Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 23: Những Bài Học Vô Giá Từ Các Loài Chim Tu Hú Nuôi Con

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 23: NHỮNG BÀI HỌC VÔ GIÁ TỪ CÁC LOÀI CHIM TU HÚ NUÔI CON

Thiên chức làm mẹ, được nuôi dưỡng con là tình mẫu tử thiêng liêng mà tạo hóa ban cho muôn loài. Nhưng loài chim tu hú đã từ chối tiếp nhận. Vào mùa sinh sản thay vì làm tổ như các loài khác, tu hú đi tìm cho mình một cái tổ vừa ý, nhưng là tổ của loài khác, sau đó tu hú vào tổ đẻ trứng của mình lẫn vào. Tu hú con lớn lên và trưởng thành nhờ vào sự chăm sóc của loài chim kia. Hiện tượng “đẻ nhờ” và cách hành xử đặc biệt của loài tu hú thể hiện muôn vàn sắc thái trong tự nhiên.

Lý giải hiện tượng này là vì tu hú mẹ chuyên ăn sâu kể cả sâu có nọc độc, vậy nên tu hú trưởng thành có khả năng miễn nhiễm với các loại sâu độc. Nhưng tu hú con chưa có hệ thống miễn nhiễm, nếu ăn phải sâu độc chúng cũng có thể bỏ mạng. Vì thế mà tu hú phải từ bỏ thiên chức làm mẹ để các loài khác nuôi con của mình. Ở một khía cạnh nào đó, qua cách làm của loài chim tu hú đã gợi mở cho ta nhiều bài học trong cách nuôi dạy con.

I. HỌC CÁCH BUÔNG CON RA ĐỂ CHO CON NHẬN ĐƯỢC SỰ GIÁO DỤC TỐT NHẤT

Con người cũng như vậy, có thể áp dụng điều này vào trong giáo dục, gửi con cho người khác nuôi dạy hộ hoặc nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ khác. Dựa vào các mối quan hệ, những người bạn tin tưởng hay tham gia lập một nhóm gồm các bố mẹ nuôi con có chung chí hướng, quan điểm, yêu thương trẻ. Với tư cách người đỡ đầu, người thầy, người tham vấn để thường xuyên gửi hoặc nhận nuôi những đứa trẻ.

Việc gửi ở nhờ hoặc nhận nuôi, có thể tiến hành khi bé trai bước vào tuổi lên 4, đối với bé gái vào tuổi lên 5. Trẻ từ 6 đến 10 tuổi, sẽ tương ứng với số ngày bạn gửi trẻ đi. Từ 11 đến 14 tuổi, lúc này các em có khả năng tự lập, tinh thần muốn khám phá thế giới nhiều hơn, có thể cho trẻ ở nhờ từ tối thiểu hai đến bốn tuần. Tuổi 15 trở đi, lúc này tâm lý các em vô cùng tò mò và muốn khám phá thế giới, đã được mài dũa và chuẩn bị từ nhỏ nên thời gian ở nhờ có thể tiến hành từ một đến ba tháng. Trong một năm có thể tiến hành phương pháp trải nghiệm này từ một đến hai lần.

1. Lợi ích của phương pháp giáo dục khách quan

Tại Việt Nam hình thức giáo dục như vậy vẫn còn được xem như mới lạ, nhiều người sẽ không cảm thấy thoải mái. Thế nhưng, nếu bậc cha mẹ biết cách yêu thương con mình một cách đúng đắn có thể sẽ tán thành bởi những lợi ích mà nó mang lại không hề nhỏ. Với phương pháp này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Thứ nhất, không phải ai sinh con ra cũng biết nuôi dưỡng, giáo dục.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Nên nuôi hộ, có thể giải quyết được vấn đề này.

Thứ hai, khi ở vai trò người đỡ đầu, người thầy, người hỗ trợ, bạn sẽ có góc nhìn rộng, tâm lý thoải mái, không bị vướng bận, nên dễ đánh giá khách quan và cái nhìn bao quát. Từ đó có thể thấy những điểm mù để sửa chữa, việc mà chính bố mẹ đứa trẻ đó cũng không nhận ra.

Thứ ba, mỗi gia đình sẽ có một triết lý và phương pháp giáo dục khác nhau, có thể mang nhiều ưu điểm cũng như khuyết điểm, cả tốt lẫn xấu, tích cực lẫn tiêu cực. Khi đứa trẻ được nuôi hộ, nhận được sự đa dạng trong giáo dục, chúng sẽ trải nghiệm tính hai mặt nên sẽ phát triển cân bằng và toàn diện. Khuyết điểm của gia đình này có thể được bồi dưỡng bởi ưu điểm của gia đình kia. Chẳng hạn, đứa trẻ sống nhà Nam luôn được tự do thỏa mãn và đáp ứng mọi nhu cầu vật chất, dần trở nên buông thả quá mức. Nhưng khi ở nhà Bắc và không còn được thỏa mãn, đáp ứng các nhu cầu vật chất nữa, chúng sẽ học được cách tự chủ các nhu cầu, ham muốn của bản thân, đồng thời đời sống tinh thần cũng trở nên phong phú hơn. Thiếu trải nghiệm ở gia đình này, cũng có thể được bù đắp ở gia đình kia. Chẳng hạn, nếu chỉ ở trong gia đình Nam, đứa trẻ chỉ có bạn Khoai, Nghé, Chíp, Vừng, Cam nhưng khi đến gia đình Bắc, chúng sẽ có thêm nhiều bạn mới. Nhìn xa hơn về tương lai những đứa trẻ như vậy không chỉ có thêm nhiều bạn, mà chúng còn có khả năng hội nhập toàn cầu, tăng cơ hội tương tác giữa người với người, trái tim tâm hồn mở rộng để đón nhận mọi người không phân biệt sắc tộc, màu da, một xu hướng tất yếu của thế giới ngày nay.

2. Bài học cho người lớn

Khi bạn thực hiện được những điều kể trên là bước tiến bỏ đi bớt ham muốn xiềng xích, dám buông tay con ra để chúng nhận được nhiều bài học quý giá. Mỗi bậc bố mẹ hiện nay có thể vẫn ái ngại với cách trên, vì còn nhiều điều lạ lẫm. Bố mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con mình, nhưng đừng bao giờ trao sẵn mà hãy tạo điều kiện để trẻ được tự học hỏi và nhận lấy những gì chúng đáng được hưởng. Bố mẹ Việt luôn xem con mình là những đứa trẻ bé bỏng không bao giờ lớn và luôn cần được mình bảo vệ, chỉ luôn “mớm”. Cứ như thế bao giờ chim non mới rời tổ được. Xin hãy tin tưởng con mình, trẻ có thể làm được những điều bạn không bao giờ ngờ tới. Ai trong chúng ta trước khi làm bố làm mẹ cũng đều là những đứa trẻ, cũng từng luôn hy vọng nhận được sự tin cậy và nhìn nhận của người lớn. Điều đứa trẻ cần là môi trường tốt để bản thân tự phát triển, chứ không phải một cái lồng do bạn tạo ra để bảo vệ trẻ. Nên sẽ thật tuyệt vời nếu bạn tạo điều kiện cho các em được mở rộng môi trường học hỏi, bỏ qua mọi thành kiến trước đó, cùng nhau chung tay vì sự phát triển của trẻ em.

Mua đá năng lượng:

Khi tiến hành phương pháp giáo dục này, bạn còn nhận được bài học lớn là mở rộng tình yêu thương. Bạn không chỉ đóng khung, giới hạn trái tim tâm hồn biết yêu thương mình ở chỉ một hai đứa con nữa mà có rất nhiều đứa con. Những đứa trẻ xa lạ đến nhà bạn ở, được bạn chăm sóc, nuôi dưỡng. Bạn sẽ tập cho những đứa trẻ đó cách gọi mình “là bố, là mẹ”. Không cần phải sinh thêm con, nhưng sẽ có nhiều đứa trẻ gọi bạn “bố ơi…! mẹ ơi…!”. Hãy tin tôi, nếu không phân biệt con mình hay con người khác, yêu thương những đứa trẻ như thể đó là con mình từ cả bên ngoài lẫn bên trong, từ trong hành động lẫn ý nghĩ. Đứa trẻ cũng sẽ luôn nhớ, yêu thương, coi bạn như bố mẹ ruột thịt của chúng vậy. Chúng yêu thương, hiếu kính, tôn trọng bố mẹ chúng thế nào, thì sẽ thể hiện tình cảm đó với bạn như vậy.

Đây là hành trình vượt lên chính mình, vượt lên mọi đánh giá, phán xét từ thế giới bên ngoài. Bạn sẽ sợ, lo lắng, vì nghĩ nếu đứa trẻ trong thời gian ở nhà mình nếu có xảy ra vấn đề gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây, người ngoài sẽ nghĩ gì về mình, nhận định thế nào. Tóm lại, bạn bị chi phối bởi các tác nhân bên ngoài, thậm chí lẫn bên trong khi tiếp nhận những đứa trẻ, thì mọi tương tác, tác động không còn khách quan nữa. Nên nhiều người sẽ quan tâm, chăm sóc, bao bọc thái quá đối với những đứa trẻ đó. Như vậy lại quay về cách giáo dục theo hình thức. Đừng sợ hãi bạn à! Hãy làm hết khả năng, bằng tình yêu trong trái tim mình, đừng làm gì khiến bạn áy náy với lương tâm là được. Việc người khác nói gì, đánh giá hay phán xét đó là bài học của họ, bạn cảm thấy mình như thế nào mới quan trọng.

Thế giới đi đâu mà trái tim tâm hồn con người cũng mang theo tâm thức rằng tất cả đều là một gia đình. Bạn xem ai ai cũng như bố mẹ, anh chị em ruột thịt. Bạn đón nhận, đối xử với mọi người bằng tình yêu. Từng lời nói, hành động, ý nghĩ đều xuất phát từ yêu thương, mong muốn người kia được vui vẻ, hạnh phúc. Thế giới như vậy hạnh phúc, đáng yêu và đáng sống biết bao nhiêu. Đó không phải mơ mộng, mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, tất cả đều thu được từ việc cho trẻ tiếp nhận một sự đa dạng trong giáo dục.

Giáo dục là phương pháp dạy con người làm chủ và chuyển hóa dục vọng từ thấp hèn lên thanh cao.

  1. ĐẶC TÍNH CỦA CHIM TU HÚ LÀ ĂN CẢ THỨC ĂN ĐỘC HẠI, NÊN KHÔNG THỂ NUÔI CON. ĐỐI VỚI CON NGƯỜI, ĐỐI VỚI VIỆC NUÔI DƯỠNG TRẺ EM THÌ “THỨC ĂN ĐỘC HẠI” LÀ GÌ?

Hiện nay văn hóa ăn uống của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung bị ảnh hưởng bởi phương Tây do quá trình thực dân hóa, đô hộ và sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc suốt thế kỷ XIX, XX.

Sau nhiều thế hệ, nó đã hoàn toàn thay thế lối ăn truyền thống bằng lối ăn mới, hình thành nên văn hóa, nhận thức, định nghĩa, tư tưởng khác so với cách ăn của người phương Đông ngày xưa. Ở đó thay vì thực đơn chủ đạo mà người phương Đông thường dùng, là ngũ cốc nguyên hạt, rau, củ, quả và hải sản - ăn thực dưỡng. Giờ đây được thay thế bằng thịt, cá, trứng, sữa và đường, hay còn gọi là ăn mặn - thức ăn công nghiệp.

Còn bây giờ chúng ta hãy cùng nhau xem liệu cách ăn thực dưỡng hay ăn mặn, thức ăn thuận theo tự nhiên so với thức ăn công nghiệp. Đâu mới là thức ăn thực sự tốt cho con người, là thực phẩm đáng để chọn lựa cho con và gia đình.

Đầu tiên nên xét đến vấn đề dinh dưỡng như ăn đủ chất, cần khẳng định rằng vấn đề này đã được mang ra đàm luận rất nhiều. Có người phủ định việc ăn thực dưỡng, thiếu chất, lại có người cho rằng ăn thực dưỡng vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng và ai cũng cho mình đúng. Bản thân tôi từ nhỏ đến năm 24 tuổi ăn mặn, cũng như hàng triệu người trên thế giới này đã được thuyết phục rằng chỉ có ăn mặn mới thực sự đủ chất, mà chưa bao giờ hoài nghi về lý thuyết đó dù chỉ một lần. Nhưng đến năm 24 tuổi chuyển sang ăn thực dưỡng, tuy nhiên tôi vẫn thấy cơ thể ổn, hoạt động bình thường, thậm chí sức bền tăng lên đáng kể. Không những thế sau hai năm thay đổi thói quen ăn uống, tôi bắt đầu cảm nhận những điều chưa bao giờ được cảm nhận như sự cân bằng, thanh khiết, nhẹ nhàng trong cơ thể.

Lương y Ngô Đức Vượng là tác giả của nhiều đầu sách ở Việt Nam trong đó có cuốn “Minh triết trong ăn uống của phương Đông”. Khi nói về vấn đề dinh dưỡng trong nhiều hội nghị thì có một giáo sư, tiến sĩ đứng lên hỏi ông một cách ngông nghênh rằng: “Ông có biết ăn chay là thiếu chất không?”. Với câu hỏi có phần cực đoan như vậy, ông Ngô đã trả lời như sau: “Theo như sự hiểu biết có chứng nghiệm của tôi, người nào nói ăn chay thiếu chất thuộc 3 loại người sau đây. Một là không hiểu biết gì cả. Hai là quá tham ăn. Ba là vừa tham ăn vừa không hiểu biết.”

Chúng ta đã và đang sống trong thời đại mà có quá nhiều niềm tin và hiểu biết sai lệch ăn sâu trong tiềm thức của mọi người, biến nó thành chân lý cho riêng mình. Nhưng ít ai lại tự chất vấn bản thân rằng những gì mình tin, mình biết nó xuất phát từ đâu, tính xác thực ra sao? Trong cuộc sống, con người cần phải giao tiếp và chia sẻ trải nghiệm với nhau, bởi vì thế họ chuyển những trải nghiệm của mình thành thông tin và chia sẻ nó thông qua ngôn ngữ. Quá trình này chắc chắn sẽ mắc sai sót. Vì thế, khi tiếp nhận một nguồn tin từ người khác, bạn nên nhìn nhận đấy là một gợi ý để tự kiểm chứng tính đúng sai của nó dưới lăng kính trải nghiệm thực sự từ bản thân, rồi hãy chấp nhận.

Sau vấn đề dinh dưỡng, thì thức ăn xanh hay ăn mặn, đâu mới thực sự là thức ăn hoàn hảo dành cho con người?

Thức ăn cần phù hợp với cấu trúc sinh lý của cơ thể. Cấu tạo của con người từ móng tay, hàm răng, dạ dày, đều nói lên rằng cơ thể con người được tạo hóa ban tặng để nhai những thức ăn thực dưỡng, chứ không phải là thức ăn mặn.

Thức ăn cần thuần khiết, mỗi loài phù hợp với một loại khác nhau. Chẳng hạn, nếu bạn chạy một chiếc xe máy, mà không đổ loại xăng phù hợp với động cơ loại xe đó thì chuyện gì sẽ xảy ra. Xe vẫn có thể vận hành được, nhưng trong quá trình vận hành nó sẽ có trục trặc, trong khi sử dụng sẽ phải bảo trì, sửa chữa thường xuyên, sẽ tốn nhiều thời gian, tiền của và chắc chắn rằng tuổi thọ và độ bền của chiếc xe sẽ bị giảm đi đáng kể. Cơ thể con người phản ứng với thức ăn cũng như vậy, nếu ăn thức ăn không sạch, không được thuần khiết, nó sẽ không giết chết bạn ngay, nhưng sẽ giết chết bạn từ từ. Cho nên nếu muốn sống khỏe và sống thọ, thì nên ăn những thức ăn thuần khiết. Điều này cũng đã được Bác sĩ Alexis Carel, người đã được giải thưởng Nobel về y khoa năm 1912 đã từng làm thí nghiệm như sau. Ông tin rằng tất cả các tế bào có thể tiếp tục phát triển vô hạn định, nếu được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và trong một môi trường tinh khiết. Ngày 17.1.1912 tại Viện nghiên cứu Y học Rockefeller, Carrel bắt đầu thí nghiệm việc đặt mô cấy từ phôi tim gà trong một chai Pyrex có đậy nút do chính ông thiết kế. Ông duy trì việc nuôi cấy sống này trong hơn 20 năm với việc cung cấp thường xuyên các chất dinh dưỡng. Thí nghiệm này dài hơn tuổi thọ bình thường của một con gà. Và ở đây ăn thực dưỡng là loại thức ăn thuần khiết phù hợp với cơ thể con người.

Về mặt sinh học nếu bạn chú ý quan sát sẽ dễ dàng thấy rằng cùng độ tuổi 19 đến 20 như nhau, nhưng người phương Đông xét về ngoại hình trẻ hơn nhiều so với người phương Tây. Đó là bởi vì việc ăn mặn sẽ đẩy nhanh quá trình tăng trưởng về sinh học của cơ thể, làm cho cơ thể phát triển nhanh hơn, khiến người ta mau lớn và chóng già (về ngoại hình).

Nên ăn thực dưỡng là một giải pháp hữu hiệu để kéo dài tuổi thanh xuân.

Vì lòng nhân đạo, khi bạn chuẩn bị giết thịt một loài nào đó để sử dụng vào bữa ăn. Cảm giác đau đớn oằn oại của thể xác mà loài vật chịu đựng khi bị cắt cổ lột da đâu khác gì loài người khi bị cảnh tương tự? Chẳng qua các cảm xúc của chúng tùy từng loài mà thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, chúng cũng biết kinh sợ, đem hết khả năng để tự vệ và tẩu thoát trước cái chết đang đe dọa. Trong tình trạng như thế, bản năng muốn được sống, được tồn tại đâu có khác gì con người. Tại sao bạn lại ăn một con vật đang đau khổ? Nhưng chính chúng ta khi tự cho mình là kẻ mạnh được quyền ăn kẻ yếu, cũng đâu khác gì những loài thú ăn thịt động vật nhỏ bé. Giữa hai cách làm giống nhau nhưng một bên có ý thức, một bên theo vô thức bản năng, vậy bên nào đáng trách hơn? Chúng ta xem chúng là nguồn thức ăn duy trì sự sống của con người, nên mặc nhiên giết thịt chúng cũng coi là chuyện bình thường. Đó là cái lý của loài người chúng ta mà thôi. Mạng sống của mình thì coi trọng, mạng sống của loài khác thì bạn nhẫn tâm dẫm đạp. Nên về mặt trình độ phát triển nhân tính, Con người đang tiến hóa hay tha hóa đây? Ăn thực dưỡng hay ăn mặn mới phù hợp với nhân tính, sự thiện lương trong tâm hồn con người, quyết định là ở bạn.

Dân số tăng nhanh mất kiểm soát, nhưng Trái Đất thì không to hơn được, dẫn đến nhu cầu về thực phẩm tăng cao, cộng với đà suy thoái đạo đức. Con người đã lạm dụng mọi phát minh khoa học tiến bộ nhất để tác động vào sự sinh trưởng phát triển bất tự nhiên cho gia súc gia cầm, dẫn đến mầm móng bệnh tật vô số kể trong các loại thực phẩm. Nhưng nếu chuyển sang chế độ ăn thực dưỡng thì nhu cầu thực phẩm sẽ được giải quyết, thức ăn có đủ cho tất cả. Ăn thực dưỡng sẽ giúp giải quyết được vấn nạn về lương thực và sức khỏe cho nhân loại.

Việc lựa chọn thức ăn cũng như nghe nhạc, mỗi người sẽ chọn nghe những bài nhạc phù hợp với bản thân mình. Tư tưởng, văn hóa, đạo đức, tâm hồn, trí tuệ của một người như thế nào ắt sẽ tương thích với một loại âm nhạc như thế đó. Một người học cao hiểu rộng, biết yêu thương đồng loại, biết đau cái đau của người khác, biết rung động trước cái đẹp, cái thi vị của cuộc đời sẽ thưởng thức một loại âm nhạc nào đó tương ứng với tâm hồn, trí tuệ của người ấy và ngược lại.

Thế nên, cảnh giới của một người ở tầng nào thì họ chỉ cảm được loại âm nhạc tương thích với tâm hồn, với trí tuệ, với văn hóa của họ ở tầng đó. Đừng nói với họ về những loại âm nhạc vi diệu và độc đáo ở một tầng cao hơn, khi đó chắc chỉ có một số rất ít người có chút niềm tin, còn đa số họ sẽ tỏ ra hoài nghi và phản bác ngay thôi. Chẳng bao giờ ta đem toán học cao cấp bậc đại học giảng dạy cho một đứa bé mới học lớp một. Cũng như vậy ta chẳng nên đem thứ âm nhạc ở một cảnh giới cao hơn mà trình bày, diễn giải với một kẻ còn ngụp lặn nơi những tầng thấp hun hút phía dưới kia. Điều này phù hợp với quy luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nên chẳng có ai đúng cũng không có người sai.

Tương tự thức ăn cũng chia ra nhiều cấp bậc khác nhau, có loại ô trược, nặng nề, có loại thanh khiết, nhẹ nhàng, có loại loạn động, cũng có loại ôn hòa. Tùy vào tâm thức, nhận thức của mỗi người và sự tiến hóa của từng linh hồn, mà họ sẽ chọn ăn thức ăn như thế nào hợp với tâm tính và trình độ phát triển tâm hồn trí tuệ của mình. So sánh, phân biệt, đả kích làm chi, mọi người được tự do và tự chịu trách nhiệm chọn lựa ăn thực dưỡng hay ăn mặn cho phù hợp với nhân tính của bản thân.

III. THỨC ĂN CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM KHÔNG CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ NHỮNG DƯỠNG CHẤT TIÊU HÓA THÔNG THƯỜNG, MÀ CÒN LÀ NHỮNG DƯỠNG CHẤT VỀ TINH THẦN VÀ TÂM HỒN

THÔNG QUA BA YẾU TỐ THÂN TÂM TRÍ

1. Thân

Đầu tiên phải nói đến bảo vệ và xây dựng hình ảnh của bản thân bên trong trẻ. Việc tạo dựng hình ảnh của bản thân có liên quan như thế nào với việc nuôi dạy trẻ? Trẻ em từ lúc sinh ra cho đến trước tuổi đi học, bố mẹ luôn là những đối tượng trẻ tiếp xúc nhiều nhất. Bên cạnh được giáo dục trực tiếp, trẻ còn được gián tiếp học hỏi thụ động qua việc nhìn và bắt chước. Cách học hỏi gián tiếp như vậy trẻ không thể tự chọn lọc ra những gì đúng và chưa đúng để học mà luôn tiếp nhận một cách vô thức. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Chẳng hạn ở Việt Nam chúng ta thường bắt gặp nhiều hình ảnh khạc nhổ, vứt rác không đúng nơi quy định, người ta có thể tùy ý đại tiểu tiện ở mọi nơi, mà không có dù chỉ một chút cảm giác xấu hổ? Đây là do những năm tháng đầu đời của người đó, đặc biệt giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi, trong môi trường sống đã chứng kiến nhiều tấm gương không tốt. Khi thấy người lớn hơn hành động một cách thiếu ý tứ và họ lại được tùy ý đi tiểu ở trước sân, ngoài đường, không bị giới hạn bởi không gian, khi họ đi vào phòng vệ sinh bố mẹ cũng theo bên cạnh. Như vậy họ đã vô thức học được những hành vi trong khuôn mẫu tiêu cực, đồng thời lại đánh mất đi sự xấu hổ khi bị ai đó “nhòm ngó”, nên lâu dần họ cảm thấy sự việc đó bình thường. Các thói quen hành vi này đã được hình thành từ những năm đầu đời và theo năm tháng khi họ trưởng thành, hành vi đó sẽ vẫn còn tiếp nối và hiện hữu. Khi lớn lên nó diễn ra một cách vô thức mà không thể cảm nhận trên bình diện ý thức của bản thân, rằng những điều đó cũng chẳng mấy hay ho.

Vì vậy khi tiếp xúc với trẻ, bạn cần liên tục chất vấn bản thân những hành vi, cử chỉ như vậy có ổn hay không? Trẻ học trong vô thức, nhưng người dạy phải có ý thức. Những hình ảnh đầu tiên chụp vào mắt trẻ, sẽ là những hình ảnh định hình tâm hồn trí tuệ và thói quen hành xử của các em. Hiểu được điều này bạn có thể chủ ý tác động và tạo dựng môi trường xứng đáng cho trẻ học hỏi.

Chẳng hạn, trong đời sống hằng ngày, muốn trẻ hình thành nếp văn hóa khi đi vệ sinh. Trước hết bạn cần là người “giải quyết” đúng nơi đúng chỗ. Rồi khi trẻ muốn đi tiểu hay đại tiện, luôn hướng dẫn con đến nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu của mình.

Muốn hướng dẫn con giá trị của lòng trung thực, bản thân bạn cần thực hiện nghiêm chỉnh điều này, sau đó tạo ra môi trường phát triển cho trẻ. Chẳng hạn, tôi hay cố tình làm rơi tiền, rồi lại vờ như mình nhặt được tiền, lúc này tôi hỏi: “Có phải tiền của các con không, nếu không phải tiền của mình thì không nhặt, cứ để đó.”

Muốn chỉ con giá trị của tính tiết kiệm, thì trước hết bạn hãy là tấm gương cho con, hãy dùng đủ nước khi rửa tay, ra khỏi phòng tắt điện, lúc không dùng quạt nên tắt đi.

Muốn hướng dẫn con bảo vệ môi trường và sự hòa hợp giữa con người với vạn vật xung quanh, trước hết bạn hãy là người thực sự yêu môi trường. Những hành động như khi ăn xong bạn bỏ rác vào thùng, thay vì dùng ly nhựa, ống nhựa uống nước một lần rồi vứt bạn có thể mang theo ly để đựng nước, dùng ống hút hữu cơ thay thế, thay vì đựng đồ ăn bằng ni lông, bạn có thể gói lại bằng lá hoặc túi cá nhân. Rồi từ những chi tiết nhỏ như vậy, bạn có thể giúp trẻ mở rộng kết nối những sự vật sự việc tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau, chỉ ra rằng đều có sự gắn kết, ảnh hưởng mật thiết với nhau trong một vòng tuần hoàn. Như vậy sau này con bạn lớn lên còn có khả năng kết nối và tư duy tổng quan.

Giá trị của con người thể hiện qua những việc họ làm, chứ không phải vật chất họ sở hữu.

2. Tâm

Tâm là hạt nhân cốt lõi định hình con người. Tâm bạn bên trong như thế nào sẽ biểu hiện rõ ra bên ngoài như thế đó, nên có câu: “Tâm sáng dung mạo sáng” hay “Tâm sinh tướng”. Dung mạo bên ngoài và năng lượng lan tỏa ra xung quanh, sẽ thể hiện rõ nhất tâm ý bên trong bạn thường hay nghĩ đến điều gì. Tướng tốt mà tâm lại xấu thì cũng dần biến tướng và ngược lại.

Có câu chuyện như sau: Tô Đông Pha là người rất hâm mộ Đạo Phật và ông cũng tự xem mình như một Phật Tử. Ông thường đàm luận thân mật với các thiền sư. Sách thiền tông lục có chép một câu chuyện về tâm ngã mạn của Tô Đông Pha như sau. Đông Pha có một thiền sư thân tình là Phật Ấn, ông này rất lỗi lạc. Một hôm Tô Đông Pha đến chơi chùa, cùng ngồi thiền với nhà sư. Trong khi ngồi thiền, bỗng thấy an lạc xuất hiện.

Xả thiền xong, Tô rất vui vẻ hỏi nhà sư: “Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế giống cái gì?”

“Trông ngài giống như Đức Phật”. Tô nghe thế vui lắm.

Thiền sư hỏi lại: “Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?”

Tô đáp: “Trông ngài ngồi thiền giống một đống phân bò.”

Phật Ấn không nói gì cả, trên đường về Tô cười suốt dọc đường, nghĩ bụng hôm nay ta đã thắng lão hòa thượng đó một phen rồi. Bị ta nói là đống phân bò mà không hề bẻ lại được câu nào cả. Tô về khoe với em gái là Tô Tiểu Muội: “Hôm nay anh đã qua mặt được lão sư già đó rồi!”

Tiểu Muội hỏi chuyện gì, Tô hào hứng kể lại, Tiểu Muội cười ầm lên, Đông Pha càng hào hứng.

Tiểu Muội nói: “Muội cười là cười huynh kìa, huynh lại thua lão hòa thượng đó rồi.”

Tô ngạc nhiên hỏi thế nào?

Tiểu Muội đáp: “Tâm lão hòa thượng là tâm Bồ tát, nên thấy ở người khác những cái đẹp, điều thiện. Còn tâm của huynh thì toàn phân bò nên huynh thấy hòa thượng như đống phân bò, tâm huynh như thế mà làm sao bằng được tâm lão hòa thượng.”

“Tô Đông Pha ngày nay” thật nhiều. Họ đặt nặng hình thức bên ngoài, ăn mặc kiểu cách, trang sức đắt tiền, đi xe sang, ở nhà rộng, vẻ ngoài được đánh bóng trau chuốt tỉ mỉ đến từng lỗ chân lông, nhưng nội tâm khác gì tên họ Tô kia. Mỗi người nên tự quay vào bên trong nhìn lại chính mình, sửa đổi nội tâm, thanh lọc tâm hồn.

Cách tốt nhất để rèn luyện Tâm là nhìn vào mặt tích cực của vạn vật, trái tim trở nên rộng mở và bạn mới có thể thực lòng yêu thương vạn vật. Học cách nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề và dù có gặp khó khăn nhưng vẫn hoan hỷ đối mặt. Lúc đó tâm thức đi lên, bạn sẵn sàng buông bỏ tham, sân, si, mọi oán thù, ganh ghét, đố kị cá nhân, tha thứ cho mọi lỗi lầm của bản thân, tự biết chăm sóc yêu thương, biết ơn hơn. Lúc đó cơ thể của bạn chỉ toàn là những dòng năng lượng tích cực, rung động lên cao thì đó cũng chính là tiến hóa.

Nói thì dễ nhưng để làm được rất khó, vì đây là cuộc chiến tự đấu tranh với chính mình, kết quả không có kẻ thắng người thua mà điều quan trọng là bạn trở nên như thế nào. Một khi dám tự đấu tranh với chính mình, bạn đã có một khởi đầu tuyệt vời. Khi tâm hồn trở nên trong sáng, sản sinh năng lượng tích cực, chất chứa những điều hay ý đẹp thì cơ thể sức sống, tâm hồn, cảm xúc của con bạn cũng sẽ được nuôi dưỡng chừng ấy.

3. Trí

Trẻ em sinh ra chưa có ngôn ngữ ổn định nên dạy tiếng Việt trẻ sẽ nói tiếng Việt, dạy tiếng Anh trẻ nói được tiếng Anh, không dạy ngôn ngữ trẻ không biết nói và ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc vào người chúng hay tiếp xúc. Bạn dùng lời nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, hài hước và trí tuệ, con bạn cũng sẽ học được cách nói như thế và ngược lại. Do đó, bạn hãy chú ý trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mình trước “đôi tai” của trẻ nhỏ, vì mọi lời bạn nói ra dù xấu hay tốt, thể hiện trí tuệ hay ngu ngốc đều được trẻ vô thức tiếp nhận và học hỏi.

Đồng thời, thay vì cung cấp cho trẻ nhiều thông tin, kiến thức quá sớm làm đứa trẻ già trước tuổi, trí óc sớm đóng băng, lớn lên dễ trở thành con người có lối tư duy duy vật thuần túy, hãy cho các em tiếp xúc với thơ ca, thấm đẫm tính nhân văn, giàu tình yêu thương phù hợp để nuôi dưỡng tâm hồn mộng mơ của trẻ thơ. Điều này không chỉ giúp trẻ em phát triển ngôn ngữ mà còn gieo mầm trí tuệ cho các em. Dưới đây là một vài bài thơ, được trích dẫn từ tập sách “Đức Phật với tuổi thơ” của thầy Thích Nhuận Trường, để bạn đọc có thể tham khảo:

  • Con cá cũng có mẹ
  • Nên thả nó về nhà
  • Bụt khuyên em như thế
  • Yêu muôn loài quanh ta
  • Dâng Bụt đóa sen thanh
  • Con nguyện làm việc lành
  • Tập nói lời hiền dịu
  • Như chim hót trên cành

IV. BẠN ĐÃ BIẾT “THỰC PHẨM ĐỘC HẠI” CẦN TRÁNH CHO TRẺ, VẬY CŨNG CẦN BIẾT ĐIỀU NGƯỢC LẠI “THỰC PHẨM BỔ DƯỠNG” LÀ GÌ?

1. Định hướng giáo dục

Câu chuyện về người huấn luyện cá Voi và bài học trong cách tương tác với con người. Người huấn luyện cho biết, cá Voi dạy cho chúng tôi cách làm việc với đồng loại của chúng, điều đầu tiên chớ nên chọc giận nó, điều thứ hai là lòng kiên nhẫn. Chúng tôi tìm hiểu sở thích của từng chú cá, rồi nhảy xuống nước chơi đùa với chúng cho đến khi chúng tin tưởng và đáp lại chúng tôi. Nghĩa là chúng tôi đã hoàn toàn thuyết phục được chúng, chúng tôi chỉ tập trung vào khía cạnh tích cực như thường xuyên cho chúng phần thưởng và đồ ăn mỗi khi chúng thực hiện tốt yêu cầu của chúng tôi. Khi chúng không thực hiện hoặc làm không tốt những yêu cầu, thì chúng tôi bỏ qua và lập tức chuyển hướng chú ý của cá voi đến những điều mà cá voi thích thú. Khi thực hiện tốt rồi chúng tôi quan sát xem chúng có thực hiện đúng phần nào điều chúng tôi mong đợi hay không để khen thưởng. Có nghĩa là chúng tôi không áp dụng hình phạt để ép chúng luyện tập.

Con người cũng vậy, đặc biệt là đối với cách bạn tiếp cận với trẻ em. Đầu tiên không nên làm trẻ sợ, có cảm giác căng thẳng vì sẽ khởi động tính năng não bò sát. Với cách cũ khi trẻ làm được điều gì đó tốt, tích cực bạn xem như việc hiển nhiên. Còn khi trẻ làm sai, hay có những khiếm khuyết bạn lại nhấn mạnh, chỉ trích, trách phạt, hăm dọa. Cách này không mang lại kết quả tốt mà còn rất tiêu cực.

Thức ăn bổ dưỡng ở đây là phương pháp hiệu quả học được từ người huấn luyện cá voi: “Tập trung vào ưu điểm thay vì khuyết điểm; nhấn mạnh mặt tích cực thay vì mặt tiêu cực; khen ngợi thay vì chỉ trích; yêu thương thay vì giận dữ; bỏ qua chuyện nhỏ, những sai lầm vặt vãnh coi như không có hoặc nên làm lơ cho qua.”

2. Tập trung tạo ra sức mạnh không thể nghĩ bàn

Phương pháp này có thực sự hiệu quả và hiệu quả của nó ra sao? Khi người Nhật trồng cà chua cho ra số lượng quả khổng lồ trên một cây, cả thế giới đã sửng sốt. Tất cả chúng ta đã tò mò và tự hỏi tại sao họ có thể làm được điều đấy. Đó là nhờ vào sự cải tiến trong cách trồng trọt truyền thống sang phương pháp trồng rau thủy canh, phương pháp này cho thu hoạch 10.000 quả cà chua từ một cây duy nhất. Có thể chúng ta sẽ hỏi làm sao lại có chuyện như vậy được, câu trả lời đơn giản đến kinh ngạc là hãy tạo ra một môi trường tốt để trồng cây cà chua. Tất nhiên là thực vật mọc lên từ đất, nhưng với phương pháp thủy canh, rễ mọc trong nước hút được chất dinh dưỡng cần cho cây và bởi vì cây không phải vận hết năng lượng để trồi lên khỏi mặt nước, rễ cây có thể phát triển tự do và dễ dàng tìm được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Bằng cách này cây cà chua có thể tận dụng được tất cả các tiềm năng của mình.

Tương tự đối với con người, khi bạn bỏ qua khuyết điểm và những điểm còn hạn chế. Tập trung vào ưu điểm, sở trường những mặt tích cực của người đó để nhìn nhận, tận lực phát triển, người như vậy được gọi là thiên tài. Phẩm chất của một thiên tài có ở trong tất cả chúng ta, vì ai cũng có ít nhất một, hay thậm chí cùng một lúc có nhiều loại thế mạnh.

Có nghĩa là khi trẻ còn nhỏ, nếu các em thể hiện niềm yêu thích của mình vào một bộ môn, lĩnh vực nào đó, bạn nên giúp trẻ phát triển ở lĩnh vực đó lên tột cùng. Phát triển tài năng này để là sự đặc biệt duy nhất mà chỉ nó mới có được và làm tốt đến như vậy. Chẳng hạn, khi nhắc đến võ thuật người ta liền nghĩ ngay đến Lý Tiểu Long, nhắc đến nhạc POP người ta nghĩ đến Michael Jackson, nói đến hội họa người ta nghĩ đến Vincent Van Gogh, Pablo Picasso, nhắc đến từ bi, trí tuệ người ta nghĩ đến Đức Phật, nói đến tình yêu thương người ta nghĩ đến Chúa Giê-su.

Ai cũng thăng hoa được thế mạnh của mình lên vĩ đại thì thế giới này sẽ trở nên đặc sắc thế nào. Lúc đó mỗi người chẳng khác gì là một Vũ Trụ thu nhỏ, lung linh, ảo diệu và bạn là độc nhất là duy nhất. Mọi người đều có cái để học hỏi trải nghiệm lẫn nhau. Tôi giỏi cái này, anh giỏi cái kia. Anh cho tôi trải nghiệm thế giới này, vũ trụ kia và tôi cũng trao cho anh những gì mà chỉ tôi mới có. Để làm được điều đó, cách nuôi dưỡng và đào tạo trẻ sẽ trải qua một số giai đoạn làm nền tảng cơ bản như sau:

Giai đoạn một, từ 0 đến 7 tuổi: là giai đoạn bạn hiểu trẻ cần gì, để hỗ trợ trẻ tốt nhất trên lộ trình riêng của mỗi em. Tức là bạn cần đánh thức tiềm năng sẵn có bên trong của chúng. Để nhận biết được điều này, cách tốt nhất cho trẻ con được tự do ngoài thiên nhiên, thoải mái trải nghiệm và môi trường để vui chơi. Rồi quan sát xem trẻ thích chơi cái gì, việc gì trẻ đặc biệt hứng thú và trẻ làm tốt một cách dễ dàng mà không cần nhiều nỗ lực thì đó là thế mạnh của trẻ.

Sau khi nhận diện được thế mạnh của trẻ thì bạn cần tạo vết khắc trong tiềm thức một cách tích cực, bằng cách cho trẻ trải nghiệm điều chúng thích thật vui vẻ. Giai đoạn này chưa nên đưa sự nghiêm khắc, kỷ luật, dập khuôn vào để rèn luyện mà nên cho các em được tự do sáng tạo. Đồng thời chúng ta cần cho trẻ một nền tảng đạo đức vững chắc, chỉ cần điều chỉnh khi phát hiện chúng đang đi xa cái gốc đạo đức mà thôi, thì sau này đứa trẻ tự biết sẽ cần làm gì.

Giai đoạn hai, từ 8 đến 14 tuổi: bạn cần giúp trẻ duy trì, nuôi dưỡng niềm đam mê, mài dũa chúng như một thân cây lớn. Bạn cần tạo điều kiện thuận lợi cho con sống trong môi trường có những chất xúc tác cần thiết. Cụ thể, con bạn muốn trở thành ca sĩ, nên thường xuyên cho chúng đến các buổi hòa nhạc, xem một vài chương trình ca hát, gặp một vài ca sĩ chúng yêu thích. Nếu điều kiện không cho phép, bạn có thể giúp con mua tranh ảnh, sách báo, tài liệu có liên quan đến lĩnh vực con thích. Cho con tìm hiểu về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ca sĩ hoặc tạo điều kiện cho các sáng kiến, ý tưởng của con được áp dụng vào thực tế. Chính những điều như vậy sẽ tạo nên chất xúc tác, năng lượng to lớn để nuôi dưỡng tài năng cho con. Ngoài ra cần nuôi dưỡng phẩm chất bên trong cho cơ thể như ý chí, cảm xúc, tình yêu, lòng tốt để làm nền tảng phát triển dài lâu cho trẻ về sau.

Phát triển tiềm năng như một bông hoa hướng dương, chỉ tập trung nuôi dưỡng một bông hoa duy nhất để tất cả dinh dưỡng có thể dồn về một. Dù rằng, cây có thể cho ra nhiều hoa nhưng hãy chỉ để lại một bông chăm sóc, để nó phát triển tươi tốt nhất, to nhất, đẹp nhất, rạng rỡ nhất, đắt giá nhất, dưới ánh nắng mặt trời. Phát triển tiềm năng con người cũng như vậy. Một người có thể học và giỏi nhiều ngành nghề, nhưng chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực mà mình yêu thích, là thế mạnh nhất của mình để có thể dành hết mọi trí lực, thời gian, tâm tư tình cảm vào đó.

Giai đoạn ba: tuy nhiên một cây không chỉ có hoa mà còn có cành, có lá, con người cũng như vậy, ngoài một ngành nghề chủ đạo còn nên biết quan sát, học hỏi thêm các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, ngoài sự phát triển thế mạnh chính của mình là ca hát các em cũng nên tìm hiểu, học hỏi sang các lĩnh vực khác như Ngoại ngữ, Địa lý, Văn hóa, Lịch sử, Võ thuật, Tâm lý học, Tôn giáo,… có thể không cần phải giỏi hay hiểu biết quá sâu sắc về các mảng này. Tuy nhiên, cần học và tìm hiểu thêm để bổ sung cho ngành nghề chính. Nên với trẻ từ 15 đến 21 tuổi, khi tư duy trên đà phát triển, chúng sẽ hiểu mình cần làm gì là tốt cho bản thân. Nên từ bên trong các em sẽ khởi phát niềm mong muốn học tập, nhằm nâng tầm đam mê. Chúng sẽ thực sự cố gắng học, chủ động tìm hiểu đưa mình vào kỷ luật, tự nghiêm khắc với chính mình, nỗ lực xuất phát từ bên trong, chúng hoàn toàn chủ động theo một cách tự nhiên. Tóm lại, khi chúng đã có niềm đam mê thì bạn không cần phải dạy chúng nữa, hãy để chúng tự bơi, để chúng tự làm chủ cuộc đời và tỏa sáng theo cách chúng muốn.

Do đó, trong giai đoạn này cần hướng các em mở rộng sự học hỏi đến những lĩnh vực khác để tìm hiểu và phát triển thêm nữa nhằm hỗ trợ cho ngành nghề chính mà mình theo đuổi.

Giai đoạn bốn: từ 22 tuổi trở lên các em đã lớn, chúng hoàn toàn có khả năng độc lập tự phát triển thế mạnh của mình lên cao hơn nữa. Chúng đã được trang bị mọi công cụ cần thiết để tự lao động, tự học hỏi, tự đi trên đôi chân của mình. Đến giai đoạn này có hai điều cần lưu ý. Thứ nhất, thế giới bên ngoài phản ánh thế giới bên trong chúng ta, nên cần đi sâu vào tìm hiểu và khám phá về bản thân. Càng đi vào nội tâm, thế giới tâm hồn càng phong phú, biết hoàn thiện nhân cách, đạo đức, con người bên trong càng có trí tuệ thì năng tài, năng khiếu sẽ được hiển lộ càng tinh tế, có chiều sâu và tỏa sáng chừng ấy. Thứ hai, cần học Đạo. Khi có Đạo và biết cách đưa Đạo vào ứng dụng như Đạo trong giáo dục, Đạo trong võ thuật, Đạo trong âm nhạc, Đạo trong thiết kế, Đạo trong kinh doanh, Đạo trong chính trị, Đạo trong giao tiếp... thì tài năng của mỗi người đều có thể thăng hoa lên vô cùng vô tận.

Tuy nhiên nếu làm ngược lại thì hại vô cùng. Cũng đứa trẻ đó từ 8 đến 14 tuổi, có đam mê về ca hát, nhưng ngoài ca hát bạn còn nhồi nhét vô số thứ để cho trẻ phải học khác như Ngoại ngữ, Lịch sử, Tâm lý học, Sinh học, Toán học,… không những không có lợi gì mà còn có hại vô cùng. Bởi vì lúc đó đứa trẻ chưa có ý thức rằng tại sao mình cần phải học nhiều như thế, bên trong đứa trẻ chưa thực sự hiểu và chúng chưa có động lực để hành động. Mọi tác động đến từ bên ngoài đều là không chân thật và không thực sự hiệu quả. Thứ hai, làm đứa trẻ già trước tuổi vì phải học quá nhiều thứ cùng một lúc, không đúng giai đoạn. Thứ ba, làm kiệt quệ tư duy, trí năng của đứa trẻ. Vì đáng lẽ ra trong lúc nó cần dùng năng lượng để đi nuôi dưỡng cơ thể vật lý, thể cảm xúc, thể sức sống,… nó lại phải dùng để phát triển tư duy, trí não, khiến chúng kiệt quệ tư duy ở giai đoạn về sau.

3. Hướng đến thế giới tích cực

Điều gì thực sự xảy ra trong chính bản thân con người nói chung và bên trong một đứa trẻ nói riêng khi được giáo dục theo phương pháp này? Ở Nhật Bản người ta đã thực hiện nhiều thí nghiệm như sau. Họ trồng hai cây hoa lan hay hoa hồng: “Một cây thì khi đến tưới nước mà đồng thời người tưới cũng đang cãi cọ với ai đó vào tận trong nhà, tiếng cằn nhằn lây tới cả cây bông và cây bông nghe tiếng chửi người khác nên nó cũng bị tần số của lời nói hay tần số của tư tưởng như những mũi tên màu tím “tưới” vào. Dần dần nó cũng ủ rủ, thời gian sau không nở hoa nữa, đôi khi lác đác cũng có vài bông thì cũng rất mau tàn. Riêng cây lan hay hồng được trồng ở chỗ khác xa hơn dù trong nhà, mà khi đến tưới nước trong sạch, nói lời ngọt ngào với nó, vuốt ve, cưng nó như con, thì cùng thời gian với cây lan kia, bông hoa trổ to và rất đẹp, lâu tàn”.

Bài học thứ hai trong thí nghiệm về nước của Tiến sĩ Masaru Emoto, Chủ tịch Viện Hado Quốc tế đã ghi nhận: “Khi tận mắt chứng kiến các tinh thể được hình thành từ nước, sau khi được nghe những từ ngữ như tình yêu thương, lòng biết ơn, lời lẽ tốt lành, những tinh thể này thành hình rất đẹp. Những từ ngữ tích cực mang lại tinh lực cho nước để thể hiện cuộc sống đầy đủ nhất. Không những thế, hành động quan sát tinh thể nước chính là quá trình hình thành sự sống. Vì người ta thấy rằng, khi chúng ta nhìn vào những tinh thể, nước thay đổi diện mạo liên tục, suy nghĩ biểu hiện qua ánh mắt có năng lượng đặc biệt của riêng nó, ánh mắt thiện cảm sẽ có tính khích lệ, ánh mắt ác ý sẽ có tính phá hủy.”

Sự chú ý tích cực hay tiêu cực của bạn đối với điều gì đó cũng là một dạng cung cấp năng lượng, một dạng thức gây tổn thương lớn nhất, dù có thể chỉ đơn giản là không quan tâm. Nếu suy nghĩ có thể tác động đến nước, hãy thử tưởng tượng điều mà suy nghĩ có thể làm đối với chúng ta và con trẻ. Đây là một trong những hiểu biết mang tính đột phá trong công cuộc đổi mới, khai sáng nền giáo dục ở thế kỷ XXI. Sở trường của một người đã được xác nhận và tập trung phát triển đồng nghĩa với việc bản thân người đó đã được khẳng định và quan tâm đúng mức. Việc tiếp theo đó chính là sự khích lệ, động viên, bằng những lời lẽ, ngôn từ tích cực mang tính xây dựng, sẽ tạo ra nguồn năng lượng dồi dào để trẻ phát triển.

Từ nước, cỏ cây, đến muông thú đều phản ứng như thế, con người trước những tác nhân kích thích ở trên cũng như vậy, điều này hoàn toàn hợp với luật vạn vật đồng nhất. Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy một số ít đứa trẻ ở Việt Nam được sống trong môi trường giáo dục tốt, hoặc hầu hết những trẻ em ở phương Tây thường có khuôn mặt tràn đầy năng lượng, rạng ngời và tươi sáng. Ngược lại, phần lớn trẻ em ở đất nước ta nói riêng cũng rất dễ thương, đáng yêu nhưng nhìn kĩ những đứa trẻ này thường lại ít tươi sáng, kém rạng ngời và hơi nhút nhát. Sự khác nhau này không đến từ người da trắng, da đen, di truyền hay về vị trí địa lý, mà do phương pháp nuôi dạy đã ảnh hưởng đến các em.

Những đứa trẻ ở phương Tây được nuôi dạy với năng lượng tích cực mà ở đó bố mẹ đặt niềm tin vào chúng, được tôn trọng, khen ngợi, động viên, chúng nhận được sự quan tâm và lời khẳng định bản thân. Các tinh thể nước phản ứng tuyệt vời trước những lời yêu thương và năng lượng tích cực cũng giống như cơ thể con người vậy, vì cơ thể chúng ta có hơn 70% là nước.

Ngược lại ở Việt Nam, phần lớn chúng ta vẫn chưa biết cách yêu thương và thể hiện tình cảm với trẻ đúng mực, rằng các em cũng có nhu cầu được tôn trọng, tin tưởng và được khẳng định bản thân. Các em thường xuyên bị trêu chọc, bỏ rơi, bị những lời tiêu cực tấn công dẫn tới việc phủ nhận bản thân: “Mình thật kém cỏi”; “Thật chẳng có gì đặc biệt”; “Yếu đuối và ngốc nghếch”,… dù vô tình hay cố ý, lời nói từ bố mẹ hoặc bất kỳ ai cũng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ. Lớn lên trong cách yêu thương này, khuôn mặt và tâm trí của các em cũng sẽ dần trưởng thành và chịu ảnh hưởng không khác gì như cách mà các tinh thể nước biến dạng trước những lời nói tiêu cực.

Tâm trí bên trong sẽ biểu hiện ra hình hài của người đó, muốn xây dựng cho trẻ một cái Tâm tốt thì ngay từ nhỏ cần dạy trẻ bằng tình thương yêu rộng lớn, sự quan tâm, vị tha, sự chia sẻ, lòng khoan dung, sống hướng thượng và tư duy tích cực.

Thí nghiệm của Tiến sĩ Emoto cho ta biết rằng nước ghi lại được những trải nghiệm, những mốc thời gian, khoảnh khắc mà chúng đi qua. Nước ghi nhận thông tin và mang đến cho chúng ta biết ký ức về lịch sử qua cách chúng phản ứng trước ngôn từ. Đó cũng là lý do tại sao các nhà khoa học tìm hiểu lịch sử nhân loại của Trái Đất hàng trăm triệu năm về trước, mong biết được điều gì đã thực sự xảy ra vào những khoảng thời gian đó bằng cách khoan sâu vào trong những tảng băng ở Bắc Cực để tìm kiếm những bí ẩn. Một người giỏi quan sát khi nhìn vào đôi mắt và khuôn mặt đứa trẻ, cũng có thể cơ bản hình dung được cuộc sống và cách thức giáo dục mà các em được nuôi dạy.

Nước cũng có ký ức: Mỗi giọt nước có một hình dạng khác nhau

Nhìn đôi mắt, cảm nhận năng lượng, bạn có thể hiểu và biết đối phương là người như thế nào.

Từ 8 đến 14 tuổi điều gì là quan trọng đối với đứa trẻ?

Nếu như nhiệm vụ cần được hoàn thành của trẻ từ 0 đến 7 tuổi là tập trung năng lượng để hoàn thiện cơ thể vật lý. Thì giai đoạn 8 đến 14 tuổi có một nhiệm vụ khác là mối quan tâm đến thể sức sống cho trẻ. Sự phát triển thể sức sống của trẻ em chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm xúc và tinh thần của người lớn. Cảm xúc tích cực, tinh thần của người lớn ổn định chừng nào thì thể sức sống của trẻ sẽ được nuôi dưỡng chừng ấy.

Ngoài ra một số thứ luôn kết hợp với thể sức sống mà bạn cần xem xét như là “nhịp điệu và thói quen”. Vì lý do này giáo dục tại nhà phải làm cho được nhiệm vụ là giúp trẻ thiết lập nền tảng vững chắc cho cuộc sống dựa trên nhịp điệu và thói quen tốt. Những người hành động mỗi ngày mỗi khác, thiếu sự ổn định trong nhịp điệu và thói quen sống thường ngày, về sau sẽ dần mất đi nghị lực, trở nên mất cân bằng và thiếu sức sống.

Giữa độ tuổi từ 8 đến 14, nhiệm vụ của người làm giáo dục tại nhà là thiết lập nền tảng cho những nhịp điệu và thói quen tốt cho các em. Trẻ nhỏ chưa có khả năng kiểm soát nhịp điệu, nên cần có người lớn giúp đỡ, thiết lập một nhịp điệu vững vàng. Nhưng nhịp điệu cũng phải mang sự hài hòa như hơi thở. Do vậy cần có những kế hoạch, lịch trình mà ở đó sẽ được lặp đi lặp lại đều đặn, nhịp nhàng hàng ngày và quanh năm suốt tháng. Nhịp điệu được lặp lại trung bình ba mươi ngày sẽ hình thành nên những thói quen tốt, đó là khoảng thời gian cần thiết để nó đi vào thể sức sống.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh