Ta Là Cái Đó: Chương 26. Cái Không Có Sự Bắt Đầu Luôn Luôn Bắt Đầu

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 26. CÁI KHÔNG CÓ SỰ BẮT ĐẦU LUÔN LUÔN BẮT ĐẦU

Hỏi: Hôm trước tôi có hỏi ông về hai con đường của sự trưởng thành - tu hành và hưởng thụ (YogaBhoga). Sự khác biệt giữa hai con đường không quá lớn như nó có vẻ như thế. Hành giả Yogi tu hành để hưởng thụ; người Bhogi hưởng thụ để tu hành. Hành giả Yogi tu hành trước, người Bhogi hưởng thụ trước.

Maharaj: Rồi sao? Mặc kệ hành giả Yogi với Yoga, và người Bhogi với lối sống Bhoga của họ.

H: Con đường Bhoga theo tôi có vẻ hay hơn. Hành giả Yogi như một quả xoài xanh, bị hái khỏi cây lúc còn non và ủ cho chín trong một giỏ rơm. Trong môi trường thiếu không khí và quá nóng, quả xoài chín nhưng hương vị thực sự và mùi thơm của nó mất đi. Quả xoài còn ở trên cây tăng trưởng đến hết cỡ, mầu sắc đẹp và hương vị thơm ngọt, một sự vui tươi về mọi phương diện. Nhưng không hiểu vì sao Yoga nhận được đủ mọi ca tụng, còn Bhoga chịu đủ mọi nguyền rủa. Theo chỗ tôi thấy Bhoga vẫn hay hơn Yoga.

M: Vì sao cậu nói thế?

H: Tôi quan sát các hành giả Yogi và những cố gắng phi thường của họ. Ngay cả khi họ giác ngộ, vẫn có một cái gì cay đắng hay khắc khổ về sự chứng đắc của họ. Họ dành hầu hết thời gian cho những cơn xuất thần nhập định, và khi mở miệng họ không nói gì ngoài kinh điển. Vào lúc huy hoàng nhất những người giác ngộ đó giống như những bông hoa toàn hảo, nhưng chỉ là những bông hoa nhỏ tỏa chút hương thơm trong một phạm vi nhỏ hẹp. Nhưng có những người khác, họ như cả một khu rừng - phong phú, đa dạng, mênh mông và đầy những ngạc nhiên - trong họ là cả một thế giới. Chắc chắn là phải có một lý do về sự khác biệt này.

M: Quả là như thế. Theo cậu, một người bị ức chế trong Yoga, còn người khác thăng hoa trong lối sống Bhoga hưởng thụ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

H: Không phải thế sao? Hành giả Yogi sợ hãi cuộc đời và tìm kiếm sự an thân, trong khi người Bhogi mạo hiểm, đầy phấn khởi, và dám dấn thân. Hành giả Yogi bị trói buộc vào một lý tưởng, còn người Bhogi lúc nào cũng sẵn sàng khám phá.

M: Đó chỉ là vấn đề ham muốn nhiều hay thỏa mãn với cái ít. Hành giả Yogi có nhiều tham vọng còn người Bhogi chỉ đơn thuần phiêu lưu. Người Bhogi của cậu có vẻ phong phú hơn và lịch lãm hơn, nhưng thực tế không phải như thế. Hành giả Yogi thu hẹp lại như mép cắt của lưỡi dao. Người hành giả phải như thế - để cắt sâu và ngọt, xuyên qua một cách chính xác vô số các tầng lớp của sự hư giả. Người Bhogi cúng vái ở vô số bàn thờ, còn hành giả Yogi chẳng phụng sự ai ngoài cái Ta thật của chính mình.

Không hề có mục đích nào trong sự đối nghịch giữa hành giả Yogi và những người Bhogi. Con đường đi ra - Pravritti - cần thiết có trước con đường trở về - Nivritti. Đưa ra phán xét và phê bình suông thì chỉ là chuyện lố bịch. Tất cả đều cống hiến cho sự toàn hảo tối hậu. Một số người cho rằng ba phương diện của thực tại: Chân lý - Trí tuệ - Hỷ lạc. Người nào đi tìm chân lý trở thành Yogi, người nào tìm kiếm trí tuệ trở thành người giác ngộ, người nào đi tìm hạnh phúc trở thành con người của hành động.

H: Chúng tôi nghe nói về sự hỷ lạc của tính bất nhị.

M: Một sự hỷ lạc như thế thuộc về bản chất của một sự an lạc

vĩ đại. Còn lạc thú và đau khổ là kết quả của hành động đúng và không đúng.

H: Cái gì tạo ra sự khác biệt?

M: Sự khác biệt là ở chỗ cho và giữ. Dù cách tiếp cận là gì đi nữa, thì rốt cuộc tất cả sẽ trở thành một.

H: Nếu không có sự khác biệt trong mục đích, việc gì lại phân biệt giữa các phương cách tiếp cận khác nhau?

M: Cứ để mỗi người hành động theo bản chất riêng. Dù gì đi nữa thì mục đích tối hậu cũng sẽ đạt được. Tất cả những phân biệt và phân loại của cậu khá đúng, nhưng nó không xảy ra trong trường hợp của Ta. Một giấc mơ dù được mô tả một cách chi tiết và chính xác đến đâu, thì nó vẫn chẳng có một cơ sở nào, tương tự như thế mô thức của cậu chẳng thích hợp với bất cứ gì ngoài những giả định của chính cậu. Cậu bắt đầu với một ý tưởng và chấm dứt với cùng một ý tưởng dưới một lớp áo khác.

H: Ông nhìn sự vật như thế nào?

M: Đối với Ta một và tất cả đều như nhau. Cùng một ý thức - Chit, lúc là hiện hữu - Sat - và lúc là hỷ lạc - Ananda. Khi động ý thức là hỷ lạc, khi tịnh ý thức là hiện hữu.

H: Ông vẫn còn phân biệt giữa động và tịnh.

M: Vô phân biệt nói trong sự im lặng. Ngôn từ chuyên chở sự phân biệt. Cái bất thị hiện - Nirguna - thì không có danh xưng, tất cả danh xưng đều dùng cho cái thị hiện - Saguna. Giằng co với ngôn từ để diễn tả một cái ngoài ngôn từ thì chỉ là chuyện vô ích. Ý thức - Chidananda - là tinh thần - Purusha, ý thức là vật chất - Prakriti. Tinh thần không toàn hảo là vật chất, vật chất toàn hảo là tinh thần. Vào lúc khởi đầu cũng như vào lúc chấm dứt, tất cả là một.

Tất cả mọi phân chia đều ở trong tâm - Chitta; không có gì trong thực tại - Chit. Động và tịnh là các trạng thái của tâm, và chúng không thể có nếu không có cái đối nghịch.Tự thân không có gì động, và chẳng có gì tịnh. Cho những gì tâm tạo dựng là tồn tại tuyệt đối - là một lỗi lầm nghiêm trọng. Không có gì tự tồn tại.

H: Ông có vẻ đồng hóa tịnh với Trạng thái Tối thượng?

M: Có cái tịnh như một trạng thái của tâm - Chidaram - và có cái tịnh như một trạng thái hiện hữu - Atmaram. Cái tịnh của tâm đến rồi đi, còn cái tịnh chơn thật lại ở ngay tâm của hành động. Điều đáng tiếc là ngôn từ là một công cụ của tâm và chỉ dùng được trong phạm vi của những cái đối nghịch.

H: Khi là nhân chứng, ông động hay tịnh?

M: Nhân chứng là một kinh nghiệm, còn tịnh thì thoát ra khỏi mọi kinh nghiệm.

H: Hai cái không thể cùng tồn tại - như tiếng náo động của sóng và sự tĩnh lặng của độ sâu cùng tồn tại trong biển cả - hay sao?

M: Bên ngoài tâm không có cái gì là kinh nghiệm. Kinh nghiệm là một trạng thái nhị nguyên. Cậu không thể nói về thực tại như một kinh nghiệm. Một khi thấu hiểu điều này thì cậu không còn tìm kiếm hiện hữu và trở thành như hai cái riêng biệt và đối nghịch. Trong thực tế, chúng là một và bất khả phân, như rễ và cành của cùng một cây. Cả hai chỉ có thể tồn tại trong ánh sáng của ý thức, mà ý thức lại khởi sinh theo sau “Ta hiện hữu”. Đây là sự kiện tiên quyết. Nếu để vuột nó thì cậu để vuột tất cả.

H: Có phải cảm giác hiện hữu chỉ là một sản phẩm của kinh nghiệm? Có phải đại chân ngôn (Mahavakya) Tat-Sat chỉ là một phương thức của tâm?

M: Bất cứ gì nói ra thì chỉ là ngôn từ. Bất cứ gì tư tưởng được thì chỉ là ý nghĩ. Ý nghĩa chơn thật thì có thể chứng nghiệm được nhưng không thể giải thích được. Mahavakya là chơn thật, còn ý tưởng của cậu là hư vọng, vì tất cả ý tưởng - Kalpana - đều hư vọng.

H: Thế sự tin tưởng “Ta là Cái Đó” cũng hư vọng?

M: Dĩ nhiên. Tin tưởng là một trạng thái của tâm. Trong “Cái

Đó” không có “Ta là”. Khi ý thức “Ta là” hiện lên thì “Cái Đó” bị che khuất, cũng như khi mặt trời lên thì sao biến mất. Tương tự như ánh sáng cùng đến với mặt trời, thì hỷ lạc - Chidananda - cùng đến với ý thức về cái Ta. Con người tìm kiếm nguồn gốc của hỷ lạc trong cái “không phải Ta”, do đó ràng buộc khởi sinh.

H: Trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn luôn ý thức về trạng thái thực của ông?

M: Chẳng phải ý thức mà cũng chẳng phải vô thức. Ta không cần đến sự tin tưởng. Ta sống bằng lòng dũng cảm. Can đảm là cốt tủy của Ta, nó là tình yêu cuộc sống. Ta hoàn toàn không còn ký ức và dự tính, chẳng hề bận tâm đến Ta là cái gì hay Ta không là cái gì. Ta không lệ thuộc vào những mô tả về chính mình - SohamBrahmasmi “Ta là Ngài” “Ta là Cái Tối Thượng” đều vô ích đối với Ta. Ta có lòng dũng cảm để là: không gì cả, và thấy thế giới như chính nó là: Không gì cả. Nghe đơn giản như thế đấy, hãy thử xem!

H: Nhưng cái gì cho ông sự can đảm?

M: Cái nhìn của cậu thật lầm lạc làm sao! Can đảm có cần để được ai cho? Câu hỏi của cậu hàm ý lo âu là trạng thái bình thường còn can đảm là trạng thái bất thường. Xoay ngược lại thì mới đúng. Lo âu và hy vọng do tưởng tượng sinh ra - Ta hoàn toàn không còn cả hai. Ta chỉ là sự hiện hữu đơn thuần, Ta không cần gì để nương tựa.

H: Nếu ông không biết chính ông thì sự hiện hữu của ông có lợi lạc gì đối với ông? Để hạnh phúc với cái ông là, ông phải biết cái là ông.

M: Hiện hữu chiếu sáng là biết, biết là yêu thương nồng nhiệt. Tất cả là một. Cậu tưởng tượng ra những phân chia rồi tự băn khoăn với những câu hỏi. Đừng quá bận tâm với những công thức. Hiện hữu thuần túy thì không thể mô tả được.

H: Nếu một cái gì đó không thể biết được và không thể hưởng dụng được thì chẳng lợi lạc gì cho tôi. Trước tiên, nó phải là một phần kinh nghiệm của tôi.

M: Cậu lôi kéo thực tại xuống ngang hàng với kinh nghiệm. Làm sao thực tại có thể tùy thuộc vào kinh nghiệm khi chính nó lại là nền tảng - Adhar - của kinh nghiệm. Thực tại ở ngay trong chính thực tế của kinh nghiệm, chứ không phải trong bản chất của kinh nghiệm. Xét cho cùng, kinh nghiệm là một trạng thái của tâm, còn hiện hữu thì nhất định không thể là một trạng thái của tâm.

H: Tôi lại bối rối! Hiện hữu có tách biệt với biết?

M: Sự tách biệt chỉ là một thể hiện bề ngoài. Cũng như giấc chiêm bao không thể tách biệt với người chiêm bao, biết không thể tách rời hiện hữu. Giấc chiêm bao là người chiêm bao, cái biết là người biết, sự khác biệt đơn thuần chỉ là ngôn từ.

H: Bây giờ tôi thấy được SatChit chỉ là một. Thế còn hỷ lạc - Ananda? Hiện hữu và ý thức luôn luôn có mặt với nhau, còn hỷ lạc chỉ thỉnh thoảng mới lóe lên.

M: Trạng thái hiện hữu vô phiền nhiễu là hỷ lạc; trạng thái phiền nhiễu là cái hiển hiện thành thế giới. Hỷ lạc ở trong tính bất nhị, còn kinh nghiệm thuộc về nhị nguyên. Cái gì đến và đi là kinh nghiệm cùng với tính cách nhị nguyên - đau khổ và lạc thú - của nó. Hỷ lạc thì không thể được biết. Một người luôn luôn hỷ lạc, nhưng không bao giờ cảm thấy hỷ lạc. Hỷ lạc không phải là một thuộc tính.

H: Tôi còn một câu hỏi nữa: Một số hành giả Yogi đạt được mục đích của họ nhưng chẳng lợi lạc gì cho người khác. Họ không biết chia sẻ, hoặc không thể chia sẻ. Những người có thể chia sẻ cái họ có thì khai tâm được cho người khác. Sự khác biệt nằm ở đâu?

M: Chẳng có gì khác biệt. Cách tiếp cận sự việc của cậu không đúng. Không hề có người khác để giúp. Một người giầu có sau khi trao lại tất cả tài sản cho gia đình thì chẳng còn một xu để cho ăn mày. Người giác ngộ rũ bỏ tất cả mọi quyền thế và những gì sở hữu thì cũng giống như thế. Không gì, đúng vậy, không gì có thể nói về người giác ngộ. Người giác ngộ không thể cứu giúp một ai vì người ấy là mọi người. Người giác ngộ là người nghèo khó và cũng là sự nghèo khó, là tên trộm và cũng là sự ăn trộm. Làm sao có thể nói được rằng người giác ngộ cứu giúp khi người ấy không tách rời một ai? Người nào nghĩ mình tách biệt với thế giới thì hãy để người đó cứu giúp thế giới.

H: Nhưng vẫn còn nhị nguyên, có đau khổ nên có sự cần cứu khổ. Nếu cho rằng đau khổ chỉ là chiêm bao thì chẳng đạt được cái gì.

M: Cách duy nhất có thể cứu giúp là tỉnh giấc chiêm bao.

H: Cần phải có một người đánh thức.

M: Người đánh thức lại ở ngay trong giấc chiêm bao. Người đánh thức là báo hiệu khởi đầu của sự chấm dứt. Không có giấc chiêm bao nào là bất tận.

H: Ngay cả khi nó không có sự bắt đầu?

M: Tất cả mọi thứ đều bắt đầu với cậu. Còn cái nào là cái không có sự bắt đầu?

H: Tôi bắt đầu khi được sinh ra.

M: Đó là điều cậu nghe người khác nói lại. Có thật cậu bắt đầu khi được sinh ra? Thế cậu có thấy chính cậu bắt đầu?

H: Tôi chỉ bắt đầu ngay bây giờ. Tất cả những cái khác đều là ký ức.

M: Đúng thế. Cái không có sự bắt đầu thì luôn luôn bắt đầu. Cũng cách đó, Ta cho vô tận bởi vì Ta không có gì cả. Không là gì cả, không có gì cả, không giữ gì cả cho chính mình là sự cho nhiều nhất, là lòng hào phóng rộng rãi nhất.

H: Thế sự quan tâm đến chính mình không còn nữa?

M: Dĩ nhiên Ta quan tâm đến chính Ta, cái Ta là tất cả. Trong thực tế nó xuất hiện dưới hình thức thiện ý, không bao giờ cạn kiệt và mang tính vũ trụ. Cậu có thể gọi nó là tình yêu, là bao trùm tất cả, là cứu chuộc tất cả. Tình yêu đó vô cùng năng động - nhưng không ý thức về hành động.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh