngoài. Con người là một sự hiện hữu phức tạp, cùng một lúc hắn vừa là người buộc tội, vừa là kẻ bị buộc tội, vừa là quan tòa, vừa là cai tù, và vừa là kẻ xử tội. Hầu như không có gì là tự nguyện trong pháp môn tự nguyện - Sadhana. Một người bị sai sử bởi những động lực ngoài sự hiểu biết và kiểm soát của chính mình. Bằng những cố gắng gian khổ và kéo dài, tôi có thể chuyển hóa đôi chút tâm lý và vật lý - và đó là Yoga. Tôi muốn biết ông có đồng ý với tôi rằng Yoga hàm ý bạo lực?

M: Ta đồng ý rằng Yoga - theo sự trình bày của ông - có nghĩa là bạo lực, và Ta không hề biện hộ cho bất cứ hình thức bạo lực nào. Con đường của Ta hoàn toàn bất bạo lực. Ta hàm ý chính xác điều Ta nói: Bất bạo lực. Hãy tìm ra cho chính ông xem đó là cái gì. Ta chỉ nói: Nó là bất bạo lực.

H: Tôi không dùng sai ngôn từ đâu. Khi một Đạo sư bảo tôi

thiền quán mười sáu tiếng đồng hồ một ngày và suốt đời, thì tôi không thể làm như thế mà không cực kỳ thô bạo với chính tôi. Như thế Đạo sư đúng hay sai?

M: Không gì có thể buộc ông thiền quán mười sáu tiếng một ngày, trừ khi ông cảm thấy muốn làm như thế. Đó chỉ là một cách nói cho ông biết: “Hãy an trú với chính ông, đừng đánh mất ông trong những cái khác”. Vị Đạo sư sẵn sàng chờ đợi, nhưng tâm thì không đủ kiên nhẫn.

Không phải vị Đạo sư, mà chính tâm thô bạo và sợ hãi sự thô bạo của chính nó. Cái gì thuộc về tâm thì tương đối; tìm cách biến nó thành cái tuyệt đối là một sai lầm.

H: Nếu tôi cứ thụ động thì chẳng có gì thay đổi. Nếu tôi năng động thì không thể tránh khỏi thô bạo. Liệu tôi có thể làm cái gì mà không vô ích mà cũng không thô bạo?

M: Dĩ nhiên, có một cách không vô ích mà cũng không thô bạo nhưng vô cùng hữu hiệu. Chỉ quan sát chính ông như ông là, thấy chính ông như ông là, chấp nhận chính ông như ông là, và đi sâu hơn vào cái ông là. Bạo lực hay bất bạo lực chỉ mô tả thái độ của ông với người khác; cái Ta trong tương quan với chính nó thì không bạo lực mà cũng chẳng bất bạo lực - hoặc là nó biết chính nó, hoặc là nó không biết chính nó. Nếu nó biết chính nó thì tất cả những gì nó làm đều đúng; nếu nó không biết chính nó thì tất cả những gì nó làm đều sai.

H: Ông bảo tôi biết chính tôi như tôi là, nghĩa là thế nào?

M: Trước khi có tâm thì đã có “Ta hiện hữu”. “Ta hiện hữu” không phải là một ý nghĩ trong tâm. Tâm xảy ra đối với Ta, Ta không xảy ra đối với tâm. Thời gian và không gian ở trong tâm, còn Ta ở ngoài thời gian và không gian, thường hằng và hiện diện khắp nơi.

H: Ông nghiêm túc đấy chứ? Ông thật sự muốn nói rằng ông tồn tại khắp nơi và trong mọi lúc?

M: Phải, đúng thế. Đối với Ta điều đó hiển nhiên cũng như sự

tự do di chuyển đối với ông. Thử tưởng tượng cái cây hỏi con khỉ: “Ông thật sự nghiêm túc khi nói rằng ông có thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác?” Và con khỉ trả lời: “Phải, đúng thế”.

H: Và ông cũng ở ngoài mọi tương quan nhân quả? Ông có thể làm được phép lạ?

M: Tự thân thế giới là một phép lạ. Ta ở ngoài mọi phép lạ Ta tuyệt đối bình thường. Đối với Ta mọi thứ xảy ra như chúng phải xảy ra. Ta không can thiệp bằng sự tạo tác. Những phép lạ cỏn con có ích lợi gì đối với Ta trong khi phép lạ vĩ đại nhất lúc nào cũng đang xảy ra? Đi sâu hơn nữa vào trong chính ông, tìm kiếm bên trong, không hề có bạo lực hay bất bạo lực trong sự khám phá chính mình. Hủy diệt cái hư giả thì không phải bạo lực.

H: Khi thực hành sự tìm hiểu chính mình, hay đi vào bên trong, với ý nghĩ tôi sẽ được lợi lạc không bằng cách này thì cũng cách khác, như thế tôi vẫn chạy trốn cái tôi là.

M: Rất đúng. Sự tìm hiểu chơn thật bao giờ cũng vào trong một cái gì đó, chứ không phải ra khỏi một cái gì đó. Khi tìm hiểu làm sao để được, hay tránh một cái gì đó thì Ta không thật sự tìm hiểu. Muốn biết bất cứ gì, Ta phải chấp nhận nó - hoàn toàn.

H: Vâng, muốn biết Thượng đế tôi phải chấp nhận Thượng đế - khủng khiếp quá!

M: Trước khi chấp nhận Thượng đế, ông phải chấp nhận chính ông, điều đó còn khủng khiếp hơn nữa. Những bước đầu tiên trong sự chấp nhận chính mình thì chẳng thích thú chút nào, vì những gì ông thấy không phải là cảnh hạnh phúc. Ông cần tất cả can đảm để đi xa hơn. Giúp ông là sự im lặng. Hãy quan sát chính ông trong sự im lặng hoàn toàn, đừng tìm cách mô tả ông. Nhìn vào sự hiện hữu mà ông tin vào ông, và nhớ rằng những gì ông thấy đều không phải là ông. “Ta không là cái này - Ta là gì?” là hành vi tìm hiểu chính mình. Không có phương tiện nào khác để giải thoát, mọi phương tiện đều trì hoãn. Kiên quyết bác bỏ cái không phải là ông cho đến khi cái Ta thật hiện ra trong sự trống không tuyệt vời của nó, cái “vô nhất vật” - not-a-thing - của nó.

H: Thế giới trải qua những thay đổi nhanh chóng và quan trọng. Mặc dù thay đổi cũng xảy ra ở các nước khác nhưng có thể thấy rõ hơn ở Mỹ. Một mặt là sự gia tăng của tội ác, và một mặt là những sự thiêng liêng thật sự. Nhiều cộng đồng đang được thành lập, và một số có trình độ rất cao về hạnh liêm chính và khắc khổ. Có vẻ như cái ác đang tự hủy diệt bằng chính những thành tựu của nó, giống như ngọn lửa tiêu thụ nhiên liệu của nó, trong khi cái thiện - giống như sự sống - làm cho chính nó trường tồn.

M: Bao giờ còn phân chia sự kiện thành thiện và các thì có thể là ông đúng. Thật ra, cái thiện trở thành ác, và cái ác trở thành thiện bằng chính sự thỏa mãn nó.

H: Thế còn tình yêu?

M: Khi trở thành dục vọng thì tình yêu hủy diệt.

H: Dục vọng là gì?

M: Nhớ - tưởng tượng - mong chờ. Nó thuộc về cảm giác và ngôn từ. Một hình thức của sự mê đắm.

H: Có phải Brahmacharya - diệt dục - là tất yếu trong Yoga?

M: Sống trong kiềm chế và trấn áp thì không phải Yoga. Tâm phải hoàn toàn không còn tham ái và thanh thản. Điều đó đến với sự hiểu rõ, chứ không phải bằng sự quyết tâm, tức là một hình thức khác của ký ức. Một cái tâm hiểu thì không còn tham ái và lo sợ.

H: Tôi có thể làm cho tôi hiểu bằng cách nào?

M: Bằng cách thiền quán, có nghĩa là chú ý. Hoàn toàn biết rõ vấn đề của chính ông, quan sát từ mọi khía cạnh, xem nó tác động đến cuộc sống của ông như thế nào. Rồi mặc kệ nó. Ông không thể làm gì hơn được.

H: Liệu điều đó có giải thoát tôi?

M: Ông thoát khỏi những gì ông đã hiểu. Những thể hiện bề ngoài của tự do có thể cần đến thời gian để xuất hiện, nhưng chúng luôn luôn có đó. Đừng mong đợi sự toàn hảo. Không hề có toàn hảo trong sự thị hiện. Các chi tiết chắc chắn phải va chạm. Không một vấn đề nào có thể được giải quyết rốt ráo, nhưng ông có thể thoát ra khỏi nó, đến một bình diện mà ở đó nó không hoạt động.

***

101. Người giác ngộ không nắm bắt mà cũng không chấp thủ

Hỏi: Bậc giác ngộ - Gnani - hành động như thế nào khi cần thực hiện một điều gì đó? Gnani có lập kế hoạch, quyết định các chi tiết và cách thực hiện không?

Maharaj: Gnani hoàn toàn hiểu rõ một tình huống và biết ngay những gì cần phải làm. Tất cả chỉ có thế. Những gì còn lại tự xảy ra, mà hầu hết là vô thức. Sự đồng nhất của Gnani với tất cả những gì hiện hữu trọn vẹn đến độ Gnani đáp ứng với vũ trụ thế nào thì vũ trụ cũng đáp ứng với Gnani như thế. Gnani tin tưởng tuyệt đối rằng khi một tình huống được nhận thức thì các sự kiện sẽ đem lại sự đáp ứng tương xứng. Người thường chỉ quan tâm đến chuyện riêng tư, tính toán những rủi ro và cơ hội của mình, còn Gnani vẫn vô tư, và chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ xảy ra như chúng phải xảy ra; và cái gì xảy ra chẳng quan trọng, vì tối hậu thì sự tái lập quân bình và hòa hợp là tất yếu. Trung tâm của vạn vật luôn luôn ổn định.

H: Tôi hiểu được tính cách con người là ảo tưởng, và sự xa lìa trong tỉnh thức nhưng không mất đi ý thức về chính mình là điểm chúng ta giao tiếp với thực tại. Ông có thể cho biết ngay lúc này ông là một con người hay là một ý thức biết chính mình?

M: Ta là cả hai. Nhưng nếu không bằng ngôn từ được con người tạo ra, và bằng những gì không phải là Ta thì cái Ta thật không thể được mô tả. Tất cả những gì ông có thể nói về con người thì không phải cái Ta, và ông không thể nói gì về cái Ta mà lại không nói về con người như nó là, như nó có thể là, hoặc nó phải là. Tất cả các thuộc tính đều thuộc về con người. Cái thật ở ngoài mọi thuộc tính.

H: Có những lúc ông là cái Ta, và có những lúc ông là con người?

M: Làm sao có thể như thế? Con người là cái mà Ta xuất hiện đối với người khác. Đối với chính Ta, Ta là sự trải rộng vô biên của ý thức, trong đó vô số con người xuất hiện và biến mất trong chuỗi diễn tiến vô tận.

H: Vì sao con người, đối với ông là hư ảo, lại có vẻ là thật đối với chúng tôi?

M: Ông, tức cái Ta - cội nguồn của tất cả hiện hữu, ý thức và hỷ lạc - truyền thực tại cho bất cứ gì ông nhận thức. Sự trao truyền thực tại này luôn luôn xảy ra trong cái bây giờ, mà không vào bất cứ lúc nào khác, vì quá khứ và tương lai chỉ ở trong tâm. “Hiện hữu” chỉ áp dụng cho cái bây giờ.

H: Thế không phải vĩnh cửu cũng bất tận?

M: Mặc dù hữu hạn nhưng thời gian thì bất tận, vĩnh cửu ở trong khoảnh khắc của cái bây giờ. Chúng ta không thấy được nó vì tâm luôn luôn di chuyển như con thoi giữa quá khứ và tương lai. Tâm không chịu dừng lại để chú ý đến cái bây giờ. Nhưng nếu có một sự chú ý nào được gợi lên thì tâm có thể dừng lại tương đối dễ dàng.

H: Cái gì gợi sự chú ý?

M: Lòng thành khẩn, dấu hiệu của sự trưởng thành.

H: Và làm sao có sự trưởng thành?

M: Bằng cách giữ tâm minh mẫn và trong sạch, bằng cách sống cuộc sống của ông trong sự thấy biết trọn vẹn từng khoảnh khắc như nó xảy ra, bằng cách tìm hiểu và loại trừ tham ái và lo sợ ngay khi chúng sinh khởi.

H: Một sự tập trung như thế có thể được chăng?

M: Cứ thử xem. Từng bước một thì dễ dàng. Năng lực tuôn chảy từ sự thành khẩn.

H: Tôi nhận thấy mình chưa đủ thành khẩn.

M: Phản bội chính mình là một vấn đề nghiêm trọng. Nó làm tâm chết lần chết mòn như căn bệnh ung thư. Phương thức trị liệu là tư duy trong sáng và ngay thẳng. Phải hiểu rằng ông đang sống trong một thế giới của những cái hư giả, hãy tìm hiểu những cái hư giả đó và phát hiện ra gốc rễ của chúng. Chính sự cố gắng làm như thế sẽ khiến ông thành khẩn, vì trong sự cố gắng chơn thật là an lạc.

H: Nó sẽ đưa tôi đến đâu?

M: Nó sẽ đưa ông đến đâu nếu không phải là sự toàn hảo của chính nó? Một khi đã an định trong cái bây giờ, ông chẳng còn chỗ nào khác để đi. Cái ông là thì phi thời, và ông thể hiện nó một cách vĩnh cửu.

H: Ông là một hay nhiều?

M: Ta là một nhưng xuất hiện như là nhiều.

H: Tại sao cái một lại xuất hiện?

M: Hiện hữu, và biết thì tốt lành.

H: Nhưng cuộc đời thì buồn thảm.

M: Vô minh gây ra đau khổ. Hạnh phúc theo liền sau hiểu.

H: Vì sao vô minh lại gây ra đau khổ?

M: Nó là căn nguyên của tham ái và lo sợ, là những trạng thái đau khổ và nguồn gốc của những sai lầm bất tận.

H: Tôi chứng kiến nhiều người được cho là đã giác ngộ nhưng vẫn cười, khóc. Không phải điều đó cho thấy họ vẫn chưa thoát ra khỏi tham ái và lo sợ?

M: Họ có thể cười, khóc tùy theo cảnh ngộ nhưng bên trong họ thản nhiên và trong sáng, vô tư quan sát những phản ứng tự sinh khởi của họ. Những biểu hiện bề ngoài thường gây ngộ nhận, và trường hợp của một người giác ngộ thì còn hơn thế.

H: Tôi không hiểu được ông.

M: Tâm không thể hiểu, vì tâm được huấn luyện để nắm bắt và chấp thủ, còn người giác ngộ thì không nắm bắt mà cũng không chấp thủ.

H: Cái gì là cái tôi giữ lại, còn ông thì không?

M: Ông là sản phẩm của ký ức; ít ra thì ông tưởng tượng chính ông là như thế. Ta hoàn toàn không do tưởng tượng mà có. Ta là cái Ta là, không thể đồng hóa Ta với bất cứ trạng thái vật lý hay tâm lý nào.

H: Một tai nạn có thể làm mất đi tính tự tại của ông.

M: Sự thật lạ lùng là nó không thể mất đi. Trước sự ngạc nhiên của Ta, Ta vẫn là như Ta là - thấy biết thuần túy và tỉnh thức đối với tất cả những gì xảy ra.

H: Ngay cả vào lúc lâm tử?

M: Thân xác chết đi có là gì đối với Ta?

H: Thế ông không cần nó để giao tiếp với thế giới?

M: Ta không cần đến thế giới, mà Ta cũng không ở trong thế giới. Thế giới mà ông nghĩ tưởng đến - ở trong tâm ông. Ta có thể thấy nó qua mắt ông và tâm ông, nhưng Ta hoàn toàn biết rõ rằng đó chỉ là một phóng ảnh của ký ức; nó chỉ được thực tại giao tiếp tại điểm thấy biết - chỉ có thể là ngay bây giờ.

H: Có vẻ như sự khác biệt duy nhất giữa ông và tôi là trong lúc tôi cho rằng tôi không biết cái Ta thật của tôi, thì ông lại quả quyết rằng ông biết cái Ta của ông rất rõ. Liệu còn có sự khác biệt nào nữa giữa ông và tôi?

M: Không hề có sự khác biệt nào giữa ông và Ta; mà Ta cũng không thể nói rằng Ta biết chính Ta. Ta biết rằng không thể nào mô tả được Ta hay định nghĩa được Ta. Bên ngoài mọi tầm với xa nhất của tâm có một cảnh giới bao la, và cảnh giới đó là nhà Ta, là chính Ta. Và cảnh giới bao la đó cũng còn là tình yêu.

H: Ông thấy tình yêu ở khắp nơi còn tôi chỉ thấy hận thù và đau khổ. Lịch sử của nhân loại là lịch sử của tàn sát, cá nhân lẫn tập thể. Không sinh vật nào khác lại thích thú chém giết hơn con người.

M: Nếu truy tìm các nguyên do, ông sẽ tìm thấy tình yêu, tình yêu chính mình và của riêng mình. Con người gây chiến với nhau vì cái mà họ tưởng tượng là họ yêu quý.

H: Chắc chắn tình yêu của họ phải đủ chơn thật thì họ mới sẵn

sàng chết cho tình yêu đó.

M: Tình yêu thì vô giới hạn. Cái gì chỉ giới hạn cho một số ít thì không thể được gọi là tình yêu.

H: Ông biết tình yêu vô giới hạn đó?

M: Có, Ta biết.

H: Nó cảm thấy như thế nào?

M: Tất cả đều được yêu và đáng yêu. Không loại trừ bất cứ gì. H: Ngay cả đối với những kẻ xấu xa và tội phạm?

M: Tất cả đều ở trong ý thức của Ta; tất cả là của Ta. Phân chia chính mình thành thích và không thích là hành động điên rồ.

Ta ở ngoài cả hai. Nhưng Ta không hề xa lạ.

H: Ở ngoài thích và không thích là trạng thái thờ ơ.

M: Thoạt tiên thì có vẻ là như thế. Kiên trì ở trong trạng thái thờ ơ đó, rồi nó sẽ bừng nở thành tình yêu thâm nhập tất cả và trùm khắp tất cả.

H: Có những lúc tôi cảm thấy như thế khi tâm trở thành một đóa hoa và một ngọn lửa, nhưng chúng không tồn tại lâu và cuộc đời lại trở về với sự xám ngắt thường ngày.

M: Vô thường là quy luật trong thế giới của cái cụ thể. Không thể kinh nghiệm được cái thường hằng vì nó vô giới hạn. Ý thức bao hàm những sự luân phiên, thay đổi tiếp nối thay đổi; khi một sự kiện hay một trạng thái chấm dứt thì một cái khác bắt đầu. Cái không có giới hạn thì không thể được kinh nghiệm theo ý nghĩa thông thường của từ ngữ. Một người chỉ có thể nó, dù không hề hay biết, và một người có thể biết nhưng cái đó lại không phải là nó. Chắc chắn không phải toàn thể nội dung của ý thức luôn luôn động.

H: Nếu cái tịnh không thể biết được, thế thì nhận ra nó có mục đích gì, và ý nghĩa gì?

M: Nhận ra cái tịnh có nghĩa là trở thành cái tịnh. Và mục đích là sự tốt đẹp cho tất cả chúng sinh.

H: Sống là chuyển động. Bất động là chết. Chết có ích lợi gì

cho sống?

M: Ta nói về cái tịnh, không phải cái bất động. Ông trở nên tịnh trong sự ngay thẳng. Ông trở thành một quyền năng làm cho tất cả ổn định. Điều đó có thể hàm ý hoặc không hàm ý một hoạt động mãnh liệt bên ngoài, nhưng tâm vẫn ở trong một trạng thái sâu lắng và tĩnh lặng.

H: Khi quan sát tâm, tôi thấy nó luôn luôn thay đổi; trạng thái này tiếp nối trạng thái khác, muôn mầu muôn vẻ, còn ông thì hầu như miên viễn ở trong cùng một trạng thái an lạc.

M: Các trạng thái đều xảy ra trong tâm và không quan trọng. Đi vào trong, vượt ra ngoài. Đừng tiếp tục để nội dung của ý thức mê hoặc. Khi đạt đến những tầng lớp sâu kín của sự hiện hữu chơn thật, ông sẽ nhận ra vở tuồng trên bề mặt của tâm chẳng ảnh hưởng đến ông bao nhiêu.

H: Nhưng là vở tuồng thì vẫn thế!

M: Một cái tâm tĩnh lặng không phải là một cái tâm chết.

H: Ý thức luôn luôn chuyển động - nó là một thực tế có thể quan sát được. Ý thức tịnh là một mâu thuẫn. Khi ông nói về một cái tâm tĩnh lặng, đó là cái tâm gì? Thế không phải tâm cũng là ý thức?

M: Chúng ta nên nhớ rằng ngôn từ được sử dụng theo nhiều cách, và tùy theo ngữ cảnh. Thực tế là chỉ có rất ít khác biệt giữa ý thức và vô thức - về căn bản chúng đồng như nhau. Trạng thái thức khác với trạng thái ngủ vì sự có mặt của nhân chứng. Một tia sáng của tánh biết soi sáng một phần của tâm, và phần đó trở thành giấc chiêm bao của chúng ta - hay ý thức khi thức - còn tánh biết xuất hiện như nhân chứng. Thường thì nhân chứng chỉ biết ý thức. Sadhana tìm cách xoay nhân chứng trở lại trước tiên với sự ý thức của nó, rồi với chính nhân chứng trong sự thấy biết chính mình. Thấy biết chính mình là Yoga.

H: Nếu tánh biết là trùm khắp, vậy liệu một người mù sau khi giác ngộ có thể thấy?

M: Ông nhầm lẫn nhận thức thuộc giác quan với tánh biết. Người giác ngộ biết chính mình như mình là. Người giác ngộ cũng biết rõ thân mình bị khuyết tật, và tâm bị mất đi một khả năng nhận thức do giác quan đem lại. Nhưng người giác ngộ không hề bị ảnh hưởng bởi sự khiếm khuyết hay không khiếm khuyết thị giác.

H: Một cách cụ thể hơn: Khi một người mù trở thành người giác ngộ, thị giác của người đó có được phục hồi không?

M: Trừ khi mắt và não bộ của người đó trải qua một sự thay mới, còn không thì làm sao có thể thấy?

H: Liệu mắt và não bộ của người có trải qua một sự thay mới không?

M: Có thể có mà cũng có thể không. Tất cả còn tùy vào định mệnh và ân đức. Nhưng người giác ngộc chủ động một phương cách nhận thức tự sinh khởi, phi giác quan khiến người giác ngộ có thể biết sự vật trực tiếp mà không qua sự trung gian của các giác quan. Người giác ngộ ở ngoài tất cả những gì có thể nhận thức được và khái niệm hóa được, ở ngoài phạm trù của không gian và thời gian, danh xưng và hình tướng. Người giác ngộ không phải là cái được nhận thức hay người nhận thức, mà là yếu tố đơn giản và mang tính vũ trụ làm cho nhận thức khả hữu. Thực tại ở ngay trong nội vi ý thức, nhưng thực tại không phải ý thức hay bất cứ gì thuộc nội dung của ý thức.

H: Cái gì là hư giả - thế giới, hay cái biết của tôi về thế giới?

M: Có thế giới nào ở bên ngoài cái biết của ông? Liệu ông có thể vượt ra ngoài cái ông biết? Ông có thể mặc nhiên công nhận một thế giới ở bên ngoài tâm, nhưng đó vẫn chỉ là một ý niệm không được chứng minh, và không thể chứng minh được. Kinh nghiệm của ông là bằng chứng của ông, và nó chỉ có giá trị với ông. Còn ai có thể có kinh nghiệm của ông, khi người đó chỉ thật vào lúc xuất hiện trong kinh nghiệm của ông?

H: Tôi cô đơn một cách tuyệt vọng đến thế sao?

M: Đúng thế, khi ông là một con người. Trong sự hiện hữu

chơn thật của chính ông, ông là cái toàn thể.

H: Ông là một phần của thế giới tôi có trong ý thức, hay ông độc lập?

M: Những gì ông thấy là của ông, những gì Ta thấy là của Ta. Hầu như không có gì chung cho cả hai.

H: Phải có một yếu tố chung nhất nào đó để hợp nhất ông và tôi.

M: Muốn tìm ra yếu tố chung nhất ông phải loại bỏ tất cả mọi khác biệt. Chỉ vũ trụ là chung nhất.

H: Điều làm cho tôi ngạc nhiên là trong khi ông bảo rằng tôi chỉ là sản phẩm của ký ức và vô cùng giới hạn, nhưng tôi tạo ra một thế giới bao la và phong phú dung chứa tất cả mọi thứ, kể cả ông và những gì ông chỉ giáo. Làm sao sự bao la này được tạo ra và dung chứa trong sự nhỏ bé của tôi là điều tôi cảm thấy khó hiểu. Có thể ông nói với tôi tất cả sự thật, nhưng tôi chỉ nắm bắt được một phần rất nhỏ của sự thật đó.

M: Nhưng đó là một thực tế - cái nhỏ phóng chiếu ra cái toàn thể tuy nó không thể dung chứa cái toàn thể. Dù thế giới của ông có vĩ đại và trọn vẹn đến đâu thì nó vẫn mâu thuẫn với chính nó, vô thường, và hoàn toàn là ảo ảnh.

H: Nó có thể là ảo ảnh nhưng vô cùng kỳ diệu. Khi nhìn, nghe, sờ mó, ngửi, nếm, tư duy và cảm thọ, ghi nhớ và tưởng tượng, tôi không thể nào không sửng sốt về tính sáng tạo mầu nhiệm của tôi. Tôi nhìn qua kính hiển vi hay kính viễn vọng và thấy đủ loại kỳ quan. Tôi truy theo dấu vết của một nguyên tử và nghe tiếng thì thầm của các vì sao. Nếu tôi là người sáng tạo duy nhất của tất cả những điều kỳ diệu đó, thì chắc chắn tôi phải là Thượng đế! Nhưng nếu là Thượng đế, tại sao tôi có vẻ nhỏ bé và vô tư lực ngay cả với chính tôi?

M: Ông là Thượng đế, tại ông không biết đó thôi.

H: Nếu tôi là Thượng đế thì thế giới tôi tạo ra phải thật.

M: Nó thật trong tánh thể, nhưng không thật ở biểu hiện bên ngoài. Khi không còn tham ái và lo sợ thì ngay lập tức cái nhìn của ông trong sáng và ông sẽ thấy mọi vật như nó là. Hoặc, ông có thể cho rằng Satoguna tạo ra thế giới, Tamoguna ngăn che nó, và Rajoguna làm cho nó biến dạng.

H: Điều đó chẳng giúp tôi được bao nhiêu, vì nếu tôi hỏi Gunas là gì, thì câu trả lời là: Cái sáng tạo, cái ngăn che, cái làm cho biến dạng. Thực tế vẫn là - một cái gì đó không thể tin được đã xảy ra đối với tôi, và tôi không hiểu cái gì đã xảy ra, như thế nào, và tại sao.

M: Hừ, tìm hiểu là sự khởi đầu của trí tuệ. Thường xuyên và kiên định tìm hiểu là Sadhana.

H: Tôi ở trong một thế giới mà tôi không hiểu, do đó tôi sợ nó. Đây cũng là kinh nghiệm của mọi người.

M: Ông vừa tách ông ra khỏi thế giới, do đó thế giới làm cho ông đau đớn và sợ hãi. Tìm ra sai lầm của ông thì ông không còn sợ hãi.

H: Ông bảo tôi từ bỏ thế giới trong khi tôi muốn hạnh phúc trong thế giới.

M: Nếu ông đòi hỏi cái bất khả, ai có thể giúp ông? Trong cái hữu hạn thì chắc chắn đau khổ và lạc thú thay phiên nhau. Nếu muốn tìm hạnh phúc chơn thật, bền chắc và bất biến, ông phải bỏ lại phía sau thế giới với những đau khổ và lạc thú của nó.

H: Làm sao thực hiện?

M: Chỉ từ bỏ vật lý mới là dấu hiệu của sự thành khẩn, nhưng sự thành khẩn không giải thoát. Phải có sự hiểu biết đi cùng với khả năng nhận thức tỉnh thức, khao khát tìm hiểu và truy cứu thật sâu xa. Ông phải kiên quyết trong sự cứu độ chính ông khỏi tội lỗi và đau khổ.

H: Cái gì là tội lỗi?

M: Tất cả những gì ràng buộc ông.

*****

Chân thành chia sẻ với những ai có đầy đủ phước báu tiếp thu trọn vẹn tuyệt tác hiện đại này của nền Đạo học cổ điển Đông phương.

Người dịch Vũ Toàn

Tháng 1 năm 2008

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh