Đối Thoại Của Thánh Catarina Sienna: Chương 4. Lòng Thương Xót Của Chúa Quan Phòng P4

ĐỐI THOẠI CỦA THÁNH CATARINA SIENNA: CHƯƠNG 4. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA QUAN PHÒNG P4

Giải thích về đức vâng phục và về Đấng Quan Phòng đối với người có tinh thần vâng phục

Đức vâng phục bắt nguồn từ đâu? Những gì làm mất nhân đức này? Lấy dấu nào để nhận biết một người có hay không có nhân đức vâng phục? Bạn của đức vâng phục và lương thực nuôi dưỡng nhân đức này.

  1. Khi ấy, Thiên Chúa là Cha hằng hữu và nhân hậu nhìn xuống linh hồn này, với tất cả lòng thương xót và khoan dung, Ngài nói: con rất yêu dấu của Cha, những ước ao thánh thiện và những lời cầu xin chính đáng của con phải được chấp nhận. Bởi vậy, Cha là Chân Lý cao cả, Cha luôn trung thành với chân lý của Cha, Cha sẽ hoàn thành lời Cha hứa với con, bằng cách thực hiện niềm ước ao của Con đã xin Cha cho biết con sẽ tìm thấy đức vâng phục ở đâu, những gì có thể làm mất nhân đức này. Lấy dấu nào để nhận biết con có nhân đức vâng phục hay không?

Cha trả lời con rằng: con tìm thấy nhân đức này nơi Ngôi Lời dịu hiền, Con Một Cha. Đức tuân phục ở nơi Ngài mau mắn đến nỗi để thi hành nhân đức này, Ngài đã vội vã đi tới cái chết ô nhục trên Thập giá. Bây giờ, con hãy nhìn vào người đầu tiên, con sẽ thấy nguyên nhân khiến nó lỗi đức vâng phục, mà Cha là Thiên Chúa hằng hữu đã đặt ra cho nó. Sự kiêu ngạo, con đẻ của tính tự ái, và sự chiều ý vợ mình, đó là nguyên nhân đã khiến nó ngoảnh mặt khỏi đức vâng phục và đưa nó tới chỗ dấy loạn, mất ân sủng và mất sự vô tội nguyên thuỷ, để sa vào tội lỗi và lâm vào cảnh khốn cùng, còn lôi kéo cả giống nòi nó vào đó, như Cha đã nói với con (Xc số 135, 14 và 21).

Dấu hiệu con có nhân đức tuân phục, là sự nhẫn nại; trái lại, bất nhẫn là dấu con không có nhân đức này. Những gì Cha giải thích cho con sẽ giúp con hiểu như vậy.

Nhưng con nên ghi nhớ điều này: có hai cách thi hành đức vâng phục, cách này trọn lành hơn cách kia, mà hai cách không tách lìa nhau, nhưng kết hợp với nhau, như Cha đã nói với con khi trình bày về các lời truyền dạy và lời khuyên (Xc số 47): cách thứ nhất tốt, cách kia thì hoàn thiện, không ai có thể bước vào sự sống vĩnh cửu nếu không vâng phục. Không có đức vâng phục, người ta ở lại bên ngoài, vì nhân đức này là chìa khoá để mở cánh cửa đã bị đóng lại, do sự bất tuân phục của Ađam. Khi Cha thấy con người Cha rất yêu thương, đã mất đi sự vinh hiển mà Cha đã mặc cho nó khi tạo dựng nó, và không bao giờ nó có thể tự mình trở về với Cha, Cha đã cảm thấy bị thôi thúc bởi lượng nhân hậu khôn xiết của Cha, để cầm lấy chìa khoá của đức vâng lời thánh thiện và đặt vào tay Con yêu dấu của Cha: Ngài đã trung thành vâng lệnh Cha mở cửa Thiên Đàng. Từ đó, không ai có thể vào qua cửa này, nếu người giữ cửa thần linh đó không mở ra cho nó, bằng chìa khoá của đức vâng lời; như Ngài đã nói trong Phúc Âm: “Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).

Khi Ngài rời bỏ xã hội loài người, mang lá cờ chiến thắng trở về với Cha, Ngài đã để lại cho các con chiếc chìa khoá quý báu của đức tuân phục. Như con biết, Ngài đã đặt vị đại diện của Ngài, tức đức Thánh Cha mà người ta có thể gọi là Chúa Kitô trên trái đất, tất cả các con phải vâng lời vị đại diện đó cho đến chết. Ai tách mình ra, không vâng phục vị đại diện, người ấy sẽ bị án phạt, như Cha đã nói với con (Xc số 65, 66).

Bây giờ, Cha con con thấy nhân đức tuyệt vời đó ở nơi Con Chiên khiêm nhường, không tì vết, rồi Cha sẽ dạy con biết nhân đức này từ đâu mà ra. Bởi đâu, Ngôi Lời đã vâng phục trọn hảo như thế? Bởi lòng mến yêu của Ngài đối với vinh quang của Cha và ơn cứu độ cho các con. Và lòng mến yêu này từ đâu mà đến? Từ chỗ linh hồn Ngài nhìn thấy bản tính thần linh và Ba Ngôi vĩnh cửu cách rõ ràng. Ngài luôn luôn chiêm ngưỡng Cha là Thiên Chúa hằng hữu. Sự chiêm ngắm này đã tạo nên trong Ngài sự trung tín cách trọn hảo tuyệt đối, trong khi ánh sáng đức tin chỉ tạo nên trong chúng con một cách mờ nhạt. Bởi vậy, Ngài đã trung tín với Cha là Cha hằng hữu của Ngài, và dưới ánh sáng này, trong sự say mến, Ngài đã đi vào con đường của đức vâng phục.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Lòng mến không bao giờ ở một mình, nhưng có cả một đoàn tháp tùng các nhân đức chân thật và sống động: tất cả các nhân đức này đều múc lấy sức sống từ chính lò đức ái. Tuy nhiên, những nhân đức của Chúa Kitô Con Cha không có cùng một kích thước hạn hẹp, như các nhân đức của các con. Trong các nhân đức này, đức nhẫn nại là chính: nó là cốt tuỷ của đức ái. Chính đức nhẫn nại là dấu hiệu không thể sai lầm, về sự linh hồn ở trong ân sủng Cha, và nó mến Cha thật sự. Bởi vậy, mẹ nó là đức ái đã cho nó làm chị em với đức vâng phục, và hai nhân đức này kết hợp chặt chẽ với nhau, đến nỗi mất nhân đức này sẽ là cái chết của nhân đức kia. Người ta có cả hai, hoặc không có nhân đức nào hết.

Đức vâng phục có một mẹ nuôi, luôn dưỡng dục nó: đó là đức khiêm nhường đích thực. Người ta chỉ vâng lời khi người ta khiêm nhường, và người ta không thể khiêm nhường nếu không vâng lời. Đức khiêm nhường chẳng phải là mẹ nuôi đức ái sao? Cho nên không lạ gì khi thấy nhân đức này cũng nuôi dưỡng đức vâng lời bằng sữa của mình. Áo mà mẹ nuôi mặc cho đức vâng lời là sự khinh chê bản thân, ước ao chịu sỉ nhục, ép mình trong mọi sự để làm vui lòng Cha. Đâu là khuôn mẫu hoàn hảo của nhân đức này? Đó là Đức Giêsu Kitô hiền lành, Con Một Cha. Ai đã hạ mình xuống hơn Ngài? Ngài đã chịu ê chề những sỉ vả, những chế nhạo, những phỉ báng: Ngài đã từ bỏ mình, đã hiến sự sống thân xác của Ngài để làm vui lòng Cha (Pl 2:7). Và có ai nhẫn nhục bằng Ngài? Không một lời than van, không một lời trách móc, nhưng đã nhẫn nại chịu ô nhục để chu toàn đức vâng lời với lòng mến yêu (Is 53:7), như Cha là Cha Ngài đã truyền cho Ngài.

Vậy, các con sẽ tìm thấy nơi Ngài đức vâng lời hoàn thiện, Ngài đã đề ra mẫu mực cho các con, Ngài đã để lại cho các con một giáo lý mà chính Ngài đã tuân hành trước, Giáo lý của Ngài ban cho các con sự sống, bởi vì giáo lý này là đường đi, như chính Ngài đã nói trong Phúc Âm rằng: “Ngài là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6). Ai đi theo con đường này trong ánh sáng sẽ không vấp ngã (Ga 14:6; 8:12; 11:9-10), cũng không ai vấp phải mình mà không hay biết, vì nó đã ra khỏi chốn tối tăm của tính tự ái, là điều làm cho người ta dễ sa vào tội bất tuân phục. Cha nói lại với con, đức vâng phục có mẹ nuôi là đức khiêm nhường, phát sinh từ sự biết mình. Bởi vậy, sự bất tuân phục là hoa trái của tính kiêu ngạo, mà kiêu ngạo thì bắt nguồn từ tính tự ái là kẻ thù phá huỷ đức khiêm nhường.

Sự bất tuân phục còn có đứa em gái bởi tính tự ái mà sinh ra, đó là sự bất nhẫn, và mẹ nuôi của nó là tính kiêu ngạo. Dưới sự hướng dẫn của nó, linh hồn bước đi trong bóng tối tăm của sự bất trung, lao mình vào con đường lầm lạc dẫn tới sự chết muôn đời. Vậy, tất cả các con phải đọc cuốn Sách vinh hiển: trong đó, các con sẽ được nghe giảng dạy, về nhân đức vâng phục cùng với các nhân đức khác.

Đức vâng phục là chìa khoá mở cửa Nước Trời. Cần phải luôn mang chìa khoá này ở thắt lưng. Phẩm giá của nhân đức này.

  1. Cha đã giải thích cho con biết đức vâng phục ở đâu, nó bởi đâu mà ra, bạn đồng hành của nó là ai và ai là mẹ nuôi nó. Bây giờ, Cha sẽ nói về những người vâng lời và những kẻ không vâng lời, về đức vâng phục thông thường và về đức vâng phục đặc biệt, nghĩa là tuân theo các lời truyền và vâng theo các lời khuyên.

Đức tin của các con xây nền trên đức vâng phục, chính nhờ nhân đức này mà chúng con chứng tỏ chúng con trung thành. Chân lý của Cha đã đặt ra cho tất cả các con những lời truyền dạy của Luật, mà điều cốt yếu là hãy yêu mến Cha trên hết mọi sự, và thương yêu tha nhân như chính mình. Điều răn này liên kết chặt chẽ với tất cả mọi điều răn khác, đến nỗi không thể giữ một điều mà không giữ những điều khác, và không thể bỏ qua một điều và không vi phạm tất cả các điều khác.

Ai tuân giữ giới răn này, thì cũng giữ những điều răn khác: nó trung thành với Cha và với tha nhân. Nó yêu mến Cha và giữ tình yêu thương tha nhân vì Cha. Nhân đó, nó vâng lời, nó vâng phục các lời truyền dạy của Luật và vâng phục các tạo vật vì Cha, chịu đựng cách khiêm nhường và nhẫn nại tất cả mọi đau khổ và bất công, do tha nhân gây ra cho nó.

Đức vâng phục hoàn hảo ở chỗ, nhờ đó mà các con nhận được ân sủng, cũng như vì bất tuân phục mà sự chết đến với các con (Rm 5:19). Cũng chưa đủ, nếu nhân đức này chỉ có ở Ngôi Lời của Cha, mà lại không thể hiện ở nơi các con. Như Cha đã nói (Xc số 154), nhân đức vâng phục là chìa khoá mở cửa Nước Trời, và Ngài đã trao chìa khoá này cho vị đại diện của Ngài. Vị đại diện đã trao lại cho mỗi người trong các con, khi các con lãnh nhận bí tích thánh tẩy và cam kết từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những sa hoa và vui thú thế gian. Do lời hứa vâng phục này, mỗi người trong các con lãnh lấy chìa khoá của đức vâng lời, mỗi người được giữ lấy chìa khoá đó cho mình sử dụng, đó cũng chính là chiếc chìa khoá của Ngôi Lời Con Cha.

Nếu con người không đi theo ánh sáng đức tin, không được bàn tay của đức ái dùng chìa khoá này mà mở cửa Nước Trời, thì không bao giờ nó vào được bên trong, cho dầu Ngôi Lời của Cha đã mở cửa đó. Cha đã sáng tạo các con không cần các con, nhưng sẽ không cứu vớt các con mà không có sự cộng tác của các con.

Vậy các con phải đưa tay cầm lấy chìa khoá này, đừng ngồi yên đó, mà phải bước đi trên con đường mà Đấng Chân Lý dịu hiền đã mở ra. Nào, đứng dậy đi! Hãy rời bỏ những sự vật có cùng, mà lòng các con dính bén. Đừng làm như những kẻ khờ dại kia, chúng đi theo con người cũ, là Ađam tổ tông chúng, đã liệng chiếc chìa khoá của đức vâng phục vào đống bùn nhơ tội lỗi, sau khi đã đập vỡ nó bằng cái búa của tính kiêu căng, để nó rỉ sét bởi lòng tự ái. Ngôi Lời Con Một Cha đã đến với chiếc chìa khoá của đức vâng phục trong tay. Ngài đã tẩy rửa nó trong lửa đức ái; Ngài đã nhặt nó ra từ đống bùn nhơ và rửa nó trong Máu Ngài. Ngài đã uốn nắn nó lại bằng dụng cụ của đức công chính, và đã sửa lại mọi bất chính của các con trên cái đe của Thân Thể Ngài (Tv 183:3). Ngài đã uốn nắn nó lại như trước, để mỗi khi con người cố ý làm nó hư hỏng, thì chính con người lại có thể tự mình sửa chữa bằng ý chí tự do của mình, với sự trợ lực của ân sủng Cha, và cũng bằng dụng cụ đó.

Ôi, con người mù quáng, mù quáng quá đỗi! Ngươi biết ngươi đã làm hư chiếc chìa khoá của đức vâng phục, mà ngươi không lo sửa lại! Sự bất tuân phục đã đóng cửa Nước Trời, mà ngươi lại tưởng cái tội ấy sẽ mở cửa Trời cho ngươi sao? Sự kiêu ngạo đã bị đẩy xuống khỏi Trời cao, còn ngươi lại tưởng nó sẽ đưa ngươi lên Trời ư? Ngươi mặc áo rách rưới và dơ bẩn, mà ngươi nghĩ sẽ được mời vào dự tiệc cưới sao? Ngươi ngồi đó, ngồi lì trong xiềng xích tội trọng, mà ngươi tưởng không có chìa khoá này mà vẫn mở được cửa nhà tiệc ly sao? Không, ngươi đừng nghĩ thế, đó là một ảo tưởng điên khùng! Ngươi phải bẻ gãy xiềng xích của tội trọng bằng việc xưng tội chân thành, có kèm theo sự thống hối thật lòng, phải làm việc đền tội và quyết chí không xúc phạm đến Cha nữa.

Khi đó, ngươi sẽ cởi bỏ được cái áo dơ bẩn và xấu xa, được mặt chiếc áo tiệc cưới, ngươi sẽ chạy dưới ánh sáng đức tin cho tới Nước Trời; với đức vâng phục là chìa khoá ở trong tay, ngươi có thể mở cửa. Để đừng đánh mất cái chìa khoá này, ngươi hãy cột lấy nó bằng sợi dây của sự từ bỏ mình, khinh chê bản thân và xa lánh những quyến rũ thế gian. Cũng sợi dây đó, ngươi cột cái chìa khoá và sự quyết tâm làm vui lòng Cha: sự quyết tâm sẽ là cái dây lưng giữ cho ngươi không đánh mất chìa khoá nữa (Is 11:5).

Con rất yêu dấu của Cha, con nên biết: đã có nhiều người bắt đầu cầm lấy chìa khoá của đức vâng phục, vì nhờ ánh sáng đức tin họ biết không có đức vâng lời họ không thể thoát khỏi án phạt muôn đời. Nhưng họ cầm chìa khoá trong tay, không có dây thắt lưng mà cũng không có sợi dây để buộc chìa khoá vào thắt lưng. Họ không thắt lưng bằng ước ao làm vui lòng Cha, họ chỉ lo theo ý mình: họ không buộc chìa khoá bằng sợi dây của sự từ bỏ mình, bởi thay vì hạ mình xuống, họ lo tìm kiếm sự ca tụng của người đời.

Những người như thế sẽ làm mất cái chìa khoá của đức vâng phục, mỗi khi họ gặp gian thử thách về phần thiêng liêng hay về phần thể xác. Nếu họ không tỉnh thức, bàn tay họ có lúc không nắm chặt, và chiếc chìa khoá rơi mất. Nói cho đúng, chìa khoá không mất, nhưng bị lạc, bởi vì họ có thể tìm lại được, nếu họ muốn, bao lâu họ còn sống. Nhưng nếu họ không muốn, họ sẽ không bao giờ tìm thấy nó. Ai sẽ chỉ cho họ biết họ đã để lạc mất chìa khoá ấy? Sự bất nhẫn, vì nhẫn nại là bạn keo sơn của đức vâng lời; cho nên ai không nhẫn nại là người không có đức vâng lời.

Ôi, nhân đức nhẫn nại êm ái và vinh hiển, nó là nơi chứa đựng mọi nhân đức! Nó đã được cưu mang và sinh ra bởi đức ái. Đá tảng đức tin rất thánh đã được đặt trên nhân đức này. Nó là nữ hoàng quyền thế: ai đính hôn với đức nhẫn nại sẽ trở nên giàu có và được che chở khỏi mọi tai hoạ. Nó mang đến cho con người sự bình an và thư thái. Sóng biển gầm thét cũng phải tan tành khi va chạm vào nó. Nó là trung tâm của linh hồn, nơi không một sóng gió hay kẻ thù nào có thể đụng tới. Ai có nhân đức này sẽ không thù oán khi bị lăng mạ làm nhục, vì người đó muốn vâng lời và biết rõ luật tha thứ.

Người vâng lời không cay đắng khi điều ước nguyện không được thoả mãn, vì đức vâng lời dạy nó chỉ nên ước ao Cha, là Đấng có thể và muốn thể hiện mọi ước muốn của nó, vả nó đã giũ sạch mọi của cải thế gian. Như vậy, trong mọi sự khôn xiết kể, nó an bình và hạnh phúc, vì nó đã chọn nữ hoàng đức vâng lời làm hiền thê, mà Cha đã ví như một chiếc chìa khoá.

Ôi, đức vâng lời kỳ diệu! Mi vượt biển không cực nhọc và tới bến cứu độ an toàn! Mi giống như Ngôi Lời Con Một Cha. Mi bước lên con thuyền của Thánh giá, sẵn sàng tham dự cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, hơn là chịu thiếu đức vâng phục của Ngôi Lời và xa rời giáo lý của Ngài. Mi lấy đó làm bàn ăn, trên đó lương thực của mi là các linh hồn, và say sưa yêu thương tha nhân. Mi được xức dầu thơm của đức khiêm nhường chân thành, và mi không thèm khát những gì ngoài điều Cha muốn. Mi ngay thẳng, không quanh co, vì mi có trái tim đơn sơ và bác ái, không một chút giả dối. Mi là bình minh loan báo ánh sáng của ân sủng thần linh. Mi là mặt trời sưởi ấm những ai có mi trong tâm hồn, vì sự nồng nhiệt của đức ái không bao giờ rời xa mi. Mỗi ngày mi làm cho trái đất trở nên phong nhiêu, bởi vì ngươi làm cho thân xác và linh hồn sinh hoa trái, mang lại sự sống cho mi và cho đồng loại.

Mi làm vui lòng mọi người, nét mặt mi không hề biến sắc vì giông tố, nhưng luôn rạng ngời nhờ ánh sáng dịu hiền của đức nhẫn nại. Sự nín thinh nhẫn nhục là dấu chỉ mi có sức mạnh, sự kiên nhẫn làm mi thành người lớn và uy quyền: mi thật là vĩ đại. Trong sự vĩ đại này, mi đi từ đất lên tới Trời, vì cửa Nước Trời chỉ mở ra cho mi và chỉ cho mi mà thôi. Mi là viên ngọc quý ẩn kín, không ai nhận ra, bị người ta dày đạp dưới chân, vì chính mi đã tự nguyện đặt mình dưới chân mọi người và tự làm cho mình ra nhỏ bé (Mt 13:44-46; 7:6). Tuy nhỏ bé, nhưng quyền năng của mi thật lớn lao, không ai có quyền sai khiến mi: vì mi đã được giải phóng khỏi cảnh tôi mọi của tính dục, là cái làm cho con người mất phẩm giá. Khi giết được kẻ thù này bằng sự ghét bỏ và khinh chê ý riêng mình, mi đã giành lại được quyền tự do.

Bàn về nỗi khốn cùng của những kẻ bất tuân phục, và về sự hoàn thiện của người vâng lời.

  1. Con rất yêu dấu của Cha, con nên biết tất cả mọi ý định của sự quan phòng, tất cả mọi nỗ lực của lòng nhân hậu Cha, là để Ngôi Lời sửa chữa cái chìa khoá của đức vâng lời. Nhưng người đời không có một nhân đức nào, lại còn từ chối ân huệ Ngài ban, chúng như những con vật lỏng dây cương. Từ khi không còn dây cương của đức vâng lời nữa, chúng đi từ chỗ xấu đến chỗ xấu hơn, từ tội này đến tội khác, từ tồi tệ này đến tồi tệ khác, từ tối tăm đến mù tối, từ sự chết đến sự chết khốn khổ hơn nữa, nghĩa là sa xuống vực thẳm tiêu vong, nơi con sâu lương tâm rúc rỉa chúng đến muôn đời.

Chúng còn có thể trở lại với đức vâng lời và vâng phục những lời truyền của Luật. Chúng còn thời giờ để khóc lóc thật lòng, nhưng vì chúng sống lâu năm trong sự bất tuân phục, cho nên chúng khó mà dứt bỏ được tật hư thói xấu lâu ngày. Trì hoãn hay khất lần là một sự dại dột, vì rất nguy hiểm nếu người ta chờ tới lúc chết mới đi tìm chìa khoá đức vâng lời. Người ta chỉ có thể và phải cậy trông vào Cha trong cuộc sống hiện tại, nhưng rất nguy hiểm nếu trì hoãn sự trở lại và cậy dựa vào thời giờ mà mình không chắc có, để mất đi tiếng gọi ân sủng.

Đâu là căn nguyên của sự bất hạnh và mù quáng này? Đó chẳng phải là vì người ta không nhận ra kho báu mà Cha đã đặt trước tầm tay chúng sao? Đám mây mù tính tự ái và chất kiêu ngạo đã tách chúng rời khỏi đức vâng lời, và làm chúng sa vào chỗ dấy loạn. Vì chúng không vâng lời, nên chúng không kiên nhẫn, và sự bất nhẫn của chúng gây nên cho chúng những đau khổ không lường được. Chúng đã bỏ đường đi của Đấng Chân Lý để lạc vào con đường sai lầm và dối trá. Chúng trở thành tôi mọi và bè bạn với ma quỷ; nếu chúng không sửa mình, sự bất tuân phục của chúng sẽ đẩy chúng xuống lửa muôn đời cùng với ma quỷ, mà chúng đã nhìn nhận quyền hành và phục vụ.

Ngược lại, những kẻ tuân giữ Luật của Đấng Chân Lý dịu hiền, và sống trong đức vâng lời, sẽ được hưởng kiến Cha muôn đời, cùng với Con Chiên không tì vết, đã làm, đã giữ, và đã ban Lề luật. Vì chu toàn Lề luật trong cuộc sống, họ đã tìm thấy bình an ở đời này, và trong cuộc sống diễm phúc trên Trời, nơi họ sẽ được hưởng nếm một sự bình an tuyệt hảo. Đó là một sự bình an không giông tố, một sự thiện không pha trộn, một sự tin tưởng không sợ sệt, một sự giàu có không khiếm khuyết, một sự no thoả không hề chán, một sự khao khát mà vẫn no thoả, một ánh sáng không chút bóng tối, một hạnh phúc cao cả khôn lường, không giới hạn, một hạnh phúc mà tất cả các thần thánh trên trời cùng chia sẻ.

Ai đã ban cho con người bấy nhiêu sự mừng vui đó? Đó là Máu Con Chiên, thần lực của Máu Thánh đã tẩy rửa chiếc chìa khoá vâng lời khỏi mọi rỉ sét. Với chìa khoá này, các con có thể mở cửa Nước Trời. Thật vậy, chính đức vâng lời đã mở cửa Trời nhờ thần lực của Máu Thánh.

Ôi, những kẻ khốn nạn ngu xuẩn, các ngươi đừng khất lần nữa, hãy ra khỏi đống bùn nhơ tội lỗi đi! Hình như các ngươi thích đắm mình trong dục vọng xác thịt, như những con heo ưa nằm trong đống bùn tanh hôi. Các ngươi hãy bỏ đi những bất công, thù ghét, sát nhân, oán hận, những lăng mạ, những trách móc, những đoán xét chua cay, tính tình độc ác, trộm cắp, gian dối, và những thú vui hỗn loạn cùng đam mê tiền của. Hãy hạ cái sừng kiêu căng xuống! Nếu các ngươi làm được như thế, các ngươi sẽ dẹp đi được mối hận thù ở trong tâm hồn các ngươi, muốn chống lại kẻ đã làm nhục các ngươi. Các ngươi hãy so sánh những sỉ nhục mà các ngươi đã làm cho Ta và cho tha nhân, với những gì người ta làm nhục các ngươi, các ngươi sẽ thấy các ngươi không có lý do để than trách kêu ca như vậy. Khi các ngươi thù ghét tha nhân, các ngươi xúc phạm đến Ta vì khinh rẻ Ta và vi phạm giới răn Ta. Các ngươi cũng phạm đến tha nhân, vì thiếu tâm tình bác ái.

Các con đã được truyền dạy yêu mến Cha trên hết mọi sự, và thương yêu tha nhân như chính mình. Không hề có lời giải thích nào để nói rằng: “Nếu nó phạm đến con, con đừng yêu thương nó nữa”. Chính Ngôi Lời của Cha truyền dạy điều luật này, và Ngài không thêm vào đó lời chú giải nào khác. Ngài đã giữ luật yêu thương này cách trọn vẹn, thì các con cũng phải tuân hành cách trọn vẹn như vậy. Nếu các con không tuân giữ, các con sẽ lừa dối linh hồn mình, khiến nó mất sự sống của ân sủng.

Vậy, các con hãy mở mắt nhìn ánh sáng đức tin, và hãy cầm lấy chìa khoá của đức vâng lời. Đừng bước đi như những người mù trong đêm tối giá lạnh nữa! Với lửa của đức ái trong trái tim, các con hãy ôm lấy đức vâng lời, để được nếm sự sống vĩnh cửu cùng với những người xưa kia đã trung thành với Lề luật.

Về những người yêu mến nhân đức vâng phục, đến độ không bằng lòng với đức vâng lời thông thường đối với các lời truyền dạy, nhưng còn muốn thực thi nhân đức này cách đặc biệt và anh hùng.

  1. Con yêu dấu của Cha, có những người hết sức cố gắng tăng thêm lửa mến bằng đức vâng lời, cùng với sự chê ghét tính dục của mình. Lòng mến càng gia tăng thì sự chê ghét cũng tăng lên, tới mức độ không còn hài lòng với đức vâng lời thông thường, nghĩa là tuân hành lời truyền của giới răn, mà mọi người buộc phải tuân giữ, nếu không muốn diệt vong nhưng được sống. Họ muốn đạt tới sự trọn lành bằng cách tìm một đức vâng lời đặc biệt hơn, đưa họ thẳng tới bậc hoàn thiện: đó là tuân giữ các giới răn và các lời khuyên trong tinh thần và trong thực hành.

Quả vậy, không thể có đức ái nồng nhiệt mà thiếu sự chê ghét dục vọng: lòng mến yêu Chúa gia tăng thì sự chê ghét tính dục cũng tăng lên theo. Vì sự chê ghét này, và để tiêu diệt ý riêng mình, những người nói đây muốn đặt mình dưới ách lề luật của một dòng tu; hay là nếu không vào dòng nào, thì tự nguyện vâng phục một vị họ nhận làm bề trên, hầu bước đi cách mau lẹ hơn và chắc chắn mở được cửa sự sống đời đời, bằng chìa khoá của đức vâng lời. Đó là những người chọn đức vâng phục toàn hảo và anh hùng.

Cha đã nói với con về đức vâng phục thông thường, nhưng vì con muốn nghe về đức vâng lời toàn hảo này, nên Cha sẽ nói thêm. Nhân đức này không khác biệt với nhân đức thứ nhất, nhưng hoàn hảo hơn. Hai nhân đức này liên kết chặt chẽ với nhau, không thể có nhân đức này mà không có nhân đức kia. Về đức vâng phục thông thường, Cha đã cho con biết nó bởi đâu mà ra và cái gì làm mất nó. Cha cũng theo thứ tự đó, để nói với con về nhân đức vâng lời đặc biệt và hoàn hảo này.

Làm thế nào để đạt tới đức vâng phục thông thường và đặc biệt. Sự diệu kỳ của đức vâng phục trong dòng tu.

  1. Linh hồn với lòng mến chân thành, đã nhận lấy cái ách tuân phục các lời truyền, bằng sự vâng theo Giáo lý của Đấng Chân Lý và thực tập các nhân đức, để đạt tới đức vâng phục thông thường, thì cũng sẽ đạt đến đức vâng phục thứ hai, bằng chính ánh sáng đã dẫn nó tới đức vâng phục thứ nhất. Nhờ ánh sáng thần linh của đức tin soi sáng trong Máu Con Chiên khiêm nhường, mà linh hồn nhận biết được tình thương vô biên của Cha, và nhận ra sự yếu đuối của nó không có khả năng đáp lại một cách hoàn hảo, như Cha đáng được đền đáp. Khi đó, nhờ ánh sáng này, nó đi tìm nơi chốn và phương thế để đáp lại Cha, nhằm thắng được sự yếu đuối cũng như giết đi được ý riêng của nó.

Đức tin chỉ cho nó thấy nơi chốn nó tìm: đó là đời sống tu trì, mà Chúa Thánh Thần đã lập ra như một con thuyền, để đón nhận những linh hồn muốn đạt tới sự hoàn thiện và tới bến ơn cứu độ cách an toàn hơn. Ông chủ của con thuyền này là Chúa Thánh Thần mà không một ai có thể bắt lỗi; bởi vì tu sĩ nào bất tuân các lời truyền dạy của Ngài, sẽ không làm hại gì cho con thuyền, mà chỉ làm hại cho bản thân mình. Sự thật, do lỗi của người cầm lái, con thuyền có thể gặp bão tố gây nguy khốn. Những người cầm lái dở là những vị bề trên thi hành chức năng cách vụng về, mà chủ thuyền đã trao cho họ. Con thuyền này là điều rất đáng ước ao, quá sức lưỡi con người có thể nói ra được.

Khi linh hồn gia tăng lửa mến bằng sự ghét bỏ lòng tự ái, và nhờ ánh sáng đức tin, nó bước vào con thuyền đời sống tu trì như một người chết đối với bản thân, nếu thật sự nó đã vâng lời, nghĩa là nó đã giữ đức vâng lời chung cách tốt đẹp. Sự bất toàn mà nó mang theo, không ngăn trở nó bước tới sự trọn lành. Nó sẽ đạt tới theo mức độ nó tập luyện đức vâng phục.

Đa số những người bước vào dòng tu còn bất toàn. Có người vào dòng vì nhẹ dạ hay bồng bột của tuổi trẻ, có người vào dòng vì sợ hãi, và có người vào dòng để tìm an thân hay có đời sống khá hơn. Điều quan trọng là họ phải làm tốt điều họ đã bắt đầu, và phải vững bền cho đến chết. Sự nhận xét không căn cứ vào lúc khởi đầu, nhưng căn cứ vào quãng cuối đời. Nhiều người ban đầu xem ra trọn lành, nhưng rồi quay lại đằng sau, hoặc ở lại trong nhà dòng với một sự bất toàn lớn lao. Những lý do và những hoàn cảnh khiến người ta vào dòng không quan trọng: chính Cha đã làm nảy sinh những hoàn cảnh đó để gọi mỗi người một cách khác nhau. Điều duy nhất cần phải xét, là lòng mến yêu có tạo được sự vững tâm trong đức vâng lời hay không.

Con thuyền của đức vâng phục thì đầy của cải, và những kẻ ở trong đó không phải lo lắng về những nhu cầu thiêng liêng hay trần thế, bởi vì kẻ vâng lời cách chân thật và giữ luật dòng đã có Chúa Thánh Thần làm ông chủ của mình. Như Cha đã nói với con khi bàn về sự quan phòng của Cha, các tôi tớ Cha có thể nghèo, nhưng không bao giờ túng thiếu cơ cực, vì mỗi ngày Cha lo liệu những nhu cầu cho họ. Những ai vâng luật dòng đều có kinh nghiệm về điều này.

Quả vậy, con biết thời mà các dòng tu thịnh vượng hơn, là nhờ tinh thần khó nghèo và tình huynh đệ, không bao giờ họ thiếu các phương tiện sinh hoạt; nói đúng hơn, họ ở trong cảnh dư dật. Nhưng một khi nọc độc của lòng tự ái và ích kỷ tiêm nhiễm lây lan, đời sống họ rời rạc chia rẽ, và khi đức vâng phục biến mất, thì những tài sản trần thế của họ cũng giảm đi, và họ càng thu tích họ càng thiếu thốn. Cả trong sự nhỏ mọn nhất, họ phải nhìn thấy hậu quả của sự bất tuân phục, bởi vì, nếu họ vâng lời và trung thành giữ đức khó nghèo, họ đã chẳng csó của riêng tư để sống riêng lẻ.

Con sẽ thấy trong con thuyền này một kho báu của những luật lệ thánh thiện, đã được soạn thảo cách khôn ngoan và sáng suốt bởi những người được coi là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Con hãy xem Biển đức đã xếp đặt con thuyền dòng tu của mình cách khôn khéo dường nào! Con hãy ngắm nhìn bình thuốc thơm của đức khó nghèo và những hạt kim cương nhân đức, mà Phansinh đã thiết kế cho con thuyền dòng mình lấy đức nghèo làm bạn trăm năm. Ông đã dẫn đưa con thuyền đó tới mức trọn lành rất cao, ông là người bước lên thuyền đầu tiên, đã làm gương trong việc đính hôn với đức khó nghèo thánh thiện. Ông đã gắn bó với người bạn trăm năm trong sự khiêm hạ và khinh chê mình. Ông không ưa thích một tạo vật nào ngoài Thánh ý Cha. Ông tìm kiếm những gì thế gian cho là hèn hạ, ông hành hạ thân xác mình và tiêu diệt ý riêng, ông chịu đựng sự sỉ nhục, vì yêu mến Đấng Chiên Lành, đã vì tình thương mà chịu đóng đinh vào Thập giá (Ga 2:19). Ông yêu mến Chúa Kitô chịu đóng đinh cách nồng nàn đến độ, do một ân sủng phi thường, những vết thương cực thánh của Ngôi Lời đã được in trên thân xác ông, để tỏ rõ nơi xác thịt ông lửa tình yêu đang thiêu đốt linh hồn ông. Đó là con đường Phansinh đã vạch vẽ cho nhiều người.

Con sẽ hỏi: các dòng tu khác có được xây dựng trên đức nghèo cả không? Có chứ, nhưng đối với tất cả các dòng, đó không phải là điều chính yếu. Tất cả các dòng tu đều được xây dựng vững chắc trên đức khó nghèo, nhưng vì trong các nhân đức bởi đức ái mà sinh ra, có những nhân đức riêng cho người này người kia, mặc dầu tất cả đều có chung một nguồn gốc. Phansinh, người khó nghèo yêu dấu của Cha, đã chọn đức khó nghèo làm phần riêng mình. Vì yêu mến đức khó nghèo, ông đã đóng con thuyền riêng cho mình, và ông đã đặt vào trong đó những người có đức trọn lành hoạ hiếm. Họ không đông, nhưng trọn hảo. Ngày nay, có ít người chọn sự trọn lành này. Than ôi! Họ gia tăng con số, nhưng đã giảm về nhân đức. Đó không phải là lỗi của dòng tu, nhưng là lỗi của những kẻ không vâng lời, và lỗi của những người lèo lái tồi.

Con rất yêu dấu, bây giờ con hãy nhìn con thuyền của Cha con là Đaminh, người con rất yêu dấu của Cha. Con thấy cha con đã xếp đặt mọi sự trong đó cách khôn ngoan, để tôn vinh Cha và cứu vớt các linh hồn, nhờ ánh sáng của tri thức. Ông đã muốn đặt ánh sáng này làm nguyên tắc chính của dòng tu. Nhưng không phải vì thế mà ông coi thường đức khó nghèo tình nguyện. Ông yêu mến nhân đức này, chứng cớ là ông đã sống nghèo đích thực và khinh chê sự giàu có bằng lời chúc dữ, ghi trong di chúc của ông, khi ông tuyên bố ông và Cha sẽ chúc dữ cho những ai đem của cải vào trong dòng mình (Chú thích: thánh nhân đã cấm không ai trong dòng được phép đam mê của cải thế gian). Đó là dấu chỉ ông cũng đã nhận nữ hoàng đức khó nghèo làm hiền thê của mình.

Nhưng Đaminh đã chọn ánh sáng của tri thức cho dòng mình, để triệt phá những sai lầm đang trỗi dậy ở thời đại ông. Sứ vụ của ông là sứ vụ của Ngôi Lời, Con Một Cha. Ông đã xuất hiện trước thế gian như một tông đồ, bởi vì ông đã nhiệt thành rao giảng Lời của Đấng Chân Lý, nhằm đánh tan sự tối tăm lạc giáo và chiếu toả ánh sáng đức tin. Ông cũng chính là ánh sáng Cha đã ban cho thế giới qua trung gian của Đức Maria. Sứ mạng của ông trong Nhiệm thể của Hội Thánh, là giải trừ các bè rối.

Tại sao Cha nói nhờ trung gian Đức Maria? Vì chính Mẹ Maria đã ban tu phục cho dòng này: lòng nhân hậu của Cha đã uỷ thác dòng con cho Mẹ. Đaminh đã mời gọi con cái mình ngồi vào bàn ăn nào, để được nuôi dưỡng bằng ánh sáng của tri thức? Ngồi vào bàn thập giá. Thập giá là bàn ăn, nơi mà niềm ước ao thánh thiện đã chọn lấy, để được nuôi dưỡng bằng ơn cứu độ các linh hồn, hầu làm rạng rỡ Thánh danh. Đaminh đã muốn các con mình suốt đời ngồi tại bàn ăn này, để nhờ ánh sáng của tri thức mà tìm cách làm vinh danh Cha và cứu vớt các linh hồn. Để họ không bao giờ lãng quên tư tưởng này, vị sáng lập đã giải thoát họ khỏi mối lo âu về những sự trần thế, bằng cách buộc họ sống thanh bần. Đúng, trong các môn đệ ông có những người yếu tin và lo sợ cho cộng đoàn. Nhưng chính ông đã không thiếu đức tin: ông mang lấy đức tin như áo giáp và ông cậy trông vào sự quan phòng của Cha với một niềm tin cậy không hề nao núng.

Đaminh truyền dạy con cái ông đức vâng phục, và luôn trung thành với nhiệm vụ được trao cho. Vì đời sống xác thịt thường làm tối tăm con mắt của trí tuệ, và lạc thú thể chất vốn làm suy yếu sự sống của thân xác, nên ông muốn giữ gìn sức khoẻ cho các tu sĩ mình, nhằm bảo trì ánh sáng tri thức của họ được nguyên vẹn, và mở ra cho họ thêm nhiều luồng sáng mới. Bởi vậy, ông đặt ra lời khấn thứ ba về đức khiết tịnh. Ông muốn các con cái ông tuân giữ điều này với một sự vâng lời chân thành và trọn vẹn. Nhưng ngày nay, người ta không còn muốn tuân giữ gì hết. Người ta đổi ánh sáng của tri thức thành sự tối tăm, và che phủ tri thức bằng những làn khói của tính kiêu ngạo. Không phải ánh sáng đã lu mờ đi vì sự tối tăm này, nhưng tâm hồn những người thông thái kiêu căng đã trở nên tối tăm. Đâu có sự kiêu ngạo, ở đấy không có đức vâng phục.

Cha đã nói với con: con người chỉ vâng lời khi có lòng khiêm nhường, và chỉ khiêm nhường khi có đức vâng phục. Thật hiếm có người phạm lỗi đức vâng phục, mà không lỗi phạm đức khiết tịnh và khó nghèo trong hành động hay ước ao.

Đaminh, cha của con, đã thiết kế con thuyền của mình như thế đó. Ông đã sắm ba dây thừng lớn, là các nhân đức vâng lời, khiết tịnh và thanh bần. Luật dòng của ông rất dễ chịu và dễ thương, vì không buộc tội trọng, trừ khi có lòng khinh dể. Chính Cha là Ánh Sáng đích thực, đã soi sáng cho cha của con về điểm này. Như vậy, Cha đã quan tâm đến sự yếu đuối của những kẻ bất toàn, bởi vì tuy rằng những người tuân giữ luật đều ở bậc trọn lành, nhưng ở đời này vẫn có những người không trọn lành bằng người khác. Làm thế, những người trọn lành và những người không trọn lành đều thoải mái trên con thuyền này. Như vậy, Đaminh thật giống Đấng Chân Lý dịu hiền của Cha, không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tà mà được sống (Ez 33:11). Thế nên, dòng tu Đaminh rất cởi mở, rất vui vẻ, rất hân hoan: đó là một vườn bông vui mắt và đượm mùi hương thơm.

Nhưng các kẻ bất trung không muốn tuân giữ luật dòng nữa, họ vi phạm các lời truyền dạy và biến vườn bông này thành một mảnh đất cằn cỗi hoang vu.

Người ta không còn thấy hương thơm của nhân đức và ánh sáng của tri thức nơi những người được nuôi dưỡng ở trong đó. Cha không tố cáo dòng tu, bởi vì như Cha đã nói, dòng tu là nơi chứa đầy hoan lạc, nhưng nó không còn được như hồi ban đầu.

Xưa kia nhà dòng là một vườn đầy những bông hoa tươi xinh, người ta đếm được nhiều tu sĩ rất trọn lành, họ giống tông đồ Phaolô, có ánh sáng nơi cặp mắt: họ vừa nhận ra sự tối tăm lầm lạc, tối tăm liền bị đánh tan.

Con hãy nhìn xem Tôma vinh hiển! Thật là một trí tuệ cao quý, luôn chăm chú chiêm ngưỡng Đấng Chân Lý dịu hiền của Cha, là nơi ông đã đạt được ánh sáng siêu nhiên và trí thức thiên phú. Ông đã đạt được ơn đó bằng lời cầu nguyện, hơn là bằng nghiên cứu. Ông là ngọn đuốc sáng rực, giãi toả ánh sáng trong dòng và trong Hội Thánh, ông xua đuổi mọi tối tăm của các bè rối bè đảng.

Con hãy ngắm nhìn Phêrô, trinh khiết và tử đạo, ông đã lấy máu mình mà chiếu toả ánh sáng của Đấng Chân Lý cho người rối đạo! Ông chống lại sự sai lạc đến mức quyết tâm hy sinh mạng sống mình. Suốt cuộc đời, ông chỉ cầu nguyện, giảng dạy, tranh luận với kẻ rối đạo, ngồi toà hoà giải, công bố chân lý, mở rộng triều đại đức tin. Không chút sợ hãi, ông đã tuyên xưng đức tin bằng cuộc sống, ngay cả trong giờ phút trước cái chết anh dũng. Trước khi tắt thở bởi nhát gươm của kẻ sát nhân, không còn tiếng nói và không có giấy mực, vị chứng nhân vinh hiển đã chấm ngón tay vào vũng máu của mình, cúi mình xuống và viết trên đất: “Credo in Deum” (tôi tin kính Đức Chúa Trời). Trái tim ông bốc cháy lửa yêu mến Cha, ông đã không chậm lại trong cuộc đua, đã không quay mặt lại đằng sau khi biết mình đang đi tới cái chết. Cha đã báo cho ông biết sẽ chết cách nào, nhưng như một hiệp sĩ can trường, ông không sợ, nhưng hăng hái bước ra chiến trường. Còn biết bao người khác Cha có thể kể ra đây, đó là những người không tử đạo bằng máu, nhưng bằng niềm ước ao, như Đaminh diễm phúc.

Đó là những người thợ tốt lành, mà người Cha gia đình đã sai đi làm vườn nho Giáo Hội, để nhổ cỏ dại nết xấu và trồng vào đó những cây nhân đức. Thật vậy, Đaminh và Phansinh là hai cột trụ của Hội Thánh, Phansinh lấy đức đức khó nghèo làm khẩu hiệu cho dòng mình, còn Đaminh thì lấy tri thức.

Hạnh phúc của những tu sĩ trung thành với đức vâng phục, và sự vô phúc của những tu sĩ bất tuân phục.

  1. Nơi chốn của đức vâng phục đã được tìm thấy: đó là những con thuyền mà Chúa Thánh Thần đã dùng các tổ phụ mà sáng lập nên. Bởi vậy, Cha đã nói với con: chính Chúa Thánh Thần là chủ những con thuyền này. Những con thuyền đã được thiết kế dưới ánh sáng của đức tin, cũng chính ánh sáng đó dạy cho các con hiểu rằng: chính lòng nhân từ của Cha, chính Chúa Thánh Thần quản trị những con thuyền đó.

Sau khi đã tỏ bày cho con về nơi chốn và sự trọn lành của đức vâng phục, bây giờ Cha sẽ nói về sự vâng phục và sự bất tuân phục của những người ở trên thuyền. Cha không đi vào chi tiết, không nhắm vào dòng này hay dòng kia. Cha sẽ trình bày song song về sự tuân phục và bất tuân phục, để nhờ sự đối chiếu này mà làm rõ nét nhân đức hay nết xấu. Cha cũng sẽ nói về những người muốn có chỗ ở trên con thuyền này, phải ăn ở làm sao.

Vậy, kẻ muốn đạt tới đức vâng phục dòng tu phải theo con đường nào? Nó hãy để ánh sáng đức tin hướng dẫn, ánh sáng này sẽ dạy nó phải giết chết ý riêng mình bằng thanh gươm của sự chê ghét tính dục, và chấp nhận một bạn đời cùng với tiểu muội mà đức ái sẽ ban cho nó. Bạn đời là đức vâng lời chân thành và mau mắn, tiểu muội của bạn đời là đức nhẫn nại. Rồi cũng phải đón nhận mẹ nuôi là đức khiêm nhường. Không có mẹ nuôi này, đức vâng lời sẽ chết yểu.

Đức vâng phục không thể sống trong một linh hồn không có đức khiêm nhường tốt lành này. Đức khiêm nhường cũng không ở một mình, nó có người nữ tì là sự từ bỏ mình, khinh chê bản thân và xa lánh sự thế gian. Linh hồn biết mình chẳng là gì hết, và thay vì ham muốn danh vọng thì chỉ thèm muốn chịu xúc phạm. Đó, với tâm trạng này, như một người chết, người ta sẽ bước vào dòng khi đến tuổi. Tuổi hay hoàn cảnh khác nhau, tuỳ theo tiếng gọi của Đấng Quan Phòng; nhưng một khi đã bước vào dòng rồi, người ta phải vui vẻ cầm ngay lấy cái chìa khoá đức vâng phục đời tu.

Chìa khóa này dùng để mở cánh cửa nhỏ thuộc cửa lớn dẫn vào Thiên Đàng, như con thấy những cửa lớn dẫn vào một toà nhà thường có một cửa nhỏ và đặc biệt không mở ra cho mọi người. Các tu sĩ là những người có đức vâng phục trọn hảo hơn, họ có chìa khoá đặc biệt cho phép họ vào qua cửa vừa hẹp vừa thấp đó. Cửa nhỏ này không ở ngoài cửa lớn, nó có cùng lối vào như cửa lớn, như con thường thấy trước mắt. Họ phải cẩn thận giữ cái chìa khoá đặc biệt ấy, vì họ đã buộc mình phải sử dụng nó, và cấm không được liệng nó đi.

Ánh sáng đức tin dạy cho những người có đức vâng lời biết, họ không thể vào qua cửa nhỏ này với những của cải vác cồng kềnh trên vai, chịu đè nặng bởi ý riêng; nếu còn gắng vác, họ chỉ mệt sức vô ích, và có thể bỏ mạng. Họ muốn ngẩng đầu lên và không chịu khom lưng xuống, thì dầu muốn hay không, sẽ gẫy cổ. Bởi vậy, họ phải quẳng đi tất cả gánh nặng của cải và ý riêng, để nắm lấy lời khấn đức khó nghèo tự nguyện. Từ nay, họ không được sở hữu một vật gì nữa. Đức tin cho họ thấy rõ ràng họ sẽ gặp tai hoạ này, là họ vi phạm đức thanh bần mà họ đã tự nguyện khấn hứa, cùng lúc lỗi đức vâng lời.

Nếu họ buông mình theo tính kiêu ngạo? Nếu ý riêng của họ lại ngẩng đầu lên? Rồi, khi phải vâng lời, nếu họ không cúi đầu cách khiêm nhường, nếu họ chỉ vâng phục cách kiêu căng, chỉ cúi đầu vì miễn cưỡng, và chỉ bỏ ý riêng vì sức mạnh? Nếu sức mạnh cưỡng bức họ vâng lời, mà lòng thì khinh chê dòng mình và bề trên của mình? Ôi, nếu thế, sớm muộn họ cũng lâm vào một cuộc nổi dậy khác, là lỗi lời khấn đức khiết tịnh.

Những kẻ không biết kiềm chế lòng ước muốn, không từ bỏ những của cải trần thế, mà lại tìm kiếm những chỗ giao du, thì chắc chắn sẽ gặp những người bạn ái mộ họ vì lợi lộc. Sự giao du này dẫn tới những mối tình ám muội, xác thịt thèm muốn khoái lạc. Bởi vì họ không có người mẹ nuôi tốt lành là đức khiêm nhường, và người tiểu muội này là sự từ bỏ mình, họ sẽ yêu chiều xác thịt: sắm tiện nghi, tìm kiếm lạc thú, không còn tỉnh thức cầu nguyện như những tu sĩ nữa, nhưng như những kẻ hư hỏng. Những sự lo toan thế gian như thế đã chiến hết chỗ tỉnh thức cầu nguyện. Họ đã chẳng buông mình sống cách tồi tệ như thế, nếu họ đã không có tiền bạc để xài. Hơn thế nữa, họ còn bị lôi cuốn và chỗ tội phạm đức khiết tịnh nơi thân xác hay trong tâm trí; bởi vì nếu họ dừng lại vì xấu hổ, hoặc không có dịp thoả mãn những ước muốn xấu xa, họ sẽ phạm tội trong tâm hồn. Làm sao con có thể giữ gin linh hồn trong sạch giữa những giao du thế tục như thế, với những yêu chiều xác thịt và những thú vui ăn nhậu như vậy, trong khi không tỉnh thức cầu nguyện.

Người có đức vâng lời, được ánh sáng đức tin soi chiếu, nhận biết rõ tai họa và sự nặng nề của tiền bạc và ý riêng, họ đã nhìn thấy từ xa. Họ biết họ phải đi qua cửa nhỏ hẹp, và họ sẽ không qua lọt được, nếu không có chìa khoá đức vâng phục để mở cửa này. Họ không có cách nào khác để vào cửa ấy, như Cha đã nói với con. Bao lâu họ chưa rời bỏ con thuyền của dòng tu, muốn hay không muốn, họ phải qua cửa hẹp là vâng lời các bề trên và luật dòng.

Bởi vậy, những người vâng lời hoàn hảo sẽ nâng mình lên khỏi bản thân và khống chế ý riêng. Với đức tin sống động, họ làm chủ mọi cảm xúc giác quan. Trong ngôi nhà linh hồn, họ biết cách làm cho sự chê ghét mình trở thành một người bảo vệ, giúp họ đánh đuổi kẻ thù là tính tự ái. Họ không muốn nữ hoàng là đức vâng lời, mà đức ái là mẹ nó đã trao cho họ làm bạn trăm năm với chiếc nhẫn cưới là đức tin, phải ưu phiền vì họ. Bởi vậy, bằng sự chê ghét bản thân, họ tống xuất tính tự ái là kẻ thù của nữ hoàng, và dẫn đến cho nàng những thân hữu và mẹ nuôi, không bao giờ lìa xa nhau.

Sau khi đã đánh đuổi kẻ thù, người yêu mến đức vâng lời sẽ dẫn về nhà linh hồn những người thân đích thực của hiền thê mình, đó là những nhân đức, những tục lệ và sự tuân giữ luật dòng. Khi nàng hiền thê đáng yêu này nhận lấy ngôi nhà, mang theo tiểu muội là đức nhẫn nại, với mẹ nuôi là đức khiêm nhường, theo sau là sự từ bỏ và chê ghét bản thân. Khi nàng bước vào nhà linh hồn với cả một đoàn tuỳ tùng như thế, linh hồn kẻ yêu mến đức vâng lời hưởng bình an và yên tĩnh, bởi vì mọi kẻ thù của nó đã bị tống ra ngoài. Linh hồn ở trong vườn đức thanh khiết, có mặt trời soi sáng trí tuệ và hướng con mắt đức tin chiêm ngắm Đấng Chân Lý nhập thể của Cha, là đối tượng duy nhất của nó. Nó cháy lửa đức ái, cũng là lửa thiêu đốt các người thân và bạn bè của nó, vì nó tuân giữ lề luật với lòng say đắm mến yêu.

Những kẻ thù bên ngoài của linh hồn là ai? Kẻ thù chính là lòng tự ái, sinh ra kiêu căng, đó là kẻ thù của đức ái và đức khiêm nhường. Tính bất nhẫn thì chống lại đức nhẫn nại, tính bạo động là kẻ thù của đức vâng phục, sự bất tín thì nghịch với niềm tin. Tính tự cao và lòng tin giả tạo thì phá hoại sự chân thành trông cậy vào Cha. Sự bất công không thể cùng tồn tại với đức công chính, sự ngu dại không thể sống chung với đức khôn ngoan, sự vô độ xung khắc với đức tiết độ, và sự vi phạm lề luật không thể làm bạn với sự trung thành tuân giữ lề luật. Những cuộc trò chuyện xấu của kẻ dữ phải loại bỏ khỏi tinh thần chiêm ngắm thánh thiện: chúng là kẻ thù phá hoại các thói quen và tập tục lành thánh của đời tu. Phải đề phòng những đột phá độc ác của chúng. Tính nóng giận thì chống lại đức hiền hoà, sự chê ghét nhân đức thì cũng chê ghét lòng mến yêu nhân đức, thú vui xác thịt thì phá đức thanh tịnh, sự lười biếng thì ngược với lòng nhiệt thành, sự dốt nát thì không đi đôi với tri thức, thói mê ngủ thì chê chán sự tỉnh thức cầu nguyện lâu bền.

Thoạt khi ánh sáng đức tin cho linh hồn biết có những kẻ thù này muốn đánh phá đức vâng phục, nó liền sai sự chê ghét đến đánh đuổi chúng, và sai lòng yêu mến ra đón những bạn thân yêu. Tức thời, sự chê ghét với lưỡi gươm sẵn có, chém giết ý muốn xấu xa, vốn được tính tự ái nuôi dưỡng, và là mẹ sinh ra mọi kẻ thù của đức vâng phục. Xong việc, linh hồn sẽ được thư thái hưởng an bình, hết kẻ gây chiến; bởi vì nó đã được giải thoát khỏi tất cả những gì có thể gây nên bất an và phiền muộn.

Còn gì có thể làm hại một linh hồn biết vâng lời? Phải chăng là sự mạt sát chửi rủa? Không, vì linh hồn này nhẫn nại, mà đức nhẫn nại là tiểu muội của đức vâng lời. Phải chăng là gánh nặng của đời sống tu sĩ? Không, vì linh hồn đã tự nguyện vác lấy gánh nặng này. Những lệnh truyền nghiêm khắc của các bề trên có gây cho nó sự khổ cực nào chăng? Không, vì nó đã giày đạp ý riêng mình, không bao giờ nó xem xét và phán đoán những bổn phận đặt ra cho nó, vì ánh sáng đức tin cho nó nhìn thấy thánh ý Cha nơi các lệnh truyền đó. Nó biết lòng nhân hậu của Cha gìn giữ mọi sự cho nó vì ơn cứu độ. Nó có buồn chán vì phải làm những việc tầm thường nhất không? Nó có đau khổ vì những lời quở trách, những nhục mạ, những sỉ vả mà nó phải hứng chịu không? Cũng không, vì nó yêu thích sự từ bỏ mình và thành thật chê ghét mình.

Trái lại, nó vui mừng trong nhẫn nhục, nó nhảy mừng trong hân hoan vì hiền thê yêu quý của nó là đức vâng lời. Nó chỉ buồn khi thấy người ta xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá. Nó giao thiệp với những người chân thành kính sợ Cha, và nếu nó nói với những kẻ xa rời thánh ý Cha, thì không phải để lây nhiễm những thói hư của chúng, nhưng là để kéo chúng ra khỏi nơi ô nhiễm đó. Đức bác ái đối với tha nhân khiến nó ước ao chia sẻ với kẻ khác sự lành mà nó đang có, vì nó biết danh Cha sẽ được tôn vinh hơn, nếu nó thuyết phục được nhiều người trung thành tuân giữ lề luật. Bởi vậy, nó ra sức nhắc nhở các tu sĩ và người đời chu toàn bổn phận bằng lời nói, bằng cầu nguyện và bằng mọi cách có thể, chỉ một ý là kéo họ ra khỏi tối tăm của tội trọng. Như vậy, khi tiếp xúc với người lành hay kẻ tội lỗi, người có tinh thần vâng phục có những lời lẽ xây dựng và gương sáng theo mẫu mực của tình yêu thương quảng đại và tốt lành.

Linh hồn quý mến đức vâng phục biến căn phòng nhỏ của nó thành một thiên đàng, làm nơi tiếp xúc với Cha, là Thiên Chúa hằng hữu. Lòng mến yêu không để cho nó ở nhàn rỗi, nhưng thúc giục nó dâng lên Cha những lời cầu nguyện khiêm tốn và liên lỉ. Khi ma quỷ gợi lên những tư tưởng xấu xa, nó không thiếp ngủ đi trong sự biếng nhác, không dừng lại để cãi lý với trái tim, hoặc để lấy những quyết tâm vô bổ, nhưng nó cầm ngay lấy vũ khí, chống cự với chính mình cùng những xúc cảm giác quan. Nó nhẫn nhục và khiêm nhường chịu đựng những cơn cám dỗ, và chống lại bằng sự tỉnh thức cầu nguyện, đưa mắt trí tuệ nhìn lên Cha là Đấng bảo vệ nó, vì Cha có thể, Cha biết cách và Cha muốn cứu giúp nó. Khi đó, Cha mở rộng vòng tay của lòng nhân hậu, để nó trốn khỏi bản thân nó và đến trú ngụ trong Cha.

Nếu nó cảm thấy không thể suy gẫm vì mệt nhọc và vì những sự tối tăm của linh hồn, nó sử dụng việc đọc kinh ngoài miệng hoặc làm một việc tay chân nào đó, để đừng ở nhưng không. Nó nhìn lên Cha, và Cha ban cho nó mọi sự với lòng trìu mến của người Cha hiền. Sự khiêm nhường chân thành sẽ dạy bảo nó không đáng được sự bình an thư thái, mà các tôi tớ khác của Cha đang hưởng, nhưng chỉ đáng chịu những sự dằn vặt thử thách. Nó tự khinh chê và ghét bỏ mình đến nỗi nó nghĩ không bao giờ chịu đau khổ đủ. Tuy nhiên, nó luôn cậy trông vào sự quan phòng của Cha, và với sự trợ lực của đức tin cùng đức vâng lời, nó vượt qua mọi sóng gió trong con thuyền của đời tu. Một cách cực nhọc, nó hái được nhiều hoa trái, xếp đầy trong căn phòng nhỏ bé của nó.

Người có tinh thần vâng lời thì bước vào cung nguyện trước hết, và ra khỏi nơi đó sau chót. Khi nó thấy một tu sĩ khác vâng lời và nhiệt thành hơn nó, nó có một sự ganh tị thánh thiện với nhân đức của người đó, nó muốn được như vậy mà không hề ước muốn nhân đức đó sút kém đi. Nếu nó muốn thế, là nó đã ra rời đức ái đối với tha nhân.

Người vâng lời thì dùng bữa tại nhà ăn. Nó trung thành giữ điều này và ăn uống như những người nghèo, để chứng tỏ nó không muốn một ưu đãi nào. Nó còn bớt phần ăn của mình, và giữ đức nghèo cách trọn vẹn đến nỗi nó tự trách mình về những nhu cầu phải dành cho thân xác nó. Thay vì trang trí đẹp đẽ và lịch sự, căn phòng nhỏ của nó đầy hương thơm của đức thanh bần; nó không sợ kẻ gian đến lấy đồ của nó và không sợ mối mọt gặm nhấm áo quần của nó (Mt 6:19-20; Lc 12:33). Nếu người ta cho quà bánh, nó không cần giữ lấy cho mình, nhưng chia sẻ với anh em.

Nó không lo nghĩ về ngày mai và bằng lòng với sự cần đủ cho mỗi ngày (Mt 6:33-34). Sự lo nghĩ duy nhất của nó là Nước Trời và đức vâng lời chân thật, mà nó lo gìn giữ hết sức mình; và bởi vì nó biết: đức khiêm nhường là con đường chắc chắn nhất, cho nên nó suy phục kẻ bé cũng như người lớn, người giàu cũng như kẻ nghèo. Nó đặt mình làm tôi tớ mọi người, không nề khó nhọc để phục vụ mọi người với lòng yêu mến. Người vâng lời không muốn chọn vâng lời theo cách thức của mình, cũng không chọn thời gian và nơi chốn. Nó vâng lời Lề luật và bề trên của nó một cách không tính toán không buồn rầu.

Đức vâng lời chân thành và trọn vẹn giúp nó đi qua cửa hẹp của đời sống tu trì không khó khăn, không gượng ép, vì nó đã tuân giữ các lời khấn thanh bần, vâng lời và khiết tịnh. Nó hạ cái sừng kiêu ngạo xuống bằng cách cúi đầu trong sự vâng phục và khiêm nhường. Nó không để đầu bị vấp bởi sự bất nhẫn, vì nó nhẫn nhục một cách anh dũng và vững bền, như đức vâng lời đòi hỏi. Nó đẩy lui những tấn công của ma quỷ bằng cách hãm dẹp xác thịt, tránh mọi sự yêu chiều và mọi lạc thú, và bắt xác thịt chịu sự khắt khe của lề luật, chấp nhận mọi sự và không tránh né gánh nặng. Giống như đứa trẻ không hờn dỗi vì bị Cha nó sửa phạt, hay bị người ta xử bất công; nó quên đi những bất công, những đau khổ hay tính nghiêm khắc của các bề trên, và mỗi khi nó được gọi đến, nó trở lại cách khiêm tốn với các ông, không buồn giận, không oán hờn, nhưng với sự hiền lành và dễ thương.

Đó là những đứa trẻ mà Con Cha đã nói với các môn đệ Ngài, khi họ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Ngài nói: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, vì Nước Trời là của chúng” (Mc 10:14). Ai không tự hạ như một trẻ nhỏ, nghĩa là không có những đức tính của trẻ nhỏ, sự đơn sơ của trẻ nhỏ, sự đơn sơ của trẻ nhỏ, sẽ không được vào Nước Trời.

Con rất yêu dấu của Cha, “Kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên, và kẻ nào đưa mình lên sẽ bị hạ xuống” (Mt 23:12). Đấng Chân Lý của Cha đã nói thế. Thật vậy, các kẻ bé mọn, những người khiêm nhường tự hạ, vâng lời chân thành và thánh thiện, những kẻ đã không cưỡng lại lề luật và bề trên của mình, các kẻ đó sẽ được Cha, là Đấng Toàn Năng tuyên dương. Cha sẽ đặt họ giữa chư dân của Thành Đô vĩnh phúc, nơi mà mọi lao nhọc của họ sẽ được thưởng công xứng đáng. Và ngay ở đời này, Cha cho họ nếm trước niềm hạnh phúc đời sống vĩnh cửu.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh