Ta Là Cái Đó: Chương 98. Cái Được Nhận Thức Không Thể Là Người Nhận Thức

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 98. CÁI ĐƯỢC NHẬN THỨC KHÔNG THỂ LÀ NGƯỜI NHẬN THỨC

Hỏi: Tôi hiện đi khắp nơi, tìm hiểu nhiều môn phái Yoga khác nhau để thực hành, nhưng đến nay vẫn không thể quyết định môn phái nào thích hợp nhất cho tôi. Tôi rất biết ơn nếu được ông chỉ bảo một lời khuyên đúng đắn. Kết quả của sự tìm kiếm này làm tôi ngao ngán ý tưởng đi tìm chân lý, vì theo tôi nó vừa không cần thiết vừa rắc rối. Cuộc sống thú vị như nó là, và tôi thấy không có lý do gì để làm cho nó tốt đẹp hơn.

Maharaj: Cứ tự nhiên ở trong trạng thái hài lòng của ông, nhưng liệu được bao lâu. Tuổi trẻ, sinh lực, tiền của đều trôi qua nhanh hơn ông tưởng. Đau khổ - cho đến nay vẫn được tránh né - sẽ đuổi theo ông. Nếu muốn vượt lên khỏi đau khổ ông phải đón tiếp nó và ôm ấp nó. Từ bỏ mọi thói quen và sự lệ thuộc, sống một cuộc sống bình dị và điều độ, đừng gây đau khổ cho một sinh vật nào - đó là nền tảng của Yoga. Muốn tìm thấy thực tại ông phải thành thật trong từng hành vi nhỏ nhặt nhất của đời sống thường ngày. Không thể nào có dối trá trong việc đi tìm chân lý. Ông nói cuộc đời ông thật thú vị. Có thể là thế - như lúc này. Nhưng ai là người thọ dụng nó?

H: Thú thật là tôi không biết người thọ dụng lẫn cái được thọ dụng. Tôi chỉ biết sự thọ dụng.

M: Rất đúng. Nhưng thọ dụng là một trạng thái của tâm - nó đến rồi đi. Chính tính cách vô thường của nó làm cho nó có thể nhận thức được. Ông không thể ý thức về cái không thay đổi. Tất cả ý thức là ý thức về sự thay đổi. Nhưng chính nhận thức về sự thay đổi - không phải nó cần phải có một hậu cảnh bất biến?

H: Hoàn toàn không. Ký ức về trạng thái trước đó - được so sánh với hiện thực của trạng thái hiện tại tạo ra kinh nghiệm về sự thay đổi.

M: Giữa cái được nhớ và hiện thực có một khác biệt căn bản, có thể quan sát được từ lúc này sang lúc khác. Không vào bất cứ thời điểm nào, hiện thực lại là cái được nhớ. Giữa hiện thực và cái được nhớ có sự khác biệt về tính chất, không phải chỉ đơn thuần về cường độ. Hiện thực thì hiển nhiên là như thế. Ông không thể hoán chuyển hiện thực với cái được ghi nhớ bằng bất cứ cố gắng nào của ý chí hay tưởng tượng. Thế nào, cái gì ban cho hiện thực đặc tính độc nhất vô nhị này?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Hiện thực thì thật, trong khi có rất nhiều bất định về cái

được nhớ.

M: Đúng thế, nhưng tại sao? Mới khoảnh khắc trước đây cái được nhớ là hiện thực, và chỉ trong khoảnh khắc hiện thực sẽ là cái được nhớ. Cái gì làm cho hiện thực là độc nhất vô nhị? Chính ý thức về sự có mặt của ông. Trong ký ức và mong đợi có một nhận thức rất rõ rằng đó là một trạng thái của tâm đang được quan sát, còn trong hiện thực nhận thức trước tiên là: Có mặt và biết.

H: Vâng, tôi thấy điều đó. Chính sự biết tạo ra khác biệt giữa hiện thực và cái được ghi nhớ. Một người nghĩ về quá khứ hay nghĩ đến tương lai, nhưng có mặt trong cái bây giờ.

M: Dù đi đến bất cứ đâu, ông luôn luôn đem theo ý thức ở đây và bây giờ. Điều này có nghĩa là ông không tùy thuộc vào không gian và thời gian, hay nói cách khác thời gian và không gian ở trong ông - ông không ở trong thời gian và không gian. Chính sự đồng hóa cái Ta của ông với thân xác - dĩ nhiên, là cái giới hạn trong không gian và thời gian - tạo cho ông cái cảm giác hữu hạn. Trong thực tế, ông là vô hạn và vĩnh cửu.

H: Làm sao tôi biết được cái Ta vô hạn và vĩnh cửu này của tôi?

M: Cái Ta mà ông muốn biết đó, có phải là một cái Ta thứ hai nào đó chăng? Ông được tạo thành bởi nhiều cái Ta? Rõ ràng, chỉ có một cái Ta, và ông là cái Ta đó. Cái Ta mà ông là cái Ta duy nhất có. Tháo gỡ và từ bỏ tất cả những ý tưởng sai lầm ông có về chính ông thì cái Ta hiển hiện, với tất cả vẻ huy hoàng của nó. Chính tâm ông ngăn che sự thấy biết chính ông.

H: Làm sao đoạn trừ tâm? Liệu có thể có cuộc sống không tâm trên bình diện con người?

M: Không hề có cái như tâm. Chỉ có các ý nghĩ mà một số là sai lầm. Từ bỏ những ý nghĩ sai lầm, vì chúng là hư giả và ngăn che cái nhìn của ông về chính ông.

H: Ý nghĩ nào là đúng và ý nghĩ nào là sai?

M: Khẳng định thì thường sai lầm, còn phủ định thì đúng.

H: Một người không thể sống bằng cách phủ định tất cả!

M: Chỉ bằng cách phủ định một người mới có thể sống. Khẳng định là ràng buộc. Nghi vấn và phủ định là cần thiết. Nó chính là điều kiện quan yếu của sự nổi loạn, và nếu không nổi loạn thì không có tự do.

Không hề có cái Ta thứ hai, hay cái Ta siêu việt nào để tìm kiếm. Ông là cái Ta siêu việt, chỉ cần từ bỏ tất cả những ý nghĩ sai lầm ông có về chính ông. Cả sự tin tưởng lẫn lý trí đều cho ông thấy rằng ông không phải là thân, hay những tham ái và lo sợ của thân. Mà ông cũng chẳng phải là tâm với những ý tưởng hoang đường của tâm, hay ông là cái vai trò mà xã hội bắt ông phải đóng, con người ông bị đòi hỏi phải là. Loại trừ cái hư giả, cái chơn thật sẽ tự đến.

Ông nói ông muốn biết cái Ta của ông. Ông là cái Ta của ông - ông không thể là bất cứ gì khác ngoại trừ cái mà ông là. Liệu biết có tách biệt với hiện hữu? Bất cứ gì ông có thể biết bằng tâm của ông đều thuộc về tâm, mà không thuộc về ông. Ông chỉ có thể nói về ông như: “Ta hiện hữu, Ta biết, Ta thích điều đó”.

H: Tôi nhận thấy sống là một trạng thái đầy đau khổ.

M: Ông không thể sống vì ông là chính sự sống. Chính con người mà ông tưởng tượng là ông đau khổ, chứ không phải ông. Hãy làm cho con người đó biến mất trong sự tỉnh thức. Con người chỉ là một mớ ký ức và thói quen. Giữa sự thấy biết về cái không thật và sự thấy biết về bản tánh chơn thật của ông là một hố thẳm, nhưng một khi quán triệt diệu thuật của sự thấy biết thuần túy ông vẫn có thể vượt qua dễ dàng.

H: Tôi chỉ biết là tôi không biết chính tôi.

M: Làm sao ông biết là ông không biết chính cái Ta của ông? Sự sáng suốt trực tiếp của ông cho ông biết rằng ông biết chính ông trước tiên, vì không có gì tồn tại đối với ông nếu không có ông ở đó để kinh nghiệm sự tồn tại của nó. Ông tưởng tượng ông không biết cái Ta của ông, vì ông không thể mô tả cái Ta của ông. Ông luôn luôn có thể nói: “Ta biết Ta hiện hữu”, và bác bỏ phát biểu “Ta không hiện hữu” vì không đúng. Tuy nhiên, bất cứ gì có thể mô tả được đều không phải là cái Ta của ông, và cái mà ông là thì không thể mô tả được. Ông chỉ có thể biết cái Ta của ông bằng cách chính ông mà không có bất cứ cố gắng nào nhằm định nghĩa chính mình và mô tả chính mình. Một khi hiểu được ông không là gì có thể nhận thức được hay có thể tưởng tượng được, bất cứ gì xuất hiện trong phạm trù ý thức đều không thể là cái Ta của ông - thì ông sẽ dùng chính ông để loại trừ mọi sự đồng hóa chính mình như là một phương cách duy nhất khả dĩ đưa ông đến sự nhận thức sâu sắc hơn về cái Ta của ông. Ông tiến tới một cách đơn giản bằng sự tống ra - như một hỏa tiễn. Biết được ông không ở trong thân hay trong tâm, mặc dù ông biết rõ cả hai, đã là biết rõ chính mình.

H: Nếu tôi không phải là thân hay tâm, làm sao tôi biết cả hai? Làm sao tôi có thể nhận thức một cái gì đó hoàn toàn xa lạ với chính tôi?

M: “Không có gì là ta” là bước đầu tiên. “Mọi thứ đều là ta” là bước kế tiếp. Cả hai đều treo trên ý tưởng: “Có một thế giới”. Khi cả ý tưởng này cũng bị loại bỏ thì còn lại cái mà ông là: cái Ta phi đối đãi. Ông là ngay đây và bây giờ, nhưng sự thấy biết của ông bị ngăn che bởi những ý tưởng sai lầm về chính cái Ta của ông.

H: Đúng. Tôi nhìn nhận rằng tôi hiện hữu, tôi đã hiện hữu, và tôi sẽ hiện hữu - ít ra là từ lúc sinh ra cho đến khi chết. Tôi không hoài nghi về sự hiện hữu của tôi, ngay đây và bây giờ. Nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ. Cuộc đời tôi vắng thiếu an vui phát sinh từ sự hài hòa giữa bên trong và bên ngoài. Nếu chỉ có tôi hiện hữu, còn thế giới đơn thuần là phóng ảnh của tôi thì tại sao lại có sự bất tương hợp?

M: Chính ông tạo ra sự bất tương hợp rồi kêu ca! Khi ông tham ái, lo sợ, và đồng hóa chính ông với cảm thọ của ông tức là ông tạo ra đau khổ và ràng buộc. Khi ông sáng tạo - với tình yêu và trí tuệ - và vẫn không bị trói buộc vào những gì ông tạo ra thì kết quả là hài hòa và an lạc. Nhưng dù điều kiện của tâm có thế nào, thì làm sao nó có thể tác động được ông? Chỉ có sự đồng hóa chính ông với tâm ông mới làm cho ông vui mừng hay đau khổ. Nổi loạn chống lại sự lệ thuộc của ông vào tâm, thấy được những ràng buộc của ông là do ông tạo ra, rồi bẽ gẫy những mắt xích của sự ràng buộc và giải thoát. Luôn giữ trong tâm cứu cánh tự do cho đến khi nó bừng nở trong ông thì lúc đó ông đã hoàn toàn tự do. Tự do đó không phải một cái gì trong tương lai xa xôi khiến ông phải trần lao tìm kiếm, mà nó lúc nào cũng là của ông để ông sử dụng! Giải thoát không phải là một sự thụ đắc mà là một thái độ can đảm, can đảm tin rằng ông đã tự do, và hãy hành động dựa trên sự tin tưởng đó.

H: Nếu cứ hành động theo ý tôi thì tôi sẽ đau khổ.

M: Ấy thế mà ông tự do. Hậu quả của các hành động ông làm tùy thuộc vào xã hội mà trong đó ông sống, cùng với những quy ước của nó.

H: Tôi có thể hành động thiếu thận trọng.

M: Cùng với lòng can đảm sẽ xuất hiện trí tuệ và từ bi, cùng kỹ năng trong hành động. Ông sẽ biết phải làm gì, và bất cứ gì ông làm đều lợi lạc cho tất cả.

H: Tôi nhận thấy nhiều phương diện của chính tôi xung đột lẫn nhau và trong tôi không hề có an lạc. Tự do và can đảm, trí tuệ và từ bi ở chỗ nào? Mọi hành động của tôi chỉ đào sâu thêm cái hố thẳm mà trong đó tôi tồn tại.

M: Ông cảm thấy như thế vì ông cho mình là một ai đó, hay một cái gì đó. Dừng lại, quan sát, tìm hiểu, và đặt những câu hỏi đúng, đi đến những kết luận đúng và can đảm hành động theo những kết luận đó rồi xem chuyện gì xảy ra. Những bước đầu tiên có thể làm cho ông hụt hẫng, nhưng rồi sự rối loạn sẽ qua đi và an lạc xuất hiện. Ông biết rất nhiều về chính ông, còn người biết thì ông không biết. Tìm ra ông là ai - người biết của cái bị biết. Kiên trì quan sát bên trong, luôn luôn nhớ rằng những gì được nhận thức đều không phải là người nhận thức. Bất cứ gì ông thấy, nghe, hay nghĩ tưởng đến, thì nên nhớ rằng ông không phải cái đang xảy ra, mà ông là người biết nó xảy ra. Lặn sâu vào trong ý thức “Ta hiện hữu” và chắc chắn ông sẽ khám phá ra trung tâm nhận thức mang tính vũ trụ, tính vũ trụ ấy cũng như ánh sáng soi sáng thế giới. Tất cả những gì xảy ra trong vũ trụ đều xảy ra đối với ông - nhân chứng thầm lặng. Ngược lại, bất cứ gì được thực hiện đều được thực hiện bởi chính ông, nguồn năng lượng vũ trụ và vô tận.

H: Khi nghe nói mình là nhân chứng thầm lặng, là năng lượng vũ trụ thì hiển nhiên ai cũng phấn khởi. Nhưng làm sao từ một phát biểu mang tính ngôn từ một người có thể đạt được cái biết trực tiếp? Nghe suông không có nghĩa là biết.

M: Trước khi có thể biết một cái gì đó trực tiếp, không có sự can thiệp của ngôn từ thì ông phải biết người biết. Cho đến bây giờ ông vẫn xem tâm là người biết, nhưng thật ra không phải thế. Tâm làm cho ông u mê bằng những hình ảnh và ý nghĩ, để lại những vết hằn trong ký ức. Ông cho những gì được ghi nhớ là cái biết. Cái biết thực sự thì luôn luôn tươi, mới, và bất ngờ. Nó dâng trào từ bên trong. Khi ông biết cái ông thì ông cũng cái ông biết.

Giữa biết và hiện hữu không hề có khoảng trống.

H: Tôi chỉ có thể biết tâm bằng tâm.

M: Bằng mọi cách, hãy dùng tâm ông để biết tâm ông. Điều đó hoàn toàn hợp lý và cũng là sự chuẩn bị tốt nhất để ra khỏi tâm. Hiện hữu, biết và hưởng dụng đều là của ông. Điều này rất dễ vì ý thức “Ta hiện hữu” luôn luôn ở với ông. Rồi gặp chính ông là người biết, tách biệt với cái bị biết. Một khi biết được chính ông là sự hiện hữu thuần túy thì niềm vui sướng tự do là của chính ông.

H: Đây là pháp môn Yoga gì?

M: Việc gì phải bận tâm? Lý do khiến ông đến đây là ông không bằng lòng với cuộc sống mà ông biết nó, cuộc sống của thân ông và tâm ông. Ông có thể tìm cách làm cho tâm và thân ông tốt đẹp hơn bằng cách điều ngự và uốn nắn chúng theo một lý tưởng nào đó, hoặc là ông cắt bỏ hoàn toàn cái gút mắc của sự đồng hóa chính mình, và quan sát thân và tâm ông như là một cái gì đó đang xảy ra nhưng không có cách nào ràng buộc được ông.

H: Tôi có thể gọi con đường điều ngự và tu tập là Raja Yoga, con đường của sự thoát ly là Gnana Yoga, và sự tôn thờ một lý tưởng là Bhakti Yoga?

M: Ông muốn gọi cách gì thì túy ý. Ngôn từ chỉ là biểu thị nhưng không giải thích. Điều Ta chỉ giáo là phương cách giải thoát cổ đại và đơn giản nhất - thông qua sự hiểu biết. Hiểu rõ tâm ông thì sự bám víu của nó vào ông sẽ tuột ra. Tâm hiểu biết sai lầm, hiểu biết sai lầm chính là bản chất của tâm. Hiểu biết đúng là cách trị liệu duy nhất, dù ông gọi nó bằng bất cứ danh xưng gì. Đó là phương cách cổ điển nhất và cũng là hiện đại nhất, vì nó giải quyết tâm như chính tâm là.

Không gì ông làm sẽ thay đổi được ông, vì ông chẳng cần thay đổi. Ông có thể thay đổi thân, tâm ông, nhưng luôn luôn vẫn là cái gì đó bên ngoài ông thay đổi, chứ không phải ông. Việc gì phải bận tâm thay đổi? Chỉ cần nhận ra một lần và vĩnh viễn rằng không phải thân, hay tâm ông, mà thậm chí cũng không phải ý thức của ông là chính ông thì ông sẽ đứng riêng một mình trong bản tánh chơn thật của ông bên ngoài cả ý thức lẫn vô thức. Không một cố gắng nào - mà chỉ có sự hiểu biết rõ ràng - mới có thể đưa ông đến đó. Truy nguyên những hiểu biết sai lầm của ông và loại bỏ chúng, tất cả chỉ có thế. Chẳng có gì để kiếm và phát hiện, vì không có gì bị mất. Hãy an nhiên và quan sát cái “Ta hiện hữu”. Giữ an tịnh, tĩnh lặng; thực tại sẽ nổi lên, hay đúng hơn là nó sẽ đem ông vào.

H: Thế không phải trước tiên tôi phải loại bỏ thân và tâm?

M: Ông không thể, vì ngay chính ý tưởng đó ràng buộc ông với thân và tâm. Chỉ cần hiểu và đừng chú ý đến chúng nữa.

H: Tôi không thể không chú ý vì tôi đã hợp nhất được đâu?

M: Cứ tưởng tượng ông đã hợp nhất trọn vẹn, ý nghĩ và hành động của ông hoàn toàn phối hợp. Điều đó sẽ giúp gì cho ông? Nó không giải thoát được ông ra khỏi sự nhận lầm chính ông là thân hay tâm. Mà nó giúp ông thấy một cách chính xác rằng tâm và thân “không phải ông”. Chỉ thế thôi.

H: Ông muốn tôi nhớ để quên?

M: Phải, có vẻ là như thế. Nhưng không phải là không thể. Ông có thể làm được. Hãy bắt đầu một cách thành khẩn. Sự mò mẫm chập choạng của ông đầy hứa hẹn. Chính sự tìm kiếm của ông là sự khám phá. Ông không thể thất bại.

H: Vì chúng ta phân hóa nên mới đau khổ.

M: Chúng ta còn đau khổ khi nào ý nghĩ và hành động của chúng ta còn bị thôi thúc bởi tham ái và lo sợ. Thấy được sự vô ích của tham ái và lo sợ thì nguy hiểm và hỗn loạn mà chúng tạo ra sẽ lắng xuống. Đừng tìm cách thay đổi chính ông, chỉ cần thấy được sự vô ích của mọi thay đổi. Cái thay đổi vẫn tiếp tục thay đổi trong khi cái không thay đổi lúc nào cũng đợi chờ. Đừng mong đợi cái luôn luôn biến dịch đưa ông đến với cái bất biến - điều này không bao giờ xảy ra. Chỉ khi nào thấy được chính ý nghĩ về sự thay đổi là sai lầm và từ bỏ nó thì cái không thay đổi mới có thể xuất hiện ở đúng chỗ của nó.

H: Đi đến đâu ai cũng bảo tôi rằng tôi cần phải thay đổi thật sâu sắc trước khi có thể thấy cái chơn thật. Tiến trình thay đổi có chủ đích và áp đặt cho chính mình được gọi là Yoga.

M: Mọi thay đổi chỉ tác động được tâm. Muốn là cái ông là - ông phải vượt ra ngoài tâm để vào sự hiện hữu của chính ông. Cái tâm mà ông để lại phía sau là gì thì chẳng quan trọng, điều quan trọng là ông để lại nó phía sau vĩnh viễn. Điều này, một lần nữa, là bất khả nếu không có sự giác ngộ chính mình.

H: Cái gì xảy ra trước? Từ bỏ tâm, hay, giác ngộ chính mình?

M: Giác ngộ chính mình chắc chắn phải xảy ra trước. Tâm không thể tự vượt ra khỏi chính nó. Nó phải bùng nổ.

H: Không có sự khám phá trước khi có sự bùng nổ?

M: Năng lượng gây nổ phát ra từ cái chơn thật, nhưng ông phải chuẩn bị tâm sẵn sàng cho vụ nổ. Lo sợ luôn luôn trì hoãn nó cho đến khi một cơ hội khác xuất hiện.

H: Tôi cứ tưởng cơ hội luôn luôn có sẵn.

M: Trong lý thuyết thì đúng. Trong thực tế một tình huống phải xảy ra khi hội đủ tất cả các yếu tố cần thiết cho sự giác ngộ chính mình. Tuy nhiên, đừng nản chí. Sự an trú trong thực tế “Ta hiện hữu” sẽ tạo cho ông cơ hội khác. Vì, thái độ thu hút cơ hội. Tất cả những gì ông biết đều là gián tiếp. Chỉ “Ta hiện hữu” là trực tiếp và chẳng cần đến bằng chứng. Hãy ở với cái “Ta hiện hữu”.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh