Đối Thoại Của Thánh Catarina Sienna: Chương 4. Lòng Thương Xót Của Chúa Quan Phòng P3

ĐỐI THOẠI CỦA THÁNH CATARINA SIENNA: CHƯƠNG 4. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA QUAN PHÒNG P3

Có những người khéo thả lưới và bắt được nhiều cá hơn. Sự tốt đẹp của những người ở bậc hoàn thiện.

  1. Tất cả những gì Cha vừa nói, là để con nhờ ánh sáng của trí tuệ mà hiểu được rằng: do sự quan phòng của Cha, Đấng Chân Lý nhập thể trong thời gian sống giữa loài người, Ngài đã chu toàn trong các tác vụ mầu nhiệm của Ngài như thế nào. Nhân đó, con cũng sẽ học được một linh hồn ở bậc rất hoàn thiện phải sống và hành động ra sao. Con nên ghi nhận: người này hành động cách trọn lành hơn người kia, là tuỳ ở sự vâng nghe Ngôi Lời của Cha với một lòng nhiệt tình hơn, với một ánh sáng hoàn hảo hơn, với niềm cậy trông vững vàng hơn, và không tin cậy vào mình, nhưng vào Đấng Tạo Hoá mà thôi.

Người tuân hành các lời truyền và các lời khuyên cả trong tinh thần lẫn hành động, thì sẽ thả lưới cách hoàn hảo hơn kẻ tuân giữ và thực hiện các lời truyền, nhưng các lời khuyên chỉ giữ trong tinh thần thôi; ai không tuân theo các lời khuyên trong tinh thần, thì cũng không tuân giữ các lời truyền trong hành động: hai điều này liên kết với nhau, như Cha đã nói với con. Ai quăng lưới cách hoàn hảo, sẽ bắt được nhiều cá; Cha muốn nói những người hoàn hảo đó là những kẻ chinh phục được nhiều linh hồn cách lạ lùng.

Cách hành động của họ thật tuyệt vời, nhờ sự canh gác cẩn thận cũng như sự cảnh giác mà ý chí tự do đặt nơi cửa của lòng muốn. Mọi giác quan của họ hợp ý với nhau như một bản hoà tấu bên trong thành trì của linh hồn, với tất cả các cánh cửa lúc mở lúc đóng. Ý chí được đóng lại đối với tính tự ái, nhưng được mở ra cho niềm ước ao thánh thiện và cho sự nhiệt tình vì vinh quang Cha, và vì tình thương tha nhân. Trí tuệ được đóng lại trước những lạc thú, những phù phiếm và hèn hạ của thế gian, những tối tăm dày đặc làm mờ ám tâm trí và làm nó chìm đắm trong đêm tối; nhưng lại mở ra cho trí nhớ ghi lại mọi hồng ân của Đấng Chân Lý nhập thể.

Khi đó, tất cả các quan năng và tâm tình của linh hồn hớn hở reo vui, xướng lên một bài Thánh ca đa âm, với những cung điệu du dương trầm bổng, được đức khôn ngoan điều khiển, mà âm điệu nổi bật là tung hô và chúc tụng Thánh danh Cha. Hoà tấu này được phát ra bởi những nhạc cụ khác nhau với những dây đàn lớn là những tài năng của linh hồn, và những phím đàn nhỏ là các giác quan của thân xác. Nếu các giác quan của kẻ dữ phát ra những âm thanh của sự chết, bởi chúng nằm dưới quyền của kẻ gian ác, thì những người trọn lành phát ra âm thanh của sự sống, vì các âm đồng điệu bản hoà tấu của họ là những nhân đức đích thực và chắc chắn, giúp họ làm được những việc tốt lành và thánh thiện.

Mỗi chi thể chu toàn chức năng mà Cha đã chỉ định vị trí cho nó, trong một trật tự tối hảo. Mắt lo xem, tai thì lo nghe, khứu giác thì ngửi mùi, vị giác thì nếm, tay dùng để sờ mó và làm công việc, hai chân để bước đi. Tất cả trong hoà điệu và trật tự, chẳng khác nào chơi một bản huyền cầm du dương, là phục vụ tha nhân, cho vinh quang Thánh danh Cha, và để cho linh hồn được tiến lên qua các việc lành phúc đức và thánh thiện; bởi vì mọi giác quan và tài năng đều suy phục linh hồn, và trở nên một với linh hồn. Bản huyền cầm du dương này làm Cha vui thích; nó cũng làm các thiên thần hoan hỉ, và làm vui thú những người mộ điệu, nghĩa là được chia sẻ hạnh phúc của nhau.

Bản nhạc này, cả thế gian cũng phải cảm phục. Muốn hay không muốn, những kẻ bất chính không thể không cảm nhận sự êm đềm của bản nhạc. Nhiều người bị chinh phục bởi vẻ đẹp của nó, nó quyến rũ họ rút khỏi cái chết để trở về với sự sống. Các bậc thánh đã chinh phục nhiều linh hồn bằng loại âm nhạc này. Người đã cho nghe lần đầu tiên bản nhạc sự sống, là Ngôi Lời dịu hiền của tình thương. Sau khi đã mặc lấy nhân tính của các con để kết hợp với thần tính của Ngài, Ngài đã cho nghe trên Thập giá một khúc ca êm ái, có sức lôi kéo được mọi người về với Ngài, khi Ngài thắng ma quỷ, đoạt lại cái quyền mà nó đã chiếm lấy từ lâu, do tội của Ađam.

Tất cả các con là môn đệ của một bậc thầy, Ngài đã dạy cho các con hoà âm này.Chính Ngài đã dạy các con phát ra những hoà điệu bằng đủ thứ nhạc khí của các con. Nhờ nghệ thuật đã học được với Ngài, các tông đồ đã mạnh bạo ra đi rao truyền lời Ngài khắp thế giới: các chứng nhân tử đạo, các vị hiển tu, các bậc tiến sĩ, đã chinh phục được nhiều linh hồn cũng bằng bản hoà âm hoà điệu của đời sống. Con hãy xem trinh nữ vinh hiển Ursula: với nhạc cụ của nàng, trinh nữ đã phát ra những âm thanh đầy truyền cảm thánh thiện đã lôi cuốn được cả mười một ngàn trinh nữ đi theo mình, và đem về cho Cha biết bao linh hồn khác nữa. Tất cả các vị thánh nhân đều đã làm như thế bằng cách này hay cách khác. Ai đã hành động ở trong chư vị? Chính sự quan phòng của Cha. Chính sự quan phòng thần linh của Cha đã ban cho các tôi tớ Cha những nhạc cụ đó, đã vạch vẽ cách sử dụng, đã dạy họ cái nghệ thuật tạo nên những bản hoà âm như vậy.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Hơn nữa, tất cả những gì Cha ban cho các tôi tớ Cha, tất cả những gì Cha lo liệu cho họ ở đời này, chỉ là phương cách dẫn đưa họ tới chỗ tạo ra những bản nhạc hay hơn, nếu họ biết sử dụng những bài học về sự quan phòng của Cha, đừng để mình ra mù quáng bởi đám mây mù của tính tự ái, của sở thích và sự khôn ngoan riêng họ.

Sự quan phòng của Thiên Chúa nói chung đối với các tạo vật của Ngài, ở đời này và đời sau.

  1. Con rất yêu dấu của Cha, bây giờ con hãy làm nở giãn trái tim và mở mắt trí tuệ con, được soi sáng bởi ánh sáng đức tin, để ngắm nhìn Cha đã sáng tạo con người và đã xếp đặt mọi sự, với tình thương lớn lao để nó được hạnh phúc. Cha đã lo liệu mọi sự cho linh hồn và cho thân xác nó, cho những kẻ bất toàn cũng như cho những người hoàn thiện, cho những người lành và kẻ dữ, về đường thiêng liêng cũng như về đường trần thế, ở đời này cũng như trong cuộc sống bất diệt.

Trong cuộc sống ở đời này, nơi chúng con là những lữ hành và khách lạ, Cha đã nối buộc chúng con với nhau bằng sợi dây đức ái. Dầu muốn dầu không, con người luôn ràng buộc với nhau; nếu nó tự tách rời khỏi người khác bằng một tâm tình nghịch với đức bác ái, nó vẫn bị buộc chặt với tha nhân bằng sự cần lẫn nhau. Cha đã muốn các con sống kết hợp với họ bằng những hành vi và bằng trái tim trong đức ái. Nhưng nếu chúng con làm mất đức ái trong tâm hồn do tội lỗi mình, thì chúng con vẫn phải duy trì liên lạc với nhau trong giao dịch bên ngoài. Sự quan phòng của Cha đã không ban cho mỗi người đủ mọi phương tiện, để thoả mãn những nhu cầu của cuộc sống. Mỗi người đã nhận được cho phần mình một tài năng riêng biệt, để thế mọi người bó buộc phải nhờ cậy nhau, cung cấp cho nhau những gì cần và thiếu. Con có thể thấy điều đó: người công nhân cần đến người nông dân, và người nhà nông cần đến người công nhân. Người này cần đến khả năng sản xuất của người kia. Cũng vậy, giáo sĩ và tu sĩ cần đến người đời, và người đời cần đến tu sĩ; tất cả phải nhờ vả lẫn nhau. Nói về cả nhân loại cũng thế.

Cha không thể cho mỗi người tất cả những gì nó cần sao? Tất nhiên là có thể. Nhưng sự quan phòng của Cha đã muốn mỗi người phải lệ thuộc vào người đồng loại của mình, và vì họ cần đến nhau, họ phải đoàn kết với nhau qua các hành vi bên ngoài, và bằng tâm tình bác ái trong tâm hồn. Cha đã làm sáng tỏ nơi họ độ lượng của Cha, lòng nhân hậu của Cha, sự quan phòng của Cha, nhưng nhiều kẻ chỉ đi theo bóng tối tăm của dục vọng. Các chi thể của thân xác phải làm các con đỏ mặt hổ thẹn, bởi vì chúng thực thi đức ái với nhau, điều mà các con không làm. Khi đầu bị đau thì bàn tay giúp đỡ nó; nếu ngón tay đau, dầu nó chỉ là một chi thể rất bé nhỏ, thì đầu không thể bỏ qua việc cứu giúp nó, vịn lẽ mình là thành phần cao nhất và quý trọng nhất của thân thể. Trái lại, đầu sẽ đến giúp ngón tay với tất cả những gì mình có thể làm, với tai nghe, với mắt nhìn, và bằng lời nói. Tất cả các chi thể cũng đều làm như vậy (Xc 1Cr 12:14-26).

Con người kiêu căng không hành xử như vậy, khi nhìn thấy người đồng loại nghèo khổ và bệnh hoạn; nó không trợ giúp người đó bằng tiền của, ngay cả bằng một lời nhân ái hay an ủi cũng không; đối với sự cùng khổ của tha nhân, nó chỉ biết trách móc và quay mặt đi như không thấy gì. Nó thừa thãi cơm áo, trong khi người khác phải chịu cảnh đói rách. Nó không biết tính bần tiện của nó và lòng độc ác của nó làm bốc lên tới Cha một mùi hôi tanh của sự chết, sự hôi thối ấy sẽ dành cho nó chốn sâu thẳm trong hoả ngục.

Trong khi đó, sự quan phòng của Cha lo săn sóc người nghèo kia một cách khác. Sự nghèo khó của nó chuẩn bị cho nó một sự giàu có cao trọng; còn kẻ giàu có kia, nếu không ăn năn hối cải, sẽ phải nghe những lời quở trách mà Đấng Chân Lý dịu hiền đã phán trong phúc âm, như sau: “Ta đói, ngươi đã không cho ta ăn; Ta khát, ngươi đã không cho ta uống; Ta trần truồng, ngươi đã không cho ta áo mặc; Ta đau yếu, bị cầm tù, ngươi đã không thăm viếng Ta” (Mt 25:42). Ngày ấy, nó sẽ chẳng được ích gì khi chữa mình rằng: “Nhưng tôi đâu có thấy Chúa như vậy! Nếu tôi thấy, tôi đã lo cho Chúa!” Kẻ giàu có khốn nạn ấy biết rõ Đấng Chân Lý của Cha đã nói: những gì người ta làm cho các kẻ nghèo khó là làm cho chính Ngài. Như vậy, nó thật xứng đáng nhận lấy một hình phạt muôn đời cùng với ma quỷ; bởi vì Cha đã xếp đặt mọi sự trên mặt đất này, để cứu nó khỏi án phạt này.

Nếu con đưa mắt nhìn lên Cha là Sự Sống vĩnh cửu, nếu con nhìn ngắm các Thiên Thần và các thánh nam nữ của Thành đô bất diệt này, những vị đã nhờ Máu Con Chiên mà đạt được sự sống vĩnh cửu, con sẽ thấy Cha xếp đặt đức ái của chư vị một cách có trật tự. Cha đã không muốn một vị nào hưởng một mình niềm hạnh phúc trong cuộc sống diễm phúc này, mà các vị khác không có phần chung với vị đó. Không, Cha không muốn như vậy; chư vị thương mến nhau trong tình bác ái tối hảo để vị lớn nhất vui mừng vì hạnh phúc của vị bé nhất, và vị bé nhất dự phần hạnh phúc của vị lớn nhất. Khi Cha nói lớn nhất và bé nhất, là nói về mức độ niềm hạnh phúc chư vị nhận được từ nơi Cha, sự thật tất cả vị bé nhất cũng như lớn nhất đều no thoả, mỗi vị theo cấp độ đức ái của mình, như Cha đã nói với con (Xc số 41).

Ôi, đức ái trên Thiên Đàng kỳ diệu thay! Nó kết hợp tất cả mọi thụ tạo lại với Cha. Tất cả nhìn biết Cha là nguồn mạch đức ái, mà họ có được trong niềm mến yêu thánh thiện và biết ơn, do Cha đã gợi lên cho họ. Họ cháy lửa yêu mến Cha, và họ hiểu chức phẩm cao trọng Cha đã nâng họ lên. Các thiên thần trao đổi với các phúc nhân trong một niềm vui khôn cùng, chư vị trao đổi với các thiên thần cũng vậy. Các phúc nhân liên kết với nhau bằng những sợi dây đức ái, mỗi vị vui sướng với hạnh phúc của các vị khác, tất cả nhảy mừng trong Cha. Bởi vì ở trong Cha là một niềm hân hoan bất tận, một niềm hoan lạc không chút u sầu, một sự ngọt ngào không chút cay đắng, bởi vì trong cuộc sống và cả khi chết, chư vị đã được hưởng nếm Cha trong tâm tình yêu mến cùng với tình thương tha nhân.

Ai đã xếp đặt mọi sự cách tốt đẹp trong tình thương như thế? Đó là sự khôn ngoan của Cha, với sự chăm lo kỳ diệu của sự quan phòng dịu dàng của Cha. Sự quan phòng này ở khắp nơi, nếu con nhìn xuống luyện ngục, con cũng thấy sự quan phòng dịu hiền khôn xiết đối với các linh hồn đáng thương này, vì đã không biết tận dụng thời gian khi còn sống, nay lìa khỏi đời rồi, không có thể lập công đền tội nữa. Bởi vậy, Cha nhờ đến các con để lo liệu cho họ trong tình trạng này, vì các con còn có thời giờ, bao lâu còn sống ở đời này, các con có thể dùng thời giờ cho họ. Nhờ việc lành phúc đức, nhờ các Thánh Lễ các con xin linh mục cử hành, nhờ việc ăn chay, nhờ các lời cầu nguyện được thực hiện trong tình trạng có ân sủng, các con có thể rút ngắn thời gian chịu đau khổ của họ, bằng cách kêu xin tình thương của Cha.

Cha đã có lý để nói với con rằng: cả ở đây nữa, con cũng thấy sự quan phòng dịu hiền và trung thành của Cha. Khi tỏ bày cho con thấy tất cả những gì sự quan phòng của Cha làm cho các linh hồn ở luyện ngục để cứu vớt họ, Cha đã muốn thiêu đốt con bằng tình thương, và dùng ánh sáng đức tin để củng cố nơi con niềm cậy trông vững vàng vào ơn quan phòng của Cha. Con hãy ra khỏi bản thân con, và cách hành xử duy nhất của con phải là cậy trông vào Cha, không chút sợ hãi kiểu nô lệ nào.

Về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những tôi tớ nghèo khó của Ngài, Ngài làm thế nào để lo liệu những sự trần thế cho họ.

  1. Bây giờ, con rất yêu dấu, Cha muốn nói một lời về những phương cách Cha dùng, để cứu giúp các tôi tớ Cha trong những nhu cầu vật chất.

Tất cả đều được Cha quan tâm và lo lắng, nhưng họ nhận được nhiều hay ít hiệu quả, còn tuỳ sự hoàn thiện hơn kém của họ, và tuỳ sự họ bỏ trần tục và bản thân ít hay nhiều. Sự quan phòng của Cha không bao giờ bỏ rơi những người nghèo của Cha, những người nghèo trong tinh thần và tự nguyện, thật tình yêu mến đức khó nghèo. Đó là những người nghèo đích thực. Nhiều người nghèo mà không muốn nghèo: đó là những kẻ giầu trong ý muốn, mặc dầu họ là những kẻ ăn xin trong thực tế, bởi vì họ không cậy trông vào Cha và không bằng lòng với sự nghèo khó, mà Cha ban cho họ làm thuốc chữa trị linh hồn, vì Cha biết sự giàu có tai hại cho họ, có nguy cơ dẫn họ tới án phạt muôn đời.

Các tôi tớ Cha là những người nghèo mà không phải là người ăn xin. Người ăn xin nhiều khi thiếu cả những thứ cần thiết, và đau khổ vì quá thiếu thốn, còn người có đức khó nghèo thì tuy không dư giả nhưng có đủ những gì cần thiết. Không bao giờ Cha để những kẻ tin tưởng và trông cậy vào Cha phải thiếu thốn. Đôi khi Cha để họ thiếu thốn phần nào, để họ thấy và như sờ thấy Cha có thể và muốn lo liệu những nhu cầu cho họ. Như vậy, họ yêu mến sự quan phòng của Cha hơn, và gắn bó hơn với đức khó nghèo như bạn đường đích thực của họ.

Những khi đó, Chúa Thánh Thần nhân hậu là người phục vụ luôn ân cần, thấy họ không có đủ nhu cầu vật chất, sẽ soi sáng và đánh động lòng người có tài sản giúp đỡ họ trong cơn túng cực. Như vậy, đời sống của các người nghèo yêu quý của Cha được sự lo lắng quan tâm của những tôi tớ thế gian, điều này cũng là do Cha gợi ý cho họ. Sự thật, đôi khi để thử thách đức kiên nhẫn, niềm tin và sự bền chí của họ. Cha để họ phải chịu đựng những lời trách móc và xỉ vả; nhưng rồi chính kẻ làm nhục họ sẽ thi hành lòng nhân hậu của Cha, mà đi tới chỗ trợ cấp họ và lo liệu cho họ những gì cần thiết.

Đó là đường lối quan phòng thông thường, đối với những người nghèo yêu dấu của Cha. Còn đối với những bạn hữu đặc biệt và những tôi tớ trung thành nhất của Cha, Cha đích thân và trực tiếp can thiệp, không cần đến một tạo vật nào khác làm trung gian. Chính con đã có kinh nghiệm về điều này. Con đã nghe kể câu chuyện về người Cha vinh hiển của con là Đaminh. Hồi đầu, khi mới lập dòng, các anh em sống rất túng thiếu. Một bữa ăn kia, nhà dòng không có gì ăn, nhưng đầy tớ rất yêu dấu của Cha là Đaminh, được ánh sáng đức tin soi cho, và đầy lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Cha, đã nói với các con mình: cứ vào nhà ăn, các anh em đã vâng lời ngồi vào bàn ăn. Khi đó, Cha là Đấng không bao giờ phụ lòng những kẻ đặt hết niềm cậy trông vào Cha, Cha đã sai hai thiên thần mang đến những ổ bánh mì thơm ngon, đủ cho họ ăn nhiều bữa. Đó là một hành vi của ơn quan phòng của Cha, trong đó con người không dự phần nào hết, mọi sự đều do Chúa Thánh Thần khoan dung làm hết.

Trong nhiều trường hợp khác, Cha đã nhân lên, làm cho một lượng quá ít không đủ, thành đầy đủ cho các tôi tớ Cha, như đã xảy ra cho thánh Inê, người trinh nữ bé nhỏ và dịu hiền. Từ tuổi thơ ấu, Inê đã phục vụ Cha với một sự khiêm nhường chân thành và niềm cậy trông vững vàng, chị không bao giờ lo thiếu sự gì cho bản thân, hay cho gia đình mình. Khi đức Maria truyền dạy chị xây cất một tu viện trên khu đất trước kia là của những cô gái làm nghề điếm, Inê nghèo khó và thiếu thốn mọi sự. Nhưng đức tin của chị rất mãnh liệt, chị đã không mất thời giờ để tự hỏi mình làm sao thực hiện nổi công trình này. Chị cứ bắt tay vào việc; với sự trợ giúp của Cha quan phòng, chị đã biến nơi tội lỗi này thành một nơi thánh. Inê đã xây được một tu viện để đón nhận các nữ tu. Chị đã sớm quy tụ được mười tám trinh nữ; họ không có gì để sống ngoài sự tin tưởng vào ơn quan phòng của Cha lo cho họ. Có một lần, Cha để họ không có bánh ăn; trong ba ngày họ chỉ sống bằng cỏ.

Con có thể hỏi Cha: tại sao Cha cư xử như thế với họ? Cha đã chẳng nói với con, Cha không bao giờ để thiếu thốn cho những kẻ cậy trông Cha sao? Trong trường hợp này, hình như Cha đã để mặc họ phải thiếu thốn, vì theo luật chung, con người không thể sống bằng cỏ, trừ trường hợp những người đã đạt tới bậc hoàn thiện. Nhưng nếu Inê trọn lành, các trinh nữ khác có thể chưa trọn lành.

Cha sẽ trả lời con: trong trường hợp này, Cha đã hành động như thế, để gia tăng lòng mến yêu của Inê đến mức say sưa đối với ơn quan phòng của Cha. Còn những nữ tu chưa trọn lành được nhìn thấy ơn lạ tiếp sau đó, sẽ được củng cố trong ánh sáng đức tin. Đàng khác, trong trường hợp ấy, Cha thông ban cho cỏ và bất cứ vật nào khác một thứ dinh dưỡng đặc biệt, hoặc Cha xếp đặt cho thân thể con người một cách nào đó, để nó thích nghi tốt với một vài loại cỏ, hoặc có thể ăn chay tuyệt đối, không cần đến bánh mì và các thức ăn thường dùng làm lương thực cho loài người. Con biết rõ điều này, vì chính bản thân con đã có kinh nghiệm (chú thích: trong 10 năm cuối đời thánh Catarina không còn khả năng ăn uống gì ngoài Thánh Thể).

Sau ba ngày nhịn đói, không có bánh mì ăn, Inê đưa mắt tâm trí nhìn lên Cha, chan hoà ánh sáng đức tin, và thưa rằng: Lạy Cha là Chúa của con và là phu quân muôn đời, Cha đã truyền dạy con đưa các thiếu nữ này ra khỏi nhà cha mẹ họ, để họ chết đói ở đây sao? Chính Cha đã gợi hững cho người trinh nữ lời cầu xin đó. Cha đã muốn thử lòng tin của Inê, và Cha rất hài lòng nghe lời cầu xin khiêm nhường này. Sự quan phòng của Cha đã lo toan cho niềm ước ao, mà người nữ tu này giãi bày trước mặt Cha. Cha đã giục lòng một người mang đến cho nhà dòng năm chiếc bánh nhỏ.

Inê được Cha cho biết việc phải xảy đến, đã nói với các chị em rằng: các con ơi, người ta mang bánh đến cho chúng ta; hãy đem lại đây những tấm bánh mà Chúa nhân hậu đã gửi đến cho chúng ta. Cộng đoàn ngồi vào bàn ăn và Inê phân phát bánh. Cha đã làm cho hành động của người nữ tu có một ơn lạ, năm chiếc bánh nhỏ cho cả cộng đoàn ăn no, mà còn thu được nhiều miếng, đủ cho những bữa ăn sau. Ở đây, sự quan phòng của Cha đã phải dùng đến dấu lạ, là làm cho bánh trở nên nhiều.

Đó là phương cách mà sự quan phòng của Cha đã dùng đối với các tôi tớ Cha, những người sống nghèo một cách tự nguyện, và không những tự nguyện mà còn có tinh thần, bởi vì thiếu tinh thần thiêng liêng này, sự nghèo khó không có ích gì cho ơn cứu độ. Có những nhà hiền triết vì yêu mến khoa học thế gian đã tự nguyện sống nghèo. Ánh sáng tự nhiên của họ chỉ đủ để dạy họ: những lo lắng về của cải trần gian là một trở ngại cho việc nghiên cứu cũng như đạt được kiến thức khoa học. Nhưng ý chí sống nghèo của họ không vì tôn vinh Cha, cho nên họ đã không nhờ đó mà đạt được sự sống ân sủng, cũng không đạt được sự hoàn thiện, điều kiện cho họ đáng được sự sống muôn đời.

Thu tích và ước ao vật chất cách vô độ là một tai hại.

  1. Con yêu dấu, con hãy nhìn xem, thật là xấu hổ và dại dột của con người. Chúng không theo sự chỉ dẫn của ánh sáng tự nhiên, để tìm kiếm những của cải thiêng liêng và vĩnh cửu! Chúng không làm những gì mà các nhà hiền triết kia đã làm, chỉ vì lòng yêu mến khoa học thế Khi đã hiểu biết sự giàu có là một trở ngại đối với họ, họ đã từ bỏ của cải thế gian, còn những Kitô hữu này lại coi đó là thần linh, và rõ ràng chúng đau khổ rầu rĩ vì mất những của cải ấy, hơn là mất Cha là nguồn mạch mọi sự tốt lành và giàu có.

Nếu suy nghĩ cho kỹ, con sẽ khám phá ra chính việc gom tiền trữ của và buông theo lòng ham muốn là cội rễ sinh ra mọi điều ác (Xc 1Tm 6:10). Đó là kiêu ngạo, muốn thống trị người khác, đó là bất công đối với bản thân và tha nhân, đó là tham lam, thèm khát vàng bạc. Lẽ ra người ta phải suy nghĩ: nếu muốn trở nên giàu có, phải bóc lột anh em mình, hay phải tăng thêm tài sản của mình bằng kho châu báu của Hội Thánh, tức tài sản đã được mua bằng giá Máu Ngôi Lời, Con Một Cha. Do đó mà xuất hiện cái chợ, nơi người ta rao bán xương thịt của đồng loại. Do đó, mà có sự bán thời gian, tức bán cái không thuộc về mình, như các kẻ cho vay lãi đang làm. Do đó, còn sinh ra thói mê ăn uống và ham thích những món ăn kỳ lạ, vô ích, dẫn tới dâm ô. Bởi vì, không có những lạm dụng và thái quá ấy, con người đâu phải khốn khổ nhục nhã như hiện nay! Biết bao tội sát nhân, biết bao hận thù, oán ghét nhau, biết bao sự bất trung đối với Cha! Chúng cho mình có công tạo dựng nên tài sản, mà không biết rằng chính cái tài trí làm ra tài sản đó, là do Cha ban cho chúng. Chúng không đặt tin tưởng nơi Cha, chúng chỉ cậy dựa vào tài sản của chúng thôi.

Niềm hy vọng của chúng hão huyền chừng nào! Chúng mù quáng quá đỗi, vì không nhận ra các tài sản của chúng chỉ là phù vân! Nhiều khi chúng mất hết của cải ngay ở đời này, do sự an bài đặc biệt của Cha, và vì lợi ích của chúng. Nhưng chắc chắn chúng sẽ mất hết vào giờ chết. Khi đó, chúng sẽ thấy rõ tính bấp bênh và hư ảo của tiền bạc. Của cải làm cho linh hồn luôn luôn bất an, có khi giết hại cả linh hồn. Của cải làm cho con người độc ác với chính bản thân, khi làm cho trái tim chúng mất đi cái vô cùng và trở về với cái hữu cùng, nghĩa là lẽ ra nó phải ước ao kết hợp với Cha là Sự Thiện vô cùng, thì nó lại quay lưng bỏ Cha mà gắn bó với những sự có cùng. Con người đánh mất sự yêu mến của nhân đức, nó không còn thấy mùi vị và hương thơm của đức khó nghèo. Của cải làm nó mất quyền tự chủ bản thân và trở thành nô lệ cho vàng bạc (Xc Ga 4:9). Nó không bao giờ được thoả mãn, vì nó yêu mến sự vật kém hơn nó, sự vật không có khả năng thoả mãn nó. Bởi vì, tất cả các tạo vật đã được tạo thành cho con người, để phục vụ con người, chứ không phải để con người làm tôi tớ các sự vật. Con người chỉ nên phục vụ Cha là cùng đích của nó mà thôi (Xc Tv 8:6; Dt 2:7- 8).

Con người chấp nhận biết bao hiểm nguy, biết bao cực nhọc trên biển trên đất, để thu tích nhiều của cải, rồi trở về quê quán sống sung sướng trong danh vọng! Còn nhân đức nó có lo tập luyện chút nào đâu. Nó có chịu một sự nhọc nhằn nhỏ mọn nào để tạo được một nhân đức nào đâu. Trong khi nhân đức mới là tài sản của nó. Lẽ ra trái tim nó phải tận tuỵ phụng sự Cha, thì lại chìm đắm trong sự yêu chuộng của cải vật chất, và lương tâm nó thì bị dày vò bởi sức đè nặng của những mối lợi bất chính. Con hãy nhìn xem nó bị hạ thấp dường nào, và cảnh nô lệ của nó thê thảm biết chừng nào!

Giả như tài sản của nó còn đấy, thì cũng chỉ là phù du trên hết mọi phù du. Hôm nay nó giàu có, ngày mai nó nghèo khổ! Lúc này nó ở chóp đỉnh, lát nữa nó ngồi trên cát bụi! Nay nó được tôn trọng và kính nể vì sự giàu sang, nhưng kìa thế gian chê cười nó vì mất của, làm nhục nó vì nó sa cơ, và không thương hại nó trong cảnh điêu tàn! Bởi vì, người ta đã ái mộ nó vì nó có nhiều tiền bạc, không phải vì nó có nhân đức. Giả như nó có nhân đức, nó vẫn giữ được niềm kính trọng và quý mến của mọi người, cho dù nó mất hết tài sản.

Và biết bao gánh nặng đè trên lương tâm của người đó! Nó bị đè bẹp đến nỗi không còn có thể chạy trên con đường lữ hành trần gian, và không thể đi qua cửa hẹp (Xc Mt 7:13-14). Trong Phúc Âm, Đấng Chân Lý dịu hiền đã nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước hằng sống” (Mc 10:25). Người giàu có nói đây, là những kẻ tham lam tiền tài thế gian quá độ, chúng đang thu tích hoặc thèm khát của cải. Có những người nghèo trong thực tế, nhưng lòng muốn lại muốn có cả thế gian làm của mình. Nhất định những kẻ đó không thể vào được, vì cửa vào Nước Trời thì thấp và hẹp. Nó muốn vào, thì trước hết phải đặt gánh nặng xuống, nghĩa là phải bỏ lòng yêu mến thế gian, rồi phải khiêm nhường cúi cái đầu xuống. Không có cách nào khác để vào lọt, cũng không có con đường nào khác dẫn tới sự sống.

Đúng là có một cửa rộng lớn, nhưng đó là cửa mở vào chốn diệt vong muôn đời. Những kẻ mù quáng đi vào cửa này mà không nhìn thấy thảm hoạ đang chờ chúng đi tới, và chúng đã nếm mùi vị hoả ngục ngay từ đời này. Chúng đau khổ đủ cách: sự ước ao của chúng vượt quá những gì chúng có thể có, chúng đau khổ vì không có của cải, chúng càng đau khổ khi bị mất tiền của. Sự đau khổ ấy cũng lớn bằng cái đau lòng khi tìm của mà không được. Chúng mất đức ái đối với tha nhân, và không lo tạo lấy được một nhân đức nhỏ mọn nào.

Ôi, sự thối nát của thế gian! Thật ra, những sự thế gian không thối nát không xấu xa đâu, mọi sự Cha tạo thành đều tốt lành tự bản chất, nhưng thối nát ở tại các kẻ tìm kiếm chúng với lòng tham lam vô độ. Con ạ, lưỡi con không thể nói hết những tai hại do tính ham mê vô độ này. Vậy mà, những tên nô lệ của sự giàu có vẫn không nhận ra số phận khốn nạn của chúng!

Vẻ đẹp của đức khó nghèo trong tinh thần. Chúa Kitô đã giảng dạy nhân đức này bằng lời nói và gương sáng. Sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những người thực thi đức khó nghèo.

  1. Con ơi, Cha muốn giúp con hiểu nhiều hơn về kho tàng quý báu của sự tự nguyện sống nghèo trong tinh thần. Ai biết được giá trị của đức khó nghèo này. Đó là những người sống nghèo, những tôi tớ yêu dấu của Cha, để bước đi cách dễ dàng; và để có thể vào qua cửa hẹp, họ đã quẳng đi cái gánh nặng của tiền tài. Những người này làm như thế trong hành động và trong tinh thần, nghĩa là họ tuân giữ lời truyền và lời khuyên trong cuộc sống và trong tinh thần. Nhiều người khác tuân giữ các lời truyền trong cuộc sống, và chỉ giữ các lời khuyên trong tinh thần, nghĩa là họ chỉ từ bỏ lòng quyến luyến của cải, họ vẫn sở hữu của cải, họ không sở hữu với lòng yêu chuộng quá độ, nhưng với một niềm kính sợ thánh thiện, thế nên họ không phải là những chủ của tham lam. Lớp người thứ hai này tốt lành, lớp người thứ nhất thì tốt lành hơn, có công phúc hơn, ít vướng mắc hơn, có lòng thương giúp người khác hơn, họ ở bậc hoàn thiện. Nơi họ, sự quan phòng của Cha chiếu sáng rực rỡ. Cha muốn cho con biết đầy đủ hơn, để con biết thế nào là đức khó nghèo đích thực. Các tôi tớ Cha thuộc cả hai lớp này đều cúi đầu cách khiêm nhường và coi mình là kẻ bé mọn. Cha đã nói đủ về lớp người thứ hai (Xc số 47), ở đây Cha nói về những lớp người thứ nhất thôi.

Cha đã chỉ cho con thấy, tất cả mọi tai hại, tất cả mọi tàn phá, mọi đau khổ đời này và đời sau đều do lòng quyến luyến của cải. Ngược lại, mọi tốt lành, mọi bình an đều bởi đức khó nghèo chân thật. Con hãy nhìn xem những người nghèo của Cha! Trên khuôn mặt họ là niềm hân hoan, và toàn thân con người họ là sự hoan hỉ! Không bao giờ họ buồn rầu về sự gì, ngoài khi buồn rầu vì sự người ta xúc phạm đến Cha, nhưng sự buồn rầu này không làm linh hồn héo tàn, mà chỉ làm nó thêm sống động. Nhờ đức nghèo khó, họ đã chiếm được sự giàu có cao trọng nhất, họ đã thoát được sự tối tăm, để tìm đến ánh sáng tuyệt vời. Họ đã ra khỏi nỗi buồn của thế gian để bước vào niềm hoan lạc; với cái giá của những tài sản dễ hư, họ đã sắm được những của cải bất diệt. Bởi vậy, họ tràn ngập niềm vui lớn lao. Những khổ nhục là sự an nghỉ đối với họ, và những đau khổ là niềm an ủi.

Sự giao tiếp của họ với các tạo vật có lý trí thì đầy tình yêu, không thiên vị một ai. Nhân đức và niềm cậy trông chiếu sáng ở đâu, nếu khong phải là nơi cháy lửa đức ái chân thật? Bởi vậy, dưới ánh sáng đức tin mà họ đã tiếp nhận nơi Cha niềm vui hạnh phúc cao cả muôn đời, họ đã từ bỏ những hy vọng và những ủi an của thế gian, để ôm lấy đức khó nghèo như một người bạn trăm năm dịu hiền cùng với tất cả các hiền muội của nhân đức ấy. Những hiền muội của đức khó nghèo là sự tự hạ, sự khinh chê bản thân mình và đức khiêm nhường chân thành, là những đức tính bảo vệ và nuôi dưỡng sự yêu mến đức khó nghèo.

Chính sự cậy trông bền vững và đức ái nồng nhiệt này, đã thúc giục các tôi tớ Cha xa lánh những phù phiếm thế gian, sự giàu có và tính hưởng thụ. Vì khinh chê những thứ đó, mà tông đồ vinh hiển Matthêô của Cha đã bỏ tất cả tiền bạc và của cải thế gian, để đứng ngay dậy đi theo Đấng Chân Lý nhập thể của Cha (Xc Lc 5:27). Con Cha đã dạy các con yêu mến đức khó nghèo, không những Ngài đã giảng dạy bằng lời nói, nhưng còn bằng gương sáng, bởi vì từ ngày đầu khi sinh ra cho đến phút cuối đời, mọi hành vi của Ngài đều dạy các con đạo lý cao cả này.

Chính vì các con, mà Ngài đã đính hôn với đức khó nghèo; Ngài là Hạnh Phúc tối cao từ bản tính thần linh nơi Ngài, Ngài là một với Cha, là Đấng Giàu Có vô cùng. Khi nhìn ngắm Ngài nghèo khó và khiêm nhường, con hãy nhớ Ngài là Thiên Chúa làm người, mặc lấy sự thấp hèn của bản tính nhân loại của các con. Con hãy nhìn Ngôi Lời rất thương mến, sinh ra trong một chuồng bò, trong khi Mẹ Ngài, Trinh Nữ diễm phúc Maria, cùng các con trên đường lữ thứ, bảo các con rằng: Các con hãy dừng chân lại trong cái chuồng bò là sự tự biết mình, nơi đó các con sẽ thấy ân sủng của Cha đã sinh ra trong đáy linh hồn các con.

Con thấy Ngài nằm giữa những thú vật, trong một sự nghèo túng tột độ đến nỗi Đức Maria không có gì để bọc lấy Ngài. Trời thì cóng lạnh, và để sưởi ấm cho Hài Nhi, Mẹ Ngài chỉ có một ít cỏ khô và hơi thở của mấy con vật. Bản thân Ngài là lửa của đức ái, nhưng Ngài đã muốn chịu giá rét trong nhân tính của Ngài; trong suốt cuộc đời, Ngài đã muốn chịu thiếu thốn với các môn đệ của Ngài, hoặc với một mình Ngài. Đã có lần vì đói quá, “các môn đệ Ngài phải bứt những bông lúa mà ăn” (Mt 12:1). Vào ngày cuối đời mình, Ngài đã bị lột hết áo xống, bị trói vào cột đá và bị đánh đòn.

Trên Thập giá Ngài đã bị cái khát dày vò, và Ngài thiếu thốn đến cực độ, không có một mảnh gỗ hay chút đất để dựa đầu, Ngài phải dựa đầu trên vai mình. Chính lúc đó, vì say sưa tình thương, Ngài đã tắm các con bằng Máu Ngài: Máu này đã chảy ra từ các vết thương của Con Chiên, cho tới giọt cuối cùng để tắm rửa cả nhân loại khỏi tội. Cạnh sườn Ngài, một lưỡi đòng đâm thủng tới trái tim, nước cùng Máu chảy ra, Ngài đã trút ra từ cái kho khổ nạn và nghèo nàn đến cùng cực này, để sắm cho các con một gia sản vô cùng quý báu (Xc Ga 19:34).

Từ nơi cây gỗ hẹp của thập giá, nơi Ngài bị treo giang tay ra, Ngài đã đổ rộng rãi các ơn lành xuống trên các vật thụ tạo có lý trí. Khi Ngài nếm mật đắng, là để lo liệu cho các con sự ngọt ngào vô tận. Ngài bị nhận chìm trong nỗi buồn sầu, là để ban phát sự an ủi cho các con. Ngài bị đóng đinh và trói chặt vào cây Thập giá, là để giải thoát các con khỏi những dây trói của tội trọng. Ngài trở thành nô lệ, là để cho các con được tự do, được thoát khỏi cảnh làm tôi mọi cho ma quỷ. Ngài bị trao nộp là để chuộc các con bằng Máu của Ngài. Ngài nhận lấy cái chết, là để ban sự sống cho các con.

Ngài đã dạy các con tình thương, vì Ngài không có cách nào tốt hơn để chứng tỏ tình thương của Ngài, cho bằng thí mạng sống của Ngài vì các con, trong khi các con còn là kẻ thù của Ngài và của Cha Ngài. Con người tội lỗi có kẻ như không biết gì đến điều này, vì nó là kẻ thù nghịch của Cha và coi rẻ cái giá lớn lao đó. Ngài cũng đã dạy các con nhân đức khiêm nhường chân thành, vì Ngài đã hạ mình xuống tới cái chết nhục nhã trên Thập giá. Ngài đã làm gương cho các con về sự khiêm hạ, vì Ngài đã chịu đựng sự bất công và sỉ nhục khôn kể xiết. Ngài đã nêu gương về đức khó nghèo đích thực, như lời trong Phúc Âm rằng: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi tựa đầu” (Mt 8:20; Lc 9:58).

Ai hiểu được những bài học này? Chỉ những người có ánh sáng đức tin. Mà ai có ánh sáng này? Chỉ những người đã chọn nữ hoàng đức nghèo làm bạn trăm năm, bằng cách ném xa khỏi họ những của cải vật chất, là căn cớ cho sự bất trung.

Nữ hoàng này có một vương quốc không bị quấy phá bởi chiến tranh, và không gì có thể làm tổn thương sự bình an và nghỉ ngơi. Ở đó, tràn đầy sự công chính, bởi vì tất cả những gì làm cớ cho sự bất công đã bị loại bỏ. Các tường luỹ của thành đô thì kiên cố, vì không xây trên đất, nhưng trên đá tảng (Xc Mt 7:24- 29), là Chúa Giêsu Kitô dịu hiền, Con Một của Cha. Bên trong thành đô được soi sáng bởi một ánh sáng không chút bóng tối tăm, bởi vì mẹ của nữ hoàng này là đức ái thần linh. Đồ trang hoàng của thành đô là lòng trắc ẩn và tình thương xót, vì người ta đã trục xuất ác vương là sự giàu có, vốn làm thành đô nhiễm uế bởi những tội ác của nó. Các công dân của vương quốc đều lương thiện, sẵn sàng giúp đỡ nhau với tình huynh đệ. Người ta cũng thấy ở đó đức kiên nhẫn, sự khôn ngoan nắm giữ và cai quản thành đô bằng một tài trí đầy cảnh giác. Linh hồn kết hôn với đức nghèo khó dịu hiền này, và làm chủ tất cả mọi kho tàng, bao lâu sự trung thành không đổ vỡ.

Vô phúc cho linh hồn, nếu sự ước ao của cải thế gian dẫn nó đến sự chết! Nó sẽ mất hết các tài sản này, sẽ bị đuổi ra khỏi thành đô, và sống trong cảnh cơ cực. Nhưng bao lâu nó trung thành với bạn trăm năm của mình, nó được chung hưởng các kho báu này trong hạnh phúc muôn đời

Để đánh giá sự tuyệt hảo của đức khó nghèo, cần phải có ánh sáng đức tin. Người hiền thê sẽ mặc áo tinh tuyền cho phu quân của mình, tắm rửa phu quân khỏi lòng dính bén tiền của, vốn là cội rễ của mọi tính xấu, bà cách ly ông khỏi những bầu bạn xấu, chỉ cho ông những bè bạn tốt; bà cũng chữa trị tính trì trệ lười biếng, bằng cách vớt ông ra khỏi những lo âu của thế gian và của của cải vật chất. Bà tránh cho phu quân mình khỏi sự cay đắng và dành cho ông sự an vui, bà bấm những gai nhọn đi để chỉ còn lại những bông hồng xinh đẹp. Đức khó nghèo thanh tẩy và ngăn ngừa linh hồn khỏi tính khí hư hỏng của tình yêu hỗn loạn, rồi liệu cho linh hồn biết dùng thức ăn là các nhân đức, món ăn hợp vị nhất của nó. Bà cho ông hai hiền muội, để lo dọn dẹp trong nhà được sạch sẽ: đó là sự chê ghét và lòng quý mến. Sự chê ghét các nết xấu và tính dục sẽ lau chùi linh hồn sạch mọi dơ bẩn; còn lòng quý mến các nhân đức sẽ xếp đặt mọi sự cho ngăn nắp, và chấm dứt những ray rứt nghi nan, xua đuổi mọi sợ hãi nô lệ, và mang lại an bình với niềm kính sợ thánh thiện.

Kể từ khi gắn bó với đức khó nghèo, linh hồn có đủ mọi nhân đức, ân sủng, cùng niềm vui và an ủi nó có thể ước ao, đó là gia sản của nó khi cưới đức khó nghèo làm bạn trăm năm. Nó không sợ có thù địch, vì không còn ai gây chiến với nó; nó không sợ đói, không sợ mất mùa, vì nó tin tưởng nơi Cha là Đấng Toàn Năng và vì nó cậy trông vào sự quan phòng của Cha, luôn quan tâm đến những kẻ phó thác vào Cha. Có bao giờ người ta thấy một tôi tớ Cha, phu quân của đức khó nghèo, phải chết đói đâu? Thật không bao giờ. Nhưng đã có những người rất giàu có mà chết trong cảnh nghèo cùng cực, vì chúng đã không đặt tin tưởng vào Cha, nhưng ở các kho tàng của chúng.

Cha luôn quan tâm đến những nghèo vốn trông cậy Cha, Cha hằng lo liệu đủ nhu cầu cho họ, như người Cha tốt lành và yêu thương. Họ hoan hỷ và đầy lòng phó thác chạy đến Cha, với ánh sáng đức tin họ biết rằng: từ ngày đầu tiên cho đến ngày sau hết của thế giới, sự quan phòng của Cha đã, đang và sẽ lo lắng mọi sự cho họ, về các sự trần thế cũng như về đàng thiêng liêng, như Cha đã nói với con. Đôi khi Cha để họ gặp gian khổ, là để bảo họ tiến lên trong niềm tin và trông cậy, cũng để họ có dịp lập công phúc, nhưng không bao giờ Cha bỏ quên việc trợ giúp họ khi phải cầu cứu. Trong mọi hoàn cảnh, họ đã cảm nghiệm sự quan phòng của Cha, cũng như đã từng được thưởng nếm sữa ngọt ngào của tình yêu thần linh. Họ không sợ sự cay đắng của giờ chết, vì họ đã chết đối với bản thân và đối với của cải thế gian, họ trung thành gắn bó với hiền thê của mình là đức khó nghèo. Họ say sưa yêu mến Thánh ý Cha, chỉ sống theo ý muốn của Cha, họ sẵn sàng chịu đựng giá rét, trần truồng, đói khát, những lời chế nhạo, những sỉ nhục, kể cả cái chết, vì họ muốn được hiến mạng sống vì Cha là Đấng ban sự sống, cùng ước ao đổ máu ra vì yêu mến Chúa Kitô.

Con hãy nhìn xem những người nghèo của Cha! Hãy nhìn xem các tông đồ của Cha và những chứng nhân tử đạo hiển vinh: Phêrô, Phaolô, Stêphanô, Laurensô! Trong khi chịu cực hình, Laurensô tưởng mình không nằm trên giường sắt nung đỏ như lửa, nhưng trên giường nệm đầy bông hoa thơm tho và dịu mát, đã bình tĩnh nói với người lý hình rằng: “Phía này chín rồi, hãy lật sang phía kia mà ăn”. Ngọn lửa nồng cháy của đức ái thần linh đang nung nấu linh hồn người anh dũng, đã ngăn cản không cho cảm thấy thứ lửa thế gian đang thiêu đốt thân xác mình.

Còn Stêphanô, những hòn đá được coi là những bông hồng giành cho ông! Nguyên nhân nào làm ông nghĩ như vậy? Đó là tình yêu, khiến ông đã lấy đức khó nghèo làm bạn trăm năm của mình. Ông đã từ bỏ thế gian vì danh dự và vinh quang của Cha, để cưới lấy đức khó nghèo, trong ánh sáng đức tin, với một sự cậy trông vững vàng và đức vâng phục. Chư vị đó đã tuân hành các lời truyền và các lời khuyên của Đấng Chân Lý dịu hiền, trong hành động và trong tinh thần, như Cha đã nói với con. Họ chỉ ước ao chết, họ không muốn sống, không phải vì chán đời hay trốn tránh trách nhiệm và khổ cực, nhưng để được kết hợp với Cha là cùng đích của họ. Tại sao họ không sợ chết, điều mà tự nhiên ai cũng sợ? Bởi vì đức khó nghèo, hiền thê của họ, đã mang lại cho họ sự an tâm, bằng cách giải thoát họ khỏi quyến luyến thân xác và của cải thế gian. Là người sống nhân đức, được ánh sáng siêu nhiên chiếu tỏa, được tình yêu thần linh làm động lực, họ thoát khỏi mọi quyến luyến thể xác và của cải thế gian, họ giày đạp dưới chân tất cả những thứ đó.

Con người đã đạt tới tình trạng này, làm sao còn buồn phiền phải chết, trong khi họ ước ao lìa bỏ sự sống trần gian, coi đó là một gánh nặng, và ngày càng nặng thêm khi phải sống lâu. Người đó làm sao còn nuối tiếc của cải thế gian, khi họ đã chê bỏ chúng? Không có lạ chi, khi người ta không quý mến vật gì, thì người ta không buồn, nếu phải mất vật đó, và nếu người ta ghét vật đó, người ta sẽ vui khi xa lìa nó. Như vậy, nhìn về bất cứ phía nào, con chỉ thấy nơi họ sự bằng yên, thư thái và an lành.

Ngược lại, nơi những kẻ tham lam có nhiều tài sản và nắm giữ những tiền của bất hảo, con sẽ thấy một sự sầu muộn, lòng trí rã rời, mặc dầu chúng không để lộ ra bên ngoài. Ai có thể tin anh Lazarô ở trong tình trạng cùng khổ nhất, còn người giàu có vô phúc kia ở trong niềm vui và an bình? Sự thể không phải như vậy: người giàu có ấy đã phải sầu khổ trong cảnh dư dật, hơn là Lazarô đang đau đớn vì phong cùi. Nơi Lazarô, ý riêng đã chết rồi, anh ấy sống trong Cha là Đấng An Ủi và nâng đỡ anh trong mọi đau khổ. Trái lại, nơi người giàu có kia, ý riêng của y còn đấy, nay trở thành cực hình cho y. Khi Lazarô bị xua đuổi bởi người ta, nhất là bởi người phú hộ ích kỷ, anh không có ai giúp lau rửa các thương tích và cứu giúp cho ăn, thì sự quan phòng của Cha đã sai một con vật không có lý trí đến liếm các mụn nhọt cho anh. Khi cả hai kết liễu cuộc đời, ánh sáng đức tin cho thấy Lazarô ở trong vinh quang, còn tên phú hộ thì chịu cực hình trong địa ngục (Xc Lc 16:19-22).

Thật vậy, những người giàu có bị xâu xé bởi ưu phiền, còn những người nghèo yêu dấu của Cha thì tràn đầy niềm vui thánh thiện. Cha đặt họ bên cạnh trái tim Cha, Cha nuôi dưỡng họ bằng sữa của niềm an ủi. Vì họ đã từ bỏ mọi sự vì lòng yêu mến Cha, Cha ban mình cho họ cách trọn vẹn. Chúa Thánh Thần như người mẹ hiền lo liệu cho cả hồn và xác họ, bất cứ họ ở đâu. Cha còn sai những thú vật đến phục vụ họ, nếu cần. Khi một ẩn sĩ đau yếu, Cha liệu cho có một vị ẩn sĩ khác đến thăm và săn sóc. Con biết đã nhiều lần Cha gọi con ra khỏi căn phòng nhỏ hẹp của con trái với thói quen, để cứu giúp những người đau yếu. Chính bản thân con đã cảm nghiệm sự quan phòng của Cha: khi không có tạo vật nào chăm sóc cho con, Cha là Đấng tạo thành con, có bỏ quên con không?

Không, không bao giờ Cha bỏ những người cậy trông Cha, ơn quan phòng của Cha luôn là sự bảo đảm cho họ. Chẳng hạn, tại sao một người giàu có dư thừa, chăm lo cho thân xác mình, ăn mặc sang trọng, lại luôn luôn đau ốm? Còn người khác yêu mến Cha, ôm lấy đức khó nghèo làm bạn đời, chỉ ăn mặc vừa đủ, thì lại sống khoẻ mạnh vui tươi? Xem ra không có gì có thể làm hại được người đó, thân thể người đó chống lại được mọi sự xảy ra, thích nghi với nóng, với lạnh, và dùng những món ăn đơn giản nhất. Tại sao có sự đảo ngược này, nếu chẳng phải do sự quan phòng của Cha đã muốn cứu gỡ con người ra khỏi sự chiều chuộng chăm sóc thái quá cho thân xác mình, cùng dẫn đưa nó tới chỗ từ bỏ mọi sự.

Con rất yêu dấu của Cha, con hãy nhìn xem những người nghèo bạn hữu của Cha, đang sống trong sự bình an và vui tươi biết chừng nào!

Tóm lược những gì đã nói về sự quan phòng của Thiên Chúa.

  1. Cha đã cho con một ý tưởng tuy không đầy đủ lắm, về sự quan phòng của Cha đối với mọi vật thụ tạo, dầu chúng ở bất cứ trong tình trạng nào. Cha đã tỏ cho con thấy từ lúc Cha sáng tạo nên thế giới thứ nhất và thế giới thứ hai (chú thích: thế giới thứ nhất là thế giới vật chất, thế giới thứ hai và khi Chúa sáng tạo con người có lý trí để làm chủ các loài thọ tạo khác). Cha đã tạo thành con người theo hình ảnh Cha và giống Cha, Cha đã không ngừng can thiệp bằng sự quan phòng của Những gì Cha đã làm, Cha vẫn đang làm và sẽ làm mãi tới ngày sau hết, để lo liệu cho ơn cứu độ của các con, bởi vì Cha muốn thánh hoá các con: tất cả những gì xảy đến cho các con, đều được an bài theo cùng đích này (Xc 1Tx 4:3).

Đó là những gì, kẻ sống theo thế gian, tức con người tội lỗi, không nhìn thấy, bởi vì chúng thiếu ánh sáng. Và vì chúng không nhìn thấy, nên chúng vấp phạm vì Cha, như Cha đã nói với con. Dầu vậy, Cha nhẫn nại chịu đựng chúng, Cha chờ đợi chúng cho tới cùng, và từ đây đến đó, Cha không ngừng lo liệu mọi nhu cầu cho chúng. Cha lo liệu cho chúng là những kẻ tội lỗi cũng như cho người công chính, trong sự trần thế cũng như ơn thiêng liêng.

Cha đã nói mấy lời về sự bất toàn của tiền tài, vốn dẫn đưa những kẻ có của cải đến sự bất hạnh, nếu chúng ham mê quá độ. Cha đã nói với con về sự huyền diệu của đức khó nghèo, nó mang đầy dẫy của cải đến cho ai lấy nhân đức này làm bạn đời. Nhân đức này có bạn thân và hiền muội là sự khiêm hạ, mà Cha đã trình bày cho con nghe khi Cha nói về đức vâng phục. Cha đã tỏ cho con thấy nhân đức này rất đẹp lòng Cha, và được sự quan phòng của Cha chăm lo cách âu yếm.

Tất cả những gì Cha đã nói để ca tụng nhân đức đáng quý trọng này, và ca tụng đức tin là nhân đức dẫn đưa linh hồn tới bậc cao siêu đó, là có ý giúp con gia tăng niềm cậy trông, và không ngừng tới gõ cửa lòng thương xót của Cha. Con hãy vững tin rằng: Cha sẽ thoả mãn ước nguyện của con và của các tôi tớ Cha, là những người chịu biết bao đau khổ cho đến chết. Con hãy can đảm và hãy vui mừng trong Cha, vì Cha là Đấng bảo vệ con và an ủi con trong mọi sự. Con thấy Cha đã đáp lời con xin nói về sự quan phòng của Cha, con thấy Cha cung cấp mọi sự cho các vật thụ tạo của Cha như thế nào, và con biết Cha không bao giờ từ chối những ước nguyện thánh thiện của con.

Sau khi ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa, linh hồn này đã xin Ngài nói về đức vâng phục.

  1. Khi đó, linh hồn này say sưa yêu mến đức khó nghèo tự nguyện và thánh thiện, thấy mình nở lòng nở dạ trong sự vĩ đại cao cả và vĩnh cửu của Thiên Chúa, thấy mình được biến đổi trong vực thẳm của sự quan phòng vô cùng bao la. Tuy vẫn ở trong thân xác, nó cảm như đã lìa bỏ thân xác vì được thiêu đốt và hoan hỷ trong lửa đức ái thần Nó để mắt trí tuệ nhìn thẳng vào sự uy linh cao cả của Thiên Chúa, nó thưa với Chúa Cha hằng hữu và cao cả rằng:

Ôi, Cha hằng hữu! Ôi, vực thẳm của đức ái! Ôi, sự khoan dung vĩnh cửu! Ôi, niềm cậy trông làm nơi ẩn náu của các tội nhân! Ôi, đức khôn ngoan khôn dò! Ôi, sự thiện hằng hữu và vô cùng! Chúa cần đến vật thụ tạo của Ngài sao? Vâng, con thấy hình như thế, bởi vì Cha cư xử với chúng như thể Cha không thể sống nếu không có chúng, mà Cha lại là Sự Sống, làm cho mọi loài được sống, bởi không có Cha thì không có gì sống được (Xc Ga 1:3-4). Sao Cha say mê tạo vật của Cha đến thế? Tại sao có tình yêu say mê đến như vậy, đối với công trình sáng tạo của Cha? Tất cả mọi sự ưng ý của Cha đều dành cho chúng. Cha chỉ thấy vui sướng với chúng, và ơn cứu độ chúng là niềm say sưa của Cha! Thế mà nó bỏ trốn Cha, nhưng Cha đuổi theo nó. Nó xa Cha, Cha tìm lại nó. Cha còn cách nào ở gần nó hơn là mặc lấy bản tính nhân loại của nó? Con phải nói gì đây? Con như đứa ngọng, chỉ nói a.a.a.a. vì con không biết nói gì hơn (Xc Gr 1:6), vì lưỡi con không thể nói lên tâm tình của linh hồn đang vô cùng ước ao Cha. Con muốn lặp lại lời của thánh Phaolô: “Lưỡi không thể nói, tai không thể nghe, mắt không thể xem thấy, và trái tim không thể nghĩ tưởng những gì tôi đã nhìn thấy” (1Cr 2:9-11). Con đã thấy gì? Con đã thấy những mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa.

Và con, con sẽ nói gì? Những tâm tình thô sơ có thể làm gì ở đây? Con chỉ nói rằng: linh hồn con đã được nếm và đã nhìn thấy vực thẳm của ơn quan phòng cao cả và vĩnh cửu (Xc 2Cr 12:4).

Bây giờ, lạy Chúa, là Cha hằng hữu, con cảm tạ Cha vì lòng nhân hậu bao la Cha đã tỏ ra với con là kẻ khốn nạn đáng thương, không xứng đáng các ân huệ của Cha. Nhưng vì con biết Cha không từ chối những niềm ước ao thánh thiện, và Đấng Chân Lý tối cao không hề lừa dối ai, cho nên con mong ước Cha sẽ nói cho con nghe về nhân đức vâng phục và về sự kỳ diệu của nhân đức này, như Cha đã hứa với con, để giúp con say mê nó, và để con không bao giờ xa lìa nó. Do lòng nhân hậu vô cùng của Cha, xin Cha vui lòng dạy con biết sự trọn hảo của đức vâng phục, con sẽ gặp được nhân đức này ở đâu, những gì có thể làm con mất nhân đức này, con lấy dấu nào mà nhận biết con có hay không có nhân đức kỳ diệu này.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh