Đối Thoại Của Thánh Catarina Sienna: Chương 2. Ơn Trở Nên Giống Chúa Kitô P2

ĐỐI THOẠI CỦA THÁNH CATARINA SIENNA: CHƯƠNG 2. ƠN TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA KITÔ P2

Ích lợi của những cơn cám dỗ. Vào lúc chết, linh hồn sẽ thấy phần vinh phúc hoặc phần phạt dành cho mình.

  1. Con rất yêu dấu, ma quỷ đã trở thành tên đao phủ của đức công minh của Cha, để hành hạ những linh hồn đã xúc phạm đến Cha một cách khốn nạn. Ở đời này, Cha đã đặt các ma quỷ để dụ dỗ các thụ tạo của Cha, không phải để chúng bị thua, nhưng để thắng ma quỷ, hầu chiếm được vinh quang của chiến thắng, sau khi đã chứng tỏ nhân đức của mình. Đừng ai sợ chiến đấu, hoặc sợ những tấn công của ma quỷ, bởi vì Cha đã làm cho con người trở nên mạnh mẽ, nhờ sức mạnh của Máu Thánh Con

Ý chí mạnh mẽ này, dầu ác quỷ hay bất cứ thụ tạo nào cũng không thể lay chuyển được. Ý chí mạnh mẽ này là của các con, chỉ thuộc về các con mà thôi, cùng với sự tự do mà Cha đã ban cho các con. Các con có quyền sử dụng ý chí tự do này, để cầm cự, hoặc buông theo, tuỳ ý các con. Ý chí là vũ khí mà các con trao vào tay ma quỷ, sẽ là đoản kiếm cho nó dùng để đâm các con và giết các con. Nhưng nếu các con không trao vũ khí này, tức là ý chí, vào tay ma quỷ, nghĩa là các con không chiều theo những cám dỗ của ác quỷ và chịu thua sự khiêu khích của nó, thì không bao giờ nó có thể làm hại được các con, và làm cho các con mắc tội. Trái lại, cơn cám dỗ sẽ làm cho con người trở nên mạnh sức, soi sáng trí tuệ và làm cho nó hiểu rằng: vì tình thương mà Cha để con người phải cám dỗ, để nó yêu mến và thực thi các nhân đức.

Con người chỉ yêu mến nhân đức nhờ sự biết mình và biết Cha, và nó chỉ nhận thức được điều này trong các cơn cám dỗ. Chính những khi đó, con người biết mình không phải là một thực thể nữa, vì nó không làm tiêu tan đi được những ưu phiền và những quẫn bách mà nó muốn tránh. Và nó cũng sẽ nhận ra Cha hiện diện trong ý chí của nó, vì Cha làm cho ý chí của nó trở nên mạnh mẽ, để thắng được những tư tưởng xấu xa. Nó sẽ thấy Cha đã xếp đặt như thế, bởi vì ma quỷ yếu thế và nó không làm được điều gì hết, nếu Cha không cho phép nó. Phần Cha, vì tình thương chứ không phải vì ghét bỏ mà Cha để cho các con bị cám dỗ. Đó là để các con chiến thắng chứ không phải để các con chiến bại. Đó là để các con đạt được một nhân đức đầy đủ về bản thân mình và về Cha. Đó là để cho nhân đức các con được thử thách, mà nhân đức chỉ được thử thách bởi những gì nghịch với nhân đức.

Con thấy chưa: ma quỷ phục vụ Cha để hành hình các kẻ bị án phạt trong hoả ngục, và ở đời này nó thử thách và tạo được nhân đức cho các linh hồn. Không phải ma quỷ có ý cổ võ nhân đức của các con đâu, nó không có đức ái mà chỉ muốn cho các con hư đi; dầu vậy, nó không làm được điều này, nếu các con không muốn.

Con hãy xem con người điên rồ biết chừng nào! Nó đã tự làm cho mình trở nên yếu đuối, trong khi Cha đã giúp nó trở nên mạnh mẽ; nó đã tự nạp mình vào tay ma quỷ. Vậy, Cha muốn con biết những gì sẽ xảy đến cho các kẻ suốt đời sống dưới sự thống trị của ma quỷ. Không có gì ép buộc chúng, không ai có thể đẩy chúng đến chỗ đó, như Cha đã nói với con, chính chúng đã tự ý nộp mình vào tay ma quỷ, và chúng đã sống trong cảnh nô lệ xấu xa này cho đến giờ chết. Vào giờ phút cuối đời của chúng, không cần phải có ai khác làm thẩm phán xét xử chúng, chính lương tâm chúng là thẩm phán xét xử chúng. Và trong lúc tuyệt vọng, chính chúng tự gieo mình xuống nơi luận phạt muôn đời. Trước khi bước qua cửa sự chết, chúng vẫn bám víu lấy hoả ngục vì oán ghét nhân đức, và chúng chọn hoả ngục để chia sẻ số phận với lũ quỷ.

Trái lại, những người công chính đã sống trong đức ái, nên sẽ chết trong tình thương. Giây phút cuối đời đã điểm, nếu họ đã sống trong đàng nhân đức, được soi sáng bởi ánh sáng đức tin, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng tuyệt đối vào Máu Thánh của Con Chiên, họ sẽ thấy hạnh phúc đó trong vòng tay tình thương mến, và họ ôm lấy Cha cách tha thiết và yêu mến Cha, là Sự Thiện tối cao và vĩnh cửu. Như vậy, họ được hưởng niềm vui của cuộc sống vĩnh cửu trước khi lìa đời, nghĩa là trước khi linh hồn lìa khỏi xác.

Đối với những người đã trải qua cuộc đời với một đức ái còn pha nhiều khiếm khuyết, thì khi tới giờ sau hết, họ gieo mình vào vòng tay thương xót của Cha, cùng với ánh sáng đức tin và đức trông cậy, ở một mức thấp hơn mức thấy ở những người trọn lành. Dầu có lầm lỗi, nhưng họ tha thiết ôm lấy lòng thương xót của Cha, mà họ thấy lớn hơn tội lỗi của họ rất nhiều. Còn các kẻ tội lỗi sẽ làm ngược lại: khi nhìn thấy khổ hình dành cho chúng, chúng tuyệt vọng, chấp nhận một cách đầy oán hận, như Cha đã nói với con.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Như vậy, người lành cũng như kẻ dữ, không ai phải chờ bản án của mình. Vừa ra khỏi cõi đời này, mỗi người nhận ngay nơi chốn dành cho mình, như Cha vừa giải thích cho con. Họ biết số phận của mình, nhận lấy số phận ấy vào chờ chết, ngay trước khi linh hồn lìa khỏi xác. Những kẻ bị án phạt thì cảm thấy oán hờn và tuyệt vọng; những người trọn lành thì nhìn thấy ánh sáng đức tin và niềm trông cậy vào Máu Thánh, còn các kẻ chưa hoàn thiện cũng sẽ cảm nhận lòng thương xót và niềm tin, để bước vào luyện ngục.

Ma quỷ lôi cuốn các linh hồn bằng cái dáng của sự thiện. Những linh hồn qua sông mà không đi trên cầu đã bị lừa dối: chúng muốn tránh đau khổ, nhưng lại rơi vào đó. Thị kiến về một cây.

  1. Con rất yêu dấu, Cha đã nói với con: ma quỷ mời gọi người ta tới uống nước sự chết, thứ nước duy nhất nó có. Nó làm cho người ta mù quáng với những thú vui và danh vọng thế Nó câu người ta bằng mồi bả có dáng vẻ sự thiện. Nó không thể thành công cách nào khác, ngoài cách sập bẫy khi người ta cắn mồi bả của nó là lạc thú, hay lợi lộc cho bản thân.

Thật vậy, con người ra mù quáng vì tự ái, nên không nhận biết, không phân biệt đâu là sự thiện chân thật, có ích lợi cho linh hồn lẫn thân xác. Bởi vậy, ma quỷ độc ác thấy con người mù quáng vì tự ái và tình yêu nhục dục, nên nó để trước mắt con người đủ thứ tội lỗi khác nhau, tội nào cũng được tô màu bằng một vài lợi ích và sự thiện. Nó đề ra cho mỗi người những tội thích hợp với nết xấu từng người vốn yêu chiều. Tội nó cám dỗ người đời thì khác tội nó cám dỗ các tu sĩ. Nó dụ dỗ các chức sắc của Giáo Hội một cách khác, và dụ dỗ người quyền thế ngoài đời một cách khác nữa.

Cha đã nói với con về những kẻ chết đuối vì đi theo con đường trên sông: chúng chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ yêu mình, và xúc phạm đến Cha. Cha sẽ cho con thấy chúng kết liễu cuộc đời ra sao. Ngay bây giờ, Cha muốn tỏ bày cho con thấy chúng sai lầm: chúng muốn trốn tránh những đau khổ lớn hơn, vì nghĩ rằng nếu đi theo Cha, nghĩa là đi theo con đường trên cầu, đường đi của Ngôi Lời Con Cha, thì cực nhọc, nên chúng lùi bước vì sợ một vài chông gai. Đó là sự mù quáng của chúng. Chúng không nhìn thấy, không nhận ra chân lý mà Cha đã mặc khải cho con ngay từ lúc bắt đầu của đời con, khi con cầu xin Cha thương xót thế gian, lôi kéo thế gian ra khỏi chốn tối tăm của tội trọng.

Cha đã tỏ mình ra cho con dưới hình một cây, mà con không nhìn thấy ngọn cũng không thấy gốc. Con chỉ thấy rễ của nó kết hợp với trái đất: đó là bản tính thần linh của Cha phối hiệp với đất của tính loài người. Con còn nhớ, gốc của cây này có vây quanh một hàng rào có gai nhọn. Các kẻ sống theo nhục dục đã tránh xa hàng rào gai này để chạy tới một đống trấu, tượng trưng cho những lạc thú thế gian. Vỏ trấu có dáng vẻ những hạt lúa mì, nhưng thực sự trống rỗng, cho nên nhiều linh hồn đã chết đói bên cạnh đống trấu. Nhiều linh hồn nhận ra sự lừa dối của ma quỷ, nên đã trở lại với cây; họ vượt qua hàng rào gai, nghĩa là có quyết định của ý chí.

Quyết định này như đụng phải gai trên đường đi tới Đấng Chân Lý; đó là một cuộc đấu tranh giữa một bên là lương tâm, và bên kia là tính dục. Nhưng với sự ghét bỏ và chê bỏ mình, người ta lấy quyết tâm một cách can đảm: “Tôi muốn đi theo Chúa Kitô chịu đóng đinh”, rồi băng qua lớp gai đó, nó sẽ khám phá ra lòng dịu hiền của Cha và cảm nghiệm một sự ngọt ngào khôn tả, sự ngọt ngào lớn hay nhỏ tuỳ tâm trạng và sự quảng đại của mỗi người, như Cha sẽ giải thích cho con nghe.

Khi ấy, Cha đã nói với con: Cha là Thiên Chúa bất biến, Cha không hề thay đổi. Cha không bao giờ ẩn giấu mỗi khi một tạo vật muốn đến với Cha. Cha đã bày tỏ chân lý, bằng cách làm cho nó biết Cha. Mặc dầu Cha là Đấng Vô Hinh, Cha dạy cho nó hiểu được lòng yêu mến những sự vật ngoài Cha, là thế nào. Nhưng nó mù quáng vì những tối tăm của sự yêu chiều mình. Nó không nhận biết Cha, cũng như không tự biết mình. Con thấy nó sai lầm dường nào! Nó bằng lòng chết đói hơn là vượt qua một vài cái gai. Tuy nhiên, nó không tránh được mọi đau khổ; ở đời này, ai mà không có thập giá, trừ ra những người đi theo con đường trên cao, không phải họ không gặp đau khổ nhưng các đau khổ này trở nên niềm an ủi cho họ.

Như Cha đã nói với con trên kia, chính tội Ađam đã sản sinh ra nhiều gai góc và những gian truân trên thế gian. Chính tội là nguồn mạch phát sinh ra dòng nước cuồn cuộn kia, nó đe lôi cuốn đi tất cả. Để tránh cho các con khỏi đắm đuối trong dòng sông, Cha đã xây cho các con cây cầu. Cha đã tỏ cho con thấy những kẻ để lòng mình lo sợ vô lý, là sai lầm. Cha đã cho con thấy Cha là Thiên Chúa của các con, Cha không thay đổi, Cha không nhìn vào con người, nhưng chỉ nhìn vào lòng ước ao thánh thiện. Đó là điều Cha muốn con hiểu về hình ảnh cây này.

Những ai là kẻ không bị các gai nhọn làm đau đớn, mặc dầu ở đời này không ai mà không gặp đau khổ.

  1. Bây giờ, Cha muốn giải nghĩa cho con biết, ai là người mà các gai nhọn này không gây thương tích, và ai là người coi thường mọi đau khổ. Trên đây, Cha đã bày tỏ cho con biết sự tốt lành của Cha, đồng thời cho con thấy kẻ dữ bị án phạt và chúng bị dục tình lừa dối như thế nào. Bây giờ, Cha nói cho con biết chúng, và chỉ có chúng, bị thương tích bởi các gai nhọn này.

Phàm ai sinh ra ở đời cũng phải chịu đau khổ, hoặc về thể chất, hoặc về tinh thần. Các tôi tớ Cha có những đau khổ về thể chất nhưng tinh thần họ luôn tự do, nghĩa là họ không buồn phiền về những đau khổ đó, vì ý chí của họ luôn phù hợp với Thánh ý Cha, họ là con người đau khổ theo ý muốn của mình. Cho nên, những kẻ Cha nói là đau khổ cả trong thân xác lẫn tâm hồn, là những kẻ ngay ở đời này đã nếm trước mùi hoả ngục, cũng như các tôi tớ Cha được nếm trước niềm vui Thiên Đàng.

Con có biết diễm phúc của các Thần thánh ở tại điều gì không? Đó là ý muốn họ được tràn đầy những gì họ ước ao, mà điều họ ao ước là Cha. Cùng một lúc họ ước ao Cha, họ đã có được Cha, họ được nếm hạnh phúc của Cha không một trở ngại, vì họ đã được giải thoát khỏi sự nặng nề của thân xác, là cái luôn luôn chống lại thần trí (Xc Rm 7:23). Thân xác xưa kia là một trung gian, không cho phép họ nhận biết chân lý một cách trọn vẹn. Bị nhốt trong thân xác, khi đó họ không thể diện kiến Cha, mặt đối mặt.

Nhưng từ khi linh hồn không còn bị thân xác nặng nề cản trở nữa, ý muốn của nó đã được hoàn toàn thoả mãn: nó ước ao nhìn thấy Cha, thì nó đã nhìn thấy Cha, và diễm phúc của nó ở trong diện kiến này. Nhờ diện kiến, linh hồn biết, và vì biết nên nó yêu mến Cha; vì yêu mến, nó được Cha là Thiên Chúa cao cả và vĩnh cửu; vì được vui hưởng Cha, nó thoả mãn, thoả mãn lòng ước ao được nhìn thấy Cha và hiểu biết Cha. Nhờ vậy, nó vừa ao ước vừa chiếm hữu, vừa chiếm hữu vừa ước ao. Nhân đó, như Cha đã nói với con, sự ước ao này không vương chút phiền muộn nào, và sự chiếm hữu này không bao giờ no chán (Xc Kh 7:16-17).

Vậy, như con thấy đó, diễm phúc của các tôi tớ Cha chủ yếu ở tại nhìn xem và hiểu biết Cha. Chính do thị kiến và tri thức này mà ý chí được toại nguyện. Linh hồn nhìn thấy Đấng mà nó ước ao nhìn thấy, và như vậy nó thoả mãn. Như Cha đã nói với con, vui hưởng sự sống vĩnh cửu, trước hết là chiếm được điều mình ước ao. Và con đã biết sự sống vĩnh cửu là nhìn xem Cha và hiểu biết Cha (Xc Tv 17:15). Vậy, ngay từ đời này, các tôi tớ Cha đã được vui hưởng trước sự sống vĩnh cửu, ý nghĩa của cuộc đời này là họ được nếm sự thiện, điều sẽ làm họ no thoả sau này.

Nhưng sự nếm trước đó, ở đời này, là gì? Cha trả lời cho con hay: sự nếm trước đó ở tại nhìn thấy lòng nhân hậu của Cha đối với họ, ở tại sự hiểu biết chân lý của Cha. Sự hiểu biết này nằm trong trí tuệ, vốn là mắt của linh hồn được Cha soi sáng, mà con ngươi của mắt linh hồn là đức tin (Xc Mt 6:22-23). Ánh sáng đức tin giúp phân biệt, nhận biết và dẫn theo con đường giáo lý của Đấng Chân Lý, Ngôi Lời nhập thể. Không có đức tin, linh hồn sẽ không thể nhìn xem, nó giống như kẻ bị cái màng che khuất con ngươi, vốn là ánh sáng của mắt. Mà con ngươi của mắt chính là đức tin. Nếu tính tự ái che phủ bằng cái màng của sự bất trung, thì nó không nhìn thấy nữa. Nó có mắt, nhưng nó không có ánh sáng, vì nó đã tự mình làm mất ánh sáng đó.

Như vậy, con mới hiểu: các tôi tớ Cha vì được nhìn xem Cha, nên họ nhận biết Cha, vì nhận biết Cha, họ yêu mến Cha, và vì yêu mến Cha, họ từ bỏ ý riêng của họ. Khi từ bỏ ý riêng của mình, họ mặc lấy Thánh ý Cha, và Cha không muốn gì ngoài sự nên thánh của các con. Lập tức họ bỏ con đường ở dưới, để đi trên cầu và không lùi bước khi gặp chông gai, bởi vì hai chân họ đã được nóng lên vì yêu mến Thánh ý Cha, nên không cảm thấy đau nữa. Nếu có đau, như Cha đã nói với con, thì chỉ đau về thể xác, chứ không đau trong tâm hồn. Ở nơi họ, ý muốn nặng về cảm giác vốn gây đau khổ và hành hạ linh hồn con người, nay nó đã chết rồi; nó đã bị tiêu huỷ, thì đau khổ cũng hết luôn. Từ nay, họ chịu đựng mọi sự xảy đến một cách cảm mến, bởi cho rằng bị thử thách vì Cha là một ân sủng, và họ không muốn gì khác ngoài những điều Cha muốn.

Nếu Cha để cho ma quỷ quấy phá họ, nếu Cha để cho ma quỷ thử thách nhân đức của họ bằng những cơn cám dỗ, thì như Cha đã nói với con, họ có thể chống lại những tấn công của ma quỷ, bằng một ý chí đã được mạnh sức nơi cha. Họ tự hạ mình xuống, tự nhận mình không đáng được sự bình an và yên nghỉ tâm hồn. Họ tự cho là đáng chịu những gian truân, và họ vượt qua những gian truân đó trong niềm vui và trong sự biết mình, không có gì làm họ phải ưu phiền.

Cơn thử thách đến với họ từ con người chăng? Phải chăng là bệnh tật, là nghèo khó, là mất địa vị trong xã hội? Đó là mất con cái hay người thân chăng? Đó là những gai góc mà trái đất sản sinh ra, từ khi có tội lỗi. Họ chấp nhận tất cả với ánh sáng của lý trí và đức tin. Họ chỉ nhìn vào Cha thôi, vì Cha là Đấng Tốt Lành vô cùng, Cha chỉ muốn sự lành cho họ, vì thương yêu họ, chứ không vì thù ghét mà Cha đã gửi những những thử thách đến với họ.

Sau khi đã ý thức như thế về tình thương của Cha, họ tự xét mình và tự nhận những lỗi lầm của mình. Nhờ ánh sáng đức tin, họ thấy các việc lành đều được thưởng, và các tội lỗi thì phải phạt. Họ hiểu, bất cứ tội nào cũng đáng bị một hình phạt vô cùng, bởi vì là điều xúc phạm đến Cha là Thiên Chúa hằng hữu, họ còn cho việc Cha phạt họ ở đời này như thế là một ân huệ. Như vậy, họ tự thanh tẩy khỏi các tội lỗi bằng một sự thống hối chân thành, họ giành được những công phúc nhờ đức nhẫn nại tuyệt hảo của họ, và những thử thách họ phải chịu đều được trọng thưởng. Họ biết mọi đau khổ ở đời này đều chóng qua như thời gian. Thời gian chỉ là một điểm chấm trên cán cân, không thể hơn. Thời gian qua đi, đau khổ cũng sẽ hết. Có gì lớn lao đâu, con đã biết rồi.

Các tôi tớ Cha nhẫn nại chịu các thử thách hiện nay, họ đi qua những gai góc một cách nhẫn nhục, vì những gai góc này không thấu đến trái tim họ. Trái tim của họ không còn ở với họ, họ đã mang đi cất giấu, nghĩa là đã kết hợp với Cha trong tình yêu rồi. Sự thật, là họ đang được vui hưởng sự sống vĩnh cửu ngay khi còn sống ở đời này. Họ đi qua nước mà không bị ướt, bước trên gai góc mà không biết đau, vì họ đã nhận biết Cha là Sự Thiện tối cao, và họ đã tìm thấy Sự Thiện này đúng chỗ, là trong Ngôi Lời, Con Độc Nhất Cha.

Những điều dữ do sự tăm tối của trí tuệ. Việc lành làm khi không có ân sủng, không có giá trị cho sự sống đời đời.

  1. Những điều Cha vừa nói với con, là để cho con hiểu: các kẻ dữ đã nếm trước mùi vị hoả ngục bởi vì chúng có ảo tưởng đáng sợ! Bây giờ, Cha muốn giải thích cho con biết bởi đâu mà chúng sai lầm như vậy, và vì sao chúng nếm trước mùi vị hoả ngục như thế.

Con nên biết căn nguyên, là vì con mắt trí tuệ chúng đã bị che khuất bởi tội bất trung, hoa trái của lòng tự ái. Cũng như chân lý đạt được nhờ ánh sáng đức tin, thì tội bất trung dẫn đến sự dối trá. Cha có ý nói đến tội bất trung của những kẻ đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy và, trong bí tích này, con ngươi của đức tin đã được đặt vào mắt của trí tuệ.

Khi đến tuổi trưởng thành, những ai tập tành các nhân đức thì sẽ duy trì ánh sáng đức tin, và tạo được những nhân đức sống động sinh ích cho tha nhân. Ví như người sản phụ sinh hạ một đứa con, sung sướng đưa cho chồng, thì cũng vậy, họ dâng lên Cha những việc lành phúc đức, vì Cha là Hôn Phu của linh hồn.

Trái lại, những kẻ khốn nạn kia, khi đến tuổi trưởng thành, đáng lẽ phải lợi dụng ánh sáng đức tin để sản sinh những hoa trái của sự sống, thì chúng đã sản sinh ra những công việc của sự chết! Thật thế, các việc chúng làm đều chết! Vì là những việc làm trong tình trạng mang tội trọng, ngoài ánh sáng đức tin. Công việc có hình thức của phép Thánh tẩy, nhưng không có ánh sáng của bí tích; chúng đánh mất ánh sáng này bởi tối tăm của tội lỗi chúng phạm vì tự ái. Sự tối tăm này đã phủ kín con ngươi mắt chúng. Bởi vậy, phải nói về những người có đức tin mà không có việc lành, là kẻ có đức tin chết (Xc Gc 2:26). Như người chết không còn xem thấy gì nữa, thì cặp mắt mà con ngươi bị màng phủ kín cũng không thấy gì, chúng nằm giữa đống tội lỗi mà không hề biết. Chúng không thấy sự tốt lành của Cha ở nơi chúng: Cha đã ban cho chúng sự hiện hữu, và còn ban cho chúng dư dật nhiều hơn khác.

Vì không nhận biết Cha, vì không tự nhận biết mình, chúng đã không chê ghét tình dục tự kỷ ở trong chúng, trái lại chúng yêu chiều tình dục và ra sức thoả mãn những ước muốn của tính dục, cho nên chúng hạ sinh những đứa con chết ngay trong bụng mẹ. Đó là những tội trọng. Còn Cha thì chúng không yêu mến; vì không yêu mến Cha, nên chúng không thương kẻ Cha yêu thương, là người đồng loại của chúng. Chúng không vui vẻ thực hiện những việc đẹp lòng Cha.

Điều mà Cha muốn thấy được thực hiện nơi các con, là những nhân đức chân thật và chắc chắn, không phải vì lợi ích gì cho Cha: các con có thể sinh lợi ích gì cho Cha đâu!Cha là Đấng làm nên mọi sự, chỉ trừ tội lỗi, vì tội lỗi là hư vô, nó làm cho linh hồn mất ân sủng và mất Cha là Đấng Toàn Thiện. Vậy, các việc lành phúc đức của các con làm vui lòng Cha, chỉ vì nhân đó mà Cha có thể thưởng công cho các con, bởi vì Cha là Đấng Hằng Sống (Xc Xh 3:14).

Nơi những người kia thì trái lại, con thấy đức tin của chúng đã chết, vì là đức tin không có công nghiệp. Các việc chúng làm không có giá trị cho sự sống vĩnh cửu, bởi vì chúng không có sự sống của ân sủng. Có hay không có ân sủng, người ta vẫn phải cố gắng làm điều thiện, vì mọi việc lành đều được thưởng. Việc lành người ta làm trong ân sủng, không mắc tội trọng, sẽ được sống vĩnh cửu; việc lành người ta làm khi không có ân sủng, không mang lại sự sống vĩnh cửu, nhưng sẽ được thưởng nhiều cách.

Đôi khi, Cha ban thưởng chúng, bằng cách ban cho những kẻ bất hạnh ấy có thời giờ để nhận biết mình; hoặc Cha soi sáng các tôi tớ Cha để họ cầu nguyện cho chúng, hầu kéo chúng ra khỏi đường tội lỗi, cứu chúng khỏi tình trạng khốn khổ. Nhiều kẻ khác, Cha không ban thêm ngày giờ như phần thưởng, hay được lời cầu nguyện của người lành, song ban cho chúng dư đầy của cải trần gian. Chúng như những gia súc người ta nuôi cho béo, để mang đi làm thịt. Đó là những vật thụ tạo, bằng trăm ngàn cách, hằng chống lại sự tốt lành của Cha; chúng làm một vài việc lành, nhưng không có ân sủng, chúng ở trong tình trạng tội lỗi. Làm một vài việc lành, nhưng chúng không muốn lợi dụng thời giờ Cha ban, hoặc lời cầu nguyện của người lành, cũng không lợi dụng bất cứ phương cách nào Cha dùng để kêu gọi chúng. Cho dù Cha bị chúng khước từ, lòng nhân hậu của Cha vẫn không ngừng thưởng công xứng đáng những việc lành của chúng. Cha thưởng chúng bằng những của cải trần gian; chúng sung sướng hưởng thụ mà không hối cải sửa mình, nên chúng sẽ phải đày đoạ nơi cực hình muôn kiếp.

Con thấy chúng sai lầm dường nào! Mà ai lừa dối chúng? Chính chúng tự lừa dối mình. Chính chúng đã để cho mình mất ánh sáng đức tin. Từ nay, chúng bước đi như những người đui mù, sờ soạng quanh mình và bám lấy tất cả những gì chúng sờ thấy. Bởi vì con mắt chúng đã ra tối tăm, nên chỉ tha thiết với sự vật chóng qua. Chúng sai lầm quá đỗi! Chúng hành xử như những người điên khùng, chỉ thấy vàng bạc mà không để ý đến chất độc hại. Con nên biết những của cải đời này, những niềm vui, những khoái lạc, nếu người ta hưởng dùng, nắm bắt chúng ở ngoài Cha với một sự quyến luyến vô độ và ích kỷ, thì chúng sẽ như những con bọ cạp mà Cha đã kể cho con nghe ban đầu, sau ẩn dụ về cây. Khi ấy,

Cha đã nói với con những con bọ cạp này đàng trước mang vàng, đàng sau thì mang nọc độc. Nơi chúng không thể có vàng mà không có nọc độc, cũng như không có nọc độc mà không có vàng. Nhưng cái người ta nhìn thấy trước tiên là vàng, và không ai để ý tránh nọc độc của nó, trừ những người được soi sáng bởi ánh sáng đức tin.

Không thể tuân giữ các điều truyền, nếu không vâng theo các lời khuyên. Linh hồn chọn cách sống ở bậc nào tuỳ ý, miễn là ý muốn tốt lành và thánh thiện, thì mới đẹp lòng Chúa.

  1. Cha đã nói với con rằng: những người được soi sáng bởi đức tin, thì biết khử trừ nọc độc của giác quan bằng thanh gươm hai lưỡi, tức gớm ghét nết xấu và yêu mến nhân đức; còn những kẻ chỉ được soi sáng bằng lý trí, thì kiếm cho mình được vàng bạc trần gian, và tích trữ. Nhưng những người muốn đạt tới sự trọn lành, thì khinh chê tất cả của cải này trong thực hành và trong tinh thần: đó là những người tuân theo lời khuyên mà Đấng Chân Lý của Cha đã dạy họ.

Có những kẻ tuân giữ các điều truyền, tức các giới răn, nhưng chỉ vâng theo các điều khuyên trong tinh thần thôi, chứ không bằng thực hành. Nhưng bởi vì các lời khuyên được liên kết với các điều truyền nên không ai có thể tuân giữ điều truyền mà không vâng theo lời khuyên, ít là trong tinh thần. Nếu có những tài sản trần gian, người ta phải sử dụng chúng cách khiêm tốn, không kiêu kỳ, phải coi đó là những của cải cho mượn, chứ mình không có trọn quyền làm chủ. Mọi tốt lành của Cha, đã được đặt dưới quyền các con, để các con sử dụng và hưởng dùng. Các con có được, là bởi Cha ban cho; các con được giữ lấy, là vì Cha muốn cho các con hưởng dùng. Cha ban cho là để các con sử dụng, vì Cha thấy những của cải ấy có ích lợi cho ơn cứu độ các con. Đó là cách thức các con hưởng dùng và sử dụng

Khi sử dụng của cải như thế, con người sẽ tuân giữ các giới răn bằng cách yêu mến Cha trên hết mọi sự, và thương yêu tha nhân như chính mình. Họ sống bằng trái tim được tẩy sạch mọi mơ ước, vì họ chỉ yêu thích và nắm giữ của cải theo Thánh ý Cha. Họ thủ đắc của cải một cách trần tục, nhưng không vì thế mà họ bỏ cách lời khuyên Phúc Âm trong tâm hồn họ; bởi vì, họ đã loại bỏ được tình yêu mến vô trật tự.

Những ai hành xử như thế, là ở trong đức ái chung. Còn ai tuân giữ các điều truyền và các lời khuyên không những trong tinh thần, mà cả trong thực hành nữa, thì đó là những người ở trong đức ái trọn lành. Họ vâng theo cách đơn sơ lời khuyên của Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã nói với người thanh niên đến hỏi Ngài: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống vĩnh cửu?” Chúa trả lời anh: “Anh hãy tuân giữ các giới răn của luật dạy”. Người ấy thưa: “Tôi đã tuân giữ các giới răn”. Và Chúa liền bảo anh ta: “Tốt lắm! Nếu anh muốn trở nên trọn lành, anh hãy đi bán những tài sản của anh và bố thí cho người nghèo” (Mt 19:16-21). Lúc ấy, người thanh niên này buồn rầu: anh còn gắn bó với của cải, quyến luyến của cải, bởi vậy anh ta buồn rầu. Ngược lại, những người trọn lành vâng theo cả lời khuyên; họ từ bỏ của cải vật chất, cùng mọi sự vui thú thế gian. Họ sống khắc khổ bằng thức khuya dậy sớm, hãm mình, và siêng năng cầu nguyện.

Còn những kẻ ở trong đức ái chung, họ không thật sự từ bỏ những của cải họ có. Họ không mất sự sống vĩnh cửu đâu, bởi vì họ không buộc phải làm như thế, chỉ cần làm như Cha đã dạy con. Khi chiếm hữu của cải, họ không phạm tội gì hết, bởi vì mọi sự đều tốt lành, tuyệt hảo, vì chúng được tạo dựng bởi Cha là Đấng tốt lành vô cùng, để phục vụ các thụ tạo có lý trí của Cha, chứ không phải để cho các thụ tạo ấy trở thành nô lệ cho những lạc thú trần gian. Vậy, những ai không ước ao đạt tới mức trọn lành và còn muốn giữ lấy của cải, thì phải sở hữu của cải như những ông chủ, chứ không làm nô lệ cho của cải, họ phải dành mọi ước vọng cho Cha. Ngoài ra, họ phải yêu chuộng mọi sự như được cho vay mượn để phục vụ họ, chứ không phải để họ lấy làm của mình. Cha không nhìn vào con người hay địa vị của nó, nhưng chỉ nhìn vào những ước nguyện thánh thiện của nó. Cho nên, trong mọi bậc sống mà người ta chọn, chỉ cần một điều, là ý muốn của họ phải tốt lành, thánh thiện, phù hợp với Thánh ý Cha. Nhưng ai có thể giữ mình được như thế, dầu ở bất cứ hoàn cảnh nào? Đó là những người đã khử trừ được nọc độc, bằng sự chê ghét dục tình của mình và có lòng yêu mến nhân đức. Sau khi đã dứt khỏi nọc độc này của ý muốn vô độ, và sau khi đã điều chỉnh ý muốn của mình cho ngay thẳng bằng tình yêu thánh thiện và kính sợ Cha, con người có thể lựa chọn và nắm giữ bậc sống mà nó ưa thích; trong mọi bậc sống, nó phải ăn ở cách nào để được sự sống muôn đời.

Tất nhiên, từ bỏ của cải trần gian này không những trong tinh thần, mà còn trong thực hành, thì trọn lành hơn và có công phúc hơn. Nhưng nếu ai thấy mình không đủ can đảm đạt tới mức trọn lành, nếu sự yếu đuối của nó không cho nó quyết tâm, thì nó có thể cứ ở trong bậc đức ái chung, theo bậc sống của nó. Sự nhân lành của Cha đã ấn định như thế, để không ai có thể viện cớ bậc sống mình, mà chống chế cho tội lỗi của mình.

Thật vậy, làm sao những kẻ tội lỗi có thể chữa mình được? Cha thông cảm những đam mê và những yếu đuối của chúng. Chúng muốn sống giữa thế gian ư? Thì chúng cứ sở hữu của cải, cứ nắm giữ địa vị, cứ sống bậc vợ chồng, nuôi dưỡng con cái, làm việc để gây dựng sự nghiệp cho con cháu mình. Chúng hoàn toàn tự do lựa chọn bậc sống mà chúng ưa thích hơn hết, chỉ với điều kiện là phải loại trừ nọc độc của dục tình, là cái mang lại sự chết đời đời.

Mà đích thực dục tình là một nọc độc. Cũng như nọc độc làm cho thân xác đau đớn, và cuối cùng sẽ giết chết thân xác, nếu người ta không tìm cách thải nó ra, hoặc dùng thuốc điều trị. Thế gian như con bọ cạp, nó chích nọc độc mê đắm các sự vật thế gian. Như Cha đã nói với con, bản chất các sự vật thế gian đều tốt lành, vì chính Cha đã tạo dựng chúng, các con có thể sử dụng chúng tuỳ ý, với tình yêu thánh thiện và kính sợ. Nhưng ý muốn gian tà của con người đã tiết ra nọc độc. Chính ý muốn đó đầu độc linh hồn, làm cho linh hồn chết, nếu linh hồn không tống khứ nọc độc ra, bằng việc xưng tội chân thành, để giải thoát tâm hồn khỏi mọi nỗi đắng cay. Việc xưng tội là phương dược chữa lành nọc độc này, trong khi dục tình lại lấy đó làm cay đắng.

Con thấy chưa, chúng hết sức sai lầm! Chúng có thể chiếm hữu Cha, có thể tránh ưu phiền, tìm được niềm vui và an ủi, nhưng chúng lại chọn điều ác đội lốt sự thiện. Chúng tự lên án cho mình, vì đam mê vàng bạc với một tình yêu bừa bãi. Sự bất trung làm chúng mù quáng, chúng không nhìn thấy nọc độc. Nếu chúng biết mình bị ngộ độc, chúng không chịu dùng thuốc chữa trị. Những kẻ bất hạnh này vác thập giá của ma quỷ, và nếm trước mùi vị của hoả ngục.

Những kẻ mê sự thế gian không bao giờ thoả mãn. Hình phạt của ý muốn gian tà ngay ở đời này.

  1. Trên kia, Cha đã nói với con mọi ưu phiền của con người đều do ý muốn. Vì các tôi tớ Cha đã giũ sạch ý muốn riêng để mặc lấy ý muốn của Cha, nên họ không cảm thấy đau khổ ưu phiền. Họ được vui thoả khi cảm thấy Cha hiện diện trong linh hồn họ bằng ân sủng. Còn những kẻ không có Cha sẽ không thể vui thoả, dầu chúng chiếm được cả thế giới này, bởi vì các loài thọ tạo thì thua kém con người, chúng đã được tạo thành vì con người, chứ không phải con người được tạo dựng cho các vật thọ tạo ấy. Cho nên chúng không thể làm thoả mãn ý muốn con người được, chỉ mình Cha mới làm cho nó được thoả mãn. Những kẻ bất hạnh này là nạn nhân của một sự mù quáng: chúng đau khổ vì đói khát không bao giờ no thoả. Chúng ước ao những sự chúng không thể có vì chúng đã không xin Cha là Đấng duy nhất có thể ban cho chúng.

Con muốn biết tại sao chúng khổ sở không? Con có biết tại sao sự yêu mến loài thọ tạo lại là nguồn mạch sự đau khổ không? Đó là vì người ta mất những cái, mà người ta đã đồng hoá mình với chúng. Bằng nhiều cách khác nhau, những kẻ khốn nạn kia đã đồng hoá mình với đất, chúng đã trở thành đất. Kẻ này đồng hoá mình với tiền tài, kẻ khác đồng hoá mình với danh vọng, kẻ khác nữa đồng hoá mình với con cái mình. Có những kẻ bỏ rơi Cha để phục vụ các loài thọ tạo, lại có những kẻ biến thân xác mình thành những thú vật đê hèn. Như vậy, ở bất cứ bậc nào, chúng thèm đất và chúng thèm nhét đất vào bụng cho no. Chúng muốn các sự vật này lâu bền, nhưng đâu có lâu bền được. Các sự vật qua đi như cơn gió, hoặc sự chết cướp đi những gì chúng yêu chuộng, hoặc bị Đấng Quang Phòng lấy đi. Sự mất mát này khiến chúng hết sức đau khổ. Chúng càng yêu chuộng các sự vật đó, thì sự đau khổ của chúng càng lớn lao.

Nếu chúng nắm giữ những của đó như những của cho mượn, chứ không thật sự là của chúng, thì chúng đã không đau xót đến thế. Vậy, chúng đau xót là vì chúng không có được những gì chúng ước ao. Cha đã nói với con, thế gian không thể làm chúng no thoả. Không được no thoả, nên chúng đau khổ. Chính cái mũi nhọn lương tâm của chúng là khổ hình cho chúng! Sự khao khát oán thù luôn nung nấu chúng, thúc chúng tra tay giết chết kẻ khác, thì chính linh hồn nó đã bị giết chết, trước khi nó hạ được đối thủ của nó. Và sự buồn phiền sẽ luôn dày vò linh hồn những kẻ hà tiện, mỗi khi chúng phải bỏ ra chút ít đồng tiền, để tiêu dùng cho những nhu cầu! Và hình khổ của những kẻ ghen tị, tâm hồn chúng luôn bị cắn xé khi thấy người khác được hạnh phúc! Như vậy, tất cả những gì mà chúng yêu chuộng bằng tâm tình đầy nhục dục, sẽ là nguồn mạch phát sinh ưu phiền và lo lắng cho chúng. Đó chính là thập giá mà ma quỷ bắt chúng vác lấy trên vai, khiến chúng nếm trước mùi vị của hoả ngục. Đối với chúng, cuộc sống đời này đầy những bệnh tật và bất hạnh, và nếu chúng không hối cải, thì cuộc đời này sẽ dẫn đưa chúng đến sự chết muôn đời.

Đó là những kẻ không những bị xé rách bởi gai góc và nhiều nỗi gian truân, chúng còn tự làm khổ mình vì ý chí thác loạn của chúng. Chúng mang thập giá nơi thân xác và trong tâm hồn chúng: hồn và xác cùng trải qua những đau khổ và ưu phiền, mà chẳng rút ra được chút công phúc nào hết, vì chúng không chịu đựng những đau khổ bằng nhẫn nhục, nhưng với sự bực tức hờn giận.

Vì cái thú gom trữ tiền bạc với vui hưởng khoái lạc thế gian và xác thịt, chúng đánh mất sự sống ân sủng và tâm tình bác ái. Chúng đã trở thành những cây chết. Bởi vậy, các việc làm của chúng đều chết. Cùng với những ưu phiền của chúng, chúng đi theo con đường sông để đắm đuối trong đó. Chúng đi tới dòng nước của sự chết. Lòng đầy hận thù, chúng đi qua cửa của ma quỷ để vào nơi tiêu vong muôn đời.

Bây giờ, con thấy rõ chúng sai lầm dường nào! Chúng trải qua những đau khổ để đi vào hoả ngục, trở thành những chứng nhân của ma quỷ. Và con đã hiểu, đâu là nguyên nhân sự mù quáng của chúng: đó là sự tối tăm của lòng tự ái đã che khuất con ngươi mắt chúng, tức ánh sáng đức tin.

Các con thấy nỗi gian truân và những sự bách hại, bất cứ từ phía nào đến, cũng chỉ bén mảng đến thân xác các tôi tớ Cha mà thôi, còn tâm trí họ thì không hề hấn gì, bởi vì họ đã hiệp nhất với Thánh ý Cha nên họ vui lòng chịu đau khổ vì Cha. Trái lại, các tôi tớ thế gian bị tấn công bên ngoài lẫn bên trong; nhất là ở bên trong, vì chúng sợ mất những gì chúng có, và vì chúng ước ao những cái chúng không thể có được. Hai nỗi đau khổ chính này phát sinh ra muôn vàn đau khổ khác, mà lưỡi con không thể tả hết được.

Con thấy chưa, ngay ở đời này phận của người công chính luôn tốt hơn phận của kẻ tội lỗi. Từ nay, con đã biết đầy đủ về con đường hai lớp người này bước theo, và nơi họ đi tới.

Sự sợ hãi kiểu nô lệ không đủ để chiếm được sự sống đời đời. Nhưng sự sợ hãi này có thể dẫn tới chỗ mến yêu nhân đức.

  1. Đây là điều, lúc này Cha muốn nói với con. Chính Cha gửi đến những gian truân ở thế gian này, để dạy cho linh hồn hiểu rằng: cùng đích của nó không phải là cuộc đời này. Mọi sự thế gian đều bất toàn và chóng Chỉ có Cha là cùng đích của linh hồn: nó phải ước ao Cha và chọn Cha làm cùng đích. Dưới mũi nhọn của đau khổ, một số linh hồn bắt đầu gỡ mình ra khỏi chốn tối tăm, do những đau khổ chúng phải chịu, và cũng nghĩ đến hình khổ sẽ dành cho tội lỗi chúng. Bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi cách nô lệ này, chúng cố gắng thoát ra khỏi con sông và thải ra cái nọc độc do con bò cạp có mặt bằng vàng đã chích vào người chúng. Vì chúng đã thích con bọ cạp quá đỗi, chứ không thích vừa phải, cho nên nó đã tiêm nọc độc vào chúng. Ý thức về tình trạng của mình, chúng cố gắng trỗi dậy và đi vào bờ, hầu đạt tới cây cầu. Nhưng sự sợ hãi nô lệ không đủ sức đưa chúng tới đó.

Quả vậy, thanh tẩy ngôi nhà mình khỏi tội trọng, mà không trang trí ngôi nhà bằng những nhân đức xây dựng trên tình yêu, nhưng trên sự sợ hãi, thì không đủ để đạt tới sự sống vĩnh cửu (Xc Mt 12:43-45). Phải đặt cả hai chân lên bậc thứ nhất của cây cầu: nghĩa là tới đó bằng lòng mến yêu và ước ao. Đó là hai bàn chân sẽ đưa linh hồn đến chỗ yêu mến Đấng Chân Lý của Cha, mà Cha đã dùng làm cây cầu cho các con. Đây là bậc thứ nhất Cha đã cho con thấy, khi Cha dùng thân thể Con Cha làm ngụ ý bậc thang cây cầu.

Theo lẽ thường, các tôi tớ thế gian đã vì sợ hình phạt mà bắt đầu hối cải. Nhiều khi, sự gian truân làm chúng trở thành gánh nặng cho chính mình, và thế là chúng bắt đầu dứt mình ra khỏi tội lỗi. Nếu chúng đặt sự sợ hãi này dưới ánh sáng của đức tin, thì đức tin sẽ dẫn chúng đi tới chỗ yêu mến các nhân đức. Nhưng có những kẻ tiến lên một cách thờ ơ lãnh đạm, đến nỗi nhiều khi vừa đụng tới bờ sông, chúng lại nhảy xuống nước. Rồi có những cơn gió ngược thổi tới, chúng bị bão táp dập vùi, những cơn giông tố của cuộc sống tối tăm này.

Có thể trước khi chúng leo lên đến bậc thang thứ nhất với tâm tình và lòng mến nhân đức, bỗng một cơn gió thịnh vượng thổi tới, thế là chúng nhìn lại đàng sau và bị thu hút bởi những thú vui trần tục. Nếu như cơn gió của nghịch cảnh ập tới, thì sự thiếu kiên nhẫn lại đẩy chúng xa khỏi bờ sông. Nguyên nhân, là vì chúng chê ghét và lánh xa tội lỗi không phải vì đã xúc phạm Cha và làm phiền lòng Cha, nhưng chỉ vì sợ hình phạt đáng phải chịu, mà chúng muốn bỏ đàng tội lỗi.

Trong mọi việc nhân đức, cần phải kiên trì. Thiếu kiên trì, người ta không đạt được ý nguyện, không đạt được mục tiêu đã nhắm khi bắt đầu hành động. Không, không kiên trì, người ta không bao giờ đạt đến mục tiêu mình tìm kiếm. Không kiên trì, người ta không bao giờ đạt được điều mình ước ao.

Con đã thấy chúng bị chao đảo theo những đưa đẩy khác nhau. Có những kẻ bị tấn công bởi chính bản thân chúng, vì dục tình chống lại thần trí; có những kẻ vì phải chịu sức quyến rũ của các thụ tạo, bằng một tình yêu thác loạn khiến chúng xa Cha, có khi vì bị các thụ tạo gây sức ép và làm hại, nên đã nổi giận và thiếu nhẫn nại, cũng có khi chính ma quỷ xông đánh và tấn công chúng bằng trăm ngàn cách.

Thật thế, đôi khi ma quỷ tìm cách làm mất giá trị nỗ lực đầu tiên của chúng, làm chúng xấu hổ mà bỏ cuộc. Nó nói: “Cái điều mày tính làm ấy có nghĩa lý gì, so với các tội lỗi của mày?”. Ma quỷ làm thế để níu kéo chúng lại, khiến chúng bỏ dở chút việc lành bắt đầu làm. Những lần khác, ma quỷ thúc giục chúng hoàn toàn tin cậy vào lòng thương xót của Cha. Nó bảo chúng: “Vất vả làm chi! Hãy vui hưởng cho đã đi! Đến lúc chết vẫn còn thời giờ để hối cải và xin ơn tha thứ”. Bằng cách này, ma quỷ làm chúng mất đi niềm sợ hãi để hối cải.

Vì những nguyên nhân này, và nhiều nguyên nhân khác giống vậy; chúng quay đầu lại đằng sau, chúng thiếu sự vững tâm và không bền chí. Tất cả việc này đều do gốc rễ của lòng tự ái, đã không được nhổ đi tận gốc. Đó là cái làm tan vỡ đi sự kiên trì của chúng. Chúng đã quá ỷ lại khi phú thác cho lòng thương xót của Cha. Chúng tin tưởng nơi Cha, nhưng sự tin tưởng này không phải lối, mà là một sự trông cậy ngu xuẩn và liều lĩnh, vì chúng tin tưởng mà vẫn tiếp tục xúc phạm đến Cha. Cha không bao giờ ban lòng thương xót, để người ta lạm dụng lòng thương xót đó, khiến Cha đau lòng. Cha chỉ thương xót để giúp đỡ người ta chống lại sự độc ác của ma quỷ, và chống lại sự hỗn loạn của tâm trí. Song chúng đã làm ngược lại, chúng đã dùng lòng thương xót này để chống lại Cha, xúc phạm đến Cha.

Thế là vì chúng không tiến xa hơn thái độ ban đầu, nghĩa là dứt mình ra khỏi tội trọng, chỉ vì sợ hình phạt và vì mũi nhọn của những gian truân bủa vây chúng. Chúng dừng lại ở chỗ đó, đã không đi tới sự yêu mến nhân đức, và không bền vững. Linh hồn không thể dừng lại như thế: nếu nó không tiến lên nó sẽ tháo lui. Mà thật, chúng đã làm như vậy. Chúng đã không tiếp tục tiến lên trong đường nhân đức, để vượt qua sự bất toàn của sợ hãi hầu đi tới lòng mến yêu, cho nên chúng không tránh khỏi việc trở lại đằng sau.

Linh hồn này cảm thấy cay đắng, vì sự mù quáng của những kẻ chết đuối trong dòng sông.

  1. Khi đó, linh hồn này nhìn vào sự bất toàn của mình và của nhiều người khác. Nó cảm thấy đau đớn lắm trước sự mù quáng của vật thụ tạo. Nó biết lòng nhân hậu của Thiên Chúa rất lớn lao, Ngài không để một sự gì ở đời này xảy ra mà không nhằm vào ơn cứu độ, cho dù người ta sống ở bất cứ bậc nào. Trái lại, tất cả mọi sự đều là lời giảng dạy và khuyến khích đi đàng nhân đức. Dẫu vậy, tính tự ái và những tâm tình phóng túng đã lôi cuốn biết bao kẻ tội lỗi vào con đường dưới sông! Chúng không hối cải, và linh hồn này nhìn thấy chúng đi tới án phạt muôn đời; trong khi nhiều kẻ khác đã lên khỏi sông, bắt đầu sống tốt, nhưng bỗng quay trở lại phía sau chỉ vì một cơn gió của trần gian, gây đau lòng Đấng Nhân Hậu. Nhìn thấy thế, linh hồn này đau đớn lắm.

Linh hồn hướng tâm trí nhìn lên Chúa Cha hằng hữu, nó thưa với Chúa rằng: “Ôi, tình yêu khôn tả, sự lầm lạc của các thụ tạo lớn lao quá! Con dám xin Cha nhân lành giải thích tỉ mỉ hơn cho con về ba cái bậc được hình dung trên thân thể Con Một của Cha, và người ta phải làm thế nào để được hoàn toàn thoát khỏi dòng sông kia, để bước đi trên con đường Chân Lý của Cha, và ai là người bước lên ba bậc ấy”.

Ba bậc theo nghĩa bóng trên cây cầu, nói lên ba tài năng của linh hồn.

  1. Khi đó, Chúa nhân lành đưa cái nhìn của lòng thương xót xuống, nâng dậy lòng ước ao và khát vọng đang dày vò linh hồn này, và nói với nó rằng: con rất yêu dấu của Cha, Cha không khinh chê những ước vọng của con, trái lại Cha sung sướng được làm con hài lòng. Cha sẽ giải thích và bày tỏ cho con thấy điều con

Con xin Cha giải thích cho con về hình ảnh ba bậc, và làm sao có thể thoát ra khỏi con sông để bước đi trên cầu. Cha đã trình bày cho con nghe về sự sai lầm và mù quáng của những kẻ phải nếm trước mùi vị của hoả ngục ngay ở đời này; chúng đã trở thành những chứng nhân của ma quỷ, chúng kết thúc cuộc đời với án phạt đời đời. Cha nói cho con hay, chúng sẽ gặt hái hoa trái nào từ những công việc của mình. Trong những lần ấy, Cha đã chỉ cho con phải làm gì để tránh điều bất hạnh đó, nhưng bây giờ Cha muốn giải thích chi tiết, để thoả mãn sự ước ao của con.

Con biết mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ chỗ người ta chiều chuộng bản thân, người ta yêu mình, và sự yêu chiều này là mây mù che khuất ánh sáng của lý trí, làm tắt luôn ánh sáng của đức tin. Người ta không thể mất ánh sáng này mà không mất luôn ánh sáng kia. Cha đã tạo linh hồn theo hình ảnh và giống Cha, vì Cha đã ban cho linh hồn có trí nhớ, trí tuệ và ý muốn. Trí tuệ là phần cao quý nhất của linh hồn. Trí tuệ được lay động bởi tình cảm, tình cảm lại được nuôi dưỡng bởi trí tuệ; kế đến là bàn tay của tình thương, mà Cha muốn nói là của tâm tình, nó chất chứa những hình ảnh kỷ niệm về Cha, ghi nhớ các hồng ân Cha ban. Kỷ niệm này khiến linh hồn phải hành động và biết ơn, ngăn ngừa nó khỏi sự biếng nhác và vô ơn. Đó là cách hai tài năng này hỗ trợ nhau, để nuôi dưỡng linh hồn trong đời sống ân sủng.

Linh hồn không thể sống không tình yêu. Nó luôn phải có đối tượng để yêu thương, bởi vì nó được dựng nên bằng tình yêu và Cha đã sáng tạo nó vì tình yêu. Vì thế, Cha đã nói với con tâm tình kích động trí tuệ; có vẻ như nó nói rằng: “Tôi muốn yêu, bởi vì lương thực của tôi là tình yêu”. Được tâm tình đánh động, trí tuệ trả lời: “Bạn muốn yêu mến, tôi sẽ cho bạn một sự thiện để bạn yêu”. Rồi không chút trì hoãn, trí tuệ ra sức suy nghĩ về phẩm giá của linh hồn khi được tạo dựng, và về chốn hèn hạ mà tội lỗi đã đẩy nó rơi xuống. Khi nhìn vào phẩm giá của bản tính mình, linh hồn nhận ra sự tốt lành vô cùng của Cha, đức ái trường tồn đã khiến Cha tạo thành nó; và dưới vực sâu khốn cùng, nó thấy rõ lòng thương xót của Cha, lòng thương xót đã cho nó thời gian để tỉnh ngộ, và lôi kéo nó ra khỏi chốn tối tăm.

Như thế tâm tình được nuôi dưỡng bởi tình yêu. Nó mở miệng hớp lấy những ước nguyện thánh thiện, nó hít thở sự chê ghét và hối hận đối với dục tình ích kỷ, và nó có được lòng khiêm nhường chân thật và sự nhẫn nhục trọn hảo, là những hoa trái của sự từ bỏ mình. Nhân đức bắt đầu đâm mầm nảy lộc, sản sinh ra những việc lành phúc đức, nhiều hay ít, tuỳ nó thực tập nhiều hay ít trong đường trọn lành, như Cha sẽ nói sau này.

Trái lại, nếu tâm tình để mình yêu mến những sự về giác quan, trí tuệ sẽ quay về phía đó, và sẽ đi tìm những sự phù vân làm lương thực nuôi dưỡng tính tự ái, nó sẽ khinh chê nhân đức và ham mê nết xấu. Từ đó, linh hồn sẽ trở nên kiêu căng và bất nhẫn. Trí nhớ thì chứa chất những hình ảnh gợi lên bởi tâm tình. Như vậy, tình yêu này làm lu mờ và thu hẹp cái nhìn của linh hồn, nó chỉ phân biệt và nhìn mọi sự dưới một ánh sáng giả tạo. Từ nay, ánh sáng mà trí tuệ nó được soi sáng, là thứ ánh sáng làm nó sai lầm về thực chất của mọi vật nó yêu mến, nghĩa là những vật ấy chỉ có vẻ thiện hảo bên ngoài.

Thiếu cái vẻ thiện hảo bề ngoài này, mọi sự phù vân sẽ không lôi cuốn được con người, vì bản tính con người là yêu mến sự thiện. Cho nên nết xấu được tô hồng, nó luôn có vẻ tốt lành cho bản thân con người. Linh hồn luôn nhìn thấy nó dưới cái mặt nạ này, và bởi vì linh hồn mù quáng, cho nên không phân biệt, không nhận ra sự thật: linh hồn đã sai lầm khi tìm kiếm sự thiện và niềm vui ở nơi không có những thứ ấy.

Cha đã nói với con, tất cả mọi thú vui thế gian và ở ngoài cha, đều là những gai nhọn tẩm thuốc độc. Như vậy, đồng một loạt, trí tuệ thì bị cái nhìn của mình làm sai lạc, ý muốn thì bị phỉnh gạt khi yêu mến những gì không nên mến yêu, còn trí nhớ thì bị lừa dối bởi các hình ảnh nó lưu trữ. Trí tuệ hành xử như một tên trộm cắp, lấy đi cái không phải của mình; trí nhớ cũng làm thế, vì nó cầm giữ luôn những sự vật ở ngoài Cha, nhân đó linh hồn mất đi sự sống của ân sủng.

Ba tài năng của linh hồn kết hợp chặt chẽ với nhau, đến nỗi khi một tài năng xúc phạm đến Cha, thì cả ba đều xúc phạm, vì tài năng này thông cho các tài năng khác sự dữ hay điều lành, tuỳ sự lựa chọn của ý chí tự do, như Cha đã nói với con. Ý chí tự do ở trong ý muốn của con người, nó đánh động ý muốn với ánh sáng, hay không với ánh sáng của lý trí. Lý trí của các con được kết hợp với Cha (bao lâu ý chí tự do không tách các con ra khỏi Cha vì một tình yêu hỗn loạn), nhưng ở trong các con lại có một luật hư đốn luôn chống lại thần trí (Xc Rm 7:23). Như vậy trong các con có hai phe: nhục dục và lý trí. Nhục dục là nữ tì, được tạo nên để phục vụ linh hồn, cũng là dịp cho con người tập luyện nhân đức, có thân xác làm dụng cụ. Linh hồn thì tự do, nó đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ Máu Con Cha. Nó không thể bị ép buộc làm điều gì, nếu nó không ưng thuận bằng ý chí quyết định cách tự do, và ý chí tự do chỉ làm một điều gì khi ý muốn đồng ý với nó. Ý chí tự do nằm giữa nhục dục và lý trí, nó có thể quay về phía này hay phía kia tuỳ thích.

Khi linh hồn dùng lý trí tự do để tập hợp tất cả các tài năng và kết hợp chúng nhân danh Cha, như Cha đã nói với con, lúc đó tất cả mọi hành động của tạo vật, dầu là hành vi trần thế, hay tinh thần, đều có trật tự tốt đẹp. Ý chí tự do gỡ mình ra khỏi nhục dục và liên kết với lý trí, khi đó Cha sẽ ở giữa họ bằng ân sủng của Cha. Đó là điều Đấng Chân Lý của Cha, Ngôi Lời nhập thể, đã khẳng định khi Ngài nói: “Khi có hai hoặc ba người tập họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18:20). Cha đã nói với con, không ai có thể đến với Cha mà không qua Ngài, bởi đó Cha đã đặt Ngài làm cây cầu ba bậc. Ba bậc này tượng trưng cho ba trạng thái của linh hồn, như Cha sẽ nói sau đây.

Nếu ba tài năng của linh hồn không kết hợp với nhau, linh hồn không có thể bền chí đi tới cùng.

  1. Cha đã giải thích cho con về ba bậc tượng trưng chung cho ba tài năng của linh hồn. Đó là ba bậc mà người ta không thể lên cách riêng lẻ, nghĩa là lên bậc này mà ko lên bậc kia, khi người ta muốn đi qua giáo lý, tức cầu Chân Lý của Cha. Nếu linh hồn không kết hợp ba tài năng lại với nhau, nó sẽ không thể bền chí tới cùng, như Cha đã nói trên, khi con hỏi Cha, có cách nào để thoát khỏi dòng sông. Cha cũng nói với con: nếu thiếu kiên tâm bền chí, không ai đạt tới đich. Có hai cái đích: nhân đức và nết xấu, cả hai đều đỏi hỏi sự kiên bền này. Nếu con muốn đạt tới sự sống, con phải kiên trì trong nhân đức; ai muốn đi tới sự chết muôn đời thì cũng phải kiên trì trong nết xấu. Như vậy, nhờ sự kiên tâm bền chí, người ta đến với Cha là sự sống, hoặc đến với ma quỷ, nó sẽ cho uống nước sự chết.

Giải thích lời Chúa Kitô: “Ai khát hãy đến với Thầy” (Ga 7:37).

  1. Tất cả các con đã được kêu gọi cách chung và cách riêng bởi Đấng Chân Lý là Con Cha, khi Ngài nồng nhiệt ước ao và kêu gọi trong đền thờ: “Ai khát hãy đến với Thầy mà uống, Thầy là mạch nước hằng sống” (Ga 7:37-38, 4:7). Ngài đã không nói: “Hãy đến với Cha Thầy mà uống”, nhưng nói: “Hãy đến với Thầy”. Bởi vì đau khổ không thể đụng tới Cha là Chúa Cha, nhưng đụng tới Con Cha. Các con cũng vậy, trong khi chúng con là khách hành hương đang trên lộ hành trần gian, các con không thể sống mà không gặp đau khổ, bởi vì tội lỗi đã làm cho trái đất sinh nhiều gai góc. Bởi vậy, Ngài nói: “Hãy đến với Thầy mà uống”.

Khi theo giáo lý của Ngài, hoặc bằng cách tuân giữ các điều răn cùng với lòng yêu mến các lời khuyên, hoặc bằng sự tuân giữ và thực hành các điều răn cùng với các lời khuyên, nghĩa là hoặc bằng đức ái hoàn hảo hay đức ái chung, bất cứ các con ở bậc nào, các con đều có thể đến với Ngài. Ngài sẽ cho các con uống, và các con sẽ nếm hoa trái của Máu Thánh, do sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người. Ở trong Ngài, các con cũng ở trong Cha là Đại Dương bình an, vì Ngài với Cha là một, Cha với Ngài là một.

Như vậy, các con được mời gọi tới mạch nước hằng sống của ân sủng, nên các con phải qua Ngài, vì Ngài đã trở thành cây cầu cho các con. Và các con phải bước đi cách bền vững, dầu gai góc, dầu gió ngược, dầu thịnh vượng hay nghịch cảnh, hay bất cứ khổ cực nào khác, cũng không làm chúng con quay lại đằng sau. Hãy vững tâm cho đến khi gặp thấy Cha, Cha sẽ ban nước hằng sống cho các con. Qua trung gian của Ngôi Lời là Tình Thương. Cha sẽ múc nước đó cho các con.

Vậy tại sao Ngài nói: “Thầy là mạch nước hằng sống”? Bởi vì Ngài là một với Cha là Đấng ban nước đó, bởi nơi Ngài có sự phối hiệp bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người. Và tại sao Ngài nói: “Hãy đến với Thầy mà uống”? Bởi vì các con không thể đi tới mà không gặp đau khổ, mà đau khổ thì không thể có ở nơi Cha, chỉ có ở nơi Ngài. Và bởi vì Cha đã làm cho Ngài trở thành cây cầu, nên không ai có thể đến với Cha mà không qua Ngài. Đó là sự thật mà chính Ngài đã công bố: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).

Bây giờ con đã nhìn thấy con đường phải đi, và phải đi cách nào, nghĩa là phải vững tâm. Nếu không, các con sẽ không được uống nước hằng sống. Chính sự vững tâm bền chí sẽ nhận được vinh quang, và nhận được vòng hoa chiến thắng ở nơi Cha, là Sự Thiện tối cao (Xc Kh 2:10).

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh