Đối Thoại Của Thánh Catarina Sienna: Chương 4. Lòng Thương Xót Của Chúa Quan Phòng P5

ĐỐI THOẠI CỦA THÁNH CATARINA SIENNA: CHƯƠNG 4. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA QUAN PHÒNG P5

Những người vâng lời sẽ được nhận gấp trăm lần và được sự sống vĩnh cửu, phải hiểu thế nào về sự gấp trăm này.

  1. Con rất yêu dấu của Cha, điều mà Ngôi Lời Con Cha yêu dấu nói trong Phúc Âm, đã thể hiện nơi người có đức vâng lời, khi Phêrô hỏi Ngài: “Thưa Thầy, này chúng con đã bỏ mọi sự vì yêu mến Thầy và đi theo Thầy, Thầy sẽ ban những ơn gì cho chúng con? Con Cha đã trả lời như sau: “Các con sẽ nhận được gấp trăm lần và sẽ được sự sống vĩnh cửu” (Mc 10:28-30), nghĩa là: Hỡi Phêrô, anh đã làm đúng, bởi vì anh em không thể đi theo Thầy cách nào khác, vậy ngay ở đời này, Thầy sẽ cho anh em gấp trăm lần.

Con yêu dấu của Cha, gấp trăm lần và theo sau là sự sống vĩnh cửu là thế nào? Đấng Chân Lý của Cha muốn nói gì? Ngài có nói đến của cải trần gian không? Chắc chắn không, mặc dầu đôi khi Cha biến hoá các của đó ra nhiều, để thưởng những việc lành phúc đức. Vậy, Ngài nói gì? Con hãy nghe cho rõ: Ngài muốn nói ai dâng ý riêng mình cho Cha, Cha cho nó gấp trăm. Tại sao con số trăm này? Bởi vì trăm là con số tròn chẵn, không thể thêm gì vào nữa, trừ khi lại bắt đầu từ số một. Cũng vậy, đức ái là nhân đức toàn hảo hơn mọi nhân đức khác, không ai có thể leo lên một nhân đức trọn hảo hơn. Người ta chỉ có thể thêm vào sự trọn hảo này, bằng cách trở lại sự tự biết mình và tăng thêm một trăm công nghiệp mới, cho tới con số trăm khác. Đó là ý nghĩa trăm lần, mà Cha ban cho những ai chỉ tặng Cha một sự là ý riêng, bằng nhân đức vâng lời thông thường, và nhất là bằng nhân đức vâng lời đặc biệt của đời tu.

Với cái gấp trăm này, các con sẽ được sự sống vĩnh cửu, bởi vì duy chỉ đức ái bước vào Thiên Đàng một cách trang trọng như một nữ hoàng, mang theo tất cả công phúc của các nhân đức tháp tùng, là những nhân đức phải ở lại bên ngoài. Đức ái đến với Cha là Sự Sống muôn đời, làm phần thưởng cho các phúc nhân. Đức tin không được theo vào, vì các phúc nhân nay được xem thấy và bắt lấy tất cả những gì trước kia chỉ được xem và nắm lấy bằng đức tin. Đức trông cậy cũng không được vào, vì các phúc nhân đã thật sự có những gì xưa kia họ trông đợi. Các nhân đức khác đều như vậy. Chỉ một mình đức ái bước vào như một nữ hoàng, và chiếm hữu Cha cũng như Cha chiếm hữu nó.

Con thấy chưa? Các trẻ nhỏ của đức vâng phục lãnh nhận nhiều gấp trăm và được sự sống vĩnh cửu. Cái gấp trăm đó, chính là đức ái thần linh. Và bởi vì chúng nhận được nhiều gấp trăm như thế, chúng hết sức hoan hỷ. Đức ái không bao giờ biết buồn, và sự hoan hỉ làm cho trái tim rộng mở và quảng đại, không bon chen và không gian lận. Linh hồn nào bị mũi tên dịu dàng này thâu qua, không bao giờ để lộ sự ưu phiền trên gương mặt hay trong lời nói, vì lòng nó đầy hoan lạc. Nếu nó phục vụ tha nhân thì không phải giả hình hay vì tư lợi, nhưng chỉ vì đức ái luôn niềm nở với mọi người. Bởi vậy, linh hồn có đức ái thì không bao giờ buồn nản, cũng không rầu rĩ về điều gì hết. Nó không bao giờ rời xa đức vâng lời, và sẽ trung thành với nhân đức này cho đến chết.

Về những xấu xa, khốn khổ và ưu phiền của những kẻ bất tuân phục. Về những hoa trái cay đắng của tội bất tuân phục.

  1. Trái lại, kẻ không vâng lời trên con thuyền của đời sống tu trì, sẽ gây sự đổ vỡ đau đớn cho bản thân và cho nhiều người khác, đến nỗi ngay ở đời này nó đã nếm trước mùi vị hoả ngục. Lúc nào nó cũng sống trong ưu phiền, xấu hổ và lương tâm cắn rứt. Nó bất mãn với bề trên, bất mãn với cộng đoàn, và hết chịu nổi với chính bản thân. Con rất yêu dấu của Cha, con hãy xem một người khấn vâng phục lề luật mà lại trở thành nô lệ cho sự bất tuân phục. Sự bất tuân phục đã trở thành bạn đời của nó, cùng với em gái nó là sự bất nhẫn, được nuôi dưỡng bởi tính kiêu ngạo. Và như Cha đã nói với con, sự kiêu ngạo được sinh ra từ lòng tự ái; tất cả mọi sự đều bị đảo lộn, ngược với những gì Cha đã nói với con về đức vâng phục.

Kẻ đáng thương đó không có đức ái, chúng chỉ thấy trong nhà dòng toàn đau khổ và bất mãn. Tính kiêu ngạo làm nó ngẩng đầu lên, trong khi nó buộc phải cúi đầu xuống; tất cả mọi ý muốn của nó đều xung khắc với ý muốn của cộng đoàn. Luật dòng dạy nó vâng lời, mà nó lại bất tuân phục; luật dòng dạy phải có đức khó nghèo tự nguyện, nó lại có của cải hoặc thèm muốn sự giàu có; luật dòng dạy nó sống khiết tịnh, trong sạch, còn nó thì ước ao những thú vui tội lỗi.

Con yêu dấu của Cha, khi vi phạm ba lời khấn của mình, người tu sĩ sa vào những điều đáng xấu hổ, đến nỗi nó không còn giống một người tu hành, mà chỉ là một tên quỷ mặc tu phục. Nhưng Cha muốn nói thêm vài ba điều để giúp con hiểu rõ hơn những hoa trái thảm khốc của sự bất tuân phục, để con càng cảm mến công phúc của đức vâng lời.

Kẻ khốn khổ ấy không vâng phục, đã bị lừa dối bởi tính tự ái. Mắt trí tuệ của nó không còn được soi sáng bởi đức tin, nên chỉ tìm vui thích cho ý riêng, và những sự thế gian. Nó xa thế gian bằng thân xác, nhưng lòng trí nó ở giữa thế gian. Nó coi đức vâng lời là gánh nặng, nên nó tránh tuân phục để khỏi phải mang gánh nặng đó. Nó trốn tránh vâng phục để khỏi phải mang ách nặng, nhưng thực sự nó nhận lấy một ách nặng hơn. Bởi vì nó vẫn phải vâng lời hoặc vì miễn cưỡng, hoặc vì lòng mến, mà vâng lời vì lòng mến thì sẽ nhẹ nhàng hơn.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Ôi, nó sai lầm dường nào! Không ai lừa dối nó, mà chính nó tự lừa dối mình. Nó tìm sự dễ dãi mà chỉ thấy sự đau khổ ngay trong những việc nó làm, vì sự vâng phục buộc nó phải làm. Nó muốn hưởng thụ, nó thích nghỉ ngơi, nó ước ao biến cuộc đời này thành cuộc sống vĩnh cửu của nó, trong khi nhà dòng muốn cho nó biết mình là người lữ hành, và luôn nhắc nhở điều đó cho nó. Vừa khi nó bắt đầu gắn bó với một nơi mà nó cảm thấy thoả mãn, thì nó được lệnh đổi đi nơi khác. Nó phải đổi chỗ và sự thay đổi này là một hình khổ cho nó, vì ý riêng của nó chưa chết và muốn chống lại. Nhưng nếu nó không vâng lời, nó sẽ phải chịu những hình phạt theo luật dòng, và đó là điều làm nó đau khổ không ngừng.

Con thấy nó sai lầm quá đỗi! Muốn tránh mệt nhọc thì nó lại gieo mình vào khổ nhọc lớn hơn, bởi vì sự mù quáng của nó không cho nó thấy con đường của đức vâng phục chân thật; đó là con đường Chân Lý mà Con Chiên vâng lời, Con Một Cha đã vạch ra, con đường này đã được san bằng và uốn nắn ngay thẳng. Còn nó, nó dấn thân vào con đường của sự dối trá, tưởng tìm được vui thoả mà chỉ gặp toàn đau khổ và cay đắng. Ai lôi cuốn nó vào con đường này? Đó là vì nó ưa sống tự do. Trên biển cả đầy sóng gió, nó tính vượt biển bằng hai cánh tay và dựa vào tri thức đáng thương hại của nó. Nó không muốn để cánh tay của nhà dòng nâng đỡ nó, cùng không muốn bề trên hướng dẫn nó.

Xác nó ở trên con thuyền dòng tu, nhưng tâm trí nó ở nơi khác. Nó đã trốn khỏi nhà dòng bằng sự ước ao vì không còn tuân giữ luật dòng và các tập tục của dòng, và vì nó đã vi phạm ba lời khấn mà nó đã cam kết tuân giữ. Con coi, nó ở trên đại dương đầy bão tố, bị cuốn theo gió ngược, chỉ còn nối với con thuyền bằng một mảnh vải là bộ áo dòng nó đang mặc, nhưng linh hồn nó không còn ở trong nhà dòng. Nó không phải là một tu sĩ, mà chỉ là một người đời mặc áo nhà tu. Mà nó có còn là một người nữa chăng? Hay chỉ có khuôn mặt người, nhưng thực sự nó không còn là người, vì nó sống xấu xa hơn con vật. Nó không thấy nó cực nhọc hơn, khi chèo chống một mình với hai tay không, cực nhọc hơn là nếu chèo chống với nhiều người khác. Nó không nhận ra nó lâm nguy phải chết muôn đời, vì nó không biết: nếu miếng vải kia, sợi dây duy nhất ấy bị thần chết cắt đứt khỏi con thuyền, thì nó sẽ hết phương cứu chữa! Không, nó không nhìn thấy gì hết! Mây mù của tính tự ái đã dẫn nó tới chỗ bất tuân phục, đã dập tắt mọi ánh sáng ở trong nó, không để cho nó nhận ra sự vô phúc của nó. Ôi, ảo tưởng, ảo tưởng khốc hại!

Cây xấu này sẽ sinh hoa trái nào? Những hoa trái của sự chết. Rễ của nó không ăn sâu vào tính kiêu ngạo sao, và không hút lấy nhựa sống từ tính tự ái sao? Bởi vậy, tất cả những gì sinh ra từ đó như hoa, lá, trái, cành, mọi thứ đều hư thối. Ba ngành của nó là vâng phục, thanh bần và khiết tịnh, cả ba đều hư nát do nhựa sống nhiễm nọc độc của thân cây chuyển đến cho nó, đó một tâm tình sai lạc và đầy kiêu căng. Lá cây là những lời nói, mà ngay ở miệng người đời cũng đã bị coi là khiếm nhã thô tục. Nếu phải loan báo Tin Mừng của Cha, nó sẽ cố gắng dùng văn nói thanh tao, nhưng thiếu đơn sơ giản dị, bởi vì dụng ý của nó không phải là lấy lời của Cha mà nuôi dưỡng các linh hồn, cho bằng để người ta phục tài văn chương của nó. Còn những bông hoa của cây này thì toả ra mùi hôi thối không ai chịu nổi! Đó là những câu chuyện hay tư tưởng phù phiếm, nó tâm niệm một cách thích thú, và nếu có cơ hội nó không kiêng nể đến nơi phát sinh ra những câu chuyện hay tư tưởng đó. Ấy là chưa nói đến việc nó cố tâm tìm đến nơi đó, để thực hiện những ước muốn phát sinh loại trái cây giết chết sự sống ân sủng, và mang đến cho nó cái chết muôn đời.

Nọc độc nào đã làm hư trái cây này? Là sự thối tha của sự bất tuân phục, đã dám xét đoán và lên án ý muốn của bề trên trong lòng mình; là sự hư hỏng trong những tiếp xúc nguy hiểm với những phụ nữ, tưởng là đạo đức. Ôi, kẻ khốn nạn! Ngươi không biết lòng đạo đức giả dối này sẽ sinh ra những đứa con ngoại hôn sao? Đó là những hoa trái tội bất tuân phục. Ngươi không có sự thánh thiện và nhân đức làm con, như những người có tinh thần vâng phục.

Người tu sĩ xấu tìm cách lừa dối bề trên của mình. Khi biết mình sẽ bị từ chối những gì nó ước muốn, nó dùng đến những lời tâng bốc hoặc những câu nói nặng nề, những lời trách móc hay đe doạ. Nó bực tức với các anh em, nó không chịu nổi một lời phê phán của ai. Nó hái được toàn những trái nhiễm độc của sự bất nhẫn, đó là giận giữ và oán ghét tha nhân. Nó coi là ác những gì người ta làm vì thương nó, và sự giận dữ này làm xáo trộn tâm trí và thân xác nó. Tại sao nó không thương yêu anh em mình? Tại vì nó yêu mình bằng một tình yêu ích kỷ.

Nó bỏ trốn căn phòng nhỏ của nó như trốn tránh ôn dịch, vì nó đã rời khỏi căn phòng của sự biết mình. Đó là điều khiến nó bất tuân phục, và làm nó không còn ưa thích căn phòng này nữa. Nó không muốn có mặt ở nhà ăn chung, nó coi đó như kẻ thù, vì nó có nhiều tiền túi để tiêu xài. Nó chỉ có mặt ở đó vì bị ép buộc.

Những người vâng lời thì cũng trung thành với đức thanh bần, không tìm cách bỏ bàn ăn chung huynh đệ này, nơi đức vâng phục bồi dưỡng họ cả hồn lẫn xác trong yên tĩnh và an lành. Họ không tìm cách để có những món ăn ngon như kẻ bất tuân phục kia, vốn trốn tránh nhà ăn chung vì nó thấy cái gì ở đó cũng đáng ghét.

Kẻ bất tuân phục luôn tìm cách đến cung nguyện sau chót và ra khỏi đó trước hết mọi người. Miệng nó bảo là ở gần Cha, nhưng trái tim nó thì xa Cha. Nó tìm hết cách để tránh tu viện hội vì sợ người ta sẽ ra hình phạt cho nó; và khi có mặt ở đó, nó tưởng như đang ở trong một nhà tù, và cảm thấy xấu hổ, còn khi phạm tội trọng thì nó không xấu hổ. Lý do tại sao? Tại vì nó bất tuân phục. Nó không biết gì đến những giờ canh thức cầu nguyện. Không những nó bỏ giờ suy ngẫm mà bỏ luôn cả việc đọc Giờ Kinh phụng vụ buộc phải đọc. Làm sao có được tình huynh đệ, vì nó chỉ biết và yêu mình? Nó không có tâm tình yêu thương như một tạo vật có lý trí, nhưng như thú vật. Cuối cùng, những hoa trái mà nó đem lại rất đắng đót, lưỡi con không thể kể hết được.

Ôi, sự bất tuân phục khốn nạn! Mi làm cho linh hồn mất ánh sáng của đức vâng lời, mi lấy đi sự bằng yên và sự sống, đem lại cho nó chiến tranh và sự chết! Mi nhấc nó ra khỏi con thuyền của lề luật thánh, quẳng nó xuống đại dương nơi nó phải một mình vật lộn với sóng gió, không một sự giúp đỡ của cộng đoàn! Mi làm nó đầy tràn khốn khổ, làm nó chết đói vì mất lương thực và công phúc của đức vâng phục. Mi làm nó ngậm đắng nuốt cay, mi làm nó mất hết mọi năng lực, mất hết mọi sự lành, và mi đẩy nó xuống thung lũng khổ ải. Ngay ở đời này, mi đã cho nó nếm trước những khổ hình của địa ngục. Và nếu nó không sửa mình trước khi sự chết xé rách tấm áo còn kết nối nó với con thuyền của đức vâng lời, thì mi sẽ dẫn nó xuống chỗ diệt vong muôn đời với các quỷ dữ, là những kẻ đã sa từ trời xuống vực thẳm, vì tội dấy loạn chống lại Cha. Hỡi kẻ bất tuân phục, đó là số phận của mi! Vì mi cũng đã nổi dậy chống lại đức vâng phục. Mi đã liệng chiếc chìa khoá có thể mở cửa Nước Trời, thì với chìa khoá bất tuân phục, mi mở cửa hoả ngục ra cho mi.

Sự bất toàn của những kẻ sống nguội lạnh trong dòng, nhưng còn cố tránh tội trọng. Những phương thức để thoát khỏi sự nguội lạnh.

  1. Con rất yêu dấu của Cha, những người sống trong con thuyền của đức tuân phục thì nhiều, nhưng rất ít người vâng phục cách hoàn hảo. Giữa những người trọn lành và những kẻ tội lỗi ấy, có kẻ sống trong dòng một cách biếng nhác, không có những nhân đức phải có, tuy chưa phải là người tội lỗi, vì lương tâm chúng còn ngăn cản chúng phạm tội trọng, nhưng tâm hồn thì đắm chìm trong sự nguội lạnh và lười biếng. Nếu chúng không cố gắng tuân giữ luật dòng cách tốt hơn, chúng sẽ gặp những nguy hiểm lớn lao. Chúng phải tỉnh ngộ, phải can đảm đứng dậy ra khỏi cảnh ươn lười ngủ mê ấy. Nếu không, và cứ thế mãi, chúng sẽ có nguy cơ sa ngã. Trường hợp còn tránh được sa ngã này, chúng sẽ bằng lòng với cái vỏ của đời tu, nghĩa là những gì gọi là hình thức và phụ thuộc, chứ không phải là tinh thần của đời tu.

Đôi khi vì mở tối con mắt lý trí và lương tâm, chúng soi mói và xét đoán cách liều lĩnhvà vô trách nhiệm những anh em tuân giữ luật dòng cách hoàn hảo hơn, nhưng không giữ những hình thức hay tục lệ được như chúng. Dầu sao, chúng cảm thấy cực khổ vì phải sống dưới một luật pháp chung. Những con tim nguội lạnh làm cho đức vâng lời trở thành nặng nhọc. Đối với những con người lười biếng đó, gánh nhẹ nhàng nhất cũng trở nên nặng nề. Chúng mệt nhọc nhiều, mà thâu lượm được rất ít. Chúng chống lại bậc hoàn thiện mà chúng buộc phải tiến lên. Nếu chúng không xấu bằng các kẻ Cha nói với con trên kia, nhưng thực sự chúng cũng là kẻ xấu xa vì hành xử sai lầm. Sai lầm, vì chúng đã từ bỏ thế gian, nơi chỉ cần có đức vâng lời thông thường, để đi mở cửa Nước Trời bằng đức vâng lời đặc biệt của đời tu, là chiếc chìa khoá mà đáng lẽ chúng phải cột vào thắt lưng của sự từ bỏ mình, và phải giữ lấy cẩn thận bằng một tình yêu không hề phai.

Con rất yêu dấu của Cha, những người này có thể đạt tới bậc trọn lành, nếu chúng muốn, vì chúng gần bậc trọn lành hơn các kẻ tội lỗi kia. Nhưng đàng khác, chúng lại khó rời khỏi sự bất toàn hơn kẻ tội lỗi đã trở lại với Cha bằng tâm hồn sám hối. Con có biết tại sao không? Tại vì kẻ tội lỗi thấy rõ mình làm điều xấu: lương tâm đã cảnh tỉnh nó như vậy, nhưng vì yếu sức do tính tự ái, nên nó không có thể bước ra khỏi vòng tội lỗi, ngay ánh sáng tự nhiên cũng cho nó biết đó là điều xấu. Nếu người ta hỏi nó: bạn làm như thế bạn có biết là bạn làm điều xấu không? Thì nó trả lời: tôi biết, nhưng tôi yếu đuối quá, đến nỗi hình như tôi không thể vượt ra khỏi vòng tội lỗi. Nó nói không thật, bởi vì với sự trợ lực của Cha, nó có thể được giải thoát. Nhưng, dầu sao, nó biết nó làm điều xấu và nhận thức này có thể giúp nó hối cải nếu nó muốn.

Ngược lại những kẻ nguội lạnh có thể nói là chúng không làm điều tốt mà cũng không làm điều gì xấu. Chúng không nhận ra sự tê liệt chúng đã mắc phải và mối hiểm nguy đe doạ chúng: sự vô tri này cản trở chúng nỗ lực để thay đổi. Và khi người ta tìm cách cảnh tỉnh chúng, sự nguội lạnh của con tim cầm giữ chúng lại, trong những thói quen lâu ngày đáng ghét của chúng.

Cách nào có thể lôi kéo chúng ra khỏi tình trạng này? Chúng phải lấy thanh củi của sự biết mình, với sự từ bỏ tiếng tăm danh vọng, rồi đút thanh củi ấy vào lò lửa đức ái thần linh của Cha. Chúng hãy trở lại bước đầu của đời sống tu trì, bằng cách tái hôn với đức vâng lời trọn lành, với chiếc nhẫn đức tin thánh thiện! Và chúng phải tỉnh giấc ngủ đáng ghét và rất tai hại này! Bởi vì lời sau đây là nhắm vào chúng: “Vô phúc cho các ngươi, những kẻ nguội lạnh. Phải chi các ngươi lạnh hay nóng hẳn đi! Nhưng vì các ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa các ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15).

Những kẻ ở trong tình trạng biếng nhác có nguy cơ sa ngã, mà kẻ sa ngã sẽ bị Cha loại ra. Cha muốn thà các con lạnh hẳn đi, nghĩa là cứ ở lại ngoài đời, giữ đức vâng lời như người đời, được coi như nước đá khi sánh với lửa của đức vâng lời đời tu. Nếu Cha nói Cha muốn thà các con lạnh hẳn đi, không có nghĩa là Cha quý nước đá của tội trọng hơn sự nguội lạnh của sự bất toàn đi. Không, Cha không hề muốn tội lỗi, tội lỗi là một thứ thuốc độc không ở trong Cha. Cha gớm ghét tội lỗi đến nỗi không thể không trừng phạt con người tội lỗi. Và bởi vì con người không thể gỡ mình khỏi hình phạt đáng phải chịu, nên Cha đã sai Ngôi Lời Con Một Cha xuống trần gian, để chịu đền phạt trên thân thể Ngài thay cho các con.

Vậy, các kẻ nguội lạnh hãy tỉnh dậy, hãy chăm lo các việc đạo đức, tỉnh thức cầu nguyện cách khiêm nhường và liên lỉ! Chúng hãy lo giữ luật đời tu, hãy noi gương các tổ phụ của những con thuyền đang chở chúng. Đó là những người như chúng, được sinh ra và nuôi dưỡng như chúng với cùng một lương thực, Thiên Chúa bây giờ cũng như Thiên Chúa hồi đó: quyền năng của Cha không suy giảm, ý muốn của Cha vẫn là ước ao cứu vớt mọi sinh linh, và sự khôn ngoan của Cha luôn là ánh sáng chiếu soi các con nhận biết chân lý của Cha. Vậy, các kẻ nguội lạnh có thể lại chỗi dậy, nếu chúng muốn, miễn là lý trí của chúng phải thoát khỏi đám mây của tính tự ái, chúng phải chạy đến với ánh sáng đức tin, trên những nẻo đường của đức vâng lời hoàn hảo. Không có phương cách nào khác.

Sự kỳ diệu của đức vâng phục và những ơn lành cho những ai có nhân đức này.

  1. Cha đã dạy con phương cách hữu hiệu, mà những tu sĩ sử dụng mọi ngày, nhằm gia tăng nhân đức vâng phục dưới ánh sáng đức tin. Họ ước ao sự khinh chê, chịu sỉ nhục và nhận lấy những gánh nặng do các bề trên đặt lên Để đức vâng phục và người tiểu muội là đức nhẫn nại đừng bao giờ suy yếu và mất đi, họ cần phải luyện tập các nhân đức, họ luôn cho nghe thấy những tiếng van xin của niềm ước ao đó. Và họ tận dụng hết thời giờ, vì họ luôn thèm khát việc lành. Đức vâng phục là một bạn đời đầy nhiệt huyết, không khi nào không việc làm.

Ôi, đức vâng lời thân thương, đức vâng lời đáng mến, đức vâng lời êm dịu, đức vâng lời rạng ngời xua đuổi mọi tối tăm tự ái! Ôi đức vâng lời, mi làm cho linh hồn sống ân sủng, khi nó được mi làm bạn trăm năm, mi giải thoát nó khỏi ý riêng, là cái chỉ mang lại chiến tranh và sự chết. Mi quảng đại từ bỏ chính mình, đi làm đầy tớ cho mọi thụ tạo có lý trí. Mi hiền lành và dễ thương. Mi vác lấy những gánh nặng nhất, vì mi có những bạn thân là đức mạnh bạo và nhẫn nại. Mi đáng được triều thiên của sự bền tâm vững chí, vì mi không để mình chán nản bởi những công việc các bề trên trao cho mi, có khi một cách tuỳ tiện. Mi chịu đựng tất cả trong ánh sáng đức tin. Mi gắn bó mật thiết với đức khiêm nhường, đến nỗi không một tạo vật nào có thể cướp lấy nhân đức kỳ diệu này ra khỏi linh hồn sở hữu mi.

Con rất yêu dấu của Cha, Cha sẽ nói gì với con về sự kỳ diệu của đức vâng phục? Thật vậy, vâng lời là một sự tốt lành trọn vẹn, con thuyền nào có nhân đức nào sẽ không sợ gặp gió thổi ngược! Linh hồn nào được nhân đức này hướng dẫn thì được lề luật và các bề trên gánh cho hết, không phải bận tâm gì cả. Kẻ vâng lời cách trọn lành sẽ không phải trả lẽ với Cha, bề trên mà họ vâng phục sẽ trả lời Cha thay cho họ.

Con rất yêu dấu của Cha, con hãy say mê nhân đức vinh hiển này. Con có muốn tạ ơn Cha, vì những ơn lành con đã nhận được từ nơi Cha, là Cha của con không? Thì con cứ vâng lời. Nhân đức này sẽ chứng thực con là người biết ơn hay không, bởi vì nó đến từ đức ái. Đức vâng lời sẽ chứng tỏ con là người ngu dại hay không, bởi vì nó xuất phát từ sự nhận biết chân lý của Cha. Đó là kho báu mà Ngôi Lời của Cha đã cho các con biết, khi dạy các con đường đi của đức vâng lời như là lề luật và mẫu mực các con phải tuân giữ, vì chính Ngài đã vâng lời cho đến chết cách nhục nhã trên Thập giá. Chính sự vâng lời của Ngài đã mở cửa Nước Trời, và làm nền tảng cho đức vâng lời thông thường và đức vâng lời đặc biệt, như Cha đã nói với con từ đầu.

Đức vâng lời là ánh sáng cho linh hồn: nhân đức này dạy cho nó biết sống trung thành với dòng tu và các bề trên. Dưới ánh sáng này, linh hồn quên mình và không tìm kiếm mình, bởi vì trong đức vâng lời và với ánh sáng đức tin, linh hồn làm chứng ý riêng của nó đã chết, nghĩa là đã diệt cái bản năng thích pha mình vào công việc của người khác, hơn là lo việc của mình. Kẻ bất tuân phục, thì hay dò la ý của bề trên, và xét đoán theo sự thiển cận và lòng xấu xa của nó, thay vì chăm lo xem xét ý muốn hư hỏng của mình, thường là căn nguyên cho nó phải chết.

Các kẻ vâng lời cách chân thành theo ánh sáng đức tin, thì luôn luôn nghĩ tốt cho ý muốn của các bề trên mình. Họ không nghe theo ý riêng, họ chỉ cúi đầu và nuôi dưỡng linh hồn mình bằng những hương hoa của đức vâng phục thánh thiện và chân thật. Nhân đức này lớn lên theo đội ánh sáng đức tin soi cho, bởi vì chính dưới ánh sáng đức tin mà họ tự biết mình và nhận biết Cha; càng yêu mến Cha nó càng hạ mình xuống, và vâng lời hơn. Đức vâng lời và tiểu muội nó là đức nhẫn nại sẽ cho thấy linh hồn đã thật sự mặc chiếc áo cưới của đức ái, để bước vào đời sống vĩnh cửu.

Đức vâng phục mở cửa Nước Trời, nhưng nó đứng lại bên ngoài. Đức ái là kẻ đã trao chìa khoá cho đức vâng phục mở, sẽ bước vào cùng với hoa trái của đời sống vâng lời. Bởi vì, các nhân đức phải ở lại bên ngoài, chỉ một mình đức ái vào Thiên Đàng. Nhưng đức vâng lời có vinh dự mở cửa Nước Trời, đã bị đóng lại bởi sự bất tuân phục của Ađam. Chính sự vâng lời của Con Chiên khiêm nhường, trung tín và không tì vết, Con Một Cha, đã mở cửa sự sống vĩnh cửu đã bị đóng lại từ lâu.

Phân biệt giữa hai đức vâng phục: đức vâng phục của một tu sĩ và đức vâng phục của một người ngoài đời.

  1. Con rất yêu dấu, như Cha đã nói với con, Con của Cha đã để lại cho các con đức vâng phục, như một chiếc chìa khoá để mở cửa Nước Trời, tức để các con đạt tới cùng đích. Ngài đã để lại sự vâng phục bằng lời truyền và bằng lời khuyên: bằng lời truyền cho mọi người, và bằng lời khuyên nếu các con muốn đạt đến bậc hoàn thiện, và đi quả cửa hẹp của đời sống tu trì.

Có những người không thuộc về một dòng tu nào, nhưng cũng ở trong con thuyền của đức trọn lành. Đó là những người không phải là tu sĩ mà cũng giữ những lời khuyên, họ từ bỏ của cải và danh vọng thế gian không những trong tinh thần mà cả trong thực tế. Họ giữ đức khiết tịnh, hoặc trong bậc trinh khiết, hoặc trong hương thơm đức tiết dục, nếu họ không phải người đồng trinh. Họ giữ đức vâng lời bằng cách vâng phục một người, mà họ tự nguyện vâng lời trọn vẹn cho đến chết.

Nếu con hỏi Cha: ai có công hơn, những người vâng lời ngoài đời tu, hay là những người ở trong dòng. Cha trả lời con: công phúc của đức vâng phục không đánh giá hay đo lường bằng việc làm bên ngoài, cũng không vì nơi chốn, hay vì người truyền dạy là người tốt hay xấu, là người đời hay tu sĩ. Công phúc của sự vâng phục ở tại lòng mến yêu của kẻ vâng lời: đức ái mới là thước đo công phúc. Sự bất toàn của bề trên không gây thiệt hại gì cho kẻ vâng lời; đôi khi còn có lợi nữa, là vì những ngược đãi hay nghiêm khắc quá đáng của một dòng tu, sẽ giúp người tu sĩ luyện tập đức vâng lời và đức nhẫn nại, vốn là hai chị em. Cũng đừng nghĩ thế về nơi chốn bất lợi hay không thích hợp; nhưng Cha gọi nó bất toàn là muốn sánh với đời sống tu sĩ, là bậc sống trọn lành nhất, chắc chắn nhất, bảo đảm nhất, hơn bất cứ bậc sống nào khác. Cha có ý gọi nơi chốn bất toàn của những người tuân giữ các lời khuyên vâng lời mà sống ngoài dòng tu; nhưng không vì thế mà Cha bảo sự vâng lời của họ là bất toàn hay kém công phúc. Bởi vì đức vâng lời, cũng như các nhân đức khác, chỉ có một thước đo là lòng yêu mến.

Nhưng cũng rất đúng là, xét về nhiều mặt, vâng lời ở trong dòng thì tốt hơn, vì có lời khấn trong tay một bề trên, và vì những quy luật nặng hơn sẽ gặp ở trong đó, nên sự vâng lời được thử thách trong dòng nhiều hơn. Mọi hành vi bên ngoài đều bị ràng buộc vào cái ách này, và người ta không thể tuỳ tiện hay tự ý cưỡng lại mà không phạm một lỗi nặng, vì luật dòng đã được Giáo Hội phê chuẩn, và mình đã khấn hứa. Sự thể không như vậy đối với những người tự nguyện buộc mình vâng lời vì lòng mến, chứ không phải vì một lời khấn trọng thể. Nên họ có thể từ chối vâng lời một người, mà không mắc tội trọng, nếu có những lý do chính đáng. Tuy nhiên không cho phép họ tự ý bỏ vâng lời vì lỗi lời hứa hay vì lười biếng, vì từ chối vâng lời như thế không khỏi có lỗi nặng, cho dù không mắc tội trọng (chú thích: với ánh sáng được ban cho nhiều thì dù phạm một tội nhẹ mà mình biết rõ là tội thì vẫn xúc phạm đến Chúa một cách nặng nề).

Con thấy có sự khác biệt giữa người này và người kia chưa? Đó là sự khác biệt giữa kẻ lấy một vật gì của người khác, và kẻ lấy lại những gì đã tặng cho tha nhân vì tình thương với ý định không lấy lại; một người đã không làm một việc không giấy tờ cam kết, còn người này đã cam kết cách công khai với giấy tờ bằng một lời khấn long trọng. Người tu sĩ đã từ bỏ bản thân mình trong tay bề trên và đã hứa giữ đức vâng lời, đức khiết tịnh và đức thanh bần tự nguyện. Về phía mình, bề trên hứa cho tu sĩ được sự sống muôn đời, nếu trung thành cho đến chết.

Như vậy, xét về nghĩa vụ, về nơi chốn và phương cách, đức vâng lời trong dòng tu thì trọn lành hơn đức vâng lời ở ngoài đời. Đức vâng lời đời tu vững chắc hơn: khi sa ngã, có nhiều sự giúp đỡ hơn để chỗi dậy. Đức vâng lời ở ngoài thế gian thì kém chắc chắn: khi sa ngã dễ bị cám dỗ quay lại đàng sau, bởi vì người ta không bị ràng buộc một lời khấn hứa. Giống như một tu sĩ trước khi tuyên khấn: bao lâu chưa khấn có thể ra đi, nhưng khi đã khấn rồi thì không được phép như vậy nữa.

Còn về công phúc, Cha nhắc lại để con nhớ, thước đo công phúc là lòng mến của kẻ vâng lời. Dầu ở trong bậc sống nào, người ta cũng có thể có công phúc tuyệt hảo, bởi vì công phúc chỉ ở tại lòng mến mà thôi. Có những ơn gọi khác nhau, Cha kêu gọi lựa chọn một trong hai bậc sống này, tuỳ khả năng của mỗi người, nhưng phần thưởng thì chỉ được lường bằng lòng yêu mến. Nếu người đời yêu mến nhiều hơn tu sĩ, nó sẽ nhận được nhiều hơn người tu sĩ; mọi người khác cũng vậy.

Thiên Chúa không thưởng công theo sự khó khăn và thời gian của sự vâng phục, nhưng theo tấm lòng và mức độ cao thấp của đức mến. Những ơn lạ Chúa làm vì đức vâng phục.

  1. Cha đã sai tất cả các con đi làm vườn nho của đức vâng phục, công việc khác nhau, và Cha sẽ trả công mỗi người tuỳ theo lòng mến của nó, chứ không theo công việc hay thời gian làm việc; nếu không, kẻ đến làm việc từ sáng sớm sẽ nhận được nhiều hơn kẻ đến Đấng Chân Lý của Cha đã đưa ra một dụ ngôn về những kẻ ở nhưng không, và đã được chủ vườn sai đi làm vườn nho (Mt 20:1 và tiếp). Ông đã trả công cho người tới làm từ lúc rạng đông cũng bằng người đến làm vào giờ thứ nhất, và những người tới làm giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín và lúc chiều tà, đều nhận được bằng người đầu tiên.

Như vậy, Đấng Chân Lý của Cha đã dạy: các con sẽ được thưởng công, không theo thời gian và công việc đã làm, nhưng theo mức độ của lòng mến. Nhiều người được gọi làm trong vườn nho này từ tuổi thơ ấu; những người khác đến trễ hơn và có người đến vào tuổi già. Nhiều khi những người đến sau thấy mình còn ít thời giờ, nên họ đã làm việc với lòng mến nhiều hơn để theo kịp những người đã đến từ thời thơ ấu, nhưng lại bước đi chậm chạp. Vậy, chính bởi lòng mến đức vâng lời mà linh hồn được công phúc: nó đổ đầy lòng yêu mến vào chén của nó ở nơi Cha, là Đại Dương của bình an.

Nhiều người có đức vâng phục mau mắn, đến độ sự vâng lời như đã trở thành bản năng của linh hồn, cho nên không những họ không có một ý định nào khác, mà chỉ chờ cho lệnh truyền vừa ra khỏi miệng bề trên, là tức tốc làm ngay. Họ vâng nghe ý hơn lời, lấy ý của bề trên làm của Cha, và là ý Cha dạy bề trên chuyển đến cho họ. Vì thế, Cha nói họ vâng nghe ý hơn là vâng theo lời. Họ vâng lời bề trên, vì họ vâng theo với lòng yêu mến, mà ánh sáng đức tin đã soi cho họ biết ý của bề trên là hợp với thánh ý Cha.

Trong Vita Patrum (truyện các Tổ phụ) có truyện sau đây: một đan sĩ vâng lời viện phụ vì lòng mến. Viện phụ ra lệnh cho thầy, mới viết xong chữ đầu là O (ý muốn nói một điều nhỏ mọn). Người tu sĩ không chờ cho viện phụ viết hết chữ, đã lập tức chạy đến nơi đức vâng lời sai đi. Cha đã muốn cho thấy sự mau mắn này rất đẹp lòng Cha, nên lòng nhân hậu Cha đã viết xong chữ còn dở dang kia, thành ra chữ “oro” nghĩa là “vàng”.

Cha rất vui thích nhân đức diệu kỳ này, nên đã làm nhiều dấu lạ vì nó trọng hơn bất cứ nhân đức nào khác. Nhân đức này xuất phát từ ánh sáng đức tin, và mọi người nên biết Cha yêu quý nhân đức này dường nào. Trái đất vâng lời người có đức vâng phục, các súc vật cũng vâng lời người có nhân đức này, nước thì chống đỡ họ. Nếu nhìn thiên nhiên, con thấy cả thiên nhiên cũng chịu phục người vâng lời.

Chắc con đã đọc truyện người đệ tử được viện phụ của mình trao cho một chiếc gậy bằng cây khô? Viện phụ dạy người đệ tử đem trồng và vun tưới mỗi ngày. Người môn đệ được ánh sáng đức tin soi cho, đã không lẩm bẩm đó là một việc làm vô ích. Người môn đệ vâng lời làm như lời dạy, không quan tâm gì đến kết quả. Do thần lực của đức vâng lời và đức tin, cây khô đó đã trở nên xanh tươi và sinh hoa trái. Để dạy cho biết linh hồn đó đã thắng được sự khô héo của tội bất tuân phục, những ngành lá trở lại xanh tươi ấy đã sinh ra một trái ngon ngọt, trái đó được các tổ phụ gọi là trái cây của đức vâng lời.

Nếu con nhìn các thú vật, con cũng sẽ thấy chúng chiều ý người vâng lời. Một tu sĩ có tiếng là vâng lời và khiết tịnh được bề trên sai đi bắt một con rắn lớn. Thầy đi bắt rắn và đem đến cho viện phụ của mình. Viện phụ là một y sĩ khôn ngoan: để giữ cho người tu sĩ khỏi mắc phải hư vinh, và để thầy tập luyện đức nhẫn nại, viện phụ đã đuổi thầy đi với lời trách mắng: “phải là súc vật mới đem một con vật phải trói cột thế này đến đây”.

Lửa cũng cho thấy những dấu lạ như vậy. Chắc chắn con đã đọc trong Sách Thánh và biết có nhiều người đã gieo mình vào lửa, để khỏi vi phạm những lời truyền dạy của Cha, và lửa đã không làm hại được họ. Như truyện ba thiếu niên bị ném vào lò lửa (Dn 3:12-24), và còn nhiều truyện khác Cha có thể kể cho con. Nước đã cứng lại dưới chân người tu sĩ thánh thiện Maurô, khi vâng lời bề trên đi cứu một tu sĩ hầu chết đuối. Maurô không nghĩ đến sự nguy hiểm cho bản thân mình, nhưng với ánh sáng đức tin, thầy đi gấp làm theo lệnh bề trên: thầy băng qua trên mặt nước như bước đi trên đất liền, và đã cứu được người anh em.

Nếu con mở mắt trí tuệ ra, con sẽ thấy sự kỳ diệu của nhân đức này giãi sáng rực rỡ trong mọi sự. Phải từ bỏ hết mọi sự mới tạo được đức vâng lời. Nếu như con được nâng lên bậc chiêm ngắm cao siêu, nếu tâm trí con phối hiệp chặt chẽ với Cha, đến độ thân xác con được nâng lên khỏi đất, mà con nhận được một lệnh nhân danh đức vâng lời, thì con cũng phải làm hết sức mình để dứt mình ra khỏi sự chiêm ngắm ấy. Ở đây, Cha nói chung chứ không nói về những trường hợp đặc biệt không đặt dưới lề luật. Cho nên, con hãy nhớ con không bao giờ được bỏ nguyện gẫm, dầu là giờ nguyện gẫm đã qua, trừ khi vì nhu cầu, do bác ái hoặc do vâng lời. Nói thế là để biết rõ Cha đòi hỏi các tôi tớ Cha vâng lời cách mau mắn, và Cha ưa thích nhân đức này dường nào!

Tất cả những gì người vâng lời làm đều có công phúc. Nó ăn vì vâng lời, ngủ vì vâng lời. Nó bước đi hay đứng lại, nó ăn chay hay tỉnh thức, đều vì đức vâng lời. Nó phục vụ tha nhân cũng vì vâng lời. Nó đi vào cung nguyện, đi đến nhà ăn, hay ở lại trong phòng, ai điều khiển hay sai khiến nó như vậy? Đức vâng lời. Dưới ánh sáng đức tin, đức vâng lời đặt nó như một người đã chết đối với ý riêng, chê ghét mình, đặt nó trong tay cộng đoàn và bề trên. Với đức vâng lời, nó ở yên trong con thuyền, phó mình cho sự dẫn dắt của bề trên. Như vậy, nó vượt qua đại dương đầy bão táp là cuộc đời này một cách yên hàn, lòng trí thanh thản, tâm hồn yên vui, vì sự vâng lời và đức tin đã đánh tan mọi tăm tối. Nó cảm thấy khoẻ và hết sợ hãi lo lắng, bằng cách từ bỏ ý riêng là cái vốn sinh ra sự yếu đuối và lo sợ.

Thức ăn và nước uống của kẻ đã chọn đức vâng lời làm bạn đời là gì? Nó được bồi dưỡng bằng sự biết mình và nhận biết Cha. Nó không bao giờ quên nó là bất toàn và hư vô, đồng thời nó khám phá ra Cha là Đấng Tự Hữu, nơi nó được thưởng nếm chân lý của Cha, đúng như Ngôi Lời nhập thể đã tỏ ra cho nó. Và nó được uống gì? Nó uống Máu Thánh; nhờ Máu này mà Con Cha đã tỏ ra cho nó biết chân lý của Cha, và vì tình thương khôn tả Cha dành cho nó. Đó là Máu, nhờ đó Con Cha đã làm sáng tỏ sự hoàn thiện của đức vâng lời, Chúa Cha của Ngài đã đặt lên vai Ngài vì các con. Như vậy, nó say sưa Máu Thánh này, và sự say sưa Máu Thánh, say sưa đức vâng lời của Ngôi Lời, nó mất đi mọi suy nghĩ, mọi cảm giác về bản thân nó: nó chiếm được Cha trong ân sủng và được thưởng nếm Cha bằng tình yêu, dưới ánh sáng đức tin, trong đức vâng lời thánh thiện.

Tất cả cuộc đời nó là một bài thánh thi của bình an, và khi chết, nó nhận được điều mà bề trên của nó đã hứa với nó vào ngày khấn dòng, đó là sự sống vĩnh cửu, phước kiến bình an, sự yên hàn kỳ diệu, sự nghỉ ngơi không chấm dứt, một hạnh phúc vô giá không ai thấu hiểu được. Đó là sự hân hoan hạnh phúc không hề vơi, cũng không ai lường được, ví như chiếc bình nhận chìm trong biển cả không thể chứa đựng được sự bao la của biển, nhưng chỉ được một lượng nước mà nó có thể chứa đựng. Cũng vậy, Cha là Đại Dương của bình an, chỉ mình Cha hiểu được Cha và có thể đánh giá về Cha. Vì là niềm hạnh phúc vô cùng, nên chỉ có Đấng Vô Cùng mới hiểu và đánh giá được. Niềm vui này, hạnh phúc này là của Cha, Cha cho các con được chia sẻ, mỗi người theo mức độ của mình, nhưng tất cả được tràn đầy. Không một chỗ trống nào ở nơi những người hưởng hạnh phúc trọn vẹn: họ hiểu và nhận biết lòng nhân hậu của Cha, theo mức Cha ban cho họ hiểu được.

Đó là số phận của người vâng lời. Được soi sáng bởi ánh sáng đức tin nơi Đấng Chân Lý của Cha, được thiêu đốt bởi lửa đức ái, được xức dầu đức khiêm nhường, được say sưa Máu Thánh, được đồng hành với đức nhẫn nại, là tiểu muội của đức vâng lời, bởi khinh chê bản thân, bởi anh dũng, bởi vững tâm và bởi các nhân đức khác. Cha có ý nói đến những công phúc nó thâu nhận được bởi tất cả các nhân đức nó đã tạo được ở nơi Cha, là Đấng Toàn Năng đã tạo thành nó, cũng là mục đích của niềm cậy trông của nó và làm cho niềm ước vọng của nó được thể hiện.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh