Đối Thoại Của Thánh Catarina Sienna: Chương 2. Ơn Trở Nên Giống Chúa Kitô P5

ĐỐI THOẠI CỦA THÁNH CATARINA SIENNA: CHƯƠNG 2. ƠN TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA KITÔ P5

Dấu hiệu để biết linh hồn đã đạt tới lòng yêu mến hoàn hảo.

  1. Bây giờ Cha phải nói cho con hay: lấy dấu nào để biết linh hồn đã đạt tới lòng yêu mến hoàn hảo. Chính là dấu hiệu người ta thấy nơi các môn đệ Chúa Kitô, sau khi các ông lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các ông đã ra khỏi nhà tiệc ly, được thoát khỏi mọi sợ hãi, các ông đi loan báo lời Chúa và rao giảng giáo lý của Con Một Cha. Thay vì sợ hãi, các ông đã lấy làm vinh dự vì được chịu đau khổ và nhục nhã (Cv 2:4; 5:41). Các ông đã không sợ ra trước mặt quan quyền để làm nhân chứng và vạch cho thế gian biết chân lý, để danh Cha cả sáng.

Đối với linh hồn chờ đợi Cha đến trong sự nhận biết mình cũng thế. Cha trở lại với nó bằng lửa đức ái của Cha. Trong khi được giữ kín trong nhà cách kiên trì, đức ái này đã làm nó sinh ra nhân đức, bằng cách cho nó tham dự vào quyền năng của Cha, sức mạnh của Cha, sự cao cả của Cha, và nhờ đấy nó thắng được tính tự ái và dục vọng của nó.

Vì đức ái này, Cha cho linh hồn tham dự vào sự khôn ngoan của Con Cha. Nhờ sự khôn ngoan này, mắt trí tuệ nó nhìn thấy và nhận biết Đấng Chân Lý của Cha, những gian dối của tính tự ái thiêng liêng, lòng yêu mến bất toàn hướng về những an ủi cho bản thân. Nó cũng nhận ra sự dối trá và độc ác mà ma quỷ đã lừa dối những linh hồn, còn bị cầm giữ trong sự trói buộc của lòng mến bất toàn. Và nó cảm thấy nổi dậy trong nó sự chê ghét tình trạng bất toàn, để lòng mến yêu bậc hoàn thiện và cố gắng đạt cho được.

Lòng mến yêu này chính là Chúa Thánh Thần ban mình Ngài cho nó trong ý chí, thông ban cho nó sức mạnh của Ngài, gợi lên trong nó ước ao chịu đau khổ, và muốn ra khỏi phòng tĩnh tâm để thực hiện những việc tốt lành cho tha nhân. Sự thật, nó không đi khỏi căn phòng nhỏ của sự biết mình, nó chỉ đem ra ngoài những nhân đức mà nó đã ôm ấp trong tâm tình yêu mến, để làm cho các nhân đức này sinh hoa kết trái bằng nhiều cách, tuỳ theo nhu cầu của tha nhân. Nó không còn sợ hãi khi vắng bóng sự an ủi thiêng liêng, như Cha đã nói với con ở trên. Một khi đã đạt tới lòng mến yêu trọn hảo và quảng đại, nó ra đi bên ngoài, mà không nghĩ gì về mình nữa.

Như vậy, linh hồn đạt tới bậc thứ bốn, nằm trong bậc thứ ba, là bậc hoàn thiện. Trong bậc thứ bốn này, nơi linh hồn hưởng nếm và sinh ra tình thương tha nhân, bậc cao nhất trong sự thông hiệp với Cha. Hai bậc ba và bốn này phối hiệp với nhau, bậc này không thể có mà không có bậc kia; tình yêu đối với Cha không thể tách rời khỏi tình thương đối với tha nhân, và tình thương đối với tha nhân không thể tách rời khỏi tình yêu đối với Cha. Về hai bậc trọn lành này cũng thế, bậc này không thể có nếu không có bậc kia, như Cha sẽ giải thích cho con.

Những kẻ bất toàn chỉ muốn đi theo Chúa Cha mà thôi, còn những kẻ trọn lành thì đi theo Chúa Con. Về một thị kiến, trong đó linh hồn nhìn thấy nhiều phép rửa khác nhau.

  1. Cha đã trình bày cho con thấy người ta thoát khỏi thân mình cách nào, và đó là dấu chỉ để nhận ra một linh hồn đã rời khỏi sự bất toàn và đạt tới mức hoàn thiện. Vậy, con hãy mở mắt trí tuệ ra mà nhìn họ chạy: những người trọn lành chạy trên cây cầu giáo lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh, đó là kỷ luật của các con, đường đi của các con, giáo huấn của các Con hãy xem mắt trí tuệ của họ chỉ nhìn thẳng vào khuôn mẫu là Chúa Kitôchịu đóng đinh, chứ không nhìn vào khuôn mẫu nào khác.

Họ không lấy Cha làm mẫu để bắt chước, như các kẻ chỉ có lòng mến bất toàn, những kẻ không muốn chịu một sự đau đớn nào hết. Vì ở nơi Cha không có đau khổ, và vì chúng chỉ tìm sự an vui ở nơi Cha, cho nên chúng đến với Cha, không phải để tìm kiếm Cha, nhưng để tìm kiếm sự an ủi.

Những người trọn lành không làm như thế. Họ say sưa và như bị thiêu đốt bởi lòng yêu mến, họ đã tập hợp ba tài năng của linh hồn lại, được biểu thị bằng ba bậc của cây cầu. Họ đã bước lên cả ba bậc, tức ba trạng thái, được tượng trưng nơi Thân thể Chúa Kitô chịu đóng đinh, Con Một Cha. Sau khi đã leo qua bậc thứ nhất, với hai bàn chân của tâm tình, linh hồn lên tới cạnh sườn của Ngài, ở đó, nó tìm thấy bí mật của trái tim: nó được biết phép rửa bằng nước là phép có thần lực rút từ Máu Thánh. Nơi đó, linh hồn nhận được ân sủng của phép rửa thánh, và trở thành cái bình chứa ân sủng trộn lẫn với Máu Thánh.

Đâu là nơi linh hồn biết mình có được phẩm giá cao trọng này, là được thông hiệp và hoà lẫn với Máu Con Chiên, khi nhận lãnh phép rửa thần lực của Máu Thánh? Nơi cạnh sườn Con Cha, nơi nó nghiệm thấy lửa của đức ái thần linh. Nếu con còn nhớ, đó là điều Đấng Chân Lý nhập thể đã tỏ bày cho con, khi con hỏi Ngài: Ôi, Con Chiên không tì vết, Ngài đã chết khi cạnh sườn Ngài bị mở ra. Tại sao Ngài lại muốn Trái tim Ngài bị đâm và mở ra như thế? Ngài đã trả lời con, chắc con chưa quên: vì nhiều lý do, và Thầy sẽ nói cho con nghe những lý do chính. Sự ước ao của Thầy đối với loài người thì vô cùng, mà hành vi đau khổ của các cực hình lại hữu hạn. Qua những đau khổ này, Thầy không thể tỏ bày cho các con thấy Thầy yêu thương các con dường nào, vì đây là một tình thương vô biên. Bởi vậy, Thầy đã muốn mặc khải cho các con nhìn xem trái tim đã mở ra, để các con hiểu Trái Tim Thầy yêu thương các con, hơn như Thầy đã tỏ ra bằng những đau đớn hữu hạn.

Máu và Nước chảy ra từ trái tim Thầy tượng trưng cho phép Thánh tẩy bằng nước, mà các con lãnh nhận nhờ thần lực của Máu Thánh. Máu cùng Nước đã đổ ra biểu thị phép rửa bằng Máu mà người ta lãnh nhận bằng hai cách. Cách thứ nhất là được thanh tẩy bằng chính máu của họ đổ ra vì Thầy: máu này có thần lực nhờ Máu của Con Cha, và thay thế cho phép Thánh tẩy không thể nhận lãnh. Cách thứ hai là được thanh tẩy bằng lửa, tức bằng lửa yêu mến và ước ao lãnh nhận phép Thánh tẩy mà không có thể lãnh nhận. Không có phép Thánh tẩy bằng lửa mà không có Máu, bởi vì Máu đã được kết hợp và hoà lẫn với lửa đức ái thần linh, khiến Máu đổ ra.

Phép rửa bằng máu còn một cách khác, nói theo nghĩa bóng. Do sự quan phòng đặc biệt của đức ái thần linh, Cha biết rõ sự yếu đuối và mỏng dòn của con người, khiến nó xúc phạm đến Cha. Không phải sự yếu hèn hay một nguyên nhân nào khác có thể cưỡng bức nó phạm tội, nếu nó không muốn; nhưng nó yếu đuối, và vì yếu đuối nó chiều theo, nó phạm tội trọng. Như vậy, nó mất ân sủng đã nhận được trong phép Thánh tẩy, nhờ thần lực của Máu Thánh. Vậy, đức ái thần linh của Cha phải lập nên phép Thánh tẩy bằng Máu, sẽ còn mãi, để người ta được lãnh nhận ơn tha tội bằng sự thống hối ăn năn và cáo tội mình ra, nếu có thể, với các thừa tác viên của Cha, những người đã được Cha trao cho chìa khoá của Máu Thánh. Các thừa tác viên của Cha rảy Máu này trên linh hồn khi đọc ngôn thức tha tội. Nếu như không có thể xưng tội, thì thống hối trong lòng cũng đủ.Khi đó, bàn tay nhân từ của Cha sẽ ban cho các con hoa trái của Máu châu báu này. Ai có thể xưng tội thì phải xưng, Cha muốn như thế. Ai có thể xưng tội mà không xưng, sẽ không hưởng hoa trái của Máu Thánh.

Thật vậy, vào giờ chết, nếu ai muốn xưng tội mà không thể làm được, thì cũng nhận được hiệu quả của Máu Thánh. Nhưng đừng có ai điên rồ để cậy dựa vào giờ phút sau hết này, bởi sự ngoan cố của nó có thể sẽ phải nghe lời công thẳng của Cha như sau: “Mi đã không nhớ đến ta trong cuộc sống của mi, khi mi còn có thể, thì nay đến lượt Ta, Ta cũng không nhớ đến mi trong giờ chết”. Vậy, không ai nên trì hoãn như thế; tuy nhiên, chính lúc ấy tội nhân vẫn phải trông cậy cho đến cùng, trông cậy được thanh tẩy trong Máu Thánh. Con thấy đó, phép thanh tẩy bằng máu này còn chảy mãi.

Như vậy, những đau khổ của thập giá đã chấm dứt, nhưng hoa trái của những đau khổ, các con được lãnh nhận nơi phép Thánh tẩy, thì vô cùng, bởi thần lực của bản tính Thiên Chúa đã kết hợp với bản tính loài người: Ngôi Lời đã mặc lấy bản tính loài người của các con, đã chịu những khổ hình đó. Vì hai bản tính này kết hợp với nhau trong một Ngôi Lời, Con Một Cha, đã gánh lấy những đau khổ, với tình thương vô biên, cho nên công việc này phải kể là vô cùng. Những thương tích, những đau khổ nơi thân thể Con Cha không có tính vô cùng, cả sự thao thức xao xuyến của lòng ước ao thực hiện việc cứu chuộc cũng không có tính vô cùng: những đau đớn này đã kết thúc và chấm dứt trên thập giá, khi linh hồn Con của Cha rời bỏ thân xác của mình. Nhưng hoa trái của cuộc khổ nạn và của lòng ước ao ơn cứu độ cho các con thì vô cùng, và các con sẽ lãnh nhận mãi bất tận. Nếu không vô cùng, thì ơn cứu chuộc không thể tràn ra để cứu vớt toàn thể nhân loại trong mọi thời đại, quá khứ, hiện tại, tương lai. Nếu hoa trái của Máu Thánh có ngày vơi cạn, nếu thần lực của Máu Thánh không vô cùng, thì những người xúc phạm đến Cha sau khi lãnh phép Thánh tẩy bằng nước, sẽ không thể phục hồi ân sủng khi lỡ phạm tội.

Đó là điều mà cạnh sườn Con Cha rộng mở đã mặc khải cho các con: người ta có thể đọc thấy ở đó bí mật của Thánh Tâm Ngài. Bởi đấy, các con sẽ hiểu được Ngài thương yêu các con, một bằng chứng tình yêu lớn hơn bằng chứng bởi những đau khổ hữu hạn của Ngài. Vậy, Cha đã tỏ cho thấy Cha yêu thương các con vô cùng. Lấy gì chứng thực điều đó? Phép Thánh tẩy bằng Máu hoà với lửa tình thương của Cha, bởi vì do yêu thương mà Máu Thánh đã đổ ra.

Phép Thánh tẩy được ban cho mọi người Kitô hữu và tất cả những ai muốn lãnh nhận, để linh hồn kết hợp với Máu Thánh, đó là phép Thánh tẩy bằng nước, nhưng nước đã được kết hợp với Máu và lửa. Từ cạnh sườn của Con Cha mở ra, Máu và Nước đã chảy xuống tưới gội linh hồn; nói thế là để con hiểu lý do tại sao Máu cùng Nước chảy ra từ cạnh sườn Con Cha.

Linh hồn lên tới bậc thứ ba, tới miệng của Chúa Kitô. Cái chết của ý riêng là dấu hiệu linh hồn đã lên tới bậc đó.

  1. Tất cả những gì Cha vừa nói với con, thì Đấng Chân Lý dịu hiền của Cha đã trình bày cho con. Nhân danh Ngài, Cha lặp lại cho con nghe, để con hiều được vẻ đẹp của một linh hồn đã leo lên bậc thứ hai này, là nơi nó được ơn hiểu biết, và được thiêu đốt bởi một tình yêu nồng nhiệt, để linh hồn lên thẳng bậc thứ ba, nghĩa là lên tới miệng; ở đấy, nó biết nó đã tới bậc trọn lành. Đi tới bằng con đường nào? Linh hồn qua trái tim, nghĩa là nhớ lại nó đã được thanh tẩy lần nữa bằng Máu. Tại đây, nó giũ bỏ sự yêu mến bất toàn, nhờ sự hiểu biết do trái tim thân thương này thông cho trong lúc nó chiêm ngắm, hưởng nếm, và cảm nghiệm lửa đức ái của Cha.

Một khi đã đạt tới miệng, nó làm công việc của miệng. Miệng phát ra tiếng nói bằng lưỡi; bằng vị giác, miệng nếm các thức ăn để chuyển xuống bao tử. Với bộ răng, miệng nghiền nát các thức ăn để có thể nuốt vào bụng. Linh hồn cũng làm như vậy. Nó nói với Cha bằng lưỡi của sự ước ao thánh thiện, nghĩa là bằng cái lưỡi cầu nguyện thánh thiện và chuyên chăm. Lưỡi phát âm ra ngoài và trong tâm trí. Nó tâm sự với Cha, khi dâng lên Cha những ước nguyện tâm tình trìu mến cho ơn cứu độ cho các linh hồn. Nó nói ra bên ngoài, khi nó loan báo giáo lý của Đấng Chân Lý Con Cha, khi cảnh cáo, khi khuyên răn, khi tuyên xưng đức tin mà không sợ bắt bớ hay đau khổ, thế gian có thể gây ra cho nó. Một cách hăng say, nó mang Thánh danh Cha trước mặt mọi tạo vật, theo nhiều cách khác nhau, tùy bậc sống của nó cho phép.

Cha nói nó ăn, vì nó đói: nó dùng thức ăn cứu vớt các linh hồn, vì hiển danh Cha, trên bàn tiệc Thánh giá. Thật ra, không có thức ăn nào khác, không bàn tiệc nào khác có thể làm cho nó no thoả hoàn toàn. Cha nói nó lấy răng nghiền nát thức ăn, nếu không, nó không thể nuốt được. Sự chê ghét và lòng mến yêu là như hai hàm răng trong miệng của niềm ước ao thánh: thức ăn, nó sẽ nghiền nát bằng sự từ bỏ bản thân mình và bằng lòng mến yêu nhân đức của nó và của tha nhân. Cha nói nó nghiền nát tất cả mọi lăng mạ, mọi khinh bỉ, mọi xúc phạm, mọi nhạo báng, mọi mắng nhiếc, những bách hại, đói, khát, rét, nóng bức, những mồ hôi nước mắt, vì ơn cứu độ các linh hồn. Không ai can ngăn được nó, khi phải làm gì liên hệ đến vinh danh Cha, nó nâng đỡ và chịu đựng tha nhân.

Khi hàm răng đã nghiền nát rồi, thì đến lượt vị giác. Linh hồn nếm hoa trái lao khổ của mình, nó thưởng thức món ăn này của các linh hồn trong lửa yêu mến Cha, và tình thương tha nhân. Thức ăn xuống tới bao tử, đang khát khao và đói khát các linh hồn; bao tử nói đây là tình yêu chân thành, là đức ái đầy yêu thương đối với ơn cứu độ tha nhân. Linh hồn thấy của ăn này rất hợp vị và rất ngon lành, nó ăn cách say sưa đến nỗi quên đi mọi lo nghĩ cho thân xác nó, để thưởng thức món ăn trên bàn tiệc Thánh giá và giáo lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Khi ấy, linh hồn phát triển bởi những nhân đức chân thật và vững chắc. Nó phát triển đến nỗi, do sức tràn đầy của thức ăn này, làm nổ tung cái áo của dục vọng, tức thân xác, vẫn bao phủ nó. Mà ai bị nổ tung như thế thì chết, cho nên từ nay ý muốn tình cảm của xác thể đã chết luôn. Tính tự ái đã chết, sự thèm muốn tình dục không còn, vì linh hồn sống trong Cha, sống cùng một ý muốn là Thánh ý Cha. Đó là dấu hiệu linh hồn đạt tới bậc thứ ba của miệng, nó đã giũ bỏ hết ý riêng, được nếm sự ngọt ngào đức ái của Cha; và nhân đấy, nó tìm được sự bình an và nghỉ ngơi, không ai quấy phá được.

Những kẻ đạt tới bậc này sẽ sản sinh ra các nhân đức đối với tha nhân, mà không cảm thấy đau đớn gì. Không phải vì họ không còn đau khổ, nhưng ý muốn tình cảm đã chết, nên họ vui lòng chịu mọi đau khổ vì Thánh danh Cha. Họ hăng hái chạy trên con đường của Chúa Kitô chịu đóng đinh; họ đi theo giáo lý của Ngài, và không gì có thể chặn lại bước tiến của họ, dầu là sỉ nhục hay bách hại, dầu là vui sướng mà thế gian muốn dành cho họ. Họ bước qua tất cả các thứ đó, với một sức mạnh không gì suy chuyển, nhưng vững vàng không ai gây phiền hà được, tâm hồn họ biến đổi hoàn toàn bởi đức ái, họ nếm và thưởng thức của ăn ơn cứu độ các linh hồn, họ sẵn sàng cam chịu mọi sự vì ơn cứu độ ấy.

Những điều này nói lên tình trạng một linh hồn yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn, không vì chút lợi lộc nào. Nếu nó yêu bản thân mình, nếu nó chỉ thương yêu tha nhân vì lợi ích, nó đã chẳng có sự kiên nhẫn này, nó đã bỏ cuộc hoặc chậm lại trên quãng đường nó chạy. Từ nay, chính Cha là Đấng nó yêu mến, một tình yêu vì Cha là Sự Thiện tối cao và vô cùng đáng yêu mến. Nó yêu mến bản thân, cũng phải vì Cha; nếu nó yêu thương tha nhân, thì cũng phải vì Cha, và vì hiển danh Cha. Đó là lý do tại sao chịu đau khổ mà nó vẫn nhẫn nại, mạnh bạo và vững tâm.

Những công việc của linh hồn đã đạt tới bậc thứ ba.

  1. Nhẫn nại, mạnh bạo, vững tâm, là kết quả vinh quang của đức tin rất thánh: đó là ba nhân đức vinh hiển được xây trên nền trên đức ái đích thực; chúng ở trên ngọn cây đức ái. Với ba nhân đức này và với ánh sáng này, linh hồn chạy nhanh trên con đường Chân Lý, không gặp một chút bóng tối. Linh hồn được nâng lên rất cao bởi niềm ước ao thánh thiện, nên không gặp chướng ngại nào. Ma quỷ không thể ngăn cản nó bằng những chước cám dỗ: ác quỷ rất sợ những linh hồn những linh hồn cháy lửa đức mến. Những lời vu khống lăng mạ cũng không thể ngăn cản nó được, cho dù là bách hại của thế gian, nhưng nó làm cho thế gian sợ hãi. Chính lòng nhân lành của Cha cho phép có những thử thách đó, để củng cố nhân đức của những người trọn lành, làm cho họ lớn lên trước mặt Cha và trước mặt thế gian, khi họ khiêm nhường tự hạ.

Con hãy nhìn xem các thánh của Cha; chư vị đã làm cho mình nên bé mọn, nhưng Cha đã làm cho các ngài trở thành những vĩ nhân muôn đời, ở nơi Cha vì Cha là Sự Sống vĩnh vửu, và ở trong nhiệm thể của Hội Thánh vì Hội Thánh cử hành việc tưởng niệm kính nhớ các ngài; tên các ngài đã được ghi vào cuốn sách Hằng Sống (Xc Kh 13:8). Con thấy chưa, thế giới tôn kính các thánh vì các ngài đã coi thường thế gian.

Nếu các đầy tớ của Cha che giấu nhân đức của họ thì không phải vì sợ hãi mà vì khiêm nhường. Nếu người ta cần đến sự phục vụ của họ, họ không lẩn tránh vì sợ phiền hà hay sợ mất an ủi, nhưng một cách can đảm họ dấn thân phục vụ, quên mình và hiến cả mạng sống. Bằng bất cứ cách nào, nếu họ bỏ mình và tiêu hao thời giờ vì danh Cha, họ luôn vui mừng, họ tìm thấy bình an và thư thái trong tâm hồn. Tại sao thế? Vì họ không phục vụ vì sở thích, nhưng theo ý muốn của Cha; bởi vậy, họ luôn luôn sẵn sàng. Mọi hoàn cảnh đều tốt cho họ, dẫu là an bình hay gian nan, thuận lợi hay bất lợi. Bất lợi hay thuận lợi đối với họ đều như nhau, bởi vì trong mọi sự, họ luôn nhìn vào Thánh ý Cha, họ không có lo nghĩ nào khác, ngoài việc làm theo Thánh ý Cha ở mọi nơi, trong mọi lúc.

Họ thấy rằng: không có gì được tạo thành mà không do Cha, và mọi sự đã được sự quan phòng của Cha xếp đặt, hết mọi sự trừ tội lỗi, vì tội lỗi không là gì cả. Bởi vậy, họ kinh tởm tội lỗi vì tội lỗi là hư vô. Bởi vậy, họ xa lánh tội lỗi và đầy lòng kính trọng đối với tất cả những gì là hữu thể. Tư tưởng này làm cho họ vững tâm và không có gì có thể lay chuyển được ý chí của họ, vì họ theo con đường Chân Lý. Họ phục vụ tha nhân cách trung thành, không bao giờ nhìn vào sự dốt nát hay sự vô ơn của tha nhân. Đôi khi họ phải hứng chịu những lời chửi rủa hoặc những lời mắng nhiếc của kẻ dữ, nhưng không gì có thể làm họ chùn bước trên đường làm việc lành, không gì ngăn cản họ kêu lên trong khi họ cầu nguyện để xin Cha tha thứ. Họ chỉ đau đớn vì những xúc phạm của tha nhân đối với Cha, và những tai hại mà kẻ dữ gây ra cho linh hồn chúng, chứ họ không nghĩ gì đến những thiệt thòi của mình. Họ tự nhủ bằng những lời của Phaolô, vị tông đồ vinh hiển của Cha: “Thế gian nguyền rủa chúng tôi, còn chúng tôi thì chúc lành; người ta bách hại chúng tôi, còn chúng tôi thì cam chịu. Cho đến bây giờ, chúng tôi bị tống ra ngoài như đồ phế thải và rác rưởi của thế gian” (1Cr 4:12-13).

Con rất yêu dấu của Cha, đó là dấu hiệu để nhận ra linh hồn đã rời bỏ lòng mến yêu bất toàn, và đã đạt tới lòng yêu mến trọn hảo. Trong tất cả các dấu hiệu này, dấu hiệu sáng tỏ nhất là đức nhẫn nại, giúp nó bước đi theo vết chân Con Chiên vẹn sạch, Con Một Cha. Trên Thánh giá, nơi Ngài chịu đóng đinh vì yêu thương, Ngài đã không chấp những lời thách thức của người Do Thái: “Ông hãy xuống khỏi thập giá bây giờ đi, chúng tôi sẽ tin ông” (Mt 27:42). Sự vong ân bội nghĩa của các con đã không ngăn cản Ngài vững vàng trong đức vâng lời mà Cha đã đặt cho Ngài, và sự nhẫn nại của Ngài lớn lao đến nỗi người ta không nghe một lời than trách nào cả. Đó là khuôn mẫu và là giáo lý, mà các con yêu dấu của Cha và các tôi tớ trung thành của Cha phải theo.

Bằng dụ dỗ hoặc bằng đe doạ, thế gian muốn kéo họ ra khỏi con đường này. Nhưng họ không dừng lại, không ngoảnh lại đàng sau, họ luôn để mắt nhìn đối tượng là Đấng Chân Lý của Cha. Họ không bỏ chiến trường để trở về nhà vì cái áo choàng bỏ quên (Xc Mt 24:18), tức lòng tự ái luôn tìm cách làm vui lòng các loài thọ tạo và sợ làm phiền lòng chúng, hơn là làm mất lòng Cha, Đấng Tạo Hoá. Trái lại, họ vui mừng bám riết chiến địa, nơi họ được tràn đầy và say sưa Máu Thánh Chúa Kitô chịu đóng đinh. Máu Thánh này đã được Cha uỷ thác cho Nhiệm thể Chúa Kitô, tức Hội Thánh của Cha, để mang phân phát cho mọi người trước khi ra trận, làm tăng thêm can đảm cho những ai muốn trở thành những chiến sĩ đích thực trong cuộc chiến chống lại nhục dục của bản thân và xác thịt yếu hèn, chống lại thế gian và chống lại ma quỷ. Với thanh gươm của sự chê ghét bản thân mình và với thanh gươm của lòng mến yêu nhân đức, họ phải chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất. Lòng mến yêu này là một vũ khí có thể chống lại mọi cuộc xông đánh, nó làm cho linh hồn trở thành không thể bị thương tích, nếu không tự ý trao nạp mình cho địch cùng với thuẫn đỡ và thanh gươm. Ý chí tự do chỉ đầu hàng, khi người ta tự nạp mình cho kẻ thù, nếu người ta muốn. Những người say Máu Thánh không bao giờ quy hàng, họ chiến đấu can trường cho đến chết, họ đánh các kẻ thù phải tháo chạy.

Ôi, nhân đức vinh quang! Ngươi đẹp lòng Ta dường nào! Ánh quang của ngươi giãi toả xuống trên thế giới, cả trên con mắt tối tăm của những kẻ ngu muội, vì dầu sao chúng cũng không thể không thấy ánh sáng của các tôi tớ Cha. Đối lại, các tôi tớ Cha càng chịu chúng hận thù và bách hại, họ càng tỏ lòng yêu thương và nhiệt tình lo cho chúng được ơn cứu độ. Sự ghen ghét của những kẻ bách hại đó, đã làm sáng tỏ sự rộng lượng và lòng thương yêu của con cái Cha. Sự độc ác của chúng khi làm khổ con cái Cha, càng chứng tỏ sự hiền lành của họ vẫn thương yêu chúng. Giữa tất cả những lăng mạ xỉ vả này, đức nhẫn nại của con cái Cha luôn sáng ngời và giữ vững uy thế của mình. Chính đức nhẫn nại cai quản và điều hành tất cả các nhân đức, vì nó là cốt tuỷ của đức ái. Và bởi vậy, chính nó là dấu hiệu linh hồn có nhân đức, chính nó chứng tỏ các nhân đức đã được xây nền trên Cha là Chân Lý, hay không. Đức nhẫn nại luôn chiến thắng và không bao giờ bị đánh bại. Nó có hai nhân đức bạn là mạnh bạo và vững tâm, nó chỉ trở về nhà với chiến thắng. Khi nó rời khỏi chiến trường, là để trở về với Cha là Chúa Cha vĩnh hằng. Đấng ân thưởng mọi công việc, và là để lãnh nhận mọi vòng hoa chiến thắng.

Về bậc thứ bốn là bậc không bao giờ tách rời khỏi bậc thứ ba. Những việc làm của linh hồn đã đạt tới bậc này. Làm sao linh hồn có thể cảm tưởng luôn kết hợp với Thiên Chúa.

  1. Cha đã dạy cho con biết những dấu hiệu, để nhận ra một linh hồn đã đạt tới lòng yêu mến của bạn hữu, lòng mến yêu của con cái. Bây giờ, Cha muốn tỏ bày cho con thấy sự ngọt ngào linh hồn nếm ở nơi Cha, dầu vẫn còn ở trong thân xác phải chết. Như Cha đã nói với con, thoạt khi linh hồn đạt tới bậc thứ ba, thì ngay ở trong bậc này nó đạt tới bậc thứ bốn, là bậc không tách rời khỏi bậc thứ ba, nhưng hai bậc hợp nhất chặt chẽ với nhau, cũng như lòng yêu mến đối với Cha không thể hiện hữu, nếu không có lòng yêu thương tha nhân. Đó là hoa trái sinh ra bởi bậc thứ ba này, bậc của sự hiệp nhất trọn vẹn giữa linh hồn và Cha; nó nhận được nơi đây sức mạnh của Từ nay, nó không còn chịu đau khổ vì nhẫn nhục nữa: một niềm ước ao nồng nhiệt thôi thúc, nó sẽ không ước mong gì hơn là được chịu đau khổ, vì vinh quang và danh dự Cha.

Bấy giờ, nó sẽ lấy làm vinh hạnh vì những sỉ nhục của Con Một Cha, như tông đồ Phaolô của Cha đã nói: “Tôi lấy làm vinh hạnh vì những sự sỉ nhục và gian truân của Chúa Kitô chịu đóng đinh” (2Cr 12:9); ở nơi khác nói: “Tôi tìm kiếm ở đâu vinh quang của tôi, nếu không phải ở nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh?”, “Tôi mang trong mình tôi những vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đinh” (Gl 6:14,17). Như vậy, những ai say mê vinh quang của Cha và đói khát ơn cứu độ các linh hồn, sẽ chạy lai bàn tiệc của Thánh giá. Họ chỉ ước ao chịu đau khổ và đón nhận trăm ngàn sự nhọc mệt để phục vụ tha nhân, để tạo được và bảo toàn nhân đức bằng cách mang trên thên xác họ những thương tích của Chúa Kitô, bởi vì lửa mến đã thiêu đốt Đấng chịu đóng đinh đang nung nấu họ. Lửa ấy bùng lên trong họ sự khinh chê bản thân mình, trong niềm vui họ cảm thấy khi bị sỉ nhục, trong sự đón nhận những chống đối và những khổ cực, mà Cha dành cho họ, bất cứ bởi đâu mà đến và bất cứ cách nào Cha dùng để gửi đến cho họ.

Đối với những người con rất yêu dấu này, khổ cực là niềm vui. Còn cái khổ thực sự của họ, lại chính là những thú vui, những ủi an, những thoả mãn mà đôi khi thế gian muốn dành cho họ. Không những họ buồn họ cực vì những ưu đãi mà thế gian dành cho họ, hay do một sự xếp đặt đặc biệt nào của Đấng Quan Phòng, các tôi tớ của thế gian buộc lòng phải kính trọng họ và giúp đỡ họ những nhu cầu vật chất; họ còn đi tới chỗ coi thường niềm an ủi thiêng liêng họ nhận được từ nơi Cha, do lòng khiêm nhường và do sự chê ghét bản thân. Thật ra, trong niềm an ủi này, họ không khinh chê hồng ân Cha ban cho họ, nhưng họ khinh thường sự thoả thích mà linh hồn cảm thấy được nơi an ủi đó. Chính đức khiêm nhường đã khơi dậy tâm tình này, vì đức khiêm nhường được phát sinh bởi sự khinh chê mình, và nó là người bảo vệ, là mẹ nuôi đức ái, là nhân đức do sự tự biết mình và nhận biết Cha mà sinh ra. Nhân đó, thần lực và những thương tích của Chúa Kitô chịu đóng đinh sáng lên rực rỡ nơi thân xác và trong tâm trí họ.

Đối với những người rất trọn lành này, Cha ban cho họ ơn cảm thấy không bao giờ Cha lìa xa họ; còn đối với những người khác thì Cha ra đi và trở lại, không phải Cha rút ân sủng khỏi họ, nhưng rút đi cái cảm nghiệm về sự hiện diện của Cha. Với những người đã đạt tới bậc trọn lành này, đã hoàn toàn chết đối với ý riêng mình, Cha không cư xử như thế. Cha không ngừng an nghỉ trong họ bằng ân sủng của Cha và bằng kinh nghiệm họ có về sự hiện diện của Cha. Mỗi khi họ muốn kết hợp tâm trí họ với Cha bằng tình mến yêu, họ đều có thể, bởi vì lòng ước ao của họ đã kết hợp mật thiết với Cha bằng tình yêu mến, đến nỗi ở trần gian này không gì có thể tách rời ra được. Mọi nơi và mọi lúc đều tốt cho việc cầu nguyện của họ, vì sự sống của họ đã được nâng lên khỏi trái đất, để được an định ở trên trời. Họ đã huỷ bỏ trong mình mọi quyến luyến thế tục, mọi tình yêu vị kỷ hay nhục dục, để được nâng lên khỏi bản thân họ, lên tới các tầng trời; nhờ cái thang các nhân đức, họ đã lên qua ba bậc được biểu tượng nơi Thân xác Con Một của Cha.

Ở bậc thứ nhất, họ đã phủi chân khỏi mọi tâm tình buông theo nết xấu. Ở bậc thứ hai, họ được nếm điều bí mật của tâm tình trái tim, dẫn họ đến lòng yêu mến nhân đức. Ở bậc thứ ba là bậc của bình an và yên tĩnh của linh hồn, họ cảm thấy nhân đức trong mình, và vươn lên khỏi sự yêu mến bất toàn, họ đạt tới sự trọn lành toàn vẹn. Nơi đó, họ được yên nghỉ trong giáo lý Đấng Chân Lý của Cha. Họ đã tìm đến bàn tiệc, thức ăn và người giúp bàn, nơi họ được nếm thức ăn này nhờ giáo lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh, Con Một Cha. Chính Cha là cái giường và là cái bàn; món ăn là Ngôi Lời dịu hiền đầy tình thương của Cha. Quả vậy, chính trong Ngôi Lời vinh hiển mà họ thật sự được thưởng thức các linh hồn, vì ơn cứu độ các linh hồn là lương thực cho họ. Chính Ngài là Ngôi Lời cũng đã được ban làm của ăn nuôi họ, đó là Thịt và Máu Ngài, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Thức ăn này, các con sẽ nhận được nơi nhiệm tích bàn thờ. Cha đã lập nên bí tích này và lòng nhân hậu của Cha đã ban cho các con trong thời gian các con là những lữ khách. Cha đã muốn nhờ Ngài, nhờ bí tích đó, để các con không ngã quỵ trên đường vì kiệt sức và vì yếu đuối, và để các con không đánh mất kỷ niệm của Máu Thánh đã đổ ra vì các con, với một tình thương nồng nhiệt dường ấy.

Để bồi dưỡng các con và mang lại niềm vui cho bước đường trên dương thế, Chúa Thánh Thần dọn cho các con được hưởng các hồng ân và ân sủng của Cha. Ngài như người giúp bàn ăn dịu dàng đi lui đi tới, thâu lượm những ước nguyện nồng nàn của con cái Cha, những người con ham muốn đau khổ vì yêu mến Cha; rồi Ngài mang lại cho họ phần thưởng dành cho họ các hy sinh của họ nhờ đức ái của Cha, bằng cách làm cho linh hồn họ nếm và thưởng thức sự ngọt ngào tình yêu của Cha. Vậy con thấy Cha là bàn tiệc, Con Cha là thức ăn, người giúp bàn là Chúa Thánh Thần, Đấng bởi Cha và Con mà ra.

Như vậy, những người trọn lành này luôn có cảm tưởng về sự hiện diện của Cha trong linh hồn mình. Họ càng khinh chê thú vui và ý riêng, thì bây giờ càng hết đau khổ và càng hưởng vui sướng, vì họ đã được thiêu đốt bởi đức ái của Cha, trong đó ý riêng đã bị tiêu huỷ. Bởi vậy, ma quỷ sợ chiếc gậy đức ái của người trọn lành. Từ xa, nó bắn những mũi tên về phía họ, vì không dám tới gần. Còn thế gian thì đánh vào lớp da dầy của thân xác họ, tưởng làm họ bị thương, nhưng nó lại tự gây thương tích cho chính nó, vì mũi tên không thể chọc thủng cái bia, đã quay lại đả thương kẻ phóng tên. Bằng những lăng mạ, những bách hại, và những lời mỉa mai, thế gian bắn tên như mưa vào các người trọn lành, tôi tớ của Cha, nhưng họ không hề nao núng vì những cuộc xông đánh đó. Mảnh vườn linh hồn họ đã được đóng kín, cho nên các mũi tên đã trở lại cắm vào kẻ phóng tên, đó là những mũi tên tẩm nọc độc tội lỗi của chúng. Con thấy đó, từ mọi phía họ không bị thương tích, vì khi đánh đập thân xác họ các kẻ dữ không động chạm tới linh hồn họ, linh hồn luôn diễm phúc và lo buồn, lo buồn vì tội lỗi tha nhân, diễm phúc vì sự kết hợp và tâm tình đức ái ở trong họ.

Như vậy, họ nên giống như Con Chiên không tì vết, Con Một Cha, ở trên thập giá, Ngài đồng thời hạnh phúc và đau khổ. Đau khổ vì thân thể Ngài phải vác thập giá và chịu cực hình, đau khổ vì ước ao đền thay tội lỗi của nhân loại; tuy nhiên Ngài vẫn diễm phúc, vì thần tính kết hợp với nhân tính, không hề biết đau khổ, và luôn luôn làm cho linh hồn Ngài hoan hỷ trong cùng bản tính thần linh Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, Ngài vừa diễm phúc, vừa đau khổ. Ngài đau khổ nơi thân xác chịu cực hình, nhưng bản tính Thiên Chúa ở nơi Ngài không biết đau khổ, Ngài cũng không đau khổ trong linh hồn thuộc phần thượng là trí tuệ. Cũng phải nói như thế, vì những người con rất yêu dấu này đã đạt tới bậc thứ ba và bậc thứ bốn. Họ đau khổ vì vác thập giá bên ngoài và bên trong, nghĩa là những ưu phiền về thân xác, theo mức Cha cho phép, và thập giá của niềm ao ước gây đau khổ nội tâm cho họ, khi thấy Cha bị xúc phạm và vì nỗi bất hạnh của tha nhân. Nhưng Cha cũng nói: họ diễm phúc, vì niềm vui của đức ái không thể cất đi khỏi họ, chính niềm vui này làm họ luôn hoan hỉ và diễm phúc.

Sự ưu phiền này không đau đớn, không làm khô héo tâm hồn, trái lại nó làm linh hồn trở nên tốt tươi bằng sự phát huy tâm tình của bác ái, vì lẽ những nặng nhọc giúp cho nhân đức tăng trưởng. Và bởi đấy là một thứ cực khổ có tính dinh dưỡng hơn làm tàn héo. Không một đau khổ nào có thể kéo linh hồn ra khỏi lửa yêu mến. Linh hồn giống như một thanh củi cháy đỏ trong lò lửa không ai có thể đụng vào nó để lôi nó ra, vì nó đã trở thành lửa. Đó là những linh hồn chìm đắm trong lò lửa đức ái của Cha; trong những linh hồn ấy chỉ có Cha, không có sự gì khác, không còn ý riêng, nhưng như thanh củi đỏ bừng cháy ở trong Cha. Vậy ai có thể đụng vào các linh hồn ấy để lôi họ ra khỏi Cha và ra khỏi ân sủng của Cha, vì họ và Cha đã trở nên một, và Cha trở nên một với họ? Họ luôn cảm thấy Cha ở trong họ. Cha không bao giờ rút đi cảm tưởng về sự hiện diện của Cha, như Cha đã làm cho nhiều linh hồn khác, điều này Cha đã nói với con. Đối với những linh hồn đó Cha ra đi và Cha trở lại, không phải Cha rút đi ân sủng của Cha, nhưng chỉ cất đi cảm tưởng về sự hiệp nhất của họ với Cha, hầu dẫn đưa họ tới bậc trọn lành. Một khi họ đạt tới sự trọn lành, Cha ngưng cái trò chơi thân tình về sự ra đi và trở lại đó. Cha gọi đó là trò chơi của tình thương, bởi vì Cha ra đi bởi tình thương, và cũng vì tình thương Cha trở lại. Nói cho đúng: không phải Cha đi rồi về, vì Cha là Thiên Chúa, Đấng Bất Biến. Cha không di chuyển, đó chỉ là cảm tưởng về sự hiện diện của Cha biến đi rồi trở lại với linh hồn, cảm tưởng mà tình thương của Cha gợi lên trong linh hồn.

Thiên Chúa không bao giờ xa rời những người trọn lành bằng cách rút đi ân sủng, hoặc rút đi cảm tưởng về sự hiện diện của Ngài, nhưng Ngài đôi khi ngắt quãng sự kết hợp.

  1. Cha đã nói với con: linh hồn rất trọn lành không bao giờ cảm nghĩ mình mất sự hiện diện của Cha ở trong nó. Tuy nhiên, Cha xa rời nó một cách khác, bởi vì bao lâu linh hồn còn ở trong thân xác, nó không thể chịu nổi sự kết hợp với Cha cách liên tục, như nó cảm thấy sự hiện diện của Để giải quyết sự không thể này, Cha rút lui, không phải rút đi ân sủng của Cha, cũng không cất đi cảm tưởng về sự hiện diện của Cha, Cha chỉ tạm cắt đứt sự hiệp nhất giữa nó và Cha.

Được lôi cuốn bởi niềm ước ao nồng nhiệt, linh hồn chạy lẹ trên cây cầu của giáo lý Chúa Kitô chịu đóng đinh. Khi tới cửa, tâm trí nó nhào về phía Cha: được bổ dưỡng và say sưa Máu Thánh, được cháy lửa yêu mến, nó hưởng nếm nơi Cha bản tính thần linh hằng hữu. Nó chìm đắm trong Đại Dương bình an, và tâm trí nó chỉ còn sinh hoạt ở trong Cha. Tuy là loài phải chết, nó đã được hưởng hạnh phúc của các vị chân phước và mặc dầu còn mang xác thịt nặng nề, nó đã nhận được niềm hoan hỉ của thần linh.

Bởi vậy, nhiều khi thân xác được nâng lên khỏi mặt đất do sự hiệp nhất giữa Cha và linh hồn, y như thân xác đã mất đi trọng lượng của nó và trở nên nhẹ nhàng. Không phải thân xác đã mất đi trọng lượng của nó, nhưng vì sự kết hợp giữa linh hồn và Cha trọn hảo hơn sự kết hợp giữa linh hồn và thân xác, nên sức mạnh của thần khí gắn chặt với Cha đã nâng thân xác lên khỏi đất; thân xác ở bất động vì bị thiêu đốt bởi tình yêu mến của linh hồn, đến nỗi, như con đã nghe một vài người nói, nó không thể sống nữa, nếu lòng nhân lành của Cha không ban sức mạnh của Cha cho nó. Con hãy biết: ở trạng thái kết hợp với Cha như thế, linh hồn không lìa khỏi xác là một dấu lạ lớn hơn nhìn thấy người chết sống lại.

Bởi vậy, trong một thời gian, Cha ngắt quãng sự kết hợp này để cho linh hồn trở lại trong cái bình thân xác nó. Nghĩa là các giác quan của nó đã ngưng hoạt động vì tâm tình nồng nhiệt của linh hồn, nay được trả lại nó. Sự thật, linh hồn đã không rời khỏi thân xác mà nó chỉ lìa bỏ khi chết thôi. Nhưng các bản năng của linh hồn coi như không còn, vì chúng đã bị thu hút vào trong Cha vì tình yêu. Trong trạng thái này, trí nhớ không chứa đựng gì khác ngoài Cha; trí tuệ thì hướng thẳng lên Cha và chiêm ngắm Đấng Chân Lý; ý muốn thì theo lý trí, yêu mến những gì lý trí chiêm ngắm và kết hợp với đối tượng đó bằng tình mến yêu. Vì tất cả các tài năng này quy hướng về Cha và hợp lại ở trong Cha, chìm đắm trong Cha, tiêu tan ở trong Cha, cho nên thân xác mất đi mọi cảm giác. Con mắt nhìn mà không thấy gì hết, tai nghe mà không nghe gì hết, lưỡi nói mà không nói gì hết; trừ ra một đôi khi, dưới sức ép của trái tim, Cha cho phép lưỡi phát ra cái phần tròn đầy của linh hồn, để tôn vinh Thánh danh Cha. Trừ trường hợp ngoại lệ này, lưỡi nói mà không nói gì hết, bàn tay đụng mà không sờ thấy gì hết, bàn chân bước đi mà không đi một bước. Tất cả các chi thể đều bị trói và cầm lại trong sợi dây của tình yêu. Sợi dây này bắt chúng quy phục lý trí, và giữ chúng kết hợp mật thiết với tâm tình của linh hồn, đến nỗi chúng đồng thanh, nhưng ngược với tự nhiên, la lên tới Cha, là Chúa Cha hằng hữu, để xin cho linh hồn rời khỏi thân xác và thân xác rời khỏi linh hồn, chúng kêu la như Phaolô vinh hiển rằng: “Khốn nạn thân tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi cái thân xác chết này? Tôi thấy nơi các chi thể của tôi một luật, nghịch với luật của thần trí” (Rm 7:23-24).

Tông đồ Phaolô đã không chỉ nói thế về cuộc nổi dậy của tính dục chống lại thần khí, bởi vì về điểm này Cha đã trấn an ông: “Phaolô, ân sủng của Cha đủ cho con” (2Cr 12:9).Nhưng điều ông than phiền là vì ông vẫn còn bị trói buộc vào thân xác, và vì thân xác cản trở không cho ông xem thấy Cha thêm một thời gian nữa. Cho đến giờ chết, mắt ông không thể chiêm ngưỡng Cha, Thiên Chúa Ba Ngôi, như trong phúc kiến của các thần thánh trên trời, các vị luôn chúc tụng và ngợi khen Thánh Danh. Bởi vậy, Phaolô rên rỉ vì còn phải ở giữa loài phải chết là những kẻ luôn xúc phạm đến Cha, và vì ông không được nhìn thấy Cha trong bản tính của Cha.

Không phải Phaolô và các tôi tớ khác của Cha không nhìn thấy Cha và không được hưởng Cha, nhưng họ không được thấy và hưởng Cha trong bản tính của Cha. Họ chỉ thấy Cha qua hiệu quả của đức ái, được biểu lộ nhiều cách khác nhau, tuỳ ý Cha muốn tỏ mình ra cho họ. Tất cả những thị kiến mà linh hồn nhận được khi còn ở trong thân xác phải chết đều chỉ là sự tối tăm, so với phúc kiến của một linh hồn đã lìa khỏi xác. Bởi vậy, có vẻ như Phaolô thấy những ấn tượng của cảm giác ngăn cản cái nhìn của thần trí, và những cảm giác quá nhân bản và quá thô tục của thân xác ngăn cản không cho trí tuệ ông diện kiến Cha mặt đối mặt. Vị tông đồ cảm thấy mình bị xiềng xích và không có khả năng yêu mến Cha như lòng ông ao ước; vì lẽ ở đời này, mọi sự mến yêu đều bất toàn cho tới khi đạt tới mức hoàn thiện.

Không phải lòng yêu mến của Phaolô và của các tôi tớ khác của Cha còn bất toàn về ân sủng hoặc về đức ái đâu. Không, đức ái của Phaolô trọn lành, nhưng bất toàn theo nghĩa ông không được thoả tình, nhân đó mà ông đau khổ. Khi sự ước ao được hoàn toàn thoả mãn vì chiếm được điều mình yêu mến, thì không còn ưu phiền nữa. Nhưng bởi vì bao lâu linh hồn còn trong thân xác phải chết, lòng mến yêu không hoàn toàn chiếm được Đấng mà nó yêu mến, nên nó vẫn đau khổ cho đến khi linh hồn lìa khỏi xác, lúc ấy mới được thoả mãn sự ước ao, được yêu mến mà không ưu phiền nữa.

Khi đó linh hồn được no thoả, mà không cảm thấy chán vì no nê; vẫn luôn khao khát, mà không đau đớn vì đói khát. Được lìa khỏi xác, linh hồn đổ đầy chén của mình ở trong Cha là Chân Lý, chén luôn luôn đầy, vì chén nhận chìm ở trong Cha. Linh hồn còn có thể ước ao gì mà không có? Nó ước ao nhìn thấy Cha, thì nó diện kiến Cha mặt đối mặt. Nó ước ao thấy Thánh danh Cha được vinh hiển và được chúc tụng, thì nó thấy Thánh danh Cha được vinh hiển và được chúc tụng, thì nó thấy Thánh danh Cha được ca tụng và tôn vinh nơi các thần thánh của Cha, trong bản tính thiên thần và trong bản tính loài người.

Các kẻ sống theo thế gian, dầu muốn hay không, họ vẫn tôn vinh Thiên Chúa.

  1. Phúc kiến của các thánh thật toàn hảo, vì chư vị thấy danh Cha được ca tụng và tôn vinh không những nơi các thánh trên trời, mà cả các loài thụ tạo trên mặt đất nữa. Vì dầu muốn dầu không, thế gian vẫn tôn vinh

Nói cho đúng, vinh quang mà các kẻ sống theo thế gian mang lại cho Cha không phải là thứ lẽ ra chúng phải dành cho Cha, bằng cách yêu mến Cha trên hết mọi sự, nhưng danh Cha vẫn được ca tụng và tôn vinh nơi chúng. Quả vậy, nơi các kẻ sống theo thế gian luôn sáng chói lòng thương xót của Cha và tình thương bao la của Cha. Cha để cho chúng có thời gian, thay vì ra lệnh cho trái đất rẽ ra nuốt sống chúng. Cha vẫn chờ đợi sự trở lại của chúng. Cha truyền cho trái đất sinh ra hoa trái cho chúng, truyền cho mặt trời giãi xuống trên chúng ánh sáng và sức nóng, truyền cho trời đất vận hành để tiếp sự sống cho mọi sinh vật, mà Cha đã tạo dựng vì chúng. Cha xử sự đầy lòng thương xót và đầy tình yêu thương chúng, không những bằng cách không rút lại các hồng ân đó vì tội lỗi chúng, mà còn ban nhiều vô kể cho kẻ tội lỗi cũng như cho người công chính, thường khi còn ban cho kẻ tội lỗi nhiều hơn cho người công chính. Như vậy, lòng thương xót và tình thương của Cha sáng chói nơi chúng.

Cũng có những khi các tôi tớ của thế gian bách hại và làm khổ các tôi tớ Cha, thử thách nhân đức của họ, làm sáng tỏ đức nhẫn nại và đức bác ái của họ, khiến họ dâng lên Cha những lời cầu nguyện khiêm nhường và liên tục giữa những đau khổ của mình. Bằng cách dâng lên những lời cầu nguyện khiêm hạ và liên lỉ, các tôi tớ đau khổ của Chatrở thành vinh quang của Cha và ca tụng danh Cha (Xc Is 53:12). Như vậy, dầu không muốn, kẻ dữ đã góp phần tôn vinh Thánh danh Cha, cả khi nó chú tâm xúc phạm đến Cha.

Cả ma quỷ cũng tôn vinh Thiên Chúa, như thế nào?

  1. Ở đời này, các kẻ tội lỗi được dùng để làm gia tăng nhân đức cho các tôi tớ Cha, thì cũng vậy ở trong hoả ngục, các quỷ dữ là những tên đao phủ của Cha, chúng phục vụ Chúng thi hành sự công chính của Cha đối với những kẻ bị diệt vong. Đối với các thụ tạo còn trên đường lữ hành về cùng đích của mình, ma quỷ phục vụ lợi ích họ bằng cách thử thách nhân đức của họ, luôn tấn công và cám dỗ họ đủ cách, xúi giục kẻ này sỉ nhục họ, xúi giục kẻ kia cướp bóc của cải họ, với chủ tâm không những làm cho họ mất tài sản, mà còn để họ mất đức bác ái nữa. Ma quỷ tưởng như thế là làm cho các tôi tớ Cha hư đi, nhưng nó đã giúp cho các đức tính nhẫn nại, mạnh bạo và kiên trì của họ càng gia tăng.

Như vậy, cả lũ quỷ cũng mang lại danh dự và vinh quang cho Danh thánh Cha; chân lý của Cha được thể hiện ngay ở nơi chúng, mà Cha đã tạo thành, để tôn vinh Cha, là Thiên Chúa hằng hữu; và để chúng được tham dự vào sự tốt lành của Cha, nhưng vì kiêu ngạo chúng đã đứng lên chống lại Cha. Chúng đã sa ngã và không còn được hưởng kiến Cha. Chúng đã không mang lại cho Cha vinh quang và lời ca tụng yêu mến. Nhưng Cha là Chân Lý ngàn đời, Cha đã đặt chúng làm công cụ nhằm điêu luyện các nhân đức của các tôi tớ Cha; đồng thời

Cha dùng chúng làm lý hình đối với các kẻ tội lỗi mà phải chịu án phạt muôn đời, cũng như đối với các linh hồn phải trải qua các hình phạt của luyện ngục.

Như vậy đó, con thấy chân lý của Cha được thể hiện cả nơi ma quỷ. Chúng tôn vinh Cha, không như các thần thánh trên trời, nơi chúng đã bị xua đuổi vì tội lỗi chúng, nhưng chúng phục vụ thánh ý Cha như những đao phủ của Cha. Cha dùng chúng để thi hành sự công mình đối với các kẻ bị án phạt trong hoả ngục, và đối với các linh hồn trong luyện ngục.

Sau khi lìa khỏi đời này, linh hồn xem thấy đầy đủ vinh quang của Thiên Chúa nơi các tạo vật. Linh hồn không còn ưu phiền vì ước ao, mà chỉ còn ước ao thôi.

  1. Vậy, ai là người thấy và hiểu được vinh quang của Cha rạng rỡ nơi vạn vật, nơi các tạo vật có lý trí và nơi các ma quỷ? Đó là linh hồn đã rời khỏi thân xác và kết hợp với Cha là cùng đích của nó. Nó nhìn xem tỏ tường, và trong thị kiến nó thấy rõ sự thật. Vì nhìn thấy Cha là Chúa Cha hằng hữu, nó yêu mến Cha; vì yêu mến Cha, nó được no thoả, và trong sự no thoả đó nó nhận biết chân lý; vì nhận biết chân lý, nó được gắn liền Thánh ý Cha, nó sẽ đứng vững trong đó, và từ nay không còn gì có thể gây ưu phiền cho nó. Bởi vì ở trong Cha, nó có tất cả những gì nó ước ao. Trước kia nó ước ao nhìn xem Cha, và muốn nhìn thấy Thánh danh Cha được ca tụng và tôn vinh. Nay nó nhìn thấy vinh quang Cha thể hiện cách tràn đầy nơi các thần thánh của Cha, nơi mọi tạo vật khác và cả nơi ma quỷ, như đã nói ở trên, cho dầu nó còn thấy người ta xúc phạm đến Cha. Nếu trước kia nó buồn rầu đau đớn, thì nay không đau đớn nữa mà chỉ cảm thương. Nó yêu mến Cha cách dễ dàng, cầu xin Cha cách liên tục, để vì đức ái Cha rộng lòng thương xót thế gian. Như vậy, con thấy linh hồn hết đau khổ, nhưng không hết bác ái. Ngôi Lời Con Một Cha cũng vậy; trên thập giá, cùng với cái chết, Ngài đã hết ưu phiền vì ước ao ơn cứu độ cho thế gian, sự ước ao đã

khiến Ngài đau khổ từ lúc Cha sai Ngài xuống thế gian cho đến lúc Ngài chết vì các con. Ngài còn mãi sự ước ao cứu độ cho các con nhưng không ưu phiền.

Nếu tình thương của Cha đối với các con trong Con Một Cha ngưng đi không còn nữa, thì các con đã chẳng còn sống, vì đức ái của Cha chính là nguồn sống của các con. Các con đã được tạo thành bởi tình thương của Cha, nếu Cha rút lại tình thương ấy, nghĩa là nếu Cha không thương yêu cái hữu thể của các con nữa, các con sẽ hết hiện hữu. Nhưng vì tình thương của Cha đã tạo thành các con, tình thương ấy bảo tồn các con. Và bởi vì Cha và Ngôi Lời nhập thể là một, cũng như Ngôi Lời nhập thể và Cha là một, sự ưu phiền do sự ước ao ơn cứu độ cho các con đã chấm dứt, nhưng niềm ước ao ấy thì còn mãi.

Bây giờ, con hãy nhìn xem: các phúc nhân đang được hưởng sự sống vĩnh cửu, vẫn còn niềm ước ao ơn cứu độ cho các linh hồn, nhưng không ưu phiền bởi niềm ước ao đó. Ưu phiền của họ đã chấm dứt khi chết, nhưng tâm tình của đức ái thì vẫn còn. Họ say sưa Máu Con Chiên không tì vết, họ mặc lấy đức ái đối với tha nhân, họ qua cửa hẹp, tắm gội trong Máu Chúa Kitô chịu đóng đinh, họ thấy mình ở trong Cha là Đại Dương bình an, họ được giải thoát khỏi mọi bất toàn, nghĩa là khỏi mọi thèm khát thế gian và đạt tới sự trọn lành, sự hoàn thiện, họ luôn được thỏa mãn và hân hoan vì mọi sự đều tốt lành.

Tại sao sau khi đã được thấy vinh quang của các phúc nhân, thánh Phaolô đã ước ao được giải thoát khỏi thân xác mình. Những người đã đạt tới bậc thứ ba và thứ bốn cũng làm như vậy.

  1. Tông đồ Phaolô đã xem thấy và được nếm hạnh phúc này, khi Cha đem ông lên tầng trời thứ ba, nghĩa là tới chỗ cao quang của Chúa Ba Ngôi (Xc 2Cr 12:2-4). Đó là nơi ông đã được hưởng nếm và nhận biết Đấng Chân Lý của Cha và đã được tràn đầy Chúa Thánh Thần, đã học giáo lý của Ngôi Lời nhập thể. Ở đó, bằng tâm tình và bằng sự kết hợp, linh hồn ông đã được mặc lấy Cha là Thiên Chúa hằng hữu như các thần thánh ở trên trời, tuy nhiên linh hồn ông đã không lìa khỏi thân xác. Vì lòng nhân lành của Cha đã muốn ông là chiếc bình kén chọn trong thẳm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên Cha đã trút ông khỏi Cha, vì ở trong Cha người ta không đau khổ, mà Cha thì muốn ông đau khổ vì danh Cha. Vậy từ đây, Cha đặt Chúa Kitô chịu đóng đinh làm đối tượng để ông nhìn ngắm, mặc cho ông cái giáo lý Chúa Kitô, buộc xích ông lại bằng sự khoan dung của Chúa Thánh Thần, là lửa của đức ái. Phần ông, như một chiếc bình bằng đất sét, ông để Cha khuôn đúc và cải biến mà không cưỡng lại chút nào. Khi Cha nhào nặn ông, ông chỉ biết thưa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì, con sẽ làm như vậy” (Cv 9:6). Như vậy, Cha đã đào luyện ông, đề ra trước mắt ông con người của Chúa Kitô chịu đóng đinh, mặc cho ông giáo lý của Chúa Kitô. Cha đã soi sáng ông bằng ánh sáng của một sự thống hối chân thành dựa lên lòng yêu mến Cha; sự thống hối này đã xoá hết tội lỗi cho ông.

Từ đó, ông không còn biết một giáo lý nào khác, ngoài giáo lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Ông gắn bó chặt chẽ với giáo lý này, cho nên từ đây không gì có thể tách rời ông ra, dầu là những tấn công của ma quỷ, dầu là những cám dỗ của xác thịt, mà do sự cho phép của lòng nhân hậu của Cha để ông luôn phải chiến đấu; qua những chiến đấu này, Cha đã làm cho ông lớn thêm về công phúc và ân sủng, và Cha gìn giữ ông trong đức khiêm nhường, sau khi đã cho ông hưởng kiến sự cao cả của Chúa Ba Ngôi. Không bao giờ ông bỏ mất sự mặc lấy Chúa Kitô như thế, không khi nào ông xa rời Chúa Kitô, dầu chỉ trong chốc lát. Những cuộc bách hại, những hình khổ, những gian truân, ông đã cam chịu tất cả chứ không từ bỏ giáo lý này, đến hy sinh mạng sống. Và ông đã trở về với Cha là Chúa Cha hằng hữu với y phục đó.

Phaolô đã được hưởng kiến Cha thế nào, mà không bị cản trở bởi sự nặng nề của thân xác? Cha đã ban cho ông được hưởng như thế do cảm nghiệm sự kết hợp với Cha, mà không phải hoàn toàn rời khỏi thân xác mình. Khi tỉnh lại, mặc lấy Chúa Kitô chịu đóng đinh, ông tưởng như mình chỉ yêu mến bằng một tình yêu bất toàn, so với tình yêu trọn vẹn ông đã được nếm ở trong Cha, và đã được nhìn thấy nơi các phúc nhân khi lìa đời. Sự nặng nề của thân xác chỉ là một chướng ngại vật, không cho ông được hưởng sự vui thoả trọn vẹn, điều mà linh hồn chỉ có được sau khi lìa khỏi thân xác. Trí nhớ của ông bất toàn và yếu đuối quá, không cho phép ông cầm giữ Cha, tiếp nhận Cha và thưởng nếm Cha một cách viên mãn như các phúc nhân đã lìa khỏi xác.

Bao lâu ông còn phải ở trong cái thân xác phải chết này, tất cả mọi sự trong thân xác đều bị coi là một luật lệ xấu chống lại thần trí. Sự chống đối này không phải là sự lôi cuốn theo tội lỗi, vì thế Cha đã trấn an ông: ” Hỡi Phaolô, ân sủng của Cha đã đủ cho con” (2Cr 12,9). Dẫu sao, nó cũng là chướng ngại vật phần nào cho tâm trí, để có thể chiêm ngưỡng Cha đúng như trong bản tính của Cha. Cái chướng ngại đó, cũng như sự nặng nề của thân xác làm cản trở ơn thưởng kiến, nên Phaolô đã kêu lên: “Ôi, tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Vì trong các chi thể của tôi, tôi thấy có một cái luật: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội, là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7:23-24).

Vì lệ thuộc vào thân xác, trí nhớ suy giảm; trí tuệ ra chậm chạp bởi sự nặng nề của thể xác, nên không thể nhìn thấy Cha y như trong bản tính thần linh; còn ý chí thì như bị trói buộc, nên không thể hưởng Cha mà không còn đau khổ, như Cha đã dạy con. Cho nên Phaolô đã có lý để than vãn: “Tôi có trong thân xác tôi một luật chống lại luật của thần trí tôi”. Các tôi tớ Cha cũng thế, họ là những người đã lên tới bậc thứ ba và thứ bốn của sự kết hợp hoàn toàn với Cha. Họ kêu cầu và ước ao được giải thoát khỏi thân xác, họ muốn thấy những dây trói buộc họ được cất đi.

Đối với các tôi tớ trung thành này của Cha, sự lìa khỏi xác không phải là mối lo sợ, sự chết đối với họ không cay đắng; trái lại, họ ước ao chết. Được võ trang bằng một sự chê ghét cuộc đời phù vân cách thánh thiện, họ không ngừng chiến đấu gian khổ chống lại tính xác thịt, họ đã mất đi bản năng chiều chuộng mà linh hồn vốn có đối với thân xác mình. Sự chiều chuộng tự nhiên này đã bị họ đánh bại bằng sự ghét bỏ sự sống thể xác, và lòng mến yêu Cha khiến họ xin cho được chết: “Ai sẽ giải thoát cho tôi khỏi cái thân xác chết này? Tôi hết sức ước ao được giải thoát khỏi thân xác này để được ở với Chúa Kitô” (Xc Pl 1:23). Cùng với vị tông đồ, họ kêu lên: “Chết là sự ham muốn lớn lao của tôi, chấp nhận sống là vì nhẫn nhục!”. Một khi đã đạt tới sự kết hợp trọn vẹn này, linh hồn chỉ còn một sự ước ao là hưởng nhan Cha và chiêm ngưỡng Cha được vinh hiển nơi vạn vật.

Khi đạt tới bậc hiệp nhất, linh hồn ước ao cởi bỏ xác phàm của mình để kết hợp với Thiên Chúa.

  1. Khi linh hồn tỉnh lại, nghĩa là trở về cảm thức của giác quan mình, sau những giờ chìm đắm trong Cha, linh hồn cảm thấy mình mất đi sự kết hợp với Cha và phải tách ra khỏi cộng đồng các thần thánh không ngừng chúc tụng Cha, để mình ở lại giữa đám người phàm đang xúc phạm đến Cha một cách khốn nạn. Cái thảm cảnh này làm nên thập giá cho nó phải vác, gia tăng lòng ước muốn được về với Cha. Tuy nhiên, nó không than vãn kêu ca, bởi vì nó không còn ý riêng nữa: ý muốn của nó và Thánh ý Cha đã trở nên một vì yêu mến, cho nên nó không thể muốn và không thể ước ao điều gì mà Cha không muốn. Bởi vậy, tuy ước ao về với Cha, nó sẵn lòng ở lại và chịu đau khổ, nếu đó là Thánh ý Cha, để làm vinh danh Cha hơn và cộng tác nhiều hơn vào việc cứu vớt các linh hồn. Nó không bất đồng ý kiến với Cha về một điểm nào hết; với một ước muốn nồng nhiệt, nó chạy mau lẹ, được mặc lấy Chúa Kitô chịu đóng đinh, nó đi qua cây cầu giáo lý của Ngài, lấy làm vinh dự vì chịu sỉ nhục và đau khổ (Xc Gl 6:14). Nó vui khoái trong sự ưu phiền, và sự ưu phiền là thước đo niềm vui của nó. Càng chịu thử thách bởi những gian truân, sự ước muốn chết càng nhạt đi, vì nhiều khi niềm ước ao chịu đau đớn làm giảm đi nỗi đau đớn, nó phải chịu vì xiềng xích trên thân xác.

Khi ấy, các tôi tớ Cha đón nhận những đau khổ cách nhẫn nhục, như ở bậc thứ ba, họ còn lấy làm vinh hạnh được chịu nhiều nỗi gian truân vì danh Cha. Đối với họ, đau khổ là vui sướng, mà cái đau khổ của họ là không được chịu đau khổ. Họ chỉ sợ một điều là, Cha thưởng công các việc lành của họ ở đời này và Cha không nhận lễ hy sinh ước nguyện của họ. Ngay khi họ gặp buồn phiền, ngay khi Cha gửi đến họ nỗi khổ tâm, họ vui mừng vì thấy mình được mang lấy những đau khổ và sỉ nhục của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Đối với họ, chịu đau khổ là niềm vui, không được chịu đau khổ là nỗi ưu phiền. Họ muốn tìm thấy niềm vui cho mình trên Thập giá với Chúa Kitô. Họ muốn tập tành nhân đức và đạt tới sự sống đời đời bằng đau khổ, chứ không bằng cách nào khác.

Tại sao? Tại vì họ chìm đắm và thiêu đốt trong Máu Thánh, nơi đó họ đã gặp được lửa đức ái của Cha. Đức ái này là lửa, một thứ lửa phát xuất từ nơi Cha để làm say mê trái tim và tinh thần họ, hầu hoàn tất lễ hy sinh ước nguyện của họ.

Khi đó, mắt trí tuệ của họ hướng lên Cha để chiêm ngắm bản tính thần linh của Cha, kéo theo ý chí của họ để kết hợp với Cha hầu được nuôi dưỡng ở trong Cha. Sự chiêm ngắm này là một ân sủng lớn lao vô cùng, Cha ban cho linh hồn yêu mến và phụng sự Cha cách chân thành.

Những người đạt tới bậc hiệp nhất này được một ánh sáng siêu nhiên và thiên phú, soi sáng trong tâm trí họ, một ơn đặc biệt của Thiên Chúa. Đối với ơn cứu độ, linh hồn tuân theo những lời khuyên của một người khiêm nhường có lương tâm thánh thiện, thì tốt hơn là theo lời khuyên của một người thông thái kiêu căng.

  1. Chính nhờ ánh sáng này là ánh sáng đã soi trí tuệ cho Tôma Aquinô để ông nhìn xem Cha và thủ đắc những kiến thức khoa học; Âutinh, Giêrônimô và các tiến sĩ khác của Cha cũng vậy. Đấng Chân Lý của Cha soi sáng, họ hiểu biết và phân biệt chân lý giữa những tối tăm. Họ nhìn rõ trong Thánh Kinh mà những kẻ không hiểu vẫn cho là tối tăm; không phải do khuyết điểm của Sách Thánh, nhưng do khuyết điểm của lý trí không thông hiểu lời Chúa. Bởi vậy, Cha đã gởi đến những bó đuốc này để soi sáng những tâm trí mù quáng và thô lậu, nâng cao cái nhìn của trí tuệ, để giúp nó nhận biết chân lý giữa những tối tăm.

Cha là lửa đã thiêu đốt lễ vật hy sinh của họ, Cha đã làm họ say sưa khi ban cho họ ánh sáng, không phải ánh sáng tự nhiên, nhưng là ánh sáng tuyệt vời siêu nhiên. Họ đã nhận được ánh sáng này giữa những tối tăm; nhờ ánh sáng này, họ đã nhận biết chân lý của Cha. Trước kia ánh sáng này có vẻ u tối, nay hiện ra sáng tỏ cho các kẻ ngu muội cũng như cho những người thông thái, bất cứ họ thuộc về quốc gia hay sắc dân nào, mỗi người nhận được ánh sáng đó theo khả năng cũng như tuỳ theo thiện ý của mỗi người khi muốn biết chân lý, bởi vì Cha không chê bỏ thiện chí của bất cứ ai.

Vậy, con thấy mắt trí tuệ đã nhận được ánh sáng thiên phú và siêu nhiên, cao trọng hơn ánh sáng tự nhiên, nhờ đó mà các bậc tiến sĩ và chư vị khác đã nhận ra ánh sáng trong tối tăm. Như vậy, sự sáng đã thoát ra từ chỗ tối tăm, vì trí tuệ được hình thành trước Sách Thánh, và khoa học đến từ trí tuệ đã được soi sáng như vậy, cũng như nhờ nhìn xem mà trí tuệ tìm ra sự thật.

Nhờ ánh sáng này, mà các tổ phụ và các ngôn sứ đã nhận biết và loan báo sự giáng thế và cái chết của Con Cha. Chính ánh sáng này đã soi sáng các tông đồ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, ban cho các ông được tràn ngập ánh sáng siêu nhiên. Cũng chính ánh sáng này đã đến với các tác giả phúc âm, các tiến sĩ, các hiển tu, các trinh nữ và các đấng tử đạo; tất cả chư vị đều đã được soi sáng bằng ánh sáng toàn hảo này.

Mỗi vị đã nhận được ánh sáng này một cách khác nhau, tuỳ nhu cầu ơn cứu độ của bản thân mình hoặc ơn cứu độ cho các tạo vật, hoặc theo nhu cầu của những người có nhiệm vụ giảng dạy Thánh Kinh. Các bậc tiến sĩ đã nhận được ánh sáng này để có sự thông hiểu, hầu giải thích giáo lý Đấng Chân Lý của Cha, chú giải lời giảng của các tông đồ và bản văn Phúc Âm. Các chứng nhân tử đạo đã được nhận ánh sáng này để lấy máu của mình mà làm chứng cho đức tin rất thánh, cùng kho báu Máu Con Chiên. Các trinh nữ đã giãi ánh sáng này bằng đức ái và sự trinh khiết. Nhờ ánh sáng này, những người vâng lời đã chiếu sáng sự vâng phục của Ngôi Lời, và chứng tỏ sự hoàn thiện của đức vâng lời nơi Con Một Cha, khi Ngài lãnh lấy cái chết ô nhục trên Thánh giá, để chu toàn sứ mệnh Cha đã tạo cho Ngài.

Cựu Ước và Tân Ước đã tràn ngập ánh sáng này. Trong Cựu Ước, ánh sáng siêu nhiên và thiên phú đã soi sáng trí tuệ các ngôn sứ, biến các ông thành những tiên tri nhìn thấy cả tương lai. Trong Tân Ước, cũng nhờ ánh sáng này mà đời sống Phúc Âm đã được giãi bày cho các tín hữu Chúa Kitô. Bởi vì cả hai Giao Ước xuất phát từ cùng một ánh sáng, cho nên Tân Ước đã không bãi bỏ Cựu Ước; bởi vì không thể lìa nhau, Tân Ước đã chỉ huỷ bỏ những gì là bất toàn trong Cựu Ước, đã xây nền trên sợ hãi. Khi Ngôi Lời Con Cha đến cùng với Luật yêu thương, Ngài đã bổ túc cho Cựu Ước bằng tình thương. Ngài đã lấy niềm kính sợ thánh thiện thay cho sự sợ hãi hình phạt. Đó là những gì Ngôi Lời đã nói với các môn đệ, để chứng tỏ Ngài không đến để phá huỷ Luật: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật, nhưng là để kiện toàn Luật” (Mt 5:17). Y như thể Ngài nói rằng: “Cho tới nay, Luật tỏ ra bất toàn, nhưng nhờ Máu của Thầy, Thầy sẽ làm cho nó trở nên toàn hảo. Thầy sẽ hoàn tất những gì Luật còn thiếu, Thầy sẽ làm biến mất sự sợ hãi hình phạt để đem tình thương và sự kính sợ thánh thiện cho nó làm nền tảng.

Điều gì minh chứng cho đó là sự thật? Là ánh sáng siêu nhiên đã được ban và sẽ mãi mãi được ban cho những ai muốn đón nhận. Mọi ánh sáng phát ra từ Thánh Kinh đều đã đến và còn đến từ ánh sáng này. Những kẻ ngu xuẩn kiêu căng, những kẻ sính khoa học, đã quáng mắt vì ánh sáng này, bởi vì tính kiêu căng và làn mây của tính tự ái của chúng đã che khuất sự sáng láng này khỏi con mắt của chúng. Bởi vậy, chúng hiểu Thánh Kinh theo nghĩa chữ hơn là theo tinh thần. Chúng thưởng thức được chữ nghĩa tham khảo nhiều sách vở, hơn là thưởng thức được cốt tuỷ của Thánh Kinh, và là ánh sáng giãi bày ý nghĩa của Thánh Kinh.

Những nhà thông thái đó ngạc nhiên và khó chịu khi thấy những thường dân, quê mùa và không học thức, nếm được Thánh Kinh và tỏ ra có nhiều ánh sáng trong việc nhận ra nhận ra chân lý, y như thể đã học hành lâu năm! Thật ra, không có gì lạ trong việc này. Sự thực, họ đã có học, và việc học của họ đã nhắm vào căn nguyên chính, vào chính ánh sáng là nguồn phát sinh tri thức. Còn những người thông thái kiêu căng kia đã làm mất ánh sáng đó, nên họ không nhìn thấy, không nhận ra sự tốt lành của Cha tràn đầy nơi các tôi tớ Cha, do ân sủng của Cha. Bởi vậy, Cha bảo con: khi xin một lời khuyên cho ơn cứu độ linh hồn mình, tốt hơn là đến gặp một trong những người khiêm nhường này, có lương tâm ngay thẳng và thánh thiện, hơn là đến với một người thông thái kiêu căng đã học tất cả mọi khoa học. Người ta chỉ có thể cho kẻ khác cái người ta có. Một cuộc đời tối tăm thường làm sự sáng của Thánh Kinh thành tối tăm cho kẻ khác. Con thấy ngược lại nơi các tôi tớ Cha, vì họ sống trong ánh sáng, nên cũng tỏa ra ánh sáng là sự ước ao và đói khát ơn cứu độ các linh hồn.

Con rất dịu hiền của Cha, những điều trên đây cho con thấy sự tuyệt hảo của bậc kết hợp, vì ở bậc này mắt trí tuệ bị lửa đức ái của Cha chinh phục, và lửa này ban cho linh hồn ánh sáng siêu nhiên. Với ánh sáng này, nó yêu mến Cha, bởi vì tình yêu đi theo trí tuệ, người ta càng hiểu biết thì càng yêu mến, mà càng yêu mến thì càng hiểu biết hơn. Như vậy, yêu mến và hiểu biết nuôi dưỡng nhau. Với ánh sáng này, linh hồn lìa khỏi xác sẽ đi vào đời sống diễm phúc muôn đời, ở đó nó được nhìn xem Cha và được hưởng Cha cách trọn vẹn, như Cha đã nói.

Đó là bậc tuyệt hảo mà các tôi tớ Cha đã đạt tới: dầu còn là loài phải chết, họ đã được nếm hạnh phúc là phần riêng của các bậc chân phước. Đôi khi, sự kết hợp của họ với Cha khắng khít, đến nỗi linh hồn khó mà biết được nó còn ở trong thân xác hay đã lìa khỏi xác. Sự linh hồn kết hợp với Cha như thế đã mang lại cho nó một phần thưởng (Xc 2Cr 12:3) trước khi vào cuộc sống vĩnh cửu. Chính vì đã giết chết ý riêng mình, nên linh hồn đã thực hiện được sự kết hợp với Cha như thế, vì không có cách nào khác để hoàn toàn kết hợp với Cha. Như vậy, linh hồn có thể nếm cuộc sống vĩnh cửu, sau khi đã tự giải thoát mình ra khỏi hoả ngục ý riêng mình. Cũng vậy, những kẻ sống theo ý riêng và dục vọng thì đã nếm hoả ngục rồi.

Tóm lược một số điều đã nói, Thiên Chúa mời gọi linh hồn cầu nguyện cho mọi tạo vật và cho Hội Thánh.

  1. Bây giờ, con đã thấy bằng mắt của trí tuệ, và con đã nghe bằng tai của tâm hồn, để thấy chân lý ngàn đời ở nơi Cha, con phải làm cách nào để bản thân con có thể lợi dụng, và giúp tha nhân lợi dụng giáo lý để đạt tới Chân lý của Cha, như Cha đã nói với con từ ban đầu.

Chính vì con tự biết mình mà con đạt tới sự nhận biết chân lý, không phải chỉ riêng một sự tự biết mình, nhưng phải phối hiệp với sự nhận biết Cha ở trong con. Như vậy, con đã có được sự khiêm nhường, chê ghét bản thân, và tìm thấy lửa đức ái của Cha do sự nhận biết Cha ở trong con. Nhờ đó, con đã đạt tới sự yêu thương và quý trọng tha nhân, phục vụ tha nhân bằng giáo lý và gương mẫu qua một cuộc sống tốt lành và thánh thiện.

Cha cũng đã chỉ cho con cây cầu. Cha đã giải thích cho con biết nó được xây dựng như thế nào, ba bậc phải vượt qua tượng trưng cho ba tai fnăng của linh hồn; và không một linh hồn nào có thể có đời sống ân sủng, nếu không lên ba bậc này, nghĩa là nếu ba tài năng của nó không quy tụ lại nhân danh Cha.

Sau đó, Cha đã giải thích riêng cho con về ba bậc này, ba bậc của linh hồn được hình dung trên thân thể của Con Một Cha. Cha đã nói với con: Ngài đã làm nên như một cái thang, và Cha đã chỉ cho con thấy các bậc đó nơi hai bàn chân có lỗ đinh, nơi cạnh sườn đã mở ra và nơi miệng của Ngài, nơi đó linh hồn được hưởng nếm sự bình an và nghỉ ngơi, theo cách Cha đã trình bày cho con.

Cha đã vạch ra cho con thấy sự bất toàn của những người còn sợ hãi cách nô lệ, và sự bất toàn nơi lòng mến của những kẻ yêu mến Cha vì tìm thấy sự ngọt ngào nơi Cha. Sau cùng, Cha đã giải thích cho con về mức trọn lành, mức hoàn thiện của bậc thứ ba, nơi những người đã tới sự bình an của miệng. Họ chỉ có thể đạt tới đó, sau khi đã chạy trên cây cầu Chúa Kitô chịu đóng đinh với một niềm ước ao nồng nhiệt, bằng cách vượt qua ba bậc chính, nghĩa là sau khi đã tập trung lại ba tài năng của linh hồn, và kết hợp tất mọi hành vi của họ lại nhân danh Cha. Con thấy họ đã vượt qua từng ba bậc, nghĩa là chạy từ bậc bất toàn tới bậc hoàn thiện, tức chân lý.

Cha đã cho con nếm sự hoàn thiện của linh hồn, hít ngửi mùi thơm của các nhân đức. Cha đã cảnh giác con về những cạm bẫy mà các linh hồn thường sa vào trước khi đạt tới mức hoàn thiện, nếu họ không luôn chăm chú biết mình và biết Cha. Cha cũng đã trình bày cho con thấy sự khốn nạn của những kẻ chết đuối trong dòng sông, vì không muốn đi trên cầu là theo giáo lý của Đấng Chân Lý dịu hiền. Cha đã thiết lập câu cầu này để ngăn ngừa chúng con khỏi tiêu vong; nhưng như những kẻ mất trí, chúng ưa chết đuối trong cơ cực và bùn nhơ của thế gian.

Cha đã giải thích cho con tất cả những điều này, để đốt lên trong con ngọn lửa của niềm ước ao thánh thiện, sự cảm thương và nỗi đau buồn vì sự hư mất của nhiều linh hồn; hầu khi đau đớn vì thấy chúng phải diệt vong và vì lòng yêu mến Cha, con sẽ gây sức ép Cha bằng nước mắt của con, mồ hôi của con, và bằng những lời than van cầu nguyện khiêm nhường và liên tục, hướng lên Cha với niềm ước ao nồng nhiệt, xin Cha thương xót thế gian và thương xót nhiệm thể của Chúa Kitô là Hội Thánh. Cha đã nói điều này không phải chỉ một mình con, nhưng cho nhiều tôi tớ khác của Cha cũng nghe, để họ bùng cháy lên lửa yêu mến Cha, và tất cả chúng con cùng một lòng tấn công Cha, đòi Cha thương xót cả thế giới và Giáo Hội của Cha.

Chắc con còn nhớ, Cha đã hứa sẽ thực hiện các ước nguyện của chúng con, ban niềm an ủi cho sự nhọc mệt của chúng con, thoả mãn những ước ao đau thương của các con, bằng cách canh tân Hội Thánh và ban cho nhiều vị mục tử tốt lành và thánh thiện. Không bằng chiến tranh, cũng không phải bằng gươm giáo hay khủng bố, mà Cha sẽ canh tân Giáo Hội đâu, nhưng trong bình an và yên hàn, nhờ những nước mắt và mồ hôi của các tôi tớ Cha.

Các con là những kẻ Cha phó thác cho việc lo cứu lấy linh hồn mình và linh hồn đồng loại, trong nhiệm thể của Hội Thánh, bằng gương sáng, bằng giáo lý, bằng những lời cầu nguyện liên tục dâng lên Cha cho Hội Thánh và cho mọi tạo vật, và bằng các hành vi nhân đức đối với tha nhân, theo cách Cha đã giải thích cho con. Bởi vì, như Cha đã nói với con, mọi nhân đức đều được thực thi và lớn lên, cũng như mọi tội lỗi đã sa phạm và gia tăng đều thông qua tha nhân. Bởi vậy, Cha muốn các con ra sức phục vụ tha nhân, đó là phương thế tốt nhất để làm cho vườn nho của các con sinh hoa kết quả.

Các con không ngừng dâng lên Cha hương trầm của lời cầu nguyện cho ơn cứu độ các linh hồn, bởi vì Cha muốn thương xót thế gian. Với những lời cầu nguyện, những mồ hôi và nước mắt này, Cha muốn rửa khuôn mặt Hiền Thê của Con Cha là Hội Thánh. Cha đã cho con thấy Hội Thánh dưới hình một phụ nữ có bộ mặt lở loét như phong cùi. Những dơ bẩn này là tội lỗi của các thừa tác viên và của các Kitô Hữu đang sống trong lòng Hiền Thê của Con Cha. Ở một nơi khác, Cha sẽ nói với con về những tội lỗi này.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh