Đối Thoại Của Thánh Catarina Sienna: Chương 2. Ơn Nước Mắt Sám Hối Và Nước Mắt Tình Yêu

ĐỐI THOẠI CỦA THÁNH CATARINA SIENNA: CHƯƠNG 2. ƠN NƯỚC MẮT SÁM HỐI VÀ NƯỚC MẮT TÌNH YÊU

Linh hồn này xin Thiên Chúa ban cho được hưởng nếm hoa trái của nước mắt.

  1. Khi đó, linh hồn này xao xuyến bởi một sự ước ao lớn lao và say sưa vì được hiệp nhất với Thiên Chúa, và vì thấu hiểu cùng hưởng nếm sự ngọt ngào của Đấng Chân Lý tối Nếu sự mù quáng của các tạo vật không nhận biết vị ân nhân của chúng, và sự sâu thẳm của Tình Yêu Thiên Chúa, khiến linh hồn này tan nát vì đau đớn, thì niềm cậy trông lại làm nó tràn đầy hoan hỉ. Nó đã nhận được từ Thiên Chúa chân thật một lời hứa, khi Ngài dạy nó và các tôi tớ khác của Ngài phải làm gì, để Ngài thương xót thế gian. Ngước mắt trí tuệ nhìn lên Đấng Chân Lý dịu hiền nó kết hợp, để được một lời giải thích về các trạng thái của linh hồn, mà Thiên Chúa đã nói với nó. Như nó biết linh hồn lên tới những bậc ấy là nhờ nước mắt, vì thế nó xin Đấng Chân Lý dạy cho biết sự khác nhau giữa các loại nước mắt, thực chất, nguồn gốc, và những hoa trái của chúng.

Bởi vì chân lý chỉ có thể hiểu biết được bởi chính Đấng là Chân Lý tối cao, cho nên linh hồn đến cùng Đấng Chân Lý. Đấng phải dùng mắt trí tuệ và nhìn ngắm. Ai muốn hiểu biết chân lý, phải vươn mình lên bằng sự ước ao học hỏi, và bằng con mắt trí tuệ dưới ánh sáng đức tin, để đắm nhìn vào đối tượng của chân lý. Vậy, sau khi linh hồn này biết mình đã tiếp thu được giáo lý mà Thiên Chúa, tức Đấng Chân Lý tối cao, đã dạy bảo, và nó không có cách nào khác để hiểu được điều nó muốn biết về các loại nước mắt, cũng như hoa trái của nước mắt; lập tức nó hướng tâm hồn lên với một niềm ước ao mãnh liệt, và dưới ánh sáng của đức tin sống động, nó nhìn thẳng vào Đấng Chân Lý ngàn đời, nơi nó muốn tìm kiếm chân lý. Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nó, lòng nhân hậu của Ngài đã khấng đáp lại niềm ao ước nồng nhiệt của nó. Ngài đã nhận lời cầu xin của nó và nói với nó như sau:

Có năm loại (bậc) nước mắt: Loại thứ nhất là loại của sự chết, bốn loại sau đem lại sự sống.

  1. Con rất yêu dấu và rất dịu dàng của Cha, con xin Cha cho biết các loại nước mắt khác nhau và hoa trái của chúng. Cha đã không khinh chê ước nguyện của con. Vậy, con hãy mở mắt trí tuệ ra, qua những trạng thái khác nhau của linh hồn mà Cha đã giải thích cho con, Cha sẽ cho con thấy có những loại nước mắt bất toàn phát sinh từ sợ hãi. Trước hết Cha nói về nước mắt của kẻ tội lỗi, sống theo thế gian: đó là nước mắt của án phạt.

Thứ hai là nước mắt của sợ hãi: đó là nước mắt đổ ra vì sợ hình phạt đáng phải chịu; vì sợ hãi làm chúng khóc.

Thứ ba là nước mắt của những kẻ đã thoát khỏi đường tội lỗi, họ khóc lóc cách êm ái và bắt đầu yêu mến Cha. Nhưng bởi vì lòng mến của họ còn bất toàn, cho nên sự khóc lóc ấy cũng bất toàn, như Cha đã nói với con. Thứ bốn là nước mắt của những người đã đạt tới mức trọn lành đức ái đối với tha nhân, và yêu mến Cha không vì một lợi lộc gì cho bản thân. Những người này khóc, và sự khóc lóc của họ hoàn thiện. Thứ năm là nước mắt hoà với loại thứ bốn: đó là những nước mắt ngọt ngào, đổ ra một cách rất êm dịu, như Cha sẽ trình bày đầy đủ.

Cha còn nói cho con nghe về nước mắt bằng lửa, không thể chảy ra từ con mắt để thoả mãn những người đôi khi muốn khóc mà không khóc được. Cha muốn con biết rằng tất cả những trạng thái này có thể thấy trong cùng một linh hồn; đó là linh hồn thoát ra khỏi sự sợ hãi và vươn lên khỏi sự yêu mến bất toàn, để đạt tới đức ái hoàn thiện của bậc cao nhất. Sau đây, Cha tỏ bày cho con nghe các loại nước mắt.

Sự khác nhau của các loại nước mắt, đối chiếu với các tình trạng khác nhau của linh hồn.

  1. Con nên biết, mọi nước mắt đều xuất phát từ con tim; không cơ quan nào của cơ thể lại đồng cảm với cảm xúc của con tim bằng đôi mắt. Nếu trái tim đau khổ, con mắt sẽ lập tức cho thấy ngay. Nếu đau khổ là do dục vọng, nó sẽ khiến con mắt đổ ra những nước mắt của sự chết, bởi vì chúng xuất phát từ một tình yêu phóng đãng, xúc phạm đến Cha. Sự đau khổ mà tình yêu này tạo nên thật chết người. Sự nặng nề của tội lỗi và của những giọt nước mắt, cao hay thấp là tuỳ tình yêu đó phóng túng nhiều hay ít. Ở đây, Cha chưa muốn nói đến những kẻ có nước mắt của sự chết.

Bây giờ, con hãy xem những nước mắt bắt đầu ban sự sống: đó là nước mắt của các kẻ nhìn thấy tội lỗi mình mà khóc, vì sợ hình phạt. Những nước mắt của con tim này xuất phát từ xúc cảm. Linh hồn chưa thành tâm chê ghét tội lỗi mình, vì nghĩ đến sự xúc phạm đến Cha, mà chỉ cảm thấy đau đớn trong tim, vì sợ hình phạt dành cho tội đã phạm. Cho nên con mắt chỉ khóc để thoả mãn sự đau đớn của trái tim.

Nhưng nhờ tập luyện nhân đức, dần dần linh hồn gỡ mình ra khỏi sự sợ hãi, vì biết rằng sợ hãi không đủ sức ban sự sống đời đời (Xc số 58), như Cha đã nói cho con nghe về bậc thứ hai của linh hồn. Vậy, nó phải nhờ lòng yêu mến mà vươn lên tới sự biết mình, và nhận biết sự tốt lành của Cha ở trong nó, rồi sinh lòng cậy trông vào tình thương xót của Cha. Sự cậy trông này mang lại niềm vui cho trái tim. Cùng với niềm vui vì cậy trông vào lòng thương xót của Cha như thế, nó cảm thấy đau đớn vì tội lỗi mình, và đôi mắt nó bắt đầu trào lệ. Những nước mắt này tràn ra từ nguồn suối trái tim. Nhưng bởi vì linh hồn chưa đạt tới mức trọn lành lớn lao, cho nên thường khi những nước mắt này không tránh khỏi một đôi chút giác cảm. Nếu con hỏi tại sao thế và làm sao lại như vậy, thì Cha sẽ trả lời con: vì gốc rễ của tính tự ái vẫn chưa nhổ hết. Cha không nói đến tình yêu theo cảm giác, vì nó đã được dẹp đi rồi, nhưng nói đến tính tự ái thiêng liêng, nó ước ao cho linh hồn được an ủi; sự an ủi đến từ Cha, hay từ tạo vật nào mà nó yêu thích bằng một tình thương mến thiêng liêng, như Cha đã trình bày ở trên.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Vậy, khi linh hồn mất đi những an ủi nội tâm hay bên ngoài; nội tâm là từ nơi Cha, bên ngoài là từ nơi tạo vật, cùng khi nó vấp phải những cơn cám dỗ hay những bách hại của người đời, thì trái tim nó se lại và đau khổ. Lúc ấy, vì đồng cảm với nỗi đau đớn của con tim, mắt của nó bắt đầu rơi lệ. Đó là những giọt nước mắt thân yêu đến từ sự cảm thương của linh hồn, đã đổ ra vì chính bản thân nó; một sự cảm thương tinh thần thật đấy, nhưng cũng vẫn bởi tính tự ái, linh hồn chưa diệt được hoàn toàn. Chính bởi vậy, mà những nước mắt đổ ra còn mang tính xúc cảm đến từ đam mê thiêng liêng, như Cha đã nói với con về tình trạng bất toàn.

Nhưng nhờ tập luyện và tiến thêm trong sự biết mình, linh hồn biết tự khinh chê và ghét bỏ mình cách trọn vẹn, đồng thời nó đạt tới một sự nhận biết đích thực về lòng nhân ái của Cha, khiến lòng mến của nó bốc lửa. Khi ấy, nó bắt đầu hiệp nhất ý muốn của nó với Thánh ý của Cha và cảm thấy một niềm vui vì yêu mến Cha, và cảm thương tha nhân, như Cha đã giải thích về bậc thứ ba (Xc số 76-77). Tức thì, để làm thoả mãn trái tim, con mắt than khóc vì người ta xúc phạm đến Cha và vì sự hư mất của anh em mình. Đó là nỗi đau đớn của tâm hồn phát sinh từ lòng yêu mến Chúa và lòng thương yêu tha nhân. Nó không ưu phiền khóc lóc vì sự đau khổ của bản thân, hay vì sự thiệt hại gì cho nó, nhưng chỉ sầu khổ vì danh Cha không được tôn vinh như nó muốn. Và trong sự âu lo của niềm khát vọng, nó cảm thấy vui sướng vì được no thỏa nơi bàn tiệc của Thánh Giá, hầu trở nên giống Con Chiên không tì vết, khiêm nhường và nhẫn nhục: Con Một Cha, Đấng Cha đã làm thành cây cầu cho thế gian.

Khi đã tiến xa một cách êm xuôi trên cây cầu này, bằng cách vâng theo các giáo huấn của Đấng Chân Lý và theo gương Ngôi Lời nhập thể, linh hồn cam chịu mọi đau khổ mọi ưu phiền cách nhẫn nhục, vì ơn cứu độ các linh hồn. Từ nay, nó đón nhận mọi đau đớn, không chọn lựa thứ đau khổ nào. Nó chấp nhận không những cách nhẫn nại và can đảm nhưng còn với niềm vui sướng, và coi đó là một vinh dự và hạnh phúc, bởi được chịu bách hại hay một đau khổ nào đó vì danh Cha! Khi đó, linh hồn được tràn đầy niềm vui và hoan hỷ, không lưỡi nào tả được.

Vậy khi linh hồn đã đi theo Ngôi Lời, đã tuân giữ giáo lý của Con Một Cha và đã gắn mắt trí tuệ vào Cha, Đấng Chân Lý đệ nhất, là lúc nó nhận biết chân lý, và vì nhận biết nên nó yêu mến. Tình mến yêu của nó đi theo sự hiểu biết, và được nhìn biết thần tính hằng hữu của Cha kết hợp với nhân tính của các con. Khi đó nó an nghỉ trong Cha, Đại Dương của bình an, trái tim nó phối hiệp với Cha bằng tâm tình yêu mến, như Cha đã nói với con về bậc thứ bốn của sự hiệp nhất (Xc số 78). Sự nhận biết thần tính của Cha hiện diện như thế làm nó chảy nước mắt, những giọt nước mắt êm ái, đó thật là thứ sữa bồi dưỡng linh hồn trong đức nhẫn nại đích thực. Nước mắt này là hương dược toả ra một mùi thơm rất dịu dàng.

Ôi, con rất yêu dấu của Cha, vinh hiển thay linh hồn nào biết vượt qua biển cả đầy sóng gió để đi tới Cha là Đại Dương bình an, để đổ đầy vào trái tim nó những làn sóng dạt dào của thần tính vĩnh cửu và cao cả của Cha. Đôi mắt bắt nguồn từ trái tim, sẽ mau mắn đổ ra những dòng lệ làm thoả mãn trái tim.

Đó là bậc cao nhất, nơi linh hồn vừa hạnh phúc, vừa âu sầu: hạnh phúc vì kết hợp với Cha bởi cảm nhận sự hiện diện của Cha, được hưởng nếm tình yêu thần linh của Cha; âu sầu vì thấy người ta xúc phạm đến Cha là Đấng Tốt Lành và Cao Cả, mà nó đã được chiêm ngưỡng thưởng thức trong sự biết mình và nhận biết Cha, nhờ đó nó đạt tới bậc cao nhất này. Sự âu sầu không trở ngại cho bậc hiệp nhất, cũng không cản trở những nước mắt rất ngọt ngào, mà sự biết mình khiến nó đổ ra. Chính tình thương tha nhân đã làm nó vừa khóc vì yêu mến lòng thương xót của Thiên Chúa, vừa khóc vì đau đớn đối với tội lỗi của tha nhân. Nó khóc với những người khóc và vui mừng với những người có niềm vui (Xc Rm12:15). Những người sống trong đức ái thì vui mừng, và sung sướng với các tôi tớ Cha hằng tôn vinh Thánh danh Cha.

Như vậy, những giọt nước mắt âu sầu không những không ngăn cản những giọt nước mắt ngọt ngào nó đổ ra vì cảm thấy Cha hiện diện, nhưng còn là một gia vị. Nếu nước mắt ngọt ngào linh hồn đổ ra vì được kết hợp với Cha, không chế thêm vị ngọt bởi nước mắt đổ ra vì yêu thương tha nhân, thì chúng sẽ bất toàn. Do sự thiếu xót đó, linh hồn có thể rơi vào tính tự đắc tự đại. Một luồng gió tinh vi của sự tự đại sẽ đẩy nó té nhào từ nơi cao này xuống chỗ thấp hèn nhất (Xc 2Pr 2:22). Vậy, đừng bao giờ linh hồn tách rời đức ái đối với tha nhân ra khỏi sự biết mình cách chân thật, như vậy nó sẽ duy trì được đức ái của Cha.

Quả vậy, đức ái đối với tha nhân xuất phát cách tất yếu từ đức ái với Cha, nghĩa là từ chỗ linh hồn tự biết mình và nhận biết Cha là Đấng Tốt Lành. Khi đó, biết Cha yêu thương nó một cách khôn tả, và với tình yêu thương mà nó biết mình được thương yêu, nó sẽ yêu thương mọi thụ tạo có lý trí. Đó là lý do linh hồn thấy rằng: khi nó biết Cha, nó sẽ mở rộng tình yêu của nó để bao gồm cả tha nhân nữa. Khi thấy tha nhân, nó sẽ yêu thương tha nhân cách nồng nàn, nó yêu thương người mà Cha yêu thương hết tình.

Rồi nó biết nó không thể làm ích gì cho Cha, cũng không thể đáp lại Cha bằng tình yêu tinh tuyền mà Cha yêu thương nó. Khi đó, nó sẽ tỏ bày lòng mến yêu Cha bằng phương cách Cha đã chỉ cho nó, nghĩa là qua tha nhân, người mà nó phải phục vụ. Cha đã nói với con: mọi nhân đức đều phải được thực thi thông qua tha nhân, nói chung và cách riêng, tuỳ theo những đặc ân Cha ban cho các con, và được Cha trao phó năng quyền phân phát cho mọi người.

Các con phải yêu mến bằng tình yêu tinh ròng mà Cha đã yêu thương các con, nhưng điều đó các con không thể làm được đối với Cha. Bởi vì Cha đã yêu thương các con, nên Cha phải được yêu mến, và được yêu mến một cách không vụ lợi; vì Cha đã yêu thương các con ngay khi Cha không được chúng con yêu mến, vì Cha đã yêu các con cả trước khi chưa có các con. Chính tình thương đã thúc đẩy Cha tạo thành các con theo hình ảnh Cha. Điều này thì các con không thể đền đáp Cha được. Nhưng các con phải làm điều đó cho các tạo vật có lý trí, yêu thương họ mà không nghĩ được yêu thương lại, không nhắm một lợi ích nào cho bản thân, dầu là lợi ích trần thế hay thiêng liêng. Phải yêu thương họ vì danh dự và vinh quang của Thánh danh Cha mà thôi, và vì Cha yêu thương họ. Như thế, các con sẽ chu toàn điều răn là phải yêu mến Cha trên hết mọi sự, và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình (Xc Mt22:37-40).

Sự thật, linh hồn không thể đạt tới mức cao trọng này mà không qua bậc tâm linh thứ hai của sự hiệp nhất, điều người ta thấy trong bậc thứ ba. Khi đã đạt tới đó, linh hồn không thể đứng vững tại đấy nếu nó xa rời tâm tình vốn sinh ra nước mắt loại hai (tràn ra từ trái tim suy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn), nước mắt của đau đớn. Không thể nào chu toàn Lề Luật yêu mến Cha là Thiên Chúa hằng hữu, mà không tuân giữ lề luật yêu thương tha nhân; đó là hai chân của tâm tình để bước đi trên đường các giới răn và các lời khuyên mà Đấng Chân Lý của Cha, Đức Kitô chịu đóng đinh, đã trao ban cho các con. Hai tâm tình này, kết hợp với nhau, sẽ nuôi dưỡng linh hồn trên đàng nhân đức, gia tăng sự trọn lành và giúp nó kết hợp ngày càng thêm mật thiết với Cha.

Lên tới điểm đó, linh hồn thật sự không thay đổi bậc; vẫn trong bậc cao trọng ấy, kho tàng ân sủng gia tăng, vì nó nhận thêm những đặc ân mới và đủ loại. Những lúc xuất thần kỳ diệu mang đến cho nó một tri thức về chân lý xứng với thần thánh trên trời, hơn là cho người phàm dưới thế, như Cha đã nói với con; bởi vì cảm giác về tình dục đã bị tiêu diệt, ý riêng đã chết, do sự kết hợp giữa Cha và linh hồn.

Ôi, sự kết hợp ngọt ngào dường nào, vì nhờ đấy mà linh hồn xem thấy tất cả mọi bí mật của Cha. Nhiều khi nó nhận được ơn tiên tri, cho nó biết được những việc sẽ xảy đến. Đó là những ân huệ của lòng nhân hậu Cha. Nhưng linh hồn vẫn phải đặt tất cả niềm cậy trông vào tình thương của Cha, để chế ngự sự thèm khát những an ủi thiêng liêng, tự coi mình không xứng đáng với ơn bình an và thư thái cho tâm hồn, hầu tăng trưởng hơn nữa về nhân đức nội tâm.

Linh hồn không ở mãi đỉnh cao này đâu, nó còn đi xuống thung lũng của sự biết mình. Ánh sáng đặc biệt này là những ân sủng Cha ban cho linh hồn, để nó lớn lên hơn nữa. Bởi vì ở đời này, không bao giờ linh hồn hoàn thiện đến độ không còn có thể vươn lên mức hoàn thiện hơn nữa về lòng yêu mến.

Chỉ có Con Một rất yêu dấu của Cha, Thủ Lãnh của con, là Đấng không thể hoàn thiện thêm, vì Ngài với Cha là một, Cha với Ngài là một. Linh hồn Ngài được diễm phúc bởi sự hiệp nhất với bản tính thần linh, còn các con, những chi thể của Ngài, các con là những lữ hành vẫn có thể trở nên hoàn thiện thêm mãi. Như thế các con không vươn lên một bậc khác cao hơn nữa, như Cha đã nói với con, vì đây là bậc cao nhất người ta đạt tới. Nhưng các con có thể nhờ trợ lực của ân sủng Cha ban, mà không ngừng phát triển thêm bậc trọn lành này.

Lược lại những điều trong số trên đây, ma quỷ sợ những người đã đạt tới loại nước mắt thứ năm. Những tấn công của ma quỷ là đường dẫn tới tình trạng này.

  1. Bây giờ con đã thấy mỗi bậc có loại nước mắt riêng, và sự khác biệt giữa các loại nước mắt đó, theo như Đấng Chân Lý của Cha đã vui lòng làm thoả mãn sự ước ao của Thứ nhất, là nước mắt của những kẻ ở trong tình trạng của sự chết, bởi mang tội trọng. Con đã biết sự khóc lóc của chúng thường phát ra từ trái tim. Tâm tình là nguồn suối của nước mắt mà đã hư hỏng, thì nó chỉ đổ ra những nước mắt hư hỏng và đắng cay, mọi công việc nó làm ra cũng thế.

Loại nước mắt thứ hai, là của những kẻ bắt đầu ý thức về sự khốn nạn của mình, do hình phạt chúng phải chịu vì tội lỗi. Đó là hành vi đầu tiên Cha thường gợi ra cho những kẻ yếu đuối; trong sự mù quáng của chúng, chúng đi theo con đường ở dưới cầu và sẽ đắm đuối trong dòng sông vì khinh chê giáo lý của Đấng

Chân Lý dịu hiền. Tuy nhiên, có rất nhiều kẻ biết sự sai lầm của mình, đã giũ bỏ được sự sợ hãi cách nô lệ, chúng gỡ mình ra khỏi tội lỗi bằng sự chê ghét bản thân, biết mình đáng bị trừng phạt. Nhiều người khác, với lòng đơn sơ tốt lành, quyết từ nay lo phụng sự Cha, Đấng Tạo Hoá của chúng, với một niềm đau đớn chân thành vì đã xúc phạm đến Cha. Niềm đau đớn ăn năn hối cải vì đã xúc phạm đến Cha như thế, sẽ giúp chúng đi tới sự trọn lành hơn các kẻ kia. Tuy nhiên, nhờ tập luyện trong đàng nhân đức, cả hai hạng người này đều có thể đạt tới bậc hoàn thiện. Nhưng cả hai đều phải cảnh giác: hạng người thứ nhất hãy coi chừng, đừng nán lại trong sự sợ hãi nô lệ, hạng người thứ hai hãy ráng lên, đừng để mình ở lại trong sự thờ ơ lãnh đạm ban đầu, nhưng phải tìm cách thoát ra khỏi đó nhờ việc tập luyện nhân đức. Đây cũng là ơn gọi chung.

Loại nước mắt thứ ba, là của những người đã thoát khỏi sự sợ hãi, để tiến tới tình mến yêu và trông cậy; được nếm lòng thương xót của Cha, qua sự cảm thức những an ủi và ân huệ dồi dào; dòng lệ họ tràn ra trước hết là để thoả mãn cảm xúc của trái tim. Nhưng sự khóc lóc này vẫn còn bất toàn, trộn lẫn với những giọt nước mắt ưu phiền thiêng liêng.

Nhờ tập luyện trong đàng nhân đức một thời gian, linh hồn sẽ tiến lên bậc cao hơn, khi đó nó kết hợp với Cha, ý muốn của nó hoàn toàn theo Thánh ý Cha, để từ nay nó chỉ có thể ước ao và chỉ muốn những gì Cha muốn đối với người đồng loại. Khi đó, nó đổ ra những giọt nước mắt vừa là nước mắt yêu mến vì được kết hợp với Cha, vừa là nước mắt đau đớn vì những tội xúc phạm đến Cha và vì các linh hồn phải hư mất. Đó là loại nước mắt thứ bốn.

Bậc này gắn liền với bậc thứ năm, là bậc hoàn thiện cao nhất, nơi đó linh hồn kết hợp với Cha trong sự chân thật, và nó cảm thấy gia tăng mức độ nồng nhiệt của sự ước ao thánh thiện. Niềm ao ước nồng nàn này xua đuổi ma quỷ chạy xa, nó không có cách gì để nắm được linh hồn nữa: bằng sự nhục mạ cũng không, vì đức yêu thương tha nhân đã biến nó thành con người nhẫn nhục chịu đựng mọi sự rồi; bằng sự an ủi thế gian hay thiêng liêng cũng không, vì sự chê ghét trần tục và khiêm nhường đích thực đã làm cho linh hồn khinh chê tất cả những sự an ủi đó.

Thế nhưng, ma quỷ không bao giờ ngủ yên. Cách hành xử của nó là bài học cho các kẻ lười biếng bị nó lừa dối, các kẻ này dùng thời giờ để ngủ, lẽ ra chúng phải dùng để sinh lợi ích cho mình. Còn đối với những linh hồn hoàn thiện này, ma quỷ không thể làm chi hại được họ, vì nó không chịu nổi sự nóng bỏng của đức ái ở nơi họ, cũng không thể thắng nổi sự kết hợp giữa họ với Cha, là Đại Dương của bình an.

Linh hồn không thể bị lừa, bao lâu nó kết hợp với Cha; ma quỷ chạy xa nó như ruồi tránh xa nồi nước đang sôi trên bếp lửa, nó sợ cháy xém. Nhưng nếu nồi nước nguội đi, nó không sợ nữa, nó sẽ vào trong nồi, tuy nhiều khi nó phải ra ngay vì nó thấy nồi nước nóng hơn nó tưởng. Về linh hồn chưa đạt tới bậc hoàn thiện cũng vậy. Ma quỷ tưởng nó nguội lạnh, nên đi vào trong linh hồn bằng những chước cám dỗ vừa nhiều vừa đa dạng. Nhưng có thể xảy ra là linh hồn này đang có hành vi tự biết mình, đau đớn vì tội lỗi, và đang chống cự những tấn công của cám dỗ. Để khỏi ưng theo chước cám dỗ, nó buộc chặt ý chí vào những sợi dây chê ghét tội lỗi và yêu mến nhân đức. Ôi, các linh hồn hãy vui mừng khi bị những trận tấn công rất cam go ấy! Đó là con đường dẫn tới bậc êm ái và quang vinh.

Cha đã nói với con, chính nhờ sự biết mình và chê ghét mình, cũng như nhờ sự nhận biết lòng nhân lành của Cha, mà các con đạt tới sự hoàn thiện. Cũng vậy, không lúc nào linh hồn biết Cha ở với nó bằng những lúc phải chiến đấu như thế. Nghĩa là thế nào? Cha sẽ nói cho con đây.

Lọt vào giữa các trận chiến đầy nguy khốn ấy, linh hồn sẽ mở mắt ra thấy vô phương tự giải cứu mình, cho dù vẫn giữ vững ý chí không chiều theo, khi đó nó mới biết nó chẳng là gì cả. Bởi vì nếu nó là thứ gì, nó đã tránh được những cám dỗ này, những cám dỗ mà nó không muốn phải đương đầu. Nhờ đấy, nó sẽ hạ mình xuống trong sự nhận biết mình; và, dưới ánh sáng đức tin, nó chạy đến với Cha là Thiên Chúa hằng hữu, là Đấng Nhân Lành, đã gìn giữ cho ý muốn nó được ngay thẳng và thánh thiện, ngăn ngừa nó khỏi những cuộc tấn công, kẻo nó sa chước những cám dỗ bao vây nó.

Vậy, các con có lý do để được bồi dưỡng mình bằng giáo lý của Ngôi Lời dịu hiền của Cha vào những lúc ưu sầu, hoặc gặp gian nan, hay bị những cám dỗ của người đời và của ma quỷ. Đó là những phương cách, để các con gia tăng nhân đức và đạt tới bậc hoàn thiện.

Người ước ao khóc lóc mà không được, sẽ có những nước mắt bằng lửa. Tại sao Thiên Chúa rút đi những nước mắt thể xác?

  1. Cha đã nói với con về loại nước mắt hoàn thiện và loại nước mắt bất toàn, tất cả đều xuất phát từ con Tất cả mọi nước mắt đều chảy ra từ nguồn mạch này, bất kể chúng là loại nào, bởi vậy, tất cả đều có thể được gọi là nước mắt của con tim. Chúng chỉ khác nhau do tâm tình phát sinh ra chúng: tình yêu hợp lẽ phải hay tình yêu bất chính, tình yêu hoàn thiện hay tình yêu bất toàn, theo như Cha đã giải thích cho con. Bây giờ, Cha còn phải nói với con về một số người ước ao sự hoàn thiện của nước mắt, mà có vẻ không đạt được. Đó là điều con muốn biết.

Vậy, có những nước mắt không thuộc các loại chảy ra từ con mắt chăng? Thật có, nơi một số người có những nước mắt bằng lửa. Đó là niềm ước ao chân thật và thánh thiện, khiến họ tiêu hao vì yêu mến. Họ ước gì được tan biến thành nước mắt vì chê ghét bản thân mình và vì ơn cứu độ cho các linh hồn, nhưng hình như họ không đạt được sở nguyện. Đúng vậy, những người ấy có những giọt nước mắt bằng lửa mà Chúa Thánh Thần khóc trước mặt Cha, thay cho họ và cho tha nhân. Cha nói cho con biết những ngọn lửa của đức ái Cha thiêu đốt trái tim họ, để họ dâng lên Cha những ước nguyện nồng nàn, nhưng mắt họ vẫn ráo khô. Cha nói đó là những nước mắt bằng lửa. Cha nhắc lại: đó là những giọt nước mắt bằng lửa mà Chúa Thánh Thần khóc. Những người ấy không thể khóc được, nhưng họ đã dâng lên Cha những ước nguyện nồng cháy vì yêu mến Cha. Nếu mở mắt của trí tuệ ra, họ sẽ thấy mỗi khi các tôi tớ Cha toả ra trước mặt Cha hương thơm của một niềm ước ao thánh thiện, bằng những lời cầu nguyện khiêm nhường và liên tục, chính là lúc Chúa Thánh Thần khóc lóc thay họ. Đó là điều Phaolô, tông đồ vinh hiển của Cha, đã muốn bày tỏ khi viết: “Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những lời rên siết khôn tả” (Rm 8:26).

Con thấy chưa, hoa trái của nước mắt bằng lửa không nhỏ hơn hoa trái của nước mắt bằng nước. Nhiều khi nó còn mạnh hơn, tuỳ theo mức độ của lòng mến. Vậy linh hồn không nên rối trí, cũng đừng sợ mất đi sự hiện diện của Cha, vì không có những nước mắt như nó muốn. Nó chỉ nên ước ao nước mắt theo ý Cha, nói có hay không, tuỳ lòng nhân lành Cha ban cho. Đôi khi, Cha không ưng ban cho nó những giọt nước mắt thể chất này, vì muốn nó luôn ở trước mặt Cha cách khiêm nhường và cầu nguyện liên lỉ, với nhiều ước ao được hưởng niếm Cha.

Đạt được điều cầu xin, thường không sinh ích nhiều cho nó, như nó nghĩ đâu. Có thể nó sẽ thoả mãn vì đạt được những gì nó ước ao, nhưng nó sẽ giảm bớt tâm tình, bớt ước ao và cầu xin. Không có những giọt lệ như thế, không phải là dấu nó sa sút, nhưng chính vì sự tiến bộ của nó mà Cha ép tình không ban nước mắt thể chất mà nó muốn đổ ra. Cha chỉ ban cho nó những giọt nước mắt nội tâm mà một trái tim bừng cháy lửa đức ái thần linh của Cha có thể đổ ra. Cha là Thầy Thuốc, các con là những bệnh nhân. Chính Cha sẽ ban phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu, những gì là cần thiết vì ơn cứu độ cho các con và vì sự tiến bộ trên đường trọn lành của các con.

Đấy là sự thật. Đó là sự trình bày của Cha, Chân Lý tối cao, về các bậc của nước mắt. Hỡi con rất yêu dấu của Cha, con hãy tắm gội trong Máu Chúa Kitô chịu đóng đinh, Con Chiên vẹn sạch, khiêm nhường và đau khổ! Con hãy luôn tiến thêm lên trên đàng nhân đức, để con được nuôi dưỡng bởi lửa đức ái thần linh của Cha.

Trong năm loại nước mắt thì bốn loại rất đa dạng. Thiên Chúa muốn được phụng sự vì là Đấng Hiện Hữu vô biên.

  1. Năm loại nước mắt mà Cha vừa nói với con là năm con kênh chính. Trong số này, bốn loại được coi là có tính biến đổi vô cùng, và tất cả đều ban sự sống, nếu chúng đổ ra do nhân đức. Khi Cha nói vô cùng, Cha không muốn nói là những nước mắt các con chảy ra là vô cùng, nhưng Cha gọi chúng có tính biến đổi vô cùng, vì sự ước ao của linh hồn thì vô cùng khi nước mắt đổ Trên đây, Cha đã giải nghĩa cho con thấy nước mắt xuất phát từ trái tim; niềm ước ao nồng nhiệt của trái tim tạo ra nước mắt, rồi trái tim tiếp những hạt nước mắt này cho cặp mắt để nó đổ ra. Khi một thân cây xanh ném vào lửa, sức nóng làm nó sủi bọt như khóc vì nó còn tươi; nếu nó khô, người ta không nghe nó rên khóc. Cũng vậy, trái tim trở lại xanh tươi nhờ tác động của ân sủng, nó không còn sự khô héo của tính tự ái vốn làm cho linh hồn ra khô khan; như vậy, nước mắt và lửa hiệp nhất tạo nên niềm ước ao thánh thiện. Và, bởi vì sự ước ao không bao giờ tận, cho nên nó không hề được no thoả ở đời này. Linh hồn càng yêu mến, nó càng tưởng mình ít yêu. Bởi vậy, nó không ngừng hối thúc niềm ước ao thánh thiện này, được đặt nền trên đức ái là nguồn suối của nước mắt.

Khi linh hồn lìa khỏi xác và được kết hợp với Cha là cùng đích của nó, nó sẽ không thôi ước ao Cha; nó không bỏ lại trên mặt đất niềm ước ao cũng như đức ái đối với tha nhân. Đức ái đã bước vào thiên đàng như một bà hoàng mang theo hoa trái của các nhân đức khác. Đúng là không còn chút đau khổ trong sự ước ao này; bởi vì, như Cha đã nói với con, linh hồn ước ao Cha và chiếm được Cha thực sự, không sợ mất đi điều mà nó ước ao từ lâu. Theo cách này, nó càng cảm thấy khao khát hơn, nhưng nếu nó đói, nó luôn được no thoả, và khi được no thoả, nó vẫn cảm thấy đói khát. Nó không chán ngán vì no thoả, cũng không khổ vì đói, vì nó không thiếu một cái gì cho cuộc sống hạnh phúc.

Con thấy đấy, niềm ước ao của các con thì vô cùng; mà phải như thế. Không một nhân đức nào có giá trị để đáng được sự sống vĩnh cửu, nếu như các con chỉ có những cái hữu hạn để phụng sự Cha. Vì Cha là Đấng Hằng Hữu và Vô Biên, Cha không muốn điều gì khác, ngoài tình yêu và lòng ước muốn của linh hồn. Đó là ý nghĩa Cha đã nói với con về tính biến đổi vô cùng của các loại nước mắt. Không gì đúng hơn, vì lẽ ước nguyện hoà trong nước mắt, mà nguyện ước thì vô cùng (Xc số 4).

Khi linh hồn rời khỏi thân xác, những giọt nước mắt nó để lại trên mặt đất, nhưng mang theo sự nồng nhiệt của đức mến, đã hút lấy hoa trái của các giọt nước mắt và thiêu đốt chúng trong lửa yêu mến; giống như nước ở trong lò lửa bị sức nóng của lửa hút lấy và tiêu huỷ nó. Cũng vậy, linh hồn nào đã được nếm lửa đức ái thần linh của Cha, thì khi ra khỏi đời này với tình yêu mến Cha và thương yêu tha nhân, là tình yêu hiệp nhất đã khiến nó chảy nước mắt ra, nó sẽ không ngớt dâng lên Cha những ước ao thánh thiện, chan hoà hạnh phúc và nước mắt vui sướng. Nó sẽ còn khóc mãi, khóc mà không buồn rầu, không bằng nước mắt thể chất vì đã bị tiêu huỷ trong lò lửa, nhưng bằng nước mắt lửa Thánh Thần.

Con thấy chưa, nước mắt của con người thì vô tận ở đời này, không miệng lưỡi nào kể ra hết sự đa dạng của các loại nước mắt người ta đổ ra ở thế gian này. Cha chỉ trình bày cho con thấy tính biến đổi của bốn loại thôi.

Về hoa trái của những nước mắt do người đời đổ ra.

  1. Bây giờ, Cha còn phải nói với con về hoa trái của loại nước mắt đổ ra bởi lòng ước Cha sẽ bắt đầu bằng loại nước mắt thứ năm, mà Cha đã nhắc tới hồi đầu, đó là nước mắt của những kẻ sống theo thế gian với một cuộc đời khốn khổ và đau thương, chúng đau khổ vì người khác, vì các loài thọ tạo, vì dục vọng của chúng, rất tai hại cho linh hồn và thân xác chúng.

Cha đã nói: mọi nước mắt đều phát ra từ trái tim, bởi vì trái tim yêu mến bao nhiêu thì đau khổ cũng bấy nhiêu. Bởi vậy, những kẻ sống theo thế gian sẽ khóc khi trái tim chúng đau khổ, nghĩa là khi trái tim chúng không đạt được hay mất đi những gì chúng yêu thích. Và nước mắt của chúng rất đa dạng, cũng như những mối tình của chúng rất đa dạng. Vì gốc rễ bị hư thối bởi tính tự ái đầy dục vọng, cho nên mọi cái chúng sản sinh ra đều hư thối. Đó là loại cây chỉ sinh ra những trái của sự chết, những bông hoa hư thối, những lá dơ bẩn, những cành xà xuống đất, bị gió đánh đập tơi bời.

Các con là những cây của tình yêu, bởi vì Cha đã tạo thành các con vì thương yêu các con. Các con không thể sống không tình thương. Linh hồn sống theo nhân đức thì cắm rễ cây của nó trong thung lũng của đức khiêm nhường. Trái lại, những kẻ sống trong đời truỵ lạc sa đoạ, thì đặt rễ của nó trên núi của tính kiêu ngạo. Được trồng cách vô lối như thế, nó không sinh ra những trái của sự sống, nhưng chỉ sinh ra những trái của sự chết. Những trái đó, tức những công việc của chúng, đều nhiễm độc bởi đủ thứ tội lỗi. Đôi khi chúng làm một vài việc tốt, nhưng vì rễ cây đã hư thối, nên những gì nó làm ra cũng hư thối. Linh hồn ở trong tình trạng tội trọng không thể làm một điều thiện đáng hưởng sự sống đời đời, bởi vì hành vi đó đã không được thực hiện trong ân sủng. Tuy nhiên, linh hồn đó không nên bỏ qua các việc lành, bởi vì mọi điều thiện sẽ được thưởng và mọi tội lỗi đều bị phạt. Việc lành thực hiện khi không có ân sủng không đáng được sống muôn đời, nhưng lòng nhân hậu và đức công minh của Cha sẽ ban cho nó một phần thưởng nào đó, đối với công việc bất toàn nó dâng lên Cha. Có khi Cha thưởng cho nó những của cải trần gian, có khi Cha ban cho nó thời giờ cần thiết để sửa mình, như Cha đã nói với con trên kia. Đôi khi Cha thông ban cho nó sự sống của ân sủng, vì xét đến những lời cầu nguyện của các tôi tớ Cha, những tôi tớ rất đẹp lòng Cha. Cha đã làm như thế cho Phaolô, vị tông đồ vinh hiển của Cha. Phaolô đã nhờ lời cầu xin của chứng nhân Stêphanô, mà từ bỏ được sự bất trung và thôi bách hại các Kitô hữu. Vậy con thấy đó, dầu ở tình trạng nào, linh hồn cũng đừng bỏ làm việc lành.

Cha đã nói với con, các bông hoa của cây nói trên đều hư thối; đúng vậy. Đó là những tư tưởng hư hỏng của trái tim, chúng xúc phạm đến Cha, đồng thời rất khó chịu và đáng ghét đối với tha nhân. Kẻ sống theo thế gian là một tên ăn trộm, nó đã cướp lấy vinh dự của Cha là Đấng đã tạo thành nó, để mang về cho bản thân nó. Các loại hoa của nó xông ra mùi hôi tanh của những phán đoán sai lầm và mù quáng. Trước hết, nó phán đoán Cha cách sai lầm, nó phán đoán các ý định và các mầu nhiệm của Cha cách hết sức bất công, nó chê ghét những gì Cha làm vì yêu thương, nó tố cáo là dối trá những gì Cha làm vì chân lý, nó nhìn thấy sự chết ở nơi Cha là Đấng ban sự sống. Nó phán đoán mọi sự, lên án mọi người theo ý riêng của nó. Vì mắt trí tuệ của nó đã mất ánh sáng, do tính tự ái đầy tính dục, giống như một cái vẩy trên con ngươi của đức tin nó, nên nó không thể nhìn xem và nhận biết được sự thật.

Sau là, nó phán đoán tha nhân cách mù quáng, đó là nguồn mạch sinh ra biết bao điều xấu xa. Kẻ khốn khổ này không biết mình mà lại cho mình là biết lòng dạ của người khác. Do một hành động nó thấy, do một lời nó nghe, nó muốn phán đoán về ý nghĩ của người ta. Các tôi tớ Cha luôn phán đoán tốt cho tha nhân, vì họ lập căn trên Cha là Sự Thiện tối cao; trái lại, những kẻ sống theo thế gian luôn phán đoán xấu, bởi vì chúng chỉ dựa vào điều gian ác trong lòng chúng. Biết bao lần những phán đoán mù quáng đó đã sinh ra thù hằn, giết người, oán ghét tha nhân, xa tránh đường nhân đức của các tôi tớ Cha!

Rồi những lá sinh ra bởi tâm tình độc ác đó: đó là những lời phát ra từ miệng chúng khinh chê Cha, khinh rẻ Máu Con Một Cha, cũng như để làm hại tha nhân. Đó là những lời nói không có mục đích nào khác ngoài tội phạm thượng và phỉ báng công việc của Cha, nói và chê bai mọi người chúng tiếp xúc, và mỗi khi lòng trí của chúng suy nghĩ điều gì, đều phán đoán tuỳ tiện và theo lòng xấu xa. Những kẻ mù quáng đó đã quên, miệng lưỡi được ban cho là để tôn vinh Cha và thú nhận tội lỗi mình, và ra sức lấy tình thương mà làm việc nhân đức, cũng như lo ơn cứu độ tha nhân. Đó là những chiếc lá tội lỗi, đâm ra từ con tim không trong sạch; trái tim đó đã ra hư hỏng bởi sự gian tà và trăm ngàn tội lỗi.

Không kể những tai hoạ gây nên cho linh hồn bởi sự mất ân sủng, còn biết bao tai biến khác đã xảy ra ở đời, do những cái lưỡi điêu ngoa này! Biết bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu hận thù giữa các công dân với nhau, bao nhiêu tội sát nhân, và bao nhiêu sự dữ khác! Bởi vì lời nói đi sâu vào trái tim của người nghe, nó đâm vào tận chỗ mà lưỡi dao găm không thấu tới!

Cha nói cây này có bảy ngành sà xuống mặt đất, đầy những thứ hoa và trái mà Cha vừa nói. Những ngành này là bảy mối tội đầu sinh ra biết bao tội lỗi khác: chúng gắn liền với gốc cây là tính tự ái và sự kiêu ngạo. Chính từ cái rễ này đã phát ra những bông hoa, tức những tư tưởng xấu, những lá, tức những lời thù oán, và những trái, tức những công việc đầy tội ác.

Các ngành này sà xuống đất, đó là những tội trọng, chúng không có định hướng nào khác, nhưng kéo lê trên mặt đất, hướng về những của cải mong manh và hỗn độn của thế gian; chúng không có xu hướng nào khác ngoài muốn được ăn đất một cách say mê, mà không bao giờ no thoả. Chúng không thể nào no thoả và không chịu nổi chính mình chúng. Chúng luôn luôn bất an, luôn luôn trống rỗng; thật vậy, bởi vì chúng ước muốn những sự không thể làm chúng thoả mãn. Làm sao chúng có thể thoả mãn được? Vì chúng chỉ tìm kiếm những của cải chóng hư nát và hữu hạn, trong khi chúng là vật bất tận, vì hữu thể của chúng sẽ tồn tại mãi mãi, cho dù tội trọng đã làm chúng mất đi ân sủng.

Con người được đặt trên mọi loài thụ tạo, chứ không phải các loài thụ tạo ở trên nó. Bởi vây, nó chỉ được no thỏa và tìm được sự an nghỉ nơi một hữu thể cao trọng hơn nó. Mà ở trên nó, không ai khác ngoài Cha, là Thiên Chúa hằng hữu, và chỉ mình Cha có thể làm cho nó thoả mãn. Nhưng con người đã tự lìa xa Cha do tội lỗi của nó, bởi vậy, nó luôn luôn bị dày vò, luôn luôn buồn rầu và thao thức, khiến nó khóc lóc. Rồi những cơn gió ngược sẽ nổi dậy đánh ngã cây tự ái đầy tính dục, mà nó coi là hạnh phúc cho cuộc sống. Có nhiều thứ gió khác nhau, như Cha sẽ giải thích sau đây.

Kẻ sống theo thế gian khóc lóc, vì bị đập ngã bởi bốn thứ gió khác nhau.

  1. Kẻ sống theo thế gian bị đập đánh bởi nhiều thứ gió. Có gió thuận, có gió không thuận, có gió sợ hãi và có gió lương tâm. Đó là bốn thứ gió. Gió thuận dễ làm gia tăng tính kiêu ngạo, một sự tự cao ngu xuẩn; đề cao mình và khinh rẻ người khác. Nếu nắm được quyền hành, nó sẽ làm nhiều chuyện bất công. Trái tim nó đầy những bất công và phù phiếm, một bên bị chi phối bởi sự thiếu trong sạch của thể xác và tâm trí, bên kia bị chi phối bởi hư danh và tự ái. Và còn biết bao nết xấu khác mà lưỡi không thể nào kể xiết.

Gió thuận có hại không? Không! Nhưng vì cái gốc rễ của cây hư thối đã làm hư hỏng cả phần còn lại. Cha ban cho các con mọi sự, mà Cha là Đấng Tốt Lành vô cùng, nên gió thuận không hề xấu. Nếu bởi gió này mà kẻ sống theo thế gian phải đau khổ và khóc lóc, thì phải tìm ra nguyên nhân trong trái tim nó. Trái tim không được thoả mãn, vì nó ước ao những gì không thể có. Không đạt được, nó ưu sầu. Sự ưu sầu khiến nó chảy nước mắt ra, bởi vì, như Cha đã nói với con, con mắt luôn muốn làm thỏa mãn trái tim.

Rồi gió sợ hãi nô lệ thổi. Gió này làm cho con người sợ cái bóng của chính mình; nó sợ mất đi những gì nó yêu chuộng. Nó sợ mất sự sống, sợ mất con cái, sợ mất người yêu, sợ mất địa vị, sợ mất danh vọng và của cải, sợ mất tài sản của người thân; nó sợ vì tự ái, vì tham lam, vì hà tiện. Sự lo sợ này không để nó nghỉ ngơi lúc nào hết, còn làm vẩn đục mọi niềm vui của nó. Nó không sở hữu các tài sản này trong trật tự và theo Thánh ý Cha, do đấy mà sinh ra sự sợ hãi và kinh hoàng này. Nó đã trở thành tên nô lệ đáng thương hại của tội lỗi. Người ta có thể nghĩ là nó đã trở nên giống như sự vật mà nó đem thân làm nô lệ chỉ vì tội lỗi, mà tội lỗi không là cái gì hết. Tội lỗi là hư vô; nó làm nô lệ cho tội lỗi, vậy là nô lệ của hư vô, nó đi đến chỗ chết (Xc Rm 6:15,19-21).

Gió sợ hãi chưa hết thổi, thì đây là những cơn gió gian truân và nghịch cảnh làm con người nơm nớp sợ. Gió này khiến nó mất toàn bộ hay một phần những gì nó đang có: mất toàn bộ là khi nó mất sự sống, vì cái chết buộc nó bỏ hết mọi sự; mất một phần là khi nó mất vật này hay vật kia, mất sức khoẻ, mất con cái, mất của cải, mất địa vị, mất danh vọng, tuỳ theo Cha là Thầy Thuốc giỏi, Cha thấy điều nào cần thiết cho ơn cứu độ của nó. Bởi vì, Cha gửi những thử thách ấy đến là để cứu linh hồn nó.

Nhưng sự yếu đuối của con người đã tới lúc kiệt quệ, nó không tự biết mình và nhận biết Cha, không biết nếm hoa trái của đức nhẫn nại. Cho nên nó thành ra bất nhẫn, sinh gương mù, nói cục cằn, xa cách Cha và các tạo vật của Cha. Cái mà Cha ban như hồng ân để sống, thì nó tiếp nhận như một thứ để chết, và khi chúng đau khổ vì mất mát hay thiệt thòi thứ gì, thì chúng coi đó là tình yêu của chúng. Cho nên nó đổ ra những giọt nước mắt giận giữ và chống đối, làm khô héo linh hồn, và giết chết sự sống của ân sủng. Những nước mắt đó cũng làm khô héo và tiêu hao thân xác, làm mù quáng con người cả tinh thần lẫn thể chất. Con người đó mất hết mọi niềm vui, vì nó không còn chút hy vọng nào nữa. Những cái nó có, được coi là niềm vui và yêu thích, niềm cậy trông và tin tưởng, nay mất đi, nên nó khóc lóc.

Thật ra, không phải những nước mắt đã sinh ra sự chết đâu, nhưng trước hết là vì tình yêu hỗn loạn của con tim, nơi xuất phát loại nước mắt này. Những nước mắt ấy, tự chúng không mang lại sự chết, cũng không đáng phải hình phạt, nếu chúng không xuất phát từ cái nguồn xấu xa này, tức tính tự ái, một tình yêu hỗn loạn của trái tim. Nếu trái tim được ân sủng uốn nắn ngay thẳng, nước mắt đổ ra sẽ là loại nước mắt tốt lành, có sức ép Cha dủ lòng thương xót. Tại sao Cha lại gọi nước mắt của những kẻ sống theo thế gian là loại nước mắt của sự chết? Cha đã nói: loại nước mắt này là dấu hiệu của sự chết, bởi vì nước mắt là sứ giả đem tin sự sống hay sự chết trong trái tim.

Đến lúc gió lương tâm nổi lên: đây là một sứ giả nữa của lòng nhân hậu Cha. Bằng cơn gió thuận, Cha đã muốn kéo kẻ tội lỗi về với Cha vì tình thương. Rồi Cha lay động nó bằng sự sợ hãi, làm tâm hồn nó xao xuyến lo âu, để dẫn nó tới chỗ từ bỏ thứ tình yêu hỗn loạn, nhưng yêu mến nhân đức. Cha đã thử thách nó bằng những gian truân, để giúp nó nhận ra tính mong manh của thế gian, và không nên tin tưởng nơi người phàm. Nếu những phương cách nói trên vô hiệu, Cha gửi đến nó sự cắn rứt lương tâm, để chúng mở miệng ra và tống khứ mọi xú uế tội lỗi, bằng việc xưng ra các tội lỗi trong toà hoà giải. Nhưng nó ngoan cố trong đường tội lỗi, xa lánh Cha, cố tình từ chối tình thương và ân sủng của Cha. Để thoát khỏi sự cắn rứt của lương tâm, nó tìm cách bịt tiếng lương tâm bằng những thú vui trác táng, coi thường Cha và khinh rẻ tha nhân.

Lý do là vì rễ cây cũng như toàn thân cây đã hư thối, cho nên cái gì cũng là nguyên nhân dẫn nó đến sự chết (Xc Mt 7:16-18; Lc 6:43-44). Kẻ khốn nạn này sẽ ở trong sầu khổ, rên siết và nước mắt, và nếu nó không hối cải khi còn thời giờ sử dụng ý chí tự do để định đoạt, nó sẽ đi từ nước mắt có tận đến nước mắt bất tận, nghĩa là rơi vào chốn khóc lóc muôn đời. Những gì trước kia là hữu hạn, nay trở nên vô hạn và bất tận; bởi vì những nước mắt này đã đổ ra do một sự thù ghét bất tận đối với nhân đức, nghĩa là với một tâm trạng phát sinh từ sự oán ghét bất tận. Sự thật là, nếu nó muốn, nó đã có thể tránh được sự khóc lóc muôn đời, bằng sự cầu cứu ân sủng của Cha, khi nó còn quyền tự do lựa chọn.

Cha nói loại nước mắt này vô cùng, xét theo sự ước ao và bản tính của linh hồn, chứ không xét theo sự thù ghét hay lòng yêu mến của linh hồn. Bởi vì bao lâu các con còn sống, các con có thể yêu mến hay thù ghét tuỳ ý, nhưng khi đã kết thúc cuộc đời trong sự yêu mến nhân đức, nó sẽ được hạnh phúc bất tận, nếu như chết trong sự thù ghét, nó sẽ ở trong sự thù ghét bất tận cùng với án phạt muôn đời. Từ đấy, nó không thể ước ao điều thiện nữa, vì đã mất lòng thương xót của Cha, mất tình bác ái huynh đệ mà các phúc nhân của Cha có được đối với nhau, cũng như đức ái giữa các con, những kẻ còn là lữ khách trên dương thế, nơi Cha đặt để các con đi tới cùng đích là sự sống vĩnh cửu. Bởi vậy, những lời cầu xin, những của bố thí và các việc lành phúc đức đều không giúp ích gì cho nó. Nó là những chi thể đã tách lìa khỏi thân bác ái thần linh của Cha, vì khi còn sống, nó đã không muốn vâng giữ các giới răn, để kết hợp với nhiệm thể của Hội Thánh là Mẹ nó, nơi các con được hưởng Máu Con Chiên vẹn sạch, Con yêu dấu của Cha.

Nó lãnh nhận hoa trái của án phạt muôn đời, cùng với khóc lóc và nghiến răng (Xc Mt 22: 1:14). Nó là chứng nhân của ma quỷ; ma quỷ thưởng công cho nó một cách xứng đáng với chúng. Con thấy đó, loại nước mắt của kẻ sống theo thế gian mang lại cho nó những đau khổ cay đắng ở đời tạm này, và vào giờ chết sẽ cho nó hợp đoàn cùng lũ quỷ.

Những hoa trái của loại nước mắt thứ hai và thứ ba.

  1. Bây giờ Cha nói với con về hoa trái, mà những kẻ bắt đầu từ bỏ tội lỗi vì sợ hãi hình phạt, để được nhận ân sủng. Có những người thoát khỏi sự chết của tội trọng vì sợ hình phạt, và đó là ơn gọi chung cho phần đông. Họ nhận được những hoa trái nào? Họ bắt đầu thanh tẩy tâm hồn khỏi ô uế tội lỗi, từ từ theo mức độ ý muốn thoát khỏi sự sợ hãi nô lệ. Một khi linh hồn được rửa sạch tội lỗi, họ tìm lại sự bình an của lương tâm: họ lo xếp đặt trật tự cho tâm tình, mắt trí tuệ mở ra để nhìn rõ con người của họ, mà trước kia chỉ nhìn thấy biết bao tội lỗi đủ thứ. Linh hồn bắt đầu được một chút an ủi, con sâu của lương tâm để nó yên, cho phép linh hồn ăn món ăn nhân đức.

Khi bao tử của cơ thể hết chướng khí, thì nó thèm ăn. Cũng vậy, linh hồn nhờ bàn tay ý chí tự do đem đến sự yêu chuộng nhân đức, và vừa khi có lòng yêu mến nhân đức, nó thèm ăn. Thật vậy, nhờ có sự sợ hãi này, linh hồn tẩy rửa tâm hồn mình khỏi tội lỗi, và nhận lấy hoa trái. Đó là nước mắt loại hai. Nơi đây, nhờ tâm tình yêu mến nhân đức, linh hồn bắt đầu xây dựng ngôi nhà nhân đức của mình, tuy còn là một ngôi nhà bất toàn. Sau khi thoát khỏi sự sợ hãi, linh hồn được an ủi và thanh thản, vì trái tim nó triển nở trong Đấng Chân Lý dịu hiền của Cha và trong Cha là Tình Yêu. Nhờ sự thanh thản và an ủi này nó gặp được Cha, nó bắt đầu yêu mến trong hạnh phúc, vì được hưởng niềm vui ở trong Cha và nơi các tạo vật của Cha.

Nhờ sự luyện tập, đức mến thấm nhập vào linh hồn đã hết sợ hãi, nó bắt đầu được thưởng nếm những hoa trái của lòng nhân hậu Cha. Từ nay, nó ở trong và làm chủ ngôi nhà nội tâm của nó: nó bắt đầu vui hưởng với những hoa trái rất nhiều và đủ loại của sự an ủi.

Sau cùng, nhờ sự kiên trì, linh hồn nhận được một hoa trái mới là bàn tiệc. Thật vậy, nó đi từ sự sợ hãi đến sự yêu mến nhân đức, nó ngồi vào bàn tiệc, nghĩa là đạt tới loại nước mắt thứ ba. Cha muốn nói: trong trái tim, nó sắp đặt bàn tiệc Thánh giá với thức ăn là sự sống Ngôi Lời của Cha; đó là sự vinh hiển của Cha và ơn cứu độ của các con. Chính vì vinh quang của Cha và vì ơn cứu độ cho các con, mà Trái Tim Con Một Cha đã mở ra, và thân thể Ngài đã được ban làm của nuôi các con. Vậy, linh hồn được nuôi dưỡng bằng vinh quang của Cha và ơn cứu độ các linh hồn, với gia vị là sự gớm ghét tội lỗi.

Linh hồn rút ra được hoa trái nào từ bậc thứ ba này? Cha sẽ nói cho con nghe đây. Trước hết, nó được sức mạnh, dựa trên sự chê ghét tính dục của mình, và được một sự khiêm nhường đích thực, một đức nhẫn nại giải thoát linh hồn khỏi mọi vấp phạm và mọi đau khổ, bởi vì bằng lưỡi gươm của sự chê ghét nết xấu, nó đã giết chết ý riêng là căn nguyên mọi ưu phiền của các con. Chỉ ý muốn theo tình cảm mới bị vấp phạm vì những thoá mạ, những bách hại, và vì phải mất những an ủi trần thế hay thiêng liêng, như Cha đã nói với con; cũng vì thế mà linh hồn trở nên bất nhẫn và nổi loạn. Nhưng một khi ý muốn nó đã chết đi trong niềm ước nguyện thánh thiện hoà tan với nước mắt, thì linh hồn bắt đầu được hưởng nếm hoa trái của đức nhẫn nại.

Ôi, ngọt ngào thay hoa trái của đức nhẫn nại! Đó là sự ngọt ngào lớn lao mà nhân đức này ban cho các kẻ chiếm hữu nó, và nó đẹp lòng Cha dường nào! Nó cho người ta tìm thấy niềm vui trong những cay đắng, tìm được bình an khi bị sỉ nhục. Nhờ nó mà trên biển cả đầy sóng gió, con thuyền của linh hồn tuy phải nhào lộn ba chìm bảy nổi, vẫn bình an và bảo đảm, vì được che chở bởi Thánh ý dịu hiền và đức ái thần linh của Cha, để giông tố không thể nhận chìm được nó.

Ôi, con rất yêu dấu của Cha, đức nhẫn nại như một nữ hoàng quyền thế nhưng dịu hiền. Ngồi trên đá tảng của sức mạnh, nó luôn luôn chiến thắng, nó luôn luôn chiến thắng, không bao giờ bị đánh bại. Nó không cô đơn, vì luôn có người bạn là sự vững tâm. Nó là cốt tuỷ của đức ái. Chính nó cho người ta thấy sự hiện diện của đức ái, chính nó chứng tỏ linh hồn được mặc áo cưới. Nếu áo này bị rách chỗ nào, bị khuyết tay thợ ở chỗ nào, chỉ trong tích tắc kẻ thù của nó là bất nhẫn cho thấy ngay.

Có thể dễ sai lầm về tất cả các nhân đức khác. Người ta tưởng chúng đã thiện hảo, chưa hẳn chúng thiện hảo đâu, bao lâu chúng chưa có bằng chứng của sự nhịn nhục. Đức nhẫn nại là cốt tuỷ của đức ái trong linh hồn, nhân đó nó cho thấy các nhân đức có thật sự hoàn hảo và sống động hay không. Nếu chúng không được sự chứng thực của đức ái nhẫn nại, chúng vẫn bị coi là còn ở trong tình trạng bất toàn, chưa đạt tới bàn tiệc của Thánh giá. Đức nhẫn nại được cưu mang trong sự tự biết biết và nhận biết lòng nhân hậu của Cha, và nó được sinh ra bởi sự chê ghét nết xấu, được xức dầu bởi đức khiêm nhường đích thực. Đức nhẫn nại không bao giờ từ chối thức ăn được dọn ra trên bàn này, đó là vinh quang của Cha và ơn cứu độ các linh hồn. Nó luôn được nuôi dưỡng bằng những món ăn này.

Con rất yêu dấu của Cha, con hãy nhìn xem các chứng nhân tử đạo vinh hiển và anh dũng của Cha. Nhờ đức nhẫn nại, họ đã ăn của ăn này, đã sống bằng ơn cứu độ các linh hồn. Sự chết của các chứng nhân mang lại sự sống, làm cho kẻ chết sống lại, xua đuổi bóng tối tăm của tội lỗi. Thế gian và quyền lực của nó, các quân vương và uy quyền của nó đã không thể chống lại được họ. Họ đã toàn thắng tất cả, nhờ thần lực của bà hoàng này (XC Dt 11:31-38), tức của đức nhẫn nại dịu hiền. Nhân đức này quả là chiếc đèn đặt trên trụ (Xc Mt 5:15).

Đó là hoa trái sinh ra do nước mắt loại ba, khi linh hồn được kết hợp với đức yêu thương tha nhân. Nơi bàn tiệc của thập giá, linh hồn ăn thức ăn này bên cạnh Con Chiên vẹn sạch, Con Một Cha, trong niềm ước ao nồng nhiệt, và đau đớn trong một nỗi buồn khôn tả vì những xúc phạm đến Cha. Tuy nhiên, sự đau đớn này không làm khô héo linh hồn, bản thân linh hồn không đau khổ, bởi vì nhờ đức nhẫn nại, lòng mến yêu đã tiêu diệt mọi lo sợ và tính tự ái, là tính vốn làm con người lanh chân trốn chạy trước những đau khổ và cực nhọc cho bản thân. Trái lại, sự đau khổ và cực nhọc đối với linh hồn này là điều ước mong, nó chỉ đau khổ khi Cha bị xúc phạm và thấy tha nhân phải hư đi; tất cả bắt nguồn từ đức ái. Bởi vậy, đau khổ làm cho linh hồn trở nên vững mạnh và là nguồn hoan lạc; đấy cũng là bằng chứng không thể chối cãi được của sự kết hợp linh hồn với Cha trong ân sủng.

Về hoa trái của loại nước mắt thứ bốn: những giọt nước mắt của ơn hiệp nhất.

  1. Cha đã nói với con về hoa trái của loại nước mắt thứ Bây giờ Cha sẽ bàn với con về loại thứ bốn, và là loại sau cùng; đó là những giọt nước mắt của ơn hiệp nhất. Như Cha đã nói với con, bậc thứ bốn này không tách rời khỏi bậc thứ ba; hai bậc hiệp nhất với nhau, như tình yêu mến Cha phối hiệp với tình yêu thương tha nhân, cái này là điều kiện cho cái kia. Linh hồn đã tiến bộ nhiều, đến độ nó không những bằng lòng chịu bách hại cách nhẫn nhục, mà còn vui vẻ ước ao nữa. Đó là đặc tính của bậc thứ bốn này. Từ nay, linh hồn khinh chê mọi niềm vui bất cứ bởi đâu mà đến, và chỉ có một ước ao là ngày càng trở nên giống Đấng Chân Lý dịu hiền của Cha, là Đức Kitô chịu đóng đinh (Xc Pl 3:8).

Hoa trái của linh hồn nhận được từ đó là một sự an nghỉ hoàn toàn của tâm trí, một sự kết hợp mật thiết và êm ái với bản tính thần linh dịu hiền của Cha; nơi đó, nó được uống sữa, như trẻ thơ kêu khóc sẽ thôi ngay khi nó được đặt vào lòng mẹ nó, môi nó được đặt vào núm bầu sữa nơi ngực mẹ nó. Cũng vậy, linh hồn đạt tới bậc sau cùng này sẽ được an nghỉ trên lòng của đức ái thần linh của Cha, nó sẽ áp đôi môi của niềm ước ao thánh thiện và da thịt của Chúa Kitô chịu đóng đinh, nghĩa là nó sẽ hết lòng đi theo vết chân và giáo lý của Ngài. Bởi vì ở bậc thứ ba, nó đã hiểu không phải Cha, Chúa Cha hằng hữu, là con đường nó phải theo vì nơi Cha không có một sự đau khổ nào hết; nhưng nó phải theo vết chân của Con yêu dấu của Cha, là Ngôi Lời Tình Yêu, Chúa Kitô chịu đóng đinh. Các con cũng vậy, các con không thể trải qua cuộc đời mà không phải đau khổ. Phải qua nhiều gian truân các con mới tạo được những nhân đức chân thật và vững chắc. Vậy, các con hãy gắn bó với trái tim Chúa Kitô chịu đóng đinh là Chân Lý, từ đó các con sẽ uống sữa nhân đức, mang lại cho các con sự sống ân sủng. Các con hãy nếm nơi Ngài bản tính thần linh của Cha làm cho các nhân đức trở nên ngọt ngào. Tự chúng, các nhân đức không ngọt ngào, nhưng trở nên ngọt ngào khi ở trong Cha và được kết hợp với tình thương của Cha, nghĩa là khi linh hồn không tìm kiếm lợi ích riêng mình nữa, mà chỉ lo cho vinh quang của Cha và ơn cứu độ các linh hồn.

Con dịu hiền của Cha, con thấy chưa, bậc này rất êm ái và vinh hiển, đến nỗi riêng nó không ngừng được uống sữa từ lòng Cha, nguồn suối không bao giờ cạn. Không bao giờ nó tách rời khỏi Chúa Kitô chịu đóng đinh, cũng như không bao giờ rời khỏi Cha là Chúa Cha hằng hữu mà nó luôn thấy ở trong nó, vì nó đã được nếm thần tính vĩnh cửu của Cha. Ôi, ai hiểu được các tài năng của linh hồn được hưởng ở đó sự tràn đầy chừng ấy! Trí nhớ thì luôn luôn nghĩ tưởng đến Cha, với tình yêu mến, nó luôn gợi lại các ơn lành Cha ban; nó yêu mến không vì các ơn lành ấy, cho bằng tình thương của Cha.

Trước hết, nó suy nghĩ đến ơn tạo thành, nhờ đó Cha đã tác tạo nên nó theo hình ảnh và giống Cha. Sự suy niệm về ân ban này sẽ giúp nó nhận ra sự vô ơn bội nghĩa của nó đáng phải trừng phạt, như Cha đã trình bày ở nơi bậc thứ nhất ở trên, và nhân đó nó thoát khỏi các nỗi khốn cùng, nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa Kitô. Linh hồn được tẩy rửa khỏi phong cùi tội lỗi, được tái tạo trong ân sủng. Như vậy, nó bước lên bậc thứ hai, nơi đó nó cảm nhận sự an ủi lớn lao và sự ngọt ngào của đức ái, nhưng cũng đau đớn vì tội lỗi đã phạm. Lúc ấy, nó hiểu tính chất nặng nề của tội lỗi, khi thấy Cha trừng phạt tội lỗi của nó như thế nào trên thân thể của Con Một Cha.

Nó còn nhớ lại sự giáng lâm của Chúa Thánh Thần, Đấng đã soi sáng và mãi mãi soi sáng các linh hồn trong sự thật (Xc Ga 16:8). Linh hồn nhận được ánh sáng này khi nào? Khi nó được giải thoát trong bậc thứ nhất và bậc thứ hai. Lúc ấy, Cha gìn giữ nó, cho nó một ánh sáng tuyệt vời, sẽ soi sáng nó biết Cha là Chúa Cha hằng hữu, và cho nó hiểu rằng: vì tình thương, Cha đã tạo thành nó để nó được sự sống vĩnh cửu. Đúng là sự thật Cha đã mặc khải cho con trong Máu Thánh Chúa Kitô chịu đóng đinh. Một khi linh hồn hiểu được sự thật này, nó sẽ yêu mến Đấng Chân Lý của Cha, và vì nó yêu mến, nó muốn chứng tỏ lòng mến yêu của nó bằng cách chỉ yêu mến những gì Cha yêu mến, và chê ghét những gì Cha chê ghét. Như vậy, nó lên bậc thứ ba của đức ái đối với tha nhân.

Ở trong bậc thứ ba này, linh hồn thoát khỏi sự bất toàn. Trí nhớ nằm gọn trong lòng đức ái: nó hằng suy tưởng và luôn ghi lại các ân huệ của Cha. Trí tuệ thì nhận được ánh sáng và được trí nhớ gợi lại, nó nhìn ra sự thật, và khi được thoát khỏi sự mù quáng của tính tự ái, nó ngắm nhìn Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, và nhận biết đây vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Ngoài trí thức này có được nhờ sự kết hợp với Cha, nó còn được nâng lên tới một ánh sáng thiên phú không do bản tính của nó, cũng không thể có được nhờ tập luyện trong đàng nhân đức, nhưng bởi một đặc sủng do Đấng Chân Lý dịu hiền của Cha ban cho, vì Ngài đã không khinh chê những ước ao nồng nhiệt và những hy sinh con người dâng lên Cha. Khi đó trái tim đi theo trí tuệ và kết hợp với Cha bằng một tình mến yêu rất trọn vẹn và thắm thiết. Nếu có hỏi Cha linh hồn đó là ai, Cha sẽ trả lời: là một Cha khác, do sự biến đổi trong Cha bằng tình yêu.

Lưỡi nào có thể kể ra được sự huyền diệu của bậc sau cùng này, bậc hiệp nhất, và những hoa trái vừa nhiều vừa đủ loại mà linh hồn nhận được, qua ba tài năng của linh hồn? Đó là sự liên kết của các quan năng mà Cha đã nói với con, khi tỏ bày cho con về ý nghĩa tổng quát ba bậc của cây cầu. Không lưỡi nào có thể nói được, nhưng các bậc tiến sĩ của Cha đã trình bày rõ ràng điều đó khi chú giải Thánh Kinh, vì các ông được soi sáng bởi ánh sáng thiên phú huy hoàng này. Tôma Aquinô vinh hiển, thuộc dòng con, như ông đã tự nói ra: ông đã múc được sự thông thái cho mình trong những giờ cầu nguyện và những lúc xuất thần, được chìm trong ánh sáng trực tiếp soi sáng trí tuệ, hơn là trong các cuộc nghiên cứu của trí óc loài người. Bởi vậy, vị tiến sĩ này đã được Cha đặt làm ánh sáng trong nhiệm thể của Hội Thánh, để xua đuổi bóng tối sai lầm.

Và Gioan, tác giả sách Tin Mừng của Cha cũng vậy! Ông đã nhận được ánh sáng trên ngực Chúa Kitô, Con Một Cha, với ánh sáng đã tiếp nhận được, Gioan mang sứ điệp của Cha đến cho thế giới một thời gian rất lâu. Bằng cách này hay bằng cách khác, chư vị này đã tỏ cho thế giới nhìn thấy ánh sáng đó. Nhưng tâm tình bên trong mà các vị cảm thấy, sự ngọt ngào khôn tả mà các vị được nếm, sự kết hợp trọn vẹn giữa các vị và Cha, thì không lưỡi nào kể ra được, vì lưỡi là sự vật hữu hạn. Đó chính là điều Phaolô muốn phát biểu khi ông nói: “Mắt không hề thấy, tai không hề nghe, lòng người không thể nghĩ tới, đó lại là hạnh phúc Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (1Cr 2:9).

Ôi, vui sướng chừng nào: vui sướng hơn tất cả mọi sự vui sướng, sự kết hợp giữa Cha và linh hồn. Ý muốn biến mất khỏi linh hồn, vì linh hồn đã trở nên một với Cha. Khắp thế giới, linh hồn toả ra hương thơm là hoa trái của những lời cầu nguyện khiêm nhường và liên lỉ của nó. Trầm hương của niềm ước nguyện của nó luôn bay lên tới Cha, như một lời khẩn nguyện không ngừng cho ơn cứu độ các linh hồn. Đó là một tiếng nói không lời, luôn kêu cầu trước Thánh nhan Cha.

Cha đã nói đến những hoa trái ở đời này, và lương thực của linh hồn ở bậc cao nhất, là bậc mà linh hồn đã đạt tới bằng bao niêu cực nhọc, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Bằng một sự kiên trì trong ân sủng, nó đi từ sự kết hợp còn bất toàn này sang sự kết hợp vững bền và vĩnh cửu. Cha gọi sự kết hợp này còn bất toàn, vì bao lâu linh hồn còn bị ràng buộc với thân xác ở đời này, nó không hoàn toàn được no thoả về những gì nó ước ao, và cũng vì nó chưa hoàn toàn được giải thoát khỏi luật gian tà này, nó chỉ dịu đi do sự kềm chế bởi lòng yêu mến nhân đức. Luật đó chưa chết đâu, nó có thể vùng dậy, nếu uy lực của nhân đức vốn bắt nó nằm yên không còn. Bởi vậy, Cha gọi sự kết hợp này là bấttoàn; bất toàn, nhưng nó sẽ đưa linh hồn tới chỗ hoàn thiện vững chắc, không gì có thể cướp mất được, như Cha đã nói khi nhắc đến các phúc nhân trên trời: chư vị thật sự được vui hưởng Cha là Sự Sống vĩnh cửu, và là Sự Thiện tối cao bất tận.

Trong khi nhiều kẻ khác đã chuốc lấy cái chết muôn đời từ những dòng nước mắt khóc lóc của chúng, thì những người ở bậc cao nhất này đã nhận được sự sống đời đời. Họ đã di từ nước mắt tới diễm phúc; hoa trái nước mắt của họ là cuộc sống vĩnh cửu, nơi đó đức ái nồng nhiệt của họ không ngừng kêu tới Cha và dâng lên Cha những nước mắt bằng lửa, để cầu cho các con.

Cha đã nói xong, Cha đã giải thích cho con về các bậc khác nhau của nước mắt, giá trị của chúng, những hoa trái mà linh hồn nhận được từ nơi chúng. Đối với những người trọn lành, hoa trái này là sự sống vĩnh cửu, còn các kẻ dữ, hoa trái là án phạt đời đời.

Linh hồn này cảm tạ Thiên Chúa đã giải thích cho nó về các bậc của nước mắt. Và nó cúi xin Ngài ba điều.

  1. Khi đó linh hồn này rất phấn khởi vì những lời Thiên Chúa, Đấng Chân Lý ngàn đời, đã giải thích cho nó về các bậc nước mắt, nó thổn thức thưa với Chúa trong tâm tình đầy mến yêu rằng: Xin cảm tạ, cảm tạ Chúa là Cha hằng hữu và cao cả, vì Cha luôn lắng nghe những ước nguyện Thánh Thiện, và hằng quan tâm đến ơn cứu độ của chúng con! Chúa đã yêu thương chúng con trong khi chúng con là những kẻ ngỗ nghịch chống lại Ngài, bằng cách ban cho chúng con chính Con Một Ngài. Nhân danh tình thương vô biên này, con xin Cha ban ơn và thương xót, để con chắc chắn đến với Cha, không phải trong tối tăm, nhưng trong ánh sáng, đừng để con đi lạc đường, nhưng theo đường Chân lý của Cha.

Nhưng có hai cạm bẫy con lo sợ có thể sa vào. Cho nên, trước khi chấm dứt vấn đề về các bậc nước mắt, con ước ao xin Cha, Đấng Hằng Hữu, soi sáng cho con về hai điều sau đây:

Đây là điều thứ nhất. Nếu có ai, hay một người trong các tôi tớ Cha, đến xin con lời khuyên về cách phụng sự Cha, thì con phải lấy giáo lý nào để dạy họ? Thưa Cha nhân từ hằng hữu, con đã nghe Cha nói: “Cha ưa kẻ ít lời mà nhiều hành động”. Tuy nhiên, nếu Cha nhân từ giải thích thêm cho con, thì con mừng lắm. Có thể xảy ra trường hợp con đang cầu nguyện cho các thụ tạo có lý trí, đặc biệt cho các tôi tớ Cha, con thấy một linh hồn có lòng tốt lành và hợp ý Cha, nhưng lại có tâm hồn khác đầy tối tăm. Trong trường hợp đó, lạy Chúa Cha hằng hữu, con có nên và có thể phán đoán kẻ này ở trong ánh sáng và người kia ở trong bóng tối không? Và nếu như con thấy người này có tinh thần sám hối đền tội lớn lao, còn người kia thì không, con có nên phán đoán người làm những việc đền tội lớn lao, thì tốt hơn người kia không? Con cúi xin Cha đừng để con sai lầm trong những suy nghĩ của con, xin hãy giải thích cặn kẽ những gì Cha đã nói với con cách tổng quát.

Điều thứ hai con muốn Cha giải thích, là lấy dấu nào để nhận biết một linh hồn được Cha thăm viếng thật sự, và khi nào không phải là Cha. Lạy Đấng Chân Lý ngàn đời, nếu con nhớ không sai, thì Cha đã nói với con rằng: cứ lấy dấu của Chúa Thánh Thần đã biến cuộc thăm viếng thành niềm hoan lạc và khuyến khích đàng nhân đức. Con muốn biết sự hoan lạc này có phải là một ảo ảnh của tính tự ái thiêng liêng không? Nếu là đúng, thì con sẽ chỉ tha thiết với dấu hiệu thứ hai là khuyến khích theo đàng nhân đức mà thôi.

Đó là những điều con muốn Cha soi sáng cho con, để con có thể phục vụ Cha và tha nhân trong sự thật, không để mình rơi vào những phán đoán sai lầm về tha nhân và về các tôi tớ Cha. Bởi vì con biết những phán đoán ấy làm linh hồn xa Cha, và con không muốn sa vào nỗi bất hạnh đó.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh