Ta Là Cái Đó: Chương 32. Mọi Chuyện Đều Tự Xảy Ra

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 32. MỌI CHUYỆN ĐỀU TỰ XẢY RA

Hỏi: Bậc giác ngộ có chết không?

Maharaj: Người giác ngộ ở ngoài sống và chết. Điều mà chúng ta cho là bất khả tránh - sinh ra và chết đi - thì đối với người giác ngộ chỉ là một cách thể hiện cái động trong cái tịnh, cái biến đổi trong cái bất biến, cái chấm dứt trong cái bất tận. Đối với người giác ngộ thì hiển nhiên là không có gì được sinh ra và chẳng có gì chết đi, không có gì bền lâu và cũng chẳng có gì thay đổi, tất cả hiện hữu như chính nó là - một cách phi thời.

H: Ông nói bậc giác ngộ ở ngoài. Ở ngoài cái gì? Ở ngoài sự hiểu biết?

M: Sự hiểu biết nổi lên và chìm xuống. Ý thức xuất hiện rồi

biến mất. Đó là điều xảy ra hàng ngày và quan sát được. Chúng ta đều biết rằng nhiều lúc chúng ta có ý thức và cũng có nhiều lúc không. Khi không có ý thức, chúng ta ở trong trạng thái tối tăm hoặc không biết gì cả. Nhưng một người giác ngộ biết rõ chính mình không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức; người giác ngộ biết một cách thuần túy, như một nhân chứng về ba trạng thái của tâm và nội dung của các trạng thái đó.

H: Hành vi nhân chứng này bắt đầu khi nào?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

M: Đối với người giác ngộ không có gì bắt đầu hoặc chấm dứt. Cũng như muối hòa tan trong nước, tất cả mọi thứ tan biến vào trong sự hiện hữu thuần túy. Trí tuệ là sự phủ nhận vĩnh viễn cái hư giả. Thấy được cái hư giả là trí tuệ. Siêu vượt ra ngoài là cái bất khả diễn giải.

H: Trong tôi có sự tin tưởng: “Ta là thân xác.” Cứ cho là tôi nói từ vô minh. Nhưng trạng thái cảm nhận chính mình là thân, là thân-tâm, là tâm-thân, hay thậm chí là tâm thuần túy - bắt đầu từ bao giờ?

M: Ông không thể nói đến một sự bắt đầu của ý thức. Ngay chính những ý tưởng về sự bắt đầu và thời gian đều ở trong ý thức. Muốn nói một cách có ý nghĩa về sự bắt đầu của bất cứ cái gì thì ông phải bước ra khỏi nó. Và ngay khi bước ra khỏi, ông nhận ra rằng chẳng có cái gì như thể và chưa bao giờ đã có cái như thế. Chỉ có thực tại, trong đó không cái gì tự nó có thực thể. Cũng như sóng không thể xa lìa biển, tất cả mọi tồn tại đều bắt nguồn từ hiện hữu.

H: Thực tế là ngay đây và bây giờ, tôi hỏi ông: cái cảm tưởng “Ta là thân xác” khởi lên khi nào? Lúc tôi sinh ra? Hay mới sáng nay?

Mua đá năng lượng:

M: Ngay bây giờ.

H: Nhưng tôi nhớ hôm qua tôi cũng có nó!

M: Ký ức về ngày hôm qua chỉ có ngay bây giờ.

H: Nhưng chắc chắn là tôi tồn tại trong thời gian. Tôi có một quá khứ và một tương lai.

M: Đó là cách ông tưởng tượng - ngay bây giờ.

H: Chắc chắn đã phải có một sự bắt đầu.

M: Ngay bây giờ.

H: Thế còn chấm dứt?

M: Cái không có sự bắt đầu thì không thể chấm dứt.

H: Tôi biết tôi hỏi cái gì.

M: Một câu hỏi sai thì không thể có câu trả lời. Nó chỉ có thể được xem là hư giả.

H: Đối với tôi nó là thật.

M: Nó xuất hiện như thật với ông bao giờ? Ngay bây giờ.

H: Đúng, nó rất thật với tôi - ngay bây giờ.

M: Cái gì là thật về câu hỏi của ông? Câu hỏi của ông là một trạng thái của tâm. Không có trạng thái nào của tâm lại thật hơn chính tâm. Tâm có thật không? Nó chỉ là sự kết tập của các trạng thái, mà mỗi trạng thái đều biến diệt. Làm sao một chuỗi liên tiếp các trạng thái biến diệt có thể được xem là thật?

H: Cũng giống như những chuỗi hạt trên một sợi dây, sự kiện tiếp nối sự kiện - mãi mãi.

M: Tất cả chúng đều treo trên một ý nghĩ căn bản: “Ta là thân xác.” Nhưng ngay cả ý nghĩ này cũng là một trạng thái của tâm và không lâu bền. Nó đến rồi đi như tất cả các trạng thái khác. Cái ảo tưởng là thân-tâm có đó chỉ vì nó không được tìm hiểu đến nơi đến chốn. Chính sự không tìm hiểu đến nơi đến chốn là sợi dây mà trên đó tất cả những trạng thái của tâm bám víu. Cũng giống như bóng tối trong một căn phòng đóng kín. Rõ ràng là có nó. Nhưng khi cửa phòng mở toang, bóng tối đi đâu? Nó chẳng đi đâu cả, bởi vì nó đã không ở phòng. Tất cả những trạng thái của tâm, tất cả những dãnh xưng và hình tướng của sự tồn tại bắt nguồn từ sự không thắc mắc, không tìm hiểu đến nơi đến chốn, từ sự tưởng tượng và dễ tin. Khi nói “Ta là” thì đúng, những nếu bảo rằng “Ta là cái này”, “Ta là cái kia” thì đó là một dấu hiệu của sự không thắc mắc, thiếu suy xét, của một cái tâm nhu nhược, hoặc thờ ơ.

H: Nếu tất cả đều là ánh sáng, thì bóng tối xuất hiện như thế nào? Làm sao có thể có bóng tối ngay giữa ánh sáng?

M: Chẳng có bóng tối nào ở giữa ánh sáng. Quên mất chính mình là tối. Khi bị thu hút bởi những cái khác, bởi những cái không phải là Ta, chúng ta quên mất cái Ta. Chẳng có gì là không tự nhiên về điều đó. Nhưng tại sao lại quên mất chính mình trong quá nhiều ràng buộc? Trí tuệ là ở chỗ không bao giờ quên mình là nguồn gốc thường tại của cả người kinh nghiệm lẫn kinh nghiệm.

H: Trong trạng thái hiện nay của tôi, ý nghĩ “Ta là thân xác” xuất hiện một cách tự nhiên, còn ý nghĩ “Ta là hiện hữu thuần túy” phải được áp đặt lên tâm như một cái gì có thật, dù chưa bao giờ thực chứng.

M: Đúng, việc thực hành bao gồm có sự tự nhắc nhở một cách kiên quyết về “trạng thái hiện hữu” thuần túy của chính mình, rằng mình không phải là bất cứ gì cá biệt, hay một tập hợp của những cá biệt, và thậm chí cũng không phải là tổng thể của những cá biệt, tạo thành vũ trụ. Tất cả đều tồn tại trong tâm, ngay cả thân cũng chỉ là sự hợp nhất trong tâm của vô số những nhận thức thuộc cảm giác, mà mỗi nhận thức lại là một trạng thái của tâm. Nếu ông bảo: “Ta là thân xác” hãy cho Ta xem.

H: Nó đây.

M: Chỉ khi nào ông nghĩ về nó. Cả tâm và thân đều là những trạng thái thất thường, lúc có lúc không. Sự tổng hợp của những trạng thái chợt lóe lên rồi chợt tắt này tạo ra cái ảo tưởng về sự tồn tại. Tìm ra cái thường hằng trong cái vô thường, cái chơn thật trong cái hư giả. Đó chính là Sadhana.

H: Thực tế, tôi nghĩ tôi là thân xác.

M: Bằng mọi cách hãy nghĩ về chính ông. Nhưng đừng đem ý nghĩ về một thân xác vào bức tranh. Chỉ có một giòng những cảm giác, nhận thức, ký ức, và ý tưởng. Thân xác chỉ là một cái gì trừu tượng, được hình thành bởi khuynh hướng tìm kiếm sự đơn nhất trong cái đa dạng - điều này, một lần nữa, chẳng có gì sai.

H: Tôi được bảo rằng ý nghĩ “Ta là thân xác” là một khuyết tật trong tâm.

M: Tại sao lại nói thế? Những phát biểu như thế gây ra đủ thứ phiền trược. Cái Ta là nguồn gốc của tất cả, và là nơi đến cuối cùng của tất cả. Không có gì ở ngoài nó.

H: Khi ý nghĩ về thân xác trở nên một sự ám ảnh, thì không phải điều đó hoàn toàn sai?

M: Chẳng có gì sai trong ý nghĩ về thân xác, thậm chí cũng chẳng có gì không đúng trong ý nghĩ “Ta là thân xác”. Nhưng giới hạn chính mình chỉ trong một thân xác là sai lầm. Trong thực tế tất cả mọi tồn tại, mọi hình tướng là của chính Ta, trong nội vi ý thức của Ta. Ta không thể nói Ta là cái gì bởi vì ngôn từ chỉ có thể mô tả cái không phải là Ta. Ta hiện hữu, và bởi vì Ta hiện hữu, nên tất cả hiện hữu. Nhưng Ta ở ngoài ý thức, và, do đó, trong ý thức Ta không thể nói Ta là cái gì. Nhưng, Ta hiện hữu. Câu hỏi “Ta là ai?” không có đáp án. Không kinh nghiệm nào có thể trả lời, vì cái Ta ở ngoài mọi kinh nghiệm.

H: Nhưng câu hỏi “Ta là ai?” phải có một công năng nào đó.

M: Nó không có câu trả lời trong ý thức, và, do đó, giúp người hỏi vượt ra ngoài ý thức.

H: Tôi ở đây - trong khoảnh khắc hiện tại. Cái gì là thật và cái gì là không thật trong đó? Xin đừng bảo tôi rằng câu hỏi của tôi sai. Hỏi lại câu hỏi của tôi chẳng đưa tôi đến đâu cả.

M: Câu hỏi của ông không sai. Nhưng nó không cần thiết. Ông nói: “Ta ở đây và bây giờ.” Dừng lại ở đó, đó là thật. Đừng biến một sự kiện thực tế thành câu hỏi. Sự sai lầm của ông là ở đó. Ông không phải biết mà cũng chẳng phải không biết, không phải tâm mà cũng chẳng phải vật; đừng cố tìm cách mô tả ông dưới hình thức tâm hay vật.

H: Vừa mới đây một cậu bé có vấn đề gì đó đến gặp ông. Ông nói vài câu rồi cậu Ta ra đi. Thế ông có giúp cậu Ta không?

M: Tất nhiên.

H: Vì sao ông lại đoan chắc như thế?

M: Giúp ích là bản tính của Ta.

H: Làm sao ông biết được điều đó?

M: Chẳng cần phải biết. Nó tự vận hành.

H: Ông vẫn đưa ra một phát biểu. Sự phát biểu của ông dựa trên cái gì?

M: Những gì mà người khác bảo Ta. Ông là người thắc mắc về các bằng chứng. Ta chẳng cần chúng. Xắp đặt mọi thứ cho đúng cách là bản tánh của Ta, đó là cái thật, cái thiện và cái đẹp - Satyam, Shivam, Sundram.

H: Khi một người đến gặp ông để được chỉ giáo, và ông chỉ dạy người đó. Sự chỉ giáo đó ở đâu mà có và nhờ ở quyền năng nào nó giúp người kia?

M: Sự hiện hữu của người đó tác động đến tâm của chính người đó và tạo ra một sự đáp ứng.

H: Thế vai trò của ông là gì?

M: Người đó và cái Ta của người đó cùng đến trong Ta.

H: Vì sao cái Ta không giúp được người đó nếu không có ông?

M: Vì Ta là cái Ta! Ông tưởng tượng Ta tách biệt, nên đặt câu hỏi. Không hề có “cái Ta của ta” và “cái Ta của người đó.” Chỉ có cái Ta, cái Ta duy nhất cho tất cả. Bị lầm lẫn bởi sự đa dạng của danh xưng và hình tướng, tâm và thân, ông tưởng tượng có nhiều cái Ta. Ông và Ta là cái Ta, nhưng ông có vẻ không tin điều đó. Bàn về cái Ta cá nhân và cái Ta vũ trụ là thuộc về phạm vi của kẻ sơ cơ; hãy vượt ra ngoài, đừng vướng mắc trong nhị nguyên.

H: Trở lại với người cần giúp. Người đó đến với ông.

M: Nếu người đó đến, chắc chắn sẽ được giúp. Vì định mệnh buộc người đó cần giúp, người đó tìm đến. Chẳng có gì lạ lùng về điều đó. Ta không thể giúp người này và từ chối người khác. Mọi người đến đều được giúp, đó là định luật. Cách giúp thì khác vì tùy theo sự cần giúp.

H: Vì sao người đó phải tìm đến đây để được giúp? Người đó không thể tìm được từ bên trong hay sao?

M: Người đó không nghe được vì tâm người đó mải vọng ra ngoài. Nhưng thực ra tất cả kinh nghiệm đều xảy ra trong tâm, vì vậy dù người đó đến gặp Ta và được giúp thì tất cả cũng đều ở trong chính người đó. Thay vì tìm ra câu trả lời trong chính mình, người đó tưởng tượng tìm ra đáp án từ bên ngoài. Còn đối với Ta, không có Ta, không có người cần giúp và cũng không có sự giúp. Tất cả chỉ là một thoáng trong tâm. Ta là sự im lặng và an lạc vô biên trong đó không có gì xuất hiện, vì tất cả những gì xuất hiện đều biến mất. Không có người đến nhờ giúp, không có người giúp, không có người được giúp. Tất cả chỉ là một sự phô diễn trong ý thức.

H: Nhưng quyền năng giúp có đó, và phải có ai đó hoặc cái gì đó làm cho quyền năng đó hiển hiện; gọi người đó hay cái đó là Thượng đế, là Ta, hay là Tâm thức vũ trụ. Điều quan trọng là sự kiện, chứ không phải danh hiệu.

M: Đó là quan điểm của thân-tâm. Cái tâm thuần túy thấy mọi thứ như chúng là: những bọt bong bóng trong ý thức. Chúng xuất hiện, biến mất, và tái xuất hiện mà không hề có một thực thể. Không một nhân duyên riêng biệt nào có thể gán cho chúng, vì mỗi cái được toàn thể tạo ra, và tác động lên toàn thể. Mỗi bọt bong bóng là một thân và tất cả thân đó là của Ta.

H: Có phải ông muốn nói rằng ông có quyền năng làm tất cả mọi chuyện một cách đúng đắn?

M: Chẳng có quyền năng nào tách biệt khỏi Ta. Nó có sẵn ngay trong bản tánh của Ta. Gọi nó là năng lực sáng tạo. Từ một thỏi vàng ông có thể làm ra nhiều món trang sức - mỗi món trang sức vẫn là vàng. Tương tự như thế, trong bất cứ vai trò nào mà Ta xuất hiện, và bất cứ chức năng nào mà Ta hành xử - Ta vẫn là cái Ta là: cái “Ta hiện hữu” bất động, bất di bất dịch và bất tùy thuộc. Cái mà ông gọi là vũ trụ, là thiên nhiên là tính tùy nghi sáng tạo của Ta. Bất cứ gì xảy ra - xảy ra. Bản tánh của Ta là thế nên tất cả sẽ chấm dứt trong an lạc.

H: Tôi gặp trường hợp một đứa trẻ bị mù vì người mẹ ngu ngốc cho nó uống lầm một loại cồn công nghiệp có chất methyl. Tôi khẩn khoản nhờ ông giúp đứa trẻ mù. Ông có đầy lòng từ bi, và, dĩ nhiên là sự thành tâm cứu giúp người khác. Bằng quyền năng nào ông có thể giúp đứa trẻ?

M: Trường hợp của đứa trẻ được ghi nhận trong ý thức. Nó ở đó - không thể tẩy xóa được. Ý thức sẽ hành sử.

H: Nếu tôi nhờ ông giúp thì có gì khác biệt?

M: Sự nhờ giúp của ông là một phần thuộc sự mù mắt của đứa trẻ. Vì nó mù nên ông mới nhờ. Ông chẳng thêm vào cái gì cả.

H: Nhưng sự cứu giúp của ông sẽ là một yếu tố mới.

M: Không, tất cả đều ở trong sự mù mắt của đứa trẻ. Tất cả đều ở trong đó - bà mẹ, đứa trẻ, ông và Ta, cùng những yếu tố khác. Tất cả là một sự kiện.

H: Ông muốn nói rằng ngay cả cuộc nói chuyện của tôi và ông về đứa trẻ cũng là tiền định.

M: Còn gì nữa? Tất cả đều hàm chứa tương lai của chính nó. Đứa trẻ xuất hiện trong ý thức. Ta ở bên ngoài. Ta không ra lệnh cho ý thức. Ta biết rằng sắp xếp mọi thứ cho đúng đắn là thuộc bản chất của tánh biết. Hãy để cho ý thức lo cho những gì nó tạo ra! Sự đau khổ của đứa trẻ, lòng trắc ẩn của ông, sự lắng nghe của Ta, và hành vi của ý thức - tất cả là một sự kiện duy nhất - đừng phần chia nó thành những thành phần rồi đặt câu hỏi.

H: Tâm ông hành hoạt thật lạ lùng!

M: Ông lạ lùng, không phải Ta. Ta rất bình thường. Ta rất minh mẫn. Ta thấy sự vật như chính chúng là, do đó Ta không hề sợ chúng. Còn ông thì sợ hãi thực tại.

H: Tại sao tôi lại sợ?

M: Chính sự vô minh về chính ông làm ông sợ và ông cũng không biết ông sợ. Đừng tìm cách không sợ. Trước tiên hãy phá xập bức tường vô minh.

Mọi người sợ chết vì người ta không biết cái chết là gì. Bậc giác ngộ chết trước khi cái chết đến với vị ấy, nên thấy chẳng có gì để sợ. Ngay khi biết được sự hiện hữu chơn thật của ông thì ông chẳng sợ gì nữa. Cái chết đem lại tự do và sức mạnh. Muốn tự do trong thế giới, ông phải chết đi đối với thế giới. Lúc đó cả vũ trụ thuộc về ông, nó trở nên thân xác ông, sự thể hiện và cũng là công cụ thể hiện. Hạnh phúc được tự do tuyệt đối thì ở ngoài mọi mô tả. Trái lại, kẻ nào sợ tự do thì không thể chết.

H: Ông muốn nói rằng người nào không thể chết đi, thì không thể sống?

M: Ông muốn nói sao cũng được. Ràng buộc là câu thúc, buông bỏ là tự do, tham ái là nô lệ.

H: Có phải nếu ông được cứu vớt, thì thế giới được cứu vớt?

M: Là cái toàn thể, nên thế giới chẳng cần được cứu vớt. Con người lầm lẫn và gây nên đau khổ; khi sự đau khổ đi vào phạm trù tánh biết, tức là ý thức của người giác ngộ nó liền được chỉnh lại cho đúng. Bản tánh của người giác ngộ là như thế.

H: Hãy quan sát một diễn tiến có thể được gọi là tiến bộ tâm linh. Một người vị kỷ trở nên mộ đạo, điều ngự bản thân, thanh lọc ý nghĩ và cảm thọ, tu tập tâm linh, nhận ra sự hiện hữu chơn thật của chính mình. Một sự tiến bộ như thế được điều hành bởi luật tương quan nhân quả, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên.

M: Theo cái nhìn của Ta mọi thứ đều tự xảy ra, một cách tự phát. Nhưng con người tưởng tượng rằng mình phấn đấu cho một mục đích để được thưởng công. Người ta lúc nào cũng nghĩ đến phần thưởng và tìm cách để đạt nó.

H: Một kẻ phàm phu, thô thiển sẽ chẳng làm gì nếu không có phần thưởng. Có gì là không đúng nếu hứa hẹn với người đó một sự thưởng công nào đó?

M: Dù sao thì người đó cũng tạo cho mình sự tưởng thưởng nào đó. Người đó không ý thức rằng sự trưởng thành là ở trong bản chất của ý thức. Người đó sẽ tiến bộ nhờ sự khuyến khích này đến sự khích lệ khác, và sẽ theo đuổi các Đạo sư để mong được thỏa mãn những ham muốn của mình. Một khi, theo những quy luật của hiện hữu, người đó tìm ra được con đường quay về và lúc đó sẽ từ bỏ tất cả mọi khích lệ, vì sự bận tâm đến thế gian không còn nữa. Người đó không còn ham muốn - nơi tha nhân hay từ chính mình. Người đó chết đi đối với tất cả và trở thành cái Tất Cả. Vô cầu và vô vi - đó chính là sáng tạo thật sự! Nhìn vũ trụ xuất hiện và biến mất trong tim mình là một cảnh quan kỳ vĩ.

H: Chướng ngại lớn nhất cho sự nội tinh tấn là nỗi nhàm chán. Người môn đồ cảm thấy nhàm chán.

M: Tính trì trệ và sự bất an - Tamas Rajas - đi cùng với nhau, chúng làm giảm bớt sự trong sáng và tính hòa hợp - Sattva. TamasRajas phải được điều ngự trước khi Sattva xuất hiện. Nó sẽ xuất hiện vào đúng thời cơ, và tự nhiên.

H: Nếu thế thì chẳng cần đến tinh tấn?

M: Khi cần thì tinh tấn xuất hiện. Khi vô dụng công là cần thiết thì tự nó sẽ khẳng định. Ông chẳng cần phải xô đẩy cuộc sống. Cứ việc trôi theo với cuộc sống và cống hiến chính ông hoàn toàn cho công việc của khoảnh khắc hiện tại, có nghĩa là chết ngay bây giờ đối với hiện tại. Vì sống tức là chết. Nếu không có cái chết thì không thể nào có sự sống.

Hãy nắm bắt được yếu chỉ: Thế giới và cái Ta là một và toàn hảo. Chỉ có thái độ của ông là sai lầm và cần được điều chỉnh.

Tiến trình này hay sự tái điều chỉnh là cái mà ông gọi là Sadhana. Ông đạt đến nó bằng cách chấm dứt sự lười biếng và vận dụng tất cả công sức để dọn đường cho tính trong sáng và lòng từ tâm. Trong thực tế, đó là những dấu hiệu của một sự trưởng thành tất yếu. Đừng lo sợ, đừng đề kháng, đừng trì hoãn. Hãy là cái ông là. Chẳng có gì để sợ. Hãy tin tưởng và thử xem. Hãy thử nghiệm một cách thành thật. Hãy cho sự hiện hữu chơn thật của ông một cơ hội để định hình cuộc đời ông. Ông sẽ không ân hận đâu.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh