Ta Là Cái Đó: Chương 34. Đạo Sư Vĩ Đại Nhất Là Cái Ta Trong Chính Ông

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 34. ĐẠO SƯ VĨ ĐẠI NHẤT LÀ CÁI TA TRONG CHÍNH ÔNG

Hỏi: Đi đến đâu tôi cũng nghe rằng điều kiện đầu tiên của sự giác ngộ chính mình là thoát ra khỏi mọi tham ái và ưa thích. Theo tôi điều kiện đó không thể thực hiện được. Vô minh về chính mình nên khởi sinh tham ái, và tham ái làm cho vô minh tồn tại. Quả thật là một cái vòng lẩn quẩn!

M: Chẳng có điều kiện nào để thỏa mãn. Chẳng có gì để làm, chẳng có gì để buông bỏ. Chỉ quan sát và ghi nhớ. Bất cứ gì ông nhận thức đều không phải là ông, mà cũng chẳng phải của ông. Nó ở đó trong phạm trù ý thức, nhưng ông không phải là phạm trù và nội dung của nó, mà thậm chí cũng chẳng phải là người biết phạm trù. Chính ý nghĩ cho rằng ông phải làm đủ mọi chuyện đã ràng buộc ông với hậu quả những cố gắng của ông - sự thôi thúc, ước muốn, sự bất thành, cảm giác thất vọng - tất cả những thứ đó níu kéo ông. Chỉ quan sát bất cứ gì xảy ra, và biết rõ rằng ông ở ngoài nó.

H: Điều này có nghĩa là tôi không được làm gì cả?

M: Làm sao được! Cái gì tiếp tục thì cứ tiếp tục. Nếu dừng lại đột ngột ông sẽ gây đổ vỡ.

H: Vậy vấn đề có phải là cái bị biết và người biết trở nên một?

M: Cả hai đều là những ý tưởng trong tâm, và ngôn từ diễn tả chúng. Không hề có cái Ta trong chúng. Cái Ta không phải cả hai, không ở giữa mà cũng không ở bên ngoài. Tìm cái Ta trên bình diện của tâm là điều vô ích. Ngưng tìm kiếm, và nhìn - nó ở ngay đây và bây giờ - nó chính là cái “Ta hiện hữu” mà ông biết rất rõ. Tất cả những gì ông cần làm là chấm dứt cho rằng ông ở trong phạm trù của ý thức. Nếu ông chưa bao giờ suy gẫm sâu xa những điều đó, mà chỉ nghe Ta nói có một lần thôi thì chưa đủ. Hãy quên đi những kinh nghiệm và chứng đắc của ông trước kia, hãy đứng trần truồng, phơi mình giữa mưa gió của cuộc đời, thế nào ông cũng có một cơ hội.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Tín tâm - Bhakti - có một vị trí nào trong sự chỉ giáo của ông?

M: Khi ông không khỏe, ông đi gặp một thầy thuốc. Người đó sẽ cho ông biết vì sao ông không khỏe và ông cần uống thuốc gì. Nếu ông tin người thầy thuốc thì mọi chuyện rất đơn giản: ông uống thuốc, tuân theo những kiêng khem về ăn uống, và ông bình phục. Nhưng nếu không tin người đó, thì hoặc là ông phó mặc cho số phận, hoặc chính ông học nghề thuốc để tự chữa lấy! Trong tất cả các trường hợp, chính ước muốn bình phục thúc giục ông, chứ không phải người thầy thuốc.

Nếu không có lòng tin thì không an tâm. Ông luôn luôn tin tưởng một người nào đó - có thể là mẹ ông, hay vợ ông. Trong tất cả mọi người, chỉ có người biết cái Ta, người đã giải thoát, là người đáng tin cậy nhất. Nhưng chỉ có tín tâm thôi thì vẫn chưa đủ, ông còn phải ước muốn. Nếu không có ước muốn tự do, thì tín tâm có ích lợi gì để ông có thể đạt được tự do? Ước muốn và tín tâm phải đi cùng với nhau. Ước muốn càng mãnh liệt thì sự trợ giúp càng đến dễ dàng. Đạo sư vĩ đại nhất cũng phải bó tay nếu người môn đồ không thành tâm muốn học. Nhiệt tình và lòng thành thật là tất cả những gì quan trọng. Sự tin tưởng sẽ đến cùng với kinh nghiệm về những gì trải qua. Hãy hiến thân cho mục đích của ông - rồi sự thành tâm với người chỉ giáo ông sẽ đến sau. Nếu ước muốn và tín tâm của ông mãnh liệt, chúng sẽ vận hành và mau chóng đưa ông đến đích, vì không bị trì hoãn bởi thái độ chần chờ, do dự của ông.

Vị đạo sư vĩ đại nhất là cái Ta bên trong chính ông. Thật thế, cái Ta bên trong ông là Đạo sư vô thượng. Chỉ vị Đạo sư đó mới có thể đưa ông đến đích, và sẽ gặp ông ở cuối đường. Hãy đặt tín tâm vào Đạo sư bên trong ông, và chẳng cần đến bất cứ Đạo sư bên ngoài nào. Nhưng một lần nữa, ông phải ước muốn mãnh liệt để tìm vị Đạo sư đó, đừng tạo bất cứ chướng ngại và chậm trễ nào. Đừng phí sức lực và thời gian cho sự nuối tiếc. Học từ những sai lầm của chính ông và đừng bao giờ tái phạm.

H: Ông cho phép tôi hỏi một câu có tính cách riêng tư được không?

M: Được, ông cứ hỏi.

H: Tôi thấy ông ngồi trên một miếng da linh dương. Làm sao điều này có thể phủ hợp với ý tưởng bất bạo lực?

M: Suốt cuộc đời lao động của Ta, Ta quấn thuốc lá để bán, giúp tay cho người khác làm hại sức khỏe của họ. Trước cửa nhà Ta chính quyền địa phương đặt một nhà vệ sinh công cộng, làm hại sức khỏe của Ta. Trong thế giới đầy bạo lực này làm sao một người có thể tránh khỏi một hình thức bạo lực này hay hình thức bạo lực khác?

H: Chắc chắn là những bạo lực có thể tránh được thì cần phải tránh. Ở Ấn Độ, bậc thánh nhân nào cũng có một miếng da hổ, da sư tử, da beo hay da linh dương để ngồi.

M: Có thể là vào thời cổ chưa có vải nhựa, da là thứ chống ẩm tốt nhất. Chứng phong thấp thì chẳng hấp dẫn chút nào, ngay cả đổi với một thánh nhân! Vì thế theo truyền thống người ta cần có một miếng da để ngồi thiền lâu. Cũng như da trống trong đền thờ, hành giả Yogi cần có một miếng da để ngồi. Chẳng ai bận tâm đến chuyện đó.

H: Nhưng phải có sự sát hại thú vật.

M: Ta chưa hề nghe một Yogi nào giết cọp để lấy da ngồi. Người giết không phải Yogi, và Yogi không phải người giết.

H: Thế ông không bày tỏ sự phản đối bằng cách từ chối không ngồi lên một miếng da?

M: Thật là một ý tưởng lạ lùng! Toàn thể vũ trụ này Ta còn không chấp nhận, thì xá gì một miếng da?

H: Vũ trụ có gì sai trái?

M: Quên mất chính cái Ta của ông là một mất mát lớn; tất cả mọi tai họa đều từ đó mà ra. Hãy quan tâm đến cái tối quan trọng, những cái ít quan trọng hơn sẽ tự lo liệu lấy. Ông không cần phải sắp xếp một căn phòng tăm tối cho ngăn nắp. Trước tiên là mở các cửa sổ. Để ánh sáng vào thì mọi chuyện sẽ dễ dàng. Vì vậy, hãy chờ cho đến khi chúng ta thấy được mình như chính mình là, và đã thay đổi, thì lúc đó hãy nghĩ đến chuyện cải sửa người khác. Vòng vo với những câu hỏi bất tận thì không cần thiết; hãy tìm ra chính ông trước rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó.

H: Sự thôi thúc quay về với cội nguồn thì thật hy hữu. Điều đó có tự nhiên không?

M: Theo tự nhiên thì đi ra vào lúc đầu, và quay về vào lúc cuối. Nhưng thật ra tuy hai mà một, cũng như thở ra và hít vào là một.

H: Tương tự như thế, không phải thân xác và người ở trong thân xác là một?

M: Những sự kiện xảy ra trong thời gian và không gian - sinh và tử, nhân và quả - có thể được xem là một; nhưng thân xác và cái được hiện thân thì không cùng một trình tự của thực tại. Thân xác tồn tại trong thời gian và không gian, vô thường và hữu hạn, còn cái ở trong thân xác thì phi thời và phi xứ, thường hằng và bao trùm lên tất cả. Đồng hóa hai cái là một lỗi lầm nghiêm trọng và là nguyên nhân của đau khổ triền miên. Ông có thể nói thân và tâm là một, nhưng thân-tâm thì không phải là thực tế căn bản.

H: Dù là ai đi nữa thì người ở trong thân điều khiển thân, và, do đó, có trách nhiệm với thân.

M: Có một quyền năng vũ trụ, quyền năng đó điều hành và chịu trách nhiệm.

H: Nếu vậy thì tôi làm bất cứ gì tôi thích và đổ lỗi cho một quyền năng vũ trụ nào đó. Thật dễ dàng!

M: Đúng, thật dễ dàng. Chỉ cần nhận ra Người Tác Động Duy Nhất (the One Mover) ở đằng sau tất cả mọi chuyển động và phó mặc cho Người đó. Nếu ông không do dự, hay gian dối, thì đó là con đường ngắn nhất đưa đến thực tại. Hãy đứng thẳng, không tham ái hay sợ hãi, từ bỏ mọi uy quyền và trách nhiệm.

H: Thật là một sự điên rồ!

M: Phải, một sự điên rồ thần thánh. Có gì là không đúng khi buông bỏ cái ảo tưởng về uy quyền cá nhân và trách nhiệm cá nhân? Cả hai chỉ ở trong tâm. Dĩ nhiên, chừng nào còn tưởng tượng rằng mình là người có uy quyền thì ông còn nghĩ rằng mình có trách nhiệm. Cái này hàm chứa cái kia.

H: Làm sao vũ trụ có thể chịu trách nhiệm cho cái cá biệt?

M: Tất cả sự sống trên trái đất này đều tùy thuộc vào mặt trời. Nhưng ông không thể quy trách cho mặt trời về tất cả những gì xảy ra, dù cho đó là nguyên nhân tối hậu. Ánh sáng tạo nên màu sắc của hoa, nhưng nó không điều khiển mà cũng chẳng có trách nhiệm trực tiếp về màu sắc của hoa. Nó làm cho màu sắc thể hiện, chỉ thế thôi.

H: Điều tôi không thích trong những gì ông nói là sự núp bóng một quyền năng vũ trụ nào đó.

M: Ông không thể tranh biện với những sự kiện thực tế.

H: Những sự kiện thực tế nào? Của ông hay của tôi?

M: Của ông. Ông không thể bác bỏ những thực tế của Ta, vì ông không biết chúng. Nếu biết được chúng thì ông đã không bác bỏ. Điều rắc rối ở chỗ ông cho sự tưởng tượng của ông là thực tế, và thực tế của Ta là tưởng tượng. Ta biết chắc chắn rằng tất cả là một. Sự khác biệt không có nghĩa là tách biệt. Hoặc là ông vô trách nhiệm với tất cả, hoặc là ông có trách nhiệm với tất cả. Tưởng tượng rằng ông làm chủ một thân xác, và chỉ có trách nhiệm với nó là sự sai lầm của quan niệm thân-tâm.

H: Nhưng, ông vẫn bị giới hạn bởi thân xác ông.

M: Chỉ trong những gì liên quan đến thân xác. Điều đó chẳng làm Ta bận tâm. Nó cũng giống như trải qua các mùa trong năm. Chúng đến, chúng đi nhưng chẳng tác động gì đến Ta. Cũng như thế các thân-tâm đến rồi đi - cuộc sống luôn luôn tìm kiếm những sự thể hiện mới.

H: Nếu ông không trút hết gánh nặng của sự xấu xa lên Thượng đế thì tôi thỏa mãn với lập luận của ông. Có thể có một Thượng đế cho tất cả, nhưng đối với tôi Thượng đế chỉ là một ý niệm được tâm con người phóng chiếu ra. Thượng đế có thể là một thực tế đối với ông, còn với tôi thì xã hội còn thật hơn cả Thượng đế, vì tôi vừa là sản phẩm vừa là tù nhân của nó. Những giá trị của ông là trí và bi, còn giá trị của xã hội là sự ích kỷ ranh mãnh. Tôi sống trong một thế giới rất khác biệt với thế giới của ông.

M: Chẳng có gì có thể bắt buộc được.

H: Chẳng có gì bắt buộc được ông, nhưng tôi thì bị bắt buộc. Thế giới của tôi là một thế giới xấu xa, đầy nước mắt, trần lao và đau khổ. Lý giải nó bằng những lập luận trí thức, bằng cách đưa ra những triết thuyết như tiến hóa, và nghiệp quả thì chỉ làm cho vết thương thêm đau đớn. Thượng đế của một thế giới xấu xa là Thượng đế độc ác.

M: Ông là Thượng đế của thế giới của ông, và ông vừa ngu vừa độc ác. Cứ cho Thượng đế là một ý niệm - do chính ông tạo ra. Hãy tìm biết ông là ai, ông đã vào đời, tìm kiếm chân lý, cái thiện mỹ trong một thế giới xấu xa như thế nào. Biện hộ hay công kích Thượng đế thì có ích gì khi ông chẳng biết Thượng đế là ai, và ông đang nói về cái gì. Thượng đế được khai sinh từ đau khổ và hy vọng, được tạo ra bởi tham ái và tưởng tượng thì không thể là cái Quyền Năng Đó Là (the Power That Is), tức là Tâm thức và Trái tim của vũ trụ.

H: Đồng ý rằng thế giới mà trong đó tôi sống, và Thượng đế mà tôi tin đều là sản phẩm của tưởng tượng. Nhưng cả hai đã được tạo ra từ tham ái bằng cách nào? Việc gì tôi lại tưởng tượng ra một thế giới đau khổ, và một vị Thượng đế nhẫn tâm đến như thế? Việc gì tôi lại tự hành hạ mình một cách tàn tệ như vậy? Một bậc giác ngộ đến bảo tôi rằng: “Đó chỉ là một giấc chiêm bao, cần phải chấm dứt”, thế không phải chính vị ấy cũng là một phần của giấc chiêm bao? Tôi cảm thấy mình bị cùng đường và không thấy lối ra. Ông nói là ông tự do. Ông tự do đối với cái gì? Hãy vì sự thánh thiện, đừng cho tôi ăn lời lẽ suông, mà hãy giác ngộ tôi, giúp tôi tỉnh thức, vì chính ông là người thấy tôi đang trăn trở trong giấc ngủ của tôi.

M: Khi Ta nói Ta tự do, Ta chỉ nói lên một thực tế. Khi là người lớn thì ông đã thoát ra khỏi thời niên thiếu. Ta thoát ra khỏi mọi mô tả và nhận dạng. Bất cứ gì ông có thể nghe, thấy, hay nghĩ tưởng ra được, đều không phải là Ta. Ta hoàn toàn không phải là một đối tượng của tri thức, hay là một khái niệm.

H: Nhưng ông vẫn còn một thân xác, và ông tùy thuộc vào nó.

M: Ông vẫn cho quan điểm của ông là duy nhất đúng. Ta lập lại: Ta đã không phải, hiện không phải, và sẽ không phải là một thân xác. Đối với Ta đó là một thực tế. Trước kia Ta cũng có ảo tưởng đã được sinh ra, nhưng Tôn sư đã cho Ta thấy sinh và tử chỉ là những ý tưởng - sinh chỉ là ý tưởng: “Ta có một thân xác.” Và tử: “Ta đã mất đi thân xác.” Giờ đây, khi biết Ta không phải là một thân xác, nên thân xác có đó hay không thì có gì khác biệt? Thântâm cũng như một căn phòng. Nó có đó, nhưng không nhất thiết lúc nào Ta cũng phải sống trong đó.

H: Nhưng có một thân xác và ông phải lo cho nó.

M: Cái quyền năng tạo ra nó, lo cho nó.

H: Chúng ta luôn luôn nhảy từ bình diện này sang bình diện khác.

M: Chỉ có hai bình diện để lưu ý đến: Vật lý - của các sự kiện, và tâm - của ý nghĩ. Ta siêu vượt cả hai. Sự kiện và ý nghĩ của ông đều không phải là của Ta. Cái Ta thấy thì siêu vượt cả hai. Hãy qua bên này và cùng thấy với Ta.

H: Điều tôi muốn nói rất đơn giản. Chừng nào còn tin rằng: “Ta là thân xác” thì tôi không được nói: “Thượng đế sẽ lo cho thân ta.” Thượng đế sẽ không làm như thế. Thượng đế sẽ để kệ cho nó đói khát, đau ốm và chết đi.

M: Ông còn mong đợi gì khác ở một cái chỉ là thân xác? Tại sao ông lại bận tâm với nó đến thế?

Vì ông nghĩ rằng ông là thân xác nên ông muốn nó bất hoại. Ông có thể kéo dài sinh mạng của nó bằng những sự tu tập đúng cách, nhưng cho lợi ích tối hậu nào?

H: Sống lâu và khỏe mạnh vẫn tốt hơn chứ. Nó cho chúng ta cơ hội tránh được những sai lầm của thời niên thiếu và thanh xuân, những thất vọng của tuổi trưởng thành, những khốn khổ và lão suy của tuổi già.

M: Hãy sống trường thọ bằng mọi cách. Nhưng ông không phải là chủ nhân của thân xác. Liệu ông có thể định đoạt ngày sinh và ngày chết của ông? Chúng ta không nói cùng ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ông là của thế giới tưởng tượng, mọi thứ đều treo trên những giả thuyết và phỏng định. Ông nói một cách rất quả quyết về những gì ông không biết chắc.

H: Vì thế tôi đến đây.

M: Ông chưa đến đây. Ta mới ở đây. Mời vào! Nhưng ông không vào. Ông muốn Ta sống cuộc sống của ông, cảm nhận theo cách của ông, sử dụng ngôn ngữ của ông. Ta không thể, và điều đó cũng chẳng giúp gì ông. Ông phải đến với Ta. Ngôn từ là của tâm và tâm thì ngăn che và vo tròn bóp méo. Do đó, điều cần thiết tất yếu là phải vượt ra khỏi ngôn từ, và qua bên này với Ta.

H: Hãy đưa tôi qua.

M: Ta đang làm chuyện đó, nhưng ông cứ cưỡng lại. Ông biến thực tại thành khái niệm, trong khi khái niệm chỉ là những hình ảnh méo mó về thực tại. Hãy từ bỏ mọi cố gắng khái niệm hóa, an trú với sự im lặng và chú ý. Hãy thành khẩn với điều đó, rồi mọi chuyện sẽ tốt lành với ông.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh