Đối Thoại Của Thánh Catarina Sienna: Chương 4. Lòng Thương Xót Của Chúa Quan Phòng P2

ĐỐI THOẠI CỦA THÁNH CATARINA SIENNA: CHƯƠNG 4. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA QUAN PHÒNG P2

Chúa quan phòng sắp xếp cho chúng ta chịu những gian truân vì ơn cứu độ của chúng ta. Vô phúc cho những kẻ cậy trông vào bản thân mình, và phúc thay những người biết cậy trông vào Chúa quan phòng.

  1. Vậy con đã thấy, nhờ sự quan phòng của Cha, Cha đã sửa chữa sự đổ vỡ của con người. Nhưng Cha đã để lại trên mặt đất này nhiều nỗi gian truân khốn khổ, để con người gặp phải sự làm loạn của vạn vật ở khắp nơi. Cha làm thế, không phải không có suy tính của sự quan phòng, nhưng vì nhu cầu và lợi ích cho các Sự khôn ngoan của Cha muốn ngăn cản không để con người đặt hy vọng vào thế gian, hầu dẫn nó chạy thẳng tới Cha là cùng đích của nó. Và Cha đã suy tính: khi luôn luôn gặp phải những chuyện đau buồn, con người sẽ biết cách nâng tâm hồn và những ước mong của nó lên cao hơn. Nhưng con người ngu muội quá, không nhận ra sự thật này, và nó quá ham mê lạc thú thế gian, cho nên nó bất chấp những gai góc và khổ đau nơi thế gian, và chẳng nghĩ gì đến quê hương trên trời.

Con rất yêu dấu của Cha, nhân đó con có thể hiểu được con người sẽ làm gì, nếu nó gặp được nơi thế gian này mọi sự như ý, và luôn được nghỉ ngơi an bình; bởi vậy Cha quan phòng đã để thế gian sản sinh ra đầy dẫy gian nan thử thách. Cha dùng những gian khổ ấy để thử thách nhân đức các tôi tớ của Cha: những đau khổ họ chịu đựng, sức mạnh họ tỏ ra khi chịu đựng, tính anh dũng của họ trong việc tự chế, đó là những điểm để Cha thưởng công họ. Như vậy, sự quan phòng của Cha đã an bài mọi sự, đã sắp đặt mọi sự với một sự khôn ngoan tuyệt vời.

Cha đã ban rất nhiều cho con người, vì Cha giàu có và Cha có thể làm như vậy mãi; Cha có thể làm như vậy mãi, vì Cha giàu có vô cùng. Mọi sự đã được Cha tạo thành, và không có Cha thì không có gì hết. Con người muốn sự tốt đẹp ư? Thì Cha là Đấng Tốt Đẹp khôn tả. Nó muốn sự tốt lành ư? Thì Cha là Đấng Tốt Lành vô cùng. Nó muốn lòng nhân ái ư? Thì Cha là Đấng Nhân Ái khôn lường; Cha khôn ngoan, Cha hiền hậu, Cha công chính, Cha tốt lành, Cha là Thiên Chúa quảng đại không hà tiện và không thiên vị ai, Cha ban dồi dào cho những ai xin Cha, Cha mở cửa ngay cho người đến gõ, Cha trả lời tất cả những ai kêu gọi. Cha không vô ơn, Cha ghi công các tôi tớ Cha, Cha vui thích thưởng công xứng đáng những người bỏ mình vì danh dự và vinh quang Cha. Cha ân cần giữ gìn những linh hồn sống theo ý Cha được luôn luôn hân hoan. Cha là Đấng Quan Phòng vĩ đại, không bao giờ thiếu gì cho các tôi tớ của Cha; Cha luôn quan tâm đến những người trông cậy Cha, về phần hồn cũng như về phần xác (Xc Rm 10:12).

Làm sao con người có thể tin rằng: Cha không chăm lo cho nó, một kẻ đã được Cha tạo thành giống hình ảnh Cha, trong khi nó thấy Cha nuôi dưỡng con mọt trong gỗ khô, Cha ban lương thực cho các thú vật ngoài đồng, cho cá dưới biển, cho chim trời, cho mọi sinh vật trên mặt đất này? Cha làm cho mặt trời dãi ánh sáng trên các loài thảo mộc, Cha rắc sương xuống để chúng sinh mầm nảy lộc. Cha đã không tạo thành mọi sự để cho con người sử dụng đó sao? Lòng tốt của Cha đã không sáng tạo nên một vật gì, mà không nghĩ đến con người. Nó quay mặt nhìn về phía nào, dầu về đường tinh thần hay về đường thể chất, nó cũng chỉ thấy vực thẳm tình thương của Cha, một tình thương phục vụ bằng sự quan phòng vĩ đại và dịu hiền của Cha.

Nhưng con người không nhìn thấy, vì nó đã mất ánh sáng, hay là nó không muốn nhìn. Bởi vậy, nó vấp phạm khi gặp thử thách, nó thu hẹp lòng bác ái đối với tha nhân. Nó trở thành hà tiện, nó lo nghĩ về ngày mai, y như thể Đấng Chân Lý của Cha đã không khuyên nó, khi Ngài dạy rằng: “Anh em đừng lo nghĩ về ngày mai, ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Ngài đã trách các con thiếu niềm tin, bằng cách bày ra trước mắt các con sự quan phòng của Cha, và tính phù du của thế gian. Ngài bảo anh em đừng lo nghĩ về ngày mai, là Ngài muốn nói: anh em đừng lo âu về những gì anh em không chắc sẽ xảy ra, hôm nay mà có đủ là được rồi. Ngài dạy các con trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời, nghĩa là hãy xin một cuộc sống tốt lành và thánh thiện. Còn những thứ lặt vặt kia, Cha là Cha các con ở trên Trời, Cha biết các con cần và thiếu những gì, nên Cha đã tạo thành mọi sự vật đó vì các con: chính vì các con mà Cha đã truyền cho trái đất sinh hoa quả cho các con (Xc Mt 6:31-33; Lc 12:29-31).

Vậy, kẻ vô phúc kia đã không đọc lời dạy của Ngôi Lời, Đấng Chân Lý của Cha, cho nên vì thiếu tin tưởng nó đã khép kín tâm hồn lại, và chỉ mở nửa bàn tay để cứu giúp tha nhân. Rồi đây, nó sẽ bất mãn với chính bản thân nó. Nó tin cậy vào bản thân, và không cậy trông vào Cha; đó là nguồn mạch mọi tai ương. Bởi vậy, nó tự đặt mình làm thẩm phán để xét đoán ý muốn của kẻ khác, mà không biết sự xét đoán như thế không thuộc thẩm quyền của nó; chỉ mình Cha có quyền xét đoán thôi. Còn ý muốn của Cha thì nó không hiểu và phán đoán cách thiển cận, trừ khi Cha đem đến cho nó một vài sự may mắn, một vài điều như ý, hay một vài vui thú thế gian. Nếu nó không gặp được gì đến với nó ở phía này, nơi nó đặt tất cả trái tim và mong ước, thì nó nghĩ ngay sự quan phòng của Cha không làm gì cho nó cả, nó tưởng nó không nhận được ân huệ nào hết từ lòng nhân hậu của Cha, nó nghĩ nó thiếu mọi sự, mọi sự đã bỏ rơi nó. Thật nó đã trở nên mù quáng vì đam mê, nên không thấy cả một kho báu ngay trong lúc khốn quẫn này. Nó không biết gì hết về hoa trái của đức kiên nhẫn. Nó đi đến chỗ chết, và ngay ở đời này, nó đã nếm trước mùi hoả ngục.

Dầu vậy, vì lòng nhân hậu, Cha vẫn không ngừng cung cấp cho nó mọi nhu cầu. Cha truyền trái đất sinh hoa trái cho kẻ tội lỗi cũng như cho người công chính. Cha khiến mặt trời sưởi ấm và cho sương sa đổ trên cánh đồng của nó, cũng như trên cánh đồng của người công chính. Đôi khi kẻ tội lỗi còn nhận được cách dồi dào hơn người công chính (Xc Mt 5:45).

Lòng nhân hậu của Cha đã an bài, để đổ xuống nhiều của cải thiêng liêng cách rộng rãi hơn trong linh hồn người công chính, là những kẻ vì lòng yêu mến Cha đã từ bỏ của cải thế gian, từ bỏ mọi thú vui và ý riêng mình. Đó là những kẻ làm cho linh hồn mình nên giàu có, và mở rộng tâm hồn cách quảng đại trong vực thẳm tình thương của Cha, họ sẽ giũ hết mọi lo lắng cho bản thân, đến nỗi không những không còn bận tâm đến của cải thế gian, mà ngay cả bản thân họ nữa. Khi đó, chính tay Cha sẽ quan phòng mọi công việc thiêng liêng và trần thế cho họ. Ngoài sự quan phòng thông thường ra, Cha còn có sự quan phòng đặc biệt cho họ. Chúa Thánh Thần đầy lòng khoan dung đến phục vụ họ, và có thể nói sẽ trở thành tôi tớ của họ.

Chắc chắn con đã đọc tiểu sử các thánh tu rừng, có một vị đã từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính mình vì danh dự và vinh quang của Cha. Khi ông lâm bệnh, lòng nhân từ của Cha săn sóc ông: Cha đã sai một thiên thần đến nâng đỡ ông mỗi ngày và lo mọi sự cho ông. Thân xác ông đã được chăm sóc khi đau yếu, còn linh hồn ông thì ở trong một niềm hoan lạc khôn tả, vì được hưởng sự giao tiếp với các thiên thần.

Trong những cảnh huống như thế, Chúa Thánh Thần là bà mẹ hiền của con người. Ngài sẽ nuôi dưỡng nó nơi lòng yêu thương không bờ bến. Ngài làm cho nó được tự do, trở thành ông hoàng, bằng cách giải thoát nó khỏi cảnh nô lệ của tính tự ái. Ở đâu có lửa đức ái thần linh bốc cháy, ở đó không còn thứ nước của tính tự ái, thường làm tắt lửa đó trong linh hồn. Chúa Thánh Thần, người đầy tớ, mà quyền năng của Cha đã ban cho nó, sẽ lo áo mặc và cơm ăn cho nó, làm nó say sưa sự ngọt ngào, và ban cho nó nhiều của cải vô giá. Nó có được tất cả, là vì nó đã từ bỏ tất cả. Nó đã cởi bỏ bản thân và đã mặc lấy Cha. Vì khiêm nhường, nó hạ mình làm tôi tớ trong mọi sự, thì nay nó trở thành ông hoàng, làm chủ thế gian và làm chủ chính mình nó. Nó đã kể như trở nên mù loà, khi từ bỏ những cái nhìn theo ý nó, thì nay nó được hưởng ánh sáng tinh trong nhất. Vì đã không cậy trông vào mình, nên nó đã được triều thiên của đức tin sống động và đức trông cậy vững vàng. Nó được nếm sự ngọt ngào của sự sống vĩnh cửu, được giải thoát khỏi mọi đau khổ, nghĩa là những đau khổ của nó không còn làm cho nó phải đau đớn phiền muộn. Nó phán đoán mọi sự theo đàng lành, bởi vì trong mọi sự nó nhìn vào Thánh ý Cha; dưới ánh sáng đức tin, nó biết Cha không muốn sự gì khác ngoài sự nên thánh của nó. Bởi vậy, sự nhẫn nại của nó không bao giờ vơi cạn.

Ôi, linh hồn hạnh phúc dường nào, tuy còn ở trong thân xác phải chết, mà đã được thưởng nếm sự ngọt ngào của hạnh phúc muôn đời! Nó lãnh nhận mọi sự với niềm cung kính: bàn tay trái của nó không nặng hơn bàn tay phải. Gian truân hay an ủi, đói hay no, khát hay giải khát, nóng hay lạnh, trần truồng hay có mặc, sống hay chết, vinh dự hay nhục nhã, âu sầu hay an ủi, nó chấp nhận tất cả; nó đón nhận tất cả với sự bình tĩnh. Không gì làm nó ủ rũ, không gì làm nó rối trí, không gì làm nó nao núng. Nó vững như đá tảng: với ánh sáng đức tin và với một niềm cậy trông bền vững, nó biết mọi sự xảy đến đều do Cha an bài với tình thương, và chỉ vì ơn cứu độ cho con người. Nó biết sự quan phòng của Cha định liệu mọi sự; trong những cơn thử thách nặng nề, Cha ban cho linh hồn một sức mạnh đủ để đối phó. Không bao giờ Cha đặt cho nó một gánh nặng mà nó không thể vác, miễn là nó sẵn sàng chấp nhận vì lòng yêu mến Cha. Máu của Con Cha đã chứng minh rõ rằng Cha không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng Cha muốn nó hối cải và được sống (Xc Ez 33:11).

Chính vì muốn nó được sống, Cha đã gửi đến cho nó tất cả những sự xảy ra. Chân lý này luôn ở trước mặt một linh hồn đã từ bỏ mình, thế nên nó an vui trong tất cả những gì nó nhìn thấy hay cảm nhận, nơi bản thân nó cũng như nơi tha nhân. Nó không bao giờ sợ thiếu thốn dù là điều nhỏ mọn, vì đức tin đã cho nó thấy sự quan phòng của Cha trong những việc lớn và trong những khi gặp khó khăn. Ôi, Ánh sáng đức tin tốt lành dường nào, vì nhờ ánh sáng này người ta hiểu được Đấng Chân Lý của Cha, đó là Ánh Sáng đến với các con nhờ Chúa Thánh Thần. Là Ánh Sáng siêu nhiên mà linh hồn đạt được nhờ lòng nhân hậu của Cha, bằng cách sử dụng ánh sáng tự nhiên cũng do Cha ban trước đó.

Thiên Chúa quan phòng ban bí tích Thánh Thể cho loài người. Ngài lo liệu cho các đầy tớ khát khao nhiệm tích này được rước Mình Thánh Chúa Kitô. Nhiều lần, bằng một sự can thiệp lạ lùng, Ngài liệu cho linh hồn ước ao rước Mình Thánh Chúa cách tha thiết được như ý.

  1. Con rất yêu dấu của Cha, con biết không, Cha có hai cách lo liệu những nhu cầu cho các tôi tớ Cha, những kẻ cậy trông vào Sự quan phòng của Cha đối với các thụ tạo có lý trí của Cha, cùng tác động trên linh hồn và trên thân xác họ; và tất cả mọi sự an bài của Cha đối với thân xác họ, đều quy hướng về lợi ích cho linh hồn, có mục đích giúp linh hồn đi sâu thêm mãi vào ánh sáng đức tin, gia tăng niềm cậy trông vào Cha và mỗi ngày gạt bỏ được sự cậy trông ở bản thân. Như thế, họ sẽ thấy và nhận ra: chỉ mình Cha là Đấng Hiện Hữu, là Đấng có thể, là Đấng muốn và biết cách lo liệu cho mọi nhu cầu và ơn cứu độ của họ.

Về sự sống của linh hồn, Cha đã ban cho các bí tích của Hội Thánh. Đó là lương thực của linh hồn. Không phải tấm bánh vật chất là thứ lương thực thô thiển và chỉ phù hợp cho thể chất, bởi vì linh hồn thì phi vật chất, vô hình, cho nên nó cần một thứ lương thực phi vật chất, tức Lời của Cha. Nó phải sống bằng Lời của Cha, như Đấng Chân Lý dịu hiền đã nói trong Phúc Âm: “Con người không chỉ sống bằng bánh, nhưng bằng mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Vậy tự đáy lòng nó phải tuân theo Giáo lý của Ngôi Lời nhập thể của Cha, Đấng dùng thần lực của Máu Ngài mà ban sự sống cho nó trong các Bí tích. Các Bí tích này thiêng liêng và ban phát cho linh hồn, tuy phải qua trung gian thể xác. Sự sống ân sủng không được ban, nếu linh hồn không nhận lãnh với niềm ước ao chân thật và thánh thiện, mà niềm ước ao này ở tại linh hồn chứ không ở thân xác. Bởi thế, các Bí tích thì thiêng liêng, nên chỉ ban phát cho linh hồn vì nó phi thể chất, cho dù cách phân phát, như lễ nghi, do thân xác thực hiện. Chính niềm ước ao của linh hồn nhận lãnh hiệu quả.

Để gia tăng sự khao khát, tức niềm ước ao thánh thiện này của linh hồn, đôi khi được Cha giục lòng nó niềm khát khao này, nhưng lại không cho nó được thoả mãn ngay. Sự hẫng hụt càng làm cho sự ước ao của nó thêm tha thiết và xao xuyến, nhưng dạy nó biết mình hơn, khiêm nhường nhận mình không xứng đáng. Khi đó, chính Cha làm cho nó trở nên xứng đáng bằng nhiều cách khác nhau theo sự quan phòng thần linh, hầu lo cho nó được như ý. Chắc con biết điều này vì đã nghe kể lại, và vì chính con đã cảm nhận, nếu con chưa quên. Chúa Thánh Thần nhân từ mà lòng nhân hậu Cha đã ban cho nó để thể hiện điều nó ước ao, bằng cách đánh động một linh mục. Do ý định quan phòng đầy thân thương của Cha, Chúa Thánh Thần thúc đẩy lương tâm vị linh mục ấy. Sự thúc đẩy nội tâm buộc vị linh mục làm giảm cơn đói của linh hồn, và làm nó được thoả mãn điều khao khát. Đôi khi, Cha để nó chờ đợi đến phút cuối cùng và khi không còn hy vọng gì nữa, thì chính là lúc Cha ban cho nó điều nó ước mong.

Cha không có thể thoả mãn nó ngay từ đầu, mà còn bắt nó phải chờ đợi sao? Đúng, Cha có thể lắm, nhưng Cha đã trì hoãn để thêm ánh sáng đức tin cho nó, và tập cho nó đừng bao giờ thôi cậy trông vào lòng nhân hậu của Cha, đồng thời Cha làm cho nó trở nên khôn ngoan hơn, tập cho nó đừng bao giờ trở lui, đừng bao giờ giảm bớt cường độ niềm ước ao.

Chắc con còn nhớ linh hồn này đã tới nhà thờ, với lòng khao khát lớn lao được rước Mình Thánh Chúa Kitô. Lúc ấy, vị linh mục bước lên bàn thờ: linh hồn ấy xin ông banMình Thánh Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật. Nhưng ông trả lời ông không ban Mình Thánh Chúa cho nó được. Sự than van và lòng nhiệt thành của linh hồn đó càng gia tăng. Vị linh mục cảm thấy bối rối lương tâm: vào lúc dâng Chén thánh, ông thấy sự cắn rứt quá mạnh làm ông phải nói với cậu giúp lễ: “Hãy hỏi chị ấy còn muốn giúp lễ, cha sẽ cho”. Chính Chúa Thánh Thần mà sự quan phòng của Cha đặt làm người phục vụ linh hồn đó, đã tác động trong tâm trí vị linh mục, ép buộc ông làm thoả mãn lòng khao khát của linh hồn đó. (chú thích: ngày xưa không có lệ ban Mình Thánh Chúa cho giáo dân hằng ngày).

Sự từ chối của vị linh mục đã sinh ích biết bao cho linh hồn! Cái gì trước đấy chỉ là một tàn lửa của đức tin và đức mến, đã trở thành một khối lửa, và niềm ước ao đã thiêu đốt trái tim nó đến nỗi nó tưởng như sự sống muốn rời khỏi thân xác nó. Cha đã cho phép có sự trì hoãn này để tiêu huỷ tính tự ái, mọi sự nghi nan, mọi cậy trông còn rơi rớt nơi bản thân. Sự quan phòng của Cha đã dùng đến sự tiếp tay của một thụ tạo, để thực hiện ý định của Cha. Nhưng trong nhiều trường hợp, người phục vụ tốt lành là Chúa Thánh Thần, Ngài hành động một mình, không qua trung gian nào hết, như đã xảy ra cho nhiều người, và như các tôi tớ Cha vẫn nghiệm thấy hằng ngày. Cha chỉ nhắc cho con nhớ hai sự việc lạ lùng trong số nhiều trường hợp, để củng cố niềm tin của con và để con gắn bó hơn với ơn quan phòng của Cha.

Chắc con còn nhớ, vì đã được chính linh hồn ấy nói cho con: hôm đó nhằm lễ kính tông đồ Phaolô trở lại, trong nhà thờ một linh hồn rất ước ao lãnh Bí tích cực thánh này, tức Bánh Hằng Sống, Bánh nuôi các thiên thần đã được ban cho loài người. Linh hồn đó đã xin hầu hết các linh mục tới cử hành Thánh Lễ hôm ấy, nhưng do một sự quan phòng của Cha, tất cả các linh mục đều từ chối. Nhân đó, Cha muốn dạy cho nó biết điều này, nếu người ta xua đuổi nó, thì Cha, Đấng Tạo Hoá, vẫn trung thành với nó. Để nó thấy điều ấy, Cha đã dùng một giải pháp êm đẹp, để giúp nó thêm say đắm yêu mến ơn quan phòng của Cha.

Thánh Lễ sau cùng sắp được cử hành: linh hồn ấy nhắc cho người giúp lễ biết nó ước ao rước lễ, nhưng người này không báo cho linh mục. Vì thấy mình không bị từ chối, nên nó kiên nhẫn chờ đợi giây phút được rước lễ. Thánh Lễ đã xong, và nó thấy mình hụt mất điều nó xin, nên nó càng cảm thấy khao khát Bánh hằng sống. Niềm ước ao của nó nồng cháy, đến nỗi nó không biết làm cách nào để cầm mình, đồng thời đức khiêm nhường của nó lại bảo nó không xứng đáng. Nó tự trách mình đã liều lĩnh, dám ước ao kết hợp với Mầu nhiệm rất cao cả này.

Khi đó, Cha là Đấng nâng kẻ khiêm nhường lên và là Thiên Chúa hằng hữu, Cha đã kéo nó lại với Cha và cho nó nhìn ngắm vực thẳm của Ba Ngôi chí thánh. Cha soi sáng cho mắt trí tuệ nó thấy quyền năng của Chúa Cha, sự khôn ngoan của Chúa Con và sự êm ái của Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi khác nhau trong sự hiệp nhất cùng một bản tính. Linh hồn đó đã kết hợp mật thiết với bản tính Thiên Chúa, đến nỗi thân xác nó được nâng lên khỏi mặt đất; trong trạng thái ấy, linh hồn kết hợp với Cha bằng tình mến yêu, chặt chẽ hơn là kết hợp với thân xác. Chính trong vực thẳm đó, để thoả mãn niềm ước ao của linh hồn, Cha đã cho nó được rước lễ. Và để chứng tỏ tính hiện thực của ân sủng này, trong nhiều ngày nó cảm thấy một sự lạ lùng, là nơi các giác quan của nó vẫn còn hương vị của Mình và Máu Chúa Kitô chịu đóng đinh, Con Một Cha. Linh hồn đó đã được hoàn toàn đổi mới, và được đầy sức mạnh nhờ ánh sáng ơn quan phòng của Cha, mà nó được cảm nhận cách êm ái qua sự kiện này. Thế gian không biết gì về ơn trọng đại này, chỉ mình linh hồn đó hiểu biết được cách tỏ tường và thâm sâu.

Còn về sự kiện thứ hai, chứng nhân là linh mục làm diễn viên của biến cố: ông đã tận mắt nhìn thấy mọi sự. Linh hồn đó rất ước ao tham dự Thánh Lễ và rước lễ, nhưng vì đau yếu nó chậm trễ, không tới nhà thờ đúng giờ. Khi tới nơi, linh mục đang đọc lời truyền phép, Thánh Lễ được cử hành gần bàn thờ chính, ở phía đầu kia nhà thờ, còn nó ở đầu kia, vì đức vâng lời không cho phép nó tiến gần hơn về phía trước, nó quỳ đó. Nó than thở rằng: “Hỡi linh hồn khốn nạn, mi không thấy những ân sủng Chúa ban cho mi sao? Mi được vào đền thánh của Chúa, được nhìn xem linh mục cử hành Thánh Lễ, trong khi mi đáng phải ở trong hoả ngục vì tội lỗi mi!” Nhưng những suy nghĩ này không làm nó giảm bớt niềm khao khát; trái lại, nó hạ mình xuống thung lũng đức khiêm nhường, thì niềm khao khát của nó càng gia tăng. Ân sủng của Cha làm nó càng đi sâu vào sự nhận biết lòng nhân hậu của Cha, nhờ đức tin và đức cậy, nó tin tưởng Chúa Thánh Thần sẽ thoả mãn sự đói khát của nó.

Chính lúc ấy, Cha đã ban cho nó điều nó ước ao, bằng một cách mà nó không thể toan tính và không dám xin. Trước giờ rước lễ, vào lúc vị linh mục bẻ Bánh thánh ra, một phần Bánh thánh đã rời khỏi bàn thờ do một tác động của quyền năng của Cha, và bay tới tận đầu kia, nơi linh hồn đang cầu nguyện, và nó đã được rước lễ. Ban đầu, nó nghĩ chỉ được rước lễ cách thiêng liêng và không có gì xảy ra ở bên ngoài; trong lòng mến yêu nồng nàn, nó biết một lần nữa Cha đã thoả mãn niềm ước ao của nó cách bí nhiệm, như đã xảy ra nhiều lần.

Nhưng vị linh mục không hay biết điều đó. Ông thấy mất một phần Bánh thánh, ông hết sức bối rối, cho tới khi Chúa Thánh Thần tỏ cho ông biết sự gì đã xảy ra. Sự lo lắng của ông đã được đánh tan khi có lời xác nhận của người đã lãnh nhận phần Bánh thánh đó.

Cha không thể chữa lành bệnh tật của nó, để nó có thể tới nhà thờ đúng giờ, và nhận lãnh nhiệm tích từ tay linh mục sao? Chắc chắn Cha có thể, nhưng Cha muốn chứng minh cho linh hồn đó thấy bằng kinh nghiệm này, có hoặc không có trung gian của một thụ tạo, bất cứ ở tình trạng nào và bất cứ thời gian nào. Cha cũng có thể, Cha biết và Cha muốn thoả mãn ước nguyện của nó, còn quá ước nguyện của nó, bằng cách lạ lùng hơn nữa.

Con rất yêu dấu của Cha, như thế đã đủ để con hiểu sự xếp đặt của sự Cha quan phòng đối với những linh hồn đói khát bí tích dịu hiền này. Lòng nhân hậu của Cha cũng xử như thế đối với tất cả các tôi tớ Cha, tuỳ theo nhu cầu của họ.

Bây giờ, Cha muốn nói với con về một chi tiết khác, để con hiểu cách xử sự quan phòng của Cha trong thâm sâu linh hồn, không qua trung gian của thân xác hay của một tác nhân nào. Cha đã nói sơ qua về vấn đề này với con, khi nói về trạng thái của linh hồn, nhưng Cha thấy cần trở lại vấn đề này.

Về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những kẻ đang mắc tội trọng.

  1. Linh hồn hoặc ở trong tình trạng tội trọng, hoặc ở trong tình trạng ân sủng. Về tình trạng thứ hai này, linh hồn có thể còn bất toàn, hoặc đã tới bậc hoàn thiện. Trong cả hai trạng thái này, linh hồn là đối tượng của sự quan phòng của Cha, Cha đối xử cách rộng rãi với nó, nhưng phương cách do sự khôn ngoan vô cùng của Cha lựa chọn thì khác nhau, cũng như những nhu cầu của mỗi linh hồn không như

Còn những người theo thói thế gian, đắm chìm trong tối tăm của tội trọng, thì sự quan phòng của Cha tìm cách cảnh tỉnh chúng bằng mũi nhọn của lương tâm. Cha làm xáo trộn chúng không ngừng, dưới mọi hình thức và nhiều cách khác nhau không kể xiết, để chúng phải cảm thấy vết thương đau ở tận đáy lòng chúng. Cha không để cho chúng thoát khỏi sự xáo trộn phiền nhiễu này, và sự đau đớn chúng cảm thấy thường khi nhức nhối, đến độ chúng không chịu nổi được mà phải bỏ đường tội lỗi.

Đôi khi người ta hái được bông hồng từ bụi gai. Cũng vậy, khi Cha thấy lòng con người hướng về tội trọng, vì đã để mình mắc phải tình yêu một tạo vật ngoài ý muốn của Cha, thì Cha liệu sao cho nó không có thời giờ và nơi chốn để thực hiện ý định xấu xa ấy. Trái tim nó chán nản và bị giày vò trước những chướng ngại mà nó không thể vượt qua được. Nó hồi tâm, nó nghe tiếng trách móc của lương tâm, nó hiểu nó tự làm khổ mình vì tội lỗi. Nó hối hận vì Cha đuổi cho xa thứ tình yêu điên rồ của nó. Bởi vì chẳng phải là điên rồ sao, khi đặt tâm tình của mình vào một sự vật mà sau này, khi mở mắt ra, sẽ thấy đó là hư vô? Tất nhiên, tạo vật mà nó yêu bằng tình yêu bất chính đó, là một sự tốt lành, là một cái gì đó; nhưng cái mà nó trông đợi ở tạo vật ấy lại chỉ là không, vì tội lỗi là sự thiếu ân sủng, cũng như sự mù loà là thiếu thị giác.

Như vậy, từ tội lỗi mà người ta có thể coi là một cái gai, vì nó xâu xé cách dữ tợn, Cha đã rút ra được một bông hồng, là làm nảy sinh một phương cách cho ơn cứu độ. Ai đã thúc đẩy Cha làm như thế? Chắc chắn không phải kẻ có tội, vì nó không tìm kiếm Cha, không xin Cha trợ giúp, không kêu cầu ơn quan phòng của Cha, trừ khi để giúp cho những ý định tội lỗi của nó, để nó được rảnh rang hưởng các thú vui, hưởng giàu sang và danh vọng thế gian. Vậy, ai đã thúc đẩy Cha làm như thế? Đó là tình thương của Cha, bởi vì Cha đã thương yêu các con, ngay từ khi chưa có các con, và dầu các con không yêu mến Cha, Cha vẫn yêu thương các con cách tha thiết. Đúng vậy, đó là sức mạnh đã thúc đẩy Cha, và cũng là những lời cầu nguyện của những kẻ phục vụ Cha. Do ân sủng của Chúa Thánh Thần, để tôn vinh danh Cha và cứu vớt các linh hồn, họ cầu xin ơn trở lại của anh em mình. Họ cố gắng làm giảm cơn thịnh nộ của Cha, trói bàn tay công thẳng của Cha, không ngừng bị khiêu khích bởi tội lỗi của chúng, để Cha đừng đánh phạt chúng, như chúng đáng phải chịu. Như vậy, các tôi tớ Cha làm áp lực Cha bằng nước mắt, bằng những lời cầu xin khiêm nhường và liên lỉ. Nhưng ai đã thúc giục họ kêu xin Cha như thế? Đó là sự quan phòng của Cha, vì Cha luôn quan tâm đến những nhu yếu của những kẻ chết vì tội lỗi. Bởi có lời chép rằng: “Ta không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó hối cải và được sống” (Ez 33:11).

Con rất yêu dấu của Cha, con hãy hết lòng với sự quan phòng của Cha. Con hãy mở mắt tâm trí và mắt thân xác của con, con sẽ thấy những kẻ tội lỗi chìm đắm trong sự khốn nạn kinh tởm! Chúng đã mất ánh sáng của Cha, với sự hư đốn trong linh hồn, chúng là những con người của tối tăm, chúng ca hát và vui cười phí phạm thời giờ trong sự phù phiếm, trong những thú vui trác táng. Ăn uống, vui chơi, đó là tất cả cuộc đời của chúng: thiên chúa chúng thờ là cái bụng (Xc Pl 3:19). Ngoài ra, chúng sống trong hận thù, oán ghét, kiêu căng và trăm ngàn nết xấu khác. Mà chúng không ý thức về số phận đang chờ sẵn chúng! Chúng đang đi trên con đường dốc dẫn thẳng tới sự chết muôn đời, nếu chúng không ăn năn hối cải! Chúng vẫn cứ ca hát trên con đường dốc đó!

Người ta có thể tưởng tượng được một kẻ bị án tử hình, vừa lên đoạn đầu đài vừa ca hát nhảy múa hoan hỷ không? Nếu kẻ đó không phải là điên khùng. Đúng vậy, và đấy là sự điên rồ của những kẻ khốn nạn này. Sự điên rồ của chúng không gì so sánh được, bởi vì sự mất linh hồn thì vô cùng tai hại, hơn là sự chết về phần xác. Chúng mất ân sủng, chết về phần linh hồn, còn những người kia chỉ chết về phần xác. Với án phạt đời đời, chúng chịu một hình khổ vô cùng, còn những người kia chỉ chịu một hình khổ hữu cùng. Vậy mà, chúng còn ca hát! Ôi chao, chúng mù quáng, chúng điên rồ biết chừng nào!

Trong khi đó, các tôi tớ của Cha khóc lóc, chịu đau đớn trên thân xác, chịu đau khổ trong tâm hồn. Họ thức đêm, cầu nguyện liên lỉ, than thở, kêu van, phạt xác, họ chấp nhận mọi sự, chịu đựng mọi sự vì ơn cứu độ cho những kẻ tội lỗi kia. Còn chúng thì chế nhạo họ, nhưng các lời chế nhạo đó sẽ đổ trên đầu chúng. Hình phạt là phần dành cho kẻ tội lỗi, còn những lao nhọc kẻ lành phải chịu vì lòng yêu mến Cha, sẽ trở thành phần thưởng và hoan lạc dành cho các kẻ đáng được ơn đó. Bởi vì, Cha là Thiên Chúa công minh, Cha theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người (Xc Tv 62:12).

Các tôi tớ Cha không để mình nản lòng vì những chế nhạo, những bách hại và sự vô ơn bất nghĩa của các kẻ khốn nạn đó: họ còn cầu nguyện cho chúng cách sốt sắng và nhiệt tình hơn. Ai thúc giục họ gõ cửa lòng thương xót của Cha như thế? Vẫn là ơn quan phòng của Cha, luôn quan tâm đến ơn cứu độ của chúng, cùng để gia tăng nhân đức và lửa mến trong linh hồn các tôi tớ Cha. Thật là vô vàn cách thế Cha đã dùng, để lôi kéo các linh hồn ra khỏi ngục tù tội trọng!

Đến đây, Cha sẽ nói với con một cách ngắn gọn về cách cư xử của ơn quan phòng thần linh, đối với những người đã thoát khỏi vòng tội lỗi, nhưng còn ở trong tình trạng bất toàn.

Sự quan phòng của Thiên Chúa, đối với những người còn ở trong lòng mến bất toàn.

  1. Con rất yêu dấu của Cha, con có biết Cha dùng cách nào để đưa linh hồn bất toàn ra khỏi tình trạng của nó không? Đôi khi Cha bỏ mặc nó, cho trăm ngàn thứ tư tưởng ám ảnh nó một cách hỗn loạn, và để tâm trí nó ra khô Khi ấy nó tưởng như Cha đã hoàn toàn bỏ rơi nó, và nó không thiết tha sự gì nữa: không thiết tha với thế gian, vì sự thật nó không còn có gì thuộc thế gian; nó cũng không thiết tha với Cha, vì nó như không cảm thấy gì hết, ngoại trừ ý chí nó còn cương quyết không xúc phạm đến Cha. Cái cửa này của ý chí tự do, Cha không cho phép kẻ thù của nó mở ra. Cha cho phép ma quỷ và quân thù phá các cửa khác, nhưng không cho phép phá được cửa này, đó là cửa chính mà số phận của thành trì linh hồn còn lệ thuộc. Ý chí tự do được trao cho việc canh giữ cửa này. Cha đã cho nó quyền tự do, nó có thể trả lời thuận hay không thuận, là tuỳ ý nó.

Thành trì này có nhiều cửa, nhưng có ba cửa quan trọng hơn các cửa khác. Cửa chính là cửa Cha vừa nói tới, tức ý chí, nó là cửa không thể đánh chiếm được, trừ khi nó ưng thuận tự nạp mình. Cửa này bảo vệ hai cửa khác là trí nhớ và trí tuệ. Nếu ý chí thuận mở cửa cho kẻ thù, thì tính tự ái sẽ xông vào trong thành, cùng với tất cả đoàn quân thù địch đi theo. Khi đó, trí tuệ sẽ bị xâm chiếm bởi sự tối tăm, kẻ thù của ánh sáng; trí nhớ thì bị chiếm đóng bởi hận thù với oán hận, được gợi lên bởi nhớ lại những sỉ nhục và căm giận, là những tâm tình nghịch với đức bác ái, nghịch với tình yêu thương tha nhân. Nó lập tức bị bao vây bởi nhớ lại hàng trăm ngàn lạc thú thế gian, vừa nhiều vừa đa dạng như những tội lỗi, kẻ thù của các nhân đức.

Một khi ba cửa này đã mở ra cho quân địch, thì tất cả mọi lối ra vào khác đều bị phá tung: đó là những giác quan vốn là dụng cụ cho các quan năng của linh hồn. Tâm tình hỗn loạn của con người đã mở rộng các cửa, nay nó giao thông liên lạc với các cơ quan của thân xác; như vậy, các cơ quan này bị nhiễm độc bởi sự thối nát của lòng muốn, thì các việc làm của chúng đều dơ bẩn hư thối. Con mắt ban tặng và gieo rắc sự chết, vì từ nay nó chỉ thích nhìn ngắm những sự vật mang lại sự chết, với những cái nhìn lẳng lơ, những cái liếc khiêu gợi, mất nết và nhẹ dạ. Thế nên, con người là nguyên nhân sự chết cho bản thân mình và cho người khác. Ôi, kẻ vô phúc! Ta đã ban cho ngươi tất cả những sự vật đó, để ngươi đưa mắt lên trời, ngắm nhìn vẻ đẹp của các vật thụ tạo của Ta, để hướng lòng ngươi về với Ta, hầu chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhiệm mầu của Ta, nhưng ngươi thích nhìn xuống chỗ thấp hèn, cặp mắt ngươi ưa nhìn những sự dơ dáy, để chuốc lấy sự chết muôn đời!

Tai ngươi cũng chỉ thích nghe những điều tục tĩu, để ý thâu lấy những lời dèm pha tha nhân để xét đoán một cách nông nổi và bất công. Sao ngươi không để tai nghe lời ta và nghe tin về những nhu cầu của tha nhân? Ta đã cho ngươi có tai để làm việc đó.

Lưỡi đã được ban cho con người để loan báo Lời của Cha và để thú nhận tội lỗi mình, cũng như để cộng tác vào việc cứu vớt các linh hồn. Ngược lại, nó đã dùng lưỡi để nói xúc phạm đến Cha là Đấng tạo thành nó, và làm hư tha nhân. Thật thế, cái lưỡi con người đã xé nát danh thơm tiếng tốt của tha nhân, chỉ trích tha nhân, vu khống tha nhân bằng cách dèm pha những công việc tốt, cùng phao tin những điều xấu của tha nhân. Thề bồi, chứng gian, lời nói dâm dật, đều là những việc xấu xa của cái lưỡi, làm ô nhiễm toàn thân nó và đốt cháy bánh xe cuộc đời của người khác. Cũng cái lưỡi phóng ra những lời nhục mạ, như lưỡi dao găm chọc thủng trái tim tha nhân, khiêu khích tha nhân phải giận dữ. Biết bao tội ác, sát nhân, dâm ô, tranh cãi, oán ghét, đủ thứ tội đã bởi cái lưỡi mà ra! Nó là cả một thế giới của sự ác! ( Xc Gc 3:6).

Khứu giác cũng phạm tội, do sự đánh hơi của cái mũi đi tìm sự khoái lạc cảm giác. Còn vị giác với sự thèm muốn không bao giờ thoả mãn, nó thèm khát những món cao lương mĩ vị, những món ăn thứ lạ, như thể nó sinh ra để ăn, cho khoái cái miệng sướng cái bụng! Linh hồn đáng thương này không biết, nó đã mở cửa cho mọi thứ lạm dụng, sự vô độ trong ăn uống sẽ huỷ hoại thân xác yếu hèn của nó bằng thứ lửa tình dục, có nguy cơ làm nó phải tiêu vong.

Đến lượt hai bàn tay cũng tìm cái thú trong việc lấy cắp tài sản của tha nhân, nó lấy làm thoả mãn trong những hành vi đáng xấu hổ và bẩn thỉu này; trong khi Cha ban hai bàn tay cho con người, là để phục vụ tha nhân trong cơn bệnh hoạn, là để phân phát của cứu trợ cho những người túng thiếu. Hai chân cũng được ban cho nó để mang lấy thân xác, để đưa con người từ nơi này sang nơi kia, nơi mà nó được gọi đến vì lợi ích của nó hay của tha nhân, hoặc để làm rạng rỡ Thánh danh Cha. Nhưng hai chân nó chỉ được dùng để chạy đến những nơi hư hỏng, những dịp tội, những cuộc trò chuyện lả lơi và truỵ lạc, đưa bản thân nó và người khác tới tội lỗi, theo như ước muốn xấu xa của nó.

Con rất yêu dấu của Cha, Cha đã nói với con những điều này, để con khóc thương cảnh tan hoang của thành trì linh hồn, và để con thấy không biết bao nhiêu tai ương ùa vào linh hồn, qua cửa chính là ý chí. Phần Cha, Cha không cho phép một kẻ thù nào của nó bước qua ngưỡng cửa này, mặc dầu Cha cho phép chúng đánh phá các cửa khác, như Cha đã nói với con. Thật vậy, đôi khi Cha cho phép trí tuệ bị chiếm đóng bởi sự tối tăm của tâm trí; đôi khi, trí nhớ không còn hồi tưởng đến Cha. Nhiều khi khác, như có một sự dấy loạn ngay trong các giác quan của con người, như khi nhìn xem, đụng chạm, cũng làm nó sinh bối rối, như thể mọi sự đều có thể gây ra cho nó những xúc động xấu xa và hư hỏng. Nhưng không gì trong các xúc động ấy mang sự chết đến cho con người đâu, vì

Cha không muốn nó chết, miễn là nó canh phòng, đừng mở cánh cửa ý chí. Cha cho phép các kẻ thù quấy phá ở bên ngoài, chúng không thể vào nội thành, bao lâu ý chí không mở cửa cho chúng.

Tại sao lại để cho linh hồn bị vướng vào phiền nhiễu như thế, bị bao vây bởi nhiều kẻ thù đến vậy? Không phải để nó ngã quỵ và để mất kho báu ân sủng của Cha, nhưng để mang lại cho nó một ý tưởng cao siêu hơn về sự quan phòng của Cha. Như thế, Cha muốn dẫn đưa nó tới chỗ tin tưởng vào Cha, đừng tin tưởng vào mình nó. Cha muốn lay tỉnh sự lười biếng của nó, để vì lo sợ hiểm nguy, nó biết tìm chỗ nương náu nơi Cha là Đấng Bảo Vệ duy nhất của nó. Chính Cha là Cha của nó, Cha dịu hiền của nó, Cha muốn cứu vớt nó. Và trong ý định ấy, Cha làm cho nó trở nên khiêm nhường, thuyết phục cho nó biết mình là hư vô; cho nó nhận ra sự hiện hữu và mọi ơn được thêm vào sự hiện hữu ấy, đều nhận được từ nơi Cha, là Sự Sống bất diệt.

Làm sao linh hồn học biết được Cha là Sự Sống của nó, và làm thế nào khám phá ra được sự quan phòng của Cha giữa bấy nhiêu thử thách như vậy? Bằng sự giải thoát lớn lao. Cha không để cho nó bị vật vã liên miên trong những thử thách đâu: những cơn thử thách này qua lại, tuỳ theo Cha thấy điều đó có ích cho nó được tiến bộ. Đôi khi nó tưởng mình ở dưới địa ngục, rồi bỗng nhiên, không phải cố gắng gì hết, không có hành vi nào hết, nó thấy mình được giải thoát, và được nếm trước một chút của sự sống vĩnh cửu. Trong đó, diễn ra một sự thanh quang lớn lao, nó thấy như mọi sự đều nói với nó về Thiên Chúa, tất cả tâm hồn nó bốc lửa yêu mến trong sự chiêm ngắm ơn quan phòng của Cha. Cha đã tỏ cho nó thấy sự quan phòng của Cha như thế đó. Nó thấy mình được cứu khỏi một trận cuồng phong dữ dội, mà nó đã không làm gì cả để được cứu thoát. Ánh sáng bỗng bừng lên, mà nó không ngờ; khi đó, nó hiểu chính tình thương vô biên của Cha đã đến cứu nó trong lúc ngặt nghèo, khi mà nó như không còn một chút hy vọng.

Vậy tại sao trong khi nó chăm chú cầu nguyện và làm các việc đạo đức thường này, Cha lại không đáp lời bằng một tia sáng để xua đuổi bóng tối cho nó? Là vì nó còn bất toàn, nên do đấy nó có thể quy về nó những việc đạo đức của nó, là những gì thật ra không phải của nó. Con đã biết tại sao những thử thách nó phải đương đầu, là phương thế để cho kẻ còn bất toàn đạt tới sự hoàn thiện, là do sự cảm nghiệm về ơn quan phòng của Cha đã cho phép xảy ra những thử thách ấy. Cũng vì đó, mà nó được nâng lên khỏi lòng mến yêu bất toàn.

Cha còn một kế hoạch thánh thiện, để tháo gỡ linh hồn ra khỏi sự bất toàn. Đó là cho nó một sự quyến luyến thiêng liêng và riêng tư đối với một thụ tạo, ngoài tình yêu thương chung mà nó phải có đối với mọi người. Điều này buộc nó phải luyện tập nhân đức và giúp nó từ từ giũ bỏ được nhiều lỗi sơ suất: trái tim nó tách khỏi tình yêu thương thiên về tình cảm đối với nhiều thụ tạo khác, như cha mẹ hay anh chị em nó; để từ nay dần dần nó chỉ yêu thương những thụ tạo ấy trong Cha là Thiên Chúa, chứ không vì một lý do thế tục hay xác thịt. Tình yêu tinh tuyền theo mẫu mực Cha đã gợi ra, sẽ giải thoát nó khỏi sự quyến luyến quá mức, mà trước kia nó đã dành cho nhiều tạo vật khác; và nhờ đó nó thoát khỏi tình trạng bất toàn.

Con cũng nên để ý điều này nữa, là tình yêu thiêng liêng nói trên còn giúp cho linh hồn xét mình xem có yêu mến Cha cách trọn lành hay không, cũng như nó có yêu mến các tạo vật cách thiêng liêng hay không. Cha muốn thử lòng mến yêu của nó bằng phương kế này, để nó nhận rõ giá trị những tâm tình của nó. Nó sẽ biết tình yêu của nó còn bất toàn nếu nó còn để lòng yêu mình nó, và chưa có một tấm lòng chỉ mến yêu Cha mà thôi. Điều chắc chắn là, nếu lòng mến yêu Cha mà bất toàn, thì sự thương yêu nó có đối với tha nhân cũng bất toàn, bởi vì đức ái hoàn thiện dành cho tha nhân bắt nguồn từ đức ái phải có đối với Cha. Cũng vì thế, mức độ hoàn hảo hay bất toàn trong tình yêu mến Cha, được nhìn thấy nơi mức độ tình yêu thương dành cho tha nhân. Làm sao tình yêu thiêng liêng của linh hồn đối với tạo vật lại cho biết được điều này? Có nhiều cách như Cha đã nói với con. Nếu nó mở mắt trí tuệ, nó sẽ sớm nhận ra và có chứng cứ bằng kinh nghiệm. Vì Cha đã nói đầy đủ về vấn đề này ở một chỗ khác rồi, nên ở đây Cha chỉ nói thoáng qua thôi.

Linh hồn đó yêu mến một người với một tâm tình đặc biệt. Nhưng này, nó đột ngột cảm thấy tạo vật ấy yêu thương nó ít đi. Có vẻ như người thân của nó ít để ý đến nó, ít nói những chuyện mang lại nhiều an ủi, nhiều lợi ích, nhiều ngọt ngào cho nó; nhất là nó thấy như người ấy dành những cuộc gặp gỡ và truyện trò với một người khác nhiều hơn. Sự buồn bã nó cảm thấy do sự mất mát càng trở nên dữ dằn, chính sự buồn bã này dẫn nó tới chỗ tự biết mình. Khi ấy, nếu nó đi trong ánh sáng và cư xử cách khôn ngoan, thì nó sẽ yêu thương người ấy bằng một tình yêu trọn lành hơn.

Bởi vì, nhờ sự biết mình và nhờ sự chê ghét tính tự ái, nó thắng được tình trạng bất toàn và sẽ vươn lên tới bậc trọn lành. Một khi đã tới mức đó, tình yêu của nó sẽ ngày càng trở nên hoàn thiện, càng trở nên cao đẹp hơn, đối với các tạo vật nói chung, đối với tạo vật kia nói riêng, vì những tạo vật đó là do sự quan phòng nhân hậu của Cha mang đến, để khích lệ nó chê ghét bản thân và yêu chuộng nhân đức trong cuộc đời lữ khách này.

Trong lúc thử thách, miễn là nó đừng ngu dại để cho sự buồn bực chi phối mình mà ra rối trí, đến mức buông theo sự chán nản của tâm trí, sự buồn rầu của tâm hồn, rồi bỏ luôn các việc đạo đức. Trong những điều kiện như thế, tâm tình này sẽ trở thành một nguy hại thực sự cho nó: linh hồn sẽ quay ra làm hại chính mình, vì những gì Cha đặt làm phương kế cho sự sống, thì nó lại lấy làm dụng cụ cho sự chết. Không, nó không nên làm như vậy. Nhưng một cách khiêm nhường, nó hãy tự nhận không đáng được những niềm an ủi, mà nó tìm kiếm không được. Dưới ánh sáng đức tin, nó sẽ biết nhân đức thương mến tạo vật kia đã không bị giảm sút; nó cứ tiếp tục ước ao chịu mọi đau khổ bất cứ từ đâu đến, vì tôn vinh Thánh danh Cha.

Như vậy, linh hồn ấy sẽ chu toàn Thánh ý Cha ở nơi nó, và nó sẽ nhận được hoa trái của sự hoàn thiện. Để giúp nó đạt tới ánh sáng này, Cha đã xếp đặt những cuộc chiến đấu, những trợ giúp và tất cả mọi sự cố trong đời nó. Đó là kế hoạch mà sự quan phòng của Cha đã sử dụng, đối với những người bất toàn. Còn rất nhiều kế hoạch khác nữa, lưỡi con người không thể kể ra được, vì chúng rất nhiều và đa dạng.

Sự quan phòng của Thiên Chúa, đối với những người đã đạt tới đức ái trọn lành.

  1. Bây giờ, Cha nói với con về những người đã đạt tới bậc hoàn thiện, và về sự xếp đặt của ơn quan phòng để giữ gìn họ đứng vững trong bậc này, để thử thách sự trọn lành của họ, cũng như để giúp họ luôn tiến bộ; bởi vì ở đời này, không ai trọn lành đến mức không thể nên trọn lành hơn. Sau đây, là một trong nhiều phương kế Cha dùng để khuyến khích họ tiến lên.

Đấng Chân Lý của Cha đã nói: “Thầy là cây nho đích thực, Cha Thầy là người trồng nho, và các con là những ngành nho” (Ga 15:1). Ai ở trong Ngài là cây nho đích thực, cây nho bởi Cha mà sinh ra, và gắn bó với giáo lý của Ngài, người đó sẽ sinh nhiều hoa trái. Để các con sản sinh ra nhiều hoa trái và là những trái ngon ngọt nhất, Cha cắt tỉa chúng con bằng nhiều gian nan thử thách, những sỉ nhục, những lăng mạ, những khổ ải, những khinh chê, những mắng mỏ, những phỉ báng, những sỉ vả, và bằng đói khát rách rưới nữa, tuỳ theo lòng nhân hậu của Cha cho phép xảy ra, và tuỳ theo sức chịu đựng của mỗi người trong các con.

Gian truân là bằng chứng để nhận biết đức ái của một linh hồn đã trọn lành, khi linh hồn đó chịu đựng một cách kiên nhẫn; những sự bất công và những thử thách Cha gửi đến cho các tôi tớ Cha là để luyện tập đức nhẫn nại của họ, đốt thêm lửa đức ái cho họ, do sự cảm thương đối với kẻ sỉ nhục họ; họ đau khổ vì chúng xúc phạm đến Cha và vì chúng làm hại bản thân chúng, hơn vì chính họ phải sỉ nhục. Đó là thái độ của những kẻ đã đạt tới bậc rất hoàn thiện. Đối với họ, mọi sự đều có thể là con đường tiến lên trong đàng nhân đức. Bởi vậy, Cha sếp đặt mọi sự xảy đến cho họ, Cha để họ đói khát ơn cứu độ các linh hồn. Sự đói khát này giống như một mũi nhọn luôn kích động họ, bắt họ ngày đêm đến gõ cửa lòng thương xót của Cha; trong khi đó họ hoàn toàn quên mình, như Cha đã nói với con về bậc người hoàn thiện (Xc số 78).

Càng quên mình đi như thế, họ càng tìm thấy Cha. Mà họ thấy Cha ở đâu? Ở trong Đấng Chân Lý của Cha, bằng cách hoàn toàn tuân phục theo con đường giáo lý của Ngài. Họ đã đọc cuốn sách giáo lý dịu hiền và vinh hiển của Ngài. Trong đó, họ đã học được bài học này: để vâng lệnh Cha và để tỏ cho biết Ngài rất tha thiết với vinh quang của Cha và rất yêu thương loài người, Ngài đã vượt qua mọi khổ hình và sỉ nhục để tới bàn tiệc của Thập giá, là nơi Ngài ăn một món ăn đắng đót chua cay vì lòng thương yêu nhân loại, và vì vinh quang của Cha.

Những người con yêu dấu của Cha, là những người đã đạt tới bậc hoàn thiện, đều hành xử như vậy. Họ chứng tỏ sự chân thành của lòng mến của họ trong sự kiên trì tỉnh thức cầu nguyện. Họ yêu mến Cha cách chân thành, vì họ đã nghiên cứu kỹ cuốn sách đó bằng cách chịu đựng mọi sự, những đau khổ và những nhọc nhằn, vì ơn cứu độ của anh em mình. Bởi vì họ không có cách nào khác, để chứng tỏ lòng mến yêu Cha. Bất cứ cách thế nào người ta có thể tưởng tượng ra được để chứng tỏ lòng mến Cha, đều phải là cứu vớt tha nhân, tức vật thụ tạo có lý trí. Như Cha đã nói với con, bất cứ việc gì người ta làm được gọi là điều thiện, đều phải thực hiện qua trung gian tha nhân, bởi vì người ta chỉ có thể làm điều thiện trong đức ái, bởi vì người ta chỉ có thể làm điều thiện trong đức ái, mà đức ái là mến yêu Cha và thương yêu tha nhân. Tất cả những gì người ta làm ngoài đức ái đều không phải là điều thiện đáng hưởng Nước Trời, mặc dầu đó là những việc đạo đức (Xc 1Cr 13:1-3). Cũng vậy, người ta phạm điều ác cũng phải thông qua tha nhân, nghĩa là bất cứ tội ác nào cũng gây phương hại cho tha nhân, vì thiếu lòng nhân ái và thương xót phải có đối với mọi người. Cho nên, con hiểu các tôi tớ Cha chứng tỏ họ trọn lành và có lòng mến yêu Cha, bằng sự không ngừng gắng sức lo cho ơn cứu độ của anh em mình. Bởi thế, Cha thanh tẩy họ qua những nỗi gian truân, để họ sinh ra hoa trái dồi dào hơn và ngọt ngào hơn. Cha ưa thích hương thơm nhân đức nhẫn nại của họ.

Ôi, những hoa trái ngọt ngào và êm dịu chừng nào! Linh hồn sẽ được an ủi và được lợi ích biết bao, khi chịu đau khổ mà không xúc phạm đến Cha! Nếu người ta biết điều này, hiểu được điều này, người ta sẽ vui mừng và thiết tha kêu xin cho được chịu đau khổ! Chính vì muốn ban cho linh hồn kho tàng ít được biết tới này, mà sự quan phòng của Cha đã gửi đến cho nó nhiều nỗi gian truân thử thách, để đức nhẫn nại của nó được tôi luyện và không bị rỉ sét nhàn rỗi.

Đôi khi Cha còn sử dụng một phương thế khác vừa hữu hiệu vừa êm ái, nhằm gìn giữ những người trọn lành này trong đức khiêm nhường. Cha làm cho cảm giác của họ mất khả năng, đến nỗi không còn cảm thấy xúc động nào nghịch với nhân đức nữa, y như những người đang ngủ. Cha không bảo họ chết, vì trong linh hồn trọn lành cảm giác có thể ngủ nhưng không chết. Cho nên, một khi linh hồn lười biếng trong việc tập tành nhân đức, hay lửa ước ao thánh thiện tắt đi, cảm giác sẽ thức dậy và tỏ ra mạnh mẽ phi thường. Vậy, dầu đã lên cao đến đâu trong bậc hoàn thiện, đừng ai tưởng mình được bảo đảm về phía giác quan: mọi người đều phải ở trong niềm kính sợ thánh thiện. Không thiếu những người đã sa ngã một cách thê thảm vì quá tự tin.

Cha nói: nơi những người trọn lành, đôi khi khả năng cảm giác của họ có vẻ ngủ. Bởi vì, họ đã chịu đựng nhiều thử thách lớn lao mà không bị xúc động, nên họ dễ tin rằng mình sẽ không đột ngột phải bối rối bởi một chuyện không đâu, rồi họ sẽ là những người đầu tiên phải nhịn cười vì chuyện đó. Hãy coi đây, họ bất ngờ cảm thấy bị dao động mãnh liệt trong tâm hồn, đến nỗi họ rất ngạc nhiên và đau lòng. Sự quan phòng của Cha cho phép xảy ra như thế, để giúp linh hồn tiến bộ trên đàng nhân đức bằng tinh thần khiêm nhường. Bởi vì, khi được cảnh tỉnh, linh hồn sẽ tự canh chừng mình: nó sẽ tự quở trách mình về sự nổi dậy đó của cảm giác. Nó sẽ trừng phạt cảm giác mình cách nghiêm khắc cần thiết, sự nghiêm khắc này sẽ làm cho cảm giác ngủ sâu hơn.

Với một vài tôi tớ lớn hơn của Cha, sự quan phòng thần linh được thấy rõ, bằng cách để họ cảm thấy một mũi gai nhọn, như trường hợp Phaolô tông đồ vinh hiển của Cha. Mặc dầu ông đã được kén chọn như chiếc bình quý chứa đựng giáo lý của Đấng Chân Lý dịu hiền nơi vực thẳm sâu của Chúa Ba Ngôi hằng hữu, Cha vẫn để lại nơi ông cái mũi nhọn của xác thịt (Xc 2Cr 12:7). Cha không có thể giải thoát Phaolô và các đầy tớ của Cha khỏi sự dấy loạn của giác quan sao? Chắc chắn là Cha có thể, nhưng Cha muốn họ có dịp lập công phúc, và cũng là để họ luôn biết mình, và sống thật sự khiêm nhường. Hơn nữa, Cha muốn làm cho họ có lòng thương xót tha nhân, thông cảm với những khổ cực của tha nhân mà không bao giờ cứng cỏi khó tính. Quả vậy, họ sẽ cảm thương những đau khổ và gian truân của tha nhân, nếu chính bản thân họ có cùng những thử thách như vậy (Xc Dt 4:15, 5:2-3). Lòng mến của họ nhân đó sẽ gia tăng: họ sẽ chạy lại Cha với hương thơm khiêm nhường và bốc cháy lửa đức ái. Nhờ những phương cách này và muôn ngàn cách khác, Cha dẫn đưa họ tới sự kết hợp trọn vẹn.

Như vậy, họ đạt được sự kết hợp mật thiết và hiểu rõ lòng nhân hậu của Cha, đến nỗi tuy còn ở trong thân xác phải chết, họ đã được nếm hạnh phúc của các thần thánh trên trời, và tuy còn bị giam cầm trong thân xác, họ có cảm tưởng đã ra khỏi thân xác rồi. Vì họ hiểu biết Cha nhiều, họ càng đau khổ nhiều, bởi vậy, nỗi cực khổ của họ gia tăng cùng với lòng mến yêu của họ (Xc số 5). Họ đau khổ vì sự gì? Không phải là những sỉ nhục mà họ phải hứng chịu, cũng không phải là những đau đớn thể xác, cũng không phải những quấy rầy của ma quỷ, hay những nghịch cảnh có thể xảy đến cho bản thân họ. Không có gì làm họ phải ưu phiền. Họ chỉ ưu phiền vì người ta xúc phạm đến Cha, là Đấng chỉ đáng được yêu mến và phụng thờ mà thôi. Họ khóc lóc vì các linh hồn này phải hư đi, những linh hồn này chìm sâu trong tối tăm thế gian và rơi vào cảnh đui mù.

Trong sự kết hợp với Cha bằng tình yêu mến, linh hồn thấy rõ tình thương như trời biển của Cha đối với các tạo vật: nó thấy các linh hồn này cũng là hình ảnh của Cha, nên đau lòng thương chúng vì tình yêu mến Cha. Nhân đó, nó đau khổ vô cùng khi thấy các linh hồn đó xa rời lòng nhân hậu Cha. Sự đau đớn này lớn lao, đến nỗi tất cả mọi nỗi khổ đau khác đều coi như không là gì hết: nó cảm thấy y như thể trên đời không còn một đau khổ nào nữa.

Một sự quan tâm khác theo cách quan phòng của Cha, là Cha tỏ mình ra cho các tôi tớ Cha. Cha cho họ thấy nơi Cha, một cách rất buồn rầu, những tội lỗi và những khốn khổ của thế gian, án phạt các linh hồn nói chung và nói riêng, tuỳ lượng lòng nhân hậu của Cha muốn cho họ thấy, để giúp họ tiến bộ trong lòng mến yêu và trong đau khổ. Được kích thích niềm ước ao nồng nàn, được soi sáng bởi ánh sáng đức tin, họ đầy lòng tin tưởng kêu lên Cha, xin thương cứu bấy nhiêu kẻ bất hạnh. Như vậy, vì sự quan phòng thần linh thương xót thế gian, nên Cha chấp nhận chịu sức ép từ những niềm ước ao đau xót của các tôi tớ Cha, đồng thời để chính họ được lợi ích, khi hiểu biết Cha cách sâu sắc hơn và kết hợp mật thiết với Cha hơn.

Con thấy đấy, Cha có rất nhiều kế hoạch và phương cách khác nhau, để dẫn dắt những người trọn lành. Bao lâu họ còn sống ở đời này, họ vẫn có khả năng tiến thêm trên đường thánh thiện và lập thêm công phúc. Bởi vậy, Cha không ngừng tìm cách tẩy rửa họ khỏi mọi tự ái hỗn loạn, về phương diện tinh thần cũng như về phương diện trần thế: Cha thử thách họ bằng nhiều nỗi gian nan, để họ sinh hoa trái nhiều hơn và ngon ngọt hơn. Khi họ thấy con người xúc phạm đến Cha, và thấy các linh hồn đánh mất ân sủng, họ đau đớn như xé lòng ra, và niềm đau đớn này làm họ không còn coi ra gì mọi đau khổ khác. Trong tình trạng này, họ không còn tìm kiếm bản thân nữa: gian truân hay là an ủi, họ đều coi như nhau. Họ không đi tìm sự thoả thích cho mình nữa, họ không yêu mến Cha bằng một lòng mến của người làm thuê, hay yêu mến Cha vì lợi ích riêng mình. Điều duy nhất họ muốn là tôn vinh Thánh danh Cha.

Vậy, con rất yêu dấu của Cha, con đã nhìn thấy sự quan phòng của Cha bao trùm các vật thụ tạo có lý trí của Cha, và những phương cách mà ơn quan phòng sử dụng thì rất kỳ diệu, cũng như những phương thế của sự quan phòng thì rất đa dạng. Những con người của sự tối tăm không biết được những điều đó, vì bóng tối không tiếp nhận ánh sáng (Xc Ga 1:5; 10-11). Nhất thiết phải nhờ ánh sáng mới nhận ra được, và nhận ra nhiều hay ít là tuỳ mức độ ánh sáng của họ. Ánh sáng này có được, là do sự linh hồn tự biết mình, mà sự biết mình đến từ sự chống lại tối tăm.

Tóm tắt những điều nói trên đây. Giải nghĩa câu Chúa Kitô nói với thánh Phêrô: “Hãy thả lưới phía bên hữu thuyền” (Ga 21:6).

  1. Con rất yêu dấu, Cha đã giải thích cho con biết Cha làm thế nào, để cung cấp những nhu yếu cho các tạo vật của Cha, cách chung và cách riêng. Những gì Cha đã tỏ cho con biết chỉ là hơi nước của một giọt sương sánh với đại dương. Cha cũng đã giải thích cho con về những cách thức Cha dùng để gia tăng niềm ước ao và sự đói khát bí tích Thánh Thể. Con đã học biết về những hành động của ơn quan phòng của Cha trong các linh hồn, qua trung gian Chúa Thánh Thần: Cha ban phát ân sủng của Cha cho kẻ tội lỗi để đưa nó về đường lành, cho kẻ còn bất toàn tiến tới sự trọn lành, và cho kẻ trọn lành trở nên trọn lành hơn. Bởi vì, các con luôn có thể tiến lên hơn nữa, và trở thành những trung gian tốt lành và thánh thiện giữa Cha và những kẻ làm loạn chống lại

Quả vậy, chắc con còn nhớ, Cha đã nói với con rằng: nhờ trung gian của các tôi tớ Cha, mà Cha sẽ tỏ lòng thương xót thế gian, chính nhờ những đau khổ của họ mà Cha sẽ cải tạo Hội Thánh của Cha. Thật, người ta có thể gọi họ là những Kitô chịu đóng đinh, vì họ là những kẻ sẽ hoàn tất công việc của Ngài. Con Một của Cha đã đến làm trung gian, để cứu con người khỏi cảnh khốn cùng, và để mang lại bình an và hoà giải giữa Cha và loài người, bằng cách kiên nhẫn chịu đau khổ cho tới cái chết ô nhục trên Thập giá. Đó cũng là công việc của những kẻ chịu đóng đinh bằng những ước muốn thánh thiện. Họ trở thành những trung gian bằng lời cầu nguyện, bằng lời nói, bằng đời sống tốt lành và thánh thiện, được đặt ra như khuôn mẫu trước mặt mọi người. Nơi họ chói sáng những viên ngọc quý báu của các nhân đức, nhất là đức nhẫn nại giúp họ chịu đựng những khuyết điểm của tha nhân. Đó là những mồi nhử để họ bắt lấy các linh hồn như bắt cá.

Họ quăng lưới không phải bằng tay trái nhưng bằng tay phải, như Đấng Chân Lý của Cha đã dạy Phêrô và các môn đệ khác sau khi Ngài phục sinh (Xc Ga 21:6). Tay trái là tính tự ái của họ đã chết, nhưng tay phải thì vẫn còn. Bàn tay này là tình yêu chân thật và tinh tuyền, lòng mến yêu dịu dàng và thần linh; với bàn tay phải, họ quăng lưới của niềm ước ao thánh thiện vào Cha là Đại Dương bình an. Khi kết hợp việc thả lưới trước và việc thả lưới sau biến cố Phục Sinh, con sẽ thấy khi kéo lưới về, nghĩa là khi hồi tâm để tự nhận biết mình là hư vô, họ đã bắt được nhiều cá đến nỗi không đủ sức kéo lên, mà phải kêu các bạn chài đến giúp (Xc Ga 21:1-8). Thật vậy, việc nắm lấy và quăng lưới phải là một hành động có kèm theo đức khiêm nhường đích thực, phải kêu gọi tha nhân vì tình thương liên đới, xin họ đến giúp hốt lấy những con cá là các linh hồn.

Sự thật này, con nghiệm thấy nơi bản thân con và con có thể quan sát nơi các tôi tớ của Cha. Trách nhiệm đối với các linh hồn, mà họ phải bắt lấy, thì hết sức nặng nề, nên họ phải kêu cứu. Họ muốn tất cả mọi tạo vật có lý trí hãy chạy tới giúp, giúp họ sống khiêm nhường nhận ra sự bất lực của họ. Bởi vậy, Cha đã nói với con: họ kêu gọi sự khiêm nhường và đức bác ái của mọi người đến giúp họ đưa cá lên bờ, mà cá thì nhiều lắm, mặc dầu nhiều con đã tuột ra ngoài do lỗi của chúng, vì không muốn ở lại trong lưới. Màng lưới của niềm ước ao thánh thiện đã bắt được tất cả, bởi vì những linh hồn khát khao làm rạng rỡ danh Cha không hài lòng, nếu chỉ bắt được một số mà thôi. Họ muốn chinh phục hết mọi người.

Họ muốn những người thiện chí đến giúp đưa các linh hồn vào lưới, và để nhờ công việc này, họ duy trì và gia tăng đức trọn lành; họ muốn các kẻ bất toàn trở nên trọn lành, và muốn các kẻ xấu trở nên lành thánh. Còn các kẻ ngoại giáo đang đi trong tối tăm thì họ nguyện chúc những người ấy tìm đến ánh sáng của bí tích thánh tẩy. Họ muốn tất cả mọi người, dầu ở bậc nào hay trong điều kiện nào, bởi vì mọi người ở trong Cha, được Cha tạo thành vì tình thương và đã được cứu chuộc bằng Máu Chúa Kitô chịu đóng đinh, Con Một Cha.

Vậy, tất cả mọi người được bắt lấy trong màng lưới của niềm ước ao thánh thiện của họ; nhưng, như Cha đã nói với con, nhiều người đã tuột ra ngoài, mất ân sủng, là do lỗi lầm của chúng, hoặc những kẻ khác như những người ngoại giáo và những kẻ mang tội trọng. Tuy nhiên, điều này không cản trở việc các linh hồn này cầu nguyện cho chúng; con người có lìa xa Cha vì tội lỗi, có xa rời sự mến yêu và lòng trọng kính đối với các tôi tớ Cha, thì sự nhiệt thành của đức ái và sự khát khao ơn cứu độ các linh hồn vẫn không suy giảm, họ vẫn quăng lưới xuống biển phía bên phải.

Con rất yêu dấu, trong sách Phúc Âm kể lại rằng: khi Đấng Chân Lý dịu hiền của Cha dạy tông đồ Phêrô hãy thả lưới, ông đã trả lời, suốt đêm ông đã làm việc cực nhọc mà không bắt được con cá nào (Xc Lc 5:5-7), nhưng ông nói thêm: vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới. Và ông đã thả, ông đã bắt được một lượng cá rất lớn đến nỗi không thể kéo lưới lên một mình, mà phải gọi những môn đệ khác tới giúp. Con hãy gẫm suy hành động của Phêrô. Trong sự cố vừa được mô tả đó, con sẽ tìm ra được một hình ảnh hay một dụ ngôn; bởi vì mọi hành động, các mầu nhiệm Đấng Chân Lý dịu hiền thực hiện trong thế gian này, cùng với hay không cùng với các môn đệ của Ngài, đều là những hình ảnh làm bài học giảng dạy về việc cứu vớt các linh hồn. Chúng con cũng lấy đấy làm khuôn mẫu, làm bài học dưới ánh sáng của lý trí: cho con người dốt nát quê mùa cũng như bậc thông thái; tất cả mọi người, nếu họ muốn, đều rút ra được điều bổ ích và an ủi.

Cha đã nói với con: Phêrô nghe lời truyền dạy của Ngôi Lời và đã thả lưới. Vậy, ông đã vâng lời và tin chắc chắn mình sẽ bắt được cá, và thực sự ông đã bắt được rất nhiều. Khi ấy không phải là ban đêm, con có biết thời gian đêm tối là gì không? Đó là thời gian tăm tối của tội trọng, khi mà linh hồn đã mất ánh sáng của ân sủng. Trong đêm tối, linh hồn không bắt được gì hết, bởi vì nó quăng lưới của niềm ước ao không phải trong đại dương sự sống, nhưng là trong biển chết, nơi đó nó chỉ thấy tội lỗi là hư vô, cùng với những nhọc nhằn lớn lao mà vô ích.

Những kẻ rước lấy cho mình những cực nhọc như thế, là những chứng nhân của ma quỷ, chứ không phải của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Nhưng khi ánh sáng ban ngày tỏ hiện, nghĩa là khi linh hồn ra khỏi đêm tối của tội lỗi để tìm lại ánh sáng của ân sủng, nó sẽ cùng lúc tìm thấy trong tâm trí lời truyền dạy của Đấng Chân Lý. Đó là hãy thả lưới theo lời dạy của con Cha, bằng cách yêu mến Cha trên hết mọi sự, và yêu thương tha nhân như chính mình. Khi ấy, nó sẽ ngoan ngoãn vâng theo ánh sáng đức tin, vững tin vào lời dạy của Ngôi Lời, theo gương Ngài và gương các môn đệ Ngài, nó thả lưới. Lưới của nó sẽ đầy cá và nó sẽ gọi những ai đến giúp nó, điều này Cha đã nói ở trên.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh