Ta Là Cái Đó: Chương 43. “Ta Là” Thì Thật, Tất Cả Những Cái Khác Chỉ Là Suy Luận

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 43. “TA LÀ” THÌ THẬT, TẤT CẢ NHỮNG CÁI KHÁC CHỈ LÀ SUY LUẬN

Maharaj: Người nhận thức thế giới có trước thế giới, hay xuất hiện cùng với thế giới?

Hỏi: Thật là một câu hỏi lạ lùng! Vì sao ông lại đặt những câu hỏi như thế?

M: Nếu không biết câu trả lời đúng ông sẽ không tìm được sự an lạc.

H: Khi tôi thức dậy sáng nay, thế giới đã có sẵn, chờ đợi tôi. Chắc chắn là thế giới phải xuất hiện trước. Tôi cũng xuất hiện nhưng sau thế giới rất nhiều, có sớm lắm thì chỉ vào lúc tôi sinh ra. Thân xác là phương tiện trung gian giữa tôi và thế giới. Nếu không có thân xác thì không có tôi mà cũng chẳng có thế giới.

M: Thân ông xuất hiện trong tâm ông, tâm ông là nội dung ý thức của ông. Ông là nhân chứng bất động của giòng tâm thức, giòng tâm thức đó thay đổi không ngừng nhưng nó không thể nào thay đổi được ông. Tính bất biến của chính ông hiển nhiên đến độ ông không để ý đến nó. Hãy quan sát kỹ chính ông thì tất cả những hiểu lầm và ngộ nhận sẽ tan biến. Cũng như tất cả thủy vi sinh vật đều ở trong nước, chúng không thể có nếu không có nước, thì toàn thể vũ trụ đều ở trong ông và không thể hiện hữu nếu không có ông.

H: Chúng ta gọi cái đó là Thượng đế.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Thượng đế chỉ là một ý tưởng trong tâm ông. Cái thật là ông. Điều duy nhất mà ông biết chắc chắn: “Ta hiện hữu ở đây và bây giờ.” Lấy đi cái “ở đây và bây giờ” cái “Ta hiện hữu” vẫn còn, bất khả xâm phạm. Thế giới tồn tại trong ký ức, ký ức xuất hiện trong ý thức, ý thức tồn tại trong tánh biết, và tánh biết là sự phản chiếu của ánh sáng trên mặt nước của sự tồn tại.

H: Tôi vẫn không thể hiểu được vì sao thế giới có thể ở trong tôi, trong khi điều ngược lại - “Tôi ở trong thế giới” thì quá hiển nhiên.

M: Thậm chí nói rằng “Ta là thế giới, thế giới là ta” cũng là một biểu hiện của vô minh. Nhưng khi nhớ rõ tính đồng nhất của Ta với thế giới và xác định nó trong cuộc sống thì một sức mạnh sinh khởi trong Ta, sức mạnh đó tiêu diệt vô minh, thiêu hủy vô minh một cách rốt ráo.

H: Nhân chứng của vô minh có tách biệt với vô minh? Không phải khi nói rằng: “Ta vô minh” cũng là một phần của vô minh?

M: Dĩ nhiên. Ta có thể nói một cách đúng thật là: “Ta hiện hữu,” tất cả những gì còn lại đều là suy luận. Nhưng suy luận đã trở thành một thói quen. Hãy từ bỏ mọi thói quen trong suy nghĩ và thấy. Ý thức “Ta hiện hữu” là biểu hiện của một nguyên nhân sâu kín, ông có thể gọi nguyên nhân đó là Ta, là Thượng đế, là Thực tại hay bất cứ danh xưng nào. Cái “Ta hiện hữu” ở trong thế giới, nhưng nó là chìa khóa để mở cánh cửa ra ngoài thế giới. Mặt trăng nhảy múa trên nước trông như ở trong nước, nhưng được tạo ra bởi mặt trăng trên trời, chứ không phải bởi nước.

H: Tôi vẫn không nắm bắt được ý chính. Đành rằng thế giới trong đó tôi sống, đi lại và có sự hiện hữu của tôi là do chính tôi tạo ra; nó là một phóng ảnh, là sự tưởng tượng của chính tôi chiếu lên cái thế giới không biết, thế giới như nó là, thế giới của “cái tuyệt đối”, dù cái đó là bất cứ gì. Thế giới do chính tôi tạo ra có thể rất khác với cái tối thượng, hay thế giới thật, cũng như màn ảnh xi nê thì không phải là phim ảnh phóng chiếu lên nó. Tuy nhiên cái thế giới tuyệt đối đó tồn tại, hầu như không tùy thuộc vào chính tôi.

M: Gần như thế, thế giới của Thực tại Tuyệt đối - mà trong đó tâm ông phóng chiếu cái thế giới hư giả và tương đối này - không tùy thuộc vào chính ông, vì lý do rất đơn giản: nó là chính ông.

H: Thế không phải có sự mâu thuẫn trong ngôn từ? Làm sao sự không tùy thuộc lại có thể chứng minh được tính đồng nhất?

M: Hãy tìm hiểu động thái của sự thay đổi thì ông sẽ thấy. Cái có thể thay đổi - trong khi ông không thay đổi - thì được cho là không tùy thuộc vào ông. Còn cái không thay đổi thì phải là một với bất cứ cái gì khác cũng không thay đổi. Vì, nhị nguyên hàm ý tương quan qua lại, mà tương quan qua lại có nghĩa là thay đổi. Nói một cách khác, cái tuyệt đối vật chất và cái tuyệt đối tinh thần, cái hoàn toàn khách quan và cái hoàn toàn chủ quan là đồng nhất, cả về bản chất lẫn tánh thể.

H: Cũng giống như trong một cuốn phim ba chiều, ánh sáng tạo nên màn ảnh của chính nó.

M: So sánh cách nào cũng được. Nhưng điểm chính yếu cần nắm bắt là: Ông đã phóng chiếu lên chính ông một thế giới do ông tưởng tượng, dựa vào ký ức, tham ái và lo sợ, và ông đã tự giam hãm mình trong đó. Hãy đập tan sự u mê và giải thoát.

H: Làm thế nào để đập tan sự u mê?

M: Hãy khẳng định tính bất tùy thuộc của ông trong ý nghĩ và hành động. Xét cho cùng, tất cả đều bám víu vào lòng tin trong chính ông, vào sự tin tưởng rằng những gì ông thấy và nghe, tư duy và cảm thọ đều là thật. Tại sao không đặt câu hỏi về lòng tin của ông? Chẳng có gì nghi hoặc rằng thế giới này được chính ông tô vẽ lên màn ảnh của ý thức, và nó hoàn toàn là thế giới riêng tư của ông. Chỉ có ý thức “Ta hiện hữu” tuy ở trong thế giới nhưng lại không thuộc về thế giới. Không thể nào bằng cố gắng của lý luận, hay trí tưởng tượng mà ông có thể biến cái “Ta hiện hữu” thành “Ta không hiện hữu.” Trong khi phủ nhận sự hiện hữu của chính ông thì ông đã tự khẳng định nó. Một khi nhận ra rằng thế giới chỉ là phóng ảnh của chính ông thì ông thoát ra khỏi thế giới. Ông chẳng cần phải giải thoát ông ra khỏi một thế giới mà tự thân nó không tồn tại, ngoại trừ trong trí tưởng tượng của ông! Dù bức tranh đẹp xấu thế nào, ông vẫn là người vẽ ra nó chứ không phải ông tùy thuộc vào nó. Nên nhớ rằng chẳng có ai áp đặt nó lên ông, mà do thói quen của ông cho tưởng tượng là có thật. Thấy tưởng tượng là tưởng tượng thì không còn sợ hãi.

Cũng như mầu sắc của tấm thảm này hiển hiện nhờ ánh sáng, nhưng ánh sáng thì không phải mầu sắc; thế giới này được ông tạo ra nhưng ông không phải là thế giới.

Ông có thể gọi cái tạo ra và duy trì thế giới là Chúa, là Thượng đế, nhưng tối hậu ông vẫn là bằng chứng xác minh Thượng đế tồn tại, thay vì ngược lại. Vì, trước khi bất cứ câu hỏi nào về Thượng đế được đặt ra thì phải có ông để đặt câu hỏi.

H: Thượng đế là một kinh nghiệm trong thời gian, còn người kinh nghiệm thì vô thời.

M: Ngay cả người kinh nghiệm cũng là thứ yếu. Chính yếu vẫn là sự mênh mông vô hạn của ý thức, cái khả năng vô tận, cái tiềm năng vô biên của tất cả những gì đã là, đang là, và sẽ là. Khi nhìn bất cứ gì, ông đều thấy cái tối hậu, nhưng ông lại tưởng tượng rằng ông thấy một đám mây, hay một cái cây.

H: Hãy học cách nhìn mà không tưởng tượng, nghe mà không xuyên tạc, chỉ thế thôi. Hãy chấm dứt gán ghép danh xưng, hình tướng cho cái hoàn toàn vô danh xưng, vô hình tướng; hãy nhận ra rằng mọi trạng thái nhận thức đều chủ quan, có nghĩa là bất cứ gì được thấy, nghe, sờ mó, nếm ngửi, cảm thọ, hay tư duy - được mong đợi hay tưởng tượng - đều ở trong tâm chứ không phải ở trong thực tại, lúc đó ông sẽ chứng nghiệm sự an lạc và vô úy.

Ngay cả ý thức “Ta hiện hữu” gồm có ánh sáng thuần túy và ý thức hiện hữu. Cái “Ta” vẫn có đó dù cho không có “hiện hữu.” Ánh sáng thuần túy cũng thế, nó vẫn có đó dù ông có nói “Ta” hay không. Biết được ánh sáng thuần túy đó thì không bao giờ ông có thể mất nó. Tính hiện hữu trong hiện hữu, tánh biết trong ý thức, sự hiểu biết trong mỗi kinh nghiệm thì không thể mô tả được, nhưng hoàn toàn có thể tiếp cận được, vì không còn cái gì khác.

H: Ông nói về thực tại một cách trực tiếp - như là nguyên nhân đầu tiên, trùm khắp, thường tại, bất diệt, biết rõ tất cả, là nguồn năng lực của tất cả. Nhiều đạo sư khác không bao giờ bàn về thực tại. Họ bảo rằng thực tại ở ngoài tâm, trong khi mọi bàn luận đều ở trong phạm trù của tâm, tức là ngôi nhà của sự hư giả. Phương cách của họ là phủ định, họ chỉ ra cái hư giả và thoát ra khỏi cái hư giả để vào cái thật.

M: Sự khác biệt chỉ ở trong ngôn từ. Khi nói về cái thật, Ta nói nó là cái bất hư giả, vô xứ, vô thời, vô nhân duyên, vô thủy và vô chung. Rốt cuộc thì cũng thế. Ngôn từ chẳng quan trọng, miễn là nó đưa đến sự giác ngộ. Đẩy hay kéo một cái xe thì có gì quan trọng, miễn là ông làm nó chuyển động. Có khi ông bị thu hút bởi thực tại, và có khi ông cảm thấy bị xô đẩy ra khỏi cái hư giả; chúng là những trạng thái thay đổi nhau,cả hai đều cần thiết cho sự giải thoát hoàn toàn. Ông có thể đi con đường này hay con đường khác - nhưng mỗi lần ông đi nó đều là con đường đúng vào lúc đó; hãy đi một cách nhiệt tình, đừng phí thời gian nghi ngờ hay chần chờ do dự. Có nhiều loại thức ăn để nuôi lớn một đứa trẻ, nhưng hành động ăn thì như nhau. Về mặt lý thuyết - tất cả mọi phương cách đều tốt. Trong thực hành, và vào một lúc nhất định nào đó, ông chỉ có thể đi theo một con đường. Không sớm thì muộn chắc chắn ông sẽ nhận ra rằng nếu thực sự muốn tìm, ông phải đào một nơi duy nhất: bên trong.

Cái mà ông tìm kiếm - sự hiện hữu - biết được cái Ta của ông, và sự an lạc vĩ đại đi cùng với nó thì cả thân lẫn tâm đều không thể cho ông.

H: Chắc chắn mỗi phương cách đều có giá trị và hiệu nghiệm riêng.

M: Trong mỗi trường hợp giá trị là ở chỗ đưa ông đến với sự cần thiết phải tìm kiếm bên trong. Đùa giỡn với nhiều phương cách khác nhau có thể là do ngần ngại đi vào bên trong, lo sợ phải từ bỏ ảo tưởng mình là một cái gì đó hay một ai đó riêng biệt. Muốn tìm nước ông không cần phải đào nhiều hố cạn khắp nơi, mà chỉ cần đào thật sâu ở một chỗ. Tương tự như thế, muốn tìm ra cái Ta của ông thì ông phải khám phá chính ông. Khi nhận ra rằng ông là ánh sáng của thế giới thì ông cũng nhận ra ông là tình yêu thế giới, vì biết là yêu và yêu là biết.

Trong tất cả các tình cảm, lòng yêu thương chính mình đến trước tiên. Tình yêu của ông đối với thế giới chỉ là phản ảnh tình yêu của ông đối với chính ông, vì thế giới của ông là sự sáng tạo của chính ông. Ánh sáng và tình yêu thì không của riêng ai, nhưng cả hai được phản chiếu trong tâm ông thành sự biết chính mình và ước muốn chính mình tốt lành. Chúng ta luôn luôn thân mật với chính mình, nhưng không thường xuyên hiểu biết. Yogi là người kết hợp thiện ý với trí tuệ.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh