Ta Là Cái Đó: Chương 37. Tu Tập Tâm Linh Là Ý Chí Được Khẳng Định Và Tái Khẳng Định

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 37. TU TẬP TÂM LINH LÀ Ý CHÍ ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH VÀ TÁI KHẲNG ĐỊNH

Hỏi: Những người Tây phương thỉnh thoảng vẫn đến gặp ông đều đối diện với một sự khó khăn có tính cách đặc thù. Họ hoàn toàn không có ý niệm về người giải thoát, người giác ngộ, người tự giác, người biết được Thượng đế, người siêu vượt thế gian. Tất cả những gì họ có trong nền văn hóa Thiên Chúa giáo là ý tưởng về một vị thánh: Một người ngoan đạo, tuân thủ luật pháp, kính sợ Thượng đế, yêu thương tín hữu, siêng năng cầu nguyện, thỉnh thoảng nhập vào trạng thái xuất thần và được xác nhận bằng một vài phép lạ. Ý tưởng về một bậc giác ngộ - Gnani - hoàn toàn xa lạ trong nền văn hóa Tây phương, nó có vẻ lạ lùng và khó tin. Cho dù người Tây phương có chấp nhận sự tồn tại của một Gnani thì họ vẫn nhìn người đó với sự ngờ vực, và do đó là một trường hợp hưng phấn tự cảm ứng, kết quả của những tư thế kỳ quái của thân xác và những thái độ tâm lý. Ý tưởng về một cảnh giới mới trong ý thức đối với họ hình như huyễn hoặc và có vẻ viễn vông.

Cách giúp họ tốt nhất là tạo cơ hội để họ được nghe một Gnani thuật lại chính kinh nghiệm giác ngộ, các nguyên nhân và những bước đầu, sự tiến bộ và những chứng đắc, cùng với phép tu tập thực tế trong cuộc sống thường ngày. Hầu hết những gì vị Gnani nói ra có vẻ rất xa lạ, thậm chí còn vô nghĩa, nhưng vẫn để lại một cảm nhận về thực tại, một không khí của sự chứng nghiệm thực sự, không thể diễn tả được, nhưng rất thật, một trung điểm mà từ đó người ta có thể sống một cuộc đời mẫu mực.

Maharaj: Kinh nghiệm đó có lẽ là không thể truyền đạt được. Liệu một người có thể truyền đạt được một kinh nghiệm?

H: Được chứ, nếu người đó là một nghệ sĩ. Tinh hoa của nghệ thuật là truyền đạt cảm xúc, và kinh nghiệm.

M: Để tiếp nhận sự truyền đạt, ông phải sẵn sàng tiếp thu.

H: Dĩ nhiên. Phải có một cái máy thu. Nhưng máy phát không phát thì máy thu dùng để làm gì?

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

M: Gnani thuộc về tất cả. Gnani bố thí chính mình một cách không mệt mỏi và trọn vẹn cho bất cứ ai tìm đến. Nếu không bố thí thì người đó không phải một Gnani. Gnani chia sẻ bất cứ gì mình có.

H: Nhưng liệu Gnani có thể chia sẻ cái mà người ấy ?

M: Ông muốn nói rằng liệu một Gnani có thể biến người khác thành Gnani? Có và không. Không, vì các Gnani không được tạo ra, họ nhận ra chính mình là như thế khi họ trở về với cội nguồn, với bản tánh chơn thật của họ. Ta không thể biến ông thành cái mà ông đã là như thế. Tất cả những gì Ta chỉ có thể nói với ông là con đường mà Ta đã đi qua, và Ta mời ông đi con đường đó.

H: Điều đó không trả lời câu hỏi của tôi. Tôi có trong tâm một con người Tây phương hay phê phán và hoài nghi, con người đó phủ nhận sự khả hữu của bất cứ trạng thái ý thức siêu việt nào. Gần đây, ma túy đã phá vỡ sự hoài nghi cố hữu, nhưng không ảnh hưởng đến quan niệm duy vật của người đó. Ma túy hay không phải ma túy, thân xác vẫn là yếu tố căn bản, còn tâm chỉ là thứ yếu. Ra khỏi tâm, người ta không thấy gì cả. Từ Đức Phật trở về sau, các trạng thái giác ngộ chính mình đều được mô tả bằng những từ ngữ phủ định, như “không phải cái này, không phải cái kia.” Có phải phủ định là tất yếu? Nếu không thể mô tả thì người ta không thể minh họa nó hay sao? Tôi công nhận rằng không sự mô tả nào bằng ngôn từ lại có thể chính xác, khi trạng thái được mô tả vượt ra khỏi ngôn từ. Nhưng nó vẫn ở trong vòng ngôn từ chứ. Thơ là một nghệ thuật diễn tả bằng ngôn từ cái không thể diễn tả được.

M: Chẳng thiếu gì các nhà thơ tôn giáo. Hãy đến gặp họ để tìm cái ông muốn. Với Ta, sự chỉ giáo rất đơn giản: Cứ tin Ta một thời gian và làm những gì Ta bảo. Nếu kiên nhẫn, ông sẽ nhận ra sự tin tưởng của ông là chính đáng.

H: Nhưng đối với những người hoàn toàn không tin mà chỉ quan tâm thì sao?

M: Nếu ở gần Ta họ có thể tin Ta. Khi đã tin họ sẽ làm theo những gì Ta chỉ dẫn, và tự tìm ra cho chính họ.

H: Tôi không hỏi về sự tu tập mà tôi hỏi về kết quả. Ông có cả hai. Ông sẵn sàng chỉ cho chúng tôi cách tu tập, nhưng khi hỏi về kết quả thì ông không chịu chia sẻ. Hoặc là ông nói trạng thái của ông siêu vượt ngôn từ, hoặc là ông nói chẳng có gì khác biệt, và những gì chúng tôi thấy có sự khác biệt thì ông thấy không. Trong cả hai trường hợp chúng tôi đều bị hụt hẫng, không biết rõ được trạng thái của ông.

M: Làm sao ông có thể biết rõ được trạng thái của Ta khi ông không biết rõ trạng thái của chính ông? Khi chính công cụ để hiểu không có thì điều quan trọng không phải là tìm nó trước hay sao? Điều ông nói chẳng khác nào một người mù muốn học vẽ tranh trước khi lấy lại được thị giác. Ông muốn biết trạng thái của Ta - thế ông có biết trạng thái của vợ ông, hay của người giúp việc cho ông?

H: Tôi chỉ muốn hỏi một vài gợi ý.

M: Được, Ta cho ông một gợi ý vô cùng quan trọng - ở đâu ông thấy sự khác biệt thì Ta không thấy. Đối với Ta thế là đủ. Nếu ông nghĩ nó vẫn chưa đủ thì Ta chỉ có thể lập lại: Thế là đủ. Hãy suy gẫm điều đó thật sâu xa, và ông sẽ thấy chỗ Ta thấy.

Ông muốn có một sự sáng suốt tức thời mà quên rằng cái tức thời bao giờ cũng theo sau một tiến trình chuẩn bị lâu dài. Quả rụng tức thời nhưng tiến trình chín mùi đòi hỏi phải có thời gian.

Xét cho cùng, khi Ta bảo hãy tin Ta thì sự tin tưởng chỉ là một thời gian ngắn, vừa đủ để ông bắt đầu. Sự thành khẩn càng nhiều thì sự tin tưởng ông cần càng ít, vì chẳng bao lâu ông sẽ thấy niềm tin ông đặt nơi Ta là chính đáng. Ông muốn Ta chứng tỏ với ông rằng Ta là một người khả tín! Làm sao Ta làm được điều đó, và việc gì Ta phải làm như thế? Xét cho cùng, những gì Ta nói với ông chỉ là phương cách tiếp cận có thể sử dụng được, rất hiện hành trong khoa học Tây phương. Sau khi nghe một khoa học gia mô tả một thử nghiệm và những kết quả của nó, thông thường ông chấp nhận những phát biểu của nhà khoa học dựa trên sự tin tưởng, rồi ông làm lại cuộc thử nghiệm theo sự mô tả. Một khi đã đạt được cùng kết quả hay kết quả tương tự, ông chẳng cần tin nhà khoa học kia nữa mà ông tin kinh nghiệm của chính ông. Được khuyến khích, ông tiến hành và cuối cùng đạt được những kết quả rất tương tự.

H: Cái tâm của người Ấn đã được chuẩn bị bởi sự giáo dục và nền văn hóa Ấn Độ để sẵn sàng cảm nhận các kinh nghiệm siêu hình. Đối với người Ấn những từ ngữ như “trực nhận Thực tại Tối thượng” là có ý nghĩa và đem lại những phản ứng từ tận cùng sâu thẳm của hiện hữu. Đối với người phương Tây thì chúng chẳng có ý nghĩa gì mấy; mặc dù được giáo dục với một giáo lý đa dạng như Thiên Chúa giáo, nhưng người phương Tây không dám tư duy vượt ra ngoài sự tuân thủ những điều răn của Chúa, và các lời dạy của Đấng Christ. Đối với họ sự hiểu biết trực tiếp về thực tại không những vượt quá tham vọng, mà còn ở ngoài nhận thức. Có mấy người Ấn đã bảo tôi: “Vô vọng. Người phương Tây sẽ không thể, vì họ không thể. Đừng nói với họ một điều gì về sự giác ngộ chính mình; cứ để họ sống một cuộc sống hữu ích rồi nhờ đó được tái sinh ở Ấn Độ. Lúc đó thì may ra.” Lại có người nói: “Thực tại dành cho tất cả một cách đồng đều, nhưng không phải tất cả được hưởng một cách đồng đều cái khả năng nắm bắt nó. Khả năng đi cùng với ước muốn sẽ trở thành lòng sùng tín, và tối hậu sẽ là dâng hiến trọn vẹn chính mình. Với lòng chính trực và nhiệt thành, cũng như ý chí sắt đá để vượt qua mọi trở ngại, người phương Tây có cùng một cơ hội như người phương Đông. Tất cả những gì người phương Tây cần là phát khởi sự quan tâm.” Để phát khởi sự quan tâm hiểu biết chính mình, người phương Tây cần phải được thuyết phục về những lợi ích của nó.

M: Ông tin rằng một kinh nghiệm cá nhân có thể trao truyền được?

H: Tôi không rõ. Ông nói về sự hợp nhất, tính đồng nhất giữa người thấy và cái bị thấy. Khi tất cả là một thì sự truyền đạt là khả thi.

M: Muốn có kinh nghiệm trực tiếp về một đất nước nào đó ông phải đến đó sinh sống. Đừng đòi hỏi cái bất khả. Thắng lợi tâm linh của một người chắc chắn đem lại lợi lạc cho nhân loại, nhưng chỉ để lợi lạc cho một cá nhân khác thì cần phải có một quan hệ thân cận giữa hai người. Một quan hệ như thế không phải tình cờ, và không phải ai cũng có thể có được. Mặt khác, để đem lại lợi lạc cho mọi người thì còn có phương pháp rất khoa học: “Tin - Thử Trải qua” (Trust - Test - Taste) ông còn cần gì hơn nữa? Việc gì phải cố nhồi nhét Chân lý xuống những cuống họng không muốn nuốt? Dù có bằng cách nào đi nữa thì điều đó cũng không thể thực hiện được. Nếu không có người nhận, người cho có thể làm được gì?

H: Tinh hoa của nghệ thuật là vận dụng hình thức bên ngoài để chuyển tải một kinh nghiệm nội tại. Dĩ nhiên, một người phải bén nhạy với cái bên trong thì cái bên ngoài mới có thể có ý nghĩa. Một người phát triển tính bén nhạy bằng cách nào?

M: Dù ông có nói kiểu gì thì rốt cục cũng thế. Người cho thì nhiều, người nhận ở đâu?

H: Ông không thể chia sẻ sự bén nhạy của ông?

M: Được chứ, nhưng chia sẻ là một con đường hai chiều. Trong chia sẻ phải có hai. Ai là kẻ sẵn sàng nhận cái Ta sẵn sàng cho?

H: Ông bảo chúng ta là một. Như thế chưa đủ sao?

M: Ta là một với ông. Nhưng ông có là một với Ta không? Nếu là một với Ta thì ông đâu có hỏi. Nếu ông không là một với Ta, nếu ông không thấy như Ta thấy, thì ngoài cách chỉ ông nhìn rõ hơn, liệu Ta còn làm được gì khác?

H: Cái ông không thể cho được thì không phải là của chính ông.

M: Ta chẳng nhận cái gì là của riêng Ta. Khi cái “Ta” không có thì “cái của Ta” ở đâu? Hai người cùng nhìn một cái cây. Một người thấy quả ẩn giấu sau lá, còn người kia thì không. Ngoài ra chẳng có gì khác biệt giữa hai người. Người thấy biết rằng chỉ cần một chút chú ý thì người kia cũng có thể thấy, vấn đề chia sẻ chẳng cần phải đặt ra. Cứ tin Ta đi, Ta không phải là kẻ keo kiệt giữ lại phần chia thực tại của ông. Trái lại, Ta hoàn toàn là của ông, cứ ăn Ta và uống Ta đi. Ông không ngừng lập đi lập lại “cho, cho” nhưng chẳng làm gì để nhận cái cho. Ta chỉ cho ông một con đường ngắn và dễ dàng để ông có thể thấy như Ta thấy, thì ông cứ khư khư với những thói quen tư duy, cảm thọ và hành động cũ, rồi trút mọi trách móc lên Ta. Ta chẳng có gì mà ông không có. Hiểu biết chính mình không phải là một món tài sản để có thể cho và nhận. Nó hoàn toàn là một cảnh giới mới, trong đó không có gì để cho và nhận.

H: Ít ra ông có thể cho chúng tôi một sự hiểu biết nào đó về nội dung của tâm ông trong lúc ông sống cuộc sống thường ngày.

Ăn, uống, trò chuyện và ngủ - ông cảm thấy thế nào?

M: Đối với những sinh hoạt thường ngày của đời sống: Ta kinh nghiệm cũng như ông. Sự khác biệt là những gì Ta không kinh nghiệm: Ta không sợ hãi, tham lam, sân hận. Ta không van xin, không từ chối, và không giữ lại bất cứ gì. Ta không lừng khừng trong những cái như thế. Có lúc đó là sự khác biệt nổi bật giữa ông và Ta. Ta không lừng khừng, Ta rất thật với chính Ta, trong khi ông sợ hãi thực tại.

H: Theo quan điểm của người phương Tây, có một cái gì đó bất ổn trong cách của ông. Ngồi một mình trong một góc nào đó, và lải nhải: “Ta là Thượng đế, Thượng đế là Ta” thì rõ ràng là điên. Làm sao có thể thuyết phục một người phương Tây rằng những cách tu tập như thế sẽ đưa đến sự sáng suốt tối thượng?

M: Cả người tự xưng là Thượng đế, lẫn kẻ hoài nghi Thượng đế đều bị đánh lừa. Họ nói trong chiêm bao.

H: Nếu tất cả đều là chiêm bao thì cái gì tỉnh thức?

M: Làm sao có thể mô tả trạng thái tỉnh thức bằng ngôn ngữ của xứ chiêm bao. Ngôn từ không thể diễn tả, chúng chỉ là những biểu tượng.

H: Một lần nữa ông lại viện cớ rằng ngôn từ không thể chuyên chở thực tại.

M: Nếu ông muốn ngôn từ, Ta sẽ cho ông một số cổ tự đầy công năng. Ông cứ tụng những cổ tự đó và chúng sẽ đem lại sự màu nhiệm.

H: Ông nghiêm túc đấy chứ? Ông bảo một người phương Tây lập đi lập lại những tiếng “Om”, “Ram”, “Hare Krishna” bất kể người đó không có chút tín tâm, và sự tin tưởng phát sinh từ một nền văn hóa và tôn giáo đúng đắn. Nếu không có sự tin tưởng và lòng nhiệt thành, mà chỉ lập đi lập lại một cách máy móc một số tiếng nào đó, thì liệu một người có đạt được gì không?

M: Tại sao không? Chính sự thúc giục, động cơ tiềm ẩn mới quan trọng, chứ không phải hình thức của nó. Nếu chỉ vì mục đích tìm kiếm cái Ta chơn thật, một người dù có làm gì đi nữa thì cũng sẽ đến được với chính mình.

H: Mà không cần tin vào tính hiệu quả của phương tiện?

M: Không cần tin, tức không mong cầu kết quả. Ở đây chỉ hành động mới đáng kể. Bất cứ gì ông làm vì chân lý sẽ đưa ông đến chân lý. Chỉ cần thành khẩn và chân thật. Hình thức thể hiện chẳng quan trọng.

H: Thế thì sự biểu lộ ước muốn của mình cần thiết ở chỗ nào?

M: Không cần. Chẳng làm gì cũng tốt. Chỉ cần ước muốn, mà ước muốn đó không bị sao lãng bởi ý nghĩ và hành động; ước muốn thuần túy và tập trung sẽ đưa ông đến đích mau chóng. Chính động cơ chơn thật mới quan trọng, chứ không phải phương cách.

H: Khó tin quá! Làm sao một sự lập đi lập lại tẻ nhạt trong buồn chán, gần như tuyệt vọng, lại có kết quả?

M: Ngay chính thực tế của sự lập đi lập lại, của sự phấn đấu liên tục, tính nhẫn nại và lòng kiên trì, bất kể sự nhàm chán, tuyệt vọng, và hoàn toàn không có sự tin tưởng là vô cùng thiết yếu. Tự thân những yếu tố đó không quan trọng, nhưng sự thành khẩn đằng sau chúng mới là tất cả những gì quan trọng. Phải có một lực đẩy bên trong và một lực kéo bên ngoài.

H: Những câu hỏi của tôi là điển hình của phương Tây. Bên đó người ta suy nghĩ theo tương quan nhân quả, phương tiện và cứu cánh. Người phương Tây không thấy khả dĩ có liên quan nhân quả giữa một từ ngữ nào đó với Thực tại Tuyệt đối.

M: Chẳng có liên quan nào cả. Nhưng có sự liên quan giữa từ ngữ và ý nghĩa của nó, giữa hành động và nguyên do. Tu tập tâm linh là ý chí được khẳng định và tái khẳng định. Người không táo bạo thì khi được cho cái thật cũng không dám nhận. Sự ngần ngại phát sinh từ sợ hãi là chướng ngại duy nhất.

H: Có cái gì để sợ?

M: Cái không thể biết. Cái không hiện hữu, không biết, không

làm. Cái bên ngoài.

H: Ý ông muốn nói là ông có thể chia sẻ phương cách đã đưa ông đến chứng đắc, nhưng ông không thể chia sẻ được kết quả?

M: Dĩ nhiên là Ta có thể chia sẻ được kết quả, và Ta luôn luôn làm như thế. Nhưng ngôn ngữ của Ta là ngôn ngữ im lặng. Hãy học cách lắng nghe và hiểu.

H: Tôi không cho rằng một người có thể bắt đầu mà không có sự tin tưởng.

M: Hãy ở với Ta một thời gian, hoặc dành hết tâm trí cho những gì Ta nói, và làm theo, rồi sự tin tưởng sẽ khởi sinh.

H: Không phải ai cũng có dịp gặp ông.

M: Hãy gặp cái Ta của chính ông. Hãy ở với cái Ta của chính ông, lắng nghe nó, tuân theo nó, yêu quí nó, lúc nào cũng để nó trong tâm. Ông chẳng cần sự hướng dẫn nào khác. Chừng nào sự thôi thúc đi tìm chân lý của ông tác động đến đời sống thường ngày của ông thì tất cả mọi chuyện đều tốt đẹp đối với ông. Hãy sống cuộc sống của ông và đừng gây đau khổ cho ai. Không hại người là một hình thức Yoga mãnh liệt nhất, nó sẽ đưa ông đến đích của ông một cách nhanh chóng. Ta gọi đó là Nisarga Yoga - Yoga Tự Nhiên. Đó là nghệ thuật sống trong sự an lạc và hài hòa, trong sự thân thiện và tình yêu. Quả của nó là hạnh phúc, sẵn có và vô tận.

H: Tuy nhiên, tất cả những điều này vẫn hàm ý một sự tin tưởng nào đó.

M: Hãy quay vào trong và ông sẽ tin tưởng chính ông. Còn mọi chuyện khác, sự tin tưởng sẽ đến cùng với kinh nghiệm.

H: Khi một người bảo tôi rằng người đó biết một cái gì đó mà tôi không biết, thì tôi có quyền hỏi lại: “Cái gì là cái ông biết mà tôi không biết?”

M: Nếu người đó bảo ông cái đó không thể diễn tả được bằng ngôn từ?

H: Thế thì tôi quan sát kỹ người đó và cố tìm ra.

M: Đó chính là điều mà Ta muốn ông làm! Hãy quan tâm, chú

ý, cho đến khi một sự hiểu biết lẫn nhau được dựng lập. Lúc đó sự chia sẻ sẽ dễ dàng. Thật ra mà nói, tất cả sự giác ngộ chỉ là chia sẻ. Ông nhập vào một ý thức rộng lớn hơn và chia sẻ trong đó. Ngần ngại đi vào và chia sẻ là chướng ngại duy nhất. Ta không bao giờ nói về sự khác biệt, vì đối với Ta sự khác biệt không hề có. Ông cho là có, vậy hãy chỉ những khác biệt đó cho Ta xem. Bằng mọi cách, hãy chỉ cho Ta thấy những khác biệt. Để hiểu vì sao đối với Ta không có sự khác biệt thì ông phải hiểu Ta, và lúc đó ông sẽ không còn nói đến những khác biệt. Hiểu thấu đáo một điều, và như thế là ông đã đến. Sự ngăn trở không cho ông biết không phải là vắng thiếu cơ hội, mà là vắng thiếu khả năng tập trung trong tâm ông cái ông muốn hiểu. Nếu ông giữ được trong tâm cái ông không biết thì nó sẽ phơi bày những bí mật của nó với ông. Nhưng nếu ông hời hợt và thiếu kiên nhẫn, không đủ nhiệt tình để quan sát và chờ đợi, thì ông chỉ là một đứa trẻ khóc lóc đòi trăng.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh