Ta Là Cái Đó: Chương 25. Tính Cách Con Người - Một Chướng Ngại

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 25. TÍNH CÁCH CON NGƯỜI - MỘT CHƯỚNG NGẠI

Hỏi: Theo tôi thấy, thế giới là một trường Yoga và tự thân cuộc sống là sự thực hành Yoga. Mọi người đều phấn đấu cho sự toàn hảo, và Yoga là gì nếu không phải là phấn đấu. Chẳng có gì là đáng khinh đối với những người được gọi là “phàm phu” và cuộc sống “phàm tục” của họ. Họ phấn đấu cũng cam go và chịu đựng cũng không kém hành giả Yogi, chỉ có điều là họ không ý thức được mục đích thật sự của họ.

Maharaj: Người thường các cậu cũng tương tự như Yogi về phương diện nào?

H: Mục đích tối hậu thì như nhau. Cái mà hành giả Yogi đạt được bằng sự tu hành - Tyaga - thì người thường - Bhoga - đạt được qua kinh nghiệm. Con đường Bhoga thì vô thức, do đó lập đi lập lại và kéo dài, còn con đường Yoga thì có chủ đích và chuyên sâu, nên nhanh chóng hơn.

M: Có thể là các giai đoạn của YogaBhoga luân phiên nhau. Trước tiên là Bhogi, rồi Yogi, trở lại Bhogi, rồi lại Yogi.

H: Mục đích của sự luân phiên đó là gì?

M: Những ham muốn hời hợt có thể được loại trừ bằng nội quán và thiền định, nhưng các tham ái mãnh liệt và thâm căn cố đế thì phải được thực hiện, và quả của chúng, dù ngọt hay đắng, đều phải được nếm.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Vậy tại sao chúng ta phải tôn kính các hành giả Yogi và xem thường những người Bhogi? Về một phương diện tất cả đều là Yogi.

M: Trên bậc thang giá trị của con người những cố gắng có chủ đích thì được xem là đáng ca tụng. Trong thực tế, cả hành giả Yogi và những người Bhogi đều thuận theo bản chất riêng của họ, tùy hoàn cảnh và cơ hội. Cuộc đời của hành giả Yogi được điều khiển bởi một ước muốn duy nhất - tìm kiếm Chân lý, còn người Bhogi phục vụ cho nhiều chủ nhân. Nhưng một Bhogi có thể trở thành một hành giả Yogi, và một hành giả Yogi có thể quay trở lại thời kỳ của một Bhogi. Kết quả chung cuộc thì vẫn như nhau.

H: Theo kinh sách, Đức Phật có nói rằng khi được nghe về sự giác ngộ thì vô cùng quan trọng, vì một sự đảo ngược hoàn toàn và chuyển hóa sẽ xảy ra trong ý thức. Tin lành được ví như đốm lửa trong một chuyến tàu chở đầy bông gòn; một cách chậm chạp nhưng chắc chắn tất cả sẽ biến thành tro. Tương tự như thế, tin lành về sự giác ngộ không sớm thì muộn sẽ đem lại một sự chuyển hóa.

M: Đúng, trước tiên là nghe - Sbravana, nhớ - Smarana, rồi tư duy - Manama, vân vân. Chúng ta tương đồng về quan điểm. Người nào nghe được tin lành thì trở thành Yogi, những người còn lại tiếp tục với lối sống Bhoga của họ.

H: Nhưng ông đồng ý rằng khi sống một cuộc đời - chỉ sống một cuộc đời tầm thường thế tục, được sinh ra để chết đi, và chết đi để được sinh ra - con người sẽ thăng tiến bằng chính lực đẩy của cuộc đời, cũng như một giòng sông tìm đường ra biển bằng chính khối lượng nước mà nó huân tập được.

M: Trước khi có thế giới, đã có ý thức. Thế giới hình thành trong ý thức, tồn tại trong ý thức, rồi tan biến vào trong ý thức thuần túy. Ở tận nguồn gốc của tất cả là nhận thức “Ta hiện hữu”. Trạng thái tâm “có một thế giới” là thứ yếu; để hiện hữu, Ta không cần thế giới, mà thế giới cần Ta.

H: Sự ham sống là một cái gì thật phi thương.

M: Nhưng phi thường hơn nữa là sự tự do không còn bị thôi thúc phải sống.

H: Tự do đối với mọi gánh nặng?

M: Phải, tự do đối với mọi gánh nặng, và còn nhiều hơn thế nữa. Tự do vô biên và hữu thức.

H: Thế không cần phải có tính cách con người để thu nhập

kinh nghiệm?

M: Như cậu hiện nay, tính cách con người chỉ là một chướng ngại. Đồng hóa chính mình với thân xác có thể là một điều tốt cho một đứa trẻ, nhưng một sự trưởng thành thật sự lại tùy thuộc vào sự loại bỏ chướng ngại thân xác. Bình thường, một người cần từ bỏ những ham muốn thuộc thân xác ngay từ khi còn sớm trong đời. Thậm chí một Bhogi, kẻ không từ chối hưởng thụ, cũng chẳng cần phải thèm khát những gì đã nếm qua. Thói quen, sự ham muốn lập lại làm cả Yogi lẫn Bhogi cảm thấy không được thỏa mãn.

H: Tại sao ông cứ tiếp tục gạt bỏ con người như chẳng có gì quan trọng? Tính cách con người là thực tế thiết yếu của sự tồn tại. Nó chiếm toàn thể sân khấu.

M: Chừng nào còn không thấy được tính cách con người chỉ là thói quen, dựng lập trên ký ức, thúc giục bởi tham ái, thì cậu còn nghĩ mình là một con người - sống, cảm thọ, suy nghĩ, năng động, thụ động, hài lòng hay đau đớn. Hãy đặt câu hỏi với chính cậu, tự hỏi cậu: “Có phải vậy không?” “Ta là ai?” “Cái gì ở đằng sau và bên ngoài tất cả những điều này?” Chẳng bao lâu cậu sẽ nhận ra sự lầm lẫn của cậu. Bản chất của lầm lẫn là nó tự nhiên biến mất khi được nhận diện.

H: Yoga của sự sống, của chính cuộc sống, chúng ta có thể gọi là Yoga tự nhiên - Nisarga Yoga. Nó làm tôi nhớ đến Yoga căn bản - Adhi Yoga, đề cập trong kinh Rig-Veda, và được mô tả như là cuộc hôn nhân của cuộc sống với tâm.

M: Một cuộc sống được sống một cách sâu sắc, trong sự tỉnh thức hoàn toàn, chính nó là Nisarga Yoga.

H: Hôn nhân giữa cuộc sống và tâm nghĩa là gì?

M: Sống trong sự tỉnh thức tự nhiên, trong ý thức về sự sống thanh thản, hoàn toàn quan tâm đến cuộc sống của chính mình - đó là tất cả những hàm ý.

H: Sharada Devi, hiền thê của ngài Ramakrishna

Paramahamsa, vẫn thường quở các môn đồ của ngài về sự cố gắng quá mức. Bà so sánh họ với những trái xoài trên cây được hái trước khi chin. “Tại sao lại vội vàng?” Bà thường bảo: “Chờ cho đến khi các ông hoàn toàn chín mùi, và trở nên ngọt lịm”.

M: Bà quả thật đúng ! Có rất nhiều người vừa mới sáng sớm đã cho là giữa trưa, một kinh nghiệm nhất thời đã cho là toàn giác, và làm thui chột chút chứng đắc nhỏ nhoi bằng sự kiêu căng quá lố. Lòng khiêm tốn và sự im lặng là cần thiết cho một hành giả Sadhaka, dù cao cấp đến đâu. Chỉ bậc giác ngộ hoàn toàn chín chắn mới có thể cho phép mình hoàn toàn tùy nghi tự ý.

H: Hình như môn đồ của nhiều phái Yoga sau khi đã phát huệ vẫn buộc phải tịnh khẩu từ 7 đến 12 hay 15 hoặc thậm chí đến 25 năm. Ngay cả đạo sư Bhagavan Sri Ramana Maharshi cũng tự tịnh khẩu 20 năm trước khi thuyết giảng.

M: Đúng, quả bên trong phải thật chín mùi. Giới hạnh, và sự sống tỉnh thức vẫn tiếp tục cho đến khi hành giả thực sự chín mùi. Lâu dần sự tu tập càng trở nên vi tế, cho đến khi không còn một hình thức nào nữa.

H: Krishnamurti cũng nói đến sự sống trong tỉnh thức.

M: Ông ấy luôn luôn nhắm thẳng vào “cái tối hậu”. Đúng, cuối cùng thì tất cả các pháp môn Yoga đều hội tụ trong Adhi Yoga như cậu nói, được xem là cuộc hôn nhân của ý thức (cô dâu) và cuộc sống (chú rể). Ý thức và hiện hữu hội ngộ trong hỷ lạc. Để hỷ lạc khởi sinh thì phải có gặp gỡ, giao tiếp, và sự khẳng định của cái duy nhất trong nhị nguyên.

H: Đức Phật cũng nói rằng để đạt được Nirvana một người phải đến với chúng sinh. Ý thức cần cuộc sống để trưởng thành.

M: Tự thân thế giới là sự giao tiếp - toàn thể các giao tiếp được thực hiện trong ý thức. Tinh thần tiếp xúc với vật và ý thức khởi sinh. Những ý thức như thế, khi bị nhiễm ô bởi ký ức và chờ mong, trở nên ràng buộc. Kinh nghiệm thuần túy thì không ràng buộc; kinh nghiệm vướng mắc giữa ham muốn và lo sợ thì bất tịnh và tác nghiệp.

H: Có thể nào có hạnh phúc trong tính một duy nhất? Không phải tất cả hạnh phúc hàm ý cần thiết của giao tiếp, do đó mang tính nhị nguyên?

M: Chả có gì không đúng với nhị nguyên chừng nào nó không tạo ra xung đột. Nhiều và đa dạng mà không xung đột là hỷ lạc. Ánh sáng ở trong ý thức thuần túy. Để có sự nồng nhiệt thì giao tiếp là cần thiết. Bên trên tính duy nhất của hiện hữu là sự hợp nhất của tình yêu. Tình yêu là ý nghĩa và mục đích của tính nhị nguyên.

H: Tôi là một đứa con nuôi. Tôi không biết cha ruột của tôi. Mẹ tôi chết khi tôi mới sinh ra. Để làm vui lòng một người vợ không con, cha nuôi tôi đã nhận nuôi tôi - hầu như là tình cờ. Ông ấy là một người bình dị - vừa là chủ vừa là tài xế của một chiếc xe tải. Mẹ nuôi tôi lo việc nhà. Năm nay tôi 24 tuổi. Suốt hai năm rưỡi qua tôi đi khắp nơi, không ngừng tìm kiếm. Tôi muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống thánh thiện. Tôi phải làm gì?

M: Trở về nhà, đảm đương công việc của cha, chăm sóc cha mẹ trong tuổi già. Lấy cô gái đang chờ cậu, hãy chung thủy, bình dị và khiêm tốn. Đừng phô trương đức hạnh và sống thầm lặng. Năm giác quan và ba tính chất là tám bước đi của cậu trong Yoga. Và “Ta hiện hữu” là Thần chú Vĩ đại - Mahamantra. Cậu có thể học ở chúng tất cả những gì cần biết. Hãy chuyên chú và không ngừng tìm hiểu. Tất cả chỉ có thế.

H: Nếu chỉ sống cuộc sống của chính mình là giải thoát, vậy tại sao tất cả mọi người không giải thoát?

M: Tất cả đều đang được giải thoát. Không phải cậu sống cái gì mà cậu sống thế nào mới đáng kể. Ý niệm về sự giác ngộ là vô cùng quan trọng. Chỉ cần biết được giác ngộ là điều có thể xảy ra thì cũng đã thay đổi toàn diện cái nhìn của một con người. Nó cũng giống như một que diêm cháy trong đống mạt cưa. Tất cả các đại sư không làm gì khác hơn. Một tia lửa của chân lý có thể thiêu rụi cả một ngọn núi của những điều hư giả. Và ngược lại thì cũng vậy: Mặt trời chân lý vẫn bị che khuất sau đám mây của sự đồng hóa chính mình với thân xác.

H: Phổ biến tin lành về sự giác ngộ có lẽ là điều vô cùng quan trọng.

M: Chỉ mới nghe đã là một hứa hẹn của sự giác ngộ. Gặp được một Đạo sư là đảm bảo một sự giải thoát. Cái toàn hảo thì đem lại sự sống và sáng tạo.

H: Một bậc giác ngộ có bao giờ nghĩ: “Ta giác ngộ”? Vị ấy không ngạc nhiên khi được người khác tôn vinh thành quan trong? Bậc giác ngộ không xem mình là một con người bình thường?

M: Chẳng bình thường, mà cũng chẳng phi thường. Chỉ tỉnh thức và yêu thương - một cách mãnh liệt. Người giác ngộ nhìn vào chính mình mà không hề có những định nghĩa về chính mình, và nhận dạng về chính mình. Người giác ngộ không hề biết mình là một cái gì tách biệt với thế giới. Người giác ngộ là thế giới. Người giác ngộ từ bỏ hoàn toàn chính mình, như một người giầu có nhưng không ngừng cho đi sự giầu có của mình. Người giác ngộ không giầu có vì chẳng có gì, nhưng không nghèo túng vì cho đi rất hào phóng. Người giác ngộ thì vô sản. Tương tự như thế, người giác ngộ vô ngã, và đã mất đi khả năng tự đồng hóa với bất cứ gì. Người giác ngộ không có vị trí, không có trú xứ, siêu vượt không gian thời gian, và thế giới. Người giác ngộ ở ngoài ngôn ngữ và tư duy.

H: Hừ! Quả thật là một điều kỳ bí khó dò đối với một con người đơn giản như tôi.

M: Chính cậu mới khó dò, phức tạp, kỳ bí và khó hiểu. Ta chính là sự đơn giản, khi so với cậu. Ta là cái đang là - không hề có bất cứ phân biệt nào xen vào giữa bên trong và bên ngoài, của Ta và của người, tốt và xấu. Thế giới là cái gì thì Ta là cái đó; Ta là cái gì thì thế giới là cái đó.

H: Làm sao có chuyện mỗi con người tạo ra thế giới của riêng mình?

M: Trong một nhóm người đang ngủ, mỗi người mơ giấc chiêm bao riêng của riêng mình. Chỉ khi nào tỉnh giấc thì câu hỏi về những giấc chiêm bao khác nhau mới được đặt ra, và cũng ngay lúc đó câu hỏi được giải đáp vì chiêm bao được thấy là chiêm bao, là cái gì đó tưởng tượng.

H: Ngay cả chiêm bao cũng có một cơ sở nào đó.

M: Nó ở trong ký ức. Cho dù như thế, cái gì được nhớ thì cũng chỉ là một giấc chiêm bao khác. Ký ức về cái hư giả thì không thể không tạo ra cái hư giả. Chẳng có gì là không đúng với ký ức như thế. Hư giả là nội dung của nó. Hãy nhớ cái thật, quên đi ý tưởng.

H: Cái gì là thật?

M: Cái được nhận thức trong tánh biết thuần túy, không bị tác động bởi tham ái và lo sợ - là thật.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh